Header Ads

  • Breaking News

    Hải quân Trung Quốc thu hoạch dữ liệu từ Biển Đông

    Các tiền đồn được quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và các căn cứ mở rộng ở Hoàng Sa đang giúp nước này thu hoạch một trong những nguồn tài nguyên quý nhất nhưng cũng khó nhìn thấy nhất, đó là dữ liệu.

    Hải quân Trung Quốc thu hoạch dữ liệu từ Biển Đông

    Các nghiên cứu của quân đội Trung Quốc và các tài liệu khác cho thấy các dữ liệu thu thập được là cơ sở cho những hoạt động xây dựng đang diễn ra, giúp cải thiện vũ khí hải quân và thông tin liên lạc ngầm dưới mặt nước trong môi trường đặc thù của khu vực, đồng thời có thể hỗ trợ các chiến dịch tấn công đổ bộ trong tương lai.

    Theo Giáo sư Ryan Martinson từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Tác chiến của Hải quân Mỹ, những dữ liệu này rất giá trị vì chúng giúp Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiểu các thành tố­­ làm nên “môi trường không gian chiến trận biển”.

    “Trung Quốc cần thu thập những thông tin này bởi vì chúng được sử dụng để xây dựng và cải thiện các mô hình giúp cho thấy những thành tố này của môi trường không gian chiến trận biển thay đổi như thế nào trong các bối cảnh cụ thể” – ông Martison nói.

    Các nhà khoa học dân sự của chính phủ Trung Quốc và các quân nhân của PLAN làm việc trên các thực thể này thường thu thập nhiều loại thông tin khác nhau, trong đó có các dữ liệu về thủy văn, khí tượng, độ sâu của nước và thủy triều.

    Thêm vào đó, các tàu khảo sát khoa học của các tổ chức nghiên cứu nhà nước thường xuyên thăm dò độ sâu của Biển Đông, thu thập các mẫu sinh học, lập bản đồ đáy biển và lấy mẫu trầm tích.

    Tiếp tục xây dựng

    Các dữ liệu này có rất nhiều công dụng, trong đó có việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng đang diễn ra của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông – nơi mà Bắc Kinh đang vướng vào những tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.


    Trong tháng 1, mạng BenarNews cho biết Trung Quốc đang đang khai phá thêm vùng đất ở khu vực phía bắc của đảo Phú Lâm, căn cứ chính của nước này tại quần đảo Hoàng Sa và gia cố bờ biển của đảo này để chống xói mòn.

    Để chuẩn bị cho dự án này, các tài liệu đấu thầu cho thấy Viện nghiên cứu Kỹ thuật giao thông đường thủy Thiên Tân thuộc bộ Giao thông Trung Quốc đã đồng ý mô phỏng tình trạng xói lở của khu vực bờ biển đảo Phú Lâm với việc sử dụng những dữ liệu thu thập qua một số năm. Tài liệu này đã mang lại một cái nhìn hiếm hoi về việc Trung Quốc đã tận dụng việc chiếm đóng lâu dài các đảo và bãi đá tranh chấp để thu thập và rồi khai thác dữ liệu để phục vụ các dự án xây dựng.

    Theo những tài liệu mà BenarNews tiếp cận được, viện này sẽ tổng hợp các dữ liệu đo lường độ sâu, hình ảnh cảm biến từ xa, thông tin khí tượng-thủy văn và các dữ liệu khác thu thập trong nhiều năm trên đảo Phú Lâm cũng như những dữ liệu từ các công trình xây dựng trước kia ở các vùng biển lân cận. Bathymetry là phương pháp đo độ sâu của biển và khoa học khí tượng-thủy văn nghiên cứu chu trình của nước liên quan tới quy trình khí quyển.

    Môi trường không gian chiến trận biển

    Dữ liệu thu thập từ các tiền đồn xa xôi cũng hỗ trợ các chiến dịch hải quân của Trung Quốc tại biển Đông và giúp quân đội nước này chuẩn bị cho những cuộc xung đột tiềm năng với các quốc gia có tranh chấp hoặc với những đối thủ bên ngoài như Mỹ.

    Ví dụ, ông Martinson lưu ý rằng thủy triều, các dòng biển, độ cao của sóng, nhiệt độ, gió và độ mặn đều có thể thay đổi.

    “Có thể dự báo những thay đổi này là vô cùng quan trọng đối với Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) vì những yếu tố này trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động hải quân từ việc cơ bản như điều hướng cho đến việc triển khai vũ khí hay các hoạt động tình báo, hải giám và do thám/trinh sát”– ông Martison nói với BenarNews.

    Các nghiên cứu hiện có được công bố bởi các kỹ sư, các nhà khí tượng và các chuyên gia khác có thuộc Quân đội Giải phóng Trung Quốc cho thấy quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục quan tâm tới những yếu tố môi trường này.

    Ví dụ trong năm 2020, các nghiên cứu viên từ đơn vị 61741 của Quân đội Giải phóng Trung Quốc đã xuất bản một tài liệu nghiên cứu bàn về vùng biến nhiệt [thermocline] – một tầng chuyển đổi giữa vùng nước ấm hơn gần bề mặt đại dương và vùng nước mát hơn ở phía dưới ảnh hưởng thế nào đối với hoạt động thông tin- liên lạc dưới nước cũng như việc che giấu các phương tiện dưới nước tại khu vực biển Đông.

    Một nghiên cứu định hướng biển Đông của các chuyên gia từ Học viên Nghiên cứu Hải quân của PLA đã tìm hiểu việc mô phỏng đại dương có thể giúp phân tích ảnh hưởng “các hiện tượng khí hậu thời tiết đại dương phức tạp, quy mô nhỏ’ đối với hiệu quả của trang bị khí tài hải quân thế nào.

    Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, học viện này của Trung Quốc tập trung vào các nghiên cứu công nghệ, môi trường biển và kỹ thuật quốc phòng.

    Các chủ đề khác được khảo sát bởi các nhà nghiên cứu quân đội Trung Quốc còn bao gồm việc tìm hiểu xem môi trường biển Đông đã làm bào mòn các thiết bị điện tử và thép không rỉ trong không khí như thế nào, các thuộc tính cơ học của cát dùng cho việc khai phá đất đai ở biển Đông và điều trị chấn thương não trong chiến trận hải quân trong môi trường biển Đông.

    Gia tăng năng lực

    Việc xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại biển Đông từ lâu đã được gắn kết với việc thu thập dữ liệu môi trường.

    Ví dụ, sau khi chiếm đóng đảo Phú Lâm – một thực thể tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa -- trong những năm 1950, Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập trạm khí tượng.

    Theo một nghiên cứu xuất bản trên tờ The China Quarterly, Bắc Kinh đã sử dụng việc thu thập dữ liệu khí tượng quốc tế cho UNESCO như một cớ để thiết lập sự hiện diện thường xuyên tại quần đảo Trường Sa vào cuối những năm 1980 với việc xây dựng một trạm quan sát trên đảo Đá Chữ thập.

    Từ trạm quan sát này, cứ mỗi hai tiếng trong ngày và trong suốt 30 năm qua, các nhà khí tượng thủy văn PLAN đã đo lường các yếu tố như hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ và thủy triều - báo chí Nhà nước Trung quốc cho biết.

    Và vì Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều căn cứ đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, khả năng thu thập dữ liệu của nước này dường như đã lớn mạnh.

    “Về lý thuyết, việc có thêm các vùng đất cho phép lắp đặt thiết bị nhiều hơn và lớn hơn” – ông Martinson nói với BenarNews.

    Martinson cũng cho hay các cơ sở mới của Trung Quốc tại Trường Sa có khả năng hỗ trợ các tàu phục vụ và triển khai các phao nổi trên mặt nước và dưới bề mặt mà Trung Quốc dùng để theo dõi các điều kiện trên nhiều vùng nước rộng lớn.

    Thêm vào đó, những tiền đồn được mở rộng này cho phép hải quân Trung Quốc triển khai thêm nhân sự trong quần đảo Trường Sa, trong đó có cả các nhà khí tượng và kỹ sư giúp quân đội Trung Quốc thu thập thêm những dữ liệu quan trọng.

    Ví dụ, theo một báo cáo năm 2020 trên tờ nhật báo của Quân đội Giải phóng Trung Quốc, ông Wu Jingquan, một kỹ sư của Hải quân Trung Quốc đóng trên quần đảo Trường sa đã thiết kế và đăng ký bằng sáng chế các thiết bị đo đạc dành riêng cho các điều kiện môi trường ở khu vực này từ năm 2018.

    “Thủy triều là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới môi trường không gian chiến trận đại dương” – tờ nhật báo này viết và cho biết độ mặn và nhiệt độ của nước trong quần đảo Trường Sa thường ảnh hướng tới việc đo lường thủy triều, dẫn tới các lỗi sai.

    Tờ báo này cho hay với sự giúp đỡ của cấp trên, ông Wu đã bắt tay vào việc giải bài toán này, thiết lập nhiều điểm quan sát trên đảo Đá Chữ thập để thu thập dữ liệu thủy triều hàng ngày. Sau đó ông sử dụng những dữ liệu này để xây dựng một mô hình dữ liệu thủy triều, cuối cùng thiết kế một thiết bị đo thủy triều tự động, không bị ảnh hưởng bởi độ mặn hoặc nhiệt độ.

    Tờ BenarNews có được hồ sơ xin cấp sáng chế cho hai phát minh của ông Wu: máy đo thủy triều tự động nói trên và “thiết bị khảo sát dưới nước và dung cụ giám định mớn nước năng động” nhằm hỗ trợ tàu thuyền thực hiện các khảo sát độ sâu của nước.

    “Thủy triều là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch đổ bộ. Nếu bạn cố gắng đổ bộ trên một hòn đảo hoặc mang tàu đến gần đảo, bạn cần biết thủy triều ở đó tác động tới độ sâu của vùng nước xung quanh ở bất cứ thời điểm nào như thế nào” – ông Martinson nói.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào