Võ Thái Hà tóm lược
Đô đốc Aquilino: Khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan cao hơn mọi người nghĩ
Hôm thứ Ba (23/3), Đô đốc Aquilino, người được đề cử làm Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng mối đe dọa xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ nghiêm trọng hơn nhiều người biết, theo Epoch Times.
Ông nhấn mạnh rằng trước áp lực quân sự ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan, Hoa Kỳ nên tiếp tục duy trì khai triển các lực lượng răn đe, đồng thời tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, và đảm bảo rằng hòn đảo này có khả năng tự vệ.
AFP đưa tin, John Aquilino hiện là chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương và là người được đề cử cho chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Ông nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện hôm thứ Ba rằng Trung Quốc coi việc khôi phục quyền kiểm soát Đài Loan là “ưu tiên hàng đầu” của họ.
Ông cũng không đồng ý với nhận xét gần đây của Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương và Đô đốc Philip Davidson sắp mãn nhiệm rằng ĐCSTQ có thể cố gắng tấn công Đài Loan trong sáu năm nữa.
Ông nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện: “Tôi nghĩ vấn đề này cấp bách hơn hầu hết mọi người nghĩ, và chúng ta phải xem xét nó một cách nghiêm túc”.
Ông Aquilino cho biết mối đe dọa lớn đến mức Hoa Kỳ cần thực hiện một kế hoạch trị giá 27 tỷ USD được đề xuất nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và eo biển Đài Loan) “trong ngắn hạn và trong những trường hợp khẩn cấp”.
Ông nhấn mạnh rằng việc chính quyền Trung Quốc phát động xâm lược Đài Loan trước hết gây ra mối đe dọa tiềm tàng với thương mại toàn cầu. Thứ hai, nó sẽ làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ đối với các đồng minh châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines.
Ông Aquilino tuyên bố rằng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cố vấn cho Đài Loan về việc phát triển sức mạnh quân sự, khả năng tương tác trong hoạt động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và phát triển chuyên môn thông qua hợp tác an ninh và bán vũ khí cho Đài Loan theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”. Đài Loan nên ưu tiên mua sắm các hệ thống phi đối xứng có tính cơ động cao, phi tập trung và có tính sát thương cao để đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công.
Ông nhắc lại cam kết lâu dài của Hoa Kỳ trong việc tuân theo Thông cáo chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và sáu đảm bảo tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì đủ khả năng tự vệ. Trong tương lai, ông sẽ thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khu vực.
Khi nói về mối quan hệ giữa Mỹ-Trung, ông Aquilino nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có quan điểm rất khác nhau về tương lai, ĐCSTQ kỳ vọng tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình chuyên quyền và mâu thuẫn với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nhưng ông cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm cách thiết lập mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng, ổn định và hướng tới kết quả với Trung Quốc để giảm nguy cơ hiểu lầm và đánh giá sai.
Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa, chính quyền Mỹ không phản ứng
Chủ Nhật, 21/03/2021, Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hành trình từ bờ tây, nhưng đến tối hôm qua 23/03/2021, thông tin mới được loan truyền ở Hàn Quốc. Đây là động thái quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Joe Biden làm tổng thống Mỹ và xảy ra ít ngày sau chuyến công du Seoul của các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Thế nhưng, hành động này của Bình Nhưỡng không làm Washington lo ngại, mà chỉ chứng tỏ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn trong tình trạng bế tắc.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Nicolas Rocca tường trình :
Một số người cho rằng đó là hành động khiêu khích. Một số khác thì coi đây là vụ thử vũ khí thông thường đã được dự trù từ trước. Có điều rõ ràng là các tên lửa mà Bắc Triều Tiên vừa thử hôm Chủ Nhật không nằm trong khuôn khổ các lệnh cấm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa, các tên lửa vừa bắn thử có vẻ như thuộc loại tầm trung, không đến mức làm chính quyền Mỹ phải báo động.
Tổng thống Joe Biden đã khẳng định các vụ thử đó cho thấy là không có gì thay đổi thực sự. Khó có thể dám chắc Bình Nhưỡng có ý định khiêu khích qua vụ bắn thử tên lửa này, khi mà báo chí chính thức của đảng không thấy bình luận gì. Thông tin về vụ bắn tên lửa xuất hiện ở Seoul tối hôm qua từ các nguồn của Mỹ và Hàn Quốc.
Hơn nữa vụ bắn thử tên lửa diễn ra vài ngày sau khi kết thúc cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, một hoạt động mà Bình Nhưỡng vẫn luôn coi là khiêu khích.
Như vậy cũng không có nghĩa là Bắc Triều Tiên sẽ không gia tăng áp lực trong thời gian tới. Trong khi đó các cố gắng của Washington muốn nói chuyện với các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên vẫn không có hồi đáp từ đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden tới giờ.
Ân Xá Quốc tế lên tiếng việc tù nhân Nguyễn Văn Đức Độ bị ngược đãi
Hôm 23/3, Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải ngưng tra tấn và ngược đãi đối với nhà hoạt động chính trị Nguyễn Văn Đức Độ, đồng thời lặp lại yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với ông.
Kể từ khi bị bắt vào năm 2016, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ, 45 tuổi, hiện đang phải thụ án 11 năm tù tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, theo cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Thông cáo của Ân Xá Quốc tế cho biết tổ chức này có nhận được những báo cáo về tình trạng ông Độ bị biệt giam kể từ tháng 5/2020 và tính đến nay đã hơn 300 ngày. Ngoài ra, ông Độ còn phải chịu đựng những ngược đãi nghiêm trọng trong đó có biện pháp tra tấn sau khi ông này lên tiếng về tình trạng khắc nghiệt trong trại tù Xuân Lộc do Bộ Côn an Việt Nam quản lý.
Từ Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đức Hải, em của ông Độ, cho VOA biết như sau:
“Họ đánh cái là anh bất tỉnh tại chỗ, sau đó họ đưa anh đi cùm và sau đó biệt giam từ năm 2020 cho đến nay. Bị cùm thì bị cắt thịt đau chân, đi lại khó khăn. Họ cho cơm vào ăn thì có trộn phân người, anh Độ điện về cho biết như vậy. Nước thì cho uống một ngày 3 ly mà nước thì rất là dơ.”
Ông Hải nói cho biết thêm về tình hình gần đây của ông Độ trong chuyến thăm tù ngày 16/3:
“Khi vào thăm anh cho biết họ nhốt anh trong phòng 2m x 4m. Tay chân bị đau chịu không nổi, không đi lại được. Vào ngày 15/3 anh bị khó thở, anh đập cửa kêu cứu, nói rằng “tù nhân lương tâm cũng cần được sống!” thì một lát sau họ thả chó vào vồ anh.”
VOA đã liên lạc Bộ Công an và Cục Cảnh sát Quản lý trại giam để tìm hiểu về tình trạng của tù nhân Nguyễn Văn Đức Độ nhưng chưa được phản hồi.
Thông tin của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết việc ông Nguyễn Văn Đức Độ bị biệt giam kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của ông. Ông Độ nói với gia đình khi thăm gặp hãy viết đơn đến Chủ tịch nước đề nghị “kết liễu mạng sống cho ông” vì “không thể nào tiếp tục sống trong điều kiện hiện nay.”
Bắt đầu rước đuốc Olympics ở Nhật Bản
Lễ rước đuốc cho Thế vận hội mùa hè sẽ khai mạc hôm nay ở Nhật Bản. Các kế hoạch cho Olympics vẫn được triển khai bất chấp đại dịch covid-19. Ngọn lửa sẽ bắt đầu hành trình ở tỉnh Fukushima và đi khắp Nhật Bản trước khi đến Tokyo cho lễ khai mạc vào ngày 23 tháng 7. Ý định ban đầu của Nhật Bản là thông qua sự kiện thể hiện sự phục hồi của nước này từ thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở miền đông bắc đất nước hồi năm 2011.
Và khi các nhà tổ chức quyết định hoãn sự kiện vào năm ngoái, họ đặt kỳ vọng nó sẽ đại diện cho sự phục hồi của thế giới từ đại dịch. Song điều này hơi quá lạc quan. Nếu sự kiện được tổ chức, nó sẽ chỉ là một cái bóng mờ nhạt của các kỳ Olympics trước. Tuần vừa rồi, khán giả nước ngoài đã bị cấm tham dự để tránh làm bùng phát virus. Nhưng hàng ngàn vận động viên, huấn luyện viên và quan chức vẫn có thể mang mầm bệnh. Do đó không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người Nhật không muốn tổ chức sự kiện này trong năm nay.
Kênh đào Suez bị tắc nghẽn, đe dọa chuỗi cung ứng
Những con tàu đi qua kênh đào Suez đang ngày càng lớn hơn trong những năm gần đây. Vào thứ Ba, Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, đã bị gió lớn thổi nằm chắn ngang qua con kênh. Đây là một vấn đề lớn cho ngành vận tải biển toàn cầu. Năm ngoái có gần 19.000 tàu đi qua con đường hàng hải dài 120 dặm nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ, chiếm 12% tổng khối lượng thương mại toàn cầu.
Chỉ một nút cổ chai trong thời gian ngắn cũng có nguy cơ gây gián đoạn nghiêm trọng. Và chính phủ Ai Cập cũng phải lo lắng về nguồn thu nhập chính từ nước ngoài của mình. Hồi năm 2015, họ đã chi 8 tỷ đô la cho một dự án mở rộng con kênh nhằm giảm thời gian chờ tàu. Mặc dù doanh thu thời đại dịch chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 so với năm trước, một phần do phí vận chuyển được cắt giảm đối với một số tàu nhằm thu hút giao thông, song trừ khi Ever Given được xử lý nhanh chóng, các khoản thu đó cũng sẽ phải giảm.
Anh và EU tranh cãi về vắc-xin AstraZeneca
Các lãnh đạo EU hôm nay sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin covid-19 của AstraZeneca-Đại học Oxford. Mục tiêu giả định chính là Anh, nước đã vướng vào các cuộc tranh cãi với EU xoay quanh nguồn cung vắc-xin trong vài tuần gần đây. Ủy ban châu Âu khẳng định AstraZeneca phải cung cấp vắc-xin cho EU trước các nước khác.
Trước đây, họ muốn “cấm” xuất khẩu các loại vắc-xin sản xuất trên lục địa – ví dụ số được sản xuất tại Halix ở Hà Lan – đến bất kỳ nước nào bên ngoài khối, bao gồm cả Anh. Song không rõ các nhà lãnh đạo của các nước EU có đồng lòng về một động thái quyết liệt như vậy hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dành vài ngày nói chuyện điện thoại với nhiều người trong số họ nhằm kêu gọi họ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào về lệnh cấm xuất khẩu. Điều đó có thể đã thành công. Hôm qua, hai bên đưa ra một tuyên bố chung nói họ muốn “tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi”.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ đau đầu với vấn đề khoan dầu trên đất công
Chỉ sau hơn một tuần tại nhiệm, Deb Haaland, bộ trưởng nội vụ của Mỹ, đã phải đối mặt với một vấn đề nóng bỏng. Hôm nay, bộ của bà sẽ tổ chức một diễn đàn để thảo luận xem các công ty nhiên liệu hóa thạch có được phép tiếp tục khoan trên đất liên bang hay không. Tổng thống Joe Biden đã ban hành lệnh cấm hợp đồng thuê mới từ tháng 1. Bà Haaland – thành viên nội các người Mỹ bản địa đầu tiên – là một nhà vận động bảo vệ môi trường quyết liệt phản đối fracking và ủng hộ Thỏa thuận Xanh Mới.
Bà từng đấu tranh với các nỗ lực thăm dò dầu trên các khu bảo tồn hoặc đất của tổ tiên người Mỹ bản địa. Tuy nhiên, mới tuần trước bà còn là một nữ dân biểu từ New Mexico. Ngân sách của bang này dựa chủ yếu vào doanh thu của các công ty khai thác các mỏ giàu trữ lượng của liên bang trên đất New Mexico. Do đó họ sẽ mất rất nhiều nếu chương trình bị khép lại. Sự căng thẳng đó được thể hiện rất rõ tại phiên điều trần phê chuẩn bà hồi tháng trước. Khi ấy bà nói lệnh cấm của ông Biden chỉ là tạm thời, mâu thuẫn với lời hứa tranh cử của ông là chấm dứt vĩnh viễn khoan dầu trên đất công.
Các giám đốc công nghệ Mỹ lại điều trần trước Hạ viện
Các giám đốc công nghệ lại một lần nữa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Hôm nay, các sếp của Facebook, Google và Twitter sẽ điều trần trực tuyến trước hai tiểu ban thành viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện về chủ đề “thông tin sai lệch và thao túng thông tin lan tràn trên các nền tảng trực tuyến”. Sẽ có một số câu hỏi khó được đặt ra, khi mà thông tin sai lệch về bầu cử đã góp phần gây ra cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1.
Phiên họp cũng có thể mang tính xây dựng hơn so với các phiên điều trần trước đây, và có khả năng mở đường cho việc sửa đổi Điều 230 của Đạo luật Khuôn phép Thông tin. Đạo luật 25 năm tuổi này bảo vệ các nền tảng trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung của bên thứ ba, bất kể có bị phản đối đến đâu, chỉ bằng 26 từ. Thành viên từ hai đảng đều đã lên tiếng chỉ trích, trong khi một số dự luật đang được đề xuất ở Washington, DC, để cải cách. Ngay cả Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, cũng có vẻ quan tâm. Trong lời khai trước phiên, ông gợi ý là thay vì được cấp quyền miễn trừ, các nền tảng nên chứng minh khả năng phát hiện và xóa “nội dung bất hợp pháp”.
EU-Trung Quốc đối đầu: EU trừng phạt, Bắc Kinh trả đũa, EU cho triệu đại sứ
Sau khi EU trừng phạt các quan chức ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, ĐCSTQ đã ngay lập tức công bố các lệnh trừng phạt trả đũa vào ngày 22/3, làm dấy lên sự bất mãn giữa các nước thành viên EU. Các quốc gia như Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan đã triệu tập các đại sứ của ĐCSTQ để phản đối các hành động của ĐCSTQ.
Danh sách trừng phạt của ĐCSTQ bao gồm 10 cá nhân và 4 cơ quan châu Âu. Đây được coi là động thái đáp trả sau khi EU trừng phạt 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị này. Đây là lần đầu EU trừng phạt Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ, các quốc gia thành viên EU là Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Đức lần lượt triệu tập các đại sứ Trung Quốc tại nước sở tại vào thứ Ba (23/3). Hà Lan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vào thứ Hai (22/3).
Truyền thông Bỉ Knack đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Sophie Wilmès hôm thứ Hai cho biết ông phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trung Quốc đối với các thực thể EU và các nghị sĩ châu Âu. Đáp lại, Bộ Ngoại giao đã triệu tập Cao Trung Minh, đại sứ Trung Quốc.
Ngoài ra, AFP dẫn lời một nguồn tin xác nhận rằng chính phủ Bỉ đã triệu tập Cao Trung Minh vào hôm thứ Ba.
Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố rằng Đức cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để “đàm phán khẩn cấp”.
“Đại sứ Trung Quốc Ngô Khẩn đã được triệu tập để có một cuộc họp khẩn cấp với Ngoại trưởng Miguel Berger”, Bộ Ngoại giao Đức cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức nói thêm rằng ông Berger “bày tỏ rõ ràng quan điểm của chính phủ Đức rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ, nhà khoa học, tổ chức chính trị châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ thể hiện một sự leo thang không phù hợp, điều này đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc một cách không cần thiết”.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố rằng sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt, Đan Mạch cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ bao gồm “Liên minh các nền dân chủ” (Alliance of Democracies) được thành lập bởi Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch và cựu Tổng thư ký NATO.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói rằng Đại sứ Trung Quốc đã được thông báo tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch rằng Đan Mạch không hài lòng với những hành động này của ĐCSTQ. “Khi Trung Quốc trừng phạt các chính trị gia, thể chế và nhà bất đồng chính kiến châu Âu chỉ vì họ chỉ trích Trung Quốc, rõ ràng đó là một đòn tấn công vào quyền tự do ngôn luận của công dân châu Âu và Đan Mạch”, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết trong một tuyên bố.
Ông Kofod cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mà ĐCSTQ áp đặt khác với các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt.
Ông nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của EU chỉ ảnh hưởng đến các quan chức Trung Quốc (ĐCSTQ), những người chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Reuters dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp hôm thứ Ba cho biết rằng Pháp cũng đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc Lư Sa Dã vào thứ Ba, nhấn mạnh rằng những lời lăng mạ và đe dọa của ĐCSTQ đối với các nghị sĩ Pháp và một nhà nghiên cứu là “không thể chấp nhận được”, đồng thời phản đối quyết định của Bắc Kinh xử phạt một số quan chức châu Âu.
Ngoài ra, Hà Lan đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại The Hague vào thứ Hai để phản đối các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ đối với thành viên quốc hội Hà Lan Sjoerd Sjoerdsma.
Kỷ niệm 100 năm thành lập của ĐCSTQ thiếu vắng lễ diễu hành quân sự
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng vào 1/7 năm nay. Một loạt các hoạt động tuyên truyền sẽ được tổ chức nhưng các quan chức cho biết năm nay sẽ không có hoạt động duyệt binh, theo Sound Of Hope.
Các nhà quan sát cho rằng ĐCSTQ muốn kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, nhưng họ đang vướng vào nhiều bê bối và khó khăn cả trong nước cũng như quốc tế.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (23/3), ông Lý Quân, trợ lý Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, cho biết sẽ không có cuộc diễu hành quân sự được tổ chức trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ năm nay.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, việc ĐCSTQ không bố trí duyệt binh quân sự khiến thế giới bên ngoài vô cùng ngạc nhiên. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, 5 cuộc duyệt binh đã được tổ chức, trung bình 2 năm một lần. Có thể nói ông Tập là nhà lãnh đạo tiến hành nhiều cuộc duyệt binh nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Lần gần đây nhất là cuộc duyệt binh tổ chức tại Bắc Kinh năm 2019 nhân kỷ niệm 70 năm ngày ĐCSTQ lên nắm quyền.
Lạc Quân, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Hà Bắc cho biết, theo nội dung chính thức của buổi lễ, lần kỷ niệm này chỉ là một màn ăn mừng hời hợt.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Thái Thận Khôn cho rằng, lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ đã vấp phải một vấn đề khác, đó là lần này nên tưởng nhớ đến ai? Vì ĐCSTQ là sản phẩm của Cộng sản Liên Xô cũ và xuất thân từ chế độ Xô Viết cũ.
Thái Thận Khôn nói: “100 năm đã trải qua rất nhiều sự việc, Các lãnh đạo trong quá khứ của ĐCSTQ đã bị thanh trừng trong nhiều phong trào. Nếu kỷ niệm thì nên nên tưởng niệm ai?”.
Canada dập tắt nỗ lực ngăn dẫn độ Mạnh Vãn Châu sang Mỹ
Vụ án dẫn độ giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, Mạnh Vãn Chu, đã bước vào giai đoạn cuối. Các luật sư của bà Mạnh gần đây đã nộp những lời khai mới cho tòa án nhằm ngăn chặn việc bà bị dẫn độ sang Mỹ. Hôm qua (23/3), thẩm phán Canada tiếp tục bác bỏ những bằng chứng mới mà các luật sư của bà Mạnh cung cấp, theo Sound Of Hope.
Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, dẫn lời AFP đưa tin: Nhóm luật sư của bà Mạnh hy vọng rằng, lời khai bằng văn bản của một kế toán Huawei sẽ là bằng chứng có lợi cho bà, và tuyên bố rằng điều này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về các hoạt động tài chính của Huawei và sẽ giúp chứng minh bà vô tội.
Thẩm phán Heather Holmes, Phó Chánh án Tòa án Tối cao British Columbia, Canada, hôm qua đã bác bỏ những bằng chứng đó, ông cho rằng bằng chứng này “không liên quan” đến phiên điều trần dẫn độ.
Trước đó, bà Mạnh đã hy vọng rằng tòa án sẽ chấp nhận lời khai bằng văn bản của các nhân viên Huawei, cho rằng lời khai này có thể chứng minh rằng HSBC biết về mối quan hệ giữa Huawei và Xingtong Technology, và rằng bà Mạnh không hề lừa dối ngân hàng.
Tuy nhiên thẩm phán Holmes đã từ chối yêu cầu vào 12/3, và nói rằng nó [bằng chứng] này “không có lợi cho việc tìm kiếm các kết quả đáng tin cậy”.
Vụ án dẫn độ bà Mạnh dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5, nhưng nếu cả hai bên tiếp tục kháng cáo, vụ án có thể tiếp tục kéo dài trong vài năm.
Bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, chiểu theo ràng buộc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau, khi bà Mạnh đi qua Sân bay Quốc tế Vancouver vào tháng 12 năm 2018.
Mỹ tố cáo bà Mạnh lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei và một chi nhánh tại Iran tên là Skycom, đẩy ngân hàng HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Ngay sau đó, ĐCSTQ cũng đáp trả lại bằng cách bắt tạm giam cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân người Canada Michael Spavor, kể từ đó mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều tổ chức báo chí, truyền thông quốc tế đưa tin, hai ông Kovrig và Spavor sau khi bị bắt đã bị buộc tội làm gián điệp, và đã bị đưa ra tòa xét xử.
Vào 19/3, vào đúng dịp Mỹ-Trung có cuộc gặp cấp cao tại Alaska, một tòa án của Trung Quốc đã mở phiên xét xử đầu tiên đối với doanh nhân Michael Spavor, người đã bị giam giữ hơn hai năm, và tái thẩm đối với ông Michael Kovrig vào ngày 22/3.
Mặc dù các quan chức từ 26 quốc gia đã đến nơi xử án để bày tỏ sự lo lắng, nhưng ĐCSTQ vẫn sử dụng “yếu tố an ninh quốc gia” làm cái cớ để cấm tất cả các nhà ngoại giao vào phòng xử án, dẫn đến sự phẫn nộ của các quốc gia. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 23 đã tweet rằng: Các đồng minh hãy cùng Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho Kovrig và Spavor bị giam giữ phi pháp. Ông còn nhấn mạnh: “Nhân loại không phải là một con bài để mang ra mặc cả”.
Cháy trại tị nạn ở Bangladesh, 400 người mất tích, 550 người bị thương, 40.000 túp lều bị thiêu rụi
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 15 người chết và 400 người mất tích sau một vụ cháy lớn ở trại tị nạn của người Rohingya tại Bangladesh. Ngoài ra, vụ cháy còn làm 550 người bị thương và 45.000 người phải tháo chạy, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 23/3 cho biết.
Theo Reuters, ngọn lửa đã bùng lên tại trại Balukhali gần thị trấn Cox’s Bazar về phía đông nam vào cuối ngày 22/3, thiêu rụi hàng nghìn túp lều trong khi mọi người cố vớt vát chút tài sản ít ỏi của mình.
Trại Balukhaila là một trong những trại đông đúc nhất với hàng chục nghìn người tị nạn từ Myanmar ở huyện Cox’s Bazar. Lều của người tị nạn làm từ tấm tôn phế liệu, nhựa và bìa carton nên rất dễ cháy.
“Mọi thứ đã biến mất. Hàng nghìn người giờ đây không có nhà ở”, Aman Ullah, một người tị nạn Rohingya từ trại Balukhali, nói với Reuters, “Ngọn lửa đã được kiểm soát sau sáu giờ, nhưng khói vẫn bốc lên suốt đêm tại một số khu vực của trại”.
Ông Mohammad Mohsin, thư ký của Bộ Quản lý và Cứu trợ Thiên tai, cho biết khoảng 40.000 túp lều trong trại đã bị thiêu rụi. Hai bệnh viện lớn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phá hủy.
Ông Johannes Van der Klaauw, đại diện của UNHCR tại Bangladesh, cho biết: “Đám cháy rất lớn, đám cháy rất dữ dội. Vẫn còn 400 người mất tích, họ có thể vẫn ở đâu đó trong đống đổ nát”. Hiện các nhân viên cứu hộ cũng như gia đình có người bị mất tích đang tìm kiếm các nạn nhân.
Ông Van der Klaauw cho biết UNHCR đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong, hơn 550 người bị thương và khoảng 45.000 người phải tháo chạy.
Ông Sanjeev Kafley – hội trưởng Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Bangladesh – cho biết hơn 17.000 nơi trú ẩn tại trại tị nạn đã bị phá hủy và hàng chục nghìn người phải tháo chạy.
Ông Kafley cho biết hơn 1.000 nhân viên và tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp với lực lượng cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa. Toàn bộ khu tị nạn gồm bốn khu vực với khoảng 124.000 người.
Theo ông Kafley, con số này chiếm khoảng 1/10 trong tổng số ước tính một triệu người Rohingya tị nạn trong khu vực.
“Tôi đã ở Cox’s Bazar được ba năm rưỡi và chưa bao giờ chứng kiến một đám cháy như vậy. Những người này đã bị di dời hai lần. Đối với nhiều người, họ không còn lại gì cả”, ông Kafley chia sẻ.
Hiện nguyên nhân của vụ cháy đang được nhà chức trách Bangladesh điều tra làm rõ.
ĐCSTQ ‘cấm sóng’ giải Oscars nhằm răn đe Hollywood
Truyền thông Trung Quốc sẽ không trình chiếu lễ trao giải Oscar vào tháng tới do mâu thuẫn với Đạo diễn Anders Hammer và Chloe Zhao, hai ứng viên trong danh sách trao giải. Lệnh cấm được đưa ra vì cả hai nhân vật này đã thu hút phải các nhận xét tiêu cực từ giới chức Trung Quốc, Vision Times đưa tin.
Đạo diễn Chloe Zhao, sinh ra ở Trung Quốc, là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên và là đạo diễn nữ thứ hai trong lịch sử từng giành giải Quả cầu vàng cho bộ phim Nomadland năm 2020. Bộ phim này kể về hành trình đi tìm việc làm của một góa phụ trên khắp đất Mỹ. Tại lễ trao giải, cô đã phát biểu:
“Lòng trắc ẩn là nhân tố phá vỡ mọi rào cản giữa chúng ta. Trái tim chúng ta liên kết với nhau. Nỗi đau của bạn là nỗi đau của tôi. Nó được hòa quyện và lan tỏa giữa chúng ta” và rằng “đây là lý do tại sao tôi say mê làm phim và kể chuyện. Bởi vì nó cho chúng ta một cơ hội để cùng nhau cười và cùng nhau khóc, và nó cho chúng ta cơ hội để học hỏi lẫn nhau và để chia sẻ đồng cảm với nhau hơn”. Bộ phim đã được đề cử cho các hạng mục Hình ảnh, Đạo diễn, Biên tập, Kịch bản chuyển thể, Quay phim và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar sắp diễn ra vào tháng tới.
Theo những gì chuyên gia về Trung Quốc Stanley Rosen nói với tạp chí Deadline, thái độ của ĐCS Trung Quốc đối với cô Zhao khá là phức tạp và không nhất quán. Họ có nhận thức rằng Nomadland đã phơi bày “một nước Mỹ đang suy tàn và sự tàn ác của một hệ thống tư bản”, và điều này đã nhận được sự ủng hộ của những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, cho đến khi những bình luận của Zhao được đưa ra vào năm 2013 khi đề cập đến việc Trung Quốc là “nơi có những lời nói dối ở khắp mọi nơi” lại nổi lên, gây ra một sự chấn động trong cộng đồng người hoa. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2020, cô đã nói rằng cô ấy “bây giờ” là một người Mỹ đang khuếch đại nhận thức tiêu cực về Trung Quốc, mặc dù cuộc phỏng vấn sau đó đã được sửa lại để nói rằng Zhao nói rằng cô ấy “không phải” là người Mỹ và “bây giờ” chỉ là một lỗi đánh máy.
Vì Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu thụ lớn của phim Mỹ, cô Zhao có thể buộc phải rút lại những bình luận về năm 2013 của mình để có thể phát triển ở Trung Quốc với bộ phim Eternals sắp tới của Marvel, dự kiến phát hành tại Trung Quốc vào tháng 11.
Trong một bình luận trên Thời báo Hoàn cầu, tổng biên tập Hồ Tích Tiến cho biết “Zhao đã nói điều gì đó ‘xúc phạm đối với Trung Quốc’ vào năm 2013, nhưng cô ấy không phải là một trong những người bất đồng chính kiến đang biến giá trị của họ thành một lập trường chính trị và lợi dụng nó”, từ đó cung cấp cho Zhao cơ hội chuộc lỗi bằng cách ăn năn vì nhận xét trước đây của mình.
“Trung Quốc đã rất cố gắng để chứng tỏ rằng họ có thể nuôi dưỡng các tài năng sáng tạo dưới chế độ độc tài và các nghệ sĩ của họ có thể thành công bên ngoài Trung Quốc, cũng như trở thành một bộ phận trong ngành điện ảnh toàn cầu. Tôi nghĩ rằng họ chắc chắn muốn phát hành bộ phim [Eternals], và tất nhiên họ mong đợi Chloe Zhao Ting sẽ gặp họ ít nhất là một phần của chặng đường bằng cách làm rõ những nhận xét được báo cáo của cô. Cô không thể tránh bình luận nếu cô ấy tiếp tục trả lời phỏng vấn của giới truyền thông. Cô và những người đại diện của mình có thể tạo ra một thứ gì đó đủ để biến điều này thành một tình huống đôi bên cùng có lợi cho cô, cho Trung Quốc và cho bộ phim sắp ra rạp của Marvel”, chuyên gia Rosen về Trung Quốc cho biết .
Một đạo diễn khác bị coi là mối đe dọa và là một lý do để cấm trình chiếu giải Oscar ở Trung Quốc là Anders Hammer của Na Uy. Anh đã đạo diễn một bộ phim tài liệu ngắn dài 35 phút về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông có tên là ‘Do Not Split’ (Đừng chia cắt), được đề cử giải Phim tài liệu ngắn hay nhất. Tiêu đề của bộ phim tài liệu đề cập đến sự đoàn kết mà những người biểu tình đã cố gắng duy trì trong suốt các cuộc biểu tình của họ. Phim hiện có 81.000 lượt xem trên Vimeo và được chiếu tại Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế Đan Mạch và Liên hoan Phim New Orleans ở Mỹ.
Theo một bài báo của Global Times, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, bộ phim ‘Do Not Split’ “chứa đầy những lập trường chính trị thiên lệch” và “thiếu tính nghệ thuật”. Họ cũng cáo buộc giải Oscar là “công cụ chính trị” và đe dọa rằng việc chống lại Trung Quốc sẽ có hại cho sự thịnh vượng của thị trường điện ảnh Trung Quốc vốn đã “lần đầu tiên vượt Bắc Mỹ trở thành thị trường phòng vé lớn nhất thế giới vào năm ngoái”.
Ủy ban chứng khoán Mỹ chế tài các công ty Trung Quốc
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), cơ quan quản lý chứng khoán cao nhất của Hoa Kỳ, đã đưa ra các quy định mới nhằm hủy bỏ việc niêm yết các công ty Trung Quốc không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán, Epoch Times đưa tin.
SEC cho biết hôm thứ Tư (24/3) rằng họ đã thông qua một biện pháp cho phép Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ loại bỏ các công ty nước ngoài nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ .
SEC cho biết trong một tuyên bố rằng quy định mới yêu cầu các công ty nước ngoài chứng minh họ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của các tổ chức chính phủ nước ngoài nếu muốn tiếp tục được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
SEC đã thông qua “Bản sửa đổi cuối cùng [dùng] tạm thời” để đảm bảo việc thực hiện nhanh chóng các quy định trên. SEC hiện đang lắng nghe ý kiến của công chúng thảo luận về các công ty nước ngoài được coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ.
Bản sửa đổi yêu cầu các công ty phải nộp tài liệu trong vòng 90 ngày sau khi các quy định được ban hành.
Tuyên bố cho biết SEC vẫn đang “tích cực đánh giá” cách đưa ra các yêu cầu còn lại của bản sửa đổi, bao gồm các thủ tục nhận dạng và các yêu cầu cấm giao dịch. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài” vào tháng 12/2020, cho phép các sàn giao dịch của Hoa Kỳ xóa các công ty nước ngoài không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ trong ba năm liên tiếp.
Ngay từ tháng 7/2020, Nhóm công tác về thị trường tài chính (Working Group on Financial Markets) của chính quyền Trump đã khuyến nghị thắt chặt các tiêu chuẩn của sàn giao dịch đối với việc niêm yết các công ty Trung Quốc để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ và tránh rủi ro kiểm toán tiềm ẩn.
Từ lâu, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã được đối xử khác biệt, họ có thể phát hành cổ phiếu tại Mỹ trong khi được miễn tuân thủ các quy định kiểm toán của Mỹ như các công ty nước ngoài khác và các công ty nội địa của Mỹ, vì chính phủ Trung Quốc không cho phép thanh tra công việc kiểm toán của họ.
Các nhà chức trách của chính quyền Trung Quốc cũng đã thiết lập một rào cản mới vào năm ngoái, không cho phép các công dân và công ty Trung Quốc tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý chứng khoán ở nước ngoài mà không có sự cho phép của các cơ quan quản lý thị trường và các bộ phận khác của chính phủ Trung Quốc.
Không có nhận xét nào