Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Mạnh Côn - MEA CULPA !

    (Lê Thy đánh máy từ tập truyện CON YÊU CON GHÉT – NXB Văn – 1966)

    September 11, 2020

    Ngày mồng 3 tháng 3, âm lịch Bính Tuất (1946), chúng tôi cùng dậy sớm trong nhà giam Ba-xã. Những tiếng, chắc là tiếng súng, nổ chát chúa đằng sau, bên phải, bên trái nhà giam. Riêng phía trước im lặng, vì qua một con đường rộng, chỉ có một bãi đất hoang chạy dài vào tận trong núi.

    Những tiếng nổ, tiếp ngay sau lại có tiếng réo, nhất định là tiếng súng. Súng bắn gì, chúng tôi không biết được, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng nổ là một lần chúng tôi thấy một luồng tê lạnh từ trong lồng ngực lan ra khắp chân tay. Chúng tôi biết đó là triệu chứng của sự sợ hãi đến cực độ bị nén đọng. Chúng tôi, cả bốn người, cùng biết chắc hôm nay phải chết, nhưng cả bốn đều cố giữ một vẻ bề ngoài bình thản.

    o O o

    Tại sao phải chết? Tại sao cố giữ vẻ ngoài bình thản? Để trả lời, thế tất tôi phải nhắc lại cả một giai đoạn lịch sử nước nhà, giai đoạn đảng tranh 1945-46 với tất cả những rối ren, những giăng mắc giữa những đoàn thể chính trị hồi bấy giờ. Nhưng đó là những điều không quan hệ mấy đến câu chuyện tôi sắp kể.

    Bởi vậy, tôi thấy chỉ cần phải thuật lại rằng bốn chúng tôi cùng là cán bộ của một đảng chính trị nhưng nặng về quân sự. Đảng chúng tôi giao tranh với Việt Minh đã gần được nửa năm thì chúng tôi bị bắt. Ba người từ Lạng-sơn, lãnh sứ mạng về họp Quốc-hội, bị bắt ở Đồng-mỏ. Tôi ở Hà-nội, điều đình với Trung-uơng Việt Minh xong, đem thư của một lãnh tụ chính quyền lên gặp tỉnh bộ Lạng-sơn để yêu cầu họ trả tự do cho những người bị bắt, thì cách tỉnh lỵ 3 cây số, tôi cũng bị trói nốt đem vào Ba-xã.

    Ba-xã là một thung lũng nhỏ, có núi cao vây chung quanh trùng trùng điệp điệp. Một con đường trải đá chạy giữa thung lũng, theo suốt chiều dọc. Bên lề đường, quá về phía Nam, có một xóm nhỏ, một trường tiểu học xây gạch lợp ngói nay là cơ quan tỉnh, một cửa hiệu khách trú hai tầng dùng làm căn cứ quân sự, và sau hết, ngay ở ven đường, trước cơ quan tỉnh, là trại giam vách bằng nứa, mái lợp lá.

    Trại giam chỉ là một căn nhà nhỏ, sơ sài, ọp ẹp. Thế mà không thể nào vượt ngục, bởi vách nứa, cũng như mái lá gồi, khẽ đặt tay đã có tiếng động. Chúng tôi lại bị giam chung với những người tội nhẹ, như đánh nhau, quỵt nợ, hay ăn trộm ăn cắp. Những người này sợ bị liên lụy, sẽ kêu lên mỗi khi thấy chúng tôi có hành động đáng ngờ.

    Chúng tôi đành yên phận, sau khi kiểm điểm những khả năng vượt ngục, nhất là từ trại giam vào chân núi, đi phía nào cũng phải qua một quãng rộng và phẳng, ít lắm là ngót một cây số. Hơn nữa, nói về vượt ngục, chúng tôi không được quên rằng Ba-xã ở giữa khu vực đồng bào Thổ, mà từ mặt mũi đến áo quần, từ ngôn ngữ đến sự không có lấy một tờ chứng minh thư nhỏ nhất trong tay, nhất định chúng tôi không thể về tới Lạng-sơn, cách nơi chúng tôi bị giam 18 cây số đường chim bay qua đỉnh núi.

    Đỉnh núi suốt ngày đêm đọng mây trắng phau. Chúng tôi chen nhau bên khung cửa sổ độc nhất, mở ra phía đường cái, để đếm những hòn đá tai mèo nhô lên khỏi mặt đất đỏ, để nhìn theo những đám mây chầm chậm trôi về Nam, ngấm ngầm chờ đợi một cái gì mà chính mình tin chắc không bao giờ đến. Cái gì ấy là tự do.

    Tự do, lúc bấy giờ đối với chúng tôi, vừa là hy vọng, vừa là tuyệt vọng. Là hy vọng thì vô lý, sự suy luận trong chúng tôi chống lại tất cả mọi nguồn hy vọng: chúng tôi biết Việt Minh giết tất cả mọi cán bộ cao cấp của phe đối lập chẳng may lọt vào tay họ. Hoàn cảnh rõ rệt là hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng lòng tham sống không chịu cho chúng tôi tuyệt vọng. Thành thử chúng tôi khắc khoải từng giây từng phút, mỗi giây phút tinh thần thêm mòn mỏi vì chờ đợi một quyết định dù tốt, dù xấu.

    o O o

    Quyết định đã đến vào buổi chiều ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch. Hôm đó, bên chúng tôi có thêm một cán bộ phân đội (1) bị bắt từ ngoài mặt trận, hai hôm trước. Anh đã bị nhiều trận đòn rất đau khi còn bị giữa trong các đơn vị địch, sau lại bị bỏ đói luôn từ lúc bị bắt, nên khi vào đến trại giam anh đã ngất ngư muốn chết lịm hẳn.

    Chúng tôi nhờ dấu hiệu riêng mà nhận ra anh là một đồng chí. Sự thương xót và chăm lo cho anh ở chúng tôi, có pha thêm nhiều xúc động rất gần gụi với sự hối hận. Bởi lẽ sự đau khổ của anh có một phần bắt nguồn ở lòng anh tin tưởng vào chúng tôi. Chúng tôi đã, suốt đêm qua, xoa bóp cho anh đỡ đau, bón cơm cho anh đỡ đói, an ủi cho anh đỡ khổ và khuyến khích cho anh đỡ sợ.

    Anh nhờ sự săn sóc của chúng tôi, đến gần sáng thì tỉnh hẳn. Nhờ anh nói được đôi ba câu, chúng tôi mới biết rằng tất cả những lời an ủi hay khuyến khích của chúng tôi đều vô hiệu. Là vì từ đơn vị về đây, anh đã qua tỉnh bộ (2). Ở đó, anh đã gặp Quang Long, chính trị viên Chi-đội Giải-phóng-quân Lạng Sơn (3). Quang Long bảo anh trước: tối hôm nay, mồng Hai, sẽ xử tử chín người, trong đó có anh. Và nội ngày mai, mồng Ba, sẽ giết bẩy người nữa, trong đó có bốn chúng tôi.

    Anh nói thêm, để giải thích sự tin chắc của anh, rằng ngày Thanh-minh là một Tết trọng của đồng bào Thổ, ngang với Tết Nguyên-đán. Đồng bào Thổ còn rất tin vào thần thánh và linh hồn, cho nên đem xử tử mười sáu tù binh đối phương làm hai lần, ấy là làm một thứ lễ, tựa như tế cờ, để giải oan và giúp cho chóng được đầu thai sang kiếp khác, những cán bộ, đội viên với dân chúng trong “Mặt Trận” đã thiệt mạng trong khi chiến đấu với bọn “quan Phục-quốc” (4). Anh nhắc đi nhắc lại hai ba lần rằng Quang Long bảo anh như thế. Rồi sau, anh im lặng suốt ngày hôm mồng Hai, chỉ hoạ hoằn lắm mới thở dài, trong hơi gió thoảng nghe có tiếng gọi tên người, có lẽ là vợ, con anh tập nói.

    Người đồng chí của chúng tôi như thế là đương dọn mình để chờ chết vào buổi tối. Trong tâm hồn chất phác của anh, anh tin chắc vào lời viên cán bộ “Vẹm”. Chúng tôi đã đành cũng tin, bởi đã coi là thế nào cũng phải chết, mà chết vào một dịp lấy lòng dân của đối phương lại càng có lý lắm. Nhưng, tôi đã nói thế, để chống lại cái chết sờ sờ ngay trước mắt rồi, chúng tôi vẫn cố nuôi một thứ hy vọng ngấm ngầm, mỏng manh nhưng dai dẳng.

    Tôi còn nhớ mỗi người chúng tôi nói một câu:

    – Vẹm đã nói, Vẹm không làm!
    – Vẹm không dám giết đại biểu Quốc-hội!
    – Chúng nó có muốn giết cũng chưa giết, vì để chúng ta sống, chúng nó có thể đòi đổi lấy quyền lợi khác!
    Và sau cùng, một anh đặt câu hỏi:
    – Chúng nó giết chúng ta làm gì? Có lợi gì cơ chứ?

    Mấy ý kiến , trong lúc giống như người chết đuối cố với lấy bọt, đều có vẻ hữu lý. Nhưng trong thâm tâm chúng tôi, mỗi ý kiến đã được giải quyết xong xuôi.

    -Vẹm đã nói, nhưng nói với kẻ địch đã bị bắt, nên Vẹm sẽ làm.
    -Vẹm không sợ gì Quốc-hội, bởi lẽ giản dị là Vẹm đã giết khá nhiều đại biểu Quốc-hội rồi.
    -Vẹm không cần giữ chúng tôi để trao đổi, vì Vẹm đang ở trong thế toàn thắng và quyết định.
    -Sau hết, nếu giết chúng tôi không có lợi gì, thì ít ra giết chúng tôi Vẹm cũng đỡ công nuôi, công canh giữ ngay trước mắt, lại trừ tuyệt được hậu hoạn sau này, huống hồ theo lời Quang Long, cái chết của chúng tôi còn có thể giải oan cho những linh hồn khác được trở về dương thế!

    Vẹm sẽ giết.
    Vẹm đã giết.

    Ngay đầu canh hai ngày mồng Hai, hơn một chục đội viên, đeo phù hiệu sao vàng trên nền tròn đỏ, đã vào điểm lấy đủ chín tù binh trong đó có anh cán bộ phân đội của chúng tôi . Anh không một lời nói, đứng yên cho bọn đội viên trói quặt hai tay ra sau lưng. Anh không nói, nhưng mắt anh cố nhìn trở lại chúng tôi cho đến khi anh khuất sau cánh cửa. Cái nhìn ấy, chắc hẳn cả bốn anh em chúng tôi củng hiểu, là một sự gửi lại một phần nào sự sống còn chan chứa trong anh, trong phút cuối cùng. Riêng tôi, tôi còn có cảm giác như anh muốn xin chúng tôi – là cấp trên – bớt cho anh một chút can đảm, để đi thẳng được hai chân cho tới chỗ chết.

    Anh đi rồi, trong một thời gian dài lắm, số anh em còn ở lại trong phòng giam còn như nín thở. Thậm chí không có ai dám cựa mình trên sàn nữa. Tôi bất giác bâng khuâng như có một mình đứng trơ vơ một nơi vắng lặng, ở bên ngoài tất cả mọi hình ảnh và cảm tình quen thuộc. Anh phân đội trưởng đã đến đây, đã bị trói vào cây cột tre vầu ngay chính giữa căn phòng….Anh đi rồi, anh chưa chết nhưng sắp chết, sự có mặt ngắn ngủi của anh trở thành một nghịch lý, một sự kiện vô cùng vô nghĩa: cả một cuộc sống của con người có thật, mà từ bây giờ đã không để lại dấu vết gì gọi là chứng minh được rằng sự sống ấy “đã có”. Con người có xương thịt, có đau khổ tê dại rõ rệt như vậy, mà chỉ một phút sau đã là “không có” thì còn có gì đáng kinh sợ cho bằng!

    Thời gian ngưng lại, không gian chết điếng lại trong phòng. Những người bị giam vì tội nhẹ lấm lét nhìn nhau. Một vài người ban nẫy đã ngồi lên bây giờ lại khẽ khàng nằm xuống. Một lát sau, người ta mới bắt đầu thầm thì những câu chuyện bỏ dở. Dưới ánh sáng chập chờn của cây nến đúc bằng nhựa trám, có những người nghển cổ lên nhìn chúng tôi thật nhanh rồi lại đặt đầu xuống sàn nứa.

    Người ta, nghĩa là anh em cùng ở trong phòng giam, thương chúng tôi lắm. Nhất là ông “ký ga” Bản-thí là người đường xuôi độc nhất, ngoài bốn chúng tôi. Ông ký ga , mà tôi không nhớ tên, thỉnh thoảng lại lồm cồm bò dưới đất, giữa hai bên sàn nứa, đem đến cho tôi một điếu thuốc lào. Tôi đoán chắc ông biết tôi đương cần một thứ khói, một thứ khói nó giúp người ta coi cái chết là rất nhẹ. Ông bò đến bên cạnh tôi, ngồi nép vào gầm sàn, rồi đánh diêm, đưa ống điếu vào tận miệng cho tôi . Tôi hút khẽ, nhưng hút cho đến khi điếu thuốc còn toàn gio bị rít tụt vào trong nõ. Ông đỡ lấy cái ống tre, cầm tay tôi trong một giây, đủ nói thật khẽ một lời an ủi: “Đừng sợ, chắc không có gì đâu!” . Nói đoạn, ông lồm cồm bò về chỗ, để một lát sau, laị trở lại, với một điếu thuốc lào khác.

    Cứ như thế, chúng tôi thì ngồi yên, ông ký ga thì bò đi, bò lại. Đến sáng rõ sau khi đồng chí gác mở cửa cho những ai cần đi đại, tiểu tiện, ông ký ga được đến ngồi chung với chúng tôi một góc buồng. Người nhỏ mà gầy, nét mặt rất thư sinh, ông thỉnh thoảng liếc nhìn chúng tôi một cái thật nhanh rồi lại thở dài. Chính cái thở dài não nuột của ông làm cho tôi đã rối ruột, càng thêm rối ruột. Bởi vì miệng vẫn nói “chắc không có gì đâu!”, nhưng tất cả cử chỉ của ông đều chứng tỏ ông biết chắc là “có gì”. Là có cái chết đến với chúng tôi nội ngày hôm nay. Cái chết đáng thương nhất, đối với ông, là cái chết của anh T.L. Anh T.L. viết báo, tác giả thiên phóng sự về Hà-nội lầm than, mà vào đến cái trạm giam lạ lùng, heo hút giữa chiến khu này còn có người biết được thì thật là một điều đáng hãnh diện.

    Nhưng chúng tôi còn lòng dạ nào nghĩ đến văn chương lúc bấy giờ nữa. Nhất là vì trời càng sáng rõ, chúng tôi càng có thêm bằng chứng rõ rệt về cái chết của anh phân đội trưởng của chúng tôi: bộ quần áo, cái mũ ca-lô, cái thắt lưng của anh đều có mang dấu in P.Q. , đã bị bọn đội viên chia nhau mang trên người chúng.

    Độc ác nhất là tên tiểu đội trưởng phụ trách canh gác. Có lẽ chưa biết gì về sự lo lắng của chúng tôi, nó đến bên ngoài cánh cửa bằng nứa đan, và gọi tôi, nó bảo: “Em mừng đồng chí, hôm nay đồng chí pây mừ mà!”. Tôi nghe không hiểu hai chữ “pây mừ”, hỏi lại nó, thì nó cười một cách độc ác, rồi dậm chân xuống đất, nó chỉ tay nói to: “Mừ rườn mà! Đi về mà! Đi về cái đất mà!”. Nó nói đoạn, một ít đồng bào người Thổ bật lên cười. Tôi thốt nhiên hiểu ý nó báo trước cho tôi biết mà sợ.

    Quả nhiên nó đoán đúng tâm lý của tôi. Trước mắt tôi, ngay lúc ấy, nó là đại diện tối cao của chính quyền địch. Tôi cố nhiên muốn hỏi thăm nó để biết rõ hơn. Nhưng tôi vừa nuốt được cái khối hơi nghẹn trong cổ, mới há miệng hỏi nó: ” Đồng chí! Đồng chí làm ơn…” thì nó quay ngoắt đi, và cứ như thế cười như nắc nẻ.

    Tôi vừa sợ vừa xấu hổ. Trở vào ngồi với anh em, tôi nhất định cố giữ lấy im lặng. Nhưng ngay lúc đó lại xẩy ra một thứ nó làm cho tôi không tài nào ngồi yên được nữa. Đó là những tiếng nổ rất lớn, nghe rất gần, như ở ngay đằng sau căn nhà giam.

    Tiếng nổ “đoàng…đoàng…” to như tiếng súng trận hồi bấy giờ. Mỗi tiếng nổ lại kèm thêm một tiếng réo không mảy may khác tiếng đạn bắn chỉ thiên. Tôi tự khắc nghĩ ngay đến câu chuyện làm lễ chiêu hồn của người Thổ. Tiếng súng chỉ thiên chắc hẳn là tiếng bắn thị uy. Tôi nhớ đến các quân đội, khi chào cờ, thường bắn từng loạt súng như vậy. Tôi tưởng tưởng rất nhanh đến một vụ tế cờ…

    Thật là chắc chắn quá rồi. Bọn đội viên cảnh vệ tự nhiên thấy đi lại tấp nập bên sân cơ quan, đứa nào cũng đeo súng trên vai. Tôi nhìn qua khe liếp, thấy rõ ràng có đứa mở bao đạn, chắc để đếm xem có đủ đạn để “dự lễ” hay không (5)

    Bọn đội viên đi đi lại lại nhớn nha nhớn nhác một lúc rồi có còi tập họp. Chúng họp thành bốn tiểu đội, chia đều mỗi tiểu đội có 9 đứa, trong số đó chỉ có 6 đứa có súng. Bốn tiểu đội điểm số xong được nghỉ để nghe tên phân đội trưỏng nói gì tôi nghe không rõ. Nó vừa nói vừa chỉ về phía nhà giam, chắc hẳn dặn dò cách thức trói thế nào, bịt mắt thế nào cho hợp lệ luật quốc tế (!)

    Tên phân đội trưởng nói xong, tôi tưởng nó sẽ ra lệnh cho binh sĩ của nó tiến về phía nhà giam. Nhưng không phải, vì chính nó về sau cũng có vẻ chờ đợi, thỉnh thoảng lại xem giờ. Tôi đoán ngay là nó còn chờ cấp trên của nó. Mà nó chờ là phải, vì chúng tôi có hèn cũng là cấp trung ương, quân địch muốn giết chúng tôi cũng phải có đại diện ngang cấp trung ương mới đúng luật chứ!

    Tên phân đội trưởng tỏ vẻ rất sốt ruột. Nhưng chúng tôi còn sốt ruột, còn có cả một khối lửa đốt trong ruột, nóng nẩy gấp nghìn lần. Tôi bị khô cổ rất chóng, nước bọt thì có thật và ít đắng như mật. Tôi theo hướng nhìn của tên phân đội trưởng, cố lách phên nửa nhìn về đầu con đường từ phía Bắc đi xuống. Con đường chạy được một đoạn thẳng rồi vòng sang tay trái, mất hút vào trong núi. Tôi nhìn chán chê con đường vắng rồi lại quay sang bên kia xem bọn đội viên đi dạo từng tốp nhỏ trong sân. Bọn đội viên không có vẻ chờ mong gì lắm, nhưng chúng không quên mỗi khi đi về phía nhà giam lại chỉ trỏ vào tôi mà cười: mặc dầu đứng bên này bức phên nứa, tôi vẫn có cảm giác chúng trông thấy tôi. Tôi bỏ chỗ nhìn trộm, quay vào định ngồi yên. Nhưng tiếng súng vẫn nổ đến trưa, đến quá trưa…

    Bọn đội viên “giá” súng giữa sân để đi ăn cơm. Chúng vẫn còn chờ đợi. Rất có thể chúng chờ được lệnh của Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp từ Hà-nội đưa lên mới được đem chúng tôi ra bắn. Tôi bỗng nhiên có hy vọng Hồ đọc thấy tên Vi-Văn-Hoà hay Võ Nguyên Giáp đọc tên tôi, nhận ra học trò cũ, sẽ không nỡ giết. Hy vọng thật mong manh, nhưng dù sao vẫn là hy vọng. Tôi bắt đầu sợ sứ giả từ Hà-nội lên không kịp…

    Bởi vì, trong khi đó, tiếng nổ long trời vẫn tiếp tục phía sau nhà giam. Tôi không muốn nhớ cũng phải nhớ hôm nay là ngày lễ quan trọng của đồng bào Thổ. Tôi nghĩ ra, có lẽ bọn tên Thư, tên Trang ở tỉnh bộ còn oán thù chúng tôi quá nhiều để có thể xin lệnh Hà-nội một cách thẳng thắn. Bọn chúng nó có thể giả vờ đánh điện hơi chậm, khiến cho điện trả lời đến không kịp, và viện lẽ không thể bỏ qua ngày Thanh-minh, chúng bắt buộc phải tùy nghi. Tôi nghĩ, như vậy chúng sẽ đem chúng tôi ra bắn vào khoảng 4,5 giờ chiều.

    Tôi thấy mình có lý, vả lại sự hồi hộp kéo dài mãi cũng có lúc tôi điếng hẳn người đi, thấy mình không sợ nữa. Tôi mạnh dạn đi vào, nói với ba anh bạn, đề nghị “đằng nào cũng chết, mình phải bảo nhau chết thế nào cho đàng hoàng, cho chúng nó không khinh được mình”. Tôi vừa nói dứt lời thì anh T.L. nằm vật xuống sàn, úp mặt vào cánh tay, hai vai run run, hình như anh cố nén, không chịu khóc thành tiếng.

    Anh T.L. từ buổi sáng vẫn ngồi bó gối, yên lặng trong góc buồng giam, thỉnh thoảng thở dài. Tôi biết anh nhớ đến chị T.L. cùng đàn con còn nhỏ dại của anh.

    Thật ra thì tôi không được gặp anh đã hơn một năm rồi. Hơn một năm trước, chúng tôi còn cùng nhau làm một tờ tuần báo, mà sự tình cờ đưa đẩy tôi vào làm công việc phụ trách về chính trị. Anh T.L. làm chủ bút, rồi đổi làm quản lý, nhường cho tôi trông nom toà soạn. Hồi bấy giờ tôi còn trẻ và dại, anh T.L. cũng chưa già. Thành phố Hà-nội bị phi cơ Mỹ ném bom mấy lần, trong toà soạn chúng tôi chết mất một anh phóng viên bị mảnh bom xuyên vào óc, chết ngay trước cửa nhà in Ngày Nay. Không khí bất an của phố phường dồn chúng tôi xuống Ngã-tư Sở, lập toà soạn trong mấy nhà “chị em” quen biết, mà thói thường lúc đó gọi là “nhân tình”.

    Chúng tôi ngủ đêm dưới Ngã-tư sở, ban ngày ở luôn tại đó, đến gần tối mới về toà báo. Từ Ngã-tư Sở về Hà-nội phải đi qua Thái-hà Ấp, có gia đình anh T.L. ở đó. Một thói quen khiến cho chúng tôi quen lệ buổi trưa về ăn cơm nhà anh, hình như vì nhà anh ở nơi vắng, mát lắm, vả lại cũng còn vì chị T.L. làm cơm rất khéo.

    Nhờ có đến chơi nhà nhiều lần, tôi biết anh chị T.L. có đàn con còn nhỏ. Đứa con lớn của anh bấy giờ mới lên 9, lên 10 gì đó; những đứa nhỏ còn lau nhau chạy chơi, chưa đi học. Lũ trẻ nhà anh T.L. đứa nào da cũng trắng, môi cũng đỏ, mắt cũng sáng, trông rất đáng yêu. Hình ảnh của chúng đã trở về với tôi từ buổi tối hôm trước, ngay sau khi chúng tôi được báo tin hôm sau sẽ bị giết.

    Tôi vốn nhiều tình cảm. Giá ở vào địa vị Việt Minh, chắc chắn có thù nhau đến đâu tôi cũng không dám hạ sát một người cha có đến 7,8 đứa con còn thơ ngây như thế.

    Nhưng tôi lại ở cùng hoàn cảnh với anh T.L. Không những thế, tôi còn có thể nói vì tình đoàn thể với các anh mà tôi bị bắt. Cho nên trong lòng tôi lúc bấy giờ lại có ý nghĩ rằng nếu có phải chết thì chỉ có tôi là oan ức và đáng thương hơn cả. Thế mà tôi đã không thương tôi, tất không có ai đáng thương trước mắt tôi hết.

    Tôi chỉ nghĩ đến một điều là danh dự. Danh dự của một cấp bộ trung ương một đoàn thể cách mạng đã đi vào lịch sử. Cho nên, để xứng đáng với lịch sử, để khỏi bôi nhọ danh dự của đoàn thể, chúng tôi phải chết cho ra chết. Tôi đã nghĩ đến chuyện hô to những khẩu hiệu ái quốc, nhưng thấy nó hơi có vẻ phường chèo nên lại thôi. Tôi cũng nghĩ đến việc chửi bới Việt Minh một mẻ cho hả giận, nhưng thấy mình đã thua mưu trí, bây giờ lại giở lối báo thù “đàn bà” ra thì cũng chẳng hay hớm gì hơn. Sau cùng, tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ im lặng, sẽ nhìn thẳng vào mắt kẻ thù, sẽ không cho chúng bịt mắt và đứng quay mặt súng cho mà bắn. Vào trường hợp không bị bắn mà bị mổ bụng thì, theo ý tôi, nhất định đến lúc sắp chết, dù có đau đến đâu cũng phải cố nhếch mép mà cười… 

    Tôi nhận thấy thế mới thật là anh hùng, mới xứng đáng là những phần tử ái quốc. Sự im lặng là một cái gì vĩ đại lắm (tôi nhớ đến Alfred de Vigny), chỉ có sự im lặng mới trả lời đầy đủ cho bọn Việt Minh rằng những người quốc gia không phải chỉ làm cách mạng vì địa vị như chúng vẫn vu khống từ trước.

    Nghĩ như thế, tôi định bàn luận nhiều với anh em, thì anh T.L. quay ra bỏ cuộc. Tôi nhìn anh nằm sóng sượt trên sàn nứa mà giận anh vô cùng. Tôi khẽ gọi một cách gay gắt: “Anh T.L.!”. Anh quay lại nhìn tôi , đồng thời lăn một vòng để lại úp mặt xuống cánh tay.

    Tôi bỗng nhiên muốn đứng dậy long trọng tuyên bố trước mặt ông ký ga với một số đồng bào Thổ rằng tôi, nhân danh đoàn thể, quyết định khai trừ con người khiếp nhược ấy ra khỏi hàng ngũ. Tôi muốn thế. Tôi đã đứng lên rồi. Nhưng tôi, đến phút cuối cùng không muốn có sự sứt mẻ trong số người sắp chết, nên tôi chỉ đứng phía dưới chân anh mà nói lên “Anh T.L.! Sao anh hèn thế!”

    o O o

    Lời nói đã thốt ra , hàng trăm ngàn con ngựa theo không kịp. Không phải là theo ngay bấy giờ, vì từ bấy giờ đến tối, tôi vẫn còn giữ nguyên cái tư tưởng có chết thì chết cho ra chết.

    Sự ân hận thật ra chỉ đến rất chậm. Tình trạng căng thẳng tinh thần đến tột độ còn kéo dài đến buổi chiều. Buổi chiều quả nhiên có ủy viên trên tỉnh bộ về. Nhưng không phải để giết, mà để thuyên chuyển chúng tôi vào sâu ngót 100 cây số trong nội địa chiến khu Lạng-sơn – Thái-nguyên.

    Âm mưu hạ sát chúng tôi quả có thật, do phe quân sự chủ trương. Họ quả có ý định giết chúng tôi vào buổi tối mồng 3 tháng 3 năm Mậu Tuất (1946). Nhưng phe chính trị được báo tin can thiệp kịp, cứu cả bọn chúng tôi lần thứ nhất, và cứu riêng tôi lần thứ hai.

    Cũng nhờ tên ủy viên của tỉnh bộ, chúng tôi mới biết súng nổ suốt ngày hôm đó là tiếng pháo mà người Thổ làm bằng ống tre lớn nhét đầy thuốc rồi châm ngòi nổ. Tiếng đạn réo là tiếng ống tre nhỏ bên trong phụt ra khỏi cái ống tre lớn làm nòng còn ở lại. Tục lệ rất quen, giá tôi đừng tự ái – hay đừng quá sợ hãi – mà đem hỏi ông ký ga chắc ông cũng biết.

    Thành thử sự thiếu thốn hiểu biết về tục lệ của đồng bào Thổ đã làm tăng thêm sự sợ hãi của chúng tôi gấp mười, gấp trăm lần. Và làm cho tôi phải ân hận mãi về sau.

    Như tôi đã nói, sự ân hận thật ra chỉ đến dần dần. Sau vụ mồng 3 tháng 3 này, chúng tôi không bị đe dọa lần nào nữa. Đúng năm tháng sau, anh T.L. và tôi được trả lại tự do sau khi cam kết không theo Pháp chống lại “chính phủ”. Hai người bạn của chúng tôi bị giữ lại và bị đánh thuốc độc cho chết. Mãi sau đó 4 năm tôi mới hay tin.

    Còn hai chúng tôi cùng về Hà-nội, tôi bị đau nặng, định về chết ở quê hương. Nhưng sau đó lại khỏi. Cuộc kháng chiến chia rẽ anh T.L. với tôi vĩnh viễn. Tôi ở Việt Bắc không biết tin gì về anh, nhưng thỉnh thoảng nhớ chuyện cũ, đã thấy mình lố lăng, đã thấy mình “ăn đòn” Việt Minh quá nặng. Bởi vì tất cả mọi chuyện anh hùng chịu chết để bảo vệ cách mạng (vô sản) là tôi nghe của Việt Minh cả. Tôi nghe họ, ngấm ngầm phục cái tài tổ chức của họ, nên tin tưởng tuyệt đối vào nguyên tắc “chết phải cho ra chết”.

    Mãi đến lúc dự vào một vài trận nhỏ ở Vĩnh-yên tôi được thấy sự tan tành thể xác, được thấy cái chết đau đớn kinh khủng của một người mất cả ruột gan, chạy đủ ba vòng một bãi đất để tìm rồi mới ngã xuống…Tôi thấy tất cả kiêu căng ngu xuẩn của thằng người không dám thú thật cái sợ của mình mà dám mắng người khác là hèn.

    Nhưng sự ân hận của tôi đến đây mới chỉ có trong phạm vi tư tưởng. Sự ân hận này, muốn thành thật, phải chờ đến 9, 10 năm sau, năm vợ chồng tôi sau 10 năm lập gia đình, mới có đứa cháu thứ nhất. Đến ngót 3 năm sau chúng tôi mới có đứa cháu thứ hai.

    Đứa con lớn của chúng tôi bấy giờ vừa vặn bằng tuổi đứa con lớn của anh T.L. năm 1946. Đứa con mà tôi thương yêu đến độ ký tên nó vào sách của tôi in ra …Tôi đã có nhiều lần tưởng mất nó. Không phải vì nó đau yếu, bệnh tật gì ghê gớm, mà nó chỉ cần cảm gió, đang nửa đêm cặp thủy lên đến 39 độ là vợ chồng tôi hết cả hồn vía.

    Từ 39 độ, tôi ngồi chờ nó lên tới 39,1 rồi 39,2…. Tôi luôn tay đếm số mạch nhẩy ở cổ tay nó: 130, 132, 135…

    Đến một hôm nó bị sốt thường, tôi bế nó đến một ông bác sĩ không quen ở Phú-nhuận. Ông bác sĩ T.V. chưa nghe nói hết câu đã chích xong thuốc, tay phải rút ống seringue, tay trái xoè sẵn đợi tiền. Tôi trả tiền, đưa con về đến nhà thì nó bắt đầu giật mình và run tay chân. Vợ tôi trông thấy trước oà lên khóc, ôm chầm lấy con. Tôi cũng hoảng lắm, nhưng xem mạch thấy nhẩy chậm đi, bèn cố gan ít phút. May mà nó bớt dần rồi khỏi.

    Con đã khỏi, bố không quên được hình ảnh ấy. Người đàn bà ôm đứa con, người cha đã tê tái trong lòng còn phải cố gan, cố giữ bình tĩnh. Giữ được bình tĩnh, nhưng từ hôm đó, tôi mới thấy mình có lỗi đến thế nào đối với người bạn hơn tuổi, mà chỉ vì thương con mới không chịu làm anh hùng rơm trước mũi súng của địch.

    Mười sáu năm qua rồi! Chúng tôi mới có hai con, anh chị T.L. bấy giờ hình như đã có tám đứa. Tôi đem lòng thương của tôi mà nhân lên gấp bốn lần. Nhưng thật ra tôi không sợ mất con bằng sợ chính mình để nó bơ vơ..cho nên lòng thương ấy phải đem nhân lên gấp trăm lần, nghìn lần. Bây giờ tôi mới biết, nếu năm 1946 tôi đã có lấy một đứa con thôi, thì chắc chắn tôi có thể quỳ xuống lạy từng tên đội viên Việt Minh, để xin nó tha cho tôi sống mà về nuôi con tôi.

    Huống hồ anh T.L. có đến tám đứa, có đến mười sáu bàn tay nhỏ bé, mười sáu cái má phính hồng, mười sáu con mắt đen nhanh nhánh…Những bàn tay chờ tay cha, những cái má hồng chờ cha hôn, những con mắt thơ ngây in hình côi cút. Chỉ tưởng tượng tôi cũng thấy đau quá trong tâm hồn rồi, còn nói gì đến có thật.

    Người ta bảo tình yêu làm hèn người, tôi vẫn không tin. Tôi đã say mê những cô gái, nhưng đã bỏ ngay mỗi lần bị xúc phạm đến tự ái. Tôi tưởng thế là đã biết tình yêu. Chính vì thế mà dám nói những lời càn rỡ với người bạn đáng kính trọng về tấm tình phụ tử.

    Sự ân hận không kéo dài một mạch như sự đau khổ. Sự ân hận chỉ hiện lên từng đợt, từng đợt. Nhưng trái lại với sự đau khổ có thể nguôi dần trước khi bị quên hẳn, sự ân hận đã có là có suốt đời.

    Tôi biết chắc rằng trong số tháng, năm tôi còn sống để nuôi hai đứa con tôi, sẽ còn rất nhiều lần nhìn thấy những đứa trẻ, tôi lại tự mình xưng tội với mình“Mea culpa! Mea maxima culpa!”

    Tôi quả thật có tội rất lớn với đấng Tạo-hoá đã ban phép lạ cho con người được có những đứa con theo hình ảnh của nó.

    Nguyễn Mạnh Côn
    (1-5-LXII)

    ———————————–

    (1) Trung đội trưởng
    (2) Tỉnh đảng bộ Việt Minh, khác với cơ quan chính quyền gọi là Ủy-ban tỉnh.
    (3) Chi đội: trung đoàn – Giải-phóng-quân sau đổi làm Vệ-quốc-quân, rồi Vệ-quốc-đoàn.
    (4) Thủ đoạn tuyên truyền. Đồng bào thiểu số vốn sợ và thù oán phong kiến, nên Việt Minh tuyên truyền rằng chúng tôi muốn chiếm chính quyền để làm quan!
    (5) Hồi bấy giờ mỗi khẩu súng của quân chánh quy Việt Minh chỉ có 50 viên đạn. Còn các đội viên cảnh vệ có khi chỉ có mỗi đứa vài ba viên, đứa nào muốn bắn thêm phải mua riêng đạn, giá 3 đồng một viên

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2020/09/11/truyen-ngan-mea-culpa-nguyen-manh-con/


    Không có nhận xét nào