Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 07 tháng 3 năm 2021 |
Microsoft cho rằng một "tổ chức cho nhà nước bảo trợ" hoạt động từ Trung Quốc, được gọi là Hafnium, đã thực hiện tấn công
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại ngày một tăng về việc một phần mềm máy chủ email của Microsoft bị một tổ chức mà hãng này nói là của Trung Quốc tấn công.
"Đây là một đe dọa đang xảy ra", thư ký Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm thứ Sáu. "Tất cả mọi người vận hành những máy chủ này - chính phủ, khu vực tư nhân, giới học giả - đều cần hành động ngay để vá các lỗ hổng bảo mật."
Microsoft nói các hacker đã dùng máy chủ email Exchange để tấn công các mục tiêu.
Tin cho hay hàng chục ngàn tổ chức của Mỹ có thể bị ảnh hưởng.
Hoa Kỳ từ lâu đã lên án chính phủ Trung Quốc thực hiện hoạt động gián điệp mạng, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Bà Psaki cho các phóng viên biết Nhà Trắng "lo ngại rằng đã có rất nhiều nạn nhân" và nói những lỗ hổng bảo mật tìm thấy trong các máy chủ của Microsoft "có thể có tác động sâu rộng."
Giám đốc Microsoft Tom Burt tiết lộ về vụ việc này hôm thứ Ba trên một bài blog. Ông tuyên bố hãng này có cập nhật để đối phó với các lỗ hổng bảo mật mà theo ông đã cho phép các hacker truy cập vào máy chủ Microsoft Exchange.
Trung tâm xử lý Đe dọa An ninh Microsoft (MSTIC) nói họ "tin chắc" rằng các vụ tấn công là do một "tổ chức được nhà nước bảo trợ" có trụ sở ở Trung Quốc thực hiện. Microsoft gọi tổ chức này là Hafnium.
Người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc nói với hãng tin Reuters rằng nước này không đứng đằng sao vụ tấn công. Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc của Mỹ là Trung Quốc đã thực hiện tấn công mạng.
Hơn 20.000 tổ chức ở Mỹ và nhiều tổ chức khác trên thế giới đã bị ảnh hưởng, Reuters đưa tin.
Brian Krebs, một chuyên gia và blogger về bảo mật công nghệ, cho rằng con số thực lớn hơn nhiều, và dẫn nhiều nguồn tin an ninh khác nhau.
"Ít nhất 30.000 tổ chức trên khắp nước Mỹ - trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, thị trấn, thành phố và chính phủ địa phương - trong vài ngày qua đã bị hack bởi một đơn vị gián điệp mạng Trung Quốc. Đơn vị này hoạt động mạnh một cách bất thường và tập trung vào lấy cắp email từ các tổ chức là nạn nhân," ông nói trong bài blog của mình.
Ông Krebs cảnh báo các cuộc tấn công đã "tăng cường rất mạnh" từ khi Microsoft đưa ra thông báo.
Tin về vụ tấn công khiến Cơ quan An ninh mạng và An ninh Hạ tầng Mỹ (Cisa) đưa ra một chỉ thị khẩn cấp yêu cầu các cơ quan và bộ ngành nhà nước hành động khẩn cấp.
Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cũng thúc giục các hãng viễn thông tải các cập nhật sửa lỗi càng sớm càng tốt.
Microsoft xác nhận con số các tổ chức bị ảnh hưởng, nhưng nói thêm trong một thông cáo hôm thứ Sáu rằng họ đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của chính phủ Mỹ. Hãng này khuyên các khách hàng rằng "sự bảo vệ tốt nhất" là "áp dụng các cập nhật càng sớm càng tốt trên tất cả các hệ thống bị ảnh hưởng."
Đây là lần thứ tám trong 12 tháng qua Microsoft đã công khai cáo buộc các tổ chức do nhà nước bảo trợ nhắm vào các cơ quan quan trọng.
Microsoft nói vụ tấn công lần này không hề liên quan tới vụ tấn công Solarwinds, đã làm ảnh hưởng tới các cơ quan chính phủ Mỹ hồi cuối năm ngoái.
Mặc dù Hafnium hoạt động từ Trung Quốc, họ được cho là đã thực hiện tấn công chủ yếu từ các máy chủ tư nhân ở Mỹ mà họ thuê, Microsoft nói.
Sự hiện diện của Trung Quốc
Trong khi nhiều hãng công nghệ Mỹ có quan hệ thăng trầm với chính phủ chính phủ Trung Quốc, Microsoft vẫn giữ được sự hiện diện ở đại lục từ năm 1992.
Không như Facebook và Twitter, mạng xã hội LinkedIn vẫn được hoạt động ở Trung Quốc.
Và search engine Bing cũng vẫn được tiếp cận, mặc dù động cơ tìm kiếm 'nhà trồng' Baidu chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm trên mạng.
Miến Điện: Quân đội vây bắt ban lãnh đạo đảng LND trong đêm
Trong đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ Nhật 07/03/2021, quân đội Miến Điện tiến hành một đợt vây bắt thô bạo nhắm vào các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi. Những người chống đối cuộc đảo chính của quân đội kêu gọi tiếp tục xuống đường, trong hai ngày hôm nay và ngày mai.
Ông Soe Win, một trong những lãnh đạo của đảng LND cho biết hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã bị bắt. Quân đội đã đánh đập và tra tấn người anh của một luật sư thuộc đảng LND, vì đã không tìm được người luật sư.
Truyền thông nhà nước đe dọa những nghị sĩ dân sự nào không công nhận tính chính đáng của cuộc đảo chính, và có tham dự vào việc thành lập một ủy ban đại diện cho chính phủ dân sự, có thể bị khép tội « phản quốc » và có nguy cơ lãnh án từ 22 năm tù giam đến tử hình.
Quân đội Miến Điện những ngày gần đây bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế đã gia tăng mức độ bạo lực, không ngần ngại sử dụng đạn thật bắn vào người biểu tình. Các hình ảnh phát tán trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng an ninh đã nã súng thẳng vào người dân.
Biểu tình tiếp diễn, nhiều người bỏ trốn
AFP cho biết thêm là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (PUSD), được quân đội hậu thuẫn cũng tham gia vào các cuộc tấn công. Một đại diện địa phương của đảng LND, cùng với người cháu trai 17 tuổi, đã bị các thành viên của PUSD giết chết.
Vẫn theo hãng tin Pháp, trước tình hình mỗi lúc một thêm xấu, nhiều người dân Miến Điện bắt đầu trốn khỏi đất nước. Ít nhất có khoảng 50 người, trong đó có 8 sĩ quan cảnh sát đã cùng gia đình chạy sang Ấn Độ xin tị nạn, vì không muốn tham gia vào các cuộc trấn áp. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã có thư ngỏ yêu cầu Ấn Độ trao trả 8 cảnh sát trên, « nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước ». Hiện chính quyền New Dehli chưa có phản ứng.
Sa thải công chức đình công
Tính đến hôm nay, các cuộc trấn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình đã làm cho 50 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay tại nhiều thành phố lớn như Rangoon – thủ phủ kinh tế của đất nước, Bagan và Mandalay (miền trung), và Dawei (miền nam).
Phong trào đấu tranh kêu gọi một cuộc đình công lớn trong ngày Chủ Nhật và thứ Hai. Cuộc tổng đình công này có thể gây tác động lớn, trong bối cảnh kinh tế Miến Điện vốn đã trở nên mong manh, khi nhiều ngân hàng không còn khả năng hoạt động, bệnh viện đóng cửa, các cơ quan hành chính không còn người làm việc… Trước nguy cơ nổ ra các cuộc đình công mới, truyền thông nhà nước Miến Điện cảnh báo công chức tham gia đình công « sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03. »
Mỹ, Nhật lên tiếng về hành vi và Luật Hải cảnh gây bức xúc của Trung Quốc
Mỹ và Nhật Bản gần đây đã cùng lên tiếng phản đối hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh của Trung Quốc.
Quan điểm này của hai nước được đưa ra trong cuộc họp đối thoại an ninh song phương Mỹ-Nhật được tổ chức trực tuyến ngày 4/3, theo thông báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tham gia cuộc đối thoại, về phía Mỹ có Phó Trợ lý Ngoại trưởng Marc Knapper và quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mary Beth Morgan. Về phía Nhật Bản có Phó Tổng giám đốc phụ trách vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Yutaka Arima và Phó Tổng giám đốc về Chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Taro Yamato.
Trong một Tuyên bố sau cuộc họp, quan chức hai nước “khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ngoài ra cả hai bên “phản đối mạnh mẽ ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc”.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/2, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.
Trong những năm gần đây, tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên gia tăng hiện diện ở Biển Đông, đe doạ tàu của ngư dân Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Châu Á - Thái Bình Dương: Mỹ tăng cường tên lửa để đối phó với Trung Quốc
Báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia hôm 05/03/2021 tiết lộ về kế hoạch Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa tấn công, trị giá hơn 27 tỷ đô la, nhằm đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 6 năm sắp tới.
Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ vừa đệ trình lên Quốc Hội một kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2022-2027 tổng trị giá 27,4 tỷ đô la. Chỉ riêng cho năm tới, tài liệu này dự trù gần 5 tỷ đô la đầu tư nâng cao khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ trong khu vực. Khoản tiền nói trên cao hơn gấp đôi so với tài khóa 2021. Theo Asia Nikkei, kế hoạch triển khai tên lửa nói trên là một trong những đề xuất chính của dự án mang tên Sáng Kiến Răn Đe Thái Bình Dương - Pacific Deterrence Initiative (PDI).
Tài liệu được báo Nikkei Asia trích dẫn nhấn mạnh « mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ trong tương lai vẫn là sự suy yếu của hệ thống vũ khí quy ước mang tính răn đe. (...) Việc thiếu đi các vũ khí răn đe quy ước đủ vững chắc và đáng tin cậy khiến Trung Quốc sẽ có những hành động táo bạo hơn tại khu vực và trên toàn cầu, nhằm lấn át các quyền lợi của Mỹ ».
Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương kêu gọi triển khai một lực lượng liên quân, với mạng lưới tên lửa tấn công có độ chính xác cao được bố trí « dọc theo chuỗi đảo thứ nhất », phối hợp với hệ thống tên lửa phòng không trên « chuỗi đảo thứ nhì », và việc phân bố lực lượng cần chú trọng khả năng « duy trì các hoạt động tác chiến trong thời gian kéo dài ».
Báo tài chính Nhật cho biết cụ thể là « chuỗi đảo thứ nhất » trong khu vực Thái Bình Dương bao gồm từ Đài Loan đến đảo Okinawa (Nhật Bản) và quần đảo Philippines, tức khu vực mà Trung Quốc xem là tuyến phòng thủ thứ nhất. « Chuỗi đảo thứ nhì » ở bờ phía Tây Thái Bình Dương, trải dài từ khu vực miền đông nam Nhật Bản đến đảo Guam và miền nam Indonesia, là nơi Bắc Kinh đang tìm cách ngăn cản quân đội Mỹ tiếp cận.
Phát biểu trước viện tư vấn American Enterprise Institute, tại thủ đô Washington, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định « sáu năm sắp tới »là giai đoạn Bắc Kinh muốn làm « thay đổi tình thế nguyên trạng trong vùng », đặc biệt có nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Báo Nikkei Asia nhắc lại Trung Quốc hiện đang nắm giữ 1.250 tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km, được phóng đi từ đất liền. Trước đây Mỹ không thể triển khai loại tên lửa này, do bị trói tay vì Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), ký kết với Nga. Tuy nhiên, Hiệp ước INF đã hết hạn năm 2019.
Covid: Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi chủng ngừa khi được mũi tiêm đầu tiên
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói việc tiêm phòng cần thiết để "ngăn ngừa việc nhiễm bệnh nghiêm trọng"
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được liều vaccine chống virus corona đầu tiên, và kêu gọi những người đủ điều kiện "tiêm mũi thuốc này".
"Điều này rất hữu ích, rất tốt", ông nói khi được tiêm mũi vaccine Oxford-AstraZeneca tại một cơ sở y tế ở thành phố Dharamsala của Ấn Độ hôm thứ Bảy.
Các quan chức cho biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đăng ký để được chích ngừa.
Ấn Độ khởi động đợt tiêm chủng vào ngày 16 tháng 1, nhưng chỉ giới hạn ở các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1 tháng 3, chương trình đã được mở rộng cho những người trên 60 tuổi và những người trong độ tuổi từ 45 đến 59 có bệnh nền.
Được tiêm mũi đầu tiên ở bang miền bắc Himachal Pradesh hôm thứ Bảy, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng mọi người cần được tiêm vaccine để "ngăn ngừa việc nhiễm bệnh nghiêm trọng".
Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng được cho là đã đăng ký để được chủng ngừa
Giám đốc y tế quận Kangra của Himachal Pradesh, Tiến sĩ Gurdarshan Gupta, nói Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề nghị đến trung tâm tiêm chủng" như một người bình thường", hãng tin Reuters đưa tin.
"Chúng tôi đã sắp xếp buổi chủng ngừa vào buổi sáng, vì những quan ngại về an ninh", ông nói thêm.
Phát biểu với BBC năm ngoái, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đại dịch khiến cho con người có được những "cảm giác quan tâm, cảm giác từ bi hơn".
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu chủng ngừa cho 300 triệu "người thuộc diện ưu tiên" vào cuối tháng Bảy.
Cơ quan quản lý thuốc của nước này đã bật đèn xanh cho hai loại vaccine - một loại do AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Covishield) phát triển và một loại do công ty Ấn Độ Bharat Biotech (Covaxin) phát triển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, 70 tuổi, là một trong những người đầu tiên được chủng ngừa.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ đã xác nhận hơn 11 triệu ca nhiễm và hơn 157.000 ca tử vong.
Ấn Độ đã báo cáo số ca nhiễm giảm mạnh ở nhiều nơi trong nước vào thời gian gần đây - với số ca nhiễm hàng ngày giảm từ mức cao nhất là hơn 90.000 vào tháng Chín xuống còn dưới 20.000.
Nhưng một số ít các bang gần đây đã báo cáo số ca mắc bệnh tăng mạnh.
Dân Thái biểu tình yêu cầu thả các lãnh đạo biểu tình
Reuters đưa tin, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập tại thủ đô của Thái Lan vào tối thứ Bảy (6/3) để yêu cầu chính quyền thả một số lãnh đạo biểu tình ra khỏi nhà tù, bất chấp một lệnh cấm tụ tập nơi công cộng vào cuối ngày thứ Sáu (7/3) trong thành phố.
Một phong trào biểu tình do thanh niên lãnh đạo đã bùng lên vào năm ngoái, phong trào kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân đội, từ chức và cải tổ chế độ quân chủ cầm quyền. Tòa án Thái Lan đã từ chối yêu cầu bảo lãnh gần đây đối với một số nhà lãnh đạo cuộc biểu tình đã bị bỏ tù.
Những người biểu tình đồng thanh hô lớn “Hãy thả những người bạn của chúng tôi”, trước một tòa án hình sự mà bao xung quanh đó là hàng rào thép gai. Lấp ló phía sau cổng của tòa án là một xe vòi rồng.
Đồng thời, người biểu tình cũng yêu cầu “bãi bỏ 112”, đề cập đến đạo luật 112 trong bộ luật hình sự của Thái Lan, luật này cấm bất kỳ ai xúc phạm hoặc nói xấu nhà vua.
Một số người biểu tình đã đốt ảnh của nhà vua tại cuộc tuần hành. Ngoài ra còn có các nhóm riêng lẻ dẫn đầu hai cuộc biểu tình khác tại các địa điểm khác ở Bangkok.
Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su lần đầu tiên vào Chủ nhật tuần trước, cũng như hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình. Mười người biểu tình và 26 cảnh sát đã bị thương.
Vào sáng thứ Bảy, Thủ tướng Prayuth đã kêu gọi người Thái tôn trọng luật pháp và tránh xung đột. Ông nói: “Chúng ta phải yêu thương nhau và đoàn kết, không chia rẽ và tôn trọng pháp luật”.
Cung điện Hoàng gia đã từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc biểu tình.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào