Chuyên gia: Trung Quốc đang xây căn cứ không quân sát Đài Loan
Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 14 tháng 3 năm 2021 |
Một
chuyên gia quân sự cho biết hôm thứ Sáu (12/3) rằng hình ảnh vệ tinh
mới cho thấy một căn cứ không quân có thể đe dọa Đài Loan đang được xây
dựng ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, theo Taiwan News.
Chuyên
gia quân sự Hà Trừng Huy được trang tin Đài Loan pourquoi.tw dẫn lời nói
rằng căn cứ này chưa từng được đề cập. Ông Hà nói thêm rằng nó có thể
được coi là sản phẩm của “mong muốn tuyệt vọng của Tập Cận Bình để giải
quyết vấn đề Đài Loan và mở rộng sức mạnh chiến đấu của Quân Giải phóng
Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.
Ông Hà cho rằng căn cứ này là một
thách thức khác đối với trật tự quốc tế hiện tại và nhằm phá vỡ hệ thống
phòng thủ chuỗi đảo đầu tiên của Hoa Kỳ và “thậm chí thách thức trực
tiếp quân đội Hoa Kỳ”. Ông cho biết căn cứ này có thể chứa nhiều máy bay
quân sự.
Hôm thứ Năm (11/3) một nhà phân tích thông tin tình báo
có nick d-atis đã đăng lên Twitter hai bản đồ vệ tinh mà ông mô tả là
“sân bay trực thăng mới” ở huyện Zhangpu, tỉnh Phúc Kiến.
Bức ảnh
bên trái cho thấy rõ một sân đỗ và đường băng dài trong một vùng đất mà
nhà phân tích này ước tính dài 1.700 mét, bên cạnh đó còn có một khu
vực dành cho các tòa nhà hành chính. Một bức ảnh cận cảnh màu ở bên phải
cho thấy 10 sân bay trực thăng, một đường băng và ít nhất ba máy bay
trực thăng đã được định vị trên đường băng. Nhà phân tích ước tính đường
băng dài 600 mét và có 27 nhà chứa máy bay.
Nhà phân tích tình
báo nói với Taiwan News rằng dựa trên quan sát của ông, căn cứ không
quân này bắt đầu xây dựng vào tháng 7 năm 2019. Ông đánh giá rằng với vị
trí chiến lược, nó có thể tăng cường các hoạt động của cả lục quân và
hải quân, đồng thời cho phép giám sát eo biển Đài Loan dễ dàng hơn.
Ông
nói thêm rằng nó cũng có thể hỗ trợ các hoạt động của UAV (máy bay
không người lái), mặc dù không có máy bay không người lái nào được quan
sát thấy. Ông cho biết thêm, hiện trạng hiện tại cho thấy sân đỗ và sân
bay trực thăng đã được lát và sơn, ông tin rằng căn cứ này “sắp hoàn
thành”.
Căn cứ không quân này được xác định nằm ở vị trí cách
quần đảo Bành Hồ của Đài Loan khoảng 183 km và cách Quần đảo Đông Sa 386
km.
Chuyên gia quân sự Hà cho biết, ngoài các trực thăng của căn
cứ, chiều dài đường băng ước tính sẽ đủ cho máy bay chiến đấu cất cánh
và tuần tra vùng biển, vùng trời ngoài khơi tây nam Đài Loan và quần đảo
Đông Sa. “Tất cả những điều này tạo thành một mối đe dọa và tạo ra áp
lực”, ông Hà nói.
Hơn 30 phụ nữ liên tiếp bước ra cáo buộc Thống đốc Đảng Dân chủ New York quấy rối
Hôm
thứ Sáu (ngày 12/3), hơn 30 phụ nữ đã tố cáo Thống đốc Đảng Dân chủ New
York Andrew-Cuomo có hành vi quấy rối hoặc tấn công tình dục, nhiều
chính khác bao gồm cả Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer, Dân
biểu Đảng Dân chủ cực tả Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) đều đứng ra yêu
cầu ông Cuomo từ chức.
Hôm thứ Sáu (12/3), “Tạp chí New York (New
York Magazine)” đã công bố lời khai của cô Jessica Bakeman, nữ phóng
viên hiện tại của trang Politico tố cáo ông Cuomo đã có hành vi quấy rối
tình dục cô, thường xuyên đụng vào cơ thể cô, khiến nhân phẩm của cô
chịu tổn hại nghiêm trọng.
Một người tố cáo khác được công khai
hôm thứ Sáu là một cựu trợ lý của ông Cuomo được gọi là Kaitlin. Cô nói
rằng cô gặp ông Cuomo lần đầu tại một sự kiện gây quỹ cho công ty vận
động hành lang nơi cô làm việc vào thời điểm năm 2016. Cô Kailin nói
rằng ông Cuomo đã giới thiệu bản thân tại sự kiện, và khi đến gần, ông
Cuomo nói với cô rằng ông có cảm giác rằng cô sắp được làm việc trong
chính quyền liên bang.
“Sau đó, ông ấy tóm lấy tôi trong một tư
thế khiêu vũ”, cô nhớ lại, “Đây là lần tương tác kỳ lạ nhất mà tôi từng
có trong đời’ … Khi đó tôi đã nghĩ, ‘Đừng chạm vào tôi. Mọi người đang
nhìn’”. Cô Kaitlin nhớ lại cảm giác không thoải mái và xấu hổ trước các
đồng nghiệp mới của mình – “mọi người trong nhóm của tôi, những người
tôi mới gặp” đã vây quanh cô sau khi ông Cuomo bỏ đi, nói đùa “Ồ, thống
đốc thích cô đấy!”.
Cuối tuần đó, Kaitlin nói rằng cô nhận được
cuộc gọi từ văn phòng thống đốc yêu cầu cô đến phỏng vấn xin việc.
Kaitlin cho biết cô đã tham dự buổi phỏng vấn và đã có được một công
việc. Sau đó, vì nhiều trải nghiệm không mấy dễ chịu, cô đã quyết định
từ chức. Cô nói rằng cô cảm thấy hành động của ông Cuomo hệt như tra tấn
“bằng lời nói và tinh thần” đối với cô. Ông ta thường xuyên chỉ trích
cô và đưa ra những lời nhận xét mang tính khiêu gợi về ngoại hình của
cô.
Cô Kaitlin cho biết thêm rằng, vào một ngày khác, ở
Manhattan, ông Cuomo yêu cầu cô vào văn phòng của ông ta và tra cứu các
bộ phận của xe hơi trên eBay. Cô nhớ lại: “Ông ấy ngồi vào bàn làm việc
và xoay ghế xung quanh”. Đó là một không gian chật hẹp, với Kaitlin đứng
giữa, thống đốc đang ngồi và chiếc máy tính mà ông ta yêu cầu cô làm
việc. “Vì vậy, hôm đó tôi mặc váy và đi giày cao gót, tôi đứng đó và
phải cúi xuống trước máy tính của ông ta, ông ta nhìn tôi, còn tôi thì
ngẩng đầu tìm kiếm các bộ phận của xe hơi”.
Cùng ngày, một nhóm
30 phụ nữ khác được phỏng vấn đã nói với “Tạp chí New York” rằng họ đã
bị quấy rối khi phải làm việc với ông Cuomo.
Nhiều phụ nữ nói
rằng bầu không khí do ông Cuomo và một số trợ lý cấp cao của ông tạo ra
đã khiến sức khỏe tinh thần của họ bị thương tổn nghiêm trọng, họ buộc
phải dùng thuốc chống trầm cảm và tiếp nhận điều trị lần đầu tiên trong
đời. Một nguyên đơn tiết lộ rằng cô ấy thậm chí đã gọi đến đường dây
nóng ngăn chặn tự tử.
Người viết bài phát biểu da đen đầu tiên
của ông Cuomo đã tố cáo ông “phân biệt chủng tộc”, có lần cô phàn nàn
rằng ông Cuomo thuê cô chỉ để “lấp đầy hạn ngạch”, và điều này khiến cô
bị yêu cầu chuyển đến một văn phòng khác.
Vào chiều thứ Sáu, Lãnh
đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và các đảng viên Dân chủ đa số của
tiểu bang New York, bao gồm Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand, đã kêu
gọi ông Cuomo từ chức vì các cáo buộc quấy rối tình dục và bê bối che
giấu số người chết trong viện dưỡng lão không ngừng lên men.
Ông
Schumer và Thượng nghị sĩ Gillibrand cho biết trong một tuyên bố chung:
“Khi đối mặt và khắc phục cuộc khủng hoảng của đại dịch, chúng ta cần sự
lãnh đạo vững chắc và ổn định. Chúng tôi khen ngợi sự dũng cảm của các
cá nhân đã đưa ra cáo buộc về những hành vi ngược đãi nghiêm trọng và
không thỏa đáng”, “Do có quá nhiều những cáo buộc đáng tin cậy về hành
vi quấy rối tình dục cũng như các hành vi sai trái khác, rõ ràng Thống
đốc Cuomo đã đánh mất lòng tin của các đối tác cầm quyền và người dân
New York. Thống đốc Cuomo nên từ chức”.
Hôm thứ Sáu, 16 thành
viên của phái đoàn 19 thành viên của Hạ viện Dân chủ ở New York nói rằng
ông Cuomo phải từ chức, họ cho rằng những cáo buộc này đã cản trở khả
năng quản lý và phục vụ người dân New York một cách hiệu quả.
Dân
biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) và Dân biểu Jamaal Bowman của Quốc
hội New York cho biết họ đã đạt được sự đồng thuận với các thành viên
khác, “Kết luận là Thống đốc Cuomo không còn có thể lãnh đạo New York
một cách hiệu quả khi phải đối mặt với quá nhiều thách thức”.
Cho
đến hiện tại, ông Cuomo đã nhiều lần tuyên bố từ chối từ chức, ông nói
vào hôm thứ Sáu, “Mọi người đã biết đến tôi trong 40 năm. Tôi đã được
bầu làm Tổng chưởng lý và Thống đốc ba lần. Cả đời tôi vẫn luôn hoạt
động trước công chúng”.
“Cả cuộc đời tôi, tôi đã bị công chúng
soi mói từ năm 23 tuổi. Người dân New York đều biết đến tôi. Tôi sẽ tập
trung vào công việc của mình bởi chúng tôi đang phải đối mặt với những
thách thức thực sự. Tôi sẽ tránh bị phân tâm và tập trung vào công việc
của mình – Tôi phải xây dựng lại đất nước”, ông tuyên bố.
Mỹ trong cơn khủng hoảng: Những tiết lộ kinh hoàng ở biên giới
Cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn sau khi một loạt các thông tin được công bố.
Trẻ
vị thành niên không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày,
chỉ được tắm một lần trong một tuần và phải thay phiên nhau ngủ trên sàn
nhà vì quá đông. Trong vòng chưa đầy sáu tháng, số người nhập cư bất
hợp pháp trốn thoát chót lọt qua biên giới đã tăng gần gấp đôi so với cả
năm 2020.
Điều kiện tồi tệ ‘không tưởng’ ở các cơ sở tạm giữ
Neha
Desai, một luật sư của Trung tâm Quốc gia về Luật Thanh niên Hoa Kỳ, đã
phỏng vấn những trẻ em đang bị giam giữ tại cơ sở giữ Hải quan và Bảo
vệ Biên giới ở Donna, tiểu bang Texas. Tính đến ngày 2/3, đã có hơn
1.800 em bị giam giữ tại cơ sở này, tức là bằng 729% công suất của nó,
trong khi đang diễn ra đại dịch. Cơ sở Donna đã mở cửa vào tháng trước
và đã hoạt động quá công suất trong trận đại dịch trong nhiều tuần.
Desai
nói với CBS News: “Một số cậu bé nói rằng ở đây quá đông đúc đến mức
các em phải thay phiên nhau ngủ trên sàn nhà”. “Tất cả các em đều nói
rằng họ muốn tắm nhiều hơn và được thông báo rằng chúng không thể”,
Desai nói thêm rằng một số trẻ vị thành niên chỉ được phép tắm một lần
trong bảy ngày.
“Một trong số họ chia sẻ rằng cậu ấy chỉ có thể
nhìn thấy mặt trời khi tắm, vì chỉ có thể nhìn thấy mặt trời qua cửa
sổ”, Desai nói. Cô cho biết nhiều trẻ em không được tiếp cận với các
hoạt động bên ngoài và dễ bị kích động.
Trẻ em cũng bị từ chối
gọi điện để liên lạc với các thành viên trong gia đình. Cô nói: “Chúng
khóc lóc điên cuồng, muốn nói chuyện với gia đình của mình”.
Tờ
Washington Post đưa tin trong tuần này, “Tầm quan trọng trở nên rõ ràng
hơn vào thứ Tư khi chính quyền mới đang giữ số lượng kỷ lục thanh thiếu
niên nhập cư không có người đi kèm, trẻ em bị giam giữ trong các phòng
giam lâu hơn mức cho phép và các quan chức y tế liên bang đã tụt lại xa
hơn trong cuộc đua tìm kiếm không gian cho họ trong những nơi tạm trú”.
Tuần trước, New York Times đưa tin rằng các cơ sở di cư “giống như nhà tù”.
CNN
đưa tin rằng “số trẻ em di cư không có người đi kèm bị giam giữ trong
Đội Tuần tra Biên giới tiếp tục tăng cao, lên tới hơn 3.700 vào hôm thứ
Tư, nhiều em ở trong các cơ sở giống như nhà tù dọc biên giới
Mỹ-Mexico”.
Một báo cáo của Axios cho biết có gần 9.500 trẻ em
không có người đi kèm đã bị tạm giữ vào tháng Hai, mức cao nhất trong 21
tháng.
Các quan chức biên giới dự kiến số lượng trẻ vị thành
niên không có người đi kèm sẽ tăng lên 13.000 trẻ em vào tháng 5, đây sẽ
là mức cao nhất của cuộc khủng hoảng biên giới. Dòng người nhập cư bất
hợp pháp ồ ạt được cho là xuất phát từ chính sách nhập cư và biên giới
lỏng lẻo của Tổng thống Joe Biden.
Lượng người trốn thoát thành công tăng mạnh
Theo
Breitbart, một nguồn tin của Cơ quan Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ báo cáo
rằng số lượng người di cư đã trốn thoát thành công qua biên giới được cơ
quan này thống kê đã vượt qua 118.000 người nửa năm tài khóa này. Trong
vòng chưa đầy sáu tháng, con số này đã bằng gần gấp đôi so với cả năm
tài khóa 2020. Năm ngoái, 69.000 người nhập cư bất hợp pháp đã tránh
được sự truy bắt của Lực lượng Tuần tra Biên giới. Các nguồn tin cho
biết mức tăng mạnh nhất bắt đầu vào tháng Giêng khi Tổng thống Joe Biden
nhậm chức.
Số liệu cụ thể này thường không được công bố chính
thức bởi các quan chức Bộ An ninh Nội địa mà có được do đếm những người
nhập cư bất hợp pháp cuối cùng thoát khỏi sự giám sát của Lực lượng Tuần
tra Biên giới sau khi được quan sát bởi máy bay và hệ thống camera.
Ngoài ra, các nhân viên Tuần tra Biên giới sử dụng các kỹ thuật truyền
thống để xác định dấu chân qua biên giới.
Nguồn báo cáo cho rằng vì một vài lý do con số nhận được thường thấp hơn thực tế.
Mặc
dù chính quyền hiện tại từ chối gọi tình hình nhập cư ở biên giới là
một cuộc khủng hoảng, nhưng sự gia tăng gần đây là đáng lo ngại. Nhiều
người tin rằng động lực thúc đẩy gia tăng nhập cư bất hợp pháp đang được
thúc đẩy bởi lời hứa về luật ân xá. Các chính sách mới của chính quyền
liên quan đến điều kiện nhập cư lỏng lẻo và giảm thiểu việc trục xuất
cũng được cho là góp phần vào sự gia tăng hoạt động dọc biên giới.
Ít nhất 12 người chết trong các cuộc trấn áp biểu tình ở Myanmar
Lực
lượng an ninh Myanmar hạ sát ít nhất 12 người trong những cuộc trấn áp
nhắm vào người biểu tình chống đảo chính vào ngày thứ Bảy, Reuters đưa
tin.
Năm người đã bị bắn chết và một số người bị thương khi cảnh
sát nổ súng vào một cuộc biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai
của Myanmar, Reuters dẫn lời những người mục kích cho biết.
Truyền
thông trong nước đưa tin một người khác bị giết ở thành phố Pyay ở miền
trung và hai người chết trong vụ cảnh sát nổ súng ở thủ đô thương mại
Yangon, nơi ba người cũng thiệt mạng trong đêm.
Một phát ngôn
viên của quân đội không trả lời các cuộc điện thoại từ Reuters để tìm
kiếm bình luận. Bản tin buổi tối của đài MRTV do chình quyền quân sự
điều hành gọi những người biểu tình là “tội phạm” nhưng không nêu rõ chi
tiết.
Hơn 70 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong các cuộc biểu
tình lan rộng chống lại việc quân đội tiếm quyền, tổ chức vận động Hiệp
hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết.
Số người chết gia tăng
trong khi các nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ hợp
tác để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.
“Là
những nước ủng hộ lâu dài Myanmar và người dân Myanmar, chúng tôi nhấn
mạnh nhu cầu cấp thiết phải khôi phục nền dân chủ và ưu tiên tăng cường
tính bền bỉ của nền dân chủ,” bốn nhà lãnh đạo nói trong một tuyên bố do
Nhà Trắng công bố ngày thứ Sáu.
Anh ngày thứ Sáu cảnh báo công
dân của họ ở Myanmar rời đi và Hàn Quốc cho biết họ sẽ đình chỉ những
trao đổi quốc phòng và xét lại viện trợ phát triển cho Myanmar.
Điện
Kremlin cho biết Nga, nước có quan hệ gần gũi với quân đội Myanmar, lo
ngại về tình hình bạo lực gia tăng và đang “phân tích” liệu có nên tạm
ngừng hợp tác quân sự-kĩ thuật hay không.
Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc tuần này đã loại bỏ lời lẽ lên án việc quân đội chiếm quyền là
một cuộc đảo chính ra khỏi một tuyên bố, do sự phản đối của Trung Quốc,
Nga, Ấn Độ và Việt Nam.
Công dân Myanmar được tạm thời cho ở lại Mỹ sau đảo chính
Chính
quyền Biden đang cho phép tạm thời đình chỉ trục xuất và cấp giấy phép
lao động cho các công dân Myanmar sống ở Mỹ vì cuộc trấn áp của quân đội
ở nước này sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho
biết ngày thứ Sáu.
Quyết định này có nghĩa là khoảng 1.600 người
Miến Điện đang ở Mỹ, bao gồm các nhà ngoại giao bất đồng với chính
quyền quân sự Myanmar, sẽ đủ điều kiện để được hưởng Tư cách Được Bảo vệ
Tạm thời (TPS) trong 18 tháng, hai quan chức chính quyền nói với
Reuters.
Chương trình này cho phép những người nhập cư không thể
trở về quốc gia của họ một cách an toàn, vì các lý do như thiên tai hoặc
xung đột vũ trang, được ở lại và làm việc hợp pháp tại Mỹ trong một
thời hạn xác định mà có thể được gia hạn.
“Do cuộc đảo chính quân
sự và bạo lực tàn bạo của lực lượng an ninh nhắm vào thường dân, người
dân Miến Điện đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và
ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi của đất nước này,” Bộ trưởng An ninh
Nội địa Alejandro Mayorkas nói.
Chỉ những người đang cư trú tại
Mỹ và có thể chứng minh họ cư trú liên tục kể từ ngày 11 tháng 3 năm
2021 mới đủ điều kiện tham gia chương trình Myanmar.
Các quan
chức chính quyền cho biết tình hình ở Myanmar sau khi quân đội chiếm
quyền đã ngăn cản người Miến Điện quay trở về, với lý do lực lượng an
ninh đàn áp bạo lực, giam giữ tùy tiện và tình hình nhân đạo ngày càng
tồi tệ.
Thomas Andrews, điều tra viên nhân quyền của Liên Hiệp
Quốc tại Myanmar, ngày thứ Năm nói chính quyền quân sự đã sát hại ít
nhất 70 người và giam giữ hơn 2.000 người.
Tổng thống Joe Biden
tháng trước đã loan báo các chế tài nhắm vào những người chịu trách
nhiệm về việc lật đổ chính phủ dân sự của Myanmar, bao gồm bộ trưởng
quốc phòng và ba công ty trong lĩnh vực khai thác ngọc bích và đá quý.
Đầu
tuần này, Washington áp đặt chế tài lên hai người con của nhà lãnh đạo
quân sự Min Aung Hlaing, người đã được định danh chế tài, cùng sáu công
ty mà họ kiểm soát.
Mỹ: Lượng fentanyl tuồn qua biên giới tăng cao đột biến
Theo
số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới
(CBP) Hoa Kỳ, số lượng chất gây nghiện fentanyl bị bắt giữ ở biên giới
phía Nam nước Mỹ trong 5 tháng đầu năm tài chính 2021 đã cao hơn cả năm
tài chính 2020, theo Zero Hedge.
CBP đã thu giữ hơn 5.000 pound
(hơn 200 kg) fentanyl kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2020, ông Troy Miller,
một lãnh đạo của CBP, cho biết hôm 10/3.
“Chúng tôi đang chứng
kiến sự gia tăng đáng kể các vụ bắt giữ fentanyl trong năm tài chính
này, cao hơn 360% so với thời điểm này năm ngoái”, ông Miller nói. “Các
vụ bắt giữ ma túy trên toàn quốc đã tăng 50% trong tháng Hai so với
tháng Giêng. Các vụ bắt giữ cocaine tăng 13%, bắt giữ methamphetamine
tăng 40%, thu giữ heroin tăng 48%”.
“Các băng đảng đang thống trị
việc phân phối chất độc này và nó thực sự, thực sự đáng báo động”,
Derek Maltz, cựu lãnh đạo bộ phận hoạt động đặc biệt của Hải quan Hoa
Kỳ, nói với The Epoch Times. “Tôi dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục
theo đà leo thang này. Và thành thật mà nói với bạn, điều đó thực sự rất
buồn, vì tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bậc cha mẹ đã mất con, đặc biệt
là vì những viên thuốc giả. Và tất cả đều đến từ Mexico”.
Fentanyl
là loại thuốc phiện tổng hợp được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử
vong do sử dụng quá liều đang gia tăng ở Hoa Kỳ. Nó thường được sản xuất
ở Mexico bằng cách sử dụng hóa chất do Trung Quốc cung cấp. Nó được
trộn với các chất ma tuý khác để tăng hiệu lực cũng như được ép thành
thuốc giảm đau giả thường được gọi là “bò Mexico”.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào