Chết vì tuyệt vọng nơi người da trắng ít học tại Hoa Kỳ
Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 24 tháng 3 năm 2021 |
Tại Hoa Kỳ, độ tử vong của người da trắng (không gốc Mễ), học vấn thấp, đã tăng gấp ba, từ 1990 đến 2017 (30 trên 100 ngàn vào năm 1990, lên 92 trên 100 ngàn năm 2017) !
Lý do : sự tuyệt vọng trước tình trạng sa sút trên bậc thang xã hội. Người thợ da trắng đã mất đi 13% lợi tức giữa 1979 và 2017, trong khi lợi tức đầu người của Hoa Kỳ tăng 85% vào cùng thời gian ! Đó là hiện tượng "rò rỉ ngược" : lợi tức của người nghèo chảy vào hầu bao của người giàu (xem http://chinh-tri-lich-su.blogspot.com/2016/03/phu-huu-khong-chay-tu-tren-xuong.html).
Kết quả là trầm cảm, rượu chè, ma túy, tự sát ...
Angus Deaton (Nobel kinh tế 2015) và Anne Case, vừa xuất bản một nghiên cứu về hiện tượng này : Deaths of Despair and the Future of Capitalism - https://www.amazon.fr/Deaths-Despair-Future-Capitalism-English-ebook/dp/B082YJRH8D.
Các tác giả phân tích ba yếu tố được coi như sự thất bại của Tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ, có thể lan đến nơi khác :
1) Hệ thống y tế, với bảo hiểm sức khỏe quá sức tốn kém, và sự phổ biến vô cùng bừa bãi loại thuốc "opioid" (gây nghiện, dùng quá liều ...)
2) Tài chính hóa kinh tế và tự động hóa kỹ nghệ sản xuất với hệ quả là các công ty đua nhau giảm thiểu lao động và gia tăng lợi nhuận của vốn đầu tư để được thị trường tưởng thưởng.
3) Hệ thống giáo dục càng ngày càng đắt tiền, khiến giới thường dân khó học lên cao, trong khi các việc làm vừa xứng đáng vừa ít cần học thức thì lại dần dần biến mất.
Các tác giả cũng nhận xét rằng vấn đề không chỉ thuần túy là sự chênh lệch giàu nghèo, vì các nạn nhân không phải là những người nghèo nhất, mà ở cảm giác bất công, bị bỏ rơi, không còn hiểu được bước đi của xã hội.
Aung San Suu Kyi ra hầu tòa, biểu tình tiếp diễn
Bà Aung San Suu Kyi hôm nay sẽ hầu tòa trực tuyến trong một phiên điều trần vốn bị hoãn lại vì thiếu đường truyền internet sau khi quân đội Myanmar chặn các mạng dữ liệu di động. Bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng trước, phải đối mặt với ít nhất 5 tội danh, bao gồm tham nhũng. Chúng có lẽ được thiết kế để loại bà khỏi cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự hứa sẽ tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.
Tuy nhiên đường phố mới là tình trạng khẩn cấp thật sự. Nhiều người Miến Điện đã nghe theo lời kêu gọi vũ trang của chính phủ dân sự song song của Myanmar, mới được thành lập bởi các thành viên trong đảng của bà Suu Kyi được bầu vào quốc hội vào tháng 11 năm ngoái. Người biểu tình dựng rào chắn để ngăn quân đội tiến vào khu dân cư của họ, với trang bị súng cao su và bom xăng. Các binh sĩ phản ứng bằng cách kéo người dân tháo dỡ chúng, trong khi tiếp tục lùng sục khắp các thành phố, bắt cóc và bắn cả người biểu tình lẫn dân thường. Hiện hơn 260 người Miến đã thiệt mạng. Cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Các nước châu Á chịu áp lực tăng giá đồng tiền
Xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là hàng điện tử, là một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch. Số đơn đặt hàng xuất khẩu của Đài Loan tăng 49% so với cùng kỳ năm trước trong hai tháng đầu năm 2021, còn xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 3 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu công bố trong tuần này. Điều đó báo hiệu tốt cho tăng trưởng của các nước, nhưng lại khiến chính phủ của họ phải đau đầu.
Thặng dư thương mại khổng lồ thường khiến đồng tiền bản tệ tăng giá. Song các ngân hàng trung ương châu Á có xu hướng can thiệp để kiềm chế tăng giá, thể hiện qua đợt tăng kỷ lục dự trữ ngoại hối của họ hồi năm ngoái. Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, và ra cảnh báo tám nước khác ở châu Á, bao gồm Đài Loan, làm tăng khả năng nước này có thể hạn chế mua hàng từ châu Á. Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn tăng mạnh, các nước châu Á sẽ ngày càng đứng dưới áp lực tăng giá đồng tiền.
Sắp công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng của Mỹ và châu Âu
Sức khỏe kinh tế của các lĩnh vực, quốc gia và khu vực khác nhau sẽ trở nên rõ ràng hơn vào hôm nay khi IHS Markit, một hãng dữ liệu và nghiên cứu, công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng hàng tháng (PMI). Các chỉ số PMI, được tổng hợp từ các cuộc khảo sát công ty, sẽ phản ánh sự khác biệt trong số ca nhiễm covid-19, các hạn chế liên quan đến đại dịch, và tiến độ tiêm chủng. Có thể đoán châu Âu sẽ đi sau Mỹ, và khu vực dịch vụ chậm hơn ngành sản xuất.
Các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro sau khi Pháp, Đức và Ý thắt chặt hạn chế vì số ca nhiễm covid-19 tăng trong khi tiêm chủng chậm trễ. Mặc dù lĩnh vực sản xuất có phục hồi, tình trạng phong tỏa vẫn tiếp tục làm ngành dịch vụ tê liệt. PMI của toàn khối dự kiến dưới 50, tức suy thoái. Nước Anh có lẽ thể hiện tốt hơn, đặc biệt là khi dịch vụ có thể đã tăng trưởng trở lại. Điều đó sẽ giúp nước này tránh bị suy thoái GDP quý đầu năm. Còn ở Mỹ, mọi thứ đang bắt đầu trở lại bình thường. Tổng PMI của họ được dự báo ở khoảng 60, tốt hơn cả con số của tháng trước vốn đã cao.
Người châu Âu chê vắc-xin AstraZeneca
Vắc xin covid-19 của AstraZeneca – Đại học Oxford đã phải nhận nhiều tin xấu trong những tuần gần đây. Trước tiên là các báo cáo về chứng đông máu ở một số người tiêm thuốc, khiến hơn một chục quốc gia ở châu Âu phải cho dừng tiêm chủng. Và chỉ mới hôm qua, xuất hiện cáo buộc cho thấy các cuộc thử nghiệm ở Mỹ của vắc-xin AstraZeneca, vốn cho thấy mức hiệu quả 79%, có thể đã dựa vào “thông tin không cập nhật”. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu gần đây đã tái khẳng định vắc-xin AstraZeneca an toàn.
Tuy nhiên, các công dân châu Âu có vẻ sợ hãi. Tại Pháp, 61% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho biết họ nghĩ vắc-xin AstraZeneca tương đối hoặc rất không an toàn, tăng so với 43% của hai tuần trước đó. Hơn một nửa số người Đức (55%) nói nó không an toàn, so với mức 40% của tháng trước. Thái độ hoài nghi ngày càng tăng đối với vắc-xin có thể làm tăng số ca tử vong ở châu Âu. Nguy cơ mắc và tử vong vì covid-19 lớn hơn rủi ro tiêm ngừa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp xếp lại nội các
Đầu tiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt một đợt bán tháo đồng lira vào đầu tuần khi sa thải Naci Agbal, thống đốc ngân hàng trung ương, người làm các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng khi áp đặt một loạt các đợt tăng lãi suất. Có thời điểm vào ngày 22 tháng 3, đồng tiền này đã giảm gần 10% so với đồng đô la. Hôm nay, Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ sắp xếp lại nội các tại một hội nghị của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông.
Vụ sa thải ông Agbal đã phá hủy niềm tin của các nhà đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc sắp xếp cũng có thể gây thêm thiệt hại. Tin đồn là Berat Albayrak, cựu bộ trưởng tài chính, có thể đang tìm cách trở lại chính trường kể từ khi ông Erdogan bảo vệ các quyết sách của ông trong một bài phát biểu vào tháng trước. Ông Albayrak, người cũng là con rể của ông Erdogan, làm bộ trưởng vào thời điểm đồng lira sụt giá lớn, và đã nỗ lực vô ích để ngăn chặn đà trượt giá của đồng tiền bằng cách bán dự trữ ngoại hối. Sẽ tiếp tục có bán tháo nếu tên của ông được xướng lên trong hôm nay.
Bà Harris bị chỉ trích khi cười câu hỏi của phóng viên
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang phải đối mặt với những phản ứng dữ dội sau khi cười một phóng viên sau khi người này hỏi bà liệu có kế hoạch đến thăm biên giới phía nam trong bối cảnh khủng hoảng di cư hay không, theo Foxnews.
Dân biểu Cộng hoà Steve Scalise viết trên Twitter hôm 23/3: “Kamala Harris cười nhạo một phóng viên đã hỏi bà ấy liệu bà có kế hoạch đến thăm biên giới hay không. Đừng tin vào chính quyền này khi họ nói rằng họ nghiêm túc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này”.
Nhà hoạt động tiến bộ Jordan Uhl thì viết trên Twitter rằng: “Chính xác thì chuyện này có gì vui [mà cười]?”
Thượng nghị sĩ John Cornyn (tiểu bang Texas) hôm 23/3 giải thích phản ứng của bà Harris trên Fox News.
Ông nói: “Chà, không có gì đáng cười cả, và tôi ước phó tổng thống và tổng thống sẽ đến biên giới. Tôi rất vui được chào đón họ ở đó và để họ có thể học những gì tôi đã học, nói chuyện với các chuyên gia, Biên giới Tuần tra, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cũng như các quan chức địa phương và các bên liên quan, những người đang chịu gánh nặng về chính sách biên giới mở của chính quyền này”.
Steve Guest, cố vấn truyền thông của Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) viết trên Twitter: “Rõ ràng, cuộc khủng hoảng biên giới hiện là một vấn đề đáng cười đối với chính quyền Biden”.
Trước đó, hôm 22/3, trong khi trả lời phỏng vấn truyền thông, bà Harris được hỏi liệu có “kế hoạch đến thăm” biên giới phía nam trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư đang tiếp tục gia tăng hay không.
Bà Harris đã cười trước khi trả lời rằng “không phải hôm nay”. Sau đó Harris nói rằng bà ấy đã đến thăm biên giới trước đây và có lẽ sẽ quay lại.
Ian Haworth: Vì sao Kamala Harris luôn cười?
Ian Haworth là biên tập viên và cây bút cho tờ The Daily Wire, một trong những công ty truyền thông bảo thủ phát triển nhanh nhất của Mỹ. Anh đã có bài bình luận về điệu cười kỳ lạ của phó tổng thống Kamala Harris mỗi khi gặp phải tình huống khó xử. Dưới đây là tóm tắt nội dung bài viết của anh.
“Kamala Harris có một thói quen kỳ lạ, bà ấy cười mỗi khi có cơ hội. Đôi khi, điều này thật kỳ quặc và trong những trường hợp khác, điệu cười của bà thể hiện sự đáng lo ngại”, bài bình luận mở đầu.
Haworth đã đưa ra một ví dụ về điệu cười không phù hợp với hoàn cảnh của phó TT.
Đầu tuần này, một phóng viên đã hỏi Harris liệu bà có dự định đến thăm biên giới không. Bà Harris trả lời kèm theo điệu cười “thương hiệu” của bà. Haworth đã nhận xét về điệu cười kỳ lạ này trên Twitter: “Nếu [Phó TT] Mike Pence cười khi được hỏi về khủng hoảng biên giới, truyền thông sẽ ngay lập tức kêu gọi thiêu sống ông ấy”.
Haworth tiếp tục phân tích sự khác biệt khi bà Kamala Harris đối xử với vấn đề khủng hoảng nhân đạo biên giới trước và sau khi nhậm chức.
Khi ông Donald Trump còn là tổng thống, khái niệm về việc “ngược đãi người di cư” là một vấn đề nghiêm túc đối với Harris.
Vào tháng 6/2018, trong cao trào của trận bão lửa “những đứa trẻ trong lồng”, đảng Dân chủ đã tích cực miêu tả chính quyền Trump đồng nghĩa với Đảng Quốc xã và bất kỳ nỗ lực kiểm soát biên giới nào của ông cũng đồng nghĩa với “thảm sát”. Harris mô tả các chính sách cách ly là “vô lương tâm”.
“Họ cần phải chấm dứt chính sách này. Đây là điều vô lương tâm, vô đạo đức, là điều sai trái, và không cần thiết. Và tôi nghĩ không có gì phải bàn cãi khi nhiều người đã và đang xem những hình ảnh [về trẻ em nhập cư trái phép bị đưa vào trại tạm giữ] đã rất rõ ràng rằng, đây không phải là phản ánh đất nước chúng ta và nó phải dừng lại,” bà Harris nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ, bà Harris đã đưa ra tuyên bố về chính sách nhập cư của mình.
“Tôi sẽ ngay lập tức thực hiện một quy trình có ý nghĩa để xem xét các trường hợp xin tị nạn, thả trẻ em khỏi lồng [tạm giữ], dừng các trung tâm tạm giữ tư nhân, đồng thời đảm bảo rằng tổng thống Hoa Kỳ sẽ sử dụng micrô của mình để phản ánh các giá trị của đất nước chúng ta chứ không phải là nhốt trẻ em,” bà tuyên bố .
Vào tháng 7/2018, Harris tuyên bố rằng “Con của họ [những người nhập cư bất hợp pháp] là con cái của chúng ta.” Khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần, các chính sách nhập cư của ông Trump tiếp tục là chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Harris.
Bà nói với một khán giả vào tháng 11/2019: “Khi trẻ sơ sinh bị nhốt trong lồng và trẻ em bị tách khỏi cha mẹ… công lý cho người nhập cư dựa vào lá phiếu [của các bạn]”.
Điều gì đã thay đổi?
Bây giờ, Kamala Harris đã đạt được mục tiêu là có được quyền lực. Giờ đây, những người nhập cư bất hợp pháp bị giam trong điều kiện khủng khiếp ở biên giới đã không còn chút giá trị chính trị nào đối với bà.
Điều này khiến bà không có gì nổi bật để nói, cũng không đạt được điều gì. Và khi Kamala Harris không có gì để nói, bà ấy cười điệu cười của mình.
Tàu chở container mắc cạn trên Kênh đào Suez
8 tàu kéo hôm 24/3 đã cố gắng giải thoát một tàu chở container dài 400m bị mắc cạn trên Kênh đào Suez, chặn các tàu di chuyển qua một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, cơ quan quản lý kênh này cho biết.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, tàu Ever Given nặng 224.000 tấn đã bị mắc cạn vào sáng 23/3 sau khi bị mất lái trong bối cảnh gió lớn và bão bụi.
Cơ quan chức năng cho biết họ nỗ lực hết sức để đảm bảo việc vận chuyển bình thường qua kênh đào, nhưng không rõ bao lâu thì tàu sẽ được giải thoát và các nguồn tin cho biết khả năng sẽ có sự chậm trễ trong việc vận chuyển.
Tính theo khối lượng, khoảng 12% thương mại thế giới đi qua kênh đào nối liền Châu Âu và Châu Á. Kênh đào vẫn là nguồn cung cấp ngoại tệ chính cho Ai Cập.
Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), công ty quản lý kỹ thuật của con tàu, cho biết, Ever Given, một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới, mắc cạn trên kênh vào sáng ngày 23/3. Công ty cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Triều Tiên thử nghiệm hai tên lửa tầm ngắn
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn hai tên lửa tầm ngắn vào cuối tuần qua, nhưng Washington đã hạ giảm mức độ nghiêm trọng của vụ thử được coi là đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Joe Biden và cho biết vẫn để ngỏ đối thoại với Bình Nhưỡng.
Các tên lửa mới phóng của Triều Tiên không thuộc danh mục cấm thử nghiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hai quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói trong một cuộc họp báo hôm 23/3.
Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc cho biết hai tên lửa hành trình đã được phóng đi từ ngoài khơi thị trấn duyên hải nằm ở miền tây của Triều Tiên là Onchon vào sáng 21/3.
Vụ phóng này đánh dấu cuộc thử nghiệm vũ khí công khai đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Một.
Nhưng ông Biden đã hạ giảm tầm quan trọng của vụ phóng, nói rằng "không có thay đổi gì nhiều", trong khi một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết đây là cuộc thử nghiệm "bình thường" và cảnh báo việc "thổi phồng" vụ này.
“Không, theo Bộ Quốc phòng, đó là chuyện bình thường. Không có sự thay đổi nào trong những gì họ thực hiện”, ông Biden nói với các phóng viên lúc trở về từ chuyến thăm Ohio, khi được hỏi rằng liệu cuộc thử nghiệm có phải là một hành động khiêu khích hay không.
Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về vụ thử mà tờ Washington Post là cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin.
Phái bộ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã không ngay lập tức hồi đáp yêu cầu bình luận.
Sách mới của George J. Veith muốn viết ‘công bằng hơn’ về ông Nguyễn Văn Thiệu
Một cuốn sách lịch sử, do George J. Veith bằng tiếng Anh, vừa ra mắt, phân tích 20 năm tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa, và đặc biệt đưa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào trung tâm sách.
Sách do Encouter Books ấn hành năm 2021, có tựa Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam's Shattered Dreams (Đấu Kiếm Vùng Đất Xa: Những Ước Mơ Tan Vỡ của Nam Việt Nam).
Ông George J. Veith từng nổi tiếng nhờ cuốn sách Black April - THE FALL OF SOUTH VIETNAM, 1973-75, in năm 2013.
Nhân vật chính trong sách là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001), mà tác giả cho rằng ông cố gắng mô tả nhân vật này công bằng hơn các tư liệu trước đây.
Trong cuốn thông sử mới nhất, George Veith cho rằng ông Thiệu không phải là nhà độc tài “tham ô, xấu xa như phe Tả phản chiến miêu tả, cũng không phải là con rối của Mỹ”.
Tác giả khẳng định ông Nguyễn Văn Thiệu có hai mục tiêu chính.
Một là chiến thắng các đối thủ bằng mọi giá.
Hai là muốn xây dựng miền Nam thành nhà nước hiện đại, thoát nghèo và rồi sẽ tiến gần tới nền dân chủ.
Tác giả so sánh ông Thiệu có nhiều điểm gần gũi với Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Park Chung-hee ở Hàn Quốc.
Ronald Reagan, thăm Sài Gòn trong tư cách đặc sứ của Tổng thống Richard Nixon năm 1971
Ông nhận định chế độ Việt Nam Cộng Hòa muốn cùng lúc đạt hai mục tiêu: đánh bại Cộng sản và xây dựng nhà nước hiện đại.
Nhưng trong 20 năm tồn tại, Sài Gòn đã thất bại trong cả hai mục tiêu vì hai mục tiêu này gắn chặt với nhau, thua cái này thì cũng mất cái còn lại.
Điều quan trọng nhất là sau khi Mỹ rút năm 1973, Việt Nam Cộng Hòa không còn đủ sức mạnh quân sự và kinh tế.
Mặc dù không còn tồn tại, chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các sử gia.
Cuốn sách của George J. Veith là ví dụ mới nhất muốn xem xét lại lịch sử đẫm máu của miền Nam Việt Nam.
TT Mexico: Ông Biden chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng biên giới
Hôm thứ Ba (23/3), tổng thống cánh tả Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông tin rằng chính quyền Joe Biden đã gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Newsweek đưa tin, trong một cuộc họp báo hàng ngày, ông Obrador đã nói về cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ đang diễn ra. Ông cho biết sự gia tăng số lượng người di cư từ Mexico đến Mỹ là do kỳ vọng của họ đối với Tổng thống Biden.
“Người ta đã kỳ vọng rằng chính phủ của Tổng thống Biden sẽ có cách đối xử tốt hơn với người di cư. Và điều này đã khiến những người di cư muốn vượt biên từ Trung Mỹ, và cả từ đất nước chúng tôi, nghĩ rằng vượt biên [đến Hoa Kỳ] sẽ dễ dàng hơn”, ông Obrador phát biểu.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi quân đội Mexico xác nhận triển khai 8.700 binh sĩ để hạn chế số lượng người di cư qua nước này.
Đây không phải lần đầu ông Obrador quy trách nhiệm về dòng người di cư ở biên giới cho TT Biden. Một ngày sau cuộc gặp trực tuyến với TT Biden hôm 1/3, TT Mexico đã phát biểu: “Người di cư xem [Biden] là ‘tổng thống di cư’ và rất nhiều người cảm thấy họ sẽ đến được Hoa Kỳ. Chúng ta cần phối hợp để điều chỉnh dòng chảy người di cư, vì công việc này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai”.
Trong khi đó, các quan chức của chính quyền Biden lại đổ lỗi cho ông Trump về khủng hoảng biên giới.
Đầu tuần này, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Sunday, Bộ trưởng An ninh Nội địa của chính quyền Biden Alejandro Mayorkas đã tuyên bố:
“Những gì chúng ta đang thấy là kết quả của việc Tổng thống Trump phá bỏ các quy trình nhập cư an toàn và có trật tự đã được tổng thống của cả hai đảng xây dựng trong nhiều năm. Đó là những gì chúng ta đang thấy, và đó là lý do tại sao chúng tôi cần thời gian để thực hiện các kế hoạch quản lý yêu cầu nhân đạo đối với trẻ em dễ bị tổn thương. Đó là về điều này.”
Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai (15/3) cũng đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump khi được hỏi về cách đối xử kinh khủng của chính quyền Biden với trẻ em ở biên giới. Bà nói “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết hệ thống không hoàn thiện và chưa được chuẩn bị do chính quyền trước”.
Quân đội Myanmar chiếm tài khoản ngân hàng của George Soros, ra lệnh bắt giữ nhân sự
Chính quyền quân sự Myanmar đã chiếm quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của Tổ chức Xã hội Mở (OSF) của tỷ phú George Soros ở Myanmar và tuyên bố rằng họ sẽ có hành động pháp lý đối với tổ chức này.
Hôm thứ Hai, MRTV do quân đội kiểm soát thông báo rằng quân đội đã phát lệnh bắt giữ 11 nhân viên của OSF Myanmar, bao gồm cả người đứng đầu và cấp phó của tổ chức này, vì nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho phong trào bất tuân dân sự chống lại chính quyền quân sự, theo Irrawady.
Chế độ cũng tuyên bố rằng tổ chức này đã không nhận được sự chấp thuận từ Cục Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) cho khoản tiền gửi 5 triệu đô-la Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (SMED) tại Myanmar vào năm 2018.
Tổ chức này cũng bị cáo buộc rút 1,4 triệu đô-la bất hợp pháp từ tài khoản của mình tại SMED một tuần sau khi quân đội tiếp quản ở Myanmar, do phong trào bất tuân dân sự đang tăng lên trong các công chức trên khắp đất nước.
Các nhóm liên kết với quân đội bao gồm Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh đã cáo buộc Soros thao túng chính trường Myanmar bằng cách hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở nước này.
National File đã từng đưa tin về mối quan hệ giữa Soros, ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton và Cố vấn nhà nước bị lật đổ gần đây Aung San Suu Kyi của Myanmar:
Clinton đã khuyên bà Aung San Suu Kyi tranh cử một ghế quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2012 ở Miến Điện, và cuối cùng bà Aung San Suu Kyi đã làm được, khởi đầu cho sự nghiệp chính trị chính thức của bà sau này ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Barack Obama khi đó, người thường xuyên vận động để bà được thả tự do khỏi bị quản thúc tại gia. Aung San Suu Kyi bị bắt liên tục trong những năm 1990 và 2000 vì “các hành vi lật đổ”, sau khi bà tham gia vào các cuộc bạo động chống lại chính phủ Myanmar.
Obama đã trao tặng cho bà Huy chương của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2012, mà bà mô tả là “một trong những ngày cảm động nhất trong cuộc đời tôi”. Cuối cùng, chính quyền Obama đã thúc đẩy việc bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015, bằng cách đặt các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và kiên quyết chỉ xóa bỏ chúng nếu bà Aung San Suu Kyi được giao một vai trò chính trị trong nước.
Một đồng minh quan trọng khác của bà Aung San Suu Kyi là tỷ phú cấp tiến George Soros và mạng lưới tổ chức phi chính phủ toàn cầu của ông ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động của bà.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào