Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quốc Tấn Trung - Công nghiệp ô tô, chủ nghĩa dân tộc và “Vinfast-ism”: Mối lương duyên dài lâu nhưng vô định

    Ngành công nghiệp ô tô có thể định hình danh tính dân tộc. Nhưng ra sao thì chưa ai biết.


    Minh họa: Luật Khoa.

    Khi Vinfast tung ra mẫu xe điện mới, người người nhà nhà hứng khởi tự hào.

    Họ tung hô thành tựu lớn của một “công ty quốc gia” sinh sau đẻ muộn có thể thần tốc tiến bước đến “tự sản xuất” xe ô tô điện.

    Họ vui mừng so sánh ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam với các quốc gia trong Đông Nam Á.

    Họ chia sẻ và dành những lời nồng nàn nhưng cũng vô cùng thân thiết cho một công ty sản xuất ô tô, về bản chất là… đa quốc tịch, như thể công ty ấy là một phần máu thịt của mình.

    Những người trong ngành công nghiệp ô tô, những người hiểu sự vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu và tính kinh tế theo quy mô (economies of scale), hiểu vì sao nhiều quốc gia không có hứng thú hướng tới một ngành công nghiệp ô tô riêng… có thể sẽ nhận thấy các cảm xúc nói trên khá lạ lùng.

     



    Lễ chào đón chiếc ô tô Vinfast đầu tiên vào tháng 3/2019. Ảnh: AutoCafe.

    Tuy nhiên, người viết không trình bày những điểm này để khinh thường hay phê phán thứ tình cảm dân tộc nói trên. Ngược lại, người viết muốn tìm hiểu về “chủ nghĩa Vinfast” dưới góc độ là đứa con tinh thần của ngành sản xuất của toàn dân tộc. Bài viết này lý giải vì sao “Vinfast-ism” sẽ còn là động lực chính của quá trình tăng cường hóa dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam, bất kể những thay đổi chính trị trong tương lai, và dù đó là một quá trình khá vô định.

    Tính điển hình dân tộc của ngành công nghiệp ô tô

    Đại đa số các học giả phương Tây (gồm các cây bút lừng danh như Anderson, Gellner, Smith…) đều tin rằng chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là một quá trình cực đoan hóa các yếu tố danh tính, từ đó biến chúng thành động lực chính trị của sự tách biệt. Quá trình này do các chính khách chóp bu và giới tinh hoa chỉ đạo thực hiện.

    Tuy nhiên, người viết tin rằng tư duy dân tộc, ham muốn thể hiện lòng tự tôn dân tộc và môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội hiện đại từ sau khi thời đại các đế chế chấm dứt, đã được bắt đầu và nuôi dưỡng từ chính bên trong bộ phận dân cư, củng cố bằng văn hóa vật chất (material culture), và chờ đợi ngày bùng nổ (bằng một trận đá bóng, hay một vụ xung đột vũ trang… có trời mà biết).

    Và trong thế giới của văn hóa vật chất, xe hơi/ xe ô tô/ xe bốn bánh là điển hình của tất cả mọi kiểu mẫu cho tư duy dân tộc. Vì sao lại như vậy?

    Theo “The City and the Car” – một trong những bài báo đầu tiên bàn về mối liên hệ giữa xe ô tô và văn hóa, danh tính đương đại – ô tô là sản phẩm công nghiệp tinh túy (quintessential manufactured) của thế kỷ 20. Chúng là tạo tác đại diện toàn bộ nền công nghiệp một quốc gia, thứ phức tạp nhất một ngành công nghiệp dân dụng và đại chúng có thể sản xuất.

    Nói theo tác giả nghiên cứu, xe ô tô từng là đỉnh chóp cuối cùng của chủ nghĩa tư bản, nơi những công ty biểu tượng của thời đại sản xuất ra những sản phẩm của thời đại.

     


    Một nhà máy lắp ráp xe Toyota của Nhật tại Ontario, Canada. Ảnh: Assembly Magazine.

    Không chỉ vậy, xe ô tô, chỉ sau vài thập niên phát triển và hoàn thiện, nhanh chóng trở thành thứ đáng giá thứ hai và luôn được gắn kết nhất với danh tính của một con người. Nó chỉ đứng sau bất động sản, vốn đã có hàng ngàn năm đồng hành cùng nhân loại.

    Kể từ đó, chúng đồng thời cũng trở thành điểm nhấn của danh tính cá nhân. Dù là về gia đình, sự thành công, ham muốn tính dục, chủ nghĩa dịch chuyển, sự nam tính hay sự nữ tính… xe ô tô trở thành một kênh để truyền thông tin và kết nối các thành viên trong xã hội.

    Sự thành công và sức mạnh của một ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ thể hiện phức hợp kỹ thuật – xã hội hiện vận hành ra sao. Chúng ta tìm thấy chúng thông qua mối liên hệ giữa ngành ô tô với hàng loạt các ngành công nghiệp và văn hóa khác, từ phụ tùng, phân phối xăng dầu, xây dựng và bảo trì hệ thống hạ tầng, cho đến sự cởi mở mô hình giao thông vận tải và chất lượng của đường sá, khách sạn, xưởng sửa chữa, phân bổ dân cư và cấu trúc đô thị…

    Vì lý do này, Kristin Ross, trong nghiên cứu đặc biệt công phu và thú vị về văn hóa Pháp có tên “Fast Cars, Clean Bodies” từ tận năm 1995 , đã ghi nhận “ngành công nghiệp ô tô, hơn bất kỳ ngành nào khác, là chỉ dấu cho năng lực sản xuất của một quốc gia”. Sự tồn tại hay không tồn tại của ngành công nghiệp ô tô trong một quốc gia sẽ cho chúng ta biết mức độ phát triển và sức mạnh thực tế của nền kinh tế quốc dân. Đó là những gì tác giả đúc kết liên quan đến ngành công nghiệp đầy khói này.

    Hiển nhiên, khi thế giới bước qua thập niên thứ ba của thiên niên kỷ mới, sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ dần khiến chúng ta tự hỏi liệu ô tô có còn giữ vai trò to lớn như xưa không?

    Theo người viết, văn hóa và danh tính xã hội gắn liền với ô tô vẫn còn đó.

    Trước tiên, dù điện toán di động của hiện tại hay trí tuệ nhân tạo trong tương lai đều là những nền công nghiệp đột phá và có tính cách mạng, công nghiệp ô tô tiếp tục là chiếc phễu có thể hấp thu và tiếp nhận, biến điện toán di động lẫn trí tuệ nhân tạo trở thành các ngành công nghiệp bổ trợ cho ô tô.

    Công nghệ di động điển hình từ định vị GPS, máy tính, thông tin liên lạc… đều đã được tích hợp vào văn hóa di chuyển bằng ô tô.

    Trí tuệ nhân tạo áp dụng trong công nghiệp ô tô, như công nghệ giữ làn, giữ khoảng cách (adaptive cruise control), nhận diện và bảo vệ người đi đường (pedestrians warning and protection), đèn pha tự động (adaptive headlight) và xa hơn chắc chắn là xe tự lái… là những minh chứng không thể rõ ràng hơn cho thấy ô tô tiếp tục là tạo tác máy móc phức tạp nhất, tổng hợp nhất và hoàn thiện nhất mà một nền kỹ thuật dân sự có thể sản xuất.

    Với vai trò điển hình và dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô, văn hóa – tư duy quốc gia gắn liền với nó không phải là điều quá ngạc nhiên.

     


    Một mẫu xe Ford vào năm 1927. Với người Mỹ, xe hơi Ford đại diện cho chủ nghĩa quân bình. Ảnh: Okänd/ Tekniska Museet.

    Ví dụ điển hình là Fordism (Chủ nghĩa Ford), được Hoa Kỳ và Ford, hai tên tuổi lừng danh trong ngành công nghiệp ô tô tạo ra trong thế kỷ 20.

    Là một tư duy và triết lý sản xuất, do Henry Ford khởi xướng, liên quan đến quy trình sản xuất lớn và sản xuất hàng loạt, Fordism gắn kết chặt với tư duy dân chủ hóa và chủ nghĩa quân bình (egalitarianism) từng có tầm ảnh rất lớn lên sự hình thành của xã hội Hoa Kỳ.

    Trong tư duy dân tộc đó, phương tiện giao thông không thể là độc quyền của một giới, một giai cấp. Nó phải được bình dân hóa và phổ biến hóa. Sở hữu ô tô phải trở thành một đặc tính chung của “người Mỹ”.

    Ngược lại, tại Vương quốc Anh với Rolls-Royce, Bentley hay Lanchester… ô tô luôn là biểu tượng của sự tinh tế và thịnh vượng. Ô tô không thể được sản xuất một cách đại trà hay rẻ rúng. Dù đây là một tư duy sặc mùi chủ nghĩa tinh hoa, người dân phổ thông Anh hoàn toàn đồng tình với điều này.

    Xe của người Anh là hiện thân hoàn hảo nhất của chất lượng. Hay nói theo ngôn ngữ của Sean O’Connell trong quyển “The Car and British Society”, thứ phân biệt xe ô tô của Anh với mọi nơi khác trên thế giới là “chất nam tính anh hùng kiểu Anh” (heroic British masculinity), hay ngắn gọn là “chất Anh” (Britishness). Đối với người dân nghèo của vương quốc, Rolls-Royce là lời khẳng định cho tay nghề thượng đẳng của người Anh (superior British craftsmanship).

    Nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta cũng có thể thấy công nghiệp ô tô là nơi thể hiện rõ nhất bản chất địa chính trị và thói quen văn hóa của từng khu vực địa lý, từng quốc gia.

    Công chúng Hoa Kỳ, với khung đời sống là một lãnh thổ rộng lớn, một hệ thống chính trị được phi tập trung hóa “hết cỡ” nếu so với các chính thể khác trên thế giới, nhanh chóng nhìn thấy trong ô tô một biểu tượng của chủ nghĩa cá nhân, của tự do dịch chuyển, của cơ hội khai phá – phiêu lưu và quyền sở hữu tuyệt đối.

    Ngược lại, công chúng Anh, sống trong lãnh thổ chật hẹp hơn, với hệ thống phương tiện công cộng đã được phát triển hơn trăm năm trước khi xe ô tô trở nên phổ biến, không nhìn thấy sự cần kíp của quá trình quân bình hóa phương tiện di chuyển cá nhân. Từ đó, họ hài lòng phần nào với sự độc quyền và xa hoa của phương tiện di chuyển mang danh nghĩa quốc dân.

     


    Nữ hoàng Anh trong chiếc Rolls Royce được người dân chào đón. Với người Anh, Rolls Royce là biểu tượng của giàu có và quyền lực. Ảnh: Tim Graham/ Getty Images.

    Sự vô định của chủ nghĩa dân tộc vật chất

    Với những phân tích nói trên, có thể thấy rõ sự kết nối không thể tách rời giữa công nghiệp ô tô và chủ nghĩa dân tộc của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, nếu quốc gia đó may mắn có đủ nguồn lực để “khởi nghiệp” ngành công nghiệp ô tô của mình. Xe ô tô trở thành một phần bản năng của loài người trong trật tự xã hội mà họ tồn tại.

    Như bất kỳ nền công nghiệp mới nổi nào, sự xuất hiện của ngành công nghiệp xe hơi là một điềm lành, là dấu hiệu của một nền công nghiệp tự cường và khơi nguồn của tự hào dân tộc.

    Như danh tính mà Toyota xây dựng cho người Nhật, như danh tính mà Huyndai xây dựng cho người Hàn, Vinfast là niềm hy vọng của một bộ phận lớn của người dân Việt Nam. Rất tự nhiên, và cũng rất dễ hiểu.

    Khi mà văn hóa giao thông Việt Nam vẫn còn lệ thuộc lớn vào xe máy, Vinfast ra đời khá đúng lúc và đúng nơi.

    Ở một góc độ nào đó, Vinfast có khả năng dẫn Việt Nam đi vào thời kỳ “di động bán riêng tư” bằng xe ô tô (quasi-private mobility), vốn đã được chứng minh là có khả năng khuất phục mọi phong trào di động tư hay công khác: từ đi bộ, đi xe đạp, đi tàu hỏa, tàu điện ngầm hay kể cả xe máy.

    Chính họ cũng có khả năng định hình cách mà các chính quyền của tương lai cân nhắc hệ thống công cộng trong quá trình hiện đại hóa văn hóa và tư duy của dân tộc, hay thậm chí tái tổ chức thói quen của quốc dân trong công việc, giải trí, du lịch và sinh sống. Những thứ mà có thể họ không quen, hoặc không cảm thấy khi dùng một hãng ô tô nước ngoài.

    *** 

    Vấn đề ở chỗ, xây dựng tư duy dân tộc dựa trên vật chất và các ngành công nghiệp chưa bao giờ là một con đường an toàn hay ổn định. Rolls-Royce, niềm tự hào ngời ngời của người Anh sau nửa thế kỷ huy hoàng, cuối cùng cũng bị người Đức mua lại.

    Jeremy Clarkson, cây đại thụ của làng văn hóa ô tô của Anh cũng như thế giới, bức xúc trên tờ Sunday Times vào năm 2002:

    “Toàn bộ ý nghĩa của Rolls nằm ở việc chúng được những người thợ Anh chải chuốt bằng keo vuốt tóc Brylcreem (một hãng mỹ phẩm lâu đời gốc Anh – ND), mày mò sản xuất ở xứ Crewe (công xưởng gốc của Rolls – ND). 

    Rolls mà được các tay thợ Đức sản xuất thì chả khác gì Hoàng gia Anh thiết đãi thực khách nước ngoài món sushi trong buổi trà chiều ngoài vườn Điện Buckingham.”

    Tính biểu tượng, tính gắn kết của quốc dân từ đó không cánh mà bay.

    Chính bản thân Vinfast hiện nay có vẻ cũng chật vật trong việc xác định một thứ triết lý dân tộc chủ nghĩa mà họ theo đuổi.

    Người Mỹ theo đuổi tự do cá nhân và bình quân hóa. Người Anh theo đuổi sự sang trọng, sự hoàn hảo và những trải nghiệm thượng hạng. Người Đức theo đuổi sự vượt trội kỹ nghệ khó ai bì. Người Nhật nhấn mạnh sự ổn định, sự đáng tin cậy. Trong khi đó, người Hàn tăng cường “bám trend”, theo đuổi tích hợp những công nghệ mới nhất.

    Người Việt sẽ theo đuổi gì trong sản xuất ô tô của “chủ nghĩa Vinfast” để biến nó trở thành độc nhất, thật sự trở thành niềm tự hào dân tộc mà phần đông cộng đồng mong mỏi?

    Vinfast sẽ còn ở lại, và sẽ tiếp tục phát triển trong phong trào dân tộc chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng thiếu vắng một niềm tin, một nền triết học dân tộc, một tư duy sản xuất dân tộc, chúng ta vẫn chỉ là những kẻ cơ hội lướt sóng chủ nghĩa tư bản trong vỏ bọc xã hội chủ nghĩa mà thôi.

    https://www.luatkhoa.org/2021/03/cong-nghiep-o-to-chu-nghia-dan-toc-va-vinfast-ism-moi-luong-duyen-dai-lau-nhung-vo-dinh/

    Không có nhận xét nào