Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Nhân Dụng - Mỹ tiêu tiền, Trung Quốc lo lắng


    Số tiền khổng lồ $1,900 tỷ không chạy đuổi nhau trong nước Mỹ mà còn tràn ra khắp thế giới vì Mỹ nhập cảng rất nhiều hàng hóa. Một số sẽ sang Trung Quốc.

    Hàng trăm triệu người Mỹ sắp nhìn thấy trương mục ngân hàng tăng thêm $1,400 cho mỗi người. Người thất nghiệp sẽ tiếp tục được trợ cấp thêm. Chính quyền các địa phương sẽ có thêm $300 triệu. Đa số sẽ đem tiền ra tiêu, theo kinh nghiệm hai đợt cứu trợ trước. Không mấy ai để ý đến hậu quả khi số tiền này chạy qua các cửa hàng, tiệm ăn, trạm xăng vân vân. Nhiều tiền quá vật giá sẽ leo thang!

    Những người chỉ trích chương trình $1,900 tỷ đô la cứu cấp Covid-19 nêu lên mối lo lạm phát. Các quan chức trong chính phủ Bắc Kinh lo ảnh hưởng xấu trên nền kinh tế Trung Quốc cũng đồng ý. Trong thế giới bây giờ tiền lưu chuyển khá dễ dàng. Những người được cứu trợ cũng để tiền trong ngân hàng. Khi họ mua quần áo hay du lịch thì cửa hàng hoặc khách sạn cũng gửi trong ngân hàng. Chỉ cần mỗi người click một cái trên máy vi tính, các ngân hàng Mỹ thêm tiền ký thác, không cần chính phủ in những đồng tiền mới.

    Khi khách sạn hay cửa hàng mua đồ nhâp cảng, tiền của họ trong các ngân hàng được chuyển qua trương mục các công ty nhâp cảng ở Mỹ, rồi đi thẳng ra nước ngoài, ghi thêm vào trương mục của các nhà xuất cảng cung cấp hàng, tại ngân hàng nước họ. Những đồng đô la không bao giờ nằm yên một chỗ vì nó chay qua chạy lại là sẽ đẻ ra tiền!

    Số tiền khổng lồ $1,900 tỷ không chạy đuổi nhau trong nước Mỹ mà còn tràn ra khắp thế giới vì Mỹ nhập cảng rất nhiều hàng hóa. Một số sẽ sang Trung Quốc.

    Mới nghĩ, có thể tưởng rằng người Trung Quốc sẽ được lợi, vì xuất cảng được nhiều thứ hơn. Nhưng đời sống kinh tế không đơn giản như vậy. Tiền Mỹ chạy qua các nước khác cũng kích thích kinh tế, nghĩa là rất nhiều thứ nguyên liệu như quặng mỏ, nhiên liệu như xăng dầu cũng tăng giá. Những thứ đó, Trung Quốc phải nhập cảng rất nhiều! Các nhóm đầu tư có thêm tiền sẽ vô Trung Quốc kiếm cơ hội. Nhiều tiền quá sẽ gây lạm phát!

    Mà Trung Quốc đang phải lo lạm phát rồi. Chỉ số giá hàng “xuất xưởng,” tức là giá trả cho nhà sản xuất, (PPI - producer price index), đã tăng lên bất ngờ 1.7% trong tháng Hai, so với năm 2020. PPI có thể sẽ tăng 3% trong tháng Ba và tới giữa năm sẽ lên 5.8%. Các nhà kinh tế thuộc viện Nomura giải thích lý do chính là giá các quặng mỏ lên cao.

    Trong mấy tháng qua, trước viễn ảnh kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục khi Covid-19 lui dần, giá dầu thô đã tăng, quặng đồng và các món kim loại cũng tăng, các xí nghiệp Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi nhập cảng. Họ phải tăng giá hàng xuất xưởng. Một dấu hiệu cho thấy mối lo lạm phát ở Trung Quốc đang tăng lên, là cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán tụt giá.

    Ông Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan, 黄奇帆) cựu thị trưởng Trùng Khánh, đang làm cố vấn cho Tập Cận Bình, hôm Thứ Hai vừa rồi mới nêu lên sự kiện Chỉ số Thị trường Thượng Hải mất 8% giá trị trong ba tuần lễ; để công kích chính sách của ông Joe Biden. Ông nói rằng kế hoạch in thêm $1,900 tỷ đô la của chính phủ Mỹ là một “cơn lũ lụt dữ dội!” Lụt tiền. Ông Phàm cũng mô tả nó là một “con thú hoang dã.” Cho tới nay, ông tổng kết, trước sau chính phủ Mỹ đã đổ ra $7 ngàn tỷ đô la để cứu nền kinh tế bị vi khuẩn tấn công!

    Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tỏ ra không lo lắng. Fed tiếp tục in thêm tiền ra mua các trái khoán, mỗi tháng mua $80 tỷ công trái chính phủ Mỹ và $40 tỷ mua các trái khoán địa ốc. Ông chủ tịch Jay Powell nói sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức zero trong năm tới. Vì ông tiên đoán phải mất mấy năm kinh tế Mỹ mới hoạt động lại bằng mức trước khi có bệnh dịch. Bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh mới đồng ý.

    Nhưng ở bên Trung Quốc người ta lo nhiều hơn. Giá hàng lên cao ngay khi ra khỏi xưởng sản xuất thì các công ty bán sỉ rồi tới cửa hàng bán lẻ cũng tăng giá. Muốn ngăn ngừa lạm phát, Bắc Kinh sẽ phải kìm hãm việc chi tiêu, tức là ép cho kinh tế không phát triển nhanh như họ mong muốn!

    Cho nên Bắc Kinh sẽ phải giảm bớt chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước để đề phòng lạm phát. Ngân Hàng Trung Ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, như họ đã báo trước. Lo ngăn lạm phát trong lúc kinh tế chưa thật sự hồi phục trở lại bằng năm 2019, đó là một quyết định bất đắc dĩ.

    Chính sách này có thể đưa tới tình trạng kinh tế Trung Quốc phải chịu hai thứ tai nạn cùng một lúc: Vừa lo giảm bớt hoạt động vừa lo lạm phát (stagflation). Hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra. Trong tháng Hai, 2021, trong khi Chỉ số giá hàng xuất xưởng PPI tăng thì Chỉ số PMI, cho thấy hoạt động của các nhà sản xuất lại giảm bớt, vì giá nguyên liệu lên cao.

    Nhiều người Trung Hoa ở hải ngoại dư dả đem đô la về cố quốc còn tạo thêm một mối lo khác là giá địa ốc lại lên cao, một quả bong bóng phồng lên rất nguy hiểm; tuy chưa đến nỗi bất trị.

    Nhưng muốn có $1,900 tỷ đô la đem phát, chính phủ Mỹ sẽ phải vay nợ. Bộ Tài chánh sẽ phát hành công trái. Thường người ta vẫn lo khi chính phủ vay nợ nhiều quá, sợ sau này không có tiền trả hoặc bắt thế hệ sau phải trả nợ. Ở Mỹ, mối lo đó không đáng kể. Lý do thứ nhất là hầu hết các chủ nợ, những người mua công trái Mỹ (US Treasury securities) là dân trong nước Mỹ chứ không phải người nước ngoài. Chính phủ Nhật đã sống được mấy chục năm nay bằng cách tăng số nợ liên tục, nhưng đại đa số là do dân Nhật cho vay. Chỉ khi nào một chính phủ đi vay người ngoại quốc quá nhiều thì mới đáng lo. Vì lúc đi vay nhận đô la, muốn có tiền trả nợ phải đi mua đô la Mỹ.

    Nước Mỹ còn một lợi thế hơn Nhật Bản, là đồng đô la Mỹ được tất cả thế giới chuộng. Nếu chính phủ Mỹ nợ nhiều quá, họ chờ đồng đô la xuống giá thì món tiền họ nợ tự nhiên giảm bớt, việc trả nợ dễ dàng hơn! Trong vị thế đó, nước Mỹ có một cách “trốn nợ” là gây ra lạm phát, đồng đô la sẽ xuống giá.

    Giá trị của đô la Mỹ phải giảm bớt sau khi đổ vào thế giới một số tiền khổng lồ, $7 ngàn tỷ đô la trong nửa năm, như ông Hoàng Kỳ Phàm tố cáo. Trước đó, đồng đô la đã bị áp lực đẩy xuống vì ngân sách chính phủ Mỹ khiếm hụt, số khiếm hụt đã lên mức kỷ lục trước khi loài vi khuẩn đến nước Mỹ. Tới cuối năm 2020, khiếm hụt ngân sách lên hơn $3 ngàn tỷ, tổng số nợ của chính phủ Mỹ đã lên gần $28 ngàn tỷ mỹ kim.

    Ông Hoàng Kỳ Phàm nói thẳng: “Trên đường lâu dài, đô la Mỹ xuống giá đe dọa kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.”

    Bắc Kinh lưu giữ gần ba ngàn tỷ đô la Mỹ, trong đó hơn một ngàn tỷ nằm trong công trái của chính phủ Mỹ mà họ vẫn mua thêm thường xuyên. Tháng trước, giá các công trái Mỹ đi xuống, khoảng nửa phần trăm, Trung Cộng mất tiền, dù không mua bán gì. Mất nửa phần trăm của một ngàn tỷ đô la cũng là mất tiền! Nếu giá trị của đồng đô la lại xuống thêm 1%, thì ba ngàn tỷ ngoại tệ dự trữ bị cứa mất $30 tỷ! Ông Hoàng Kỳ Phàm có thể coi số mất mát đó không đáng kể, so với cả nền kinh tế Trung Quốc. Mối lo lớn hơn của ông là cảnh “stagflation,” vừa lạm phát, vừa trì trệ.

    Còn về tương lai kinh tế Mỹ, các dự đoán tư nhân đều lạc quan. Bình thường, kinh tế gia tăng trên 2 phần trăm một năm đã là khó. Nhưng sau khi bị đè xuống quá sâu vì Covid, khi hồi phục sẽ có sức đẩy lên mạnh hơn. Công ty Bloomberg thăm dò các nhà kinh tế thấy họ đoán Tổng Sản Lượng Nội Địa sẽ tăng 5.5 phần trăm trong năm nay. Ngân hàng Goldman Sachs đoán sẽ lên tới 8%. Báo Wall Street Journal dự đoán 6%. Một ngân hàng Trung Quốc, China International Capital Corporation, tiên đoán kinh tế Mỹ năm 2021 sẽ tăng 6.2 phần trăm.

    Còn lạm phát thì sao?

    Trong cùng ngày Thứ Hai, khi ông Hoàng Kỳ Phàm đả kích “con thú hoang dã” do Mỹ đẩy ra cho thế giới cùng chịu, bà bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen đã lạnh lùng bác bỏ mối lo lạm phát. Bà nhắc lại, trong hàng chục năm qua Mỹ phải chịu đựng mức lạm phát quá thấp chứ không phải quá cao. Bà vẫn trấn an: Bao giờ thấy lạm phát lên cao, chúng ta có các món võ để trị nó. Bà đã từng làm chủ tịch Fed, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ trước ông Powell, miệng bà nói có gang có thép.

    https://www.voatiengviet.com/a/my-tieu-tien-trung-quoc-lo-lang/5817928.html

    Không có nhận xét nào