Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 27 tháng 3 năm 2021 |
Chính phủ Trung Quốc đang lợi dụng “chủ đề chủng tộc” do các tổ chức như Black Lives Matter thúc đẩy để phá hoại nước Mỹ, ông Gordon Chang – chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ đang tới của Trung Quốc”, cho biết trên Breitbart News.
Buổi nói chuyện của ông Chang được thực hiện cùng với người dẫn chương trình Alex Marlow, tác giả của tác phẩm mới nhất: “Vạch trần những thỏa thuận ẩn giấu và tham nhũng bí mật của truyền thông chủ lưu”.
Người dẫn chương trình Marlow nhắc lại cuộc họp tuần trước giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Anchorage, Alaska, bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Các quan chức Trung Quốc đã lặp lại chỉ trích bất công của Đảng Dân chủ và cánh tả Mỹ rằng Mỹ là một quốc gia “phân biệt chủng tộc”.
Ông Chang giải thích cách các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ‘đóng khung’ việc các nước chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân gây ra “sự căm ghét người Mỹ gốc Á” trong khi mô tả chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách “thượng tôn da trắng”, để gièm pha Xã hội Mỹ.
“Các quan chức Trung Quốc đã đến Anchorage không phải để có những cuộc thảo luận có ý nghĩa với chúng ta, mà đến như là một phần của chiến dịch phối hợp chống ‘phân biệt chủng tộc’”, ông Chang nói. “Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ở Anchorage, đã nói về Black Lives Matter. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] đã đưa ra một tuyên bố ‘nồng nặc mùi thuốc súng’. Điều đó không có nghĩa gì đối với người Mỹ, nhưng đối với người Trung Quốc, nó có nghĩa là phân biệt chủng tộc da trắng [và ám chỉ tới] Cuộc chiến Thuốc phiện vào thế kỷ 19 với Anh”.
Ông Chang tiếp tục: “Và sau đó, kết hợp với tất cả những điều đó, đã có một số bài báo trên phương tiện truyền thông [nhà nước Trung Quốc] viết rằng, trước hết, không nên chỉ trích Trung Quốc vì điều đó gây ra sự thù ghét đối với người Mỹ gốc Á, đó là một lập trường mất lý trí. Và họ cũng nói về các mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh ở châu Á rằng tất cả đều là vì quyền lực tối cao của người da trắng. Vì vậy, thực sự đã có một chiến dịch phối hợp ‘chống phân biệt chủng tộc’”.
Ông Chang đã quan sát cách Trung Quốc tìm cách gieo mầm bất ổn chính trị và bạo lực trong nước Mỹ.
Ông nhận xét: “Năm ngoái, Trung Quốc đã cố gắng kích động bạo lực đối với những người biểu tình Antifa và Black Lives Matter bằng cách gửi cho họ video qua TikTok về cách gây bạo loạn. Quân đội Trung Quốc đã làm điều đó ngay từ Lãnh sự quán Houston, vì vậy có một nỗ lực lật đổ chính phủ của người Mỹ bằng cách sử dụng các chủ đề chủng tộc”.
Ông Chang đánh giá, Tổng thống Joe Biden không đánh giá đầy đủ về mối đe dọa của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Ông đã nhận xét về những phát biểu của tổng thống về Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Ông Chang nói: “Hai trong số những điều quan trọng nhất [Biden] nói ngày hôm qua là Trung Quốc không phải là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Ông ấy nói rằng Triều Tiên mới là mối đe dọa lớn nhất, và thứ hai, Biden vẫn xem Trung Quốc chỉ là một đối thủ cạnh tranh, trong khi nó thực sự là một kẻ thù. Ông ta không hiểu sự thâm độc trong sự thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ”.
Ông Chang cũng nhắc lại nhận xét của Biden về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc mà Biden cho là do “các chuẩn mực văn hóa khác nhau” của nhà nước độc đảng.
Ông Chang nói: “[Biden] đã cố gắng nhắc lại những điều thực sự khủng khiếp mà ông ấy đã nói với Anderson Cooper của CNN, khi nói rằng nạn diệt chủng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc chỉ là kết quả của các chuẩn mực văn hóa khác nhau”.
Ông Chang kết luận: “Chúng tôi không nghe [Biden] nói rằng ông ta sẽ cấm nhập khẩu … các sản phẩm được làm ra bằng lao động cưỡng bức. Bây giờ, chúng ta có các quy tắc để ngăn chặn điều đó, nhưng rõ ràng là chúng không được thực thi và cũng không đủ sức mạnh. Vì vậy, các chi tiết cụ thể không có ở đó”.
Truyền hình Myanmar cảnh báo người biểu tình coi chừng bị bắn
Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) ngày 26/3 cảnh báo những người tham gia biểu tình trong ngày quân đội Myanmar kỷ niệm ngày thành lập (27/3) có thể “bị bắn vào đầu hoặc vào lưng”, theo Reuters.
Một phần bản tin của MRTV đưa ra cảnh báo rằng: “Các bạn nên học hỏi từ thảm kịch của những cái chết xấu xí trước đó rằng các bạn có thể gặp nguy hiểm khi bị bắn vào đầu và lưng”.
Cảnh báo không nói cụ thể việc lực lượng an ninh có được phép xả súng vào người biểu tình hay không. Tuy nhiên chính quyền quân sự lưu ỷ rằng, quân đội quyết tâm ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào xung quanh “Ngày Lực lượng Vũ trang”.
Nhiều người Myanmar đã kêu gọi nhau xuống đường, tham gia biểu tình phản đối đảo chính trên toàn quốc vào ngày 27/3 nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội Myanmar, còn được gọi là “Ngày Lực lượng Vũ trang”.
Theo số liệu từ nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), tính đến ngày 25/3, đã có ít nhất 320 người biểu tình Myanmar thiệt mạng kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2.
Phát ngôn viên ông Duterte: ‘Tàu nhiều vậy, nước nào cũng phải lo’
Ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết tổng thống rất lo ngại với sự hiện diện của 220 tàu thuyền Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Ông Harry cho biết hôm thứ Năm (25/3): “Tổng thống đã nhấn mạnh rằng Philippines thực sự lo ngại về những con tàu đó. Bất kỳ quốc gia nào khi thấy số lượng tàu cỡ đó cũng sẽ lo ngại thôi.”
Theo Express UK, các quan chức quốc phòng Philippines đã yêu cầu các tàu rời đi vào hôm thứ Năm, nhưng bất chấp lời cảnh báo, 183 chiếc vẫn neo đậu tại bãi đá ngầm.
Simularity, một công ty công nghệ chuyên phân tích dữ liệu vệ tinh có trụ sở tại Mỹ, ghi nhận rằng mặc dù tin tức mới được báo cáo gần đây, nhưng một số lượng lớn tàu Trung Quốc đã “neo đậu, đến và rời đi” tại Đá Ba Đầu kể từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay.
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Manila bác bỏ cáo buộc rằng các tàu này đang “tạo ra bầu không khí bất ổn” và khẳng định những tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu chỉ là “tàu cá bình thường” đang trú ẩn vì thời tiết xấu. Tuy nhiên, giới chuyên gia và truyền thông Philippines cho biết tại khu vực Đá Ba Đầu không có trận bão nào vào thời điểm trên, trời vẫn nắng và có ít mây.
Antonio Carpio, một Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines đã nghỉ hưu, tin rằng những diễn biến này có thể là “khúc dạo đầu cho sự chiếm đóng”.
Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đây là điểm mút đông bắc của cụm Sinh Tồn và là rạn san hô lớn nhất trong cụm.
Đài Loan báo cáo cuộc xâm nhập lớn nhất của không quân Trung Quốc
Hôm thứ Sáu (26/3), 20 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đây là vụ xâm nhập lớn nhất từng được báo cáo, đánh dấu sự leo thang căng thẳng trên eo biển Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, lực lượng không quân đã triển khai tên lửa để giám sát hoạt động xâm nhập của các máy bay Trung Quốc, đồng thời phát cảnh báo qua sóng radio, Reuters đưa tin.
Đây là vụ xâm nhập lớn nhất do không quân Trung Quốc thực hiện trên không phận Đài Loan cho tới nay, kể từ năm ngoái khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu báo cáo những chuyến bay quân sự gần như hàng ngày của Trung Quốc trên các vùng biển giữa phía nam Đài Loan và quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát tại Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, một số máy bay Trung Quốc đã bay vào không phận phía nam Đài Loan và bay ngang qua Kênh Bashi, nơi ngăn cách quốc đảo này với Philippines.
Một nguồn tin am hiểu về kế hoạch an ninh của Đài Loan nói với Reuters rằng, quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng chiến dịch chống lại các tàu chiến Mỹ đi qua Kênh Bashi.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần quốc đảo Đài Loan, một động thái mà Đài Loan cho rằng gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.
Sự hiện diện của 20 máy bay chiến đấu của Trung Quốc hôm 26/3 – bao gồm 4 máy bay ném bom H-6K có khả năng hạt nhân và 10 chiến đấu cơ J-16, cùng nhiều máy bay khác – theo Đài Loan là “khá bất thường”. Vụ xâm nhập diễn ra giữa lúc không quân Đài Loan đang tạm đình chỉ mọi hoạt động huấn luyện sau vụ tai nạn 2 chiến đấu cơ Đài Loan đâm vào nhau trong tuần này.
Bắc Kinh thường nói rằng các cuộc tập trận như vậy không có gì bất thường và được thiết kế để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của nước này.
Trước đó, vào thứ Sáu, Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận đầu tiên dưới chính quyền của tân tổng thống Joe Biden, thành lập Nhóm Công tác Tuần Duyên để phối hợp chính sách, sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng tuần duyên của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài.
Mặc dù Hoa Kỳ, như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Nhưng theo luật pháp, Hoa Kỳ có nghĩa vụ giúp Đài Loan tự vệ nếu quốc đảo này bị tấn công.
TNS Ted Cruz đến thăm biên giới, tiết lộ những hình ảnh ‘Biden không muốn người Mỹ thấy’
Vào 26/3, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tung ra những bức ảnh gây sốc sau khi đến thăm một cơ sở nhập cư tại biên giới Texas, Mỹ. Trước đó, cựu Tổng thống Trump đã lên án chính sách biên giới của chính quyền Biden là “vô nhân đạo”, Fox News đưa tin.
Một phái đoàn gồm 19 thành viên do các Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz và John Cornyn dẫn đầu đã đến thăm một cơ sở nhập cư tại Donna, Texas. Ông Cruz nói với các phóng viên rằng cơ sở này chỉ có sức chứa 250 người, nhưng hiện tại nó đã quá tải lên đến 4.000 người.
Ông viết trên Twitter: “Đây là những hình ảnh mà chính quyền Biden không muốn người dân Mỹ nhìn thấy. Đây là lý do tại sao họ không cho phép báo chí vào. Đây là cơ sở CBP ở Donna, Texas. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sức khỏe cộng đồng”.
“Điều này vô nhân đạo và sai trái, đó là hậu quả của việc chính quyền Biden quyết định ngừng xây dựng bức tường biên giới, quay lại chính sách Bắt giữ và Phóng thích (Catch and Release) và chấm dứt chính sách Ở lại Mexico [của cựu TT Trump]”, ông Cruz nói trong một cuộc họp báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox news hôm thứ Năm, cựu Tổng thống Trump đã lên án cách làm của chính quyền Biden là “vô nhân đạo”.
“Đây là lý do tại sao họ không cho phép giới truyền thông vào cuộc. Chưa ai nhìn thấy cảnh tượng tồi tệ như vậy… thật là khủng khiếp, Biden nên hoàn thành bức tường biên giới ngay lập tức”, ông Trump nói.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis cũng công bố những bức ảnh chụp trẻ sơ sinh bị buôn lậu phải ngủ dưới sàn.
Thượng nghị sĩ John Barrasso cáo buộc chính quyền Biden đã mang đến “thảm kịch” cho nước Mỹ. Các nhân viên biên giới cũng nói rằng, ông Biden đã khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn.
TNS Cruz đã trình chiếu một số lượng lớn các bức ảnh trong cuộc họp báo và gọi những cơ sở tạm giữ này là “lồng nhốt trong lồng”. Tuy nhiên, trước đây các đảng viên Đảng Dân chủ từng cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Trump giam giữ trẻ em nhập cư bất hợp pháp trong “lồng”.
Trong một Tweet khác, ông Cruz viết: “Đây là những chiếc lồng của Biden. (Khuôn mặt đã được làm mờ) Hàng nghìn đứa trẻ trong bối cảnh dịch bệnh phải chen chúc với công suất 1500%. Đây chỉ là một ‘khoang’ ở trung tâm tạm giữ tại Donna. Có 7 khoang chật ních như vậy”.
Ông cũng cảnh báo rằng tỷ lệ dương tính với COVID-19 (virus Vũ Hán) ở cơ sở tạm giữ này là 10%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc.
“Cơ quan Tuần tra Biên giới và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cũng như các tổ chức phi chính phủ đang phải vật lộn để đối phó với dòng người di cư đang gia tăng, nếu chính sách của Washington không thay đổi, họ sẽ không thể đối phó với dòng người đông đúc này” Thượng nghị sĩ Corning nói.
Các thượng nghị sĩ đã đến thăm biên giới vào ban đêm sau đó kiểm tra cơ sở tạm giữ người nhập cư ở Donna. Một bức ảnh do văn phòng của Thượng nghị sĩ Barasso cung cấp cho Fox News cho thấy ông Barasso, Hoven và Cotton đang tuần tra dọc Thung lũng Rio Grande.
Theo số liệu chính thức, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới CBP đã bắt giữ 100.000 người nhập cư bất hợp pháp vào tháng Hai, trong đó, hơn 16.000 người là trẻ vị thành niên không có người đi kèm. Chính quyền Biden đã nỗ lực mở cửa các cơ sở mới để cung cấp chỗ ở tạm cho dòng người nhập cư ồ ạt. Thậm chí, họ kêu gọi các nhân viên liên bang tình nguyện làm công việc phục vụ.
Về sự gia tăng người nhập cư bất hợp pháp, ông Biden luôn phủ nhận rằng không có cuộc khủng hoảng nào tại biên giới, và cố gắng hết sức để hạ thấp nó trong cuộc họp báo tổng thống đầu tiên vào thứ Năm. Ông cũng từ chối xin lỗi vì đã đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn của cựu Tổng thống Trump.
Ông Biden đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách nhập cư toàn diện để cung cấp cho hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp con đường trở thành công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay cả những đảng viên Cộng hòa sẵn sàng thỏa hiệp với các cải cách cũng tuyên bố rằng cải cách sẽ không được thực hiện cho đến khi cuộc khủng hoảng biên giới được giải quyết.
Miến Điện: Tập đoàn quân sự kỉ niệm Ngày Quân Lực, người dân tiếp tục biểu tình
Tập đoàn quân sự Miến Điện huy động rầm rộ quân nhân, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa để kỷ niệm Ngày Quân Lực 27/03/2021, một ngày lễ quan trọng tại Miến Điện với khách mời danh dự là hai phái đoàn Nga và Trung Quốc. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân Miến Điện tiếp tục biểu tình. Ít nhất 14 người bị thiệt mạng trong ngày vì bị cảnh sát trấn áp.
Phát biểu tại lễ diễu binh hoành tráng được tổ chức tại thủ đô Naypyidaw, thống tướng Min Aung Hlain tiếp tục khẳng định « việc chuyển giao quyền lực » chỉ có thể diễn ra sau khi tổ chức bầu cử lại. Người đứng đầu quân đội Miến Điện vẫn cáo buộc người biểu tình có những hành động « khủng bố có thể gây hại cho sự bình yên và an ninh quốc gia » và « không thể chấp nhận được ».
Cảnh sát tiếp tục bắn đạn thật vào người biểu tình. Ít nhất 14 người chết trong ngày 27/03, theo thống kê của AFP, trong đó có 5 nạn nhân ở Rangoon. Người dân thủ phủ kinh tế đã xuống đường từ rất sớm, như tường trình của thông tín viên RFI Juliette Verlin tại Rangoon :
« Từ tối qua cho đến nửa đêm, người ta nghe thấy những tiếng súng ở nhiều khu phố ở Rangoon. Sáng thứ Bẩy 27/03, tình hình yên ắng hơn ở một vài khu phố, nơi nhiều nhóm biểu tình đi vòng quanh những con phố nhằm tránh những trục đường lớn. Nhưng ở nhiều khu vực khác, tình hình lại dữ dội hơn.
Ở Insein, phía bắc Rangoon, người biểu tình xuống đường từ 2 giờ 30 sáng và cảnh sát bắt đầu bắn vào họ lúc bình minh. Súng nổ ở một số nơi và cảnh sát bắt giữ nhiều người, như ở gần chùa Sule nằm ở trung tâm thành phố lịch sử, một người lái xe bị bắt sau khi chào kiểu 3 ngón tay chụm lại, biểu tượng của người biểu tình, trước mặt quân đội.
Ở những nơi khác trên cả nước, số người biểu tình bị chết hoặc bị bắt không ngừng tăng lên. Người dân Miến Điện từng sợ một cuộc trấn áp như đang xảy ra ngày thứ Bẩy này, nhưng họ vẫn kêu gọi xuống đường để cho thấy rằng hai tháng sau vụ đảo chính, quân đội vẫn còn lâu mới kiểm soát được đất nước.
Tin nhắn trên mạng Twitter của một nhà đấu tranh có thể tóm lược rõ tình hình hiện nay : ‘Trong khi quân đội diễu binh và khoe những đồ chơi mới, chúng tay hãy nhớ rằng hàng nghìn người thuộc các cộng đồng thiểu số đã bị quân đội sát hại trong những năm gần đây, và hơn 300 người biểu tình hoặc chỉ là những người qua đường đã bị sát hại kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02 ».
Thứ Sáu 26/03, nhà tù Insein tại Rangoon đã thả thêm 322 người biểu tình. Trước đó, đã có hơn 620 người được thả. Kể từ đầu phong trào « bất phục tùng dân sự » đã có hơn 3.000 bị bắt giữ.
Kênh đào Suez: Hàng trăm tàu hàng kẹt cứng do thủy lộ còn tắc nghẽn
Tàu chở hàng khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt, gây tắc nghẽn giao thông qua kênh Suez từ hôm thứ Ba, 23/3/2021
Việc kênh đào Suez của Ai Cập tắc nghẽn do một tàu chở container khổng lồ bị mắc cạn đang gây ra "tắc nghẽn giao thông" ở Biển Đỏ, một nhà hàng hải nói với BBC từ một tàu thương mại ở gần đó.
Joe Reynolds, kỹ sư trưởng của Maersk Ohio, nói với BBC rằng số lượng tàu thuyền chờ đợi ở lối vào phía nam của con kênh đang "tăng lên theo cấp số nhân".
"Nó sẽ ảnh hưởng đến lịch trình vận chuyển trên khắp thế giới," ông cảnh báo.
Các tàu lai dắt và tàu cuốc đang cố gắng giải phóng siêu tàu Ever Given, bị mắc kẹt và đang nằm quay ngang ngáng trở tuyến đường thủy.
Con tàu 200.000 tấn dài 400m mắc cạn vào sáng thứ Ba, 23/3/2021, giữa lúc có gió lớn và bão cát làm ảnh hưởng tầm nhìn.
Có thể mất nhiều tuần?
Các công ty cứu hộ chuyên gia đã được điều đến để giúp làm nổi trở lại con tàu và một cố vấn của Tổng thống Ai Cập nói ông hy vọng tình hình sẽ được giải quyết trong vòng 2-3 ngày. Nhưng các chuyên gia nói có thể mất nhiều tuần nếu cần dỡ đi các thùng container từ siêu tàu hàng này.
Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào dài 193 km, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường liên kết hàng hải ngắn nhất giữa Châu Á và Châu Âu.
Một tuyến đường thay thế, quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam của châu Phi, có thể mất hai tuần nữa.
Ông Reynolds nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng Maersk Ohio, một tàu container mang cờ Hoa Kỳ, dài 292m và nặng 50.000 tấn, bị kẹt đường cùng với hàng chục tàu khác gần Cảng Suez.
Các tàu nạo vét đang làm việc suốt ngày đêm để giúp giải phóng tàu Ever Given
"Có thể tưởng tượng có một hàng dài các con tàu chờ đợi được đi qua, và bây giờ dòng xếp hàng chờ đợi đó đã tăng lên theo cấp số nhân," ông nói. "Từ bên ngoài nếu nhìn vào, mọi nơi xung quanh bạn sẽ toàn là những con tàu."
Ông nói vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên con tàu của mình và ông và các thành viên thủy thủ đoàn vẫn chưa có cơ hội giao tiếp với các tàu khác, rằng hiện tại tình huống như "một trò chơi chờ đợi lâu" mà "không có nhiều thứ để xem"
"Chúng tôi là những con tàu đang phải neo đậu, chỉ khoanh tay chờ đợi như thể bạn đang bị tắc đường trên M5", ông nói thêm, nhắc tên một xa lộ của nước Anh.
Bất chấp sự chậm trễ, ông Reynolds bày tỏ sự thông cảm với 25 thành viên người Ấn Độ của tàu Ever Given.
"Là thủy thủ, chúng tôi hay phàn nàn nhiều về mọi thứ. Nhưng chúng tôi cũng thông cảm khi các thủy thủ khác đang phải sửa chữa hoặc làm việc thực sự vất vả cả ngày lẫn đêm để cố gắng khắc phục sự cố. Tất cả chúng tôi đều đã trải qua cả", ông nói thêm.
Liên tục các nỗ lực hỗ trợ
Khoảng 10 tàu lai dắt và hai tàu cuốc đang làm việc để giúp giải phóng tàu Ever Given. Máy đào và các máy móc khác hoạt động tại hai bờ kênh cũng đang hỗ trợ.
Người quản lý kỹ thuật của Ever Given, Bernhard Schulte Shipmanagement, nói một nỗ lực khác giúp làm nổi trợ lại con tàu vào hôm thứ Sáu, 26/3, đã thất bại và hoạt động trục vớt hiện tập trung vào việc loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái, mũi tàu.
Một hải trình thay thế đi qua mũi Hảo Vọng, Nam Phi, khi kênh đào Suez mắc kẹt
Một tàu hút bùn chuyên dụng, có thể chuyển 2.000 mét khối vật liệu mỗi giờ, đã đến hiện trường vào thứ Năm, tàu này cho biết thêm.
Việc bố trí các máy bơm công suất lớn cũng đang được thực hiện để giảm mực nước trong khoang trống phía trước của tàu và phòng máy đẩy mũi tàu.
Hai tàu kéo khác sẽ đến vào Chủ nhật, khi thủy triều được dự kiến lên cao hơn.
John Denholm, chủ tịch Cơ quan Vận tải biển của Vương quốc Anh, nói với BBC rằng nếu các tàu cuốc, đào và tàu kéo không thành công, các đội trục vớt sẽ phải bắt đầu quá trình chậm chạp để "làm nhẹ" con tàu - chuyển hàng hóa của nó sang một tàu khác hoặc lên bờ kênh.
Điều đó sẽ liên quan việc đưa vào các thiết bị chuyên dụng, bao gồm một cần trục với cần kéo vươn cao hơn 60m, ông nói.
"Nếu chúng ta phải trải qua quá trình làm nhẹ trọng tải này, tôi ngờ rằng chúng ta đang nói chuyện thời gian tới hàng tuần."
Hơn 230 tàu đang chờ để đi qua kênh đào Suez, vào lúc giao thông hàng hải đã bị ngừng trệ
Ông Reynolds nói tàu Maersk Ohio, bắt đầu hành trình ở Vùng Vịnh và hướng đến Bắc Âu qua Địa Trung Hải, vẫn còn một "khoảng trống nhỏ" trong lịch trình của nó.
"Nếu nó kéo dài hơn năm ngày, thì chúng tôi bắt đầu thấy lịch trình của mình bị lùi lại. Tôi chắc chắn rằng các tàu khác đang có lịch trình chặt chẽ hơn chúng tôi... Sự cố sẽ ảnh hưởng đến lịch trình vận chuyển trên toàn thế giới."
Gây ảnh hưởng nghiêm trọng
Nhà cung cấp dịch vụ Leth Agencies nói có tổng cộng 237 tàu đang đợi trong khu vực vào thứ Sáu - với 107 tàu tại Cảng Suez ở Biển Đỏ, 41 tại điểm giữa của kênh đào ở Hồ Great Bitter, và 89 tàu tại Port Said ở Địa Trung Hải.
Sự tắc nghẽn đang giữ khoảng 9,6 tỷ đô la hàng hóa mỗi ngày - hoặc 400 triệu đô la một giờ - theo dữ liệu từ Lloyd's List.
Tạp chí vận tải biển cho biết hai công ty lớn, Maersk và Hapag-Lloyd, đang xem xét liệu có nên định tuyến lại các tàu của họ hay không.
Tàu hàng chở container đầu tiên lựa chọn hành trình dài hơn đi quanh Mũi Hảo vọng là con tàu chị em của Ever Given, Ever Greet, cả hai đều được điều hành bởi công ty Evergreen Marine của Đài Loan.
Gần 19.000 tàu đã đi qua kênh đào Suez vào năm ngoái
Richard Meade, biên tập viên của Lloyd's List, nói với BBC rằng nguy cơ cướp biển đối với các tàu thuyền ngoài khơi châu Phi đã bị thổi phồng quá mức ở một mức độ nào đó.
"Rõ ràng, chúng tôi đã chứng kiến một đợt cướp biển lớn cách đây vài năm ngoài khơi bờ biển Somali. Điều đó phần lớn đã được kiểm soát," ông nói với BBC.
"Vịnh Guinea là điểm nóng. Nhưng tôi nghĩ trên thực tế, bạn sẽ thấy các tàu di chuyển tốt bên ngoài Vịnh Guinea như là một tuyến đường."
Theo USDA và dữ liệu tàu thuyền do Bloomberg phân tích, sự tắc nghẽn ở Kênh đào Suez có thể khiến gần 7% các chuyến hàng ngũ cốc lớn của Mỹ bị trì hoãn.
Hơn 80% các chuyến hàng ngũ cốc bị ảnh hưởng là ngô, với gần 60% trong số đó là 6 tàu chở đến Trung Quốc.
Ít nhất một con tàu, Ledra, chở ngô đến Việt Nam, gần đây đã chuyển hướng về tuyến đường vòng quanh Nam Phi.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào