Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 05 tháng 3 năm 2021 |
Đại dịch Covid -19 đang có dấu hiệu suy giảm tại Hoa Kỳ trong khi đang tăng trở lại tại châu Âu, nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2020, vào ngày 04/03/2021, số ca nhiễm mỗi ngày tại Hoa Kỳ đã giảm xuống dưới mức 40.000 ca, so với mức đỉnh điểm gần 300.000 ca vào ngày 08/01. Như vậy là số ca nhiễm mỗi ngày đã trở lại mức trước các ngày lễ Halloween, lễ Tạ ơn Thanksgiving và những ngày lễ cuối năm, tức là những dịp mà người dân Mỹ di chuyển nhiều, khiến virus corona lây lan mạnh hơn.
Một dấu hiệu khả quan khác tại Hoa Kỳ, nơi vẫn có nhiều người chết vì Covid nhất thế giới (hơn 520.000), đó là số ca tử vong và số ca nhập viện trung bình mỗi tuần cũng đang giảm thấy rõ.
Chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, được khởi động từ tháng 12/2020, đang tăng tốc với 3 loại vac-xin đã được cấp phép : Pfizer/BioNTech, Moderna và mới đây là Johnson &Johnson được bắt đầu chích từ ngày 03/03. Tổng số người được tiêm ngừa sắp vượt quá tổng số ca lây nhiễm tính từ đầu mùa dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại châu Âu, số ca nhiễm mới vào tuần trước lại tăng 9%, lên đến hơn 1 triệu ca, theo các số liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO. Giám đốc châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết, như vậy là chấm dứt 6 tuần lễ giảm liên tục các ca nhiễm mới. Trước tình hình này, ông kêu gọi các nước châu Âu đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để phòng chống virus corona gây bệnh Covid-19 và các biến thể của virus này.
Theo chiều hướng đó, ngày 04/03, Cơ Quan Y Tế Châu Âu đã bắt đầu xem xét cấp phép cho vac-xin Sputnik V của Nga. Hiện giờ trong Liên Hiệp Châu Âu đã có 3 vac-xin được cấp phép là Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Sau nước Pháp, ngày 04/03, đến lượt Đức và Thụy Sĩ cũng đã cho phép chích vac-xin AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, hãng bào chế Đức CureVac thông báo đã ký thỏa thuận với tập đoàn dược Thụy Sĩ Novartis về hợp tác sản xuất vac-xin của CureVac ngay từ năm 2021.
Ông Pompeo nói về việc ứng cử tổng thống năm 2024
Đồng thời ông cũng lên án “mô hình đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên” thay vì “nước Mỹ trên hết” của chính quyền mới.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tham gia cùng người dẫn chương trình Sean Hannity vào tối thứ Tư (3/3 theo giờ Mỹ) trên Fox News.
Ngoại trưởng Pompeo được cho là Ngoại trưởng thành công nhất trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ. Trong thời gian làm Ngoại trưởng, ông Pompeo và Tổng thống Trump đã giải thoát thế giới khỏi nhà nước Hồi giáo cực đoan khủng bố ISIS, chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem, cắt đứt ảnh hưởng của Iran đối với Venezuela, làm môi giới cho các hiệp ước hòa bình lịch sử giữa các quốc gia Israel, UAE, Morocco, Sudan và Bahrain. Giúp làm nên thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Kosovo và Serbia. Dưới thời ông Trump, không có cuộc chiến tranh nào mới của Hoa Kỳ xảy ra. Hòa bình đã đến trên khắp Trung Đông.
Trong cuộc thảo luận trên Fox News, ông Pompeo đã nói về khả năng tham gia tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Người dẫn chương trình Sean Hannity hỏi liệu ông có cân nhắc tranh cử vào Tòa Bạch Ốc nếu Tổng thống Donald Trump chọn không tham gia vào năm 2024 hay không, ông Pompeo trả lời: “Tôi luôn sẵn sàng cho một trận chiến hay”.
“Tôi quan tâm sâu sắc đến nước Mỹ. Bạn và tôi đã là một phần của phong trào bảo thủ trong một thời gian dài. Tôi muốn bảo hộ nó”.
Trong buổi nói chuyện, ông Pompeo cũng đả kích Tổng thống Biden về các ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền mới, cáo buộc chính quyền mới đang thực hiện một “mô hình đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên”.
Cựu ngoại trưởng cảnh báo rằng Trung Quốc thể hiện “mối đe dọa lâu dài nhất đối với cách sống cơ bản của chúng ta”, thúc giục chính quyền Hoa Kỳ hãy “coi trọng mối đe dọa đó một cách nghiêm túc nhất”.
“Người dân Mỹ xứng đáng với điều đó và tôi biết rằng họ sẽ yêu cầu điều đó”, ông Pompeo nói với Hannity.
Đầu tuần này, Pompeo cũng đã chỉ trích việc chính quyền Biden công bố một báo cáo đã được giải mật về sự tham gia của Ả Rập Xê Út trong vụ sát hại Jamal Khashoggi, gọi hành động này là “liều lĩnh”.
“…Nó nhằm làm tổn hại mối quan hệ với vương quốc Ả Rập Xê Út thông qua việc sử dụng thông tin tình báo theo cách mà với tư cách là cựu giám đốc CIA, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ”, ông Pompeo nói với Fox News hôm Chủ nhật.
Ý ngăn chặn vận chuyển 250,000 liều vaccine COVID-19 từ châu Âu tới Úc
Chính phủ Ý đã chính thức ra lệnh không cho vận chuyển hơn 250,000 liều vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca tới Úc.
Như vậy Ý là quốc gia đầu tiên có hành động chính thức vận dụng một điều luật mới áp dụng gần đây của EU: ngăn các nhà sản xuất vắc xin hoạt động trong lãnh thổ EU xuất khẩu vắc xin COVID-19 tới các nước khác khi không thỏa mãn điều kiện cấp phép của EU.
Bộ Ngoại giao Ý giải thích sở dĩ Ý có quyết định như vậy vì Úc được xem là quốc gia “không thuộc nhóm dễ tổn thương” trong đại dịch COVID-19, theo các tiêu chí đánh giá của luật mới.
Thêm nữa, vắc xin COVID-19 cũng đang thiếu hụt nguồn cung tại Ý và Liên minh châu Âu nói chung, AstraZeneca lại đang trì hoãn việc cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước EU.
Các quy định quản lý vắc xin COVID-19 mới của EU trao quyền cho các nước thành viên được phép giữ lại mặt hàng đặc biệt này ở trong khối, không cho xuất đi nước ngoài nếu nhà sản xuất chưa hoàn thành trách nhiệm cung cấp đủ nhu cầu vắc xin cho các thành viên EU.
Hiện tại trong số các vắc xin COVID-19 đã được EU cấp phép dùng khẩn cấp, hai hãng Pfizer và AstraZeneca đang có cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 tại EU.
Tính tới nay, Ủy ban châu Âu đã phê chuẩn 174 yêu cầu xin cấp phép xuất khẩu vắc xin COVID-19.
Theo cơ sở dữ liệu về dịch bệnh của báo NYT, Úc hiện là nước có số ca bệnh COVID-19 ít hơn so với nhiều nước phát triển khác, căn cứ trên quy mô dân số và gần đây chỉ ghi nhận trung bình 9 ca mắc mới một ngày.
Trong khi đó, với dân số hơn gấp đôi so với Úc, Ý hiện đang ghi nhận trung bình mỗi ngày hơn 18,000 ca mắc mới.
Câu hỏi xoay quanh mục tiêu GDP của Trung Quốc cho năm nay
Rất ít số liệu được theo dõi sát sao hay gây tranh cãi gay gắt như mục tiêu GDP hàng năm của Trung Quốc. Suốt nhiều thập niên qua, các nhà hoạch định trung ương công bố con số này trong phiên họp Nhân Đại hàng năm như một tín hiệu cho thấy nền kinh tế của đất nước nên tăng trưởng nhanh cỡ nào trong năm đó. Hiếm khi nào nền kinh tế đạt dưới mức mục tiêu này.
Câu hỏi quan trọng trong năm nay là liệu có chỉ tiêu công khai hay không. Năm ngoái chính phủ đã lần đầu tiên không công bố nó vì đại dịch. Phiên họp NPC khai mạc hôm nay và một số người đang đặt cược chính phủ sẽ làm điều tương tự cho năm nay. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Nomura cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không đề ra mục tiêu vì vẫn còn quá nhiều bất ổn kinh tế toàn cầu. Và dù gì thì mục tiêu cũng sẽ bị tác động lớn vì năm ngoái chỉ tăng trưởng 2,3%. Ngân hàng Standard Chartered cho biết chính phủ có thể đặt “mức sàn tăng trưởng” là 6%. Đặt ra mức sàn thấp như vậy sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách chứng tỏ công trạng.
Thị trường nín thở đón báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ
Hãy theo dõi thị trường tài chính khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố hôm nay. Trong nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã lo lắng về nguy cơ lạm phát và lãi suất cao hơn. Thị trường lao động hiện cũng còn nhiều khó khăn. Có tới 18 triệu người Mỹ phải nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong tuần kết thúc vào 27 tháng 2, trong đó 745.000 người mới nhận trợ cấp lần đầu. Giới quan sát đồng thuận rằng nền kinh tế đã tạo ra 182.000 việc làm mới trong tháng 2.
Song số liệu việc làm tốt hơn dự kiến có thể kích hoạt một vòng suy đoán khác rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch khi vắc-xin tiếp tục được tung ra, khiến Cục Dự trữ Liên bang phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán hiện tại của họ. Người lao động sẽ rất chào đón khi 10 triệu việc làm bị mất trong năm qua được tạo dựng trở lại. Nhưng bởi vì lãi suất thấp đóng vai trò bệ đỡ cho giá tài sản cao ngất ngưởng hiện nay, thì trong môi trường kinh tế hiện tại, một tin tốt có thể khiến cả thị trường trái phiếu và chứng khoán đều giảm.
Đức Giáo hoàng Francis thăm Iraq
Hôm nay Đức Giáo hoàng Francis đến Iraq trong chuyến công du đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến nước này. Giáo hoàng đã bác bỏ những lo ngại về covid-19 và khủng bố — mới đây có ít nhất 32 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Baghdad hồi tháng 1— để tiếp tục chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông kể từ đầu đại dịch. Chuyến đi của ông sẽ là động lực khích lệ tinh thần cho những người thiểu số Kito giáo đang gặp nhiều khó khăn ở nước này.
Số giáo dân đã giảm từ 1,2 triệu trong những năm 1990 xuống chỉ còn ước tính 250.000 ngày nay. Chiến tranh và sự đàn áp của Nhà nước Hồi giáo đã buộc nhiều người phải chạy trốn ra nước ngoài, hoặc từ bỏ quê hương của họ ở miền bắc để đến các vùng khác của đất nước. Giờ đây nhóm thánh chiến này nhìn chung đã bị đánh bại, trong khi các chính phủ phương Tây và các tổ chức phi chính phủ đang đổ tiền vào để xây dựng lại Iraq, đặc biệt tập trung vào các khu vực có đông người theo đạo Thiên chúa. Song nhiều người vẫn sẽ không hồi hương vì lo ngại an toàn. Ngay cả một chuyến thăm của giáo hoàng cũng sẽ không thể kéo họ về nước.
Bờ Biển Ngà tổ chức bầu cử quốc hội
Ngày mai cử tri Bờ Biển Ngà sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội. Cuộc bầu cử này diễn ra chỉ bốn tháng sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi trong đó Tổng thống Alassane Ouattara ra tranh cử nhiệm kỳ ba. Các ứng viên đối lập chính đã tẩy chay cuộc bầu cử đó, vì cho rằng ra tranh cử nhiệm kỳ ba là vi hiến. Khi ấy nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, một phần nhờ bị tẩy chay, ông Ouattara đã chiến thắng dễ dàng. Những nỗ lực của phe đối lập để thách thức kết quả cũng thất bại nốt. Lần này các đảng đối lập chính có tranh cử. Tuy nhiên, họ có thể không thành công vì có chia rẽ. Hai trong số các nhóm đối lập, vốn có liên hệ với các cựu tổng thống Henri Konan Bédié và Laurent Gbagbo, đã hợp thành một liên minh. Nhưng cơ hội thiết lập một phe đối lập thống nhất với tất cả các bên cùng tham gia đã đổ vỡ. Dù thế nào, mọi chuyện cũng trông thật quen thuộc. Bédié, Gbagbo và Ouattara đã thống trị nền chính trị Bờ Biển Ngà trong suốt 30 năm qua — và thường chỉ gây ảnh hưởng xấu.
Tỷ phú Elon Musk chuẩn bị xây dựng thành phố riêng ở Texas
Giá đền bù giải tỏa mặt bằng cho người dân trong khu vực được cho là gấp 3 lần giá thẩm định.
Ngày 2/3 (theo giờ Mỹ), tỷ phú Elon Musk đã thông báo trên Twitter rằng ông đang thực hiện các bước để thành lập một thành phố có tên “Starbase” quanh bãi phóng SpaceX ở đông nam Texas. Ông là Giám đốc điều hành và người sáng lập SpaceX (Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian).
Các quan chức Quận Cameron ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ xác nhận rằng ông Musk quan tâm đến việc kết hợp [xây dựng] một thành phố có “diện tích lớn hơn nhiều so với Boca Chica” ở khu vực mà SpaceX đang sử dụng để chế tạo và thử nghiệm tên lửa của mình. Boca Chica nằm trên bờ Vịnh Mexico và là địa điểm thử nghiệm tên lửa của SpaceX kể từ năm 2019.
Theo Vice, SpaceX đã xác định giá đền bù nhà cho cư dân trong quận gấp hơn ba lần giá trị được thẩm định. Công ty của Musk được cho là đã mua khoảng ba chục ngôi nhà. Eddie Treviño, Jr., một thẩm phán ở tòa án quận Cameron đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Ba thảo luận về các báo cáo gần đây về kế hoạch của Musk.
Vào tháng 12/2020, Musk thông báo rằng ông sẽ thu dọn đồ đạc từ California và chuyển đến Texas. Musk đã đặt vấn đề với các hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19 của tiểu bang California, điều này đã cản trở nhà máy Tesla của ông.
Trong một hồ sơ gửi tới Ủy ban Truyền thông Liên bang vào tháng 12, SpaceX thông báo rằng hơn 10.000 người đang dùng dịch vụ internet của họ từ các vệ tinh SpaceX được phòng ra ngoài không gian và dự định phủ sóng Internet cho toàn Trái đất. Thông qua “Starlink”, công ty đặt mục tiêu cung cấp Internet tốc độ cao với giá 99 đô-la mỗi tháng, cộng với thiết bị có giá khoảng 500 đô-la.
Hôm thứ Tư, SpaceX đã phóng nguyên mẫu Starship SN10 và hạ cánh thành công. Trước đó, các nguyên mẫu SN8 và SN9 đã phát nổ do không hạ cánh đúng cách và không hạ cánh ở tư thế thẳng đứng. Phi thuyền Starship khi hoàn thành có mục đích được sử dụng để vận chuyển khách hàng trên khắp đất nước, thực hiện sứ mệnh lên sao Hỏa, cũng như hỗ trợ NASA thực hiện các sứ mệnh hạ cánh lên Mặt trăng.
Theo Texas, SpaceX phải nhận được chữ ký trên một bản kiến nghị từ cư dân để tiến hành xây dựng thành phố. Sau đó, bản kiến nghị sẽ được đưa ra trước một thẩm phán quận để ấn định ngày tổ chức một cuộc bầu cử về việc thành lập thành phố Starbase.
Trả lương dưới mức quy định, nhà hàng Việt ở Mỹ bị buộc hoàn trả gần 700.000 USD
Một nhà hàng Việt Nam ở Chicago, Mỹ, vừa bị buộc phải hoàn trả gần 700.000 USD cho nhân viên sau khi bị phát hiện vi phạm quy định về mức lương tối thiểu và giờ làm thêm.
Thông cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết nhà hàng Tank Noodle đã phải hoàn trả 697.295 USD tiền lương cho 60 nhân viên sau khi cuộc điều tra của cơ quan này phát hiện nhà hàng vi phạm hàng loạt quy định về mức lương tối thiểu và làm thêm giờ của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng.
Nhân viên nhà bếp đã phải làm việc vô số giờ để chế biến các món ăn chính thống như Bánh mì và Phở với mức lương cố định, trong khi nhân viên phục vụ khách chỉ được nhận được tiền boa, thông cáo cho biết thêm.
“Cuộc điều tra đã thu hồi một lượng đáng kể số tiền lương trả lại cho 60 nhân viên trong ngành công nghiệp mà những người lao động thiết yếu thường được trả lương thấp nhất trong xã hội chúng ta”, Giám đốc của cơ quan phụ trách về tiền lương và giờ làm của Chicago, Thomas Gauza, nói trong thông cáo.
“Việc không ghi lại chính xác số giờ làm việc của nhân viên không ngăn cản cuộc điều tra của liên bang, việc phát hiện ra các vi phạm và cuối cùng là thu hồi tiền lương. Vụ này cho thấy những chủ lao động cố đạt được lợi ích không công bằng bằng cách lách luật sẽ phải chịu trách nhiệm”, quan chức của Mỹ nói thêm.
Ngoài việc không ghi lại chính xác số giờ làm của nhân viên, không trả lương trực tiếp cho nhân viên phục vụ, các nhà điều tra của Bộ Lao động Mỹ còn phát hiện nhà hàng Tank Noodle đã thu toàn bộ tiền boa mỗi ngày và chia đều cho tất cả nhân viên phục vụ, bao gồm cả cho quản lý. Đây được xem là việc làm bất hợp pháp vì theo luật, ban quản lý không được phép ăn chia tiền boa.
Ngoài ra, Tank Noodle còn vi phạm quy định về giờ làm thêm giờ khi trả cho nhân viên mức lương cố định mỗi ngày, bất kể số giờ họ làm việc. Hành động này vi phạm luật lao động Mỹ, trong đó yêu cầu chủ lao động phải trả lương phụ trội cho nhân viên làm việc hơn 40 giờ một tuần.
Tank Noodle là một nhà hàng Việt Nam nổi tiếng ở Chicago. Hồi đầu tháng 1, nhà hàng này đã nhận hàng loạt lời doạ giết qua điện thoại và mạng xã hội sau khi chủ nhà hàng đến thủ đô Washington tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, dẫn đến vụ bạo loạn Điện Capitol hôm 6/1.
Thông báo của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết Tank Noodle đã ký thỏa thuận hoàn trả tiền lương cho nhân viên vào ngày 7/12/2020.
Tờ Eater Chicago cho biết sau khi thông báo được công bố, Tank Noodle đã ngừng kích hoạt tài khoản Facebook của mình. Các hãng truyền thông Mỹ cũng không thể liên lạc được với nhà hàng để yêu cầu bình luận.
TT Biden nối lại viện trợ cho chính quyền nổi tiếng tài trợ khủng bố
Chính quyền TT Biden sẽ nối lại viện trợ từ tiền thuế của người Mỹ cho người Palestine, mặc dù chính phủ Palestine vẫn tiếp tục sử dụng số tiền này để chi trả cho những kẻ khủng bố và gia đình của chúng, theo Washington Free Beacon.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price trong tuần này xác nhận rằng chính quyền sẽ đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump về việc cắt viện trợ của Mỹ cho chính phủ Palestine và các tổ chức Liên hợp quốc cung cấp dịch vụ trong khu vực. Hiện, Hoa Kỳ có ý định “cung cấp hỗ trợ có lợi cho tất cả người Palestine, bao gồm cả những người tị nạn [Palestine],” ông Price nói.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Palestine tiếp tục chi tiền viện trợ quốc tế cho một chương trình có tên gọi là “pay-to-slay” (Tạm dịch: Chi tiền để giết chóc). Trong chương trình này, một phần lớn số tiền được chi trả để chăm sóc cho những kẻ khủng bố bị giam cầm và gia đình của chúng.
Việc nối lại viện trợ của chính quyền ông Biden cũng có thể vi phạm Đạo luật Lực lượng Taylor lưỡng đảng năm 2017, đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, cấm chính phủ Mỹ viện trợ tiền thuế của người Mỹ cho chính quyền Palestine trừ khi nước này chấm dứt chương trình tài trợ khủng bố. Bộ Ngoại giao vẫn chưa giải thích làm thế nào chính quyền ông Biden nối lại viện trợ của Hoa Kỳ mà không vi phạm đạo luật này.
Một quan chức Bộ Ngoại giao quen thuộc với vấn đề này nói với Washington Free Beacon rằng “bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc nối lại hỗ trợ cho Bờ Tây và Gaza sẽ nhất quán với các yêu cầu theo luật liên quan của Hoa Kỳ.”
Trong năm 2020, chính phủ Palestine được cho là đã chi khoảng 155 triệu USD cho những kẻ khủng bố bị bỏ tù và tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình tài trợ này, bất chấp các điều luật của Hoa Kỳ như Đạo luật Lực lượng Taylor. Khoảng 3,2% ngân sách của chính quyền Palestine được phân bổ cho chương trình này, theo cơ quan giám sát chính phủ Palestine Media Watch (PMW).
Nhiều khoản tài trợ trong số này đã được chính phủ Palestine che giấu thông qua việc chuyển khoảng 300 triệu USD cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), một nhóm kháng chiến vũ trang do tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo, theo PMW.
Chính phủ Palestine đã che giấu Hoa Kỳ cũng như cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế về các khoản tài trợ cho khủng bố. Trong khi chính quyền Palestine được yêu cầu cung cấp thông tin minh bạch cho các nhà tài trợ quốc tế để nhận tài trợ, PLO không bị yêu cầu cung cấp thông tin này.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào