Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 28 tháng 3 năm 2021 |
Một báo cáo của Check Point Research (CPR) – công ty bảo mật công nghệ thông tin, chỉ ra rằng việc buôn bán bất hợp pháp vắc-xin, giấy chứng nhận tiêm chủng và các xét nghiệm âm tính đối với virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên các trang web đen đã tăng 300% trong ba tháng qua.
Các trang web đen thường không hiển thị bằng trình duyệt thông thường và yêu cầu một số phần mềm nhất định để truy cập, đồng thời thường được mã hóa và cho phép người dùng ẩn danh và thậm chí không thể theo dõi.
Theo Fox News, các “nhà cung cấp” trên các trang web này bán vắc-xin từ các phòng thí nghiệm của AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik và Sinopharm của Trung Quốc.
Ekram Ahmed, phát ngôn viên của Check Point cho biết: “Theo chúng tôi, rõ ràng là đối tượng mục tiêu của các nhà cung cấp vắc-xin trên mạng đen thực sự là các đại lý [buôn bán vắc-xin], chứ không nhất thiết chỉ là dân chúng”.
Báo cáo CPR giải thích rằng “các nhà cung cấp” đang cố gắng tạo mối quan hệ lâu dài để họ có thể phân phối số lượng lớn vắc-xin giả trong thời gian dài.
Ahmed nói: “Các nhà cung cấp có những chân rết ở nhiều khu vực địa lý, phân phối đầy đủ các dịch vụ coronavirus như: vắc xin, giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm COVID âm tính”.
Giá vắc-xin từ dao động từ 500 đô-la đến 600 đô-la. Giấy chứng nhận tiêm chủng giả còn được gọi là hộ chiếu vắc-xin do Trung tâm Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC) cấp có giá 200 đô-la và xét nghiệm âm tính được bán cho khách du lịch chỉ trong vòng 24 giờ có giá 25 đô-la.
Đầu năm nay, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về trò gian lận vắc-xin viêm phổi Vũ Hán: “ Đừng trả tiền để đăng ký vắc-xin. Bất cứ ai yêu cầu thanh toán để đưa bạn vào danh sách, đặt lịch hẹn cho bạn hoặc giữ chỗ đều là kẻ lừa đảo”.
Việc kinh doanh bí mật về vắc-xin và giấy chứng nhận giả mạo trên các trang web đen đã nở rộ trong những tháng gần đây khi các chính phủ trên khắp thế giới gia tăng khả năng áp đặt hộ chiếu vắc-xin, buộc mọi công dân phải tiêm vắc-xin theo tiền đề “lợi ích chung”.
Mọi người cuối cùng sẽ không thể đi du lịch, mua thực phẩm hoặc cho con cái đến trường nếu họ không tuân thủ.
Vẫn đang tồn tại dư luận trên thế giới phản đối việc tiêm vắc-xin bắt buộc. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hộ chiếu vắc-xin sẽ được liên kết với dữ liệu của người đó, cho phép tất cả các chính phủ trên thế giới truy cập vào thông tin cá nhân của bạn, thông tin này cuối cùng sẽ được tìm thấy bằng tìm kiếm của Google. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, gần 4.000 người đã chết sau khi tiêm vắc-xin.
Dư luận Trung Quốc dậy sóng khi ông Lý Khắc Cường thăm bạn hàng của Nike và Adidas
Trong chuyến thăm Giang Tô gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông đã đến thăm nhà máy hóa chất liên doanh Trung-Đức “BASF”, chuyên cung cấp nguyên liệu thô cho Nike và Adidas, điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều công chúng. Tuy nhiên, báo cáo từ phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, không đề cập nhiều đến chuyến đi này của ông Lý Khắc Cường, theo Vision Times.
Vào ngày 25/3 vừa qua, ông Lý Khắc Cường đã có chuyến thị sát ở Giang Tô, sang ngày 26, ông đã đến thăm nhà máy BASF ở Nam Kinh. Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Lý Khắc Cường đã nói với các nhà quản lý của BASF rằng: “Các bạn càng đầu tư nhiều vào đất nước chúng tôi, càng được khấu trừ thuế, chúng tôi càng hạnh phúc. Điều này sẽ kích thích hiệu quả sự đổi mới của doanh nghiệp và thúc đẩy nâng cấp công nghiệp”.
Trên Weibo, nhiều người đã đăng hình ảnh và video về chuyến thăm nhà máy BASF của Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ gần như không đưa tin về chuyến thăm này. Nếu có đưa, thì nó cũng chỉ xoay quanh vấn đề liên quan đến “Hội nghị chuyên đề về tình hình kinh tế” mà Lý Khắc Cường đã tham dự hôm thứ Sáu.
Hiện tại Nike và Adidas, cùng nhiều thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác, đang bị giới chức chính quyền ĐCSTQ kích động người dân kịch liệt tẩy chay vì có “thái độ” hùa theo phương Tây lên án Bắc Kinh diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bằng việc không nhập bông của khu tự trị này.
Việc ông Lý Khắc Cường thăm các công ty nước ngoài vào thời điểm nhạy cảm này đã làm dậy sóng dư luận. Một số nhà phê bình cho rằng Lý Khắc Cường đang gửi đi một tín hiệu, rằng ông khác với những người chống lại H&M và những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác.
Một số cư dân mạng đã có những bình luận nói: “Bạn nghĩ đó là lời nói thật của ông ta sao, thực ra đó chỉ là thói quen thường ngày của họ thôi [thói quen nói dối]. Một người đóng vai ác và người kia đóng vai tốt”, nhưng “bản chất họ là giống nhau, mục đích chỉ là để duy trì cái gọi là cuộc chơi của chính họ”.
Tờ “United Daily News” bình luận rằng, mặc dù thái độ của ĐCSTQ hiện nay là rất cứng rắn, nhưng thực tế có lẽ không thể cứng rắn được quá lâu.
Bởi theo thống kê, Nike có 107 nhà máy ở Trung Quốc, trong khi H&M đang hợp tác với hơn 350 nhà sản xuất ở Trung Quốc, ngoài ra H&M còn có gần 500 cửa hàng ở Trung Quốc, trong khi Nike và Adidas có hàng nghìn cửa hàng ở Trung Quốc, cùng với nhân sự là người Trung Quốc.
Ông Yu, một học giả từ Đại học Nông nghiệp Tân Cương, cũng phân tích với Đài Châu Á Tự do rằng, nếu các công ty nước ngoài tẩy chay hoàn toàn bông Tân Cương, nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành dệt may luôn phụ thuộc vào xuất khẩu này của Trung Quốc, và có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đô la ngoại hối hàng năm.
Trung Quốc chế tài các cơ quan của Mỹ, Canada về vấn đề Tân Cương
Trung Quốc ngày thứ Bảy áp đặt các chế tài lên hai quan chức đặc trách quyền tôn giáo của Mỹ và một nhà lập pháp Canada để đáp trả các chế tài của Mỹ và Canada về Tân Cương.
Bắc Kinh đang phản pháo các chế tài mà Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada áp đặt vì điều mà họ nói là những vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Uighur và các dân tộc thiểu số người Turk khác ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này sẽ có các biện pháp nhắm vào bà Gayle Manchin và ông Tony Perkins, chủ tịch và phó chủ tịch của Ủy hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), một cơ quan cố vấn của chính phủ Mỹ.
Trung Quốc cũng trừng phạt thành viên nghị viện Canada Michael Chong, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế (FAAE) của nghị viện, cũng như Tiểu ban về Nhân quyền Quốc tế của FAAE. Tháng này tiểu ban đã trình bày một báo cáo kết luận những hành động tàn bạo được thực hiện ở Tân Cương cấu thành tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.
“Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển của mình, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hiểu rõ tình hình và khắc phục sai lầm của họ,” bộ nói.
“Họ phải ngừng thao túng chính trị đối với các vấn đề liên quan đến Tân Cương, ngừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc dưới mọi hình thức và kiềm chế không đi xa hơn vào con đường sai trái. Nếu không họ sẽ bị bỏng tay.”
Bộ cho biết các cá nhân này bị cấm nhập cảnh Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau, đồng thời các công dân và tổ chức Trung Quốc bị cấm giao dịch với ba cá nhân này hoặc có bất kì trao đổi nào với tiểu ban.
Các chế tài trước đây của Trung Quốc nhắm vào các cá nhân của Mỹ, những người mà họ nói đã làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc về vấn đề liên quan đến Tân Cương, vẫn có hiệu lực, theo thông cáo.
Các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói ít nhất một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc xâm hại và nói rằng các trại này đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Hơn 90 người bị giết ở Myanmar trong ngày biểu tình đẫm máu 'kinh hoàng'
Lực lượng an ninh đã giết chết hơn 90 người trên khắp Myanmar vào ngày thứ Bảy trong một trong những ngày biểu tình đẫm máu nhấtkể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước, Reuters đưa tin, dẫn ra các bản tin của truyền thông địa phương và tường thuật của những người mục kích.
Cuộc đàn áp chết chóc diễn ra trong Ngày Lực lượng Vũ trang. Thượng tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự, nói trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyitaw đánh dấu sự kiện này rằng quân đội sẽ bảo vệ người dân và phấn đấu đem lại dân chủ.
Truyền hình nhà nước ngày thứ Sáu nói rằng những người biểu tình có nguy cơ bị bắn “vào đầu và lưng.” Mặc dù vậy, người biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đã tụ tập trên các đường phố ở Yangon, Mandalay và các thành thị khác.
Cổng thông tin Myanmar Now cho biết 91 người đã thiệt mạng trên khắp đất nước dưới tay lực lượng an ninh.
Một cậu bé mà truyền thông địa phương nói là chỉ mới năm tuổi nằm trong số ít nhất 29 người thiệt mạng ở Mandalay. Ít nhất 24 người thiệt mạng ở Yangon, Myanmar Now đưa tin.
“Họ đang giết chúng tôi như giết chim giết gà, ngay cả trong nhà của chúng tôi,” Reuters dẫn lời của một người tên Thu Ya Zaw ở thành phố Myingyan, nơi ít nhất hai người biểu tình thiệt mạng. “Dù vậy chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình phản đối... Chúng tôi phải chiến đấu cho đến khi chính quyền quân sự sụp đổ.”
Những người thiệt mạng ngày thứ Bảy nâng số thường dân được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên hơn 400 người.
Đại sứ Mỹ Thomas Vajda nói trên mạng xã hội: “Cuộc đổ máu này thật kinh hoàng,” nói thêm “Người dân Myanmar đã lên tiếng rõ ràng rằng: họ không muốn sống dưới nền cai trị của quân đội.”
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói vụ giết hại thường dân và trẻ em không vũ trang đánh dấu một sự trầm trọng mới, trong khi phái bộ EU ở Myanmar nói ngày thứ Bảy sẽ “mãi mãi khắc ghi là một ngày của khủng bố và ô nhục.”
Các bản tin cho biết có người chết ở vùng Sagaing miền trung, Lashio ở miền đông, vùng Bago, gần Yangon, và những nơi khác. Một em bé một tuổi bị đạn cao su bắn vào mắt.
Tại Naypyitaw, ông Min Aung Hlaing nhắc lại lời hứa sẽ tổ chức bầu cử mà không đưa ra bất cứ khung thời gian nào.
“Quân đội tìm cách chung tay với toàn thể quốc gia để bảo vệ nền dân chủ,” ông nói trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước. “Các hành vi bạo lực ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh nhằm đưa ra yêu sách là không phù hợp.”
Quân đội nói họ chiếm quyền vì có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi, một tuyên bố đã bị ủy ban bầu cử của đất nước bác bỏ.
Bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân cử và là chính trị gia dân sự nổi tiếng nhất của đất nước, vẫn bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong đảng của bà cũng đang bị giam giữ.
Philippines cho phi cơ quân sự theo dõi tàu TQ ở Biển Đông
Philippines công bố hình ảnh tàu Trung Quốc neo tại một bãi đá ngầm ngày 7/3
Quân đội Philippines đang đưa phi cơ quân sự hạng nhẹ ra bay phía trên hàng trăm chiếc tàu Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng nước này nói.
Ông Delfin Lorenzana cũng lặp lại đòi hỏi rằng Bắc Kinh phải rút đội tàu ra khỏi khu vực ngay lập tức, Reuters đưa tin.
Trong những ngày qua, hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc đã "tràn vào" khu vực Đá Ba Đầu (tên quốc tế là Julian Felipe, hay còn gọi là Whitson Reef, Whitsum Reef, hoặc Julian Felipe Reef, còn Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu), nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Không phải tàu cá vào tránh biển động?
Manila tin rằng những chiếc tàu này do lực lượng dân quân biển bí mật Trung Quốc điều hành.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói quân đội Philippines đang hàng ngày cho các phi cơ quân sự hạng nhẹ bay trên đoàn tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu
Hiện có những lo sợ rằng sự xâm nhập ồ ạt này của Trung Quốc vào Đá Ba Đầu có thể dẫn tới việc xây dựng một đảo nhân tạo mới.
Trong thông cáo ra cuối ngày hôm thứ Bảy, ông Lorenzana nói rằng phi cơ quân sự Philippines đã được gửi ra hàng ngày để theo dõi tình hình.
Ông Lorenzana nói quân đội cũng sẽ tăng sự hiện diện của lực lượng hải quân tại Biển Đông để thực hiện việc "tuần tra bảo vệ chủ quyền" và bảo vệ các ngư dân Philippines.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa ra phản hồi, Reuters tường thuật, nhưng nói các tàu ở Đá Ba Đầu là tàu cá vào trú ẩn để tránh biển động và không có lực lượng dân quân nào trên đó.
"Trung Quốc đang chơi đòn cân não đối với chúng ta," Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nói hôm thứ Tư.
"Họ đang làm cho mọi thứ giống như thể chúng tôi bị ảo giác. Chúng tôi quá mệt mỏi với những nỗ lực của họ trong việc bóp méo sự thật để trục lợi. Trung Quốc đã đánh cắp của chúng tôi, và nay thì nói lời dối trá với chúng tôi," trang tin news.com.au của Úc dẫn lời bà.
Hôm 7/3, người ta thấy có chừng 220 'tàu cá' ở khu vực bên trong Đá Ba Đầu.
Tới hôm 19/3, số tàu đếm được vẫn còn ở mức 193.
Philippines nói các tàu này, vỏ tàu sơ màu xanh, trắng còn mới tinh, neo đậu tại vị trí chiến lược của bãi đá trong hàng tuần, và không hề đánh bắt cá trong lúc thời tiết rất tốt.
Úc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc vùng EEZ của Philippines bị xâm phạm.
Biển Đông, nơi có tuyến giao thương đường biển tấp nập với ít nhất 3,4 nghìn tỷ đô la qua lại mỗi năm, là vùng biển có tranh chấp lãnh thổ giữa Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam.
Tàu chở hàng mắc cạn: Hoa Kỳ cử quân đội tới giúp, sự trùng hợp mang tên Evergreen ở Trung Quốc
Lực lượng quân đội cũng đã vào cuộc, Evergreen càng thêm nổi tiếng khi một phương tiện vận tải khác của hãng cũng gây ra vụ tắc đường ở Trung Quốc mới đây.
Cập nhật diễn biến cụ tàu chở hàng mang tên Ever Given của hãng vận tải Evergreen, Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ cử một nhóm đánh giá vào cuối ngày 26/3 để tham gia cùng nhóm quốc tế trong việc giúp giải cứu con tàu container khổng lồ đang mắc cạn, cản trở một trong những tuyến vận tải biển lớn của thế giới kể từ ngày 23/3.
Một quan chức giấu tên được Breitbart dẫn lời hôm 27/3 cho biết: “Là một phần trong cuộc đối thoại tích cực của chúng tôi với Ai Cập, chúng tôi đã đề nghị Mỹ hỗ trợ chính quyền Ai Cập giúp mở lại kênh đào”.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez cảm ơn Hoa Kỳ đã đóng góp ý kiến, trong một tuyên bố đưa ra hôm qua.
“Liên quan đến những nỗ lực không ngừng nhằm đánh bật con tàu container mắc cạn khi nó đi qua Kênh đào Suez, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) đánh giá cao đề nghị của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đóng góp vào những nỗ lực này”, tuyên bố cho biết, theo The BL.
Trong khi đó, một nhóm lớn các máy xúc, tàu kéo, tàu hút bùn và tàu cứu hộ Hà Lan đang ngày đêm làm việc để kéo con tàu khỏi bị mắc cạn đang chở hơn 20.000 container, nặng khoảng 224.000 tấn.
Đối với một số chuyên gia cho rằng, công tác cứu hộ có thể mất nhiều tuần, trong khi khoảng 30% tổng số container trên thế giới đang sốt ruột chờ đợi để đi qua con kênh một lần nữa.
Khoản lỗ khoảng 10 tỷ đô la mỗi ngày đang bị đe dọa trong thảm họa này đối với thương mại quốc tế.
Con đường thay thế duy nhất đến châu Âu là vòng quanh Sừng châu Phi dài hơn nhiều, nhưng nhiều tàu hiện đang chọn đường vòng đó.
Trùng hợp thay, một chiếc xe tải lớn của Evergreen cũng mắc cạn ở giữa một làn đường chính ở Trung Quốc, tái hiện tình trạng tắc đường do tàu Ever Given của Evergreen gây ra khiến 300 tàu bị mắc kẹt ở cả hai bên Kênh đào Suez. Sự trùng hợp ngẫu nhiên?
“Trùng hợp chăng? Ở Trung Quốc, một chiếc xe tải Evergreen đang chặn đường cao tốc”, người dùng Twitter @oscarbjj lưu ý kèm bức ảnh chụp camera giao thông cho thấy xe Evergreen gây ra tắc đường khi quay ngang đường vào ngày 27/3
Nhà báo người Ý, Cesare Sacchetti, đưa ra quan điểm rằng tắc đường là một trong những hậu quả của toàn cầu hóa, và trong số tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng, nơi tồi tệ nhất có lẽ ở Trung Quốc đại lục.
Sự cố kênh đào Suez có thể gây hại cho xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu và có thể là đòn chí mạng chống lại toàn cầu hóa”, ông Sacchetti nhận xét.
Ông cũng viết: “Nếu ai đó muốn chấm dứt toàn cầu hóa, người đó phải chấm dứt sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Có thể đây là mục tiêu thực sự của khối này: Nếu bạn nhấn chìm Trung Quốc, bạn nhấn chìm toàn cầu hóa”.
Ý kiến: Mỹ đang đối mặt với ‘vụ tự sát tài khóa’ dưới tay Đảng Dân chủ
Tuần này, nhà báo điều tra Mark Levin đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Đảng Dân chủ Hoa Kỳ và đặc biệt là chính quyền của ông Biden, về việc thực hiện các chính sách chắc chắn sẽ dẫn đến sự mất cân bằng tài khóa do chi tiêu lớn của chính phủ, mà ông khẳng định chỉ có thể được bù đắp bằng việc tăng thuế theo cấp số nhân.
Các đảng viên Đảng Dân chủ đã thông qua dự luật nhờ tỷ lệ đảng phái (Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội) trị giá 1,9 nghìn tỷ đô-la vào ngày 10/3, được cho là nhằm mục đích “kích thích” nền kinh tế sau những ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Theo The BL, nghịch lý thay, các biện pháp thắt chặt đại dịch nghiêm ngặt nhất gây ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế lại do chính các thống đốc Đảng Dân chủ áp đặt.
Cũng cần lưu ý rằng gói 1,9 nghìn tỷ đô-la đã bị chỉ trích vì bao gồm một số lượng lớn các biện pháp kinh tế tự do mà không liên quan gì đến các giải pháp bù đắp ảnh hưởng của đại dịch.
Năm ngoái, theo báo cáo của Levin, Đảng Dân chủ Hoa Kỳ đã tốn 4,1 nghìn tỷ đô-la để giữ cho nền kinh tế không sụp đổ khi các thống đốc bang màu xanh lam (màu đại diện Đảng Dân chủ) kìm hãm nền kinh tế và đóng cửa các doanh nghiệp. Giờ đây, khi luật mới nhằm mục đích thông qua các khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khổng lồ, nhà phân tích Levin đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và khẳng định rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với “vụ tự sát tài khóa” dưới tay Đảng Dân chủ.
“Trong thời gian 18 tháng, chúng ta đã chi hoặc buộc phải chi 16,5 nghìn tỷ đô-la”, ông Levin nói. “Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chúng ta sẽ chi thêm hai nghìn tỷ trong cơ sở hạ tầng. Và Đảng Cộng hòa đang nói rằng Đảng Dân chủ sẽ chỉ chi tỷ lệ phần trăm nhỏ cho cơ sở hạ tầng và sẽ có được thêm nhiều quyền lợi mới, chương trình mới và chi tiêu mới… và họ giả vờ rằng họ sẽ trả tiền cho nó. Làm thế nào họ sẽ trả tiền cho nó? Việc tăng thuế ồ ạt đối với các công ty, có nghĩa là mọi thứ bạn mua sẽ tăng lên. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu họ không thể kiếm được lợi nhuận, họ sẽ sa thải mọi người. Thật kinh hoàng”.
Hệ quả có thể nhìn thấy là lạm phát cao hơn, tiêu dùng thấp hơn, phá hủy hệ thống sản xuất, thất nghiệp gia tăng và sự gia tăng sâu sắc của tình trạng nghèo cùng cực.
Chính quyền ông Biden được cho là đang chuẩn bị một gói chi tiêu khổng lồ với tổng trị giá ít nhất 3 nghìn tỷ USD, nhằm giải quyết một loạt các ưu tiên chính sách, bao gồm việc làm, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, giáo dục và bất bình đẳng thu nhập.
Theo New York Times, Tòa Bạch Ốc sẽ tìm cách chia chính sách thành hai dự luật riêng biệt để làm cho nó hấp dẫn hơn tại Quốc hội và ngăn chặn tác động tiêu cực; đề xuất đầu tiên có thể sẽ là một kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn được tài trợ thông qua việc tăng thuế cho các tập đoàn và các lĩnh vực giàu có nhất.
Trong khi đó, đề xuất thứ hai sẽ tập trung vào các ưu tiên khác liên quan đến việc đáp ứng chương trình nghị sự cánh tả do Đảng Dân chủ ban hành, gắn liền với các chính sách thị trường lao động và sinh viên. Bao gồm phổ cập trước mẫu giáo, học phí đại học cộng đồng miễn phí, mở rộng chăm sóc trẻ em, và một chương trình hỗ trợ quốc gia của tiểu bang.
Các báo cáo xuất hiện vào tuần trước cũng đã nói rằng chính quyền Biden đang lên kế hoạch tăng thuế lớn nhất trong gần 30 năm để tài trợ cho các sáng kiến chính sách trong nước của mình.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào