Võ Thái Hà tóm lược
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan vào năm tới
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Herbert Raymond McMaster (H.R.McMaster) hôm thứ Ba (ngày 2/3) đã đưa ra cảnh báo trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ rằng bắt đầu từ năm 2022, Đài Loan có thể rơi vào nguy cơ xung đột quân sự, theo Vision Times.
Trang Nikkei Shimbun cho hay, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã tổ chức một cuộc điều trần. Các Thượng nghị sĩ lo ngại về việc liệu chính quyền Biden đã chuẩn bị sẵn kịch bản Trung Quốc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra hay không. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc H.R.McMaster bày tỏ rằng Đài Loan là mục tiêu chiến lược lớn nhất của chính phủ Trung Quốc, cũng là ngòi nổ lớn nhất khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương rơi vào một cuộc chiến quy mô lớn.
Ông chỉ ra rằng Tập Cận Bình luôn hy vọng hiện thực hóa tham vọng “thống nhất hai bờ eo biển” trong nhiệm kỳ của mình, điều này có thể buộc lãnh đạo Bắc Kinh phải đẩy nhanh việc chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược Đài Loan.
Ông McMaster ước tính rằng khoảng thời gian từ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 đến khi kết thúc Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào nửa cuối năm 2022 có khả năng là giai đoạn có nguy cơ xung đột quân sự lớn nhất ở eo biển Đài Loan.
Ngoại giới cũng lo ngại về việc liệu Hoa Kỳ có nên từ bỏ chiến lược mơ hồ hàng mấy thập kỷ đối với Đài Loan và chuyển sang thừa nhận rằng một khi Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng vũ lực, Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ Đài Loan.
Ông McMaster chỉ ra rằng “sáu bảo đảm” mà Hoa Kỳ đưa ra đối với Đài Loan là đã đầy đủ và không cần phải thay đổi chiến lược Đài Loan vào lúc này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều then chốt để ngăn Hoa Kỳ và Trung Quốc rơi vào xung đột quân sự hoặc thậm chí chiến tranh do vấn đề Đài Loan là giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ để Trung Quốc không thể dễ dàng xâm lược Đài Loan.
Kể từ sau khi chính quyền Biden nhậm chức, Không quân của Trung Quốc đã thực hiện cuộc xâm lược quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan với quy mô lớn nhất, có quan chức Trung Quốc thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố rằng “Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh”.
Tờ South China Morning Post trích dẫn quan điểm của H.R.McMaster nhận định rằng, Trung Quốc hiện đang cố gắng coi việc quân sự hóa Biển Đông như một rào cản để tăng chi phí cho sự can thiệp của Hoa Kỳ và tăng khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan.
Thông tin từ “Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan (RTI)” cho hay, Tổng thống Mỹ Biden hôm 3/3 đã ban hành hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Trong đó nêu rõ rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan – đối tác dân chủ, kinh tế và an ninh lớn này – điều này phù hợp với cam kết lâu dài của Mỹ. Mỹ sẽ bảo vệ dân chủ, nhân quyền và phẩm giá con người, gồm cả các vấn đề của Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, Mỹ sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận với các nước có chung lý tưởng.
Tuy nhiên, hướng dẫn này cũng trình bày rõ lập trường qua lại với Trung Quốc, đồng thời cam kết giảm nguy cơ hiểu lầm và đánh giá sai giữa cả hai bên. Hướng dẫn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh toàn cầu, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Việt Nam có tên trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Biden
Trong tài liệu Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia được Nhà Trắng công bố hôm 3/3, Tổng thống Joe Biden có nhắc đến Việt Nam như là một đối tác được Washington nhắm tới để “làm sâu sắc” hơn trong hợp tác an ninh khu vực. Với việc Việt Nam nổi lên như một nhân tố mới này, các nhà quan sát bày tỏ lạc quan về việc nâng tầm hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt dưới chính quyền của Tổng thống Biden.
Tài liệu dài 24 trang của Nhà Trắng viết: “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung.”
Cũng như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền Biden tập trung vào các mục tiêu ngăn chặn các hành động gây hấn và chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc, cũng như việc cưỡng bức và gây ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng.
Tài liệu viết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc và các đối tác thương mại trong việc bảo vệ quyền của họ để đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập, thoát khỏi ép buộc hoặc ảnh hưởng quá mức của nước ngoài.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tiếp cận các vùng đất và lãnh hải của toàn cầu, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế,” tài liệu có đoạn viết.
Các nhà quan sát nhận định với VOA rằng tài liệu của Nhà Trắng cho thấy Việt Nam “nỗi lên như một nhân tố mới” trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong tân chính quyền Biden, bên cạnh các đồng minh truyền thống của Washington trong khu vực.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS), nói:
“Việt Nam nổi lên cho thấy đó là một đánh giá tích cực từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam rõ ràng là có những tiến triển tích cực, đặc biệt là đóng góp trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh hơn, và quan trọng nhất là đóng góp giữ được an ninh trong khu vực. Đây có thể là lý do khá rõ rệt để dẫn đến việc chính quyền Biden đã nêu tên Việt Nam trong bản hướng dẫn tạm thời.
“Mặc dù có những khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chính quyền của ông Biden vẫn đưa mối quan hệ song phương Mỹ-Việt ngày một tốt hơn,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định.
Trang 10 của Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia được Nhà Trắng công bố hôm 3/3/2021 có nhắc đến Việt Nam.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Biển Đông, nói:
“Việt Nam được nhắc tới là vì Việt Nam có vị trí địa chính trị khá quan trọng, thái độ của Việt Nam trước Trung Quốc, và Việt Nam đang chuyển hướng đối ngoại – xích gần với Hoa Kỳ hơn. Đây là những lý do có thể lý giải vì sao Hướng dẫn Chiến lược của Mỹ có nhắc đến Việt Nam.”
“Dựa trên Hướng dẫn mới này, chúng ta có thể lạc quan tin tưởng rằng trong thời gian tới quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt là về an ninh quốc phòng.”
Tổng thống Biden viết trong thông cáo khi công bố bản Hướng dẫn: “Khi chúng ta củng cố các liên minh, chúng ta tăng cường được sức mạnh và khả năng phá vỡ các mối đe dọa trước khi chúng tiến đến bờ biển của chúng ta.”
Tài liệu viết: “Chúng ta phải đối mặt với một thế giới của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nền dân chủ đang suy thoái, sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc, Nga và các quốc gia độc tài khác, và cuộc cách mạng công nghệ đang định hình lại mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.”
Nhà Trắng cho biết rằng Hướng dẫn Tạm thời này cho thấy tầm nhìn của Tổng thống Biden về các chính sách của Hoa Kỳ đối với thế giới và cung cấp hướng dẫn cho các bộ và cơ quan điều chỉnh hành động trong khi Chính quyền đang bắt đầu xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia chính thức.
Thêm nhiều người biểu tình Myanmar bị bắn chết
Hôm thứ Tư (3/3) có ít nhất 6 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar xả súng vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Lực lượng an ninh cũng bắt giữ nhiều phóng viên, bao gồm cả một nhiếp ảnh gia của Associated Press, theo AFP.
Trong 6 người biểu tình thiệt mạng có 4 người bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở vùng Sagaing, trong khi hai người tử vong ở thành phố Mandalay.
Nhằm giải tán cuộc biểu tình hôm thứ Tư, cảnh sát Myanmar đã bắn đạn thật, đạn cao su và hơi cay.
Bạo lực hôm thứ Tư xảy ra sau khi bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia ASEAN đã có cuộc thảo luận trực tuyến với sĩ quan cao cấp Wunna Maung Lwin, đại diện quân đội Myanmar.
Trong một diễn biến khác, Win Myint, tổng thống Myanmar bị lật đổ sau đảo chính, đã bị cáo buộc vi phạm hiến pháp và các biện pháp hạn chế ngăn dịch viêm phổi Vũ Hán. Cáo buộc vi phạm hiến pháp có thể khiến ông Win Myint đối mặt án tù lên tới ba năm.
Hiện chưa rõ thời gian diễn ra phiên tòa xét xử ông Win Myint. Trước đó, ông Myint được cho là hầu tòa qua video ngày 1/3, nhưng kế hoạch thay đổi.
Gần 400 người Việt Nam được đưa về nước giữa bạo loạn ở Myanmar
Ngày 4/3, Việt Nam thực hiện hai chuyến bay giải cứu đưa 390 công dân từ Myanmar về nước trong lúc các vụ bạo loạn và biểu tình vẫn tiếp diễn ở nước này sau vụ quân đội lật đổ chính quyền.
Trang tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar hôm 4/3 cho biết Chính phủ đã thu xếp 02 máy bay để đưa 390 công dân “thuộc diện quy định”, đang mắc kẹt ở Myanmar về nước.
Báo Tuổi Trẻ cho biết hai chuyến bay này do Bộ Ngoại Việt Nam và Việt Nam Airlines thực hiện, đưa số công dân này từ thành phố Yangon, nơi quân đội Myanmar đang áp dụng lệnh giới nghiêm vào buổi tối.
Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia các chuyến bay được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập, cũng theo Tuổi Trẻ.
Trong một thông báo trước đó, Đại sứ quán kêu gọi công dân Việt Nam “tiếp tục bình tĩnh” trước biến động chính trị, biểu tình gia tăng tại Yangon và tại một số bang, vùng trên toàn Myanmar.
Tính đến ngày 2/3, ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ đầu tháng 2 khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền.
Hôm 2/3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh kêu gọi “các bên Myanmar nên đối thoại hòa bình” khi ông phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Phạm Bình Minh, nói: “Các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường.”
Người dân Philippines không mặn mà với CornonaVac của Trung Quốc
Philippines hôm nay nhận lô vắc-xin covid-19 đầu tiên từ COVAX, liên minh quốc tế phân phối vắc-xin cho các nước nghèo. Cũng như các nước khác, Philippines đang khởi động tiêm chủng trước tiên với các nhân viên y tế. Nhà chức trách kỳ vọng người dân Philippines sẽ sẵn sàng dùng vắc-xin AstraZeneca của COVAX hơn lựa chọn duy nhất hiện nay, CoronaVac do Trung Quốc tài trợ.
Tiêm chủng sẽ bắt đầu từ đầu tuần này, nhưng trong hai ngày đầu tiên chỉ có 2.793 liều CoronaVac được tiêm. Một số người đã chùng lòng sau cảnh báo của cơ quan quản lý rằng CoronaVac không phù hợp với những người tiếp xúc nhiều với covid-19, chẳng hạn như nhân viên y tế tuyến đầu. Những người khác nghi ngờ Tổng thống Rodrigo Duterte hoan nghênh phần tài trợ này như một hành động nhằm làm suy yếu liên minh quốc phòng Philippines-Mỹ. Trong khi nhiều người hẳn không muốn bị đặt dưới ảnh hưởng của Trung Quốc.
OPEC+ nhóm họp để xác định giá dầu
OPEC sẽ nhóm họp hôm nay để thảo luận về sản lượng dầu. Giá dầu thô Brent gần đây đã tăng lên mức 66 USD/thùng trong tháng 2, phần lớn do nguồn cung bị kìm nén. Nếu đẩy mạnh sản xuất thì giá sẽ lại giảm một lần nữa; còn nếu giảm cung sẽ khiến giá lên cao làm ảnh hưởng đến phục hồi nhu cầu dầu.
Trọng tâm của cuộc tranh luận là Nga và Ả Rập Xê-út, hai quốc gia quan trọng nhất trong liên minh mong manh này. Sẽ rất tốt cho khối nếu lợi ích của hai nước có thể dung hòa với nhau hơn, khi mức giá dầu họ nhắm tới gần tương đồng. Nhờ các biện pháp thắt lưng buộc bụng nên giá dầu mà Ả Rập Saudi cần để cân đối ngân sách giờ đã giảm từ 86 USD/thùng vào năm ngoái xuống 75 USD/thùng trong năm 2021, theo S&P Global Platts Analytics. Con số đó chỉ cao hơn 11 đô la so với mức giá hòa vốn của Nga, vốn đã tăng lên vì chính phủ đẩy mạnh chi tiêu trong thời kỳ đại dịch.
Nối lại phiên tòa xử vụ sát hại Khashoggi
Hôm nay phiên tòa xử 26 quan chức Ả Rập Saudi bị buộc tội liên quan vụ sát hại Jamal Khashoggi sẽ được nối lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi, một nhà báo Ả-rập Saudi, đã bị bóp cổ và phân xác bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul vào năm 2018. Tuần trước Mỹ đã công bố một báo cáo tình báo quy trách nhiệm cho Muhammad bin Salman, thái tử và người cai trị trên thực tế của Ả Rập Saudi, đã ra lệnh giết Khashoggi.
Nhưng Tổng thống Joe Biden không trực tiếp trừng phạt Thái tử Muhammad, vì cho rằng tổn thất ngoại giao sẽ quá lớn. Tương tự, phiên tòa Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không quy được phần trách nhiệm thực sự nào. Tất cả các bị cáo đã rời khỏi nước này từ lâu. Năm ngoái, một tòa án Ả Rập Saudi bỏ tù tám người từ 7 đến 20 năm vì tội giết người. Song không bị cáo nào bị nêu tên. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các Vụ hành hình không qua xét xử đã gọi đây là “trò đùa công lý”.
Sinh viên da trắng và châu Á kiện đại học Yale và Harvard
Breitbart đưa tin, Students for Fair Admissions (SFFA – Sinh viên Ủng hộ Tuyển sinh Công bằng), một nhóm sinh viên tìm cách chống lại sự phân biệt chủng tộc trong giới học thuật Mỹ, đã đệ đơn kiện Đại học Yale, cáo buộc tổ chức này có hành vi phân biệt chủng tộc trong chính sách tuyển sinh của mình. Nhóm cũng đã kháng cáo chống lại sự phân biệt đối xử của Đại học Harvard đối với người Mỹ gốc Á tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Đơn kiện chống lại Yale tuyên bố rằng chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo cho trường đại học rằng họ đã vi phạm Mục VI bằng cách phân biệt đối xử với những ứng viên tiềm năng trong các chương trình đại học của họ theo chủng tộc và quốc gia xuất xứ.
Trường đại học này nhận được hỗ trợ tài chính của liên bang, bao gồm 630 triệu đô la tài trợ hàng năm từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Dưới thời chính quyền Trump, một cuộc điều tra do Bộ Tư pháp (DoJ) tiến hành đã tiết lộ rằng Yale phân biệt đối xử với những người nộp đơn gốc Á và da trắng. DoJ cũng đã đệ đơn kiện trường đại học này. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị bác bỏ khi Biden lên nắm quyền.
Swan Lee, người đồng sáng lập của SFFA đã đệ đơn khiếu nại, cáo buộc chính quyền Biden phân biệt chủng tộc và chỉ ra rằng việc bỏ đơn kiện sẽ chỉ tiếp tục phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á.
SFFA đã đệ đơn kiện Harvard vào năm 2014, tuyên bố rằng trường đại học ưu tiên không công bằng cho các ứng viên Latino, Da đen và Da trắng với chi phí của các ứng viên châu Á. Hiện tổ chức này đang kháng cáo vụ án lên Tòa án Tối cao.
Chủ tịch SFFA ,Edward Blum nói rằng người Mỹ thuộc mọi chủng tộc không chấp nhận việc sử dụng chủng tộc để xác định điều kiện tuyển sinh đại học. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 73% người Mỹ không chấp thuận việc các trường đại học đối xử khác biệt với các ứng viên dựa trên yếu tố dân tộc hoặc màu da.
“Việc theo đuổi sự đa dạng màu da của Harvard không thể biện minh cho sự phân biệt đối xử chống lại người Mỹ gốc Á hay bất kỳ ai khác. Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng thật sai lầm khi các cá nhân được xác định bởi chủng tộc của họ… Phân loại chủng tộc và sở thích trong tuyển sinh đại học làm căng thẳng hóa cuộc sống trong khuôn viên trường của sinh viên và giảng viên”, anh Blum nói trong một tuyên bố .
Tối cao Pháp viện hiện có đa số người của phe bảo thủ 6-3, điều này có thể giúp SFFA có lợi khi vụ án được thụ lý vào mùa xuân. Ba người được bổ nhiệm tại Tối cao Pháp viên là những người được cựu TT Trump đề cử.
Luật sư chính cho đơn kháng cáo là William Consovoy, người đã đại diện cho cựu TT Trump để bảo vệ các tờ khai thuế từ quận Manhattan.
Khủng hoảng biên giới đã bắt đầu? 108 người nhập cư bất hợp pháp dương tính COVID-19
Theo các quan chức tại một thành phố ở biên giới Mỹ-Mexico, hơn 100 người nhập cư bất hợp pháp được Cơ quan Tuần tra Biên giới thả vào Texas từ cuối tháng 1/2021 đã có kết quả dương tính với COVID-19.
Hôm thứ Tư (3/3), trao đổi với NBC News, ông Felipe Romero, phát ngôn viên của thành phố Brownsville, bang Texas cho biết cơ quan chức năng của thành phố này đã tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 tại bến xe buýt Brownsville, sau khi các gia đình di cư được Đội tuần tra biên giới thả ra.
Ông Romero xác nhận rằng, kể từ khi bắt đầu xét nghiệm vào ngày 25/1, 108 người di cư đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, tương đương với 6,3% số người đã làm xét nghiệm.
Cơ quan chức năng địa phương đang khuyên họ cách ly, tuân theo các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và đề nghị những người nhiễm bệnh nên đến các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức phi lợi nhuận ở khu vực biên giới để thu nhận và giúp họ cách ly. Tuy nhiên, ông Romero nói thêm rằng thành phố Brownsville không có thẩm quyền ngăn cản những người đã xét nghiệm dương tính đi sang các khu vực khác của nước Mỹ.
NBC News báo cáo, Miriam Izaguirre, một người xin tị nạn 35 tuổi đến từ Honduras, đã vượt qua Rio Grande vào rạng sáng thứ Hai cùng con trai của mình. Cô đến chính quyền địa phương và được thả ra sau vài giờ. Sau khi được thả, cô ấy đã được xét nghiệm nhanh và nhận kết quả dương tính COVID-19.
Tờ Noticias Telemundo Investiga đưa tin, cô Izaguirre nói với rằng, các quan chức “tách khoảng 8 người chúng tôi ra vì chúng tôi dương tính [với COVID-19]”. Cô chia sẻ mình dự định sẽ đón xe bus đến Houston.
Các gia đình di cư khác có kết quả xét nghiệm dương tính cũng cho biết họ đang chờ để đến các bang khác, bao gồm North Carolina, Maryland và New Jersey. Tờ Noticias Telemundo Investiga không nêu rõ các gia đình này sẽ xuất phát sau khi cách ly hoặc liệu có tuân theo các khuyên cáo của quan chức địa phương không.
Những người di cư cũng cho biết họ đã được thông báo về kết quả xét nghiệm dương tính qua nhân viên nhà ga, nhưng không được cung cấp bất kỳ tài liệu nào ghi nhận xét nghiệm y tế này, tờ Noticias Telemundo Investiga đưa tin. Họ chỉ đơn giản được yêu cầu đứng chờ trong một khu vực khác so với những người khác, tờ báo nói thêm.
Một nhân viên xe buýt hoạt động ở bến xe buýt Brownsville nói, họ không thể yêu cầu hành khách cung cấp tài liệu về kết quả xét nghiệm COVID-19 trước khi lên xe.
Các chính sách nhập cư của ông Biden như ngừng xây tường biên giới, khởi động lại chương trình Bắt giữ và Phóng thích (catch and release), tạm dừng hầu hết các hoạt động trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, thả hàng chục nghìn người di cư vào các cộng đồng Mỹ… đã vấp phải nhiều chỉ trích.
Một cuộc khảo sát mới đây của Harvard-Harris cho thấy cứ 3 người Mỹ thì có 2 người phản đối chính sách liên bang Bắt giữ và Phóng thích mới được ông Biden tái khởi động.
Bà Jessica Vaughan, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư Hoa Kỳ nhận định, theo chính sách nhập cư mới của ông Biden, Hoa Kỳ sẽ sớm xảy ra khủng hoảng biên giới.
Không chỉ có vậy, một số dân biểu Dân chủ ở bang giáp biên giới Texas cũng lên tiếng chỉ trích chính sách về nhập cư của chính quyền Biden.
Không có nhận xét nào