Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 12 tháng 3 năm 2021


     Myanmar: Luật sư của bà Suu Kyi chế nhạo cáo buộc hối lộ

    Reuters đưa tin, các nhà hoạt động Myanmar cam kết sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình và đình công hơn nữa vào thứ Sáu (12/3), một ngày sau khi một nhóm nhân quyền cho biết lực lượng an ninh đã làm chết 12 người biểu tình và khi luật sư của nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi đã chế nhạo các cáo buộc hối lộ chống lại thân chủ của mình.

    Quốc gia Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1/2, bắt giam bà và các quan chức của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà và thiết lập một đội ngũ tướng lĩnh nắm quyền.

    Phát ngôn viên của chính quyền quân sự, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, cho biết hôm thứ Năm rằng, bà Suu Kyi đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp trị giá 600.000 đô-la, và vàng, khi bà còn ở trong chính phủ, theo một đơn khiếu nại của Phyo Mien Thein, cựu tỉnh trưởng Yangon.

    Thêm các cáo buộc tham nhũng và các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi có thể đồng nghĩa với việc bà phải đối mặt với một hình phạt khắc nghiệt hơn. Bà hiện phải đối mặt với 4 cáo buộc tương đối nhỏ, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp 6 bộ bộ đàm và những hạn chế dẫn đến thả nổi dịch Covid-19.

    “Lời buộc tội này là trò lố bịch nhất”, luật sư của bà Suu Kyi, Khin Maung Zaw, cho biết trong một tuyên bố được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. “Bà ấy có thể có những điểm yếu khác, nhưng bà ấy không có điểm yếu về nguyên tắc đạo đức”.

    Hôm thứ Năm (11/3) vừa qua là một trong những ngày đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền nước này.

    Trong số những người thiệt mạng có 8 người thiệt mạng ở thị trấn trung tâm Myaing khi lực lượng an ninh nổ súng bắn vào một người biểu tình, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết.

    Vụ đổ máu cũng diễn ra vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc kêu gọi kiềm chế quân đội, lực lượng này đang cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình chống đảo chính hàng ngày và các cuộc đình công làm tê liệt nền kinh tế.

    AAPP cho biết, những cái chết hôm thứ Năm đã đưa số người biểu tình bị thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên đến hơn 70 người. Khoảng 2.000 người cũng đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, tổ chức này tuyên bố.

    Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp quốc Thomas Andrews cho biết rằng quân đội có thể đã phạm tội ác chống lại loài người. Ông kêu gọi các biện pháp trừng phạt đa phương đối với chính quyền quân đội và công ty năng lượng nhà nước, Myanmar Oil và Gas Enterprise.

    Quân đội Myanmar đã không trả lời yêu cầu bình luận về những cái chết mới nhất nhưng phát ngôn viên của quân đội cho biết hôm thứ Năm, lực lượng an ninh đã bị kỷ luật và chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.

    Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc quân đội sử dụng vũ lực gây chết người đối với những người biểu tình và nói rằng nhiều vụ giết người mà họ đã ghi nhận đó là các vụ hành quyết ngoài tư pháp.

    Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để lật đổ sự cai trị của quân đội dưới thời các chính quyền trước đây. Bà đã bị quản thúc tổng cộng khoảng 15 năm.

    Quân đội đã biện minh cho việc lật đổ bà bằng cách tuyên bố rằng cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, là gian lận – một khẳng định mà ủy ban bầu cử đã bác bỏ.

    Người phát ngôn của chính quyền quân đội, Zaw Min Tun, nhắc lại rằng quân đội sẽ chỉ phụ trách trong một thời gian nhất định trước khi tổ chức bầu cử lại. Chính phủ cho biết trạng thái khẩn cấp sẽ kéo dài trong một năm, nhưng chưa ấn định ngày tổ chức cuộc bầu cử.

    Liên Hiệp Quốc : Quân đội Miến Điện "có thể đã phạm tội ác chống nhân loại"

    Người dân Miến Điện đưa tang Chit Min Thu, chết trong một cuộc biểu tình chống đảo chính tại thị trấn Dagon, phía bắc Rangoon, Miến Điện, ngày 11/03/2021. REUTERS - STRINGER

    Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện, Thomas Andrew ngày 11/03/2021 không loại trừ khả năng tập đoàn quân sự đã « phạm tội ác chống nhân loại » kể từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 qua các đợt đàn áp thẳng tay nhắm vào phong trào biểu tình.

    Theo lời ông Andrew, « càng lúc càng có nhiều bằng chứng » cho thấy là quân đội và những lãnh đạo cao cấp nhất ở Naypyidaw « có thể đã phạm tội ác chống nhân loại, kể cả tội sát nhân, thủ tiêu, truy bức và tra tấn, bắt giam trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế ».

    Vẫn theo đại diện của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, từ đầu cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 tới nay, cảnh sát và quân đội nước này đã sát hại 70 người trong các cuộc đàn áp nhắm vào người biểu tình đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân.

    Tuy nhiên, ông Thomas Andrew không quên nhắc lại là chỉ có tòa án quốc tế mới đủ thẩm quyền để xác định các vụ sát hại tại Miến Điện có nằm trong khuôn khổ tội ác chống nhân loại hay không.

    Lời tố cáo nói trên được đưa trong bối cảnh có thêm 9 người biểu tình chống đảo chính bị sát hại trong ngày 11/03. Theo lời một nhân viên y tế được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, 6 người bị bắn vào đầu tại tỉnh Myaing, miền trung Miến Điện trong ngày 11/03, 8 người khác bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng.

    Nạn nhân thứ bảy thiệt mạng hôm 11/03 là một thanh niên 25 tuổi, cũng đã bị bắn một viên đạn vào đầu tại khu vực phía đông thành phố Rangoon. Ở Bago, phía bắc Rangoon một người biểu tình khiếm thính 33 tuổi bị cảnh sát bắn chết và nạn nhân thứ 9 trong cùng ngày bị chết ở Mandalay.

    Các vụ sát hại người biểu tình nói trên tiếp diễn bất chấp việc Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự Miến Điện đàn áp thô bạo phong trào chống đảo chính.

    Cũng trong ngày 11/03, lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, nhận đến 600.000 đô la và 11 ký vàng. Đây là tội danh thứ ba quân đội Miến Điện đưa ra để giải thích về việc tiến hành đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Ngày 12/03, luật sư của giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng nói trên.

    Về phản ứng quốc tế, Hàn Quốc vừa thông báo đình chỉ mọi hợp tác quân sự với Naypyidaw.

    Nhật Bản, Úc, Mỹ và Ấn Độ họp thượng đỉnh, Trung Quốc trong tầm ngắm


    Trong khuôn khổ Bộ Tứ – QUAD - tổng thống Mỹ, Joe Biden, hôm nay, 12/03/2021, có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhằm củng cố quan hệ liên minh trước sự trỗi dậy mạnh mẽ đáng quan ngại của Trung Quốc.

    AFP nhấn mạnh dù được tổ chức trực tuyến nhưng đây là lần đầu tiên QUAD – Bộ Tứ - họp thượng đỉnh kể từ ngày thành lập, và sau hơn một thập niên họp ở những cấp thấp hơn.

    Cuộc họp này diễn ra vào một thời điểm mối quan hệ của cả bốn nền dân chủ với Trung Quốc xấu đi đáng kể trong năm vừa qua. Ấn Độ có cuộc đối đầu đẫm máu với binh sĩ Trung Quốc trên dãy Himalaya. Nhật Bản đối mặt với những hoạt động quân sự hung hăng của Bắc Kinh tại những quần đảo có tranh chấp. Còn Úc thì bị Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt sau một loạt các bất đồng.

    Nhà nghiên cứu Marianne Peron-Doise, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự, Học viện Quân sự (Irsem) trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, giải thích đâu là những thách thức chính cho Bộ Tứ trong cuộc họp lần này :

    « Chúng ta đang trong một bối cảnh địa chính trị đặc biệt, bởi vì chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ thành cường quốc, có yêu sách chủ quyền một phần lớn Biển Đông gây bất lợi cho Việt Nam và Philippines chẳng hạn.

    Thế nên, bốn nước cường quốc của Quad xem điều này như là một mối nguy hiểm hay mối đe dọa cho việc tự do lưu thông hàng hải. Điều này giải thích cho việc bốn nước đặt chú trọng việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải, tôn trọng các luật biển và một trật tự thế giới dựa trên các luật lệ quốc tế trong chương trình nghị sự của Quad.

    Đúng là Bộ Tứ này, như vận hành dưới thời chính quyền Donald Trump, đã mang lại cảm giác đây là một « liên minh » ngầm chống lại Trung Quốc, nhằm tạo một đối trọng trước những tiến bộ quân sự, hàng hải, cũng như là kinh tế của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với dự án Con đường Tơ lụa Hàng hải. Một dự án cho thấy rõ một sự bành trướng rất cụ thể của Trung Quốc trong khu vực. »

    Tàu chiến Pháp thăm cảng Cam Ranh, ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

    Hôm 12/3, Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Pháp thông báo trên Twitter rằng tàu hộ vệ Prairial của nước này vừa thực hiện chuyến thăm 4 ngày đến cảng Cam Ranh của Việt Nam. Phía Pháp cho biết rằng chuyến thăm này nhằm gửi đi thông điệp Paris ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.

    Truyền thông Việt Nam cho biết tàu hộ vệ Prairial neo ở cảng Cam Ranh từ ngày 9-12/3 và thực hiện các công việc như vừa sửa chữa trực thăng quân sự trên tàu, vừa tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng với phía Việt Nam.

    Ngày 11/3 tại Hà Nội, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định chuyến thăm của tàu Prairial là “sự kiện rất quan trọng” của Pháp ở Việt Nam trong năm nay.

    Trang Tuổi Trẻ dẫn lời Đại sứ Warnery nói: “Như các bạn đã biết, Pháp là nước hết sức quan tâm tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đặc biệt về vấn đề tự do hàng hải và hàng không.”

    “Cùng với chuyến thăm của tàu Hải quân Pháp lần này, chúng tôi cũng muốn đưa ra thông điệp ủng hộ quan điểm của Việt Nam, giống như quan điểm của chúng tôi, là ủng hộ tự do hàng hải và hàng không,” Đại sứ Warnery nói.

    Honduras tổ chức vòng sơ bộ bầu cử tổng thống

    Các ứng viên cho chức vụ tổng thống Honduras sẽ được chọn trong một cuộc bầu cử sơ bộ vào Chủ nhật này. Ở một đất nước nơi tội phạm có tổ chức tràn ngập trong hệ thống chính trị, một số nhân vật có thể được mô tả là “nhiều màu sắc”. Nasry Asfura, thị trưởng Tegucigalpa và là ứng viên hàng đầu của Đảng Quốc gia cầm quyền, bị cáo buộc các tội danh bao gồm rửa tiền và biển thủ công quỹ (ông phủ nhận). Trong khi đó Yani Rosenthal, người đang tranh cử để trở thành ứng viên của Đảng Tự do, là một kẻ rửa tiền từng bị kết án.

    Và không chỉ là các ứng viên. Tổng thống Juan Orlando Hernández, người mãn nhiệm vào năm tới, cũng có cáo trạng tại một tòa án ở New York liên quan một kẻ buôn lậu ma tuý Honduras bị cáo buộc âm mưu vận chuyển ma tuý sang Mỹ (ông cũng phủ nhận các cáo buộc). Tất cả điều này đồng nghĩa cuộc bầu cử sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi một chính quyền Mỹ đang lo lắng về bước lùi của dân chủ ở Trung Mỹ.

    Những thách thức lập pháp tiếp theo của Joe Biden


    Không phải ngày nào tổng thống cũng gửi đi 2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Việc ký thành luật gói kích thích kinh tế của ông đánh dấu một chiến thắng lớn chỉ trong 50 ngày tại nhiệm, và đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: tiếp theo là gì? Joe Biden rất quan tâm đến một dự luật cơ sở hạ tầng lớn, song ông cần có sự ủng hộ từ mười thượng nghị sĩ Cộng hòa để tránh bị filibuster – một điều khó lòng xảy ra vì các nghị sĩ Dân chủ sẽ gài vào đó nhiều điều khoản liên quan chiến dịch phát triển xanh của ông – và nó có thể phải đợi đến mùa hè, khi có thể được thông qua bằng biện pháp hòa giải ngân sách.

    Ông đã gửi được một dự luật nhập cư tới Quốc hội, nhưng cải cách toàn diện chính sách nhập cư là một vấn đề muôn thuở ở Washington – mà giờ đây tăng lên gấp đôi vì thù địch với nhập cư đã trở thành trọng tâm trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, cả dự luật quyền bỏ phiếu đầy tham vọng được Hạ viện thông qua vào tuần trước, và dự luật kiểm soát súng được thông qua hôm qua, sẽ tạo ra một cuộc chiến lớn xoay quanh filibuster. Ông Biden không quan tâm đến một cuộc chiến như vậy. Nhưng nó có thể ảnh hưởng đến ông.

    Hai bang quan trọng ở Đức sắp bầu cử nghị viện

    Cái mà người Đức gọi là “năm siêu bầu cử” của họ sẽ chính thức khai mạc vào ngày 14 tháng 3, khi hai bang miền tây nam giàu có của Đức — Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate — đi bỏ phiếu. Cho đến gần đây, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ cầm quyền của Đức đã đặt kỳ vọng giành lại quyền kiểm soát hai bang này từ tay Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội. Song hiện tại, cử tri đã mất kiên nhẫn với cách chính phủ xử lý đại dịch, và kinh hoàng trước một loạt bê bối liên quan đến các nghị sĩ CDU trong việc mua khẩu trang và các vấn đề khác.

    Các cuộc thăm dò cũng cho thấy sự thay đổi: CDU giờ đây có vẻ đã mất Baden-Württemberg, trong khi thất thế ở Rhineland-Palatinate. Hai kết quả tệ sẽ là tin chẳng lành cho Armin Laschet, người mới được CDU bầu làm chủ tịch hồi tháng 1. Ông Laschet hy vọng sẽ có thể dẫn dắt CDU và đảng chị em Bavaria của họ, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, tham gia cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào tháng 9, và sau đó kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel. Nhưng đảng sẽ không muốn đề cử một người mà họ cho rằng chắc chắn sẽ thất cử.

    Mô hình ước tính rủi ro covid-19 của The Economist

    Ai cũng biết rằng những người thiệt mạng vì covid-19 đa phần đều lớn tuổi. Song liệu có phải tuổi già khiến người cao tuổi đặc biệt dễ mắc bệnh, hay vì người cao tuổi có xu hướng mang nhiều yếu tố khác (“bệnh nền”) làm suy yếu khả năng chống chọi với căn bệnh này? Để trả lời những câu hỏi như vậy, The Economist đã phát triển một công cụ ước tính rủi ro covid-19 mới. Đối với bất kỳ nhóm người nào chưa được chủng ngừa thuộc một độ tuổi, giới tính và có một trong 29 tình trạng bệnh khác nhau từ trước nhất định, công cụ giúp ước tính tỷ lệ số người sẽ chết hoặc nhập viện trong vòng 30 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

    Nhìn chung, mô hình của The Economist nhận thấy rằng tuổi tác chính là yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong mạnh nhất. Tuy nhiên, bệnh đi kèm có thể làm tăng mạnh khả năng nhập viện của những người trẻ tuổi. Công cụ này không thể tính toán rủi ro cho các cá nhân một cách đáng tin cậy, song có thể cung cấp các ước tính chắc chắn về mức trung bình của nhóm tuổi dựa trên tiêu chí nhân khẩu học và điều kiện sức khỏe. Bạn có thể khám phá kết quả đầu ra của mô hình để biết 80 tỷ tổ hợp biến tiềm năng bằng cách sử dụng công cụ tương tác của The Economist.

    Trung Quốc xây đập lớn nhất thế giới tại Tây Tạng, viễn cảnh ảm đạm cho dân địa phương

    Vision Times đưa tin, tính đến năm 2019, Trung Quốc có 23.841 đập thuỷ điện trên khắp cả nước. Đập lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc là đập Tam Hiệp được xây dựng trên sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Vì vậy, khi Trung Quốc công bố một dự án đập lớn khác, người dân Trung Quốc và thế giới đã rất sửng sốt.

    Đập mới dự kiến ​​được xây dựng ở Thung lũng Yarlung, được hình thành bởi sông Yarlung Tsangpo và hợp lưu với sông Chongye. Nằm dưới chân núi của dãy Himalaya, nơi đây được xem là cái nôi của nền văn minh Tây Tạng, và là nơi Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới.

    Mục đích xây đập thuỷ điện

    Trung Quốc đang gặp vấn đề nghiêm trọng với các tác động ô nhiễm và lượng khí thải carbon, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Vì vậy, nhằm tạo ra các sáng kiến ​​xanh hơn và bền vững hơn, trải dài từ các trang trại chăn nuôi lợn nhỏ đến các nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ. Mục tiêu cốt lõi đằng sau con đập này phù hợp với mục tiêu giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đạt được mức độ trung tính của carbon vào năm 2060.

    Được cho là dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới, năng lượng tạo ra từ nước chảy qua các tuabin của đập có tiềm năng gấp ba lần sản lượng điện của đập Tam Hiệp.

    Con sông mà con đập được đề xuất xây dựng có nguồn gốc từ các sông băng và suối đang tan chảy. Nước chảy xuống từ dãy Himalaya được cho là cung cấp nhu cầu của hơn 1,8 tỷ người ở ba quốc gia – Trung Quốc, Bhutan và Ấn Độ.

    Về lợi ích của dự án, đập thủy điện chắc chắn có nhiều lợi ích tiềm năng, đặc biệt là trở thành nguồn năng lượng thay thế và sạch để cung cấp nhiên liệu cho các thiết bị điện và các ngành công nghiệp. Điều này không chỉ làm giảm phát sinh khí nhà kính mà còn có tác động tích cực lớn đến việc giảm lượng carbon. Tuy nhiên, tất cả những lợi ích này đều phải trả giá.

    Nguy cơ tiềm ẩn

    Trong khi mục tiêu của con đập nghe có vẻ cao cả, các nhà hoạt động và môi trường Tây Tạng đang cùng nhau lên tiếng. Vị trí đắc địa của đập là nơi có dân cư thưa thớt với khoảng 14.000 người. Tuy nhiên, việc xây dựng đập sẽ đồng nghĩa với việc phân bổ lại và gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong khu vực.

    Sông Yarlung Tsangpo, nơi con đập được đề xuất xây dựng, là con sông dài nhất ở Tây Tạng. Nó cũng tạo thành hẻm núi lớn nhất và sâu nhất thế giới, Yarlung Tsangpo Grand Canyon. Ngoài tầm quan trọng về mặt địa lý, Yarlung Tsangpo còn được người Tây Tạng coi là nơi linh thiêng, đó là một lý do khác đằng sau những lời kêu gọi phản đối từ các nhà hoạt động Tây Tạng.

    Những câu chuyện xung quanh dòng sông cho rằng nó thực sự là biểu tượng cho nữ thần Dorje Phagmo, người được biết đến là hóa thân cao nhất trong văn hóa Tây Tạng. Tây Tạng hoàn toàn không lạc hậu, họ có sự tôn trọng vô cùng đối với thế giới tự nhiên. Đây là lý do cốt lõi tại sao không có đập nào được xây dựng trong quá khứ, vì nhiều đường dẫn nước của chúng được coi là linh thiêng.

    Một tác động khoa học và địa lý khác của việc xây dựng con đập sẽ là sự mất mát nặng nề của hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Phần này của cao nguyên Tây Tạng được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên và có hệ sinh thái thủy sinh phát triển mạnh mẽ.

    Một tác động khác của việc xây dựng đập có liên quan đến chính trị. Khu vực được đề xuất có biên giới với nhiều quốc gia, một trong số đó là Ấn Độ. Trên thực tế, khu vực này rất gần với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

    Với sự thù địch địa chính trị hiện nay giữa hai nước, Ấn Độ đã bày tỏ nghi ngờ về lý do thực sự đằng sau việc xây dựng con đập. Điều này cũng dẫn đến việc Ấn Độ lên kế hoạch cho dự án đập 10 gigawatt của riêng mình trên sông Brahmaputra để chống lại bất kỳ trận lũ lụt ngược hoặc các động thái chính trị khác do Trung Quốc thực hiện.

    Ông Lý Khắc Cường ‘thú nhận’ sự thật về hiện trạng việc làm tại Trung Quốc


    Hôm thứ Năm (11/3) sau phiên họp “Lưỡng Hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi trả lời truyền thông cho biết áp lực việc làm trong năm nay vẫn rất lớn, và ông động viên người dân Trung Quốc phải cần cù chịu khó. Có ý kiến rằng những lời thật này của ông Lý lần nữa khiến các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ không khỏi “muối mặt”, theo Epochtimes.

    Tại cuộc họp báo ngày 11/3, khi được hỏi liệu chất lượng việc làm và thu nhập ở Trung Quốc có thay đổi đáng kể sau khi đại dịch bùng phát hơn một năm hay không, và chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể nào để cải thiện tình trạng này, ông Lý Khắc Cường cho biết áp lực việc làm năm nay vẫn rất cao, năm 2021 sẽ có thêm 14 triệu người ở khu vực thành thị tiến nhập thị trường lao động, trong đó có 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, đây cũng là mức cao kỷ lục; đồng thời, chính phủ cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho các cựu chiến binh và 278 triệu người lao động nhập cư.

    Ông Lý Khắc Cường cũng nói, “Hiện việc làm linh hoạt ở Trung Quốc đang tăng lên, đã thu hút hơn 200 triệu người. Có người một thân làm mấy công việc”. Ông cũng khích lệ người dân rằng, người Trung Quốc cần cù chịu khó, nếu có cơ hội kiếm được việc làm thì hãy kiếm nhiều công việc hơn.

    Về vấn đề này, nhà bình luận Trung Nguyên của trang Epoch Times đã viết rằng, dựa theo con số lực lượng lao động năm 2021 mà ông Lý Khắc Cường tiết lộ, đại khái có thể ước tính số người thất nghiệp thực tế của năm 2020, về cơ bản nó cũng có thể giải thích nguyên nhân thật sự khiến du lịch cao điểm trong dịp lễ tết biến mất, chuỗi cung ứng toàn cầu mau chóng rời khỏi Trung Quốc khiến lượng lớn lao động nhập cư thất nghiệp, căn bản không cách nào vãn hồi, còn cách nói một người làm mấy công việc lần nữa biến tướng chứng minh rằng Trung Quốc có gần 200 triệu người đang trong tình trạng thất nghiệp, thế nên GDP tăng 2,3% vào năm 2020 chỉ là giả tạo, vậy kế hoạch tăng 6% GDP trong năm 2021 cũng không có khả năng.

    Ông Trung Nguyên tin rằng những lời khích lệ người dân của ông Lý Khắc Cường trên thực tế là nói lời thật, chính là người dân Trung Quốc chỉ có thể tự dựa vào chính mình. Ông cũng nói rằng ông Lý Khắc Cường tại cuộc họp báo hiếm khi được lộ diện một lần, vậy nên phải tranh thủ nói mấy lời chân thật, lần nữa khiến phiên họp “Lưỡng Hội” ĐCSTQ phải khép lại trong sự gượng gạo của giới lãnh đạo.


    Võ Thái Hà tóm lược


    Không có nhận xét nào