Header Ads

  • Breaking News

    Doanh nghiệp Việt ngấm đòn COVID-19: sức chống chọi vơi dần

    Dịch COVID -19 tại Việt Nam dẫn đến lệnh giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, không di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Những lệnh này được áp dụng một cách triệt để khiến vô số doanh nghiệp trong nước gặp hết trở ngại này đến hạn chế khác và càng ngày càng lún sâu vào khó khăn trong hoạt động sản xuất.
     
    Doanh nghiệp Việt ngấm đòn COVID-19: sức chống chọi vơi dần

    Thực tế cho thấy sau một năm đối mặt dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuyên bố phá sản hay ngừng hoạt động.

    Hôm 26/2, báo trong nước loan tin nhà máy có 14.000 công nhân thuộc Công ty TNHH May Tinh Lợi tại khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, loan báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 24/2 vì dịch COVID-19.

    RFA đã nối đường dây viễn liên về cơ sở kinh doanh này nhưng không có người bắt máy. Một cư dân địa phương giấu tên, xác nhận với đài chuyện đóng cửa là có thật.

    Không phải đợi đến giờ mà ngay từ đầu, tức từ tháng 2/2020, nhiều công ty và doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thấm đòn COVID-19 mà đầu tiên và ngay tức thời là các công ty du lịch. Đây là xác nhận của Giáo sư Tiến Sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam:

    “Du lịch là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất từ dịch COVID. Những doanh nghiệp mạnh còn có thể trụ được một chút như VietTravel hay Saigon Tourism…dưới hình thức là giảm nhân viên đi, còn những doanh nghiệp nhỏ thì hầu như phá sản hoặc phải chuyển đổi hết”

    “Tóm lại là rất khó khăn, lượng khách quốc tế giảm gần 90%, tháng đầu của 2020 vẫn còn khách quốc tế, nhưng từ cuối tháng 2 qua tháng 3/2020 hầu như giảm rất nhiều và đến tháng Tư thì không còn khách quốc tế nữa. Bước vào đầu năm nay thì không còn khách quốc tế nào cả. Không chỉ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng mà các thành phần xã hội tham gia vào ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng. Thí dụ tiểu thương, nhà hàng, vận chuyển khách. Hàng không mà không có khách thì cũng chết thôi, ngay như tắc xi ở thành phố lớn mà không có khách thì đâu có việc làm”.

    Tình thế kéo dài như vậy nên câu hỏi bức thiết là Chính phủ có thể làm gì để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp:

    “Ngành du lịch quan trọng ở chỗ là nó kéo theo việc làm cho xã hội. Nhà nước hỗ trợ bằng cách doanh nghiệp còn nợ ngân hàng thì cho giãn nợ, giãn thuế. Nhà Nước cũng phải có cái nhìn nhận ưu tiên cho các doanh nghiệp du lịch để nó phục hồi lại hoặc ít nhất là họ đỡ bị phá sản. Hỗ trợ để ngành du lịch phục hồi sớm thì nó kéo theo các ngành khác. Đó là điều Nhà Nước cần nhìn nhận cho nó chuẩn xác”.

    Nhiều doanh nghiệp khác ở những ngành khác cũng đang lún sâu thêm vào khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết hiện một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty đã bắt đầu thiếu nguyên liệu, dẫn đến tình trạng gọi là “nhỡ hàng" giữa tháng 3/2021 này.

    Nguyên nhân “nhỡ hàng” đến từ việc thiếu từ 50 đến 60% nguyên, phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Không có nguyên liệu đầu vào thì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp coi như ngưng trệ.

    Chuyện thiếu hụt nguyên vật liệu nhập của Trung Quốc thì đã rõ, rồi lại tiếp tục trong thời điểm COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam cứ loay hoay và càng bị rơi sâu vào suy trầm, là khẳng định của ông Nguyễn Thành Sang, nguyên Tổng giám đốc công ty dệt may Phước Thịnh:

    “Dịch bệnh kéo dài từ đầu 2020 tới 2021 này khiến ngành dệt may diễn biến phức tạp, giá cả nguyên liệu không biết bao giờ dừng trở lạị. Mỗi ngày mỗi giá, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa mà nguyên liệu hiện nay thì không biết ở đâu để có một cái kênh chính thống. Bây giờ có tiền chưa chắc đã mua nguyên liệu được”.

    COVID-19 làm thay đổi, làm tê liệt nhiều ngành, riêng ngành dệt may thì những ngày tới sẽ rất lao đao, ông Nguyễn Thành Sang nói tiếp:

    “Nhiều nhà máy đóng cửa, một số chưa phục hồi trở lại. Việt Nam giỏi chống dịch hay mấy cũng chỉ nằm trong khuôn khổ Việt Nam để an toàn thôi chứ còn về kinh tế và phát triển thì cũng bị ảnh hưởng chung với cả thế giới.”

    Ông Nguyễn Thành Sang cho biết ông đồng cảm với điều ông Nguyễn Xuân Dương rằng khó nhất của các doanh nghiệp bây giờ là dù tạm ngưng sản xuất, tạm cho lao động nghỉ hay giãn việc thì vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động. Mức lương bình quân trong trường hợp này bằng tiền lương tối thiểu hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

    Đây là áp lực tài chính vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp, là lời ông Nguyễn Xuân Dương công ty may mặc Hưng Yên cũng như ông Nguyễn Thành Sang công ty dệt may Phước Thịnh:

    “Riêng đối với ngành dệt may thì mình mạnh ở chỗ gia công chứ mình đâu có làm chủ nguyên liệu cũng như thiết bị. Nói đến ngành dệt may thì tôi xin thưa rằng Nhà nước phải bảo vệ ở góc độ người lao động, quan trọng nhất là công ăn việc làm và đời sống của người lao động”.

    Trong khi đó, theo chuyên gia ngành May Mặc & Da Giày, ông Diệp Thành Kiệt, doanh nghiệp Việt Nam thấm đòn COVID-19 là chuyện không thể tránh, nhưng nếu nhìn rộng ra thì có hai góc độ trong một vấn đề:

    “Có nghĩa qua COVID này thì có những doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động tương đương với năm 2019, ngược lại có một số doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản hay đóng cửa. Các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn duy trì được sự phát triễn hay phải đến bờ vực phá sản thì nó tùy thuộc vào thị trường của một nhãn hiệu nào đó, tùy thuộc vào nhãn hiệu đó đang đặt hàng ở đâu. Có những nhãn hiệu họ đặt hàng ở Bangladesh có, ở Việt Nam có, ở Myanmar có, thí dụ như vậy. Bây giờ với thị trường Bangladesh bị tác động bởi dịch nên họ muốn rút khỏi Bangladesh, hoặc là với tình hình bên Myanmar thì rõ ràng họ phải rút toàn bộ đơn đặt hàng khỏi Myanmar. Trong trường hợp này những doanh nghiệp nào đang làm với những thương hiệu như vậy lại có cơ may, tức người ta sẽ đưa đơn đặt hàng từ những nước đang có vấn đề đó về cho Việt Nam. Mặc dù mức tiêu thụ trên toàn cầu giảm đi nhưng bản thân doanh nghiệp đó do đang ở Việt Nam với đợt dịch thứ ba đã được kiểm soát, và doanh nghiệp nào làm với những thương hiệu đó sẽ có cơ hội duy trì, thậm chí phát triển được năng lực sản xuất”.

    Ngược lại, vẫn lời ông Diệp Thành Kiệt, đối với những doanh nghiệp nào hoạt động thông qua trung gian thì thách thức lúc này quả là rất lớn.

    Yếu tố thứ hai quan trọng không kém là nội lực, là sức chịu đụng của chính doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19:

    “Thể hiện rõ nhất là khả năng chịu đựng về mặt tài chính. Không có tiền để duy trì bộ máy, không có tiền mua nguyên liệu dự trữ cho sản xuất thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, sẽ đóng cửa”. 

    Được hỏi về biện pháp hỗ trợ khả dĩ từ chính phủ đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, chuyên gia Diệp Thành Kiệt cho biết:

    “Tôi mới nhận thông tin hôm nay có cuộc họp và Thủ tướng Chính phủ cũng gợi ý về gói cứu trợ thứ hai cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng đường đi này của chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên phải hiểu gói cứu trợ nếu có thì nên dành chủ yếu cho người lao động, bởi lao động là những người bị ảnh hưởng trực tiếp”

    “Còn với doanh nghiệp, có quan điểm cho rằng doanh nghiệp nào sắp chết thì cứu, nhưng cũng có quan điểm hãy cứu những doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhưng lại thiếu tài chính. Hỗ trợ cho những doanh nghiệp đó phát triển lên thì người lao động có việc làm, chính phủ thu được thuế, từ đó lấy ra mà cứu những doanh nghiệp khác. Tôi nghĩ chính phủ sẽ chọn một giải pháp dung hòa”.

    Theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, minh họa qua biểu đồ được báo chí đăng tải lại, con số doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên giảm trong giai đoạn 2016-2020.

    Cụ thể, cả nước có 134.941 doanh nghiệp thành lập mới năm 2020, giảm 2,3% so với năm 2019. Song song với đó, 101.719 doanh nghiệp rút khỏi thị trường là số tăng đáng kể 13,9% so với năm trước, trong đó 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2019.

    Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đặc biệt, cho rằng Chính phủ cần thực hiện đúng thời điểm và đúng lúc các chính sách, giải pháp hỗ trợ. Bởi vì nếu thực hiện muộn thì chính sách vẫn là chính sách nhưng sẽ không còn tác dụng, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào