Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Nhân Dụng - Có lúc mình cũng nên bớt khôn đi

    Tưởng niệm nạn nhân bị thảm sát tại Georgia.

    Một ông bạn ở Mỹ mới tâm sự trong email: Hôm nay mình bị đồng hương chửi ngu, anh ạ. Tức thế!

    Câu chuyện thế này: Anh bạn đi cắt tóc. Ông hớt tóc cũng người Việt, hỏi thăm: ‘Anh chích Covid chưa?’

    “Chưa! Phải chờ đến phase 3, tôi chưa tới 65 tuổi.”

    “Sao anh ngu thế! Vào Pharmacy CVS, bỏ tên họ của mình vào. Ghi mình bị ung thư thì tuổi nào cũng được chích!”

    Ông nêu bằng chứng: “Vợ chồng em chích rồi. Hai đứa con em 18 với 20 cũng được chích cho chắc; vì tụi nó hay đi lại lung tung. Bà con em cũng chích cả, có nhà lấy 9-10 hẹn một lần.”

    Bị mắng là ngu rồi, ông bạn tôi vẫn tiếp tục “ngu,” còn thắc mắc:

    ‘Em có biết làm vậy là trái luật không?”

    “Luật gì anh! Xứ Mỹ này thằng nào ngu thằng đó chết!”

    Tôi chợt nhớ tới một ông bạn già, mới qua đời vì Covid, 81 tuổi. Chắc ông chưa kịp chích ngừa thì đã bị vi khuẩn đột nhập. Tôi tự hỏi, nếu có người mách ông những mánh khóe lươn lẹo để được chích vaccine, ông có làm không. Tôi đoán ông cũng từ chối. Chúng tôi quen nhau trong Hướng Đạo. Từ thời bé loắt choắt, đi họp ở Văn Miếu, Hà Nội, những năm 1953, 54. Luật Hướng Đạo nó thấm thía trong đầu, tự nhiên mình không muốn nói dối. Nói dối xong thấy ngượng nghịu. Chỗ họp ở Quốc Tử Giám cũng thờ các thánh hiền, từ Khổng Tử đến Chu Văn An. Hồi đó người Việt mình vẫn sống với Lễ, Nghĩa, Liêm Sỉ. Sống như thế lâu thành quen,

    Nhưng tôi không trách ông thợ cắt tóc đã mắng bạn tôi ngu. Ông này còn trẻ, đã sống ở một nước Việt Nam khác thời chúng tôi lớn lên. Chắc ông đã phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống dưới chế mới sau năm 1975. Ông học tập rồi thấm thía một lối sống khác. Trong xã hội đó, phải khôn ngoan, biết những trò ma mãnh, lươn lẹo, lắt léo, mánh mung, phải biết luồn lách, bôi trơn, chôm chỉa. Bởi vì luật pháp do cường quyền áp đặt. Khi người dân ghét và khinh tất cả những kẻ đang cai trị mình thì họ không thể nào kính trọng pháp luật. Mà những người thi hành trên dưới đều tùy tiện, chính họ cũng không coi luật lệ ra cái gì. Ai răm rắp tôn trọng luật lệ thì đúng là “dại,” là “ngu” thật!

    Nhưng phần lớn người mình cũng không muốn học thứ “khôn ngoan” này. Sống với những đạo lý cổ truyền tâm bình an hơn.

    Còn một thứ “khôn ngoan” khác vẫn nhiễm trong xã hội người Việt, kể cả ở nước ngoài. Vì khôn ngoan, nhiều người vẫn không phản đối khi bị đối xử bất công; và khi chứng kiến người khác bị đối xử bất công thì vẫn giữ thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại!”

    Một chuyện trước mắt là nạn kỳ thị, về chủng tộc, giới tính hay tôn giáo. Năm 2020, những vụ tấn công vô cớ người Mỹ gốc châu Á đã tăng 150 phần trăm, so với năm 2019. Trong một năm qua có 3,795 vụ, phần lớn là phụ nữ. Cùng thời gian đó, tổng số những vụ phạm “tội thù ghét” (hate crime) trong toàn quốc đã giảm 7%, có lẽ vì bệnh dịch hạn chế sinh hoạt cũng giảm bớt các hành động phạm pháp.

    Tại sao họ nhắm vào người Á châu? Vì chính quyền Trung Cộng đã ngăn chặn tin tức khi bệnh dịch xuất hiện ở Vũ Hán, làm cho cả thế giới không biết sớm để kịp đề phòng. Không thể bắt tất cả mọi người dân chịu tội về hành động của một đảng độc tài thống trị. Những lời lẽ hồ đồ đã đổ trách nhiệm lên mọi người Trung Hoa, bất kể họ sống ở đâu. Chỉ cần mị dân, gắn nhãn hiệu một sắc tộc lên bệnh dịch, là đã khơi dậy óc kỳ thị chủng tộc đang tiềm tàng trong tâm não nhiều người.

    Phải công nhận, con người đều có hạt giống kỳ thị; chỉ có nặng nhẹ khác nhau. Người Việt cũng vẫn vô tình tỏ thái độ khinh thường các sắc dân khác dù không nuôi lòng thù ghét ai. Trong năm 2020, bệnh Covid-19 đã thổi làn sóng kỳ thị người Trung Hoa lên. Các cửa hàng, người qua lại ở Phố Tàu bị tấn công. Có các cụ già trên 70, trên 80 bị xô đẩy, đánh đập. Jeremy Lin, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng từ 9 năm qua, khi ra sân đã bị một cầu thủ khác gọi là “Vi khuẩn Corona!” Anh là người gốc Đài Loan.

    Các tổ chức của người gốc Á châu, các đại biểu quốc hội hay nghị viện tiểu bang đang lên tiếng báo động dư luận và các cơ quan cảnh sát, tư pháp về hiện tượng này. Người Mỹ gốc Á châu đang bị kỳ thị. Nước Mỹ phải ngăn ngừa! Cộng đồng người Việt chưa đóng góp đông đảo vào cuộc vận động đó.

    Không nên giữ thái độ dè dặt “khôn ngoan” quá! Khi một người bị kỳ thị, tất cả bị kỳ thị. Sống ở một nước tự do, phải bày tỏ thái độ. Bày tỏ một cách nhẹ nhàng, ôn hòa, nhưng rõ ràng, kiên quyết. Chứng kiến người khác bị đối xử bất công mà im lặng, ngoảnh mặt làm ngơ thì mình vô tình dung dưỡng những kẻ gây ra bất công và có thể khuyến khích họ cứ tiếp tục.

    Trước hết là tự bảo vệ. Các phong trào kỳ thị đề cao chủng tộc da trắng vì họ khinh rẻ và thù ghét tất cả những người màu da khác. Không thể nói, “May quá, họ bị kỳ thị, không phải mình!” Nghĩ như vậy không những vô đạo đức mà còn thiếu khôn ngoan.

    Khi nghe có người hô hoán lên rằng tất cả những người Mexico đi qua Mỹ đều là bọn phạm pháp, nhiều người khác có thể nghĩ rằng những lời lẽ mị dân đó không liên can gì tới mình. Sau vụ các phụ nữ Á châu bị giết trong các nhà massage ở Atlanta, người ta có thể còn nói rằng người Á châu đến đây toàn là bọn mang bệnh dịch và đĩ điếm. Lúc đó đã thấy đụng tới mình chưa? Khi nghe người ta gọi Coronavirus là “Vi khuẩn Tàu,” nhiều người thấy vẫn yên tâm vì mình người Việt, không phải Trung Quốc!

    Những kẻ mang óc kỳ thị màu da không phân biệt được ai người Trung Quốc hay Đài Loan, ai người Việt, ai người Nhật hay người Hàn quốc. Một tiệm ăn ở San Antonio, Texas, chủ người Việt, đã bị viết những chữ, gắn nhãn hiệu “Kung Flu”; “Ramen Noode Flu,” đuổi “Go Back 2 China!” và nguyền rủa cho chết, “Hope U Die!” Chỉ vì ông chủ, 33 tuổi, sau khi đóng cửa sáu tháng, mở cửa hàng và yêu cầu khách phải đeo mạng che miệng – phản đối ông thống đốc Texas cho phép khỏi cần đeo mạng!

    Nếu không kiểm soát, dập tắt được những đám cực đoan đề cao chủng tộc Da Trắng Siêu Việt, thì sẽ có ngày người da vàng nào cũng có thể bị tấn công.

    Sau khi 8 phụ nữ bị bắn chết trong một buổi tối ở Atlanta, Cô Bee Nguyen, một đại biểu trong nghị viện tiểu bang Georgia đã phản đối cuộc họp báo của cảnh sát có vẻ muốn giải thích lý do gây ra cuộc thảm sát không phải vì màu da. Phát ngôn viên cảnh sát chỉ lập lại lời hung thủ, anh ta nói không có ý kỳ thị chủng tộc. Nếu bị kết tội đó thì bản án sẽ nặng hơn tội giết người bình thường. Trong nạn nhân có 4 phụ nữ gốc Hàn quốc và hai người gốc Trung Hoa, có thể nói đó chỉ là chuyện tình cờ hay không?

    Nhiều chuyện tình cờ có thể do những nguyên nhân tiềm ẩn trong tâm thức con người. 2017, Bác sĩ Đào Duy Anh bị tống ra khỏi chuyến bay United khởi hành từ Chicago ngày 9 tháng Tư, 2017, khi ông từ chối không bỏ chuyến đi vì đã có hẹn với bệnh nhân ở Louisville. Tại sao một bác sĩ nhã nhặn, nói năng lễ phép, bị kéo lê sềnh sệch giữa hai hàng ghế phi cơ để vợ ông và các hành khách khác chứng kiến? Người ta đổ lỗi cho những người thừa hành. Nhưng bây giờ chúng ta phải tự hỏi: Có phải Bác sĩ David Đào đã bị đối xử như vậy vì ông da vàng hay không? Nếu hành khách là người da trắng thì họ có lôi đi một cách thô bạo như thế hay không? Nếu là một người da đen, có thể họ sẽ nhẹ nhàng hơn, vì sợ bị chống cự hay không?

    Không thể dò xét trong tâm khảm từng người. Nhưng người Việt không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi chứng kiến cảnh người Á châu bị kỳ thị. Phải nói rộng hơn, chúng ta không thể chấp nhận bất cứ ai bị kỳ thị. Không những để tự bảo vệ quyền lợi, phẩm giá của chính mình mà còn đóng góp bảo vệ công lý, trật tự và an lạc cho toàn thể xã hội. Phải từ bỏ lối khôn ngoan “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại!”

    https://www.voatiengviet.com/a/covid-bot-khon-ky-thi-atlanta/5823782.html


    Không có nhận xét nào