Nguồn: Bài báo trên tờ Tagesspiegel, một nhật báo Đức tại Berlin, ra ngày 14-3-2021
Nina Breher và Maria Kotsey * Hiếu Bá Linh dịch
Sự tham dự đông đảo của người dân tại đám tang cô Kyal Sin, người biểu tình bị bắn chết. Ảnh: REUTERS /STRINGER
Các cuộc biểu tình ở Myanmar học hỏi từ phong trào dân chủ ở Hồng Kông như thế nào?
Sau cuộc đảo chính ở Myanmar, mọi người dân đang tạo ra tiếng nói của mình một cách sáng tạo. Nhưng chính quyền phản ứng bằng sự tàn bạo – trên đường phố cũng như trên Internet.
Một khoảnh khắc trước khi chết, cô Kyal Sin, 19 tuổi, đang cúi rạp người ẩn nấp trên mặt đường. “Chúng ta sẽ không bỏ chạy”, cô ấy hô lên trong một video đang lan truyền trên mạng xã hội. “Không để máu của người dân chúng ta nhỏ xuống đất”.
Một lúc sau, chính là máu của cô ấy đang nhỏ xuống các đường phố của Mandalay. Một viên đạn của quân lính đã găm vào đầu Kyal Sin vào ngày 3 tháng Ba. Trên áo phông của cô ấy có hàng chữ “Everything will be OK“ – “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”.
Cuộc đảo chính cách đây một tháng rưỡi mà quân đội thực hiện vào lúc nửa đêm và bắt giữ các chính trị gia đương nhiệm, phế truất bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước và như thế coi như nắm quyền. Đó là điều không mấy “tốt”: Kể từ đó, đất nước này ở trong tình trạng khẩn cấp.
Các cuộc biểu tình và đình công ủng hộ dân chủ đang tiếp tục diễn ra kể từ ngày 1 tháng 2, cũng như bạo lực mà quân đội đã đối phó với họ. Theo tổ chức giúp đỡ tù nhân chính trị, cho đến nay đã có 126 người chết và ít nhất 1.800 người bị bắt giam.
Quân đội phong tỏa các khu vực lân cận và bắn đạn thật. Ở một số vùng của đất nước, vài ngày sau khi tiếp quản, chính quyền quân sự đã áp đặt thiết quân luật. Vào tối Chủ nhật 13/3, có thêm hai quận của thành phố lớn nhất Yangon cũng bị áp đặt thiết quân luật.
Cuộc biểu tình đầy màu sắc: chặn đường phố bằng quần áo phụ nữ
Người dân phản ứng lại sự tàn bạo của chính quyền quân sự bằng sự phản đối kiên quyết và đôi khi là những phương cách sáng tạo. Cô gái bị sát hại với chiếc áo “Mọi thứ rồi sẽ ổn” đã trở thành một nhân vật biểu tượng: các bức tranh, hình ảnh và video về cô ấy được lan truyền trên mạng xã hội, và hàng nghìn nhà hoạt động đã đến dự đám tang của cô ấy.
Cô Kyal Sin ẩn nấp dưới đất. Cùng ngày, cô bị quân đội Myanmar bắn chết. Ảnh: REUTERS/STRINGER
Trên đường phố, cuộc biểu tình – dù bị đáp trả tàn bạo đến đâu – cũng đầy sáng tạo và nhiều màu sắc. Để ngăn cảnh sát vượt qua rào chắn của những người biểu tình, họ treo quần áo truyền thống của phụ nữ trên dây phơi tại những con phố bị chặn. Theo mê tín của nước này, bất cứ ai đi dưới nó sẽ bị xui xẻo.
Jason Franz làm việc tại Viện Nghiên cứu Xung đột Quốc tế tại Heidelberg – Đức và quan sát các cuộc biểu tình tại Myanmar. Ông ta nhìn thấy một “phong trào phản đối rộng rãi bao gồm nhiều tầng lớp và ngành nghề khác nhau”.
Giáo viên, nhân viên bệnh viện và phần lớn công chức đã tham gia đình công, các khu dân cư và cộng đồng dựa trên tinh thần đoàn kết cho đến nay đã tranh thủ sự bãi bỏ cơ cấu nhà nước để thành lập các tổ chức của riêng họ thay thế một số Hội đồng địa phương do chính quyền quân sự dựng lên.
Theo tường thuật, các công chức hành chánh địa phương và cảnh sát đã đào ngũ, chạy sang hàng ngũ những người biểu tình và chống lại chính quyền quân sự. Franz cho biết, những người biểu tình nhận được sự ủng hộ to lớn của dân chúng. Niềm hy vọng lớn nhất của họ trước sức mạnh áp đảo của nhà nước: “Làm cho lực lượng an ninh đào ngũ”. Tuy nhiên theo tường thuật, cho đến nay chỉ mới có một phần của cảnh sát chạy sang hàng ngũ người biểu tình.
Sự tương đồng với Hồng Kông và Thái Lan
Nhiều thứ mà có thể nhìn thấy, gợi nhớ đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và phong trào dân chủ trẻ trung ở Thái Lan xuống đường chống lại sự kiểm soát giới đối lập: Các hình thức phản đối như Flashmob [huy động chớp nhoáng để tụ hợp một đám đông nơi công cộng], các cuộc tụ họp tự phát và được tổ chức phi tập trung, nhưng cũng có những biểu tượng chẳng hạn như những chiếc ô (dù) đều thấy ở tất cả ba nước. Mũ bảo hiểm màu vàng và kính trượt tuyết chống hơi cay cũng là một phần trong những “tiết mục” biểu tình của các nhà hoạt động từ Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Sự tương đồng giữa phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và các cuộc biểu tình ở Myanmar không phải là ngẫu nhiên. “Những cuốn sách hướng dẫn về biểu tình ở Hồng Kông đang được lưu hành bằng tiếng Miến Điện”, nhà nghiên cứu xung đột Franz cho biết. Và chào ba ngón tay từ Thái Lan đã được những người biểu tình tại Myanmar áp dụng từ lâu – một cử chỉ đưa ba ngón tay lên trời mà những người biểu tình Thái Lan thích làm trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Nguyên thủy nó xuất phát từ bộ phim “The Hunger Games”. Cuối tháng 2 vừa qua, chào bằng ba ngón tay thậm chí đã lọt vào Đại hội đồng LHQ: Đại diện Myanmar kết thúc bài phát biểu của mình với ba ngón tay giơ cao.
Trong đám tang cô Kyal Sin, một cô gái vừa khóc vừa giơ ba ngón tay chào, biểu tượng của sự phản kháng. Ảnh: STR/AP/DPA
Có phải một “Mùa Xuân Đông Á” đang diễn ra?
Hồng Kông, Thái Lan và bây giờ là Myanmar: Các cuộc biểu tình đang gia tăng ở Đông Á, một số người thậm chí còn nói về một “Mùa Xuân Đông Á”, ít nhất là hashtag #EastAsianSpring đang lan truyền trên mạng xã hội. Tại thời điểm này, nó có thể là một biểu hiện của hy vọng. [Hashtag là một từ hoặc một chuỗi các kí tự viết liền nhau được bắt đầu bằng dấu thăng (#) nhằm để kết nối được với nhiều người hơn trên mạng xã hội].
Tuy nhiên, thời gian gần nhau của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Philippines và bây giờ là ở Myanmar không phải là ngẫu nhiên. “Làn sóng phản đối này cũng có thể được hiểu là một phản ứng đối với làn sóng chuyên quyền hóa [phản nghĩa của dân chủ hóa] trước đây trong khu vực”, Franz nói.
Chuyên gia này giải thích rằng các chế độ hành động “trong nhiều trường hợp theo cùng một khuôn mẫu chuyên quyền”. Về phía những người nắm quyền, “tham nhũng ở cấp cao nhất mà được thực hiện một cách trơ trẽn và vô tâm ngày càng tăng” đã xuất hiện trong những năm gần đây, đồng thời xung đột kinh tế – xã hội ở các nước ngày càng trầm trọng.
Những cuộc biểu tình cũng có chiều kích xuyên quốc gia. Ví dụ, gần đây, công nhân nhập cư Myanmar đã biểu tình cùng với người biểu tình Thái Lan trước đại sứ quán Myanmar ở Bangkok.
“Những người biểu tình ở Myanmar phải cẩn thận hơn”
Mặc dù có sự trùng khớp, sự bắt chước và những thể hiện của sự đoàn kết, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Franz giải thích, một mặt, phong trào ở Myanmar rộng lớn hơn Hồng Kông chẳng hạn, phong trào ở Hồng Kông chủ yếu do sinh viên thúc đẩy mà thôi.
Mặt khác, “những người biểu tình ở Hồng Kông nói chung có thể dựa vào việc đối thủ của họ không bắn đạn thật”. Đó không phải là trường hợp ở Myanmar, rốt cuộc chính quyền quân sự đã sử dụng bạo lực chết người đối với các nhà hoạt động kể từ đầu tháng Ba. “Những người biểu tình ở Myanmar phải cẩn thận hơn”.
Bởi vậy phong trào dân chủ ở Myanmar đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và gần đây là Twitter, cũng như các dịch vụ nhắn tin như Whatsapp và Signal, để thu hút sự chú ý của quốc tế. Những người biểu tình tải lên trên các nền tảng các cảnh về bạo lực của cảnh sát và các vụ bắt giữ dã man:
Trên một đoạn video, một nữ tu quỳ xuống trước các sĩ quan cảnh sát có vũ trang, yêu cầu họ tha cho những nhà hoạt động mà cô ấy muốn bảo vệ, đề nghị các sĩ quan cảnh sát bắn cô ta thay vì những người trẻ tuổi. Hai trong số các nhân viên cảnh sát sau đó quỳ xuống trước mặt cô ấy. “Tôi đã tuyệt vọng”, một người sau đó nói với kênh tin tức BBC của Anh.
Mặc dù vậy, một thời gian ngắn sau đó, cảnh sát vẫn nổ súng và một người biểu tình trẻ tuổi đã bị bắn chết. Các video như thế này hoặc những cảnh vỗ tay phản đối, chẳng hạn như trong một xưởng may ở thành phố Yangon, đã lan truyền nhanh chóng qua Twitter.
Chiến lược này đã phát huy tác dụng: Ngay sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào đầu tháng 2, các nhà hoạt động mạng từ Hồng Kông đã thể hiện sự đoàn kết của họ với phong trào ở Myanmar dưới hashtag “#MilkTeaAlliance” (Liên minh trà sữa). Nó thực sự bắt nguồn từ mùa xuân năm 2020, để đối phó với số lượng ngày càng tăng nhanh chóng của những kẻ troll [kẻ thích chơi khăm, khiêu khích] trên Internet Trung Quốc, và đã phát triển thành một phong trào phản đối trực tuyến toàn châu Á vượt qua biên giới Hồng Kông, Thái Lan và Đài Loan.
Điểm chung của cả ba quốc gia là niềm đam mê trà xanh với sữa – hay ở Đức còn gọi là trà sữa trân châu. Giờ đây, cộng đồng biểu tình trực tuyến của Myanmar cũng đã được chấp nhận vào liên minh này.
Liên minh trà sửa có chiều kích xuyên quốc gia
Kiểm duyệt và đàn áp: Cách quân đội hãm Internet
Nhà nghiên cứu xung đột Franz cho biết, hành động đoàn kết xuyên quốc gia cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng – không nên đánh giá quá cao nó. Liên minh trà sữa “chủ yếu là một liên kết trực tuyến”. Theo Franz, các cuộc đình công trên diện rộng và kéo dài ở Myanmar có tính chất quyết định hơn nhiều so với các cuộc biểu tình, ngay cả khi nó bị coi như “thụ động” nên ít thu hút sự chú ý của báo chí truyền thông.
Internet không phải là cơ sở để tổ chức biểu tình ở Myanmar như ở Hồng Kông, nơi Internet hầu như không thể nào bị tắt. Ngược lại, ở Myanmar, nhà cầm quyền có thể dễ dàng tắt nó đi.
Việc tắt Internet đã xảy ra vào đêm đảo chính. Kể từ giữa tháng Hai cho đến nay, chính quyền đã làm gián đoạn kết nối Internet của đất nước này trong 28 đêm liên tiếp. Việc này được thể hiện qua dữ liệu từ hai cơ quan giám sát Internet “Netblocks” và “Open Observatory of Network Interference” (OONI).
Ở Hồng Kông, việc này không thể đơn giản thực hiện được. Nếu chính phủ ở đó kiểm duyệt Internet trên quy mô lớn, thì vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế và địa điểm công nghệ sẽ bị đe dọa.
Trái lại, chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc đảo chính đã nhanh chóng tạo cơ sở kỹ thuật và pháp lý cho việc kiểm duyệt Internet: Họ yêu cầu các nhà cung cấp Internet ở Myanmar chặn Facebook, Twitter và Instagram. Và họ đã tuân theo – điều này đã khiến các nhà hoạt động phải di chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác kể từ đó. [Viettel, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Việt Nam, là một nhà cung cấp Internet ở Myanmar].
Nhưng các trang mạng dường như không bị chặn hoàn toàn, như dữ liệu OONI cho thấy. Vào một số ngày – chẳng hạn như vào ngày 24 và 25 tháng 2 – các dịch vụ Whatsapp và Facebook đã có thể sử dụng một phần. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và nhiều trang tin tức cũng bị ảnh hưởng bởi việc chặn.
Phổ biến “tin giả” trở thành tội hình sự
Ngoài ra, hai tuần sau khi lên nắm quyền, giới lãnh đạo đã mở rộng “Luật Giao dịch điện tử” của Myanmar và việc phổ biến “tin giả” trên Internet trở thành tội hình sự. Có thể bị kết án lên đến ba năm tù giam.
Việc trấn áp các cuộc biểu tình và ý kiến trái chiều bằng cách này không phải là mới trên thế giới: Kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn ở Nga vào năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin đã ngày càng hạn chế quyền tự do ngôn luận trên Internet bằng một loạt những luật lệ. Tổng thống Ai Cập Abd al-Fattah al-Sissi đã thông qua một đạo luật tương tự như ở Myanmar vào năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ mới thắt chặt kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội vào mùa hè năm 2020.
Zayar Hlaing, tổng biên tập của tạp chí điều tra độc lập đầu tiên ở Myanmar, “Mawkun”, cho biết: “Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ đen tối”. Bởi vì từ nay, đâu là thông tin sai sự thật và đâu là sự thật là tùy theo cách giải thích của chế độ.
Điều quan trọng hơn hết đối với sự thành công của phong trào dân chủ Myanmar là cuộc phản kháng được “nối mạng” không phải chủ yếu bằng Internet mà bằng con người với nhau trong từng khu dân cư. “Dân chúng hỗ trợ lẫn nhau, hàng xóm ngăn chặn các cuộc bắt giữ, họ tự tổ chức với nhau – Thật là ấn tượng”, nhà nghiên cứu về xung đột Franz giải thích.
“Sự bất tuân dân sự trên diện rộng của người dân sau cuộc đảo chính là nguyên nhân tạo ra hy vọng mới cho quá trình dân chủ hóa Myanmar – bất chấp những vấn đề to lớn còn phải vượt qua, kể cả khi nhìn về các cuộc xung đột sắc dân thiểu số trong nước”. Dân chủ hóa đang diễn ra “từ bên dưới và không còn từ bên trên, dưới sự giám hộ của quân đội”.
Nhưng kinh nghiệm cho thấy: Cũng như nhiều phong trào biểu tình đòi dân chủ khác trên thế giới, phong trào có thể bị đàn áp đến mức không còn đáng kể. Liệu rằng “mọi thứ rồi sẽ ổn” hay không, vẫn còn phải chờ xem.
https://www.tagesspiegel.de/politik/findet-gerade-ein-ostasiatischer-fruehling-statt-wie-die-proteste-in-myanmar-von-der-demokratiebewegung-in-hongkong-lernen/27004422.html
* Tất cả những chữ nằm trong ngoặc vuông […] là chú thích của người dịch.
https://vietluan.com.au/44786/co-phai-mot-mua-xuan-dong-a-dang-dien-ra
Không có nhận xét nào