Võ Thái Hà tóm lược
Đô đốc Hải quân Mỹ: Mỹ đang mất dần lợi thế trước Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Chỉ huy hàng đầu của Mỹ trong khu vực cảnh báo rằng quân đội Mỹ đang mất lợi thế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quân sự theo những cách thức cho thấy họ đang chuẩn bị cho các hành động gây hấn.
Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết cán cân quân sự trong khu vực đang “trở nên bất lợi hơn” đối với Mỹ, làm gia tăng nguy cơ Trung Quốc có hành động quân sự vì sức răn đe giảm sút.
“Chúng ta đang tích lũy rủi ro có thể chứng kiến Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trước khi lực lượng của chúng ta có thể đưa ra phản ứng hiệu quả”, Davidson nói với ủy ban vũ trang Thượng viện trong phiên điều trần hôm thứ Ba (9/3).
Tuần trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 6,8% trong năm nay. Davidson cho biết Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng lực lượng hải quân và dự kiến có thể triển khai 3 tàu sân bay vào năm 2025.
Đô đốc cho biết Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần năng lực hạt nhân của mình trong hai thập kỷ qua và có thể vượt qua Mỹ vào cuối thập kỷ này nếu mức hiện tại của họ tăng gấp bốn lần, như một số chuyên gia đã dự đoán.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ trở nên lo lắng về hoạt động quân sự hung hăng của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Khi được hỏi liệu Mỹ có nên thay đổi chính sách dài hạn về “sự mơ hồ chiến lược” – một chính sách trong đó Mỹ từ chối cho biết họ sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan – ông đề nghị nên xem xét vấn đề này.
“40 năm mơ hồ chiến lược. . . đã giúp giữ cho Đài Loan và tình trạng hiện tại của nó, nhưng bạn biết những điều này nên được xem xét lại thường xuyên,” Davidson nói.
Vào thứ Sáu tới (12/3), TT Biden sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các thành viên của Bộ tứ – Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – để thảo luận về cách họ có thể làm việc cùng nhau để chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Lực lượng an ninh Myanmar vây bắt người biểu tình; Mỹ kêu gọi lực lượng này rút đi
Các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã sử dụng hơi cay và bao vây hàng trăm người biểu tình chống chính quyền quân nhân tại hai địa điểm ở Yangon hôm 10/3, khiến Đại sứ quán Mỹ kêu gọi lực lượng an ninh rút lui.
Tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thống nhất được một tuyên bố về việc lên án cuộc đảo chính ở Myanmar, kêu gọi quân đội kiềm chế và đe dọa sẽ xem xét "các biện pháp tiếp theo".
Các cuộc thảo luận về tuyên bố này có thể sẽ tiếp tục, các nhà ngoại giao cho biết, sau khi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam đưa ra đề xuất sửa đổi vào cuối ngày 9/3 đối với dự thảo của Anh, bao gồm việc loại bỏ việc đề cập đến cuộc đảo chính và đe dọa cân nhắc hành động tiếp theo.
Cảnh sát ập vào một khu nhà ở của nhân viên đường sắt ở Yangon và bao vây hàng trăm người biểu tình ở quận Bắc Okkalapa, thuộc một khu vực khác của thành phố, hôm 10/3. Các nhân chứng cho biết hơn 100 người đã bị bắt tại hai địa điểm này.
Nhiều nhân viên đường sắt là một phần của phong trào bất tuân dân sự đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của chính phủ và bao gồm các cuộc đình công tại các ngân hàng, nhà máy và cửa hàng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1 tháng 2.
“Chúng tôi đang thấy các báo cáo về các học sinh và dân thường vô tội bị bao vây bởi lực lượng an ninh ở Bắc Okkalapa, cũng như các vụ bắt giữ”, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
"Chúng tôi kêu gọi các lực lượng an ninh đó rút khỏi khu vực, thả những người bị giam giữ và cho phép mọi người rời đi an toàn”.
Lực lượng an ninh đã gia tăng đàn áp đối với các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày trên toàn quốc, khiến quốc gia Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Hơn 60 người biểu tình đã bị giết và 1.900 người bị bắt kể từ cuộc đảo chính, nhóm vận động có tên gọi Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết.
Mỹ thông qua gói kích thích của tổng thống Biden
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái, mong muốn hợp tác lưỡng đảng và chủ nghĩa trung dung của Joe Biden đã khiến phe tiến bộ lo lắng. Họ muốn một nhân vật sẵn sàng chiến đấu chứ không phải một kẻ thỏa hiệp. Nhưng hôm nay, Hạ viện đã sẵn sàng thông qua – và ông Biden sẽ ký thành luật – dự luật kích thích khổng lồ của ông. Nó sẽ không tăng lương tối thiểu liên bang lên 15 đô la mỗi giờ hoặc trợ cấp thất nghiệp từ 300 lên 400 đô la một tuần, nhưng hầu hết người Mỹ sẽ nhận được chi phiếu 1.400 đô la.
Dự luật này cũng giải ngân hàng tỷ đô la cho các chính quyền bang và địa phương, các trường học cũng như phát triển và phân phối vắc-xin. Nó cũng mở rộng hỗ trợ gia đình có trẻ em và tăng trợ cấp theo Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Vừa túi tiền, theo đó có thể giúp hàng triệu người nhận được bảo hiểm y tế. Về mặt chính trị, nó cho thấy rằng Biden sẽ không để mong muốn hợp tác lưỡng đảng làm chệch hướng chương trình nghị sự của ông — gói dự luật thông qua hai viện theo đúng lập trường đảng phái. Kỷ nguyên chính phủ lớn, mà Bill Clinton tuyên bố đã chết cách đây 25 năm, dường như đang quay trở lại.
Cựu tổng thống Brazil Lula có khả năng ra tranh cử năm 2022
Một thẩm phán Tòa Tối cao Brazil đã tuyên hủy một loạt cáo buộc tham nhũng chống lại cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, dọn đường cho ông tái tranh cử vào năm 2022. Ông Lula, người thuộc Đảng Công nhân cánh tả, bị cấm tranh cử vào năm 2018, khi sự phẫn nộ của công chúng đối với vụ bê bối tham nhũng Lava Jato (“Car Wash”) đã giúp bầu ra một nhà dân túy cực hữu, Jair Bolsonaro. Vị thẩm phán này phán quyết rằng các vụ kiện đã đệ trình sai thẩm quyền.
Nếu toàn tòa đồng thuận, các vụ kiện có thể được nộp lại từ đầu ở một tòa khác. Tin này sẽ thúc đẩy chia rẽ khi cuộc bầu cử đến gần. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 50% người Brazil cho biết họ có thể bỏ phiếu cho ông Lula nhưng 44% nói họ sẽ không bao giờ làm vậy. Trong khi đó, 38% có thể bỏ phiếu cho ông Bolsonaro; và 56% từ chối. Nguy cơ chia phiếu đã làm dấy lên những lời kêu gọi thành lập một “mặt trận rộng lớn” của các đảng đối lập để đưa lên một ứng viên ôn hòa hơn. Song chính các đảng này lại đang chia rẽ về các vấn đề kinh tế và ý thức hệ chính.
Adidas và Reebok sắp chia tay
Adidas và Reebok như đang đường ai nấy đi. Adidas, gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ thể thao của Đức, sẽ vạch ra kế hoạch tách khỏi công ty con giày thể thao này khi công bố bản cập nhật chiến lược kinh doanh vào hôm nay. Adidas đầu tư rất nhiều vào các nền tảng trực tuyến kể từ năm 2017, và đã giúp doanh thu của họ chống chọi với đại dịch. Chẳng hạn, họ giờ có thể mang lại cho khách hàng mua sắm từ xa trải nghiệm tốt hơn bằng các công cụ thực tế tăng cường, và tặng các phần thưởng kèm link đến các bài tập thể dục.
Doanh số bán hàng trực tuyến tăng đã giúp lợi nhuận của Adidas tăng 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ đô la) từ quý 2 đến quý 3 năm 2020. Song Reebok bị bỏ lại, tiếp tục phong độ phập phù kể từ khi Adidas mua lại họ với giá 3,8 tỷ đô la hồi năm 2006. Reebok vốn được kỳ vọng giúp Adidas đấu với đối thủ lớn của họ, Nike, ở Bắc Mỹ; nhưng kể từ đó thương hiệu ba sọc cốt lõi của Adidas đã đủ lớn mạnh để tự cạnh tranh. Vì vậy, họ có thể sẽ bán Reebok — với giá chỉ 1 tỷ euro.
John Kerry công du châu Âu để bàn về vấn đề khí hậu
Năm năm và ba tháng sau khi thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua, John Kerry hôm nay quay lại thành phố này với vai trò mới là đặc phái viên khí hậu của Joe Biden. Trên cương vị ngoại trưởng của Barack Obama, ông Kerry từng đàm phán về thỏa thuận này tại hội nghị thượng đỉnh COP21 của Liên Hợp Quốc. Tại London vào hôm thứ Hai, ông đã gặp Alok Sharma, chủ tịch của COP26 năm nay, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow.
Ông cũng đã gặp các ủy viên châu Âu tại Brussels hôm qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục đích chuyến công du của ông Kerry là nhằm “tăng cường tham vọng khí hậu toàn cầu” trước thềm COP26 và cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới do Tổng thống Biden kêu gọi vào đúng Ngày Trái đất 22 tháng 4. Đó là một mục tiêu xứng đáng, vì hầu hết chương trình khí hậu của các nước đều không đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris. Nhưng chuyến đi có lẽ cũng là một nỗ lực phục hồi vị thế lãnh đạo vấn đề khí hậu của Mỹ, vốn bị xói mòn bởi chính quyền Trump và các chính sách thất thường của Mỹ ở trong
Hoàng gia Anh lên tiếng sau cuộc phỏng vấn gây sốc của Harry và Meghan
Hai ngày sau trận bão gây ra từ cuộc trả lời phỏng vấn của hoàng tử Harry và vợ là Meghan trên một kênh truyền hình Mỹ, điện Buckingham đã ra khỏi sự im lặng. Trong một thông cáo hơn chục dòng, nữ hoàng Elisabeht đệ nhị cho biết « rất buồn » vì tình hình, và khẳng định cáo buộc phân biệt chủng tộc do Meghan đưa ra sẽ được xem xét nghiêm túc.
Theo thông tín viên Muriel Delcroix của RFI tại Luân Đôn, thì tuy ngắn gọn và nhẹ nhàng, nhưng rốt cuộc cũng có được câu trả lời từ nữ hoàng vốn hiếm khi phát biểu. Lần này với 11 triệu người Anh ngồi trước truyền hình hôm 08/03 xem chương trình phỏng vấn nẩy lửa, và truyền thông chỉ nói về chủ đề này mà thôi, Hoàng gia Anh ngày càng dưới áp lực phải phản ứng trước các buộc, nên thông cáo mang tính hòa giải và thông cảm thay vì đối đầu.
Toàn bộ Hoàng gia « rất buồn » khi biết rằng những năm gần đây đã « khó khăn » như thế nào với cặp vợ chồng, khẳng định vẫn luôn yêu thương Harry, Meghan và bé Archie. Nữ hoàng cho biết coi các cáo buộc kỳ thị chủng tộc là « nghiêm túc », và hứa sẽ xử lý « trong vòng nội bộ ».
Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng « một số kỷ niệm có thể khác nhau », một cách nói lịch sự nhưng thực tế cho thấy Hoàng gia hoàn toàn bác bỏ tố cáo phân biệt chủng tộc. Theo Meghan, một thành viên hoàng tộc đã tỏ ra lo ngại về màu da của em bé trước khi sinh. Hai vợ chồng hoàng tử Harry không tiết lộ danh tính, nhưng người phỏng vấn nổi tiếng Oprah Winfrey cho biết Harry nói « không phải là ông bà nội », tức nữ hoàng và hoàng thân Philip.
Le Figaro nhận định, như vậy gọng kềm siết lại đối với thái tử Charles hoặc hoàng tử William, gây rắc rối cho hai nhân vật có thể lên ngôi quốc vương Anh. Về phía cha ruột của Meghan vốn bất đồng với con gái, tuyên bố ông « hoàn toàn không nghĩ rằng Hoàng gia Anh phân biệt chủng tộc ».
Theo một thăm dò của YouGov, 36% số người được hỏi ủng hộ Hoàng gia Anh, chỉ 22% (đa số là người trẻ 18-24 tuổi) đứng về phía cựu nữ diễn viên Mỹ. Không thể nào biết được cuộc chiến giữa đôi bên sẽ dịu bớt hay không, nhưng Le Figaro nhận thấy một điều chắc chắn là nữ hoàng chứng tỏ tầm vóc xứng đáng với vai trò đáng kính trọng của mình, hơn là cặp vợ chồng nổi loạn.
Lãnh đạo Florida kiện chính quyền Biden vì vi phạm luật liên bang
“Sự thất vọng của tôi đã bùng lên và chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm trước tòa án liên bang”…
Tổng chưởng lý của tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, bà Ashley Moody hôm thứ Ba (9/3 theo giờ địa phương) thông báo rằng đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại chính quyền Biden về vấn đề nhập cư “nghiêm trọng”, mà bà cho rằng vi phạm luật liên bang.
“Tôi đã phát biểu trong nhiều tuần nay và cảnh báo người Mỹ về thực tế rằng chính quyền này đang phớt lờ trách nhiệm của mình trước luật pháp của liên bang. Yêu cầu phải trục xuất tội phạm người nước ngoài mà [theo luật] ở đây là bất hợp pháp và phải nói rằng chúng tôi sẽ không làm điều đó nữa”, bà nói với Fox News.
Theo bà Moody, chính quyền ông Biden đã hủy bỏ việc đưa những tên tội phạm nhập cư bất hợp pháp phạm tội tình dục ra trước công lý.
“Đầu tiên, họ đã hủy bỏ Chiến dịch Talon, nhắm mục tiêu vào những tội phạm tình dục ở Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp và bây giờ họ đã công bố hướng dẫn, về cơ bản là thả những tội phạm hình sự nghiêm trọng vào đường phố của chúng ta”.
Theo người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận chuyên chống buôn bán hoạt động tình dục trẻ em, những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm xây dựng một văn phòng chuyên chống buôn bán hoạt động tình dục đã tạo ra một “tác động đáng kinh ngạc” trong bốn năm qua.
Những kẻ phạm tội nguy hiểm đang được thả trở lại Florida, theo Moody, và nhóm của bà sẽ bắt chính quyền ông Biden phải chịu trách nhiệm.
“Họ đang hủy bỏ những người theo dõi và yêu cầu các nhà lãnh đạo thực thi pháp luật của chúng ta phải thả họ trở lại tiểu bang của chúng tôi”.
“Ý tôi là thật không thể tin được, những người không phải là lãnh đạo thực thi pháp luật được yêu cầu thả [tội phạm]. Sự thất vọng của tôi đã bùng lên và chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm trước tòa án liên bang”.
Bảo vệ di sản thời ông Trump, hàng loạt tiểu bang kiện ông Biden
Một chục tiểu bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã đệ đơn kiện chính quyền Biden vào thứ Hai (8/3 theo giờ địa phương) về lệnh hành pháp ngày 20/1 nhằm hủy bỏ một số chính sách thời ông Trump.
Các Tổng Chưởng lý của Đảng Cộng hòa đã ký vào đơn kiện cho rằng lệnh này là một sự mở rộng vi hiến đối với các quy định về khí hậu có thể làm tê liệt sản xuất năng lượng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tổng Chưởng lý tiểu bang Missouri, ông Eric Schmitt đang dẫn đầu nỗ lực pháp lý chống lại chính quyền Biden.
“Ngành sản xuất, nông nghiệp và năng lượng rất cần thiết cho nền kinh tế Missouri và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người Missouri chăm chỉ trên khắp tiểu bang. Theo lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, mà ông ấy không có thẩm quyền ban hành, công dân Missouri chăm chỉ đã sống và làm việc trên mảnh đất này qua nhiều thế hệ có thể bị bỏ lại trong cát bụi”, ông Schmitt nói trong một tuyên bố.
“Từ các hóa đơn sử dụng năng lượng đắt đỏ hơn cho đến việc mất việc làm, sự mở rộng quy mô lớn của quyền quản lý liên bang có khả năng ảnh hưởng đến gần như mọi hộ gia đình ở tiểu bang này – đó là lý do tại sao hôm nay tôi dẫn đầu một liên minh các tiểu bang để ngăn chặn lệnh hành pháp này và bảo vệ các gia đình Missouri”.
Một trong những lệnh hành pháp được hành đầu tiên của chính quyền ông Biden chứa các chỉ thị tác động đến nhiều hành động mà chính quyền ông Trump đã thực hiện đối với khí hậu, năng lượng và đất đai liên bang.
Lệnh yêu cầu xem xét lại việc cắt giảm đất bảo tồn liên bang được thực hiện dưới thời chính quyền ông Trump. Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cắt giảm hàng triệu mẫu đất bảo tồn quốc gia ở Utah. Vào năm 2020, ông Trump cũng cắt giảm đất bảo tồn quốc gia ở Seamounts.
Chỉ thị của Biden ngăn cản điều này, nghĩa là các số liệu tạm thời do chính quyền Biden đề xuất, sẽ được sử dụng để quyết định xem nhiều dự án có được chính phủ liên bang chấp thuận để tiến hành hay không, sẽ là một gánh nặng lớn đối với sự phát triển của các tiểu bang.
“Nếu Lệnh Hành pháp [của ông Trump] không còn, nó sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ hoặc hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Nó sẽ phá hủy công ăn việc làm, kìm hãm sản xuất năng lượng, bóp nghẹt sự độc lập về năng lượng của nước Mỹ, đàn áp nông nghiệp, ngăn cản sự đổi mới và làm nghèo đi các gia đình lao động”, Tổng Chưởng lý Missouri cho biết.
Missouri hiện dẫn đầu vụ kiện và theo sau là các tiểu bang Arizona, Arkansas, Indiana, Kansas, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Tennessee và Utah.
Cựu Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ mong muốn tới thăm Đài Loan
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Ba (9/3) cho biết ông rất mong có cơ hội đến thăm Đài Loan trong tương lai. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của ông Pompeo trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài và chào đón ông tới thăm hòn đảo, theo Taiwan News.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, ông Pompeo nói rằng là một người lính trong Chiến tranh Lạnh, ông đã chứng kiến những gì “chế độ chuyên chế và chủ nghĩa cộng sản đã gây ra đối với cuộc sống thường nhật của người dân”. Ông khẳng định rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã đặt ra một nguy cơ thực sự đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Khi được hỏi về lý do tại sao Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông lại dỡ bỏ các hạn chế hành chính đối với các trao đổi chính thức với Đài Loan, ông Pompeo nói, “Chúng tôi bắt đầu quan sát kỹ nó và nhận ra rằng điều đó thật điên rồ. Chúng ta có một bộ quy tắc hoàn toàn lạ lùng và nó không có ý nghĩa gì”.
Ông Pompeo nói rằng sau khi xem xét đầy đủ, “nó phải đem lại cho chúng ta [Mỹ-Đài] nhiều cuộc thảo luận hơn, chứ không phải ít hơn. Có những cuộc thảo luận cởi mở hơn chứ không phải những cuộc nói chuyện bí mật hơn”.
Khi được hỏi liệu ông có kế hoạch đến thăm Đài Loan hay không, Pompeo nói, “Thật tuyệt vời khi có cơ hội đến đó vào một ngày nào đó. Tôi thực sự thích điều đó. Đó sẽ là một sự kiện có thật”.
Hôm thứ Tư (10/3), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Âu Giang An cho biết Chính phủ Đài Loan chân thành cảm ơn Pompeo vì “những đóng góp quan trọng và nhiều hành động hữu nghị của ông trong việc củng cố quan hệ Mỹ-Đài trong nhiệm kỳ của ông”. Bà Âu cho biết Đài Loan rất trân trọng tình bạn lâu dài với ông Pompeo và hoan nghênh ông đến thăm Đài Loan.
Bà Âu nói rằng vẫn chưa có các cuộc thảo luận về kế hoạch cho chuyến thăm của ông Pompeo. Bà cho biết việc mời các quan chức chính phủ đương nhiệm, sắp mãn nhiệm và các chức sắc khác của Mỹ “luôn là một phần quan trọng trong công việc của chính phủ chúng tôi đối với Hoa Kỳ”.
Không có nhận xét nào