Header Ads

  • Breaking News

    Hiếu Chân - Giới trẻ Myanmar và cuộc biểu tình dân chủ “2222”

    Peerapon Boonyakiat/SOPA Images via ZUMA Wire

    Người dân Myanmar đã không lùi bước. Cô Htet Htet Hlaing, 22 tuổi, cho biết cô rất sợ hãi và đã cầu nguyện trước khi tham gia biểu tình ngày thứ Hai 22-2, nhưng cô không chùn bước. “Chúng tôi không muốn chính quyền quân phiệt (junta), chúng tôi muốn dân chủ. Chúng tôi muốn tạo ra tương lai của chính mình. Mẹ tôi không ngăn cản tôi xuống đường, bà chỉ bảo “hãy cẩn trọng”,” cô nói với nhà báo Reuters.

    Người dân Myanmar tin vào điềm báo của ngày tháng. Ngày thứ Hai 22-2 được coi là ngày tốt để khởi sự một công cuộc đấu tranh; họ gọi là “phong trào 2.22.2”. Ba mươi ba năm trước, ngày 08-08-1988, từ cuộc đấu tranh của sinh viên Viện Công nghệ Rangoon (RIT) người Myanmar đã phát động cuộc nổi dậy 8.8.88 (8888 Uprising) trên toàn quốc, buộc nhà độc tài quân phiệt Ne Win phải từ chức.

    *****

    Tuy cuộc nổi dậy bị dìm trong biển máu với hơn 3.000 người bị giết, hàng vạn người khác phải trốn vào rừng hoặc đào thoát sang nước láng giềng Thái Lan, theo Wikipedia, nhưng nó đã dẫn tới sự ra đời của Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) do bà Aung San Suu Kyi – con gái của vị anh hùng lập quốc Aung San – làm thủ lãnh, và bắt đầu một cuộc đấu tranh lâu dài nhằm thoát ra khỏi chế độ quân phiệt, thành lập chế độ dân chủ tự do. Cuộc chiến đấu có lúc tiến như cuộc bầu cử năm 1990 trong đó đảng NLD chiếm đa số ghế quốc hội nhưng bị quân đội hủy bỏ kết quả bầu cử, lúc thoái như vụ đàn áp đẫm máu cuộc Cách mạng Tăng bào (Saffron Revolution) của các nhà sư Phật giáo Myanmar năm 2007, nhưng cuối cùng quân đội Myanmar (gọi là Tatmadaw) phải nhượng bộ, một chính phủ dân sự ra đời năm 2011 và ông Thein Sein – một cựu tướng lãnh – được bầu làm tổng thống đầu tiên của đất nước.

    Mười năm xây dựng, có thể nói ngay rằng chế độ dân chủ của Myanmar còn có quá nhiều khiếm khuyết khi quyền lực quốc gia vẫn nằm trong tay quân đội, lấn át hẳn chính phủ dân cử. Bản hiến pháp do quân đội soạn thảo và thông qua năm 2008 dành cho Tatmadaw quyền được bổ nhiệm không qua bầu cử một phần tư số đại biểu quốc hội, bổ nhiệm bộ trưởng các bộ quan trọng nhất. Các tướng lĩnh quân đội cùng thân nhân của họ cũng nắm những ngành kinh tế then chốt nhất, từ khai thác đá quý, xuất nhập cảng hàng hóa đến trang trại nuôi gà vịt. Chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi chỉ có vai trò rất giới hạn trong việc hoạch định những chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

    Làm sao dung hòa giữa quyền lực bao trùm của quân đội vốn có xu hướng quân phiệt và nhu cầu cải cách chính trị, thực hiện dân chủ của xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và tế nhị của chính quyền dân sự Myanmar và cá nhân nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của đảng NLD. Đã có nhiều lúc chính quyền của bà Aung San Suu Kyi phải chấp nhận dung túng, thậm chí thỏa hiệp với quân đội như trong vụ đàn áp người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo năm 2017-2018 gây bất bình khắp thế giới.

    Tuy vậy, mười năm thoát khỏi tình trạng cô lập với thế giới bên ngoài và xây dựng lại đất nước đã thổi một luồng sinh khí mới vào xã hội Myanmar, nuôi dưỡng kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

    Thay đổi đáng chú ý nhất của công cuộc xây dựng dân chủ ở Myanmar là nó đã củng cố khát vọng dân chủ tự do nhất là trong giới trẻ.

    Chỉ xét về kinh tế, Myanmar đã tiến một bước dài trong việc phục hồi các hoạt động kinh doanh và nâng mức thu nhập của người dân lên nhiều lần. Trong bảy năm từ 2010 đến 2017 tổng sản lượng GDP của Myanmar tăng gấp đôi, thu nhập bình quân đầu người, tính theo sức mua tương đương (PPP) cũng tăng gần gấp đôi, từ $3,679 lên $6,244/người/năm, nợ công của quốc gia giảm từ 50% GDP xuống còn 35% GDP, theo số liệu của FocusEconomics.

    Ưu tiên hàng đầu của chính quyền dân sự Myanmar sau khi bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD lên cầm quyền tháng 3-2016 là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận kinh tế Myanmar tháng 10-2016 và cấp quy chế ưu đãi thuế quan tổng quát (GSP) cho nước này vào tháng 11-2016. Cùng thời điểm đó Myanmar ban hành luật đầu tư nước ngoài, bắt đầu làn sóng các nhà đầu tư Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Việt Nam) đổ tiền vốn và bí quyết kinh doanh vào Myanmar. Nếu như trong năm 2009-2010 Myanmar chỉ thu hút được $300 triệu vốn đầu tư chủ yếu từ Trung Quốc thì con số này đã tăng tới $20 tỷ trong năm 2011-2012, tăng 6576%. Người nước ngoài đầu tư mạnh vào Myanmar ở các dịch vụ như du lịch, viễn thông, tài chính hoặc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may…

     


    Geem Drake/SOPA Images via ZUMA Wire

    Là thuộc địa cũ của đế quốc Anh, người Myanmar ở các đô thị có trình độ tiếng Anh khá tốt, và giới trẻ được hưởng một môi trường đào tạo có thể nói phẩm chất không kém hệ thống giáo dục của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tại một hội nghị quốc tế về truyền thông và môi sinh ở Nhật Bản 15 năm trước, người viết bài này đã rất ngạc nhiên khi thấy một nhà báo Myanmar trẻ sử dụng tiếng Anh rất lưu loát để điều khiển một phiên thảo luận nhóm cứ như một người xuất thân từ Cambridge hoặc Oxford nhưng hóa ra cô ấy chỉ học đại học RIT ở trong nước và đang làm phóng viên cho báo Myanmar Times.

    Ngay dưới thời quân phiệt 1962-2010, tầng lớp sinh viên và rộng ra là giới trẻ Myanmar đã là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi thực thi dân chủ, chống độc tài mà cuộc nổi dậy 8.8.88 là một minh chứng. Sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, một số sinh viên cầm đầu đã chạy sang miền bắc Thái Lan, tập hợp lại và mở các khóa huấn luyện về đấu tranh bất bạo động theo phương thức của học giả người Mỹ Gene Sharp, Đại học Massachusetts Dartmouth. Những người này sau đó trở về thực hiện cuộc Cách mạng Tăng bào năm 2007 mà lực lượng chủ yếu là giới trẻ mặc áo nhà sư (theo tập quán của Phật giáo Myanmar, thanh niên đến tuổi trưởng thành phải vào chùa tu tập nội trú ít nhất một năm trước khi trở về nhà tiếp tục việc học hoặc làm ăn). Nhưng dưới thời quân phiệt, Myanmar bị cô lập về chính trị và kinh tế với thế giới, công nghệ viễn thông không phát triển, người đấu tranh thiếu phương tiện liên lạc để kết nối với nhau và với bên ngoài, dễ bị đàn áp một cách tàn bạo. Khi chúng tôi tới Yangon lần đầu năm 2013, một cái simcard cho điện thoại di động vẫn còn có giá gần $1.000 và chỉ có những “đại gia” hoặc quan chức chính phủ mới có thể sắm điện thoại di động.

    Tình hình bây giờ đã khác xa. Các công ty viễn thông quốc tế đã vào cuộc và giá máy điện thoại di động cũng như simcard ở Myanmar đã ngang bằng với các nước trong khu vực. Theo dữ liệu CIA Worldbook, đến cuối năm 2019 Myanmar đã có 63.877.526 khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông di động, bình quân cứ 100 người dân thì có 114 máy điện thoại di động, xếp thứ 25 trên thế giới. Mạng internet Myanmar được kết nối với thế giới bên ngoài qua các hệ thống cáp quang biển SeaMeWe 3, SeaMeWe 5, đường cáp quang Singapore-Myanmar nối với châu Á, Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á, Úc và châu Âu; các vệ tinh IntelSat và ShinSat nối với Bắc Mỹ.

    Nhờ hội nhập với thế giới và kết nối mạng internet toàn cầu trong những năm gần đây, giới trẻ Myanmar bây giờ không chỉ mở rộng được kiến văn về các thể chế chính trị, về tình hình thế giới mà còn có lợi thế hơn các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ cho quê hương họ.

    Khi có tin tức về cuộc đảo chính, nhiều người hết sức ngỡ ngàng và thất vọng vì công cuộc dân chủ hóa của Myanmar có cơ bị đình trệ hoặc đảo ngược; quốc gia của những ngôi chùa dát vàng có nguy cơ quay trở lại thời tăm tối dưới chế độ quân phiệt. Nỗi lo đó là có căn cứ, vì ngay cả một nền dân chủ lâu đời và vững mạnh như Hoa Kỳ còn suýt bị tiêu vong trong cuộc bạo loạn ngày 06-01-2021, huống gì Myanmar, một nền dân chủ sơ khai và nhiều khiếm khuyết.

    Min Zin, một thành viên phong trào nổi dậy 8.8.88 ba mươi ba năm trước và lưu vong ở nước ngoài suốt hai thập niên sau đó, bây giờ phụ trách một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Yangon viết trên The New York Times: “Nhiều người biểu tình mà tôi trò chuyện đều nói việc quân đội chiếm quyền sẽ dẫn đất nước vào ‘một kỷ nguyên tăm tối’ và hủy hoại tương lai của họ, giống như cuộc đảo chính 1988 đã hủy hoại thế hệ chúng tôi. Họ nói Tatmadaw không chỉ làm đảo chính mà còn tuyên chiến với thế hệ trẻ Myanmar. Họ nhìn cuộc xung đột hiện nay như là trận chiến cuối cùng giữa dân chủ và độc tài”.

    Tương lai ảm đạm đang mở ra trước mặt thế hệ trẻ Myanmar. Nhưng họ có thể làm gì? Lòng dũng cảm đang thôi thúc họ xuống đường phản đối, ngày càng đông đảo bất chấp đàn áp, nhưng chỉ áp lực của các đám đông biểu tình thôi thì không thể dẫn tới cuộc chuyển hóa chính trị thật sự. Phong trào biểu tình hiện nay chủ yếu lại mang tính tự phát, không có người lãnh đạo vì bộ chỉ huy của đảng NLD đã bị bắt.

     


    Aung Kyaw Htet/SOPA Images via ZUMA Wire

    *****

    Hoa Kỳ cùng với các chính phủ phương Tây nhanh chóng phản đối đảo chính, đòi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự. Washington đã ra lệnh cấm vận hai tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar, đóng băng khoản tài sản 1 tỉ USD của chính phủ nước này tại các ngân hàng Mỹ, nhưng theo các nhà bình luận chính trị, những biện pháp này không có nhiều hiệu quả thực tế. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nói “Hoa Kỳ sát cánh cùng nhân dân Myanmar”, nhưng cụ thể sát cánh như thế nào thì chưa thấy ông nói đến. Mà chính Hoa Kỳ cũng đang khó xử với tình hình Myanmar, làm sao để ngăn chặn chế độ quân phiệt, tái lập nền dân chủ mà không gây áp lực quá mạnh đẩy nước này lún sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc là một bài toán quá khó. Thiết nghĩ, ngoài việc trừng phạt những tướng lãnh gây ra cuộc đảo chính, Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây nên quan tâm nhiều hơn tới các biện pháp hỗ trợ giới trẻ Myanmar đang trên tuyến đầu cuộc đấu tranh bất bạo động.

    Lời giải bây giờ nằm trong tay những người biểu tình trẻ tuổi của Myanmar. Nhưng thực tế cuộc đấu tranh của giới trẻ Hồng Kông chống lại ách cai trị của Trung Quốc bảo vệ các quyền tự do dân sự của vùng lãnh thổ này những năm vừa qua, cuộc đấu tranh của giới trẻ Thái Lan đòi thay đổi “luật khi quân” khắc nghiệt, hạn chế quyền lực của Hoàng gia Thái và cải cách dân chủ đang diễn ra hiện nay cho thấy, trong những cuộc đối đấu không cân sức giữa giới trẻ yêu tự do và thể chế độc tài toàn trị quân phiệt, phần thắng dễ dàng nghiêng về phía những nhà cai trị có súng đạn, nhà tù và những mưu hèn kế bẩn.

    Được biết một số nhà ngoại giao phương Tây đang âm thầm nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa phe quân đội đảo chính với đảng NLD để tháo ngòi nổ xung đột. Nếu trong những ngày tới không có những sự kiện đột biến – chẳng hạn như thỏa thuận giữa hai cánh quân sự và dân sự, hoặc một số tướng lĩnh cấp cao từ bỏ hàng ngũ, trở về với nhân dân – thì thất bại của phong trào biểu tình 2222 là có thể thấy trước. Và hy vọng tái lập chế độ dân chủ ở Myanmar cũng sẽ lụi tàn.

    Thế giới không nên để cho điều ấy xảy ra.

    https://thenewviet.com/gioi-tre-myanmar-va-cuoc-bieu-tinh-dan-chu-%E2%80%9C2222%E2%80%9D.html

    Không có nhận xét nào