ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức. Ảnh TTXVN |
Phải làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững từ thực tế đã trải nghiệm trong 44 năm qua...
Đó là một trong những trăn trở của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, thể hiện trong bài viết dưới đây:
40 THÁNG SAU NGHỊ QUYẾT 120/NQ-CP
1. Nhìn lại 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội, môi trường ở ĐBSCL
Ngày 26/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Sau hội nghị này Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP Về phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 17/11/2017, tính đến nay đã được gần 40 tháng.
Hai năm sau, 2019, tác giả đã có bài viết Đồng bằng sông Cửu long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường. Triển khai nghị quyết 120/NQ-CP [2] để góp phần đánh giá việc khai thác đồng bằng 44 năm sau ngày đất nước thông nhất, những Được và Mất, và những gì cần làm để triển khai NQ 120 CP.
Bài viết đã chỉ ra, với tư liệu và số liệu dẫn chứng, bốn tồn tại bất cập lớn của ĐBSCL.
(1) Góp phần vào thành tựu ấn tượng về kinh tế của cả nước nhưng thay đổi sâu sắc về môi trường.
Tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ. Tài nguyên nước bị lãng phí. Đa dạng sinh học, đặc biệt trong các hệ sinh thái ngập nước Đồng Tháp mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Hạ. Rừng tràm và rừng ngập mặn biến mất dần, trên diện rộng.
(2) Sản xuất tăng nhanh, liên tục nhưng đồng bằng đang tụt hậu so với bình quân cả nước.
(3) Hạ tầng cơ sở về giao thông bất cập, một điểm nghẽn chính cho phát triển.
(4) Sau 44 năm đồng bằng vẫn là một vùng trũng về giáo dục. Nó sẽ càng trũng hơn nữa ở thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không kịp thời khắc phục.
Bốn bất cập này không tác động riêng lẻ mà tác động liên hoàn lên nhau.
Phải đặt việc khắc phục các bất cập này trong bối cảnh ĐBSCL đang đối diện hai thách thức nghiêm trọng ảnh hưởng đến bản thân sự tồn tại của nó. Một, toàn cầu, là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và một, khu vực, là việc sử dụng nguồn nước sông Mekong trên thượng nguồn, mà trước tiên là xây dựng các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong [3].
Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững từ thực tế đã trải nghiệm trong 44 năm qua?
(1) Phải phát triển hài hòa ba trụ cột. Đó là Tăng trưởng kinh tế, Công bằng và tiến bộ xã hội, Bảo vệ môi trường. Điều này đã được đề cập nhiều. Cái chính là thực hiện.
(2) Vai trò của Nhà nước là quyết định trong kiến tạo mô hình tăng trưởng của đất nước, của các vùng kinh tế-sinh thái trong đó có ĐBSCL, trong hoạch định các quy hoạch phát triển với tầm nhìn trung và dài hạn, các kế hoạch 5 năm, trong quyết định những dự án đầu tư công và cả tư với tổng mức đầu tư cao, tác động quan trọng đến môi trường và số cư dân phải di dời, tái định cư.
Hiệu lực của vai trò của Nhà nước, trước hết là của Chính phủ, tùy thuộc vào sự không chồng chéo, thiếu phối hợp giữa các Bộ ngành và mức độ quán triệt NQ 120/CP.
(3) Vai trò của cộng đồng xã hội là không thể thiếu vì con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của mọi chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường. Có phát triển bền vững được hay không, vai trò của cộng đồng xã hội, từ nhận thức đến hành động, có ý nghĩa quyết định.
Vai trò của các nhà khoa học, các viện trường, ngoài nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, là nâng cao năng suất và hiệu quả của các khâu trong chuỗi các mặt hàng nông thủy sản bằng những tiến bộ khoa học công nghệ, và được hưởng thành quả lao động của mình; của các doanh nghiệp và doanh nhân gắn kết các khâu của chuỗi sản phầm từ đầu vảo đến đầu ra và bằng cách này nâng cao giá trị và thương hiệu các mặt hàng nông thủy sản; của nhà nông, mỗi nông hộ, từ chỗ nhạy bén học, bắt chước nhau sản xuất, phải trở thành những doanh nghiệp “siêu vi mô” liên kết với nhau để cùng nhau đi xa và đi vững chắc trong thời buổi các nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh khốc liệt.
Những tác động của Nhà nước và của cộng đồng xã hội phải đi cùng hướng thì mới dẫn đến phát triển bền vững.
(4) Triển khai NQ 120/NQ-CP
NQ 120 là đúc kết ý kiến của các Bộ ngành, của các chuyên gia trong và ngoài nước tại một hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Triển khai nghiêm túc nghị quyết sẽ hướng chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường ở ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững. Bài viết đã đề xuất 12 nhận xét và kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
2. Hạ tầng cơ sở giao thông, nguồn nhân lực: hai điểm nghẽn chính của đồng bằng
Năm 2020, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, tác giả đã gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước ba bài viết [4]:
(1) Đại dịch Covid 19 và phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030;
(2) Hệ thống giao thông sau 10 năm đột phá chiến lược;
(3) Một tiếp cận phân tích FDI vào Việt Nam (1988-2019).
Các số liệu cho thấy (1) đầu tư cho hạ tầng giao thông ở ĐBSCL từ năm 2010 đến 2019 là quá khiêm tốn; (2) hiệu quả đầu tư không cao [5].
+ Mặc dù hạ tầng cơ sở giao thông là một mũi đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XI, cả ĐBSCL chỉ có vỏn vẹn 44 km đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương. Cả ĐBSCL không có một cảng biển khả dĩ gánh vác nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Cảng Cái Cui (Cần Thơ) vẫn chưa thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải 10.000 tấn. Cục Hàng Hải Việt Nam vẫn bám Dự án Luồng Kênh Quan Chánh Bố, một dự án mặc dù đã được đầu tư hơn 5000 tỷ đồng vẫn chưa chứng minh được tính hơn hẳn, thậm chí còn kém hơn luồng thiên nhiên Định An cho dù luồng này không được nạo nét và duy tu từ năm 2016, năm mà luồng qua Kênh Quan Chánh Bố đi vào hoạt động [6].
+ Huy động FDI vào một địa phương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đan xen nhau. Tuy vậy, có hai yếu tố chắc chắn tác động đến quyết định của nhà đầu tư. Đó là hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông và trình độ dân trí và nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Rất rõ đây là hai điểm rất yếu của đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí đáng báo động về nguồn nhân lực như kết quả Tổng Điều tra Dân số công bố tháng 12.2019 [7] cho thấy. Xin trích:
* Trong khi tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 cả nước là 1,14%/năm, thì tỷ lệ này ở ĐBSCL là 0,05%, thấp nhất cả nước. * Trong khi chỉ số già hóa dân số trong cả nước là 48,8% thì chỉ số này ở ĐBSCL là 58,5%, cao nhất nước. * Chỉ số tỷ suất di cư thuần (là hiệu số tỷ suất nhập cư trừ tỷ suất xuất cư) ở ĐBSCL là -39,9% cao nhất nước. * Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở ĐBSCL là 94,2% thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và thấp nhất nước, chỉ trên Tây Nguyên (91,3%). * Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT trong cả nước là 17,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhất cả nước. * Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,2%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL chỉ là 9,7%, thấp nhất cả nước. * Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trong cả nước là 8,3%. Tỷ lệ này ở ĐBSCL là 13,3%, cao nhất cả nước, đồng hạng với Tây Nguyên. |
Mong rằng sau Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, hai mũi đột phá chiến lược này sẽ được quán triệt sâu sắc và triển khai có hiệu quả hơn.
3. Từ Nghị quyết 120 đến Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết 120-CP giao cho “Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước quý III năm 2020”.
Các từ khóa mà Quy hoạch phải đáp ứng là vùng, tổng thể, tầm nhìn 2050, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan.
Nếu quy hoạch tốt cách xây dựng sẽ gỡ một nút thắt quan trọng, mãn tính đối với đồng bằng. Xin đóng góp một số suy nghĩ về quy hoạch.
(1) Quy hoạch phải bám sát bốn quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120-CP.
+ Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, (…); chú trọng bảo vệ đất, nước và con người; + Thay đổi tư duy phát triển, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; (…) phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; + Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; + Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long vì lợi ích chung của đất nước, (…) và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển. |
(2) Có phương pháp luận rõ ràng, quy trình lập quy hoạch minh bạch
Quy hoạch là kết quả một bài toán tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực trên địa bàn ĐBSCL nhằm đạt được ba mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, trong mối quan hệ với các vùng lãnh thổ khác trong cả nước, trước tiên với Tp. Hồ Chí Minh và Khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Càng rõ ràng, minh bạch càng thuận lợi trong việc tạo sự đồng thuận và phối hợp giữa các Bộ ngành và giữa Trung ương - địa phương.
(3) Cần đánh giá khoa học, khách quan hiện trạng, mô hình phát triển, trong thời gian qua, tại các mốc thời gian 5 hoặc 10 năm, ít nhất từ năm 2000 đến nay; chỉ ra được các nguyên nhân. Đặc biệt đánh giá việc triển khai các đột phá chiến lược đã được Đại hội XI, XII thông qua, các dự án, công trình (đã, chưa và không phát huy tác dụng) là cơ sở, là điều kiện cần để quy hoạch sát hợp trong giai đoạn sắp tới.
(4) Quy hoạch phải phù hợp với quy luật, với bản chất và đặc thù của đồng bằng.
Đó là một đồng bằng thủy triều trẻ nhạy cảm với các tác động, cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu. Đa dạng sinh học, đa nhịp điệu (nửa ngày, một ngày của triều, một tháng của triều cường, sáu tháng của hai mùa mưa và khô, một năm của lũ, thập niên của sự ra đời và biến đổi của những cồn bãi, cù lao, …), là những đặc thù làm nên sự đa dạng và trù phú của đồng bằng.
Rất cần tham khảo kinh nghiệm, mô hình ở các nơi khác nhưng khi áp dụng phải phù hợp với các quy luật, bản chất và đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long.
(5) Phải có “tầm nhìn đến năm 2050”. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cao trình mặt đất và tình trạng ngập lụt thay đổi đáng kể từ nay đến 2030 và 2050 tùy theo mực nước biển dâng và mức độ khai thác nước ngầm. Do vậy Quy hoạch phải tính đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng sụt lún của đồng bằng (tự nhiên và từ khai thác quá mức nước ngầm) khi tính toán các dự án, công trình, và không dừng lại ở đó đến tác động trở lại của các dự án, công trình này lên sụt lún của đồng bằng.
(6) Nhằm bù lại sự hầu như dẫm chân tại chỗ trong 10 năm qua, cần ưu tiên đầu tư cho giao thông nhưng phải là một quy hoạch tích cực, hợp quy luật, hài hòa giữa giao thông bộ, thủy nội địa và đường biển, và phát huy sớm hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế của đồng bằng.
(7) Cần những đổi mới về thể chế để thực thi Quy hoạch
Cuối năm 1990, cách đây 30 năm, Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long trong Chương Bốn, Đồng bằng sông Cửu Long nhìn về thế kỷ XXI đã đề xuất Phướng hướng phát triển đồng bằng đến đầu thế kỷ XXI và kiến nghị cần có một chính sách phát triển kinh tế vùng cho đồng bằng sông Cửu Long (mà Chương trình đã nêu lên năm 1986) với những đề xuất cụ thể [8], [9].
(8) Đối xử với ĐBSCL như một cơ thể sống, sống hài hòa và phát triển cùng với nó
Đồng bằng không thể phát triển bền vững khi mà tài nguyên kiệt quệ, tiềm năng ngày càng suy giảm. Phải xem đồng bằng như một cơ thể sống, các dòng sông là mạch máu, nước là máu, trầm tích là thịt. Quy hoạch đồng bằng sao cho nó cường tráng hơn, sung sức hơn, tồn tại hài hòa với biển (phần bù tự nhiên của nó), để nó đủ sức nuôi sống hàng triệu người dân đã bao đời gắn bó với nó, và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
CHÚ THÍCH:
[1] : Giáo sư Tiến sĩ Khoa học, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội, nguyên Phó Chủ nhiêm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp Đồn bằng sông Cửu Long (1983-1990).
[2] Đã trích đăng trong ĐBSCL, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường, Báo ĐấtViệt online, 11/6/2019, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dbscl-44-nam-chuyen-doi-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong-3381677/
[3] : Nguyễn Ngọc Trân, Định hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, tham luận gửi Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ, ngày 26 - 27 tháng 9 năm 2017. Xem nội dung tại http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dinh-hinh-phat-trien-ben-vung-dbscl-3343352/
[4] : (1) https://daibieunhandan.vn/dai-dich-covid-19-va-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-2021---2030-scdasznmwb-45857; (2) https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/he-thong-giao-thong-sau-10-nam-dot-pha-chien-luoc-3415576/; (3) https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/mot-tiep-can-phan-tich-fdi-vao-viet-nam-1988-2019-3416103/
[5] : Nguyễn Ngọc Trân, Hệ thống giao thông sau 10 năm đột phá chiến lược, Đất Việt online, ngày 03.08.2020, https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/he-thong-giao-thong-sau-10-nam-dot-pha-chien-luoc-3415576/
[6] : Nguyễn Ngọc Trân, Luồng kênh Quan Chánh Bố, bài học và kiến nghị, Đất Việt online, ngày 18.04.2019, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/luong-kenh-quan-chanh-bo-bai-hoc-va-kien-nghi-3378412/
[7] : Nguồn: www.gso,gov.vn, Mục Ấn phẩm Thống kê. Kết quả của cuộc TĐT đã được công bố tại Hà Nội ngày 19.12.2019.
[8] Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, Báo cáo tổng hợp của Chương trình khoa học Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, Gs.Ts. Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Chương trình chủ biên, Ủy Ban Khoa học Nhà nước, Hà Nội, 3.1991. http://ir.vnulib.edu.vn/handle/VNU_HCM/6600
[9] : Nguyễn Ngọc Trân, Phát triển kinh tế vùng, một nội hàm của tái cơ cấu kinh tế, một nội dung của đổi mới thể chế, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=338886
https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/40-thang-sau-nghi-quyet-120nq-cp-3428660/
Không có nhận xét nào