Header Ads

  • Breaking News

    Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3, nhưng nỗi lo vẫn còn

    Tập đoàn Mitsubishi đã từ lâu bị áp lực rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Việt Nam. Thứ năm ngày 25 tháng 2 tuần qua, nhà đầu tư Nhật Bản này tuyên bố quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án 2 tỷ đô la Mỹ ở tỉnh Bình Thuận nữa.

    Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3, nhưng nỗi lo vẫn còn

    Tin này được giới đấu tranh và kể cả một số chuyên gia kinh tế và năng lượng hoan nghênh.

    Cô Ayumi Fukakusa là một nhà hoạt động về biến đổi khí hậu và năng lực với tổ chức Friends of the Earth (Bạn của Trái đất) tại Nhật. Cô cho biết, tổ chức của cô đồng hành với các nhà báo vệ môi trường Việt Nam. Cô nói liên minh các NGOs vì môi trường đã gây áp lực trên các nhà kinh doanh, các ngân hàng và kể cả chính quyền Nhật đế rút ra khỏi dự án Vĩnh Tân và các dự án than khác tại Việt Nam.


    “Thời gian qua, chúng tôi đã gửi kiến nghị và nghiên cứu về tác động của những dự án than đối với các cộng đồng địa phương. Chúng tôi cũng đã có những cuộc đối thoại với các công ty này, đặc biệt là với Mitsubishi. Trong năm qua, chúng tôi đặc biệt tập trung vào các nhà đầu tư. Liên minh của chúng tôi tại Nhật đã hai lần gửi thư thoái vốn tới các cổ đông của Tập đoàn Mitsubishi. Tất nhiên khó mà nói tác động của áp lực này. Nhưng tôi nghĩ không chỉ các NGO, mà cả các phong trào thanh niên và ngay cả bản thân các nhà đầu tư cũng đã lên tiếng yêu cầu Mitsubishi rút khỏi dự án. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đặc biệt trong năm ngoái, áp lực lên Mitsubishi ngày càng mạnh”.

    Tháng 10 năm ngoái, nhóm quản lý đầu tư Nordea của những quốc gia Bắc Âu đã gửi thư đến Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản và 11 công ty khác, thúc giục họ rút khỏi các dự án nhà máy điện nhiệt than ở Việt Nam.

    Hai ngân hàng Anh Quốc là Standard Chartered và HSBC đã rút vốn ra khỏi dự án Vĩnh Tân 3 vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

    Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, nhà môi trường học và giáo sư từ Texas, Hoa Kỳ cho rằng, việc tập đoàn Mitsubishi rút khỏi Vĩnh Tân 3 là tin mừng dựa trên những kinh nghiệm qua các dự án than tại gần đây. Ông giải thích:

    “Một khi nhà máy Mitsubishi rút ra khỏi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đó có thể nói là một tin mừng cho dân Việt Nam đặc biệt người dân vùng Phan Rí... Vì sao tôi nói lên điều đó? Một trong những âm mưu của Trung Cộng là xây dựng những nhà máy nhiệt than, những nhà máy đã lỗi thời, họ xây dựng từ Bắc chí Nam, trong đó các dự án tính từ Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 tiếp tục xây dựng tại Phan Rang và Phan Rí. Chúng tôi không nói đến vấn đề chính trị. Tôi là một nhà môi trường học. Khi mà nhà máy Vĩnh Tân 1 đã khánh thành và chỉ sau hai năm dân Phan Rí thực sự là nạn nhân đầu tiên. Lý do là hàng năm, nhà máy Vĩnh Tân 1 đã thải hàng triệu tấn than rỉ sét do than, chất phế thải của than còn lại vào vùng biển và khói than của nhà máy Vĩnh Tân 1 đã tàn phá môi trường, không phải môi trường đất, mà môi trường biển xung quanh và môi trường không khí. Trẻ em của vùng Phan Rí đã bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm phổi rất nhiều. Đó là vấn đề. Và mùa màng cây cối trong vùng Phan Rí, người dân càng ngày làm nông nghiệp càng ngày càng khó hơn, vì cây cỏ, các nông sản, hoa màu không còn đủ năng xuất như trước khi có nhà máy Vĩnh Tân”.

    Chuyện gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường do các dự án than. Bà nói đây là lúc chính quyền Việt Nam cần xem xét lại hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường:

    “Tôi cho là Việt Nam rất cần cân nhắc một cách cẩn trọng những dự án nhiệt điện than. Bây giờ cũng có khả năng làm nhiều thứ điện khác, như điện mặt trời, điện gió, điện từ sóng biển Việt Nam đều có thể làm và trong thời gian gần đây đã có khá nhiều dự án như vậy được phát triển rồi. Dùng nguồn năng lượng tái tạo thì tốt hơn nhiều. Nó đỡ đi hệ quả lớn về môi trường và đây là cái lo ngại lớn nhất”.

    Nhà phân tích tài chính năng lượng Simon Nicholas của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) của Hoa Kỳ thì nhận định đây là xu hướng phổ biến trong những năm gần đây khiến các nhà máy than ngày càng gặp nhiều trở ngại về tài chính. Qua điện thư gửi Đài Á Châu Tự Do ông viết:

    “Chúng tôi đã thấy các công ty khai thác mỏ lớn trên toàn cầu tiếp tục lập kế hoạch và thực hiện việc rút khỏi điện than. Giờ đây các công ty điện lực và doanh giới của Hàn Quốc và Nhật Bản - vốn đã từng hoạt động tích cực trong lĩnh vực phát triển điện than ở Việt Nam - đang có những bước chuyển khỏi than đá. KEPCO của Hàn Quốc đã kêu gọi chấm dứt phát triển nhiệt điện than ở nước ngoài và các công ty của Nhật Bản đã rút khỏi các dự án điện than trên khắp Châu Á và Châu Phi. Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và họ đã bị áp lực nhiều để ngừng cung cấp tài chính công cho các dự án than ở những nơi như Việt Nam. Bản thân các công ty cũng đang cảm thấy áp lực.... Với nguồn cung ứng điện than dần cạn kiệt, chúng ta sẽ thấy các công ty tiện ích và doanh giới Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên tích cực hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở khắp Châu Á”.

    Đan Mạch vào ngày 24 tháng 2 đã ký bản Ghi nhớ với Công ty CP phát triển điện gió La Gàn về việc hỗ trợ xây dựng dự án điện gió ở Bình Thuận. Tổng vốn đầu tư của dự án điện Gió La Gàn là 10 tỷ USD, một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam.

    Các chuyên gia kinh tế và môi trường đều chia sẻ một mối quan tâm chung, là liệu Trung Quốc sẽ lấp vào khoảng trống với sự rút lui của Mitsubishi?

    Bà Phạm Chi Lan cho rằng việc này còn tệ hại hơn nữa. Bà nói thêm: “Tôi mong là khi Mitsubishi rút đi thì Việt Nam cũng xem xét lại tất cả những lý do họ rút đi và thấy điều đó tốt và có thể ngưng dự án đó, chuyển sang làm bằng những phương thức hay hơn là chỉ thay nhà đầu tư. Bởi vì nhà đầu tư Trung Quốc trên thực tế họ đã làm Vĩnh Tân 1, thì đã thấy rồi đấy, Biết bao nhiêu vấn đề về ô nhiễm có xử lý được đâu”.

    Báo Thanh Niên hôm 26 tháng 2 trích dẫn Ông Phan Xuân Dương- Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 rằng dự án ‘vẫn triển khai bình thường. Ông khẳng định rằng “dự án vẫn còn, nhưng chuyển (một phần) sang nhà đầu tư khác” tuy nhiên ông tiết lộ rằng chủ đầu tư mới cũng là chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tức Công ty Lưới điện Phương Nam của Trung Quốc.

    Cô Ayumi Fukakusa nói, giới đấu tranh chưa có thể ăn mừng về tin Mitsubishi rút khỏi Vĩnh Tân 3 được:

    “Mặc dù tin tức mà chúng tôi nhận được là tích cực, chúng tôi không chắc liệu dự án chính có bị chấm dứt hoàn toàn không. Có thể những nhà đầu tư khác có thể bước vào để tiếp quản dự án. Chúng tôi lo ngại điều đó. Tập đoàn Mitsubishi cũng có các dự án khác trong danh mục đầu tư của họ tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đang tập trung vào dự án Vũng Áng 2 ở tỉnh Hà Tĩnh và Mitsubishi vẫn đang đẩy mạnh dự án đó mặc dù công trình chưa khởi công”.

    Cô Fukakusa nhấn mạnh liên minh các tổ chức đấu tranh môi trường sẽ tiếp tục gây áp lực lên Mitsubishi để họ phải rút khỏi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam. Cô nói thêm, xét trên Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu thì các dự án đang tiến hành cũng cần phải ngưng ngay.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào