Header Ads

  • Breaking News

    MỰC NƯỚC SÔNG MEKONG XUỐNG RẤT THẤP: TRÁCH NHIỆM CỦA AI?

    (Water levels on the Mekong River are declining sharply: Who is to blame?)

    Umair Jamal – Bình Yên Đông lược dịch

    Asean Today – February 24, 2021

    [Ảnh: GJ Duggan]

    Dòng chảy bình thường của Mekong có thể phục hồi nếu một số lớn nước được xả liên tục và ổn định từ các hồ chứa ở Trung Hoa.  Tuy nhiên, chánh sách nước của Trung Hoa cho thấy Beijing dường như không thay đổi thái độ và điều tệ hại nhất cho Mekong sắp xảy ra.

    Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC) đã loan báo rằng Mekong đã xuống đến “mức đáng lo ngại”, phần lớn là do việc giới hạn dòng chảy từ các đập của Trung Hoa ở thượng lưu.

    “Mực nước lên xuống bất thường từ phía dưới [đập] Jinghong (Cảnh Hồng) và xa đến Vientiane,” Winai Wongpimool, giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Văn phòng MRC, cho biết.  MRC là một cơ quan liên chánh phủ được thành lập bởi các chánh phủ Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.  Trong năm qua, cơ quan nầy đã tăng cường các nỗ lực để khuyến khích việc chia sẻ dữ kiện thủy học.

    Dữ kiện cho thấy rằng Trung Hoa đã cố ý hạn chế dòng chảy của Mekong trong mùa mưa 2019-20, đưa đến hạn hán trong các quốc gia ở hạ lưu Mekong và gây thiệt hại cho cuộc sống của hàng triệu người sống dựa vào sông.

    Trung Hoa xây đập trên Mekong để uốn nắn lại kinh tế của mọi quốc gia dọc theo thủy lộ.

    Trung Hoa nói tuyên bố của MRC không chính xác

    Để trả lời cho phúc trình của MRC được công bố hồi đầu tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Hoa nói rằng có nhiều nguyên nhân cho hạn hán ở hạ lưu và Trung Hoa không thể bị đổ tội cho mực nước thấp.

    Trung Hoa có lập trường tương tự cho các cáo buộc về vai trò của họ trong trận hạn hán hồi năm ngoái.  Vào tháng 2 năm 2020, Ngoại trưởng Trung Hoa Wang Yi (Vương Nghị) phát biểu tại một phiên họp của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) rằng “Trung Hoa đã vược qua khó khăn của mình và gia tăng lưu lượng từ sông Lancang để giúp các quốc gia Mekong giảm nhẹ hạn hán.”  Lancang là tên gọi sông Mekong ở Trung Hoa.

    “Chúng tôi cũng đồng ý tăng cường việc hợp tác trong khuôn khổ của LMC để bảo đảm việc sử dụng nguồn nước một cách khả chấp và hợp lý,” ông nói vào lúc đó.  Beijing cũng hứa chia sẻ dữ kiện về đập với các quốc gia thành viên MRC.

    Tháng rồi, Trung Hoa thông báo với các quốc gia thành viên MRC rằng họ sẽ làm đầy các hồ chứa đến ngày 25 tháng 1.  Theo MRC, lưu lượng ở đập Jinghong trong tỉnh Yunnan, Trung Hoa là 785 m3/sec vào đầu tháng 1.  Lưu lượng gia tăng đến 1.400 m3/sec vào giữa tháng 1 nhưng trong tháng 2, lưu lượng lại tụt xuống và được ghi nhận là 800 m3/sec.

    [Ảnh: Jakub Halun]

    Tuy nhiên, Trung Hoa nói rằng lưu lượng từ các đập không dưới 1.000 m3/sec từ cuối tháng 1.  Beijing đã yêu cầu MRC “tránh làm cho công chúng hiểu lầm”.

    Trung Hoa có thái độ cứng rắn đối với việc cai quản nước Mekong

    Không như các quốc gia hạ lưu Mekong, Trong Hoa không lệ thuộc vào quốc gia khác để duy trì mực nước trong lãnh thổ của họ.  Trung Hoa đã do dự để tuân thủ các hiệp ước cai quản nước đa phương và chưa ký vào các hiệp ước quốc tế cho đa số các sông xuyên biên giới của họ.  Trung Hoa cũng là một trong vài quốc gia chưa ký Quy ước 1997 của Liên Hiệp Quốc về việc Sử dụng Thủy lộ Quốc tế ngoài Thủy vận (1995 United Nation Convention on Non-Navigational Uses of International Watercourses).  Khi tình hình trên Mekong tạo thành khủng hoảng, Trung Hoa không có trách nhiệm pháp lý hay động cơ để lưu tâm đến nhu cầu của các quốc gia ở Đông Nam Á (ĐNA).

    Nghiên cứu cho thấy Trung Hoa đang giữ lại nước nhiều hơn trong quá khứ và có thể cố ý gây hạn hán bằng cách hạn chế dòng chảy.  Thí dụ, dữ kiện từ năm 1992 đến 2019 cho thấy các đập Mekong của Trung Hoa đã giữ lại một số nước nhiều lần lớn hơn số nước được xả ra [Lời người dịch: Điều nầy hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc thủy học].  Một phúc trình của Trung tâm Stimson trong tháng 2 ghi nhận rằng “các nhà hoạch định chánh sách của Trung Hoa xem nước là một tài nguyên có chủ quyền thay vì tài nguyên chung, một đường lối có ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia ở hạ lưu.”

    “Các nhà nghiên cứu của Stimson thường nghe các bên liên hệ Trung Hoa lặp đi lặp lại một thái độ đáng lo ngại: Không có một giọt nước nào của Trung Hoa được chia sẻ mà không được Trung Hoa dùng trước hay không được các quốc gia ở hạ lưu trả tiền,’ phúc trình ghi nhận.

    Mặc dù có những ý định để cải thiện liên lạc gần đây, Trung Hoa và các quốc gia ĐNA chưa có một giải pháp cho khủng hoảng.  Các quốc gia hạ lưu Mekong vẫn chật vật với dữ kiện không đầy đủ về lưu lượng xả ra từ các hồ chứa của Trung Hoa, gây khó khăn trong việc xác định dòng chảy nhân tạo hay tự nhiên.

    Các quốc gia hạ lưu Mekong tạo thêm vấn đề

    Trung Hoa không là nguyên nhân duy nhất của tình trạng thiếu nước trên sông Mekong.  Năm rồi, Lào bắt đầu vận hành 2 đập trên dòng chánh Mekong và bắt đầu xây đập thứ 3rd gần thành phố Luang Prabang, một trong các đập được dự trù xây cất trong thập niên sắp tới.  Việc xây cất hầu như sẽ tăng tốc các tranh chấp an ninh nước dọc theo Mekong.

    Một phúc trình của Fitch Solutions Macro Research (Nghiên cứu Giải pháp Vĩ mô Fitch), một trung tâm nghiên cứu kinh tế, đã cảnh báo rằng việc xây đập dọc theo sông Mekong sẽ có hậu quả kinh tế sâu đậm trong thập niên sắp tới.  “Điều nầy sẽ đặt các quốc gia nầy vào nguy cơ lạm phát cao vì giá cả thực phẩm ngoại quốc cao hơn trong lúc thiếu thốn, và tiền tệ mất giá về lâu dài vì lạm phát đối với các đối tác mậu dịch,” phúc trình cho biết.

    Surface Wetness Anomaly for the week of Feb 8 - 14, 2021

    https://monitor.mekongwater.org/virtual-gauges/?v=1612886611078

    “Điều nầy có thể cho thấy các nền kinh tế nầy càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Hoa để nhập cảng thực phẩm cần thiết để bù cho sự thiếu hụt trong dài hạn, khiến cho các quốc gia nầy dễ bị Trung Hoa ảnh hưởng hơn,” phúc trình nói thêm.

    Chánh phủ của các quốc gia hạ lưu Mekong đã đề nghị 11 đập trên dòng chánh, cùng với trên 300 đập trên khắp lưu vực sông.  Một khảo sát của MRC ước tính rằng các quốc gia ở hạ lưu Mekong sẽ bị thiệt 7 tỉ USD nếu thực hiện các dự án thủy điện được dự trù.

    Các phân tích gia lo ngại rằng các quốc gia xây đập không thể cáng đáng chi phí thật sự của chúng.  “Có phải các đập nầy tốt cho các quốc gia hạ lưu Mekong, hay chúng tốt cho quốc gia như Trung Hoa đang tìm cách tạo ảnh hưởng kinh tế và tháo khả năng thừa thải?”  Maureen Harris, giám đốc chương trình ĐNA của International Rivers, một nhóm theo dõi môi trường, thắc mắc.

    Các cộng đồng địa phương dọc theo Mekong nuối tiếc sự mất mất của sông đã nuôi dưỡng họ nhiều thế hệ.  “Sông của tốt với chúng tôi,” Chin, một người dân trong làng ở Cambodia bị ngập vì xây đập, nói với New York Times hồi năm ngoái.  “Nó làm cho tôi buồn vì chúng ta đã giết nó.” 

    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2021/02/muc-nuoc-song-mekong-xuong-rat-thap.html

    Không có nhận xét nào