Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 03 tháng 3 năm 2021 |
Cờ Việt Nam treo trên đường phố thủ thô Mỹ Washington, DC. Các cuộc điều tra về cáo buộc gian lận thương mại đối với Việt Nam được khởi xướng dưới thời Tổng thống Trump đang tiếp tục được thực hiện dưới chính quyền Biden.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết các cuộc điều tra về cáo buộc gian lận thương mại đối với Việt Nam được Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tiếp tục được thực hiện.
Trong chương trình nghị sự về thương mại được công bố hôm 1/3, chính quyền Biden thông báo về sự tiếp nối của hai cuộc điều tra mà Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mở vào đầu tháng 10 năm ngoái, theo “chỉ đạo” của Tổng thống Trump lúc đó, về các “hành vi, chính sách và thực hành của Việt Nam” liên quan đến việc nhập và sử dụng gỗ được cho là có nguồn gốc bất hợp pháp, và việc định giá thấp tiền tệ của quốc gia Đông Nam Á.
Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, chính quyền của ông hôm 15/1 công bố kết luận của cuộc điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và cho rằng hành vi này “không thoả đáng” nhưng không đưa ra ngay hành động áp thuế tức thời. Trong khi đó, kết quả cuộc điều tra về khả năng Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ chưa được công bố.
Trước đó chính quyền Trump đưa ra thời hạn để công bố kết luận của các cuộc điều tra sau khi kết thúc việc lấy ý kiến công chúng vào ngày 7/1.
Theo Chương trình Nghị sự Thương mại 2021 và Báo cáo Thường niên 2020 của Tổng thống Mỹ về Chương trình các Hiệp ước Thương mại mới được công bố hôm 1/3, hai cuộc điều tra nêu trên vẫn “đang được tiến hành.”
Báo cáo cho biết sau khi USTR khởi xướng các cuộc điều tra hôm 2/10/2020, phía Mỹ trong cùng ngày đã “yêu cầu các tham vấn với Việt Nam”.
Theo thông báo về lý do khởi xướng cuộc điều tra về việc sử dụng gỗ bất hợp pháp được trích dẫn trong báo cáo, Việt Nam “phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu gỗ từ các nước khác cho nguồn cung cần thiết cho ngành sản xuất các sản phẩm gỗ” và rằng “bằng chứng cho thấy một lượng lớn các loại gỗ nhập khẩu được thu hoạch hoặc mua bán bất hợp pháp.” USTR đã tiến hành một buổi điều trần công khai hôm 28/12/2020 cho cuộc điều tra này với 19 đại diện của ngành tham gia làm nhân chứng. Theo báo cáo, phía Mỹ tiến hành các cuộc tham vấn với Chính phủ Việt Nam hôm 8/1/2020 và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Đại diện Thương mại mới của Mỹ do Tổng thống Biden bổ nhiệm, Katherine Tai, là người quyết định về cách tiếp cận đối với Việt Nam trong các tranh chấp thương mại với Mỹ.
Miến Điện: Cảnh sát tiếp tục bắn người biểu tình, bất chấp kêu gọi ‘‘kiềm chế’’ của ASEAN
Bạo lực cảnh sát tiếp diễn tại Miến Điện. Hôm nay, 03/03/2021, các lực lượng an ninh tiếp tục bắn vào người biểu tình ở nhiều nơi, làm ít nhất 6 người thiệt mạng. Trước đó, khối ASEAN ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Miến Điện và kêu gọi các bên « kiềm chế ».
Trả lời AFP qua điện thoại, các bác sĩ tại chỗ xác nhận có bốn người bị bắn chết trong một cuộc biểu tình tại một thành phố ở miền trung Miến Điện. Vẫn theo nguồn tin y tế, hai người biểu tình khác bị giết chết tại khu vực gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Miến Điện. Một bác sĩ xin ẩn danh cho biết một trong hai nạn nhân ở Mandalay bị bắn vào đầu, còn người kia bị bắn vào ngực.
Biểu tình diễn ra khắp Rangoon, thành phố lớn nhất Miến Điện. Người biểu tình sử dụng lốp xe cũ và hàng rào thép gai để chặn các ngả đường chính. Tại trung tâm thành phố, ở ngã tư gần ngôi chùa Sule nổi tiếng, những người biểu tình dán hình chân dung của thủ lĩnh tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing xuống mặt đường, một chiến thuật nhằm làm chậm bước tiến của lực lượng an ninh.
Đồng thời, tập đoàn quân sự bắt giam sáu nhà báo, trong đó có một nhiếp ảnh gia của hãng tin AP. Các nhà báo bị truy tố với tội danh « gây rối loạn trật tự công cộng ».
Bạo lực hôm nay xảy ra ngay sau hội nghị không chính thức của các bộ trưởng Ngoại Giao Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Bruneil, quốc gia nắm quyền chủ tịch ASEAN 2021, ra tuyên bố « bày tỏ quan ngại của khối ASEAN về tình hình ở Miến Điện » và « kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa ». Tuyên bố của chủ tịch luân phiên ASEAN cũng kêu gọi « các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng (…) vì lợi ích của người dân ».
Theo các nhà quan sát, ASEAN đã thất bại trong việc tỏ thái độ cứng rắn hơn với chính quyền quân sự Miến Điện. Chỉ có bốn thành viên – Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore – kêu gọi tập đoàn quân sự trả tự do cho lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.
Hội Đồng Bảo An họp về Miến Điện thứ Sáu tới
Về phía Liên Hiệp Quốc, AFP hôm qua cho hay, theo yêu cầu của Anh, Hội Đồng Bảo An sẽ tổ chức một phiên họp mới về tình hình Miến Điện, vào ngày thứ Sáu, 05/03. Cuộc họp kín sẽ bắt đầu vào 15 giờ (giờ quốc tế). Hiện chưa có thông tin gì về khả năng Hội Đồng Bảo Anh một lần nữa ra tuyên bố chung về Miến Điện hay không. Cuộc họp trước đó diễn ra ngày 02/02, ngay sau khi quân đội Miến Điện đảo chính. Hai ngày sau Hội Đồng Bảo An ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại, nhưng không lên án đảo chính quân sự.
Tranh chấp vị trí đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc
Sau khi đại sứ Miến Điện Kyaw Loe Tun tại Liên Hiệp Quốc, do chính quyền dân sự bổ nhiệm trước đây, bất ngờ tuyên bố lên án cuộc đảo chính quân sự, hôm qua, 02/03/2021, chính quyền quân sự đã gửi thông báo đến Liên Hiệp Quốc khẳng định ông Kyaw Loe Tun không còn là người đại diện cho Miến Điện, và thay thế ông sẽ là viên phó đại sứ. Trước đó một ngày, đại sứ Kyaw Loe Tun do chính quyền dân sự bổ nhiệm đã gửi thư đến chủ tịch Đại Hội Đồng và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, khẳng định ông vẫn là đại diện hợp pháp của Nhà nước Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc. Hôm qua, ông Kyaw Loe Tun đã nhận được sự ủng hộ của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và toàn bộ các đồng nhiệm của Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời báo giới hôm qua, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc đang xem xét tranh chấp hiếm có này, và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ có thể ra quyết định về vấn đề này, thông qua thể thức bỏ phiếu, với đa số quá bán.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Scharane Burgener, hiện đang có mặt ở Berne, Thụy Sĩ, « vẫn đang tiếp tục đối thoại với các bên liên quan về tình hình hiện nay ». Hôm thứ Sáu vừa qua, bà Burgener chính thức kêu gọi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc không công nhận chính quyền quân sự.
Người dân Myanmar lên án Trung Quốc cùng tham gia trấn áp người biểu tình
Sau khi tiến hành đảo chính cướp chính quyền, chính phủ quân sự Myanmar đã liên tiếp tàn sát người biểu tình trong những ngày gần đây. Việc này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, đây chính là kết quả của “cuộc xuất khẩu cách mạng” của ĐCSTQ, theo NTDTV.
Ngày 2/3, một người dân Myanmar đã viết trên Twitter rằng, hôm diễn ra cuộc biểu tình ở Thị trấn Sanchaung, thành phố Yangon, anh đã nhặt được một chiếc vỏ đạn hơi cay do quân đội bắn ra. Phần chữ hướng dẫn trên vỏ đạn không bị đốt cháy hoàn toàn, và có thể thấy rõ ràng đó là những chữ tiếng Trung giản thể.
Những bức ảnh này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng Myanmar đặt ra những nghi vấn như: “Đây là hải sản mà ĐCSTQ gửi đến sao?”; “ĐCSTQ hãy ‘cút’ khỏi Myanmar”…
Trước đó, các kênh truyền thông Myanmar đưa tin rằng, sau cuộc đảo chính của chính phủ quân sự và lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, 5 máy bay của Trung Quốc đã đến Yangon để gỡ hàng trong cùng ngày. Sau khi vụ việc xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar tuyên bố rằng, những chiếc máy bay này chỉ “vận chuyển hải sản”. Tuy nhiên, tuyên bố trên đã bị cư dân mạng Myanmar chế giễu.
Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính đến nay, trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar luôn có người dân đứng biểu tình, yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar.
Căn cứ không quân có binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq bị tấn công bằng rocket
Hôm 3/3, có kẻ đã bắn ít nhất 10 quả rocket nhằm vào một căn cứ quân sự ở miền tây Iraq, nơi có sự hiện diện của binh sĩ thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu, liên minh này và quân đội Iraq cho biết. Hiện chưa rõ ngay là có thương vong hay không.
Người phát ngôn của liên quân, Đại tá Wayne Marotto, cho biết, các quả rocket đánh trúng căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar lúc 7:20 sáng. Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Quân đội Iraq ra thông cáo cho biết rằng cuộc tấn công không gây tổn thất đáng kể và rằng lực lượng an ninh đã tìm thấy bệ phóng rocket. Theo một quan chức quân đội Iraq cho biết với điều kiện giấu tên để thảo luận về vụ tấn công với giới truyền thông, bệ phóng được tìm thấy ở khu vực al-Baghdadi thuộc Anbar.
Đây là cuộc tấn công đầu tiên kể từ khi Mỹ không kích các mục tiêu của dân quân liên kết với Iran trên biên giới Iraq - Syria vào tuần trước, giết chết một dân quân và làm dấy lên lo ngại về khả năng lặp lại một loạt các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng như năm ngoái, vốn lên đến đỉnh điểm với vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, giết chết Tướng Iran Qassim Soleimani bên ngoài sân bay Baghdad.
Cuộc tấn công hôm 3/3 nhắm vào chính căn cứ, nơi Iran tấn công bằng một loạt các quả tên lửa vào tháng Một năm ngoái để trả đũa cho việc giết chết ông Soleimani. Hàng chục quân nhân Hoa Kỳ đã bị thương trong cuộc tấn công đó.
Đại sứ Anh tại Iraq Stephen Hickey lên án vụ tấn công, nói rằng nó làm suy yếu cuộc chiến hiện thời nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Đan Mạch, giống như Mỹ và Anh cũng có quân đồn trú tại căn cứ, cho biết rằng các lực lượng liên quân tại Ain al-Asad đang giúp mang lại sự ổn định và an ninh cho Iraq.
Cuộc tấn công hôm 3/3 xảy ra hai ngày trước khi Giáo hoàng Francis dự kiến thăm Iraq trong một chuyến đi được mong đợi, với các chặng dừng chân Baghdad, miền nam Iraq và ở thành phố Irbil ở miền bắc.
Covid-19: TT Biden tuyên bố cuối tháng 5 đủ vac-xin cho toàn dân Mỹ
Từ nay cho đến cuối tháng 5 tới, nước Mỹ sẽ có đủ liều vac-xin để chích ngừa cho toàn bộ dân cư ở tuổi trưởng thành. Trên đây là tuyên bố của tổng thống Joe Biden hôm 02/03/2021. Việc Cơ quan Dược phẩm liên bang FDA vừa cấp phép cho vac-xin ngừa Covid-19, Johnson & Johnsonn, mang lại nhiều hy vọng.
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :
« Loại vac-xin thứ ba Johnson & Johnson có thể được bảo quản dễ dàng hơn trong tủ lạnh bình thường, và dễ sử dụng hơn, khi chỉ cần một liều duy nhất. Việc Cơ quan Dược phẩm Mỹ FDA cấp phép cho Johnson & Johnson vào kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua khiến tổng thống Joe Biden rất lạc quan.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : "Nhờ tiến trình cấp phép tăng tốc như tôi đã yêu cầu, hôm nay, tôi rất vui mừng thông báo là đất nước chúng ta đã có đủ vac-xin cho toàn bộ dân cư người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành, từ đây cho đến cuối tháng 5. Tôi xin nhắc lại : từ đây đến cuối tháng 5. Đây là một bước tiến, một bước tiến quan trọng".
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là việc tăng tốc này không có nghĩa là toàn bộ cư dân Mỹ ở tuổi trưởng thành sẽ được tiêm chủng từ nay cho đến tháng 5. Thông báo trên chỉ có nghĩa là sẽ có đủ vac-xin cho việc này. Cho đến nay, mục tiêu của Nhà Trắng chỉ là có được 600 triệu liều vac-xin trước cuối tháng 7. Thách thức về mặt cơ sở hạ tầng hỗ trợ phân phối vac-xin là vô cùng lớn. Hiện tại mới chỉ có 15% người Mỹ được tiêm liều vac-xin đầu tiên ».
Đẩy mạnh sản xuất vac-xin trong nước
Cũng trong phát biểu hôm qua, tổng thống Biden khẳng định hai tập đoàn dược phẩm Hoa Kỳ, Merck và Johnson & Johnson, đã có một thỏa thuận hợp tác nhằm gia tăng sản xuất vac-xin Johnson & Johnson. Ông Biden nhấn mạnh hai tập đoàn dược phẩm này vốn là « các đối thủ », nay chấp nhận hợp tác, và sự hợp tác này là điều nước Mỹ đã từng thấy trong thời kỳ Đại chiến Thế giới thứ hai.
Theo bộ Y Tế Mỹ, tập đoàn tư nhân Merck, sẽ nhận được hơn 100 triệu đô la từ phía chính quyền liên bang, để thực hiện nhiệm vụ sản xuất khẩn cấp theo yêu cầu của chính quyền. Tổng thống Mỹ cho biết rõ là các nhà máy sản xuất vac-xin Johnson & Johnson sẽ hoạt động với công suất tối đa, 7 ngày trên 7 và liên tục 24 giờ.
Quần đảo Senkaku: Nhật Bản cho phép Tuần Duyên nổ súng vào tàu Trung Quốc
Khẩu chiến lại bùng lên giữa Tokyo và Bắc Kinh về các hoạt động của tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển Nhật Bản quanh vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng gia tăng vào lúc Tokyo cho biết là Tuần Duyên Nhật Bản được phép bắn vào tàu nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp mưu toan đổ bộ lên các đảo Senkaku.
Nhật Bản hôm 02/03/2021 đã cực lực đả kích và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng Biển Hoa Đông, cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kishi Nobuo khẳng định: “Các hoạt động của tàu công vụ Trung Quốc (tại vùng Senkaku/Điếu Ngư) chỉ dựa trên các yêu sách của Bắc Kinh và thể hiện hành động vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ông Kishi Nobuo nói thêm rằng quần đảo Senkaku là một “phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế”, và hoạt động của tàu Trung Quốc “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, mà Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Hôm 01/03, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lại lên tiếng khẳng định rằng vùng quần đảo này là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” và “các hoạt động của Trung Quốc ở đó là điều hợp pháp và không thể tranh cãi”.
Cùng phụ họa với bộ Quốc Phòng, theo hãng tin Nhật Kyodo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cảnh cáo Tokyo là không nên có những “hành động nguy hiểm” có thể khiến tình hình “phức tạp” thêm tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời tuyên bố tiếp tục cho tuần tra trong khu vực.
Tuần Duyên Nhật được phép nổ súng vào tàu Trung Quốc
Khẩu chiến Trung-Nhật bùng lên chỉ ít hôm sau khi Tokyo cho biết là kể từ nay, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản có quyền nổ súng vào các tàu nước ngoài nếu phát hiện âm mưu đổ bộ lên quần đảo Senkaku.
Theo Kyodo, một số thành viên đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền tại Nhật Bản hôm 02/03 vừa qua đã tiết lộ thông tin kể trên, dẫn phát biểu của các quan chức chính phủ Nhật với một ủy ban của đảng rằng Tokyo đã “thay đổi cách giải thích luật lệ hiện hành” trong bối cảnh Bắc Kinh ban hành luật mới cho phép lực lượng Hải Cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài bị coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Trung Quốc.
Trước đây, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản chỉ được phép nổ súng vào tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và chạy trốn. Thế nhưng kể từ nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật có thể bắn vào các tàu công vụ nước ngoài nếu mưu toan đổ bộ lên quần đảo Senkaku, một hành vi bị liệt vào diện trọng tội.
Theo các nhà quan sát, dù không nói cụ thể, nhưng Tokyo rõ ràng muốn nhắm vào tàu Hải Cảnh Trung Quốc vì lẽ tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gần như tàu nước ngoài duy nhất hiện diện là tàu Trung Quốc.
Quyết định của Nhật Bản là một thay đổi rất lớn vì kể từ khi Thế Chiến II kết thúc, tàu Nhật chỉ có thể khai hỏa sau khi bị tấn công trước, theo đúng tinh thần Hiến Pháp chủ hòa hiện hành. Theo trưởng ban Quốc Phòng đảng Dân Chủ Tự Do, đây là lần đầu tiên mà quan chức chính phủ đề cập đến khả năng Tuần Duyên Nhật nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.
Tại Nhật, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ nước này không thể đối phó với Trung Quốc tại vùng Senkaku/Điếu Ngư. Vào năm ngoái, 2020, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku khoảng hai lần một tháng. Theo lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản, kể từ khi luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực vào đầu tháng Hai vừa rồi, tần suất đã tăng lên thành hai lần một tuần.
WHO : Thế giới sẽ khó đánh bại Covid-19 từ đây đến cuối năm 2021
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm 01/03/2021 cảnh báo sẽ là quá ảo tưởng khi nghĩ rằng nhân loại sẽ thoát khỏi virus corona từ đây đến cuối năm 2021.
Theo AFP, ông Michael Ryan, giám đốc đặc trách các chiến dịch khẩn cấp của WHO, đánh giá số người nhập viện và số ca tử vong có thể sẽ giảm. Nhưng dịch bệnh vẫn sẽ dữ dội, do số ca nhiễm mới đã tăng nhẹ trở lại sau 7 tuần giảm liên tiếp. Phát biểu với giới báo chí, ông Ryan tuyên bố « sẽ là quá sớm và sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng thế giới sẽ thoát khỏi virus này từ đây đến cuối năm nay. »
Vẫn theo ông Ryan, mục tiêu đặt ra cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới là duy trì đà lây nhiễm thấp, hỗ trợ dự báo sự xuất hiện của những biến thể mới và giảm số người bị lây nhiễm. Do đó, tiêm ngừa cho các nhân viên y tế và những người dễ bị lây nhiễm là một trong những ưu tiên cho phép « giảm nhẹ nỗi sợ và thảm họa dịch bệnh ».
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhamon Ghebreyesus, muốn rằng việc tiêm ngừa cho các nhân viên y tế phải được bắt đầu ở mỗi nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Trong nỗ lực này, những liều thuốc đầu tiên trong chương trình Covax của Liên Hiệp Quốc đã đến Ghana và Côte d’Ivoire ngày 01/03/2021.
Tuy nhiên, lãnh đạo WHO cũng lấy làm tiếc rằng một số nước giầu đã bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa sớm hơn những nước chậm phát triển tới 3 tháng. Ông còn chỉ trích một số nước ưu tiên tiêm ngừa cho thanh niên trai tráng, những người có sức khỏe tốt và ít có nguy cơ mắc bệnh, thay vì tiêm phòng cho nhân viên y tế và những người lớn tuổi.
Công ty của Nhật Bản và Nam Hàn tiếp tục đầu tư vào dự án điện than tại Việt Nam
Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản mặc dù bị gây áp lực phải thoái vốn khỏi dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá hai tỷ USD tại Việt Nam hồi tuần trước, nhưng sẽ tiếp tục hợp tác trong một dự án nhỏ hơn.
Bản tin của This Week in Asia loan đi, vào ngày 3/3, cho biết như vừa nêu.
Cụ thể, Mitsubishi hiện có 40% cổ phần trong dự án Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2, tại Hà Tĩnh, Việt Nam. 60% cổ phần còn lại do Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) và Công ty Điện lực Chugoku của Nhật Bản nắm giữ. Tổng số các khoản vay lên đến 1,7 tỷ USD cho mở rộng dự án này là do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Xuất khẩu-Nhập khẩu của Hàn Quốc cùng một số tổ chức tư nhân cung cấp.
Người phát ngôn của JBIC cho biết quyết định hỗ trợ tài chính, thông qua khoản vay 636 triệu USD trong dự án Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 được đưa ra với sự cân nhắc dựa theo chính sách của Chính phủ Nhật Bản và các quy định về năng lượng của Việt Nam.
Đại diện của JBIC còn cho biết thêm rằng đang nỗ lực trong việc trao đổi trực tiếp với Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang điện khí và năng lượng tái tạo. JBIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong vấn đề này.
Kepco được nói là đã không đưa ra phản hồi nào. Tuy nhiên, Kepco cho biết hồi năm ngoái đã chi ra gần 190 triệu USD để mua lại 40% cổ phần trong dự án Nhà máy Vũng Áng 2 từ Tập đoàn Hong Kong’s CLP Holdings.
Tập đoàn Hong Kong’s CLP Holdings thoái vốn khõi Nhà máy Vũng Áng 2 như là một phần trong nỗ lực cho mục tiêu giảm thải khí carbon.
Tổ chức Nordea Asset Management, hiện đang nắm giữ cổ phần trị giá 482 triệu USD của một số công ty tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, hồi tháng 10/2020, đã viết thư kêu gọi các nhà đầu tư rút vốn vì liên quan đến vấn đề khí hậu tăng cao cũng như rủi ro về tài chính và uy tín.
Mitsubishi, Kepco và Samsung C&T Corporation phúc đáp rằng sẽ không can dự vào các dự án nhiệt điện than trong tương lai. Nhưng vẫn tiếp tục các dự án mà các công ty này đã ký kết trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ thảo luận với lãnh đạo đối lập Venezuela về ‘dân chủ’
Reuters đưa tin, lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đã có cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào hôm thứ Ba (2/3). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, đây là liên hệ cấp cao nhất của Hoa Kỳ với ông Guaido kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
Washington và hàng chục quốc gia khác đã công nhận ông Guaido là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela vào tháng 1/2019 sau khi ông Guaido, lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập nắm giữ, viện dẫn hiến pháp để đảm nhận chức vụ Tổng thống lâm thời. Ông Guaido lập luận rằng đã có gian lận khi ông Nicolas Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela.
Trong cuộc gọi với ông Guaido, ông Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở lại nền dân chủ ở Venezuela thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Ông Maduro đã nắm giữ quyền lực với sự chống lưng của quân đội Venezuela và các đồng minh bao gồm Nga, Trung Quốc và Cuba. Ông Maduro cáo buộc ông Guaido là con rối của Hoa Kỳ, đang tìm cách lật đổ ông thông qua đảo chính.
Phát ngôn viên Price cho biết, ông Guaido và ông Blinken đã thảo luận về “nhu cầu nhân đạo cấp bách ở Venezuela”, một quốc gia đang phải chịu đựng khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm.
Ngoại trưởng Mỹ mô tả những nỗ lực của Mỹ trong việc hợp tác với Liên minh Châu Âu, Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ và các nhóm khác “nhằm tăng sức ép đa phương và thúc đẩy một quá trình chuyển đổi dân chủ, hòa bình”, ông Price nói.
Trong khi đó, ông Guaido chia sẻ với một kênh truyền hình Argentina vào tối thứ Ba rằng, ông đã nói chuyện với ông Blinken và Ngoại trưởng Canada Marc Garneau “như một phần trong chương trình nghị sự của các liên minh quốc tế nhằm giải cứu nền dân chủ ở Venezuela”.
Cuối tuần qua, một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với Reuters, chính quyền ông Biden “không vội vàng” dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt. Tuy nhiên, họ sẽ xem xét nới lỏng chúng nếu ông Maduro thực hiện các bước xây dựng lòng tin, để cho thấy ông sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với phe đối lập.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào