Điểm tin thế giới giới ngày Thứ bảy 06 tháng 3 năm 2021 |
)Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 1/2, gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Quân đội và cảnh sát gần đây ngày càng trở nên bạo lực hơn trong việc trấn áp những người biểu tình ôn hòa. Cho đến nay, hơn 100 cảnh sát đã bước sang phía đối diện với quân đội để phản đối việc đàn áp bạo lực, Epoch Times đưa tin.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã phát động một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn, và quân đội đã đáp trả bằng vũ lực sát thương. Liên Hợp Quốc cho biết, tính đến ngày 3/3, đã có ít nhất 38 người thiệt mạng tại Myanmar.
Thông tấn xã Trung ương đưa tin, các quan chức và một số báo cáo truyền thông chỉ ra rằng nhiều người đã bắt đầu chạy sang Ấn Độ trong tình hình hỗn loạn ở Myanmar. Một số người trong số họ là cảnh sát không sẵn sàng tham gia vào cuộc đàn áp bạo lực những người biểu tình. Cho đến nay, hơn 100 sĩ quan cảnh sát đã tham gia “Phong trào bất tuân dân sự” (Civil Disobedience Movement) để phản đối sự đàn áp bạo lực của quân đội.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, ngày 3/3, 9 người đã vượt biên vào tỉnh Mizoram của Ấn Độ, 3 người trong số họ là cảnh sát và họ từ chối đàn áp các cuộc biểu tình. Ấn Độ và Myanmar có đường biên giới dài hơn 1.600 km.
Tạp chí Irrawaddy đưa tin, 7 nữ cảnh sát từ tỉnh Tanintharyi ở miền nam Myanmar cũng tham gia phong trào này, họ nói rằng sẽ không trở lại làm việc cho đến khi chính phủ dân cử trở lại. Tại các tỉnh cực bắc của Bang Kachin và Tanintharyi, 17 cảnh sát cũng tham gia chiến dịch.
Theo The Hindu, kể từ ngày 3/3, ít nhất 20 người đã vượt biên. Tờ báo Ấn Độ dẫn lời người dân địa phương cho biết cho đến nay đã có ít nhất 50 người đến các huyện Champhai và Serchhip của tỉnh Mizoram.
Thời báo Hindustan dẫn lời các quan chức tỉnh Mizoram cho biết người dân địa phương đã được yêu cầu báo cáo ngay lập tức nếu họ thấy người Myanmar băng qua biên giới.
Miến Điện : Biểu tình tiếp diễn, Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ
Hôm nay, 06/03/2021, những người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục xuống đường tại Miến Điện, trong khi đó Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lại bị chia rẽ trên hồ sơ này.
Đã có ít nhất 55 người thiệt mạng kể từ đầu phong trào biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng bất chấp sự đàn áp khốc liệt của tập đoàn quân sự, những cuộc tuần hành đòi tái lập dân chủ vẫn tiếp diễn hôm nay 06/03 tại nhiều nơi ở Miến Điện. Theo hãng tin AFP, tại thành phố Loikaw ở miền trung, hàng trăm người, trong đó có các giáo viên, đã giương cao những biểu ngữ kêu gọi bất phục tùng dân sự.
Những lời kêu gọi đình công đã có một tác động đến một số lĩnh vực kinh tế vốn đang bị suy yếu ở Miến Điện : ngân hàng ngưng hoạt động, bệnh viện đóng cửa và văn phòng các bộ của chính phủ không một bóng người. Báo chí nhà nước đã yêu cầu các công chức trở lại làm việc, nếu không « họ sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03 ».
Nhưng phe quân sự cũng nhất quyết dập tắt phong trào biểu tình và từ mấy ngày qua đã không ngần ngại sử dụng vũ khí sát thương để đàn áp. Hôm qua 05/03, một người đàn ông 26 tuổi đã bị trúng đạn tử thương trong một cuộc tập hợp tại thành phố Mandalay. Các tướng lãnh Miến Điện lại càng bất chấp những lời lên án của quốc tế khi thấy rằng ngay chính Liên Hiệp Quốc đang bị chia rẽ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Trong cuộc họp hôm qua tại New York, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung. Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, các cuộc đàm phán về nội dung văn bản này sẽ tiếp diễn vào tuần tới.
Sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Anh Barbara Woodward tuyên bố : « Chúng tôi sẵn sàng dự trù các biện pháp trừng phạt quốc tế chiếu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu tình hình ngày càng xấu đi ». Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự, nhưng đã có những lời kêu gọi ban hành một lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện, một quyết định cần phải có sự đồng ý của toàn bộ thành viên Hội Đồng Bảo An.
Trong bối cảnh như vậy, có vẻ rất khó mà đạt được sự « đoàn kết nhất trí » theo lời kêu gọi của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Christine Schraner Burgener. Hôm qua, bà đã than phiền : « Niềm hy vọng mà người dân Miến Điện đặt vào Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên đang giảm đi ».
Mất điện nhiều nơi ở Myanmar giữa lúc biểu tình sôi sục
Tình trạng mất điện diện rộng được ghi nhận tại nhiều khu vực ở Myanmar hôm 5/3 trong bối cảnh biểu tình chống đảo chính vẫn diễn ra rộng khắp ở quốc gia này, theo News Asia.
Nguyên nhân ban đầu được xác nhận là do lỗi hệ thống.
CNA dẫn lời một quan chức ở Yangon cho biết: “Nó xảy ra do sự cố hệ thống. Chúng tôi không cắt điện. Điện sẽ có trở lại trong tối nay”.
Cư dân các thành phố từ Naypyitaw, đến Yangon và Mawlamyine cho biết điện bị mất từ đầu giờ chiều 5/3.
Tình trạng mất điện trên diện rộng diễn ra sau nhiều tuần biểu tình phản đối chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính hôm 1/2.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 55 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị quân đội Myanmar bắt giữ kể từ khi xảy ra chính biến.
Bất chấp hành động mạnh tay của quân đội, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình.
Đại học Stanford ra mắt trung tâm nghiên cứu liên kết với ĐCSTQ
Gần đây, Đại học Stanford đã cho ra mắt một trung tâm nghiên cứu mới trong khuôn viên trường có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ).
Daily Wire đưa tin, vào giữa tháng Hai, trường đại học này đã khai trương Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc. Trung tâm được điều hành bởi Viện Freeman Spogli, một tổ chức chính sách đối ngoại có liên hệ với chính phủ Trung Quốc. Viện Freeman Spogli có lịch sử hợp tác với Trung Quốc, mặc dù họ từ chối tiết lộ liệu họ có lấy tiền từ chính phủ Trung Quốc hay không.
Theo báo cáo của The Washington Free Beacon, Viện Freeman Spogli có mối liên hệ với Đại học Bắc Kinh ở Bắc Kinh, do một cựu điệp viên Trung Quốc tên là Qiu Shuiping điều hành. Một báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Úc đã chỉ định Đại học Bắc Kinh là một tổ chức có độ “rủi ro cao” vì liên quan đến nghiên cứu quốc phòng Trung Quốc và có liên kết với các chương trình vũ khí hạt nhân của nhà nước Trung Quốc.
Đại học Bắc Kinh cũng đã tổ chức các dự án chung với Đại học Chicago.
Trang web của Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc tuyên bố rằng mục tiêu của nó là nâng cao hiểu biết của sinh viên về các vấn đề kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
“Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc là ngôi nhà của Stanford để nghiên cứu thực nghiệm, đa ngành về nền kinh tế Trung Quốc,” trang web tuyên bố. “Chúng tôi đặt mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu mang tính đột phá, tạo ra những trải nghiệm mang tính chuyển đổi cho sinh viên và nâng cao hiểu biết của công chúng về nền kinh tế Trung Quốc và tác động của nó đối với thế giới.”
Theo một cuốn sách giới thiệu về trung tâm, nhân viên tại đây tuyên bố rằng, các bản tóm tắt nghiên cứu từ trung tâm sẽ được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách ở Washington DC, cũng như các tổ chức đầu tư công nghệ và doanh nhân ở Thung lũng Silicon.
Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc có thể sớm gia tăng ảnh hưởng tại Washington DC vì Tổng thống Joe Biden đã đề cử một trong những học giả cấp cao của tổ chức này cho vị trí thứ trưởng quốc phòng. Theo một báo cáo riêng của Washington Free Beacon, ông Colin Kahl, người được đề cử làm Thứ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, đã làm việc tại Viện Freeman Spogli.
Stanford nằm trong số nhiều trường đại học ưu tú tổ chức các chương trình liên kết với Trung Quốc trong khuôn viên trường. Trường đại học này cũng có một Viện Khổng Tử, vốn đóng vai trò như trung tâm tuyên truyền của ĐCSTQ trong khuôn viên các trường đại học của Mỹ. Một tài liệu cho thấy có hơn 100 trường đại học Mỹ có Khổng Tử Viện dành cho sinh viên.
Các trường đại học thường không công khai các mối quan hệ tài chính với các đối thủ nước ngoài của Mỹ như Trung Quốc. Dữ liệu từ Bộ Giáo dục cho thấy một số trường đại học hàng đầu ở Mỹ, bao gồm Đại học Cornell và Yale, đã không báo cáo hơn 3 tỷ USD quà tặng và quỹ nước ngoài, phần lớn trong số đó đến từ các quốc gia thù địch như Trung Quốc.
Thăm dò: 64% người Nga tin rằng COVID-19 là vũ khí sinh học
Theo cuộc khảo sát mới nhất của một cơ quan thăm dò độc lập của Nga, có tới 64% người Nga tin rằng virus COVID-19 là “vũ khí sinh hóa” do con người tạo ra.
Cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện vào tháng 3 do cơ quan bỏ phiếu độc lập của Nga “Trung tâm Levada” (Levada Center) chỉ ra rằng hơn một nửa số người Nga (56%) không sợ lây nhiễm COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, nhưng vẫn còn 43% số người sợ bị lây nhiễm. Trong số tất cả những người được hỏi, chỉ có 28% số người được hỏi không biết bất kỳ ai đã bị nhiễm COVID-19; cũng có 17% người được hỏi là chính bệnh nhân hoặc sống chung với bệnh nhân; 22% người được hỏi không sống cùng người thân được chẩn đoán lây nhiễm; 42% đồng nghiệp hoặc bạn bè của những người được hỏi là bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, đa số người được hỏi (64%) tin rằng virus COVID-19 là một loại vũ khí sinh hóa mới do con người tạo ra, trong khi chỉ có 23% người được hỏi tin rằng virus này là sản phẩm của tự nhiên. Thời gian khảo sát từ ngày 18-24/2/2021, được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn cá nhân, đối tượng khảo sát là cư dân thành thị và nông thôn trên 18 tuổi ở Nga với mẫu thống kê đến từ 137 thành phố. Tổng cộng 1601 mẫu thống kê hợp lệ đã được thu thập, sai số lấy mẫu ở mức độ tin cậy 95% là ± 1,5%.
Sau hơn 1 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, ngày càng có nhiều chuyên gia chắc chắn rằng virus COVID-19 là sản phẩm do con người làm ra. Ông Dư Mậu Xuân (Yu Maochun), cựu cố vấn chính sách Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày trước từng chỉ rằng Viện Virus học Vũ Hán không chỉ có quy trình quản lý an ninh kém, thậm chí còn bắt tay với quân đội Trung Quốc bí mật phát triển vũ khí sinh hóa. Ngay từ năm 2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo Viện Virus học Vũ Hán về các vấn đề an toàn sinh học.
Vào tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng vào mùa thu năm 2019, viện nghiên cứu virus Vũ Hán có người đã mắc phải một căn bệnh bí ẩn, sau đó một vụ lây nhiễm quy mô lớn đã xảy ra ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục bưng bít thông tin, còn ra lệnh tiêu hủy mẫu virus lấy từ các bệnh nhân ở giai đoạn ban đầu.
Việc chính quyền Trung Quốc bưng bít thông tin đã khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang nhiều quốc gia khác nhau. Cho đến nay, đã có ít nhất 114.113.590 trường hợp lây nhiễm được xác nhận trên khắp thế giới và hơn 2.549.910 trường hợp tử vong.
Viện Virus học Vũ Hán lưu giữ một lượng lớn các mẫu dơi có virus trước đó đã nhiều nước nghi ngờ nó có liên quan đến nguồn gốc của trận đại dịch lần này. Mặc dù nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bước đầu xác định rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm từ Viện Virus học Vũ Hán là “cực kỳ thấp”, nhưng kết quả này đã vấp phải nghi ngờ rộng rãi của thế giới bên ngoài.
Airbus/Boeing : Mỹ và châu Âu thỏa thuận tạm ngưng chiến trong 4 tháng
Cuộc đối thoại đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua 05/03/2021 đã mang lại kết quả đáng kể, đó là tạm hoãn 4 tháng cuộc chiến hàng không mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã lao vào từ năm 2014.
Bất đồng này đã kéo dài 17 năm qua với nhiều diễn biến, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp đặt mức thuế quan ban đầu có lợi cho Mỹ, rồi sau cho phía châu Âu. Nguyên nhân là do đôi bên cáo buộc lẫn nhau đã tài trợ cho Airbus và Boeing.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
« Thông cáo của bà Ursula von der Leyen sau cuộc điện đàm với ông Joe Biden vừa có vẻ đắc thắng lại vừa lạc quan. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nói đến một tin tức hết sức tốt đẹp và bước khởi đầu mới. Cuộc chiến chưa hẳn đã kết thúc, vì thời hạn tạm hoãn là 4 tháng. Nhưng trên thực tế, châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm.
Trước hết là do châu Âu lo sợ bị bỏ rơi, vì thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc được loan báo trước thỏa thuận với châu Âu 24 tiếng đồng hồ.
Tiếp đến, và nhất là vì ông Joe Biden đã chần chừ khá lâu. Gần 3 tuần sau khi vào Nhà Trắng, ông mới quyết định giữ nguyên các sắc thuế đặc biệt do tổng thống tiền nhiệm Donald Trump áp đặt lên Liên Hiệp Châu Âu vào đầu tháng Giêng.
Cho dù chỉ là ngưng chiến tạm thời, đối với châu Âu đây vẫn là điềm báo tốt, mang lại hy vọng một ngày đó sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại chung với Hoa Kỳ. Nỗ lực thứ ba theo hướng này, về một hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đề ra vào thời Barack Obama, đã bị Donald Trump hủy bỏ ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông ».
Mỹ bắt giam gần 100 ngàn di dân tại biên giới trong tháng Hai
Lực lượng biên phòng Mỹ bắt giữ gần 100.000 di dân tại biên giới Mỹ-Mexico trong tháng Hai, theo hai nguồn thạo tin, con số cao nhất trong tháng Hai kể từ năm 2006.
Số này cho thấy quy mô của làn sóng di dân ngày càng tăng kéo về biên giới phía nam trong lúc Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden tìm cách rút lại một số chính sách hạn chế của cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.
Đặc biệt là số trẻ em không có cha mẹ hay người giám hộ đi kèm đến biên giới ngày càng tăng đã khiến cho các giới chức Mỹ trong những tuần gần đây phải vất vả tìm các giải pháp cư trú và có tăng tốc giao những trẻ em này cho những người bảo trợ tại Mỹ.
Trong ngày 4/3, nhân viên tuần tra biên giới bắt hơn 4.500 di dân vượt biên giới Mỹ-Mexico, theo số liệu của chính phủ chia sẻ với Reuters, một dấu hiệu cho thấy việc xâm nhập bất hợp pháp có thể tiếp tục tăng trong tháng Ba.
Biên giới căng thẳng, nghị sĩ Mỹ yêu cầu Biden khôi phục chính sách thời Trump
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người nhập cư ở biên giới leo thang nhanh chóng, vào thứ Sáu (5/3), hơn 20 Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đã thúc giục TT Biden khôi phục tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía Nam, Epoch Times đưa tin.
Theo Fox News, trong một bức thư do Đại diện Đảng Cộng hòa Lance Gooden gửi tới TT Biden, các nhà lập pháp tuyên bố rằng chính quyền Biden “từ chối thực thi luật nhập cư và khuyến khích vô số người di cư [bất hợp pháp] tham gia vào một cuộc hành trình nguy hiểm qua biên giới của chúng ta”.
“Chúng tôi mong ngài nhận ra rằng cuộc khủng hoảng nhập cư [bất hợp pháp] đang xảy ra và khôi phục tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam của chúng ta”, các nhà lập pháp viết trong bức thư.
Những người ký tên trong bức thư này còn có Jim Banks, Brian Babin, Majorie Taylor Greene, Lauren Boebert, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa như Jody Hice và Michael Cloud.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng biên giới. Tổng thống Biden đã bắt đầu điều này [cuộc khủng hoảng biên giới] bằng cách thu hồi nhiều chính sách nhập cư từ thời TT Trump, đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi ông ấy ngay lập tức khôi phục tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới của chúng ta”, dân biểu Gooden nói với Fox News.
Chính quyền Biden đã thực hiện một số hành động đáng chú ý để hủy bỏ các hành động chống nhập cư bất hợp pháp thời TT Trump, bao gồm việc thu hồi Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (MPP) giữ người nhập cư bất hợp pháp ở Mexico. TT Biden cũng hạn chế các ưu tiên của việc thực thi pháp luật và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới.
Ngoài ra, chính quyền Biden cũng đã nối lại hoạt động “bắt và thả”, tức là những người nhập cư bất hợp pháp bị bắt sẽ được đưa vào Hoa Kỳ. Việc làm này đã dẫn đến việc thả một số người nhập cư bất hợp pháp đã được xét nghiệm là bị nhiễm virus Vũ Hán.
Axios báo cáo rằng số lượng trẻ em nhập cư bất hợp pháp được giao cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã gia tăng. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa chỉ ra rằng số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) cho thấy trung bình 3.000 người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ mỗi ngày vào tháng 1/2021 và ước tính sẽ có 117.000 trẻ em nhập cư bất hợp pháp không có người đi kèm vượt biên trong năm nay.
Cho đến nay, chính quyền Biden đã phủ nhận sự tồn tại của một cuộc khủng hoảng biên giới.
Các đảng viên Cộng hòa đã gióng lên hồi chuông báo động về cuộc khủng hoảng này trong nhiều tuần và kêu gọi chính quyền Biden rút lại các chính sách an ninh, cũng như kế hoạch cung cấp quyền nhập tịch cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Trong lá thư gửi cho TT Biden, các nhà lập pháp cho biết rằng chính phủ có thể ngăn chặn thảm kịch biên giới xảy ra bằng cách khôi phục tình trạng khẩn cấp ở biên giới và “Nghị định thư bảo vệ người nhập cư”.
“Hai bước này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới hàng triệu người nhập cư tiềm năng [bất hợp pháp] rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc nhập cảnh bất hợp pháp vào đất nước chúng ta”. các nhà lập pháp cho biết.
Đồng thời, các đảng viên Cộng hòa khác đang kêu gọi điều trần về cuộc khủng hoảng biên giới. Thành viên chính của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện, James Comer, đã chỉ trích chính quyền Biden vì đã đẩy nhanh tiến độ xử lý những người nhập cư bất hợp pháp.
“Hành động của Tổng thống Biden đang khuyến khích nhiều người nhập cư bất hợp pháp hơn và thu hút nhiều bậc cha mẹ đưa con cái đến Mỹ vì họ biết rằng chúng sẽ sớm được thả vào đất nước chúng ta”, ông Comer nói. “Tổng thống Biden nên làm theo cách tiếp cận của Tổng thống Trump để kiềm chế cuộc khủng hoảng biên giới, thay vì dùng đến chính sách ‘bắt và thả'”.
Trẻ em nhập cư bất hợp pháp không có người đi kèm đặt ra thách thức cấp bách nhất, bởi vì khác với những gia đình và người lớn bất hợp pháp, chính phủ Hoa Kỳ chăm sóc chúng cho đến khi chúng được chấp nhận bởi một người bảo lãnh trưởng thành đã được kiểm tra. Số lượng trẻ em bất hợp pháp dự kiến sẽ lên đến 9.000 vào tháng Hai, khiến nơi cư trú dành cho trẻ em của chính phủ bị quá tải.
Lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Kevin McCarthy đã viết thư cho TT Biden vào thứ Sáu yêu cầu một cuộc gặp với tổng thống để thảo luận về sự gia số tăng trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp không có người đi kèm.
“Chúng ta phải nhận ra cuộc khủng hoảng biên giới, phát triển một kế hoạch và sử dụng ngôn ngữ rõ ràng để phản đối mạnh mẽ các cá nhân từ Mexico và Trung Mỹ đang dấn thân vào một cuộc hành trình nguy hiểm vào biên giới phía Nam của chúng ta”, ông McCarthy viết.
Bang Mississippi ký dự luật chống lại lệnh hành pháp của TT Biden
Thống đốc Mississippi Tate Reeves cho biết ông sẽ ký một dự luật nhằm cấm việc người nam chuyển giới thi đấu thể thao với phụ nữ.
Một trong những lệnh hành pháp gây tranh cãi nhất mà Tổng thống Joe Biden đã ký trong những ngày đầu tiên nắm quyền là cho phép người nam chuyển giới (hay người nam tự cho rằng mình là phụ nữ) có thể thi đấu trong các môn thể thao nữ.
Daily Wire đưa tin, dự luật này được gọi là Đạo luật Công bằng Mississippi. Dự luật đã được Hạ viện Mississippi thông qua hôm thứ Tư (3/3) sau khi được Thượng viện thông qua vào tháng trước. Đạo luật Công bằng Mississippi sẽ cấm việc người nam chuyển giới thi đấu thể thao với phụ nữ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Reeves lên tiếng phản đối việc đưa các vận động viên chuyển giới nam vào thi đấu thể thao nữ giới. Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ký lệnh hành pháp gây tranh cãi nêu trên, thống đốc đã lên Twitter và gọi chính sách của tân tổng thống là “một thử nghiệm xã hội cấp tiến”.
Cựu TT Trump cũng đã chỉ trích chính sách này của ông Biden và đảng Dân chủ trong bài phát biểu tại Hội nghị CPAC.
“Joe Biden và đảng Dân chủ thậm chí đang thúc đẩy các chính sách có thể hủy diệt các môn thể thao của phụ nữ,” ông Trump nói. “Giờ đây, các cô gái và phụ nữ trẻ phát hỏa vì họ đang bị buộc phải cạnh tranh với những người là nam giới về mặt sinh học [nhưng tự nhận mình là nữ],”.
Cựu TT nói thêm “Điều này không tốt cho phụ nữ. Nó không tốt cho các môn thể thao của phụ nữ… Những kỷ lục tồn tại trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, giờ đây đang bị đập tan một cách dễ dàng. Nếu điều này không được thay đổi, các môn thể thao nữ, như chúng ta biết, sẽ chết. Chúng sẽ kết thúc, sẽ kết thúc”.
Tờ báo địa phương Wapt đưa tin, ở ít nhất 20 bang khác nhau của Hoa Kỳ các dự luật tương tự như Đạo luật Công bằng Mississippi đang được đề xuất nhằm bảo vệ các môn thể thao nữ. Những người ủng hộ cộng đồng LGBTQ đang gọi những nỗ lực này là “các cuộc tấn công phối hợp” vào cộng đồng người chuyển giới.
Trên thực tế, đặc điểm sinh lý của nam giới giúp họ có lợi thế hơn phụ nữ trong khi thi đấu thể thao. Do đó nhiều người lập luận rằng chính sách về giới tính này của ông Biden thực sự phản khoa học.
Vận động viên điền kinh người Mỹ Doriane Lambelet Coleman, nhà vô địch quần vợt Martina Navratilova và người đoạt huy chương vàng điền kinh Olympic Sanya Richards-Ross gần đây đã viết một bài bình luận đăng trên Washington Post. Trong đó, họ nêu quan điểm rằng, từ tuổi dậy thì trở đi, có số lượng lớn nam sinh và đàn ông đã đánh bại những nữ sinh và phụ nữ giỏi nhất trong các cuộc thi thể thao đối đầu, trừ những môn như chèo thuyền, bắn súng và cưỡi ngựa.
Một nghiên cứu của Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng cũng cho thấy, trung bình phụ nữ thể hiện sức mạnh phần trên cơ thể kém hơn khoảng 40% và sức mạnh phần dưới cơ thể kém hơn 33% so với nam giới.
Tòa Bạch Ốc: Biden sẽ tổ chức họp báo vào cuối tháng 3
Tòa Bạch Ốc ngày 5/3 (theo giờ Mỹ) cho biết ông Joe Biden sẽ tổ chức cuộc họp báo riêng đầu tiên trên cương vị tổng thống vào cuối tháng 3.
Tổng thống Biden bị chỉ trích vì đã không tổ chức bất kỳ một cuộc họp báo riêng nào trong hơn 40 ngày qua, một kỷ lục lâu hơn cả ba người tiền nhiệm gần nhất. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki ngày 5/3 nói rằng, ông Biden đã trả lời các câu hỏi vài lần trong một tuần, dù chưa tổ chức họp báo.
“Ông ấy thực sự đã trả lời câu hỏi hai lần vào ngày hôm qua, đó là cơ hội để những người có mặt tại Tòa Bạch Ốc hỏi về bất kỳ tin tức nào đang diễn ra vào bất kỳ ngày nào. Chúng tôi mong muốn tổ chức một cuộc họp báo chính thức trong những tuần tới trước khi kết thúc tháng và chúng tôi đang làm việc để thiết lập ngày đó. Ngay sau khi chúng tôi thiết lập, chúng tôi sẽ thông báo cho quý vị biết”, bà Psaki nói với các phóng viên ở Washington.
Thư ký Tòa Bạch Ốc cũng biện minh rằng, ông Biden lên nắm quyền khi nước Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng về dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Do đó, tổng thống cần tập trung thời gian và sức lực để lo cho người dân.
Tuy nhiên, một phóng viên lưu ý rằng trong hầu hết các vấn đề mà bà Psaki nhắc tới, ông Biden chỉ trả lời một hoặc hai câu hỏi. Đây là một sự khác biệt lớn so với cựu Tổng thống Donald Trump, người đã trả lời hàng loạt câu hỏi của giới truyền thông bên ngoài các cuộc họp báo chính thức.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào