Ngoại trưởng Antony Blinken không xa lạ với các vấn đề Trung Quốc. Ảnh ông Blinken (giữa) đến trò chuyện tại một đại học ở Hà Nội. Ảnh FB ĐSQ Hoa Kỳ tại VN.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ có cuộc họp với các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi (Vương Nghị) tại một phòng họp ở phi trường Anchorage, tiểu bang Alaska vào hôm nay thứ Năm 18-03-2021. Đây là lần gặp gỡ mặt đối mặt đầu tiên giữa đại diện ngoại giao hai nước kể từ khi chính phủ Joe Biden lên cầm quyền ở Hoa Kỳ cách đây hai tháng.
Việc lựa chọn nơi gặp mặt ở Alaska được báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng là chọn vị trí trung điểm về địa lý giữa hai nước chứng tỏ Trung Quốc không phải tới dự họp với tư thế yếu hơn [họ cố tình quên rằng, dù xa xôi Alaska vẫn là lãnh thổ của Hoa Kỳ]. Trong lúc ngoài phòng họp nhiệt độ luôn ở dưới mức âm thì theo dự đoán của các nhà quan sát, bên trong cuộc họp thái độ của hai bên cũng sẽ lạnh nhạt không kém: cuộc họp kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ, không dành thời gian chào hỏi làm quen cũng như không có bữa tối chung cho các đại biểu dự họp.
Chưa kể rằng, hôm nay, chỉ một ngày trước cuộc họp, chính phủ Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt 24 quan chức cao cấp của Trung Quốc, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc – một trong 15 “ông vua” không do người dân bầu lên của nước này, một động tác làm cho Bắc Kinh hết sức tức giận và bẽ mặt.
Trang mạng chuyên về ngoại giao Foreign Policy nhận định, khó có khả năng hai bên đạt được tiến bộ có ý nghĩa tại cuộc họp Alaska; cuộc họp sẽ là nơi hai bên than phiền và tố cáo lẫn nhau hơn là trao đổi quan điểm về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Phía Hoa Kỳ chắc chắn sẽ nêu quan điểm về cuộc đàn áp dân chủ ở Hong Kong, lạm dụng nhân quyền ở Xinjiang (Tân Cương), hành động cưỡng bức và đe dọa quân sự ở Biển Đông Việt Nam cũng như các vụ tấn công điện toán của Trung Quốc vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Một nguồn tin nội bộ cho biết thêm rằng, phía Hoa Kỳ sẽ phản đối thái độ chèn ép của Trung Quốc đối với hai đồng minh thân thiết là Canada (trả đũa vụ Canada bắt giam bà Meng Wanzhou của tập đoàn Huawei) và Úc (trả đũa vụ Úc đòi điều tra quốc tế nguồn gốc đại dịch Covid-19). Kurt Campbell, cố vấn cao cấp của Tổng thống Joe Biden về châu Á, nói với báo Úc The Sydney Morning Herald hôm nay rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không được cải thiện chừng nào Bắc Kinh chưa chấm dứt cuộc chiến tranh kinh tế không tuyên chiến chống lại nước Úc.
Trong khi đó, Trung Quốc mang đến cuộc họp yêu cầu Hoa Kỳ “khởi động lại” (reset) quan hệ giữa hai nước, yêu cầu chính phủ Biden đảo ngược nhiều chính sách chống Trung Quốc được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và nối lại các cuộc họp cấp cao, đề nghị có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vào tháng Tư v.v…
Theo một nguồn tin nội bộ, Trung Quốc muốn chính phủ Biden bãi bỏ hạn chế các công ty công nghệ Mỹ cung cấp thiết bị, linh kiện và phần mềm cho các hãng viễn thông Trung Quốc như Huawei Technology và nhà sản xuất vi mạch SMIC (Semiconductor Manufacturing International Co.), hủy bỏ việc cấm nhập cảnh Mỹ các quan chức và đảng viên đảng CSTQ, các sinh viên và phóng viên báo chí Trung Quốc, cho mở lại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas… Trung Quốc cũng đã có những biện pháp hạn chế tương tự đối với các quan chức và công ty Mỹ để trả đũa.
Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump, thậm chí còn thúc đẩy mạnh hơn như quyết định cấm vận 24 quan chức cao cấp của Bắc Kinh nói trên. Vấn đề thuế suất mà ông Trump cho áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng không được coi là đề tài ưu tiên trong cuộc họp lần này.
Các ông Yang và Wang cũng sẽ đề nghị một cơ chế đối thoại trong đó hai bên sẽ có các hội nghị đối thoại thường niên để cùng thu hẹp những quan điểm cách biệt về kinh tế, thương mại, an ninh và các lĩnh vực khác. Các cuộc hội nghị như vậy đã có từ thời cựu Tổng thống George W. Bush, kéo dài qua thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng đã bị cựu Tổng thống Donald Trump bãi bỏ vì cho rằng chỉ mất thời gian và Trung Quốc không bao giờ làm đúng những điều họ cam kết trong các hội nghị. Chính quyền Biden đã tỏ ra không quan tâm tới việc tái lập những hội nghị như vậy.
Các đề nghị Washington thay đổi chính sách của cựu Tổng thống Trump cho thấy Bắc Kinh có niềm tin lớn là sẽ thuyết phục được chính quyền Biden. “Trung Quốc cảm thấy họ đang có lợi thế lớn, phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn,” ông Daniel Russel, một nhà ngoại giao thời Obama nhận xét với báo The Wall Street Journal. Trong năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua được đại dịch Covid-19, phục hồi được tăng trưởng kinh tế bất chấp dịch bệnh và cuộc thương chiến của chính phủ Trump; ông Tập củng cố được quyền lực và sự ủng hộ của dân chúng trong nước.
Nhưng niềm tin thay đổi cách nhìn của Washington có thể là ảo tưởng. Chính phủ Biden đang nỗ lực thể hiện Washington rất cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí cứng hơn thời ông Trump dù đảng Cộng Hòa vẫn tố cáo đảng Dân Chủ chủ trương thỏa hiệp với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Blinken bước vào cuộc họp Alaska ngay sau chuyến công du đầu tiên tới châu Á, nơi ông không ngại bày tỏ lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ và củng cố sự hợp tác với các đồng minh dân chủ trong khu vực. Về phần mình, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng không thể tỏ ra mềm mỏng vì bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng bị dư luận trong nước Trung Quốc lên án và thậm chí dẫn tới sự sụp đổ sự nghiệp chính trị của họ.
Một trong những trở ngại lớn cho quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai là người Mỹ không còn tin tưởng vào những lời cam kết của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Chính ông Tập Cận Bình đã nhiều lần cam kết với cựu Tổng thống Barack Obama – một cách công khai trước báo chí, truyền hình – rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ quân sự hóa các đảo họ bồi đắp ở Biển Đông, sẽ chấm dứt hoạt động do thám và tấn công (hacking) các hệ thống điện toán của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Nhưng thực tế cho thấy lời hứa của nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ có giá trị ngang với một tờ giấy lộn. Các ông Jake Sullivan và Antony Blinken – quan chức ngoại giao dưới thời Obama – vẫn chưa thể quên được nỗi nhục bị Bắc Kinh lừa trong những vụ việc như vậy.
Vì thế, cuộc họp ở Alaska hôm nay sẽ không có ý nghĩa nhiều cho quan hệ Mỹ-Trung. Những lời kêu gọi của Trung Quốc “hai bên nên tôn trọng và đối xử với nhau một cách bình đẳng, nâng cao hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại, quản lý và giải quyết những sự khác biệt và đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn” tỏ ra hết sức sáo rỗng và khó thuyết phục. Cho đến nay, bên cạnh việc kêu gọi đối thoại Bắc Kinh vẫn trịch thượng đặt các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông… là những “lợi ích cốt lõi”, là “công việc nội bộ” của họ và họ sẽ không đàm phán, không thỏa hiệp. Lối ứng xử hai mặt này của Bắc Kinh không xa lạ với những nhà ngoại giao lão làng như Bộ trưởng Blinken.
Xem ra mối bất hòa Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài và cần nhiều nỗ lực hàn gắn của cả hai bên hơn là một cuộc họp thoáng qua ở một nơi xa xôi và lạnh giá.
https://saigonnhonews.com/trong-doi-gi-o-cuoc-hop-my-trung-o-alaska/
Không có nhận xét nào