(Gồm 3 phần)
Những người lính của chương trình Phát triển Cách mạng
Vũng Tàu cần phải trở thành trái tim của “cuộc sống mới” ở Việt Nam – nằm ở đây là trung tâm huấn luyện cho các đội RD, những nhà cách mạng tạm thời. Như đã nói, Vũng Tàu cần phải trở thành trái tim của phong trào mới – vì không chương trình nào khác ở Việt Nam được khen ngợi và bị chê bai, được ngưỡng mộ và bị khinh thường như chương trình RD…
RD là viết tắt cho “Revolutionary Development – Phát triển Cách mạng”, một khẩu hiệu thất bại cho một ý tưởng đáng khen: xây dựng một cuộc sống mới trong các làng mạc Việt Nam, một cuộc sống được xây dựng từ an ninh, thịnh vượng và tin tưởng. Hai người lính mặt trận Mỹ được xem như là “cha đẻ” của phong trào: Thiếu tá Frank Scotton và Đại úy William Dreyer. “Chúng ta đánh nhau với Việt Cộng ở đây thì có lợi ích gì”, họ đã giải thích ngay từ năm 1963, “nếu như sau đó không giữ được những ngôi làng. Chỉ có thể chiến thắng ở đây nếu như mang an ninh và hòa bình lại cho làng mạc. Nhưng chỉ có thể làm được điều đó nếu như người dân có thể tự giúp mình!”
Cuối cùng thì người Việt cũng khuất phục trước sự ồn ào không biết mệt mỏi của hai người lính mặt trận: năm 1965, một bộ được thành lập để thực hiện ý tưởng đó từ trên xuống. Ý tưởng chính được công bố khắp nước: “Ngay sau khi thanh trừng xong một ngôi làng hay một nhóm nhà nông dân, những nhóm RD cần phải đại diện cho sự hiện diện của chính phủ và bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại những hoạt động bí mật, khủng bố và tham nhũng. Họ cần phải đứng sát cánh tư vấn và giúp đỡ những người nông dân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống trong làng và chỉ ra đi khi việc tự bảo vệ được bảo đảm. Chương trình này phải được tiến hành bởi những người tự nguyện. Việc không thể tránh khỏi là sẽ luôn có người chết trong cuộc chinh chiến này.”
Ít nhất thì dự đoán này đã trở thành hiện thực: Cho tới nay đã có 891 người RD chết trong “cuộc chiến ở phía sau mặt trận” này…
Chương trình có thể có nhiều tác động, nhưng không trong quy mô mong đợi. Nó thất bại vì nhiều thiếu sót và bất cập mang đặc tính Việt. Khiếm khuyết nặng nhất là thiếu sự an toàn: những nhóm RD phải hoạt động độc lập, không có sự bảo vệ của quân đội. Và ở Việt Nam thì ngay đến cả những người lý tưởng mơ mộng cũng không đánh giá cao điều ấy. Một mặt thì đa số những nhà cách mạng nông thôn này được tuyển chọn từ số đáng thương còn lại của những cuộc tuyển chọn khác: những ai không được quân đội, lực lượng dân quân, địa phương quân, không được Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng Dân sự Chiến đấu (CIDG – Civilian Irregular Defense Group) và Việt Cộng tuyển mộ để cầm súng chiến đấu thì cuối cùng còn lại cho RD. Vì vậy mà đó không phải là hạng nhất.
“Phần lớn người RD của chúng tôi đến từ thôn làng hay trại tỵ nạn”, Nguyen Be nói, 37 tuổi, thiếu tá quân đội, chỉ huy Trại Huấn luyện RD ở Vũng tàu. “Khoảng 20 phần trăm mù chữ. Chúng tôi thường đưa những người này vào nhóm quân sự của đội 59 người, vì bắn súng thì ai trong số họ cũng biết.”
Nhưng chỉ với bắn súng thôi thì không thể xây dựng được một ngôi làng. Vì vậy mà trọng tâm nằm ở ba nhóm khác: nhóm chỉ huy (khai sáng chính trị, hỏi cung, chăm sóc y tế), nhóm kỹ thuật (quản lý hành chánh, khiếu kiện, tuyên truyền) và nhóm phát triển (thầy giáo cũng như chuyên gia về thủy lợi, cải cách ruộng đất, nông nghiệp và tái xây dựng). “Người của chúng tôi nằm trong độ tuổi từ 17 tới 40”, Thiếu tá Be nói. “Nhưng không có người trong tuổi từ 22 tới 25, vì hầu hết họ đều ở trong quân đội. Vì vậy mà chúng tôi cũng nhận cả những người trẻ tuổi hơn.”
Và đó cũng là một khuyết điểm của chương trình: nông dân không thích để cho người trẻ tuổi hơn giảng giải. Ở Việt Nam cũng không…
Khóa đào tạo kéo dài mười hai tuần. Rồi từ trung tâm ở Vũng tàu, các đội bắt đầu đi vào hoạt động. Ở đây, họ phải chứng tỏ rằng họ đã học đủ để thực hiện “11 tiêu chí” dẫn đến việc bình định một ngôi làng: tiêu diệt lực lượng bí mật của cộng sản, loại bỏ tham nhũng, xây dựng một tinh thần mới, dân chủ hóa hành chính, xây dựng lực lượng tự vệ, xóa bỏ mù chữ, phát triển, tiến hành cải cách ruộng đất, phát triển nông nghiệp và thủ công cũng như xây dựng đường xá và các hệ thống tưới nước.
Một người lính RD phải đăng ký phục vụ hai năm. Lương tháng: 3500 đồng. Ai muốn bỏ ngũ thì phải trả 12.000 đồng. “Sức thu hút của tiền bạc là không quan trọng”, thiếu tá Be nói, “người chúng tôi có thể lãnh hàng tháng 15.000 đồng nếu làm việc cho người Mỹ. Nhưng dù vậy vẫn có đủ người tình nguyện đăng ký. Cho tới nay, chúng tôi có 590 đội với 34.819 người đang hoạt động. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đào tạo thêm 28.000 người nữa. Mục tiêu của chúng tôi: 2000 đội với tổng cộng 120.000 người. Qua đó chúng tôi sẽ thực hiện điều mà Nam Việt Nam đang cần nhất: an ninh cho làng mạc, xây dựng một hệ hành chánh tự quản thực sự và công bằng xã hội.”
Nhưng Thiếu tá Be, người đã làm việc cho mục đích ấy ngay từ thời Diệm, biết rõ con đường đi còn dài cho tới đâu: “Chúng tôi muốn bình định 1100 ấp trong năm nay. Nếu chúng tôi làm được điều đó trong 500 ấp – thì là đã rất thành công rồi.” Và rồi ông chán nản nói thêm: “Thiếu nhiều điều kiện tiên quyết. Ở đây thì tất cả mọi thứ đều tuân theo câu nói: Ai có tiền thì có quyền. Nhưng ngày nay có tiền là những người tham nhũng và hưởng lợi từ chiến tranh. Đạo đức là cái nằm lại.”
Và cho tới chừng nào còn như thế thì những chương trình tốt nhất cũng phải thất bại – mặc dù lẽ ra chính chúng là bước đi đầu tiên tiến đến hòa bình…
Tất cả mọi thứ đều dễ dàng. Người ta chỉ cần bước vào tòa nhà Rex ở Sài Gòn và nói: “Tôi muốn đi về đồng bằng sông Cửu Long.” Thế là người ta có ngay cảm giác: Họ đã chờ sẵn như vậy, rằng người ta muốn đi về đồng bằng sông Cửu Long. “Không có khó khăn gì đâu”, Don Jones, một trong những Press-Affair-Officers, nói, “sáng sớm ngày mai 7 giờ 10 ở phi trường Tân Sơn Nhứt, Căn cứ Trực thăng 125, Đại úy Mariano sẽ chờ anh. Anh đi chuyến buýt vào lúc 6 giờ sáng từ Brinks. Được chứ?” Tất nhiên là được rồi – chỉ là vào buổi sáng ngày hôm sau thì chiếc trực thăng không có ở đó. Đại úy Mariano cũng không. Thay vào đó là một viên hạ sĩ quan ngồi uể oải trước một cái bàn. “Anh là người Ấn đó à?” anh ta hỏi. Người ta giật mình. Nhưng ở Việt Nam thì người ta không được phép giật mình hoảng sợ. Người ta phải dự tính với mọi việc. Thế là người ta nói. “Rất đáng tiếc, hạ sĩ – tôi là người Eskimo.” Điều ấy không làm cho anh ta ngạc nhiên. “Tôi chỉ biết về một ông người Ấn mà chúng tôi cần phải chở ông ấy đến đồng bằng sông Cửu Long.” Vâng, đến lúc đó thì đã quá muộn để hóa thân mình thành một người Ấn Độ…
Thật sự là thế – tất cả mọi việc đều dễ dàng. Người ta trở về tòa nhà Rex và nói: “No helicopter, no Mariano.” – “Oh sorry”, Mister Jones chưng hửng. Nhưng chỉ vài giây đồng hồ, rồi anh ấy có một ý tưởng. “Wait a moment –”, bàn tay anh ấy cầm lấy điện thoại, “hello Bill…”
Vì thế mà người ta bất ngờ quen được với những người quan trọng ở Việt Nam. Vì Bill là người của RMK-BRJ. Và sáu chữ cái ấy ở Việt Nam thì người ta biết đến nhiều hơn là tên của tổng thống. Vì RMK-BRJ có 52.000 nhân viên…
Trụ sở của công ty xây dựng Mỹ RMK-BRJ tại số 2 Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch), Quận 1, Sài Gòn, VNCH, tháng 1 năm 1972.
“Bắt đầu với việc phải mở rộng phi trường ở Đà Nẵng và Pleiku năm 1962”, James A. Lilly, Tổng Giám đốc RMK nói. “Nhưng lực lượng công binh của Thủy Quân Lục Chiến – chịu trách nhiệm cho tất cả các dự án xây dựng – không còn đủ năng lực. Thế là người ta tìm đến chúng tôi. Đó là một dự án 15 triệu dollar. Chúng tôi nhận ‘công việc’ đó. Vâng, và rồi chúng tôi đã ở lại kể từ lúc đó – mặc dù công việc thì nguy hiểm và lợi nhuận thì không bao nhiêu.”
Khi người Mỹ nhận một ‘công việc’ chỉ mang lại rất ít lợi nhuận thì cả nửa thế giới sẽ sửng sốt và chăm chú lắng nghe. “Mister Lilly – thế thì bao nhiêu công sức và rủi ro để làm gì, nếu như hầu như không có lợi nhuận gì hết?”
Người đàn ông với mái tóc bạc cắt ngắn, mang nhiều trách nhiệm hơn tướng lãnh nào đó ở Việt Nam, suy nghĩ không lâu: “Đây”, ông ấy nói và đặt một hóa đơn lên bàn, “trong ngành của chúng tôi, người ta thường tính toán từ 10 đến 15 phần trăm lợi nhuận. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ nhận được 1,7 phần trăm của chi phí thực tế. Và rồi khi công việc của chúng tôi thỏa mãn được mọi yêu cầu về chất lượng và được thực hiện đúng thời hạn, thì sẽ có thêm 0,67 phần trăm tiền thưởng. Tại sao chúng tôi lại làm ‘công việc’ này mặc dù vậy? Vì đó là một nhiệm vụ hết sức lớn cho chúng tôi – ở đây, chúng tôi xây dựng đất nước này. Và như là người Mỹ thì tôi chỉ có thể nói với anh rằng: đứng ở sau đó là một ít niềm tự hào và lòng yêu nước. Nếu như chỉ vì kinh doanh thì chúng tôi đã không ký kết hợp đồng này.”
Một hợp đồng bắt đầu với một chương trình 15 triệu dollar và hiện giờ đã tăng lên đến 800 triệu dollar…
RMK-BRJ là chữ đầu viết tắt của bốn công ty xây dựng lớn nhất của Mỹ, đã liên kết với nhau ở Việt Nam: Raymond International, Morrison-Knudsen, Brow and Root và Jones Contruction.
“Vào lúc bắt đầu hợp nhất thì hầu như chỉ là công trình quân sự”, James A. Lilly nói, “nhưng ngày nay thì đúng là chúng tôi có thể gọi mình là ‘người xây dựng Việt Nam’. Vì ngày nay, chúng tôi không chỉ xây phi trường quân sự, phi đạo, căn cứ, kho đạn – chúng tôi xây dựng 80% các cơ sở ở Việt Nam: cảng mới, cầu tàu, bệnh viện, làng mạc, nhà thờ, trường học, đường xá, đài truyền hình, vâng thậm chí còn cả nhiều thành phố nữa. Ví dụ như hiện nay đang thành hình một thành phố vệ tinh ở Long Bình có 50000 người sống trong đó.”
RMK-BRJ đại diện cho chương trình lớn nhất ở Việt Nam – và chắc hẳn cũng là chương trình có nhiều tác động nhất. Vì cho tới nay đã có công trình và kết cấu xây dựng với giá trị 485 triệu dollar được thực hiện, và mỗi tháng người ta xây thêm cho 50 triệu dollar. Như Lilly nói, “đó là một cuộc đầu tư mà rồi một ngày nào đó sẽ ra hoa kết trái: Khi chúng tôi rời đất nước này, Việt Nam sẽ thừa hưởng hàng ngàn dự án – hiện đại hơn ở bất cứ quốc gia Á châu nào khác.”
Nhưng điều ấy cũng không đánh lừa được ai, rằng sự thịnh vượng được mong đợi ấy khó mà có thể có được với công sự dưới mặt đất, phi đạo, căn cứ quân sự và kho đạn…
Nhưng một mặt khác của RMK-BRJ, nhà đầu cơ xây dựng nhập khẩu hằng tháng 200.000 tấn vật liệu này, sẽ trở thành phước lành cho dân tộc bị hành hạ, thiếu giáo dục và tiến bộ này: đào tạo chuyên môn hàng chục ngàn công nhân, những người cộng tại tại các dự án RMK từ nhiều năm nay.
“Với chúng tôi, họ học cách điều khiển các cỗ máy phức tạp như thế nào, người ta lập kế hoạch như thế nào, người ta tính toán như thế nào”, Lilly nói. “Sẽ luôn có những người khăng khăng nói rằng: ‘Vâng – các anh nói về đào tạo, nhưng thật ra các anh chỉ bóc lột họ mà thôi.’ Tôi có thể trả lời những người đó: 14.000 công nhân đã qua khóa đào tạo không mất tiền tại chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã thành lập cho họ một hệ thống xã hội mới: tiền lương theo năng lực và an sinh cho mọi người. Và chúng tôi đã cho họ thấy rằng công việc cũng được tiến hành mà không cần có tham nhũng. Điều này có ý nghĩa như thế nào cho Việt Nam thì chỉ có những người hiểu biết tình hình ở đây mới đánh giá hết được.”
Người tổng giám đốc của tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới nói trúng tâm điểm: Ngay RMK – những “người xây dựng Việt Nam” đáng tin cậy – trong các kế hoạch của họ cũng phải dự tính với một tỷ lệ thất thoát vật liệu hàng tháng là mười phần trăm! Lợi nhuận mà những gã khổng lồ này không nhận được, lợi nhuận đó bị lấy đi bởi những tên tí hon – những tên mua bán trên chợ đen, những kẻ tiêu thụ đồ vật ăn cắp, những tên trộm. Vì cả Việt Nam cũng mắc phải bệnh tật xấu không thể trừ tiệt được ở châu Á (và cả những nơi khác): tham nhũng. Thời nở rộ của nó đã luôn là thời chiến…
Dòng tu Malta: “Ở đây mọi thứ đều là rủi ro”
Chuyến đi đến Sứ quán Đức đầy chướng ngại: tài xế taxi ở Sài Gòn – một sự pha trộn lôi cuốn từ lợi dụng lấy giá cắt cổ và lái xe liều mạng – về cơ bản là hiểu hết tất cả và không hiểu gì hết. Họ luôn gật đầu tỏ vẻ hiểu biết, trông như thế – nhưng rồi không biết gì cả. “German Embassy”, người ta nói thật rõ ràng, rồi còn thêm vào “l’ambassade d’Allemagne”. Một cái gật đầu và một nụ cười tươi sáng – anh ấy đã hiểu, chàng nghệ sĩ đằng sau tay lái. Tiếp theo sau đó là chuyến mạo hiểm “Sài Gòn trong chiếc taxi”… Đầu tiên là phanh hoạt động không tốt. Nó đã như thế từ nhiều tháng nay rồi. Rồi cửa xe bật ra và gạt ngã một người đi xe đạp. Cửa này không có khóa và sợi dây giữ nó lại đã bị đứt ngang. Người đi xe đạp phủi quần và không nói gì – dường như anh ấy đã quen với những cú đập vào gáy như vậy, thậm chí là những cú đập từ cửa xe. Ở bùng binh kế đến, còi xe không hoạt động. Thật ra thì nó đã luôn như thế, và bởi vì vậy mà cái chắn bùn trông giống như bị búa đập. Nhưng có ai cảm thấy phiền hà kia chứ? Người ta đã quen với việc va chạm và vẫn có một nét mặt bình thản.
Trạm xá của Dòng tu Malta tại Việt Nam
“Đi taxi thì nhiều lắm là mười phút sẽ đến sứ quán”, ai đó đã nói vậy. Nhưng anh chàng cười luôn miệng với chiếc xe tăng nhỏ của anh ta đã chạy đến 25 phút rồi. “L’Ambassade d’Allemagne”, người ta giải thích cho anh tài thêm lần nữa. Anh ấy lại cười chỉ tới phía trước, nơi có một trạm xăng hiện ra. “No, nein, njet”, người ta kêu rên bất lực – và rồi may mắn là anh ấy lái xa chạy ngang qua trạm xăng.
Và dần dần thì người ta có cảm giác: Nếu anh ta không ngừng lại thì chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ ở bên Campuchia. Ôi, Sài Gòn, nơi chốn của tội lỗi, có lẽ con người này là một Việt Cộng, nhận những tên ngu đần vô hại lên taxi để rồi…
Đừng sợ – tài xế taxi Sài Gòn không bắt cóc du khách. Họ chỉ là moneymaker, lợi dụng cơ hội và không hiểu gì cả – tất cả họ đều tuân theo một châm ngôn: Cứ chạy, và chạy, và chạy. Và cuối cùng rồi thì anh ta cũng dừng lại – một cú xoay xe thật cừ khôi, một nụ cười thân thiện: “Tran Van Cao zin zack Duc” – hay giống như thế. “Cả thảy 150 đồng.”
Nhưng cả với số tiền đó thì người ta cũng không ở tại Sứ quán Đức, mà trước một cửa hàng xúc xích của người Hoa. Ngay giữa Chợ Lớn…
“Thật ra thì tôi nghĩ anh sẽ đến sớm hơn”, ông đại sứ Đức nói nhiểu giờ sau đó, người không biết những tấn bi kịch như thế. Nhưng Tiến sĩ Wilhelm Kopf là một con người với những đức tính không thể thiếu được ở Sài Gòn – rất thông cảm, không theo lề lối thông thường, thích tiếp xúc. Một người biết quan sát, ứng phó và quyết định.
Nói chung, những người Đức ấy ở Sài Gòn: một nhóm người trẻ tuổi, hết mình cống hiến cho một nhiệm vụ mà chỉ với những công việc ngoại giao thường ngày thì không thể giải quyết được – đại diện và hoạt động có hiệu quả nhưng đồng thời không bị lôi cuốn vào trong “vụ việc ấy”…
“Sự giúp đỡ của Đức cho Việt Nam không phải là hoàn toàn không có vấn đề”, như đại sứ Tiến sĩ Kopf diễn đạt, “tiêu chí quyết định là: nó phải mang lại lợi ích cho mọi người cũng như kích hoạt sự quan tâm và cộng tác của người nhận. Quà tặng phi cá nhân hay những thí nghiệm theo kiểu phân chia đồng đều cho tất cả đều không đúng chỗ và cuối cùng thì chỉ có hại thôi. Dù làm bất cứ việc gì – người ta phải đối mặt với sự biếng nhác và lề mề. Và chúng ta phải biết rằng – giúp đỡ bất cứ lúc nào nhưng: chúng ta không tham gia vào cuộc chiến…”
Một tượng trưng cho sự giúp đỡ của nước Đức rõ ràng là chiếc tàu bệnh viện “Helgoland”. Ai cũng biết nó, ai cũng nhìn thấy nó – nơi nó thả neo, bến tàu “Quai de Belgique” là nơi phô diễn của Sài Gòn. Nhưng bên cạnh con tàu bệnh viện ấy cũng có những sự giúp đỡ khác – không gây nhiều sự chú ý như thế, nhưng rất có chủ đích và chính vì vậy mà rất có hiệu quả.
Từ 1958 nước Cộng hòa Liên bang Đức vận hành một trường kỹ thuật Đức-Việt mà vài trăm người trẻ tuổi đã được đào tạo ở đây.
Nhiều sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng kéo dài nhiều năm tại các trường đại học Đức.
Nước Cộng hòa Liên bang Đức đã đầu tư 20 triệu DM vào công cuộc xây dựng một nhà máy chế biến thịt.
Cùng với người Pháp, nước Cộng hòa Liên bang Đức xây dựng một nhà máy phân bón lớn ở phía tây nam Đà Nẵng.
Cho việc xây dựng các trại tỵ nạn, trên 25 triệu DM đã được chi ra cho đến nay, đồng thời, 870 tấn gạo cũng đã được cung cấp cho những người tỵ nạn đang gặp khó khăn ở phía bắc của đất nước này.
Số tiền quyên góp 16 triệu DM sẽ góp phần giúp giải quyết tình trạng thiếu thốn các loại thuốc chữa bệnh đang rất cần kíp.
“Và khi nói về sự giúp đỡ của nước Đức”, đại sứ Tiến sĩ Kopf nói, “thì cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng – tôi còn muốn nói là đầu tiên – phải nhắc đến đội ngũ tuyệt vời ấy, đang tiến hành những công việc gương mẫu ở Đà Nẵng, An Hòa và Hội An. Tôi muốn nói đến những người của Dòng tu Malta…”
“Họ là những người Phương Tây duy nhất đối xử thân thiện chân thật và nhân ái chân thật với những người Việt nhỏ bé, dễ bị tổn thương”, như Mary McCarthy, người có sách bán chạy ở Mỹ và cũng là người đã đi thăm Việt Nam, nhận định trong tác phẩm mà ngoài ra thì nặng phần chỉ trích của bà.
Phần lớn đều đến Hội An bằng trực thăng. Đó là đường đi an toàn nhất. Chỉ những người của Dòng tu Malta – với chiếc thánh giá huy hiệu của dòng tu và chữ “Đức” trên áo – là thản nhiên lái xe Jeep tinh tươm qua đồng quê. “Ở đây mọi thứ đều là rủi ro”, Franz Freiherr von Loé, 31 tuổi, từ gần một năm nay là trưởng đội của Dòng tu Malta tại sự hẻo lánh khốn khổ của Hội An này. “Ngay từ ngày đầu tiên, Việt Cộng đã biết chúng tôi có mặt ở đây. Nếu như họ muốn bắt cóc chúng tôi thì họ đã có thể làm việc ấy từ lâu rồi…”
Con đường đi, mà chúng tôi cực nhọc lắc lư từ ổ gà này qua ổ gà khác, chỉ “thông” được có 10 kilômét. Mười kilômét này nằm trong “vùng an ninh” bao quanh phi trường Đà Nẵng. Ai đi ra ngoài vùng ấy thì giống như thú bị săn bắn tự do. Vì cũng giống như người Mỹ, Việt Cộng cũng có những luật chơi không thành văn của họ. Và thuộc vào trong số đó là việc người ta không nên xuất hiện trong vùng đất của họ mà không đi theo đoàn xe. Ngoại trừ những người của Dòng tu Malta – ngay từ đầu, họ đã làm như họ hoàn toàn không biết gì cả. “Chúng tôi muốn giúp đỡ người dân gặp bất hạnh ở đây”, ông nam tước nói, người trước đây một năm còn là nhân viên trong Bộ Nông nghiệp ở Düsseldorf, “và chúng tôi mặc kệ việc họ theo tôn giáo nào hay đường hướng chính trị nào. Chúng tôi không phải là chiến binh, chúng tôi là những người đi cứu giúp.”
Ý tưởng ấy thành hình năm 1966. Lúc ấy, người đứng đầu tổ chức từ thiện Malteser-Hilfsdienst, bá tước Landsberg-Velen, bay sang Việt Nam. Ông tin rằng có thể tìm thấy một lĩnh vực làm việc ở đây cho dòng tu. Ông bá tước không nhầm…
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ một cách khiêm tốn”, ông nói. “Ngay từ đó là chúng tôi khác biệt với nhiều dự án khác. Nhiệm vụ của chúng tôi là: đi đến nơi mà sự khốn khổ lớn nhất, trước hết là mang sự giúp đỡ cá nhân đến và thực hiện nó sao cho người nhận phải tham gia phần của mình vào trong đó. Nó cần phải là một sự giúp đỡ để rồi người ta tự giúp lấy chính mình.”
Ý định ấy – ngày nay có thể nói như vậy – thành công, vì tình cảnh thật đau buồn đã kêu gọi một sự giúp đỡ như vậy: Ở Việt Nam, nơi có 15 triệu người sinh sống, có 1000 bác sĩ được phép hành nghề! Nhưng cần ít nhất là 5000 người để tạm xóa bỏ bệnh tật, đau khổ và khốn cùng. Hàng trăm ngàn bệnh nhân chen chúc nhau mỗi năm trước vài bệnh viện, phòng khám và phòng thuốc, những nơi dẫu sao thì cũng đã quá tải. Vì chỉ riêng trong năm vừa qua thì đã có 34.000 người dân thường bị thương tích, một phần là bị thương nặng, vì tác động của chiến tranh. Thí dụ như tỉnh Quảng Nam, nơi những người của Dòng tu Malta hoạt động: có 800.000 người sống ở đây. Chỉ có duy nhất một bệnh viện với tròn 220 giường cho họ – nếu như người ta không tính căn cứ quân sự Đà Nẵng. Một bệnh viện cho hàng trăm ngàn người!
“Lúc đó, ở Sài Gòn người ta đã nói với tôi”, ông bá tước nhớ lại, “ông muốn làm gì ở tỉnh Quảng Nam? Với ít người như vậy. Đó không phải là giúp đỡ – đó là tự sát.” Mặc dù vậy, bá tước Landsberg vẫn bay đến Đà Nẵng, Huế, Hội An và An Hòa – vào giữa một vùng được cho là thành trì của Việt Cộng. Và ông ấy đã quyết định: “Chúng ta sẽ đến đúng nơi đây!”
Quyết định đó là đúng đắn: Sự giúp đỡ của những người thuộc Dòng tu Malta hiện giờ đã chứng tỏ là thành công hơn những hành động gây nhiều sự chú ý tương tự, được thực hiện theo cách phân bố đồng đều rộng khắp như trong một hệ thống tưới nước.
Đối với Việt Nam, nó không chỉ là một sự giúp đỡ – nó là một hành động lớn lao…
Nó là một hành động lớn lao, bởi vì nó chỉ dựa trên lý tưởng: chiếc cầu nối với những người đang chịu đựng đau khổ không phải được xây bằng tiền và vật chất, mà là bằng sự hy sinh cá nhân, tính sẵn sàng, lòng nhân đạo và cống hiến cho nhiệm vụ. Đó là còn chưa nói đến lòng can đảm gắn liền trong đó…
“Thật ra thì tôi chỉ muốn làm một chuyến đi xa”, Luise Drahts 23 tuổi, nhân viên phòng thí nghiệm của Dòng Mata ở Hội An thú nhận, người đã tình nguyện đăng ký đi sang Việt Nam cũng như tất cả những người khác. Cho tới lúc đó, cô là y tá ở Köln. “Khi tôi xin thôi việc và nói rằng tôi muốn đến Việt Nam, sếp tôi nói: ‘Ai cũng có lần muốn trở thành người tàn phế.’ Nhưng tôi vẫn quyết tâm – và cho tới ngày nay tôi vẫn không hối hận, mặc dù người ta nhìn thấy những sự việc thật đáng sợ ở đây mỗi ngày.”
Klaus Tschoepe, 22 tuổi, nhân viên hành chánh từ Münster, cũng tường thuật tương tự. “Lúc đầu rất tệ – lúc nào cũng có bắn nhau, cảm thấy không an toàn, hình ảnh thật đáng sợ ấy, khi trẻ con hay những người không thể tự bảo vệ bị trọng thương nằm ngay trước mặt mình. Nhưng chúng tôi đã cắn răng chịu đựng và cố gắng hết sức mình.”
Điều ấy rõ ràng là đã lan truyền đi xa. Khi Việt Cộng bắn súng cối hai lần liên tiếp nhau vào Hội An, đã có tử vong và nhiều người bị thương. Ngay trong lúc cuộc pháo kích vẫn còn diễn ra, người của Dòng tu Malta đã nhảy xuống giường và chạy đến những nơi xảy ra thảm họa. Họ là những người đến giúp đỡ đầu tiên. “Tôi tin rằng người Việt không quên chúng tôi”, Tschoepe nói, “bắt đầu từ ngày đó hầu như ai trong số họ cũng chào chúng tôi. Và những người bản địa giúp chúng tôi đã làm việc một ngày không công cho chúng tôi.”
Ngay cả Việt Cộng cũng thể hiện lòng khoan dung. Cách nơi trú ngụ được bảo vệ bởi những lô cốt bằng bao cát của người Dòng Malta chỉ chừng một trăm mét có một trại tù với hơn 1000 Việt Cộng. Hồi cuối tháng 7, hai tiểu đoàn Việt Cộng tấn công vào Hội An và giải phóng các tù nhân.
Những người của Dòng tu Malta không bị sao cả – Việt Cộng chỉ chạy ngang qua chỗ họ…
Đáng ngạc nhiên là họ đều hết sức trẻ, những người mà đã tạo cho mình thiện cảm và sự kính trọng ở nước Việt Nam xa xôi.
Tối tối – khi không ai ở Việt Nam (ngoại trừ trong các thành phố) có thể rời nhà – họ ngồi trên nóc các lô cốt của họ và vừa chơi đàn ghi ta vừa hát. Ai lắng nghe họ và nhìn những gương mặt thì sẽ biết rằng thật ra thì họ đang hát để chống lại nỗi nhớ nhà và sự khốn khổ khủng khiếp ở xung quanh. Nhưng không ai trong số họ sẽ thừa nhận điều đó. Họ có nhiệm vụ của họ ở đây – và họ cố gắng hoàn thành nó.
Thỉnh thoảng, họ ngồi trên nóc của cái tháp nước nhỏ và quan sát cuộc chiến. Vì từ khi người của Dòng tu Malta đến Hội An, họ có hậu cảnh ấy không mất tiền: những trận chiến bằng pháo và súng cối, những cuộc đấu tay đôi của đại liên, những lần ném bom. Họ đã trở thành những chuyên gia của cuộc chiến. Nhưng tất nhiên rồi thỉnh thoảng cũng có lúc một quả đạn lớn nổ thật gần. Thế rồi họ phải tuột theo cái thang sắt của chiếc tháp xuống, nhanh nhẹn như những con chồn, vì: “Mẹ đã nói rồi – con ạ, không tham gia vào trong đó…”
Mỗi sáng, họ phải đi ra vùng nông thôn – từng nhóm hai người, túi xách đầy thuốc men. Những gì là tiền đồn của giới quân đội thì lại là trạm xá đối với người của Dòng tu Malta – một ngôi nhà nhỏ bằng tre mà trước đó có hàng trăm bệnh nhân và người đang tìm sự giúp đỡ chen nhau đứng. Trẻ con, người già, Việt Cộng. “Một nhóm chúng tôi đi đến Cham Chau”, một trong những người trẻ tuổi giải thích kế hoạch hoạt động, “ở làng đó có rất nhiều người bị ghẻ lở. Một nhóm khác lái xe Jeep đi xa 50 km để đến Dai Loc, nơi có hàng chục ngàn người tỵ nạn. Cho tới nay chúng tôi vẫn không biết đó là 15.000 hay 60.000.” Cũng giống như ở những trại tỵ nạn khác mà người Dòng tu Malta làm việc ở đó: Không bao giờ họ biết có bao nhiêu người cần sự giúp đỡ của họ – vì họ không hỏi, họ giúp đỡ.
“Đó chỉ là một sự giúp đỡ đầu tiên”, Freiherr von Loé nói, “điều quan trọng nhất là người dân tự mình muốn cộng tác – sống vệ sinh hơn, rửa ráy, chống lại cái dơ bẩn. Thuốc của chúng tôi chỉ là một điểm khởi đầu.” Họ có thể cần rất nhiều thuốc men, những người của Dòng tu Malta. Nhưng ngân sách của họ rất hạn hẹp. Vì vậy mà họ phải dựa vào những quyên góp đến Việt Nam từ nước Đức xa xôi – thuốc mẫu cho bác sĩ.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi rất ngạc nhiên” – trong giọng nói của Freiherr có một ít sự thất vọng – “với những thứ thuốc chúng tôi đôi lúc nhận được. Thuốc mẫu cho bác sĩ từ hồi Đệ nhị Thế chiến. Thậm chí có một lô được dán nhãn ‘1934’.”
Người ta phải xấu hổ về những nhà cung cấp như vậy. Giúp đỡ cho Việt Nam…
“Helgoland” – “Con tàu của hy vọng”
“Đất nước này đau ốm vì hoàn cảnh sống, không chỉ vì chiến tranh.” Người bác sĩ 38 tuổi, Tiến sĩ Gerhard Freilinger từ Wien, buồn bã nói. Từ khi ông ở Việt Nam – hai tháng nay – như là bác sĩ, ông đã “nhìn và trải nghiệm nhiều hơn là với công việc nhiều năm trời tại Bệnh viện Phẫu thuật Đại học II ở Wien”.
Freilinger, bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, là một trong số ít những người tình nguyện sang Việt Nam sau khi nghe được rằng chuyên viên y khoa đang rất cần ở đó – đặc biệt là những người mà tài nghệ bác sĩ của họ rất cần cho những nạn nhân đáng thương nhất của cuộc chiến này: những người đàn ông, đàn bà, trẻ con vô danh mà gương mặt họ đã bị chiến tranh tàn phá, đốt cháy, làm tan biến nét người. Ông bác sĩ từ Wien biết những gì chờ đợi mình ở Việt Nam. Nhưng hiện thực tồi tệ hơn rất nhiều. “Nó vượt quá mọi khả năng tưởng tượng.”
Tàu bệnh viện Helgoland ở Vietnam
Freilinger làm việc tại hai bệnh viện, ở bệnh viện quân đội Cộng Hòa cũng như tại bệnh viện dân sự Chợ Rẫy. Hằng ngày, ông nhìn thấy những gương mặt không còn là gương mặt nữa. Ông ấy cần phải chữa lại những dấu vết thật khủng khiếp của cuộc chiến này, những cái nội trong vài giây đồng hồ đã biến dạng những con người lành mạnh nhiều đến mức không còn có thể nhận ra được nữa. “Sáng hôm nay họ mang đến cho tôi một cậu bé mười tuổi”, người bác sĩ nói. “Chiếc xe buýt mà cậu bé đi ở trên đó đã chạy qua một trái mìn. Cậu bé bị mất một nửa gương mặt bên trái và quai hàm. Hầu như không thể phẩu thuật cho cậu bé ấy được nữa.” Đầu tiên thì thiếu những loại thuốc cần thiết. Rồi trong lúc mổ, người ta còn đẩy vào phòng mổ hai ca còn nặng hơn thế nữa. Sau đó, máy điều hòa bị hỏng. Và do vậy mà ruồi bay vào. “Cả bầy ruồi lao vào gương mặt của cậu bé”, Freilinger nhớ lại, “chúng đẻ trứng ngay vào giữa vết thương còn mới, và điều tồi tệ nhất trong lúc đó là người ta không thể ngăn chặn được điều ấy. Thêm vào đó là cái nóng nực. Tất cả những điều ấy khiến cho ngưởi ta tuyệt vọng…”
Người bác sĩ từ Wien tiến hành phẩu thuật bốn giờ liền cho cậu bé bị trọng thương, rồi em được mang sang một phòng bệnh kế cận trên một cái cáng. “Nhưng phòng bệnh ở Việt Nam ra làm sao kia chứ”, Tiến sĩ Freilinger nói. “Cậu bé ấy phải chia sẻ giường của mình với một người bị thương khác. Và rồi người thân ngồi xung quanh đó: Họ sắp xếp đồ đạc ở lại trong bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh của họ. Và không có khả năng nào để ngăn chận điều đó. Họ nấu nướng ở đó, họ ăn và họ nằm xuống ngủ quanh những chiếc giường bệnh trên sàn nhà. Tôi có còn phải nhấn mạnh rằng sự dơ bẩn không thể tưởng nào đã tụ lại ở đó không? Nhưng tình trạng ấy là không thể thay đổi – vệ sinh là từ ngữ xa lạ ít được biết đến nhất trong những từ ngữ xa lạ.”
Cả sự chăm sóc tiếp theo sau đó cho bệnh nhân – dưới con mắt của một người Âu – cũng thiếu thốn. “Bác sĩ trong các bệnh viện nhận tiền lương tháng 240 Mark. Đó có là bao nhiêu trong một đất nước mà vòng xoáy lạm phát quay tít? Họ khám bệnh thêm ở phòng mạch tư nhân. Cuối cùng thì không còn nhiều thời gian cho công việc ở bệnh viện…”
Y tá thì không thể khám tư để qua đó tự bảo đảm cho mình có một thu nhập cần thiết cho cuộc sống. Tức là họ tìm đường khác. “Khômg hiếm lần tôi nhận thấy rằng bệnh nhân hoàn toàn không nhận được những loại thuốc hậu phẩu thuật theo quy định.” Tiến sĩ Freilinger phẩy tay tỏ vẻ cam chịu. “Vào lúc đầu tôi đã la lối om sòm – nhưng không lâu sau đó tôi đã chịu thua, vì không ai quan tâm đến điều đó cả. Một phần thuốc men được liên tục bán ra chợ đen, và thật ra thì còn một cách để cho thuốc có thể đến được với bệnh nhân: người ta phải kê ra toa liều lượng gấp đôi. Một phần cho chợ đen, phần kia cho bệnh nhân. Người ta phải tính trước điều đó…”
Tình trạng ở đằng sau lưng của cuộc chiến là những cái gây chán nản. Sự suy sụp của đạo đức, hệ quả tất yếu của sự vô vọng: Cuộc chiến này không có kết thúc – tức là người ta phải sống chung với chiến tranh – bằng cách nào cũng được. Người này thì đánh cắp hàng hóa của Mỹ, người kia bán chúng. Người thứ ba lừa đảo lúc đổi tiền lậu, người thứ tư buôn lậu thuốc chữa bệnh và người thứ năm trở nên giàu có bởi những cô gái sống trên vũng bùn của chiến tranh như những con chuột trên đống rác…
13.000 quán bar ở Sài Gòn là nơi chuyển đổi tình yêu, cơn say và đồng dollar. Ai được phép rời khỏi địa ngục vài ngày thì không cảm thấy đó là phiền toái khi bị lột sạch tiền. Ở Sài Gòn, anh ta có thể quên đi – đánh đổi bằng đồng dollar cứng và cho những khoảnh khắc ngắn ngủi. Ở đây, rừng rậm được mạ crôm và có một gương mặt bằng đèn neon. Rồi tình yêu, nhục dục và thói xấu tự trần trụi phơi bày trước những ánh mắt thèm khát, thiếu thốn…
“Hôm qua tôi có gặp một hạ sĩ quan Mỹ”, Tiến sĩ Freilinger nói, “anh ta tiêu tiền dollar theo kiểu vứt ra cửa sổ. Sau khi rượu Whisky làm mềm lưỡi của anh ta, anh ta tiết lộ công thức của mình: ‘Anh phải cưới một cô gái Việt, bác sĩ ạ’, anh ta nói lè nhè, ‘rồi thì tiền tự nó đến thôi.’ Người ta phải làm như thế nào? Hết sức đơn giản: Người ta trở thành một ông chủ quán bar qua hôn nhân. Người Mỹ bị cấm đầu tư như vậy, vì chỉ có người Việt là có thể đầu tư thôi – nhưng ai mà kiểm tra kia chứ. Thế là người hạ sĩ cưới một cô gái Việt, người mở một quán bar với tiền của anh ta. Tiền bắt đầu bay vào từ lúc đó. Một ngày nào đó, người ta sẽ gởi anh ta trở về Mỹ. “Rồi thì sao, hạ sĩ’, tôi hỏi anh ta. ‘Đơn giản lắm’, anh ta trả lời tôi, “tiền thì tôi mang theo, còn con búp bê thì để lại đây. Tôi nghĩ rằng đó là một cuộc kinh doanh tốt cho cả đôi bên…”
Không chỉ người bác sĩ Áo – không, nhiều nhà quan sát cho rằng những vết thương tồi tệ nhất ở Việt Nam là những vết thương lở loét ra ở hậu phương: Sự suy tàn của trật tự, của tinh thần trách nhiện, của sự bình đẳng xã hội, của nhận thức đạo đức. “Ngay cả sự giúp đỡ có ý tốt nhất cũng chỉ còn là sự việc đơn lẻ dưới những khía cạnh đó”, tiến sĩ Freilinger nói. “Điều mà người dân ở đây thiếu, đó là nhận thức rằng họ phải tự giúp mình – vượt ra khỏi tính thụ động nguy hiểm và sự lười nhác, những cái đã để cho các phần còn lại cuối cùng của tinh thần trách nhiệm cũng lụi tàn đi.”
“Những chiến dịch giúp đỡ có hiệu lực nhất trước sau vẫn là những chiến dịch mà sự thành công của nó phụ thuộc trực tiếp vào sự cộng tác của người Việt”, một viên đại tá giải thích trong Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Mỹ. “Trong đất nước bị bùa mê này, giúp đỡ chỉ có ý nghĩa khi nó đòi hỏi tự mình phải nổ lực. Đó là nguyên tắc chung, và ở đó chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ.”
Một trong số đó, viên đại tá nói, là chiếc tàu bệnh viện “Helgoland” – ở đó “người ta làm việc rất tốt”. Chỉ có một điều là viên đại tá không hiểu cho lắm. “Thỉnh thoảng người ta nghe được rằng ở Đức có nhiều sóng gió vì con tàu đó – thật ra thì tại sao kia chứ? Tôi đã không hiểu được vì chiếc ‘Helgoland’ – trước mọi ánh mắt – đã tự chứng tỏ mình một cách xuất sắc. Mọi người đều hưởng lợi từ con tàu ấy – phía bên này cũng như phía bên kia. Cuối cùng thì đó là một truyền thống trên khắp thế giới. Ai mang huy hiệu của Hồng Thập Tự đều không phải là người lính mà là người giúp đỡ – anh ta đứng giữa các chiến tuyến. Điều này cũng đúng ở Việt Nam. Tất nhiên là đã có những khó khăn nào đó”, viên đại tá thừa nhận, “nhưng thứ nhất là: ở đâu mà không có khó khăn? và thứ hai là: một vài mâu thuẫn cá nhân có nghĩ lý gì khi so với những thành tựu đạt được?”
Đây cũng là ý kiến của một luật sư ở Sài Gòn, người mà người Mỹ không thích lắm vì ông ta có đường dây liên lạc với Việt Cộng. “Chiếc tàu ấy là một việc tốt”, ông luật sư nhấn mạnh. “Khi một người đáng thương với một cánh tay bị bắn nát đến đấy thì anh ta có thể chắc chắn rằng sẽ được giúp đỡ – và không hề có những câu hỏi gây bối rối được đặt ra. Tôi nghĩ là điều này cũng đã lan truyền nhanh chóng ở bên Việt Cộng.” Mặc dù vậy, ông luật sư vẫn chỉ ra: “Rất đáng tiếc, ở tại Sài Gòn là con tàu nằm không đúng chỗ. Lẽ ra nó phải ở nơi cuộc chiến gây tác hại nhiều nhất cho người dân – ở cạnh khu phi quân sự, ở gần Đà Nẵng hay Huế. Trong số hơn 34 000 người bị thương trong năm vừa qua, có hơn hai phần ba sống trong vùng này. Một chiếc tàu như thế thuộc về nơi đó, chứ không phải ở Sài Gòn, nơi những người hưởng lợi từ chiến tranh đang tự vỗ béo mình…”
Những khó khăn đầu tiên với con tàu “Helgoland” bắt đầu ngay từ trước khi con tàu nguyên là một con tàu chở khách du lịch tắm biển khởi hành chuyến đi đến Việt Nam cho tổ chức Hồng Thập Tự: Trong giới chính phủ ở Bonn (Hồng Thập Tự Đức trong trường hợp này thì chỉ là cơ quan tiến hành của chính phủ liên bang) người ta ủng hộ quan điểm – “giúp đỡ vật chất vâng – nhưng không gửi người sang Việt Nam!” Nỗi lo sợ, rằng bác sĩ và y tá với huy hiệu Hồng Thập Tự trên tay áo khoác có thể bị nhẩm lẫn với những người tham gia chiến tranh(!), đã làm tê liệt sức lực quyết định của những người có trách nhiệm cả một thời gian dài. Mãi đến khi Hội Hồng Thập Tự Đức thúc giục ngày càng mạnh mẽ hơn, người ta mới gởi – một ủy quan nghiên cứu sang Việt Nam. Các thám thính viên của Quốc Hội tìm hiểu về điều mà hẳn là không cần đến cả một ủy ban: “Không có sự lo ngại nào về việc gửi một con tàu bệnh viện Đức!” Cuối cùng, đèn xanh được bật lên. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1967, chiếc tàu 3000 tấn tổng trọng tải đăng ký được cải tạo thành bệnh viện đã thả neo ở “Quai de Belgique”, nơi đẹp nhất và đắt tiền nhất ở Cảng Sài Gòn…
Cũng hoàn toàn không phải là mọi cánh cửa đều mở rộng. Còn ngược lại: Những con người đến để giúp đỡ, ít được giảng giải trước về tính cách của người Việt, chẳng bao lâu sau đó đã vấp phải những cạm bẫy và khó khăn hoàn toàn không tương xứng với nhiệm vụ có ý tốt của họ và thật khó hiểu đối với họ cả một thời gian dài. Niềm vui của họ về nơi neo tàu có giá rẻ – họ sớm nhận ra điều ấy – cũng không được tất cả mọi người cùng chia sẻ: Trước hết, dường như quan điểm về con tàu “Helgoland” rất khác nhau trong một phần giới lãnh đạo của Nam Việt Nam. Và điều ấy có những lý do rất thực tế, không có liên quan gì đến Hội Hồng Thập Tự lẫn người Đức…
Tàu Helgoland đến Việt Nam: thuyền của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang hộ tống chiếc tàu bệnh viện trên sông Sài Gòn trong tháng 9 năm 1966. Hình của hội Hồng Thập tự Đức
Ở Sài Gòn, ai cũng biết rằng cái bệnh dịch tồi tệ nhất chính là bệnh dịch của các thu nhập thêm. Người ta nói với nhau rằng ở hậu phương lúc nào cũng có thể hưởng lợi từ chiến tranh – người ta chỉ cần ngồi đúng ghế và có những mối quen biết sinh lợi. Rồi thì người ta nhanh chóng có phần từ cái nguồn thu nhập mà ở Việt Nam được gọi là “thuế”. Ai muốn sống an toàn trong chiến tranh đều sẵn lỏng trả tiền cho sự bảo đảm an ninh này. Vì vậy mà không chỉ khách sạn, siêu thị mua sắm, quán bar và cửa hàng mua bán – mà cả cảng Sài Gòn cũng thuộc vào các nguồn béo bở của những người có quyền lực và ảnh hưởng. Vì mỗi một chiếc tàu neo ở đây một mặt thì muốn nhà chức trách để yên cho mình – mặt khác thì cũng không muốn bị gài mìn đánh bom. Người ta trả tiền bên này cho điều thứ nhất, trả tiền bên kia cho điều thứ hai. Cũng vì vậy mà Việt Cộng cũng biết đánh giá cao Cảng Sài Gòn.
Tất nhiên là chiếc Helgoland không trả “thuế”. Cuối cùng thì chính Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ là người đã để cho “Con tàu Hy vọng” – như chiếc Helgoland được gọi ngay từ đầu – sử dụng “Quai de Belgique” như là một món quà chào mửng. Thế nhưng tiếng nói quyền lực của ông ấy lại làm giảm đáng kể thu nhập của một người ở cận kề ông ta: người phó của ông ta, Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Hữu Có, không còn thu lợi – như tới nay – từ những lệ phí bất hợp pháp ấy cho nơi neo đậu sáng giá nhất Sài Gòn. Không ai ngạc nhiên khi ông Tổng trưởng Quốc phòng tức giận và trút nỗi bực dọc của mình lên những người thực sự không hề biết gì về các tập tục tham nhũng của Sài Gòn: lên các thành viên của đội ngũ tàu Helgoland. Lời chào mừng của người dân thường tại Sài Gòn nồng ấm cho tới đâu thì sự lạnh lùng vào lúc ban đầu từ một số cơ quan nhất định dành cho đội ngũ giúp đỡ nhân đạo của người Đức hẳn phải có tác động đè nặng tới chừng ấy.
“Một số người đã nghĩ rằng sự việc ở đây dễ dàng hơn”, bác sĩ trưởng, Tiến sĩ Heimfried Nonnemann, nhớ lại công việc làm trong những tháng đầu tiên, “nhưng chúng tôi thường gặp phải những khó khăn không thể hiểu được. Thật là chỉ có thể khen ngợi các thành viên trong đội ngũ, rằng mặc dù vậy nhưng họ vẫn cương quyết tiến hành nhiệm vụ của chúng tôi. Những tháng đầu tiên ấy thật là rất khó khăn.”
Mọi việc chỉ tốt lên khi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ hành động mạnh mẽ: Vào ngày 25 tháng 1 năm 1967, ông thông báo bằng điện tín cho người phó của ông đang trên đường đi công tác ở Đài Loan, rằng ông ta sẽ bị đưa ra xử trước một tòa án quân sự vì tội tham nhũng. Bắt đầu từ đó không còn có cạm bẫy cho “Helgoland” nữa, những cạm bẫy mà đã được đặt xuống trong khu rừng rậm đen tối và không thể hiểu thấu được của những cuộc kinh doanh bẩn thỉu…
“Dù vậy, nhiệm vụ của chúng tôi có vẻ như khó thể hoàn thành được”, Tiến sĩ Nonnemann nhớ lại. “Chúng tôi có tối đa 150 giường bệnh. Điều có có nghĩa lý gì cho thành phố triệu dân Sài Gòn? Trong những tuần đầu tiên,sáng nào cũng có hàng ngàn người bệnh tìm đến tàu. Đó thật sự là một cuộc bao vậy. Người dân đơn giản tin rằng: Chiếc tàu này với chữ thập đỏ – đó là sự cứu vớt cho chúng ta.”
Chậm nhất là đến thời điểm này thì có thể thấy rằng một con tàu bệnh viện ở Việt Nam còn không thể là một giọt nước trên hòn đá nóng – thiếu thốn chăm sóc y tế cho hàng triệu người đã và vẫn là một vấn đề lớn cho tới mức 150 giường bệnh hoàn toàn không có một trọng lượng nào cả. Không ít người đã viện cớ điều này để phê phán “việc làm vô nghĩa của ‘Helgoland’”. Phải nói rõ với những người phê phán này: Con tàu “Helgoland” đến Việt Nam không phải để giải quyết một vấn đề và thay đổi tình cảnh chỉ qua một đêm – nó đã và vẫn chỉ là biểu tượng cho một hành động nhân đạo và hẳn là đã được người Việt hiểu và bày tỏ lòng kính trọng cũng như đánh giá cao. Ai nghĩ như thế thì đối với người đó sẽ không có ý nghĩ rằng liệu chi phí tài chánh có tương xứng với lợi ích hay không. Những gì mà các bác sĩ, nam nữ y tá và thủy thủ đoàn của “Helgoland” đã đạt được thì không thể mang 7,5 triệu DM chi phí cho con tàu năm 1966 ra để mà cân đo được…
“Vào ngày đầu tiên bắt đầu hoạt động ngay giữa Sài Gòn, chúng tôi đã thành lập một trạm khám”, một trong số tám bác sĩ của con tàu bệnh viện nói. Chỉ qua đó, chúng tôi mới có thể bảo đảm điều trị nội trú cho bất cứ ai thật sự cần đến. Không ai được nhận lên tàu ‘Helgoland’ mà không được khám trước ở trạm khám và rồi được chuyển từ đó vào – ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Hằng ngày chúng tôi khám bệnh cho khoảng 150 bệnh nhân trong trạm khám này. Sau đó mới quyết định ai được nhận lên tàu đề điều trị nội trú.”
Nhờ vậy, sau gần một năm hoạt động, con tàu “Helgoland” đã có thể công bố một tổng kết đáng kể: Cho tới ngày 15 tháng 9 năm 1967 tổng cộng có 27.300 bệnh nhân được điều trị, trong đó là 1620 ca điều trị nội trú. Mỗi tháng một lần, những chiếc giường trong gian phòng khách lớn của con tàu chở khách du lịch ngày xưa có bệnh nhân mới. Gần 40% những bệnh nhân được chuyển vào là những người bị thương vì tai nạn, những người còn lại chủ yếu là người mắc bệnh lao và bệnh nhân với những dấu hiệu tê liệt. “Chúng tôi có đặc biệt nhiều ca mưng mủ xương, được gọi là viêm tủy xương”, bác sĩ trưởng Tiến sĩ Nonnemann tường thuật. “Căn bệnh này hầu như không được biết đến ở bên chúng ta, nhưng ở Việt Nam thì lại phổ biến, vì nhiều vết thương không lành lại và người dân thường sống với một chế độ ăn uống nằm ở dưới mức cần thiết nhất. Đối với chúng tôi, những bệnh nhân này là một gánh nặng: điều trị cho họ phải cần nhiều tháng, qua đó mà nhiều giường bệnh không trống được, Nhưng – lẽ nào chúng tôi lại từ chối những con người đáng thương không được ai giúp đỡ đó?”
Gần 20% bệnh nhân của tàu “Helgoland” là trẻ em – và không hiếm khi các em bị chiến tranh đánh dấu mãi mãi. “Là bác sĩ thì người ta đã quen với nhiều thứ – nhưng khi nhìn thấy những đứa bé ấy với những vết thương khủng khiếp do mảnh đạn gây ra thì hầu như khi6ng thể chịu đựng được. Có một mảnh đạn bé tí có trọng lượng chừng 1 gram đã rạch tung hết cả vùng bụng của một đứa bé. Có đôi lúc chúng tôi đứng gần như bất lực trước những vết thương như vậy…” Tiến sĩ Nonnemann, người bác sĩ trưởng 32 tuổi, người được khen ngợi nhiều ở Sài Gòn vì con tàu “Helgoland” được cho là bệnh viện tốt nhất và sạch sẽ nhất của cả nước, nói thêm, không phải là không tự hào: “Nhưng cho đến nay thì chúng tôi đã có thể chữa trị cho tất cả những em đó. Tuy vậy, có đôi lúc người ta phải tự hỏi như là một con người: có phải là tốt hơn không, khi cái chết giải thoát cho các em – những đứa trẻ không có làng mạc, không có quê hương, không có gia đình đó?”
Chỉ cần nghĩ đến em gái Su Chan. Ngày nào đó, một chiếc xe cứu thương mang em đến tàu Helgoland. Phải cần đến ba lần mổ mới có thể khiến cho thân thể bị mảnh đạn tàn phá ấy có khả năng sống tiếp. Cuối cùng, cô bé ấy còn phải chịu đựng một ca phẩu thuật gương mặt kéo dài bốn giờ đồng hồ: một trong các mảnh đạn đã giật đi một phần quai hàm. Không một tiếng ta thán và với sự kiên nhẫn đặc trưng của người Á châu, cô bé Su Chan đã chịu đựng mọi đau đớn. Cô bé đã vui mừng vô bờ bến trong lúc mong chờ trở về nhà…
Nhưng rồi một ngày nào đó chiếc xe cứu thương lại đến. Nó mang đến hai đứa bé đạp phải mìn lúc chơi đùa. “Anh làm ơn”, một trong các bác sĩ nói và chỉ tay vào cô bé Su Chan, “mang cô bé này về gia đình của em ấy đi.” Người tài xế bước tới cô bé và hỏi tên ngôi làng của cô. Su Chan tươi tắn trả lời. Ông tài xế người Việt suy nghĩ trong khoảnh khắc rồi kéo người bác sĩ ra nói riêng: “Xin lỗi, thưa ông”, ông ấy nói, “nhưng tốt nhất là ông nên giữ cô bé ấy lại đây. Không ai trong gia đình em còn sống sót hết. Không còn ai sống ở đó nữa – cả ngôi làng đã bị phá hủy rồi. Chỉ còn là đất hoang thôi.”
“Những trường hợp như vậy hay xảy ra” – Tiến sĩ Nonnemann nói những lời này vớ vẻ gần như là cam chịu. “Đôi lúc chúng tôi nỗ lực nhiều tuần liền vì sinh mạng của một đứa bé để rồi cuối cùng mới biết rằng không còn ai nhận đứa bé về nữa.”
Không hiếm lúc các bác sĩ của tàu “Helgoland” nhận thư từ Đức mà trong đó người gửi viết rằng: “Hãy gửi cho chúng tôi một đứa bé như vậy – chúng tôi chịu toàn bộ chi phí và sẽ nuôi nấng cháu như con ruột của chúng tôi.” Dù cử chỉ nhân đạo này thật đáng ngưỡng mộ – cho tới nay Tiến sĩ Nonnemann đều luôn khuyên không nên làm như thế. “Anh xem đấy – những đứa bé ấy được đặt vào một thế giới hoàn toàn xa lạ với hoàn cảnh sống và khí hậu của các em, đến mức người ta phải lo ngại những gì xấu nhất. Các cháu chỉ có một cơ hội thật sự, khi người ta nhận nuôi các cháu ở đây. Điều tốt nhất là xây dựng những trại mồ côi hiện đại và ảo đảm cho cuộc sống tiếp tục qua học bổng…” Áp lực mà các bác sĩ, trợ tá, nam nữ y tá phải chịu đựng trong lúc làm việc ở Việt Nam lớn cho tới mức hợp đồng chỉ có hạn sáu tháng. Có thể gia hạn, nhưng chậm nhất là sau một năm thì các thành viên của Hội Hồng Thập Tự sẽ được thay thế. Vì vậy mà vào ngày 1 tháng 7 năm 1967, một bác sĩ trưởng mới đã tiếp nhận con tàu – tiến sĩ Jäger 67 tuổi.
Nhưng một giai đoạn thử thách mới cũng bắt đầu cho chiếc “Helgoland”: Đi đường vòng qua Singapore, nơi con tàu được tu bổ và cung cấp các vật liệu và thuốc chữa bệnh cần thiết nhất, vào đầu tháng Mười nó đã bắt đầu con đường đi đến một trong những điểm nóng của cuộc chiến. Trong tương lai, “Helgoland” sẽ thả neo ở cảng Đà Nẵng, cách Sài Gòn 900 kilômét về phía Bắc. Như thế, nó nằm trong vùng mà chăm sóc y tế còn tệ hơn cả xấu nữa – một bệnh viện cho 800.000 người!
“Chúng tôi rất vui mừng về lần chuyển đổi này”, như Tiến sĩ Jäger nói, “lần đầu tiên, chiếc ‘Helgoland’ được chỉ định đến nơi đang cần nó nhất – tức là trong vùng có chiến tranh. Chúng tôi biết rõ rằng qua đó sẽ có những nhiệm vụ mới, có thể là khó khăn hơn, sẽ đến với chúng tôi. Vì bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ tiếp nhận đặc biệt nhiều người bị thương nặng. Nhưng tuy vậy: Hoạt động của chiếc ‘Helgoland’ sẽ luôn tương xứng với biểu tượng của Hội Hồng Thập Tự – con tàu này không biết bạn hay thù, nó rộng mở cho tất cả những ai cần sự giúp đỡ của chúng tôi…”
“Toàn bộ những biện pháp giúp đỡ ấy, hàng trăm kế hoạch, cuộc chiến tranh tâm lý được vực dậy – cứ tin tôi đi, tất cả đều là vô nghĩa”, Thiếu tá Charles D. Gordon, chỉ huy Tiểu đoàn Hàng không Chiến đấu 13 (13th Combat Aviation Battalion) ở đồng bằng Cửu Long rên lên. “Cho tới khi nào mà những chương trình đó không được mang về một mẫu số chung thì chúng đều vô hiệu quả, bởi vì thường là vẫn còn chưa có tiêu chí cho cả sự giúp đỡ mang ý tốt nhất nữa. Những gì chúng tôi cần là hệ thống hóa, một cơ quan trung tâm điều phối tất cả – các hoạt động quân sự, chương trình giúp đỡ, công cuộc tái xây dựng và trước hết là quá trình hướng dẫn chậm chạp đưa người dân ở đây đi đến trách nhiệm và tự lập. Chúng tôi vẫn còn chưa hiểu rằng ở đây chúng tôi đang gặp phải một cuộc chiến tổng lực không để cho người ta phân chia nó ra thành những thành phần mà rồi từ đó mỗi phần tiến hành cuộc chiến tranh của nó.”
Charly, như những người lính Mỹ gọi viên chỉ huy chỉ cao 1 m 67, được tặng thưởng huy chương mười bốn lần của họ, không đơn độc với quan điểm của ông ấy. Tại những tâm điểm mặt trận của Nam Việt Nam, những người lính không càu nhàu về chiến đấu và chiến tranh – “giờ đây thì chúng tôi đã tham gia vào cuộc chiến”, như một tướng lãnh Thủy quân Lục chiến nói, “mẹ kiếp, bởi vậy mà chúng tôi cũng phải mang việc này đi đến kết thúc” – không, những gì làm cho họ bực dọc là cái mớ rối rắm của sự lộn xộn thường không có kế hoạch ấy, một bộ máy quản lý cồng kềnh mà cả những người thám thính tài giỏi nhất cũng không còn biết lối đi nữa. Nơi người ta mày mò và mò mẫm hằng ngày – và rất đáng tiếc là thường hay thừa thãi.
“Một ngày nào đó, một ngôi làng trong tỉnh của tôi bị lôi vào vòng”, một đại tá hầm hừ nói. “Tại một thành phố nhỏ ở Arkansas, người ta tổ chức một Tuần Viện Nam. Kết quả là có hai mươi con heo nái giống được quyên tặng và được chở máy bay sang Việt Nam với chi phí rất lớn. Bây giờ thì tôi có nhiệm vụ mang những con vật ấy đến trao cho ngôi làng. Anh nghĩ xem có bao nhiêu sự rùm beng quanh đó chứ: báo chí, truyền hình, quan chức. Vâng, rồi vào sáng ngày hôm sau – những con vật ấy biến mất, 20 con heo nái ấy. Việt Cộng bắt đi 14 con, còn dân làng thì ăn 4 con còn lại. Sau vài ngày, ông trưởng làng đến và than thở: Rất đáng tiếc là VC đã bắt đi 14 con heo nái giống đẹp và béo ấy, và bây giờ thì họ hỏi là khi nào thì có nữa. Chúng tôi chắc chắn là có rất nhiều…”
Không, viên đại tá và nhiều người khác ở Việt Nam có một tưởng tượng khác về giúp đỡ và chương trình hành động: “Mọi biện pháp phải được thắt chặt, điều phối và mang về một mẫu số hiệu quả. Dân sự và quân sự phải cùng chung một khẩu hiệu: Chúng ta phải hành động có hệ thống hơn. Nếu không thì chỉ làm lợi cho Việt Cộng,” Và đó là bóng ma bí mật đáng sợ của người Mỹ: rằng từ việc đánh giá sai lầm tâm tính người Việt mà sẽ đi từ sai lầm thứ một trăm đến sai lầm thứ một ngàn, mặc dù có ý định tốt đẹp. Họ không đau buồn vì cuộc chiến – họ khổ sở với tình trạng nội bộ phức tạp của đất nước hết sức rối rắm này, đất nước mà về cơ bản là vẫn xa lạ đối với họ. Xa lạ cho tới mức họ đầu tư hàng triệu cho tâm lý và tuyên truyền, những thứ thường tắt tiếng dần trong rừng rậm trong khi người cộng sản bị kết tội nói dối rẻ tiền, trắng trợn và mặc dù vậy vẫn tận dụng được nó. Ý muốn nói ở đây là người anh hùng Việt Cộng Nguyễn Văn Bé đang trên đường đạt đến danh tiếng vĩnh cửu ở Việt Nam…
Còn napalm thì thế nào, thiếu tá?
Nguyễn Văn Bé và gia đình
Họ bắt được anh ta ở gần làng My Quy ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh ta được cho là đang trên đường mang vũ khí đến một trận tuyến của Việt Cộng. Nhưng thiết giáp lội nước của quân đội chính phủ Nam Việt Nam đã chặn đường đi của Nguyễn Văn Bé 20 tuổi. Những gì xảy ra sau đó người ta đọc được trong tờ báo Đảng Cộng sản “Tiền Phong” ở Hà Nội vào ngày 7 tháng 12 năm 1966 như sau:
“Sau khi chống cự dữ dội, Nguyễn Văn Bé bị địch bắt. Trong lúc hỏi cung, dù bị tra tấn tàn nhẫn nhưng anh không nói lời nào. Cuối cùng địch ra lệnh cho anh Nguyễn Văn Bé trẻ tuổi nhặt vũ khí anh mang theo lên để kiểm tra. Dũng cảm và không hề sợ hãi, Nguyễn Văn Bé đã lợi dụng cơ hội này để ôm một quả mìn 10 kg và lao mình đến một chiếc tăng M-118 đỗ ở gần đó. Trong khoảnh khắc ấy, anh hô to: ‘Mặt trận Giải phòng muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ!’ Quả mìn nổ tung điếc tai và xé nát thân thể người anh hùng trẻ tuổi. Tiếp theo sau đó là một loạt vụ nổ long trời lở đất. Chiếc M-118 của Mỹ bị phá hủy, 2 chiếc M-113 bị hư hỏng, 69 lính địch bị giết chết, trong đó có 12 tên Mỹ xâm lược.”
Nguyễn Văn Bé trở thành anh hùng nhân dân số một của Hà Nội như thế. Trường học và trung đoàn mang tên anh ta. Nhiều bài hát, bài thơ và lời kêu gọi đã tôn vinh lòng dũng cảm và can đảm của anh ta. Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt Nam, đã tưởng nhớ anh ta với nhiều nước mắt khi tôn vinh hành động anh hùng của Văn Bé trước Quốc Hội ở Hà Nội. Và người mẹ già nua của anh ta khóc sụt sùi trên Đài Phát Thanh Hà Nội: “Nếu như những tên đế quốc Mỹ và đày tớ đao phủ của chúng không xâm lược miền Nam thì con trai của tôi đã không phải chết. Nhưng hôm nay, tôi hạnh phúc là con tôi đã chết một cái chết anh hùng, vinh quang. Tôi đã quá già để có thể chiến đấu. Nhưng tôi sẽ làm 100 cái bẫy mìn, để trả thù cho cái chết của con tôi. Tôi tự hào rằng Bé là một anh hùng như vậy.”
Cùng thời gian đó, khi điều ấy được nói, viết và tường thuật, người anh hùng Nguyễn Văn Bé đang ngồi ăn cơm ở Sài Gòn…
“Tôi cũng không biết tại sao họ lại làm cho tôi trở thành anh hùng”, người thanh niên trẻ tuổi gầy gò nói, con người được cho là đã xé nát 69 lính địch với một quả mìn. “Đúng là tôi có nhiệm vụ mang vũ khí vào quận My An. Ở làng My Quy chúng tôi gặp phài quân lính của chính phủ. Tôi ném hai quả lựu đạn mang theo người và lặn xuống bùn. Khi tôi trồi lên để thở thì bị quân đội chính phủ bắt. Tôi vào một trại, ở đó nhiều tháng, cho tới khi vài người Mỹ đến gặp và đưa cho tôi xem những tờ báo từ Hà Nội mà trên đó đăng rằng tôi là một người hùng của nhân dân…”
Vâng, tất nhiên là lúc đó thì anh chàng Nguyễn Văn Bé trẻ tuổi rất ngạc nhiên. Trước đó, người Mỹ cũng đã rất ngạc nhiên: Họ tuyệt vọng tìm 69 người chết ấy, những người không thiếu vắng ở đâu cả nhưng đúng ra thì phải thiếu. Cho tới khi họ bắt đầu tìm trong các trại tù binh một cách có hệ thống. Họ tìm được Nguyễn Văn Bé như vậy…
Kể từ lúc đó, hàng triệu truyền đơn đã rơi từ trên cao xuống Bắc và Nam Việt Nam với hình ảnh của Bé còn sống, người đang ở Sài Gòn và ngạc nhiên về cái chết anh hùng của chính mình. Không có câu chuyện nào của cuộc chiến này mà trong đó người cộng sản đã vấp ngã nặng như câu chuyện với người anh hùng Bé.
Và mặc dù vậy: Ở Hà Nội, một tượng đài vừa được khánh thành, và giống như những nhà cách mạng của Mao mang quyển sách của Mao trong túi, Việt Cộng mang hình ảnh và bài ca về Bé trên người, một anh chàng phải chết vì Đảng đã ra lệnh. Một anh chàng trẻ tuổi nói về chính mình: “Tôi có mặt hai lần trên thế giới: như là tượng đài ở Hà Nội và như là người đang sống ở Sài Gòn. Nhưng có ai tin tôi chứ? Lời nói dối đã nhanh hơn sự thật…”
“Tôi đoán rằng sẽ là một đêm khó khăn đấy.” Hạ sĩ Maddox đặt chiếc mũ phi công của anh ấy xuống và nhìn không chớp mắt vào tấm bản đồ. “Ở đây, tại Qu2 và R3 tôi nhìn thấy một hàng Chalies. Chúng cứ bình thản đi trên bờ ruộng lúa. Tôi nghĩ thầm: này, James – không thể như thế được. Từ lúc nào mà VC đi ngay trước mũi mình thế này? Nhưng mà như đã nói – vẫn có những tên đi như thế đấy. Chúng đã bắn trúng chiếc máy bay của tôi. Nhưng rồi tôi đã cho chúng bốc hơi…”
Hạ sĩ Maddox lôi ra vài quả lựu đạn khói màu đỏ. Chúng rơi xuống ngay giữa những người đó. Vài giây sau, “có rất nhiều chuyển động chết tiệt” xuất hiện trên cánh đồng lúa: Nhiều Việt Cộng ẩn nấp vừa ho vừa chạy trốn trên những con đường đi. Và rồi khi chiếc Cessna của Maddox bị bắn bằng súng cá nhân, thì anh ta biết mình đang gặp phải chuyện gì: Anh ấy đã phát hiện một cuộc họp của Việt Cộng ngay giữa ban ngày ban mặt.
“Rồi anh đã làm gì, hạ sĩ?” Thiếu tá Gordon hỏi, người đã khoanh một vòng tròn đỏ quanh ô vuông tọa độ khả nghi trên tấm bản đồ. “Tôi đã gọi mấy chiếc một trăm đến”, Maddox trả lời. “Họ đến sau năm phút. Họ bay trên tôi tròn 5000 mét và rồi…” Rồi mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch. Bốn chiếc máy bay ném bom F-100 bay vòng quanh cánh đồng bé tí hon và những cánh rừng ngập mặn kế cận trong một vòng tròn khổng lồ ở độ cao 5000 mét. “Do you have me in sight?” [“Có nhìn thây tôi không?”] Maddox hỏi qua vô tuyến từ chiếc Cessna nhỏ bé của anh, đang bang vòng vòng ở độ cao 100 mét trên cánh đồng lúa khả nghi. “Yes, we have” [“Có, chúng tôi thấy”], mấy chiếc oanh tạc cơ trả lời. “Allright – rolling in in 30 seconds” [“Được rồi – Bay vào trong 30 giây nữa”] , Maddox nói to và nhắm vào cánh đồng lúa. Nửa phút sau đó, anh bắn chiếc hỏa tiển khói dưới cánh trái chiếc Cessna của mình – một đám mây trắng bốc lên từ cánh rừng ngập mặn. “Okay”, Maddox nói, sau khi xác định lại vị trí của cái nấm bằng khói. “Bay từ Bắc qua Nam. Mục tiêu nằm cách dấu khói 100 mét – ở đúng chín giờ.” “Roger – hiểu rồi”, các chiếc máy bay ném bom trả lời và bay sà xuống thấp.
“Không ai ra khỏi nơi đấy”, Maddodx nói và nhìn viên thiếu tá. “Họ ném bom chùm và bốn can napalm…”
Từ khi người Mỹ phân chia đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của một phần ba dân số toàn Nam Việt Nam và được cho là thành trì của Việt Cộng, ra thành hàng trăm ô tọa độ, những cánh đồng lúa, nhà cửa và khu rừng của khu đầm lầy này được kiểm soát liên tục – ít nhất là từ trên không. Các FAC lo cho điều này…
FAC (Forward Air Controler) trong Chiến tranh Việt Nam là những con chó săn trên không trung – những phi công với tỷ lệ tổn thất cao nhất. Họ bay với chiếc Cessna không vũ trang của họ ở độ cao một trăm mét trên rừng rậm và sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long và tìm kiếm quân địch – ví dụ như hạ sĩ James Maddox. Kết nối với máy vô tuyến của các FAC là trực thăng chiến đấu, máy bay ném bom, pháo binh – và trước hết là viên tỉnh trưởng của người Việt phải phê duyệt lệnh chiến đấu khi một Forward Air Controller phát hiện một tình huống “đáng đánh bom”. Quyền chỉ huy này, chỉ không có hiệu lực trong trường hợp khẩn cấp, thỉnh thoảng lại đẩy người Mỹ vào những tình cảnh hết sức khó xử, vì các viên tỉnh trưởng – toàn bộ đều là sĩ quan cao cấp – không ngần ngại nhiều với lệnh bắn của họ…
“Mới đây, một FAC của chúng tôi nhận nhiệm vụ trinh sát một ngôi làng”, Thiếu tá Gordon kể lại. “Một nông dân đã báo cho quân đội chính phủ hay rằng ông nhìn thấy vài Việt Cộng trong làng. Thế là vài con chó săn của chúng tôi được gửi đi để xem xét sự việc từ trên không và trong trường hợp khẩn cấp thì gọi pháo binh.” Viên Air Controller bay tuần tra nửa tiếng trên ngôi làng và rồi báo về qua vô tuyến: “Không có dấu hiệu của Việt Cộng. Tôi chỉ nhìn thấy nông dân, đàn bà và trẻ em.” Và rồi anh ta hỏi lại: “Viên tỉnh trưởng có còn muốn pháo kích vào làng trong tình huống này hay không?” Câu trả lời vài giây sau đó: “Sẽ pháo vào làng – hãy cho tọa độ đi.”
“Sau đó, quân đội chính phủ đã nã pháo vào làng nửa giờ đồng hồ với pháo binh của họ”, Gordon nhớ lại, người không thích những biện pháp ấy. “Vài ngàn dollar đã nổ tung – nhưng ơn Trời, không có ai chết hay bị thương. Bởi vì viên Air Controller của chúng tôi” – và viên thiếu tá mỉm cười trong lúc đó, “đã đưa tọa độ sai cho quân đội chánh phủ. Vì vậy mà họ đã bắn pháo nửa giờ liền vào một đầm lầy hoang. Ngay tối hôm đó, ông tỉnh trưởng báo cáo trận pháo kích “thành công”. Chúng tôi đã chúc mừng ông ây theo đúng nhiệm vụ – và đã khen ngợi viên Air Controler của chúng tôi. Thế là cuối cùng thì ai cũng hài lòng cả – quân đội chính phủ, dân làng, chúng tôi…”
Đó là sự cộng tác còn nhiều khiếm khuyết, điều mà ở Việt Nam khômg hiếm lần đã thoái hóa thành những cực đoan không còn có thể kiểm soát được nữa…
“Còn napalm thì như thế nào, thưa Thiếu tá?” Câu hỏi này không được ưa thích. Vì những người lính biết rõ hơn tất cả những người khác về tác động kinh hoàng của những cái can bằng nhôm này với hỗn hợp từ xăng đặc và phốt-pho trắng của chúng…
“Tất nhiên là cũng có ném napalm”, Thiếu tá Gordon nói, “nhưng chỉ được sử dụng hết sức hạn chế. Nó chỉ được phép sử dụng chống các căn cứ Việt Cộng tđã được xác nhận một trăm phần trăm, và rồi cũng chỉ được sử dụng khi những vũ khí khác không hứa hẹn sẽ thành công.”
Nhưng thỉnh thoảng người ta gặp trong các bệnh viện trẻ em và phụ nữ Việt Nam với những khuôn mặt cháy xem, cứng đơ, đã được cứu chữa – nạn nhân của napalm. Họ – dù người ta có đứng ở bên nào đi chăng nữa – là một lời lên án đáng sợ. “Việc sử dụng napalm là một câu hỏi thuần túy về quân sự”, viên thiếu tá nói. “Và ở Việt Nam có những tình huống mà trong đó ngoài napalm ra thì không có vũ khí nào khác có một cơ hội. Rồi thì lần nào chúng tôi cũng đứng trước cùng một câu hỏi: Không sử dụng napalm và rồi có thể là phải chịu tổn thất cao? Ai có thể yêu cầu điều đó ở chúng tôi? Ngoài ra: những cuộc không kích bằng napalm chủ yếu nhằm vào hạ tầng cơ sở. Chúng tôi sử dụng vũ khí khác cho những mục tiêu khác – và về cơ bản thì chúng cũng không tốt hơn nhiều lắm đâu, chỉ là có ít người biết điều đó thôi.”
Ví dụ như những quả bom CBU tai tiếng – cluster-bomb-units. “Đó cũng là một loại vũ khí bằng can”, viên thiếu tá giải thích. “Trong một cái can như vậy có 800 quả bóng nhỏ bằng sắt. Trong mỗi một viên bi như vậy lại có nhiều viên bi nhỏ hay mảnh nhọn. Áp suất không khí sau khi ném xuống sẽ giật 800 quả bóng nhỏ ấy ra khỏi can, rồi chúng sẽ nổ ngay sau đó là tạo ra một cơn mưa mảnh xuống cả vùng.
Một quả bom bi như vậy – đó là 100.000 mảnh nhọn. Và có những cánh đồng lúa bị ném ba quả bom như thế chỉ vì một tên Việt Cộng duy nhất…
Hạm đội 7: bốn quả bom trong vòng 60 giây
“Allright, Sir – được rồi!” Đại úy Hải quân Blaisdell thuộc “Naval Support Activity” [“Hoạt động Hỗ trợ Hải quân”] ở Đà Nẵng đặt ống nghe của chiếc điện thoại bàn xuống giá và hài lòng gật đầu. Trên nguyên tắc, ông không tiến hành những cuộc trao đổi như vậy qua mạng điện thoại địa phương mà dùng chiếc điện thoại thứ hai. Được nối kết vào máy đó chỉ là các cơ sở quân đội. Một thiết bị sẽ tự động loại những kẻ nghe lén ra ngoài. Nó làm việc tốt cho tới mức Blaisdell cần đến ba phút để đánh vần hai từ “West-failisch Nacktrickten” [“Tin tức Westfalen” (viết sai chính tả)]. Người ở đầu bên kia, nhờ thiết bị nhiễu ấy mà chỉ còn hiểu được “Westfailisch Nackt” [“Sự trần truồng Westfalen”], việc dẫn tới một sự hiểu lầm rằng đó là một tạp chí…
Hàng không mẫu hạm USS Kitty tại Yankee Station
“Anh có biết không, nếu như anh không đi thăm ‘Yankee Station’ – thì anh muốn viết gì về Việt Nam kia chứ?” Blaisdell tin chắc rằng “cuộc chiến tranh trong bụi rậm ở phía Nam” không thể mang lại một quyết định – đối với ông, mang tính quyết định chính là hoạt động của “Task Force 77”, tức Hạm đội 7 với 5 chiếc hàng không mẫu hạm, 14 khu trục hạm, 400 máy bay, 25 tàu tiếp tế và một số tàu ngầm được giữ bí mật, “cây búa của Mỹ”, theo Blaisdell. Pháo đài nổi này ở Vịnh Bắc bộ luôn di chuyển – một điểm tưởng tượng trên tấm bản đồ hàng hải.
“Chúng tôi sẽ mang anh ra đó”, Blaisdel nói. “Tôi vừa sắp xếp xong qua điện thoại. Sáng sớm mai anh sẽ bay đi. Một giờ rưỡi sau đó anh sẽ đáp xuống chiếc hàng không mẫu hạm ‘Constellation’. Tôi tin chắc rằng anh sẽ có cùng một ý kiến với tôi: ‘Yankee Station’ chính là chiếc chìa khóa của cuộc chiến. Từ đó, chúng tôi có thể buộc Bắc Việt Nam đầu hàng. Nhất định là có thể…”
Những câu nói như thế không phải là mới. Những “con chim diều hâu” đã có cùng một ý kiến đó từ lâu rồi. Vì từ “Yankee Station”, người ta đã hoạt động chống Bắc Việt Nam từ hơn hai năm nay: hằng tháng có hơn 5000 phi vụ mà qua đó có tròn 10.000 tấn bom được ném xuống. Nhưng mặc dù hiện nay bom rơi xuống Bắc Việt Nam nhiều hơn là xuống nước Đức trong Đệ nhị Thế chiến – vũ khí tấn công có cường lực lớn nhất của Mỹ đã không thể ép buộc được đất nước ở phía bắc vĩ tuyến 17 đầu hàng. Còn ngược lại: công cuộc tiếp tế vũ khí và con người cho lực lượng Việt Cộng đang chiến đấu ở miền Nam vẫn tiếp tục lăn đi – mặc cho nhà máy phát điện, cầu đường và hãng xưởng bị phá hủy.
“Anh vẫn còn tin vào một chiến thắng từ trên không à, Commander?” Blaisdell suy nghĩ trong giây phút trước khi trả lời. “Câu hỏi này anh nên hỏi Tổng thống là tốt nhất”, anh trả lời. “Ở đây, chúng tôi chỉ thi hành mệnh lệnh. Và khi người ta chỉ giao cho chúng tôi 300 trong số 2000 mục tiêu, thì chúng tôi sẽ chỉ chiến đấu chống 300 mục tiêu ấy. Ngay cả khi chúng chỉ là những hạt nho khô trong một cái bánh…”
Vào ngày ấy, “Yankee Station” nằm ở 19 vĩ độ Bắc và 108 kinh độ Đông. Ba trong số năm chiếc hàng không mẫu hạm đang đi hết tốc độ trên đường chiến đấu: chiếc “Forrestal”, chiếc “Constellation” và chiếc “Kitty Hawk” – trong một vòng tròn trên Vịnh Bắc bộ. Nhìn từ trên không, hạm đội nổi tiếng của Mỹ trông giống như bức ảnh bìa của một hộp đồ chơi ráp tàu thủy. Ai có thể tin được rằng chỉ riêng việc sơn một chiếc hàng không mẫu hạm thôi là đã cần đến 1,3 triệu lít sơn – nhiều như cho 30.000 ngôi nhà gia đình nhỏ!
Không chỉ những chiếc hàng không mẫu hạm, những con tàu khác cũng tụ tập lại – những “con chó săn” (khu trục hạm), những “con bò sữa” (tàu chở dầu, đạn dược và tiếp tế) và tất nhiên là con tàu được ưa thích nhất hạm đội – “con gấu”. Nó thản nhiên đi lại giữa những chiến binh khổng lồ kia – không có đại bác, nhưng được gắn đầy ăng-ten, ra-đa, mi-crô dưới nước và sonar (máy định vị). Nó kéo theo sau nhiều chiếc lưới, nhưng chúng lúc nào cũng trốn – “con gấu” không đánh cá, nó do thám. Vì “con gấu” – được ngụy trang như là một chiếc tàu đánh cá vô hại – không phải là một chiếc thuyền, mà là một ngôi nhà kỹ thuật nổi, đầy điện tử và máy tính.
Cái làm cho nó trở thành nhãn cầu của hạm đội là lá cờ ở đuôi tàu – lá cờ đỏ với huy hiệu của Liên bang Xô viết…
“Cài dây lại!” viên sĩ quan chief petty officer [thượng sĩ] ra lệnh từ buồng lái. Chiếc Grumman Trader hai động cơ đã hạ càng đáp. “Hạ cánh trong vài phút nữa!”
Cài dây ở bên hải quân có nghĩa là: kéo dây an toàn đôi của ghế ngồi cho chặt lại – và thêm vào đó là hai dây an toàn ở vai, kẹp chặt toàn thể thân trên lại. Xin ép đầu vào lưng ghế cao. Và đừng quên: cái van khí của chiếc áo phao phải lòi sẵn ra ngoài ở bên phải. Bị kẹp chặt trong bộ quân phục, áo phao và dây an toàn, ngườt ta đánh mất mọi cảm xúc của con người. Và mọi tầm nhìn: người ta ngồi quay lưng lại với chiều bay. Điều này được cho là sẽ làm giảm cú dập mạnh. Một con cá mòi đứng thẳng có lẽ còn cảm thấy tốt hơn.
“Còn 20 giây”, viên phi công nói và tăng tốc độ. Vì trên hàng không mẫu hạm thì người ta vẫn còn phải có tốc độ khi đáp xuống – cho trường hợp cái móc ở dưới thân chiếc máy bay trượt mất sợi dây. Bốn sợi dây căng qua boong đáp. Ai móc vào được sợi dây thứ ba thì đã thực hiện được một lần hạ cánh mẫu mực – không quá ngắn, không quá dài.
Những giây cuối cùng dài vô tận – thời gian để hy vọng, thời gian để sợ run. Với mũi hơi chếch lên trời, chiếc máy bay lao với tốc độ gần 200 km/h xuống cái boong tàu dài chưa tới 50 mét. Nếu cái móc chợp được thì chiếc máy bay đứng lại sau bảy mét! Được phanh lại từ 200 km/h xuống 0! Nó là một cú đập mà người ta không có được ở bất cứ hội chợ nào trên thế giới: ầm rầm rắc! Ầm: Bị ép vào ghế ngồi, cho tới mức người ta tưởng chừng như mắt sẽ lòi ra khỏi đầu. Rầm: hai cái va li không được chằng dây lao đi như tên lửa vào bức tường đằng trước và mất mọi hình dáng. Rắc: Cái đầu, gặt mạnh xuống lúc dừng hẳn lại, giống như một con búp bê đã hỏng bộ cơ học…
“Hê! – Chào mừng lên tàu!” Ở đâu đó cạnh cửa trước có một viên thiếu úy thân thiện nhe răng ra cười. Anh ta đưa tay ra vì biết rằng người ta cần đến nó. Trong khi ấy, anh ta vờ như như những giọt mồ hôi ấy chỉ vì chiếc áo phao quá chật.
Lieutenant junior [thiếu úy] James L. Roberts là một trong các “strike pilot”: mỗi ngày một phi vụ ném bom xuống Bắc Việt Nam. Robert 25 tuổi, có 491 giờ bay máy bay phản lực và ở trên chiếc “Constellation” từ 12 ngày nay. Cho tới nay, anh ấy đã bay trên Bắc Việt Nam 11 lần. Lần cuối cùng trước đây 2 giờ…
“Mục tiêu là sân bay Kép”, Roberts nói, “khoảng 50 km phía bắc Hà Nội. Khi chúng tôi bay đến thì họ đang sửa chữa đường băng mà chúng tôi vừa mới đánh bom mgày hôm qua. Cứ như thế đã bốn ngày nay rồi. Đó là một trò chơi kiên nhẫn: Chúng tôi ném bom làm hỏng đường băng của họ – họ lại sửa chữa nó. Hai bên luân phiên nhau…”
Đối với Roberts, “strike” đã là công việc thường ngày. Đứng ở đằng sau anh ấy là cơ chế tự động khổng lồ của cỗ máy: những người không thám, cung cấp những hình ảnh mới nhất, được “bắn” trước đó 40 phút trên vùng mục tiêu từ những máy chụp được điều khiển bằng máy tính, trắng đen, màu cũng như stereo – điện tử, điều khiển cuộc tấn công từ giây phút cất cánh cho tới lần ném bom cuối cùng – máy tính, xác định và chuyển tiếp trong tíc tắc mọi giá trị muốn có.
“Chúng tôi chỉ còn phải bay cùng”, Roberts nói, “để ít nhất là có mặt trong lúc đó…”
“Constellation”là chiếc hàng không mẫu hạm lớn thứ sáu của Mỹ. Con tàu có cũng những quy định như trên những sân bay nổi khác của Hải quân Mỹ. Việc đào tạo mỗi một phi công tốn mất hàng trăm ngàn, mỗi một chiếc máy bay ném bom hàng triệu và mỗi một chiếc hàng không mẫu hạm hàng tỉ…
“Chúng tôi chỉ là một viên gạch trong kết cấu của Hải quân”, viên chỉ huy của hải đội trong Vịnh Bắc bộ, Chuẩn Đô đốc Roger W. Mehle nói, và đưa ra một cái nhìn tổng quan về chiếc soái hạm của Hạm đội 7:
Con tàu 84.000 tấn “Constellation” dài 357 mét. Nó rộng cho tới mức có đủ chỗ cho hai chiếc tàu chở khách hạng sang “United States” và “America” nằm cạnh nhau trên boong. 3007 gian phòng rộng lớn khác nhau được phân bổ trên 10 tầng lầu. 5000 thủy thủ sống và làm việc ở trong đó. Để cung cấp cho họ và cho con tàu, bốn cỗ máy lọc nước phải sản xuất mỗi ngày 1,2 triệu lít nước, trong khi máy phát điện sản xuất ba triệu Watt điện. Trong các gian làm lạnh của con tàu có 2,1 triệu phần ăn khô, 487.000 cân rau quả và trái cây, 394000 cân thịt và 51.000 cân các sản phẩm sửa. Thang máy, thang cuốn, trung tâm mua sắm, bệnh viện, nơi chơi thể thao cũng như studio phát thanh và truyền hình với chương trình hàng tuần 50 giờ tạo thành một thành phố từ con tàu mà trong đó mỗi một xăng-ti-mét vuông đều được sử dụng đúng theo kế hoạch.
“Về mặt quân sự của con tàu thì có rất ít để nói”, viên Đô đốc kết thúc bài nói chuyện của ông ấy, “chúng tôi có tròn 80 chiếc máy bay ném bom, máy bay tiếp liệu, trinh sát và trực thăng trên tàu trong tình trạng trực chiến luân phiên tám giờ (cùng với hai chiếc hàng không mẫu hạm khác) và trong thời gian đó tiến hành hai đến ba vụ tấn công Bắc Việt Nam. Những chiếc máy bay ném bom thông thường mang mười quả bom 125 và 250 cân cũng như hỏa tiển để chống máy bay tiêm kích của địch. Nhờ thiết bị điện tử của chúng tôi mà chúng tôi có khả năng cất cánh trong mọi thời tiết và bất cứ vào thời điểm nào. Bốn máy đẩy hoạt động bằng hơi nước bắn bốn chiếc máy bay ném bom lên không trung trong vòng một phút.”
Tất cả những điều khác được giữ bí mật. Ví dụ như Đô đốc Mehle chỉ cần ấn một cái nút là trong vòng 20 giây sẽ được kết nối với vị tổng chỉ huy Hải Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Hạm đội Ulysses S. Gran Sharp – chỉ huy 779.000 người lính, 6100 máy bay và 562 con tàu cũng như một lực lượng hạt nhân không biết là bao nhiêu. Và khi Sharp trong sở chỉ huy của ông ấy ấn một cái nút thì ông ấy có thể nhìn thấy trực tiếp bờ biển Bắc Việt Nam: Một tấm hình radar của Hạm đội 7 dưới quyền của ông do một vệ tinh Samos truyền đi hiện ra trong giây phút trên một màn chiếu khổng lồ!
Cỗ máy Hoa Kỳ phải hoạt động như vậy – chỉ để giữ cho du kích quân và lính trong rừng rậm của Việt Nam trong thế ẩn náu. Trong khi đó thì không còn nói về chiến thắng quân sự nữa: Những năm ở Việt Nam đã trở nên quá dài…
“Hạm đội 7 chưa từng bao giờ nhận nhiệm vụ chiến thắng Bắc Việt Nam từ trên không”, Đô đốc Mehle giải thích. “Nếu như người ta giao cho chúng tôi nhiệm vụ ấy – thì chúng tôi sẽ làm tròn nó. Tôi nghĩ là chúng tôi có phi công, máy bay ném bom và cũng có cả vũ khí cho việc đó. Có thể là thế giới cho rằng chúng tôi tiến hành một cuộc chiến tranh không giới hạn từ trên không. Điều này không đúng. Anh hãy hỏi các phi công: Sự cản trở lớn nhất của họ là cuộc không chiến bị giới hạn. Họ phải đánh liều tất cả để tiếp cận đến con số ít các mục tiêu ấy. Họ với chiếc máy bay của họ phải bay thẳng đến đấy – vì vậy mà có tổn thất cao. Vì lực lượng phòng không chen chúc nhau ở quanh các mục tiêu ấy. Hà Nội và Hải Phòng được trang bị pháo phòng không nhiều hơn là Berlin trong Đệ nhị Thế chiến…”
Nhiệm vụ mà các phi công của Hạm đội 7 được giao cho bị hạn chế rất nhiều: tạo áp lực lên Bắc Việt Nam cho tới mức sản xuất phục vụ chiến tranh bị ngưng trệ và dòng tiếp tế cho Việt Cộng đang chiến đấu ở miền Nam bị phá rối. “Đó là một cuộc chiến trong vòng tròn”, như một phi công nói, “chúng tôi ném bom – và rồi vào ngày hôm sau đó lại bắt đầu ở nơi chúng tôi chấm dứt vào ngày hôm trước. Vì phần lớn các hư hại được sửa chữa qua đêm. Thành công duy nhất có để kể ra của chúng tôi là chúng tôi trói buộc hơn 300.000 người đàn ông trong độ tuổi quân dịch ở lại miền Bắc, để tu bổ và sửa chữa những gì bom của chúng tôi phá hỏng…”
Trên hai ngàn năm trăm mục tiêu có tầm quan trọng về quân sự đã được các phi công không thám – mà đối với họ, Bắc Việt Nam là một đất nước từ 60.000 tấm ảnh trắng đen – xác định. Tròn 1900 bị ném bom từ khi cuộc chiến tranh ném bom bắt đầu – nhưng không thường xuyên. Trong bảy tháng đầu tiên của năm 1967, máy bay ném bom của Không quân và của Hạm đội 7 trung bình tiến hành 13.000 vụ không kích mỗi tháng ở Bắc Việt Nam. Theo thông tin của Mỹ, trong lúc đó họ phá hủy 4100 xe tải, 7400 xe chở nước, 57 cây cầu cũng như 50 tuyến đường sắt và một số đường bộ mà con số không được nêu ra.
Dù vậy, cả việc tiếp tế lẫn Bắc Việt Nam đều không tê liệt: Hằng ngày – theo ước lượng của tình báo – người cộng sản mang an toàn 100 tấn hàng hóa tiếp tế vào miền Nam. Đồng thời, Bắc Việt Nam bị phong tỏa từ biển và từ trên không nhận hằng ngày 5800 tấn hàng hóa tiếp tế và thiết yếu qua ba cảng lớn là Cẩm Phả, Hòn Gai và Hải Phòng.
Chỉ riêng ở cảng Hải Phòng đã có 4700 tấn hàng hóa đi qua đó mỗi ngày. Nhưng không được phép tấn công Hải Phòng – thả neo ở đó chủ yếu là tàu của Xô Viết và Trung Quốc. Thế là nước Mỹ tự giới hạn mình ở 427 mục tiêu đó, những mục tiêu mà trong danh sách chính thức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân được xem như là quan trọng. 68 trong số đó được dẫn ra là “not recommended” [“không khuyến khích”], 57 mục tiêu khác không được cho phép. Vì vậy mà bom chỉ rơi xuống 302 mục tiêu còn lại.
Họ có nhiệm vụ phá rối dòng tiếp tế. Nhưng dòng tiếp tế này cứ lăn đi tự do quan các cảng của Bắc Việt Nam. Vì không có cảng nào nằm trong 302 mục tiêu đã được cho phép đó…
*
Vì vậy mà cuộc chiến cứ xoay vòng. Nó bị hạn chế vì người ta phải lo ngại sự lan rộng. Ngày nay thì chỉ là vì không ai muốn mất mặt.
Nhưng những người phải chết trong địa ngục xanh ở Việt Nam thì đã trở thành những nạn nhân vô nghĩa: Cuộc chiến không bao giờ có thể quyết định những việc dành riêng cho lý trí quyết định – tìm con đường đi đến hòa bình. Nhưng con đường này chỉ có thề bắt đầu khi vũ khí im lặng.
Vì vậy mà chỉ có một niềm hy vọng duy nhất cho đất nước Việt Nam – và không phải là mới ngày hôm nay: rằng các địch thủ nhận biết được tình trạng bế tắc và hành động. Thương lượng.
Vì mỗi một người lính còn phải hy sinh là một cái chết quá nhiều./.
Phan Ba dịch
https://www.tvvn.org/dia-nguc-xanh-viet-nam-helmut-p-muller/
Không có nhận xét nào