Hình minh hoạ. Quân đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hong Kong chuẩn bị đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm Anh trả Hong Kong về cho Trung Quốc hôm 30/6/2017
Reuters
Trung Quốc nhắc đến ‘Bẫy Thucydides’
Hôm tám tháng Ba năm 2021, tờ South China Morning Post có bài viết “China’s military must spend more to meet US war threat”, tạm dịch là “Trung Quốc cần tăng chi tiêu quốc phòng chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Mỹ”. Bài viết dẫn lời Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Hứa Kì Lượng nói Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho “Bẫy Thucydides”.
Cụm từ “Bẫy Thucydides” được sử dụng rộng rãi để chỉ các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và được Nhà khoa học chính trị Mỹ Graham T. Allison phổ biến dựa trên lời của nhà sử học Hy Lạp Thucydides. Nó mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là điều không tránh khỏi khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe doạ thay thế trung tâm quyền lực cũ.
Câu chuyện chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được các chuyên gia chiến lược nhắc đến nhiều trong mấy năm gần đây. Tại Diễn đàn An ninh Warsaw diễn ra tại Ba Lan vào tháng 10 năm 2018, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã cảnh báo về khả năng một cuộc chiến sẽ có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong vòng 15 năm tới. Tướng Hodges đề cập đến việc tàu chiến Trung Quốc đi gần tàu chiến Decatur của Mỹ vào cuối tháng Chín năm 2018, khi Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nhà phân tích chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:
“Người ta dự đoán như thế khá là đúng, bởi Mỹ là nước có tiềm lực quân sự đang dẫn đầu thế giới. Bây giờ Trung Quốc có nhiều súng đạn, nhiều tiền hơn thì họ đòi chia quyền lực với Mỹ. Giới nghiên cứu, giới hoạch định chính sách và kể cả các chính khách dân sự đều phân tích và dự đoán rằng, việc này tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh. Trước đây có một học giả tên Thucydides nói rằng, trong tất cả các cuộc tranh chấp về quyền lực thì tỷ lệ chiến tranh xảy ra là 9/10.
Trung Quốc hiện nay đã rất mạnh về tiềm lực kinh tế và quân sự để có thể đối đầu trực tiếp với Mỹ. Quan điểm này là vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn đến chiến tranh bất kỳ lúc nào. Giới chiến lược đã dự đoán điều này từ cách đây hai năm rồi. Chuyện xảy ra hầu như không thể tránh khỏi.”
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vào hôm ba tháng Ba vừa qua, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở bất cứ nơi nào cần thiết và gọi mối quan hệ với Bắc Kinh là thử thách địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ này.
Ông Blinken nhận định, Trung Quốc là đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở. Ngoại trưởng Hoa Kỳ lưu ý mối quan hệ Mỹ - Trung “sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối thủ khi bắt buộc”.
Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam?
Theo South China Morning Post, để chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Mỹ, Thượng tướng Hứa Kì Lượng đề nghị tăng ngân sách cho quân đội. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 208 tỉ USD trong năm 2021, tức tăng gần 7% so với năm 2020.
Nếu có chiến tranh xảy ra thì Việt Nam có nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc hay không?
Trong một bài viết từ năm 2019, nhà báo David Hutt đã dựa trên các phân tích của các chuyên gia để kết luận rằng, nếu có một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công như là một cách để khởi động trước khi có một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng biển này.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, trong một bài viết trên tạp chí của tổ chức này vào tháng Năm năm 2019 cũng đưa ra lập luận tương tự rằng, nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về điều này:
“Nếu đánh thì trước hết Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan. Họ đổ bộ và đánh chiếm Đài Loan coi như tái thống nhất bằng vũ lực. Đấy là luận điểm và chính sách của Trung Quốc mà họ đã nói ra nhiều lần.
Song song đó, hoặc trước, hoặc sau, Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam ở Biển Đông vì Việt Nam là nước cương cường nhất với Trung Quốc trong số các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông. Nó phù hợp với các phân tích và dự đoán của các học giả chiến lược ở cả phương Tây, các nơi khác và ngay cả Trung Quốc.
Đánh Việt Nam thì chủ yếu là đánh ở Trường Sa chứ không thể có chuyện đánh Việt Nam trên đất liền. Việt Nam không mạnh trên phương diện đối chiếu về năng lực vũ khí hay về mặt lực lượng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam rất mạnh về phòng thủ và tự vệ. Nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì Việt Nam sẽ đánh trả và sẽ có đồng minh. Việt Nam đã có sẵn nhưng không cần phải tuyên bố ra làm gì.”
Ông Hợp nói thêm rằng, trước đây Mỹ công nhận Đài Loan và Trung Quốc là một quốc gia, nhưng về mặt thực tế, hai nước phải thống nhất một cách hòa bình chứ không được dùng vũ lực. Khi xảy ra chiến tranh thì người Mỹ sẽ giúp Đài Loan đánh lại Trung Quốc, bởi giữa Mỹ và Đài Loan có một thỏa thuận 18 điểm rất quan trọng. Trong trường hợp Đài Loan bị xâm lược thì Mỹ có thể giúp Đài Loan trực tiếp để chống lại quân xâm lược.
Còn với Việt Nam thì sao? Ông Hợp nhận định:
“Chiến lược của Việt Nam là không bị bất ngờ; không bị động; đã đánh địch thì phải đánh từ sớm và từ xa.
Đánh từ sớm nghĩa là phải có dự báo. Đánh từ xa là phải có đối ngoại. Mà đặc thù lớn nhất của đối ngoại là tình báo, là nghiên cứu, là phải hợp tác với các nước gần đối tượng. Dù Việt Nam không nói ra nhưng ai cũng hiểu Việt Nam đã có đủ hết.”
Đầu năm 2021, ông Derek Grossman có bài bình luận đăng trên tờ The Diplomat, đề cập đến mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó có đoạn: “Trong khi chính quyền Joe Biden có khả năng sẽ tiếp tục đà tích cực trong quan hệ song phương thì vẫn chưa rõ Hà Nội tìm kiếm điều gì cụ thể từ Washington để giúp họ bắn tiếng với Bắc Kinh một cách hiệu quả.”
Theo ông Grossman, Việt Nam đang cố gắng cân bằng giữa việc hòa bình với Bắc Kinh và việc đẩy lùi sự bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông. Do đó Việt Nam tránh công bố những mong chờ cụ thể từ quan hệ song phương với Hoa Kỳ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-there-was-a-war-with-the-us-would-china-fight-vietnam-first-dt-03102021125554.html
Không có nhận xét nào