Header Ads

  • Breaking News

    nguyenvanphu - Báo chí kinh tế làm gì?

    Phải thừa nhận với nhau là người dân Việt Nam rất năng động trong tìm kiếm cơ hội làm ăn; đồng thời họ xoay chuyển rất nhanh mỗi khi có thay đổi trong môi trường kinh doanh – những xoay chuyển không một trường lớp hay khóa học quản trị kinh doanh nào có thể dạy được. Chúng ta cứ thử đảo qua một vòng xem hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng, cửa tiệm mở sạp bán lẻ trên Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo – một hoạt động trước đây chủ tiệm có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Họ tiếp nhận đơn hàng, đóng gói, giao hàng cho bên vận chuyển… một cách chuyên nghiệp.

    Hiệu quả không kém là hàng ngàn tiệm ăn khác dùng máy tính bảng nhận “order” của khách thông qua các ứng dụng đặt mua thức ăn như Now hay Grab Food, chuẩn bị món ăn theo yêu cầu của khách trong khi chờ người giao hàng đến lấy. Rồi hàng chục ngàn người khác lên Facebook vừa rao, vừa giao tiếp, vừa bán hàng. Rất nhiều người thành thạo các hoạt động mua bán theo kiểu “drop shipping”, tức chỉ đứng giữa, nhận đơn hàng, đặt mua ở bên thứ ba rồi nhận hàng về giao, ăn chênh lệch. Không trường lớp nào dạy họ cả.

    Nếu tua nhanh mấy chục năm hoạt động kinh tế vừa qua, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện và biến mất của nhiều loại hình kinh doanh, từ chuyện đặt cái tủ bơm hộp quẹt ga đến cho thuê băng VHS, chuyển sang cho thuê đĩa DVD; từ chạy xe ôm đứng đầu ngõ chờ khách quen đến dùng điện thoại di động nhận khách… cứ thế người dân thích nghi với mọi thay đổi, vẫn tìm ra con đường mưu sinh mới khi cơ hội cũ không còn nữa. Không ai có thể bày cho họ trừ phi chính họ tìm hiểu, học hỏi để tự chuyển đổi.

    Một nhầm tưởng của nhiều người làm báo kinh tế là cứ nghĩ doanh nhân hay người làm ăn đọc báo họ để tìm cơ hội làm ăn, để học kinh nghiệm của người đi trước; thậm chí có người làm báo còn ảo tưởng báo bày cho người đọc cách làm ăn theo đúng xu hướng mới. Không hề có chuyện đó. Ở góc cạnh này điều báo chí kinh tế chưa làm được là chưa nắm được hết những chuyển biến mau lẹ của thế giới kinh doanh là đằng khác. Ví dụ báo chí đưa tin ngành thuế thu hàng tỷ đồng từ những người có thu nhập “khủng” từ Google hay Apple nhưng đã có bài viết nào viết về họ, tài năng nào giúp họ lấy được tiền từ các gã công nghệ khổng lồ, con đường làm ăn của họ như thế nào, bắt đầu từ đâu và giới trẻ có thể học được gì từ họ. Đã có báo nào viết về mạng lưới những người đấu thầu nhận việc từ xa, từ thiết kế đến dịch thuật, từ đồ họa đến nhập dữ liệu hiện đang ở Việt Nam nhưng vẫn làm cho các công ty ở Nhật, Anh, Úc, Mỹ…

    Vậy báo chí kinh tế để làm gì? Báo chí sinh ra là do nhu cầu thông tin của xã hội – báo chí kinh tế cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đầu thập niên 1990 khi chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ngay lập tức nảy sinh nhu cầu cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, tin cậy được cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Không hẹn mà nên, cả ba tờ báo kinh tế lớn của Việt Nam ra đời trong thời điểm đó trong đó có tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu năm 2021 nay kỷ niệm đúng 30 năm ngày thành lập. Những người làm báo lúc đó chắc chắn không hề có suy nghĩ làm báo để bày cho họ cách làm ăn; ngược lại là khác, người làm báo phải nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp từ bên ngoài để chuyển tải vào cho nhà đầu tư trong nước. Cả quan chức quản lý lẫn nhà hoạch định chính sách vẫn đang còn mò mẫm, vừa làm vừa học; lúc đó, điểm chung của mọi người là thông tin và báo chí kinh tế trước tiên phải đóng trọn vẹn vai trò làm cầu nối thông tin cho các bên tham gia vào hoạt động kinh tế.

    Những năm tháng đầu tiên, ngày nào tờ Vietnam Investment Review cũng nhận trong hộp thư bưu điện hàng chục tấm ngân phiếu trả tiền đặt mua báo. Đĩa CD tập hợp các bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn bán chạy. Hãng tin Reuters ký kết hợp đồng mua nội dung của tờ Saigon Times Daily và Weekly để đưa lên cơ sở dữ liệu của họ, loại cơ sở dữ liệu mà các nhà đầu tư lớn đều mua quyền truy cập từ mọi nơi trên thế giới. Nhà đầu tư đói thông tin và các tờ báo kinh tế sống được và phát triển mạnh là nhờ đáp ứng nhu cầu đó.

    Thập niên 1990 lúc Việt Nam vừa mới chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với tinh thần bao cấp là chính sang nền kinh tế thị trường sơ khai là một thời điểm thú vị cho những người làm báo kinh tế. Để cung cấp thông tin cho người đọc, báo phải tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, cả nhà hoạch định chính sách lẫn phản hồi của nhà đầu tư. Từ đó nảy sinh vai trò thứ nhì của báo chí – góp ý, phản biện chính sách vì lợi ích chung của nền kinh tế lẫn lợi ích của doanh nghiệp. Đây là một con đường chông gai bởi quy luật kinh tế thị trường có đặc điểm là thường ngược với lô-gich thông thường. Chẳng hạn các phiên bản đầu tiên của Luật Doanh nghiệp đều quy định số vốn tối thiểu phải có khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay giai đoạn đầu mọi văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đều phải tuyển nhân sự thông qua một công ty dịch vụ của nhà nước. Từng có thời chủ tịch một tỉnh yêu cầu chỉ được tiêu thụ bia hay xi măng do nhà máy của tỉnh làm ra chứ không được mua sản phẩm của tỉnh khác!

    Ở góc độ vĩ mô, báo chí kinh tế đấu tranh cho một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân; cho quyền tự do kinh doanh của mọi người; cho sự giảm bớt can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh… Khi đóng vai làm diễn đàn ngôn luận, báo chí đăng tải các cuộc tranh luận như nên liên doanh hay cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nên ưu tiên cho xuất khẩu hay làm hàng thay thế hàng nhập khẩu, có nên tiếp tục dùng thuế làm công cụ bảo hộ cho sản xuất trong nước, nên mở cửa thị trường tài chính đến mức độ nào… Phần nào đó từ các cuộc tranh luận này cộng với thực tế, đã hình thành các chính sách vĩ mô dần dần đưa đất nước ta vào chỗ hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới.

    Một vai trò thứ ba của báo chí kinh tế là giúp kết nối doanh nghiệp với xã hội để họ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Ở đây không đơn thuần là các chương trình thiện nguyện hay hoạt động xã hội như doanh nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, cấp học bổng, đào tạo nghề; nó còn là nơi để cộng đồng giám sát doanh nghiệp không để gây tổn hại cho môi trường, không đối xử tệ với công nhân, có trách nhiệm cao nhất với sản phẩm mình làm ra hay dịch vụ mình cung cấp.

    Trong giai đoạn số hóa mọi hoạt động kinh tế như hiện nay, người kinh doanh không hề thiếu thông tin nhưng không vì thế mà báo chí kinh tế đánh mất vai trò. Nếu như thập niên 1990 chúng ta chập chững bước vào một nền kinh tế thị trường từ thói quen được bao cấp thì nay chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của nền kinh tế khi các nguyên tắc cũ không còn đúng nữa. Liệu nền kinh tế chia sẻ là tốt cho xã hội hay sẽ vắt cùng kiệt sức lực của người lao động tham gia đồng thời tước đi của họ mọi quyền lợi lẽ ra doanh nghiệp phải cung cấp? Sự độc quyền của các công ty công nghệ đem lại sản phẩm miễn phí cho người tiêu dùng hay bóp nghẹt cạnh tranh, biến người dùng thành chính sản phẩm đem ra bán? Liệu khái niệm công bằng có mở rộng ra để các nơi kinh doanh có doanh thu như Netflix, Facebook, Airbnb hay người chạy xe cho Grab phải nộp thuế sòng phẳng? Tiền kỹ thuật số chỉ là màn lừa đảo của giới đầu cơ hay nó là tương lai của đồng tiền một nước?

    Thông tin không thôi không đủ cho người kinh doanh trả lời các câu hỏi đó. Chỉ có một diễn đàn tranh luận đến cùng, với sự tôn trọng quyền nói lên ý kiến của mình, bảo đảm mọi phát ngôn là có trách nhiệm mới có thể giúp xã hội trả lời các vấn đề mà nền kinh tế chuyển đổi đang đặt ra. Và báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí kinh tế, chứ không phải mạng xã hội, mới có thể đóng vai trò cung cấp một diễn đàn như thế. Cuộc sống luôn đặt ra các bài toán cần lời giải; 30 năm trước là đề bài khác, 30 năm sau là đề bài khác, chẳng hạn năm 2020 đề bài bất ngờ là làm cách nào để đối phó với đại dịch Covid-19. Cái không thay đổi là sự đồng hành của báo chí, người làm kinh doanh và người làm chính sách để cùng nhau giải các bài toán của thời đại đặt ra.

    http://nguyenvanphu.blogspot.com/2021/03/bao-chi-kinh-te-lam-gi.html

    Không có nhận xét nào