Header Ads

  • Breaking News

    Chân Văn Đỗ Quý Toàn (Đứng vững ngàn năm): Sức đề kháng của dân tộc Việt

    Lần sau cùng một triều đình Trung Quốc chiếm nước ta để thi hành một chính sách đồng hóa khắc nghiệt, áp dụng từ trên xuống dưới, là thời nhà Minh. Các triều đình Trung Quốc đã có kinh nghiệm Hán hóa các sắc dân từ Vân Nam đến Quảng Đông, đến thế kỷ 15 còn muốn đem áp dụng tại xứ “An Nam” cũ. Ngày 21tháng 8 năm 1406, Minh Thành Tổ ban chỉ thị rõ ràng cho Tổng binh Chu Năng, ra lệnh trong cuộc chinh phục nước Đại Việt phải thi hành những chính sách xóa sạch văn hóa bản xứ: “…Trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ… một mảnh chữ cũng đều phải đốt tại chỗ.  Khắp trong nước phàm những bia do người Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do dân An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để lại.” Hai năm sau, ông vua nhà Minh còn viết thư khiển trách rằng lệnh “đốt tại chỗ” chưa được thi hành nghiêm ngặt. Một số sách của người Việt về quân sự, pháp luật, lịch sử, văn chương đặc biệt được đem về Trung Quốc. Sử gia Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1479, viết trong nước mắt: “…sách vở cả nước thành đống tro tàn.” Lê Quý Đôn (1726-1784) kể rằng sau khi đuổi được quân Minh, “các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại;… mười phần chỉ còn bốn năm phần.”

    Sau chiến dịch “diệt chủng văn hóa” của vua Minh, nhiều tài liệu lịch sử của nước ta đã biến mất, như các bộ luật đời Lý, đời Trần, cho tới nhiều trước tác của Chu Văn An, Hàn Thuyên, Phạm Sư Mạnh, vân vân. Tướng nhà Minh là Vương Thông còn phá hai “quốc bảo” của nước ta để lấy kim loại rèn khí giới, là Chuông Quy Điền (Bắc Ninh) và Đỉnh Phổ Minh (Nam Định), cả hai đúc nào năm 1080. Hai bảo vật này thuộc bộ “Tứ Đại Khí,” bốn công trình gồm cả Tháp Báo Thiên (Hà Nội, cao gần 40 mét, đã bị phá thời Quang Trung) và tượng Phật Quỳnh Lâm. Có thể tưởng tượng những người Việt như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn thời đó mà đọc những “chỉ thị hành quân” của vua Minh họ phẫn nộ đến mức nào! Vì các bảo vật đã bị phá, chúng ta không biết trên đỉnh và trên mặt chuông khắc những chữ gì khiến giặc Minh quyết định phá hủy.

    Ngoài việc bắt nhân tài đưa về phương Bắc, đốt hết sách vở, chính quyền nhà Minh còn ra lệnh dân Việt phải thay đổi từ quần áo đến cách để tóc cho giống người Trung Hoa. Để thay đổi phong tục người Việt, nhà Minh ra lệnh phụ nữ phải bận áo ngắn quần dài như người Trung Hoa, còn cấm người Việt không được ăn trầu, một phong tục của nhiều sắc dân vùng Đông Nam Á. Năm 1414 nhà Minh mở trường học ở các phủ, huyện, lập nên hơn 150 ngôi trường dậy Nho giáo theo lối học từ chương dùng các sách giáo khoa soạn từ đời nhà Tống. Hoàng Phúc ra lệnh các chức dịch cấp xã cho đến học trò đều phải đội khăn, đàn bà phải dùng vải đen trùm đầu, mặc áo  rộng, quần dài, vân vân.” Đời Hán thì bắt người Lạc không được búi tóc, đến đời Minh bắt ngược lại, nam nữ không ai được cắt tóc! Tựu chung, đời nào các hoàng đế Trung Hoa cũng muốn biến người Việt thành người Tàu. Kể từ sau đời Đường, thế kỷ thứ 10, đến đời Minh, thế kỷ thứ 15, các hoàng đế thiên triều vẫn còn nuôi giấc mộng biến nước Đại Việt thành một tỉnh của Trung Quốc. Năm thế kỷ, họ vẫn chưa bỏ ý định đó; không biết đến bao giờ họ mới thôi.

    Chiếm đất thì dễ nhưng cưỡng ép thay đổi phong tục của người phương Nam rất khó. Những phong tục truyền từ đời Hùng Vương xuống, đã tạo nên nếp sống thuần hậu, có thể gọi là nền văn hiến riêng của dân Việt. Đến đầu thế kỷ 20 người Việt vẫn tiếp tục nhuộm răng, ăn trầu, đàn bà mặc váy, cài nút áo bên trái, vân vân, giống như tổ tiên hai ngàn năm trước. Trong thời Bắc thuộc, người Việt vẫn giữ các hình thức bề ngoài này, biểu tượng cá tính riêng của dân mình. Giữ những tập tục này là điều nhỏ, nhưng thái độ của dân Việt biểu lộ một quyết tâm gìn giữ truyền thống của tổ tiên, nhờ thế giữ được hồn tính và tinh thần độc lập.

    Cái thúng thủng hai đầu

    Người Việt để tóc dài, búi tóc từ đời Hùng Vương, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, ít nhất bẩy thế kỷ trước Công Nguyên. Theo Văn Tân và các tác giả Thời Đại Hùng Vương (1976), các hình vẽ người nam và nữ búi tóc sau gáy tìm được nhiều nhất với những pho tượng bằng đồng thấy ở Việt Khê (Hải Phòng) và Đông Sơn (Thanh Hóa), và hình vẽ trên các trống đồng cổ. Phụ nữ người Thái ở vùng cao ngày nay vẫn búi tóc. Mặc váy, không mặc quần cũng là tập tục của phụ nữ các dân tộc Đông Nam Á. Các pho tượng phụ nữ tìm thấy ở Yên Bái, Sơn Tây, cho đến Hải Phòng, Thanh Hóa đều mặc váy ngắn đến đầu gối. Có hai kiểu, váy “mở” chỉ là mảnh vải quấn quanh mình, và váy kín, hay váy chui. Trên các trống đồng có các bà mặc váy xòe, làm bằng lông chim hoặc lá cây.  Sau này, phụ nữ Việt Nam đã nhượng bộ các môn đồ Khổng Mạnh, không thấy mặc loại váy mở kiểu xà rông như người Khơ Me, hay người Miến Điện ở vương quốc người Môn xưa.

    Tại sao tổ tiên người Việt suốt mấy ngàn năm nhất định bảo vệ những tập tục lâu đời về tóc, răng, y phục? Họ cố giữ những tục nhuộm răng; ăn trầu; búi tóc; không đội mũ có giải; cứ mặc váy và áo ngắn chứ không mặc quần và áo dài; đãi khách không phải bằng chén trà mà với “miếng trầu là đầu câu chuyện.” Có thể vì người ta muốn giữ những thói quen tổ tiên truyền lại, không dám bỏ. Hoặc họ lo nếu thay đổi thì dần dần sẽ mất cá tính, mất gốc.

    Từ thời sống trong nền văn minh Môn Khơ Me, y phục của người Lạc Việt giống với các sắc dân trong vùng Đông Nam Á, vì sống ở những vùng khí hậu nóng lạnh khác nhau. Người Việt miền Bắc nay còn gọi cái váy là cái “xống,” một tên cổ nay còn dùng trong từ kép “áo xống;” tên này chắc có họ hàng với tiếng dân Khơ Me hoặc Miến Điện gọi “xà rông,” loại váy mở. Người ta có thể muốn bảo vệ y phục khác biệt vì thể diện, vì niềm tự hào với tập tục, lề thói của tổ tiên mình, như người mình nói một đứa trẻ cứ “bám lấy váy mẹ” không chịu rời; đó là một động cơ thúc đẩy tinh thần chống Hán hóa.

    Viên quan nhà Ngô là Tiết Tổng, vào thế kỷ thứ ba, báo cáo rằng tại Giao Châu: “Dân sống như cầm thú, họ búi tóc lên đầu, đi chân đất, còn quần áo mặc thì chỉ lấy miếng vải làm thủng một cái lỗ là xong, hay là cài nút áo thì lại cài bên trái.… đàn ông đàn bà ra ngoài trần truồng không chút hổ thẹn …” Đối với một ông quan đạo mạo thì hình ảnh người đàn ông ở trần, đàn bà trên che một cái yếm, phía dưới chỉ quấn một cái “xà rông,” coi như họ “lõa thể,” không chấp nhận được. Trong Lục Độ Tập Kinh, mà Khương Tăng Hội đã dịch sang chữ Hán rồi đem từ Giao Châu sang kinh đô nhà Ngô, có một chuyện nhan đề “Lõa Thể Quốc.” Đem hình ảnh này làm nhan đề câu chuyện, dù không cố ý, cũng có tác dụng chế nhạo các ông quan người Hán cứ than phiền quá đáng về cách ăn mặc không kín đáo của người Giao Châu! Trần Tung vào thế kỷ 13 đã viết bài thơ Vật bất năng dung (Vật không thể tùy theo ý loài người) mở đầu với hai câu:

    “Lõa quốc hân nhiên tiện thoát y
    Lễ phi vô dã, tục tùy nghi”
    (Đến xứ ở trần cứ vui vẻ cởi áo – Lễ không phải không có, chỉ tùy theo phong tục; trong Thượng Sĩ Ngữ Lục, trong Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Thượng, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, 1989, trang 257).

    Dù bị người Hán chê bai, dân Việt đã bảo vệ cái váy suốt trong lịch sử; đến thế kỷ 19, đời Nguyễn, dân miền Bắc vẫn chế nhạo một ông vua cấm đàn bà mặc “quần không đáy,” tức là cấm mặc váy.

    Cho đến thế kỷ 20 ở miền Bắc Việt Nam vẫn có một câu đố vui về cái váy: “Cái thúng mà thủng hai đầu – Bên ta thì có bên Tàu thì không.” Hầu hết phụ nữ ở thôn quê vào giữa thế kỷ vẫn mặc váy. Khi nói cái váy chiều dài chỉ bằng một cái “thúng,” là đồ đan bằng tre để đựng thóc hay ngô, đậu, chiều cao cái thúng chỉ chừng hơn một gang tay, thì chẳng khác gì thời trang ngày nay! Câu hát vui đùa, thường để đố trẻ em, nêu lên một chi tiết gợi ý để các em dễ đoán: “Bên ta thì có bên Tàu thì không!” Đây là một chi tiết đặc biệt, phải hỏi vì sao người ta lại nêu ra?

    Thông thường, trong các câu đố về một vật nào, người ta gợi ý cho trẻ em bằng những màu sắc, hình dạng, công dụng của vật đó. Có khi tả hình ảnh và công dụng một vật, để đố nó là cái gì:

    Có răng mà chẳng có mồm
    Nhai cỏ nhồn nhồn cơm chẳng chịu ăn (Cái liềm cắt cỏ)

    Hoặc mô tả hình ảnh, mùi vị bên trong bên ngoài:

    Da cóc mà bọc trứng gà
    Bổ ra thơm ngát cả nhà khen ngon (Quả mít)

    Nhưng khi đố về cái váy người ta mô tả hình ảnh cái thúng thủng hai đầu rồi thêm chi tiết:

    Bên Ta thì có bên Tàu thì không!

    Điều này hơi lạ, vì đối với trẻ em nghe câu đố này, tuổi còn nhỏ làm sao các em biết “bên Tàu” có hay không có cái gì để so sánh mà tìm ra câu trả lời? Chi tiết đó được đưa vào vì người đặt câu đố, và dân gian khi nhắc lại câu đố, thực ra không cần đố ai cả. Họ chỉ muốn chứng tỏ Ta với Tàu khác nhau, và đem cái váy ra làm thí dụ; để nhạo báng các quan thiên triều vẫn đòi người Việt thay đổi y phục! Quý quan hết chuyện làm hay sao mà đi bắt các bà các cô không được mặc váy? Vào đời Nguyễn, khi triều đình ở Huế ra lệnh đàn bà Bắc Hà phải bỏ váy, mặc quần, dân chúng cũng đặt những câu ca chế giễu như vậy:

    Chiếu Vua mùng tám tháng Ba
    Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
    Không đi thì chợ không đông
    Đi thì mặc lấy quần chồng sao đang!

    Hơn một ngàn năm sau thời Bắc thuộc, người Việt không ngừng nhấn mạnh: Y phục chúng tôi khác biệt! Cái váy trở thành một tiêu biểu “phong tục Bắc Nam” khác nhau. Trần Nhân Tông trong bài thơ Việt Giới, nhận xét về người dân sống hai ở hai bên biên giới Hoa-Việt viết hai câu:

    Ngôn ngữ vô đa biệt
    Y quan bất khả đồng.
    (Tiếng nói không khác nhau lắm – Áo mũ lại không thể giống nhau được; Thơ Văn Lý Trần, quyển 2, Hà Nội, 1989)

    Tiếng nói Việt và Hoa đều đơn âm tiết, đều dùng thanh điệu, không khác nhau nhiều. Nhưng quần áo vẫn không thể giống nhau. Nhà vua không nói “bất đồng” mà dùng những chữ “Bất khả đồng,” nhấn mạnh như một lời từ chối: Không thể giống nhau được!

    Y phục, tóc, răng là những thứ ở bên ngoài; nhưng chính bề ngoài khác biệt này được dùng để biểu hiện dân Việt tự hào về nếp sống cổ truyền của mình! Một xã hội chia sẻ các biểu hiện bên ngoài cũng để chứng tỏ mọi người liên đới với nhau, chung nhau một truyền thống lâu đời. Chung một tổ tiên, chung một tiếng nói, họ tự xác định mình không muốn theo các phong tục từ phương xa đem tới, nhất là lại do những quan lại tham ô, tàn ác bắt họ phải theo.

    Tục nhuộm răng đen là một dấu hiệu phân biệt người Việt cổ truyền với người Hoa từ phương Bắc. Cũng để phân biệt lớp quan quân thống trị và dân bị trị. Hình ảnh màu răng đen, trắng khác nhau chắc đã in hằn trong tâm khảm dân biệt suốt ngàn năm. Trong tác phẩm thơ nôm Thiên Nam Ngữ Lục, xuất hiện vào cuối thế kỷ 17, hình ảnh phân biệt này được sử dụng để mô tả người Việt sống trong cảnh lệ thuộc: “Để thằng răng trắng hiếp người răng đen!” Đến cuối thế kỷ 18, vua Quang Trung trước khi xuất quân đánh quân Tôn Sĩ Nghị, đã tập họp quân đội ở Thanh Hóa và hiểu dụ tướng sĩ với những lời lẽ cụ thể: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng  … Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!” (Theo Minh Đô Sử). Người anh hùng áo vải đã nhấn mạnh: Phải đánh quân Thanh để bảo vệ các phong tục “để tóc dài, để răng đen” của dân Việt. Những lời khích lệ đó cố ý viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, những câu khác mới dùng chữ Hán Việt!

    Vào lúc đó nhà Mãn Thanh đã cai trị Trung Quốc được gần hai thế kỷ; họ bắt dân Trung Hoa khắp nước phải cạo đầu, thắt tóc bím theo kiểu người Mãn. Mấy trăm triệu dân Trung Hoa đã vâng lời. Sau mấy thế kỷ người Trung Hoa kết bím quen rồi, sang thế kỷ 20 có người Hán nào cắt tóc, bỏ cái bím đi, còn bị coi là “vong bản” hay “vọng ngoại!” Cuối thời Mãn Thanh, có những người Trung Hoa bị cắt bím tóc còn khóc nức nở. Nhưng có những người Việt trong nhóm ông Lê Quýnh, vào thế kỷ 18, sống ở nước Tàu 15 năm vẫn không chịu cạo đầu hay đổi áo.

    Người dân Việt từ thời Hai Bà Trưng cho tới thời Quang Trung vẫn nhất định bảo vệ bộ răng đen, mớ tóc dài, và cái váy. Tại sao tổ tiên chúng ta “cứng đầu” một cách “phi lý” như vậy? Vì “Y quan bất khả đồng!” Và cần chứng tỏ “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!” (Nước Nam anh hùng vẫn có chủ).

    Bảo vệ Lễ Nghĩa riêng

    Người Việt không chống lại văn minh Trung Hoa với thái độ cực đoan, phi lý. Sau khi giành lại độc lập, dân ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán, tiếp tục giáo dục con em bằng đạo Nho, học được công dụng của Lễ Nghĩa giúp đời sống xã hội có trật tự, an hòa.

    Nhưng trong Nho giáo, việc đặt ra Lễ Nghĩa có mục đích gì? Xét về hình thức thì đó là những quy tắc sống và đối xử với người chung quanh. Học Lễ là tập các thói quen trong lời nói, cử chỉ, dáng điệu; cũng bao gồm cả những hình thức bề ngoài như quần áo, tóc tai, mũ nón. Lễ Nghĩa có thể viết thành văn hay chỉ thấm nhuần trong ngôn ngữ, hành vi; dùng lâu ngày trở thành những phép tắc ai cũng phải theo. Mục đích của Lễ Nghĩa là giữ gìn một nếp sống điều hòa, trật tự giữa mọi người. Tiến tới nữa, là tạo nền nếp cho xã hội được ổn định. Mỗi xã hội đều có Lễ Nghĩa của nó; đời xưa hay ngày nay cũng vậy. Hai xã hội khác nhau dùng những Lễ Nghĩa khác nhau. Nhưng sống chung thì vẫn phải có Lễ, Nghĩa.

    Nho Giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của những hình thức bề ngoài như y phục, cử chỉ, thái độ, trong việc đào luyện tính khí mỗi cá nhân và thiết định trật tự có hệ cấp trên dưới trong xã hội. Nhưng khi tiếp xúc với những quan lại người Hán theo Nho Giáo, người Việt thấy không cần nhất nhất bắt chước các hình thức bên ngoài của họ. Tổ tiên chúng ta biết vượt lên trên các hình thức,  chỉ giữ nội dung của việc thi hành Lễ Nghĩa. Đó là nhu cầu tiêu chuẩn hóa các hành vi của mọi cá nhân trong cuộc sống chung. Sống bên nhau đòi hỏi mọi người phải theo một số tiêu chuẩn (norms) khi cư xử; nếu không thì khó giữ được hòa khí và trật tự. Sau khi thấy ích lợi của quy tắc đó rồi, dân Việt cũng biết áp dụng để bảo vệ những “Lễ Nghĩa” riêng của xã hội mình. Cách ăn mặc, cách để tóc, cách chào hỏi, giao tiếp với nhau; những thứ đó dân Việt đã có sẵn trong một truyền thống lâu đời. Cộng tất cả những đặc tính cổ truyền đó, có thể nói nước ta đã có một nền “văn hiến” riêng. Nguyễn Trãi hãnh diện xác nhận: “Duy nước Đại Việt chúng ta – Thực là một nước văn hiến” (Duy ngã Đại Việt chi quốc; thực vi văn hiến chi bang), vì người Việt đã có nền tảng Lễ Nghĩa riêng; từ trước khi tiếp xúc với Hán tộc.

    Việc tiếp nhận nền giáo dục Khổng Mạnh bắt đầu từ thời Bắc thuộc. Chắc chắn người Việt đã vui lòng học hỏi, vì trong thời gian một ngàn năm đó, hệ thống tư tưởng và nền giáo dục ở Trung Quốc đã đạt tới trình độ cao nhất so với các nước khác khắp vùng Á Đông. Trong thời gian đó mà không cùng nhau tìm hiểu Khổng Mạnh thì cũng giống như vào thế kỷ 20 mà không nghiên cứu khoa học, không tìm hiểu chế độ phân chia ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp vậy. Ngay trong thời Bắc thuộc, nhiều người Việt đã học lên tới trình độ không thua gì người Hán, được bổ làm quan bên Tàu. Học Nho Giáo, nhưng người Việt vẫn bảo vệ phong tục tập quán, y phục, đầu tóc của mình. Đó là một cách khẳng định rất bướng bỉnh: Chúng tôi có những quy tắc Lễ Nghĩa riêng. Chúng tôi không thể vứt bỏ tất cả phong tục để theo hình thức Lễ Nghĩa của quý quan cai trị! Bảo vệ các hình thức bề ngoài cũng là một cách “tỏ thái độ,” xác định một bản sắc, không chịu bỏ mất gốc, như khi nhấn mạnh, “Bên ta thì có bên Tàu thì không.”

    Thái độ bướng bỉnh “cứng đầu” này, cũng gọi là tính “bất khuất,” thể hiện trong câu chuyện ông Lê Quýnh vào cuối thế kỷ 18. Sau khi Quang Trung đánh đuổi quân nhà Thanh, vua Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị. Lê Quýnh đang dưỡng bệnh ở quê, làng Đại Mão, Thuận Thành, Bắc Ninh, sau đó được mời sang hội ý. Ông sống lưu vong ở Bắc Kinh trong mười bốn năm, mà lúc nào cũng đòi về nước.

    Ngày nay chúng ta có thể phê phán hành động “tòng vong” của ông là sai lầm, mù quáng trung thành với một ông vua thất bại. Nhưng vẫn phải kính phục tư cách bất khuất của ông trong lúc phải sống xa quê hương. Những năm sống với người Trung Hoa, ông Lê Quýnh được họ chu cấp nơi ăn chốn ở. Có lúc vua quan nhà Thanh yêu cầu ông phải thay đổi mặc y phục theo lối Tàu và cạo đầu, kết tóc bím; nhưng ông từ chối. Lúc đó, mấy trăm triệu người trong cả nước Trung Hoa đã phải cạo đầu, kết tóc bím theo lối Mãn Thanh trong hơn hai thế kỷ rồi. Ai không kết bím là bị buộc tội “phản động,” nếu không phải là “âm mưu lật đổ nhà nước Đại Thanh!” Riêng ông Lê Quýnh, bị ép buộc nhiều lần nhưng vẫn không chịu bỏ y phục Việt Nam, không chịu kết bím tóc. Một câu nói khẳng khái của ông còn được lưu truyền: “Đầu tôi có thể chặt nhưng tóc tôi không thể đổi; da tôi có thể lột nhưng áo tôi không thể bỏ.” Nguyễn Duy Chính, nhà nghiên cứu về thời Quang Trung, cho biết vua Càn Long nghe kể chuyện này cũng kính trọng, tỏ ý muốn xem mặt ông Lê Quýnh như thế nào. Chuyện Lê Quýnh ghi lại trong Dưỡng Cát Trai Tùng Lục, được Nguyễn Duy Chính kể đầy đủ trong cuốn sách sắp xuất bản.

    Có thể tưởng tượng trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta cũng có bao nhiêu người “bướng bỉnh,” “cứng đầu” như ông Lê Quýnh. Chính những con người “không chịu khuất phục” đó đã truyền cho mọi người chung quanh tinh thần đề kháng bền bỉ, họ là những cột trụ giữ vững hồn tính của dân tộc Việt. Nhờ nuôi dưỡng được tinh thần bất khuất đó một “ý thức dân tộc” đã thành hình.

    Người Việt có thể mang lòng tự tôn, nghĩ rằng tổ tiên chúng ta thật “tài ba” hoặc “dũng cảm” hơn nhiều so với tổ tiên những người vùng Lưỡng Quảng, bên kia biên giới; vì nước mình vẫn độc lập trong khi họ đều bị Hán hóa cả. Nhưng có lẽ chúng ta nên khiêm tốn hơn. Phải nghĩ rằng tổ tiên chúng ta cũng gặp nhiều cơ duyên may mắn nữa! So sánh với các sắc dân sống ở Hồ Nam cho đến Lưỡng Quảng, Vân Nam hoặc Phúc Kiến, người Việt được nhiều cơ duyên tốt, những điều kiện khách quan thích hợp hỗ trợ cho mình xây dựng ý thức dân tộc, tiến tới tự chủ; chứ không chỉ vì giống nòi mình tài giỏi hơn người.

    Cơ duyên thuận lợi

    Phải công nhận các sắc dân sống tại tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Vân Nam, vân vân, đã sản xuất rất nhiều những nhân tài, nhiều hào kiệt đáng kính trọng. So sánh với dân mình họ có nhiều người giỏi giang hơn vì đông đúc hơn. Họ không lập thành những quốc gia độc lập như người Việt, chắc không phải vì họ yếu kém hay nhu nhược. Đặt vào địa vị của họ, phải công nhận hiện nay họ cũng có quyền hãnh diện đóng vai những người dân Trung Quốc. Mà chính các nhóm dân này cũng đã góp công xây dựng cho Trung Quốc thành một quốc gia đang tiến lên hàng cường quốc. Bỏ các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông đi thì kinh tế Trung Quốc khó tiến nhanh được như đã thấy trong hai chục năm cuối thế kỷ 20.

    Người Phúc Kiến, người Quảng Đông từng sản xuất nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa. Khi hòa nhập vào một quốc gia với người Hán, họ đã vươn lên ngay trong tập thể xã hội mới thành hình, không thua kém những người ở phương Bắc. Văn chương, tư tưởng do người phía Nam đóng góp đã ảnh hưởng ngay trên người Hán, giúp cho nền văn minh Trung Hoa phong phú hơn nhiều. Thiền Tông Trung Hoa là do các vị tổ miền Nam đặt những nền móng mới. Chế độ dân chủ đầu tiên thiết lập ở Trung Quốc là do người phương Nam, xướng xuất từ tỉnh Quảng Đông. Cuộc cải tổ kinh tế ở Trung Quốc từ năm 1978 thành công nhất ở các thành phố ven biển phía Nam, chính quyền phương Bắc phải lấy đó làm mẫu mực cho cả nước noi theo.

    Khi di cư ra nước ngoài các sắc dân từ Quảng Đông, Phúc Kiến thường kiểm soát việc kinh doanh ở những nơi họ cư ngụ. Họ cũng biết hoà đồng với dân bản địa như ở Thái Lan, Phi Luật Tân, không gây những phản ứng kỳ thị của người địa phương. Tại Indonesia sau thập niên 1970, người gốc Hoa cũng đồng ý thay đổi họ, tên cho giống người Java, bắt đầu được người bản xứ chấp nhận. Nhiều người Hoa đóng những vai trò quan trọng trong đời sống chính trị các nước Đông Nam Á. Một gia đình Aquino (bà tổng thống họ Lâm, gốc Phúc Kiến) đã làm tổng thống Phi Luật Tân hai đời. Các ông Lý Đăng Huy (Đài Loan), Lý Quang Diệu (Singapore) đều gốc Khách Gia, tức là người Hẹ. Ba vị thủ tướng Thái Lan gần đây, hai anh em ông Thaksin và bà Yingluck Shinawatra, cũng như ông Abhisit Vejjajiva thuộc đảng đối lập với họ, là di dân đời thứ tư, tổ tiên họ đều từ Quảng Đông sang Thái Lan vào giữa thế kỷ 19.

    Ngoài vùng Lưỡng Quảng, dân ở Vân Nam cũng rất cường thịnh; thời thượng cổ đã lập ra một nước Điền. Vào thế kỷ thứ 8 nước Nam Chiếu ở vùng đó hùng mạnh lên, từng tấn công tận kinh đô nhà Đường. Họ còn đưa quân đi chinh phục Tứ Xuyên, Miến Điện, miền bắc Thái Lan và Lào, lập ra một vương quốc rộng lớn (họ có tấn công sang Việt Nam vào thế kỷ thứ chín thời Cao Biền, nhưng thất bại). Cùng thời gian với Ngô Quyền ở nước ta, họ Đoàn chiếm nước Nam Chiếu, đổi tên thành nước Đại Lý, lập một triều đại kéo dài 22 ông vua, cho tới thế kỷ thứ 12 vẫn còn. Năm 1253 nước Đại Lý mới bị diệt khi Kublai, một cháu nội của Thành Cát Tư Hãn sai quân Mông Cổ đánh chiếm và đặt quan cai trị. Vân Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc từ đó. Nhà Minh lên đã thừa hưởng một nước Trung Hoa do người Mông Cổ mở rộng, giúp quyền lực chính trị và văn hóa Hán Tộc bành trướng thêm. Những sắc dân Ba ở Tứ Xuyên, Bạch ở Vân Nam, Chuang ở Quảng Tây, nay đã vĩnh viễn thành dân Trung Quốc, được hưởng quy chế “khu tự trị” của người thiểu số.

    Tại sao các sắc dân ở Vân Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hẹ sinh ra rất nhiều nhân tài, lại đông đúc hơn dân mình, đa số vẫn nói các thổ ngữ riêng biệt, mà giờ đây họ không còn là những quốc gia độc lập?

    Có nhiều lý do khách quan. Một điều dễ nhận thấy nhất là địa thế. Tổ tiên chúng ta may mắn sống rất xa vùng trung tâm xuất phát cuộc bành trướng của người Hoa Hạ. Dân ở các vùng châu thổ sông Mã, sông Hồng được núi non ngăn cách che chở, bị cô lập ngay đối với cả Vân Nam và Lưỡng Quảng. Khí hậu thủy thổ khiến người Hán từ phương Bắc không muốn sống ở nước ta; như sẽ trình bày thêm dưới đây. Việc giao lưu giữa các nhóm dân ở Lưỡng Quảng với dân Hồ Nam hay Phúc Kiến, Giang Tô dễ dàng hơn. Tương đối họ ở gần trung tâm văn hóa Hoa Hạ hơn nên người Hán di cư xuống nhiều hơn. Vì thế, áp lực Hán hóa trên các vùng này mạnh gấp bội so với sức ép trên tổ tiên dân Việt Nam.

    Trước đây 2,000 năm, số di dân từ miền Hoa Bắc xuống Quảng Đông cao hơn; tốc độ gia tăng cũng nhanh hơn nhiều, so với số người sang Việt Nam cư ngụ. Nước ta và vùng Quảng Đông trước đều thuộc nước Nam Việt của Triệu Đà; sau trong thời Tam Quốc chia ra làm Quảng Châu và Giao Châu. Quảng Đông là nơi đầu tiên tiếp nhận những đoàn quân do Tần Thủy Hoàng gửi xuống phương Nam, cùng với những phụ nữ được đem theo hoặc gửi theo sau. Trong các đoàn quân đó có những người gốc nước Triệu (Sơn Tây, Hà Bắc ngày nay) bị bắt làm lính sau khi các nước Tam Tấn bị nhà Tần tiêu diệt. Họ đã ở lại, khai khẩn miền châu thổ Tây Giang, Châu Giang vì đất đai mầu mỡ. Trong đạo quân viễn chinh đó, nhiều người là những tội nhân hoặc tù binh tình nguyện tòng chinh để khỏi bị giết; giống như “lính lê dương” của Pháp sau này. Một số lính có thể cũng đem theo cả vợ con, như hồi đoàn quân của Lư Hán sang nước ta năm 1945; vì một chuyến viễn chinh như vậy có thể “mái tóc điểm sương mới về!” Lực lượng quân đội này, với chính sách lập đồn điền (đóng quân và rẫy đất làm ruộng) đặt ra từ đời Tần, đã sống chung với dân bản địa, hiện tượng đồng hóa diễn ra rất mạnh, khó kháng cự.

    Nhiều cuộc di cư tự động từ các vùng Sơn Tây, Hà Nam quanh sông Hoàng Hà đi xuống miền Nam chạy nạn binh đao. Lớp di dân đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên là dân Hàn, Ngụy Triệu (Tam Tấn) trốn tránh họa quân Tần, sau những trận chiến tàn khốc chết hàng trăm ngàn lính, chưa kể thường dân. Nước Triệu bị quân Tần tấn công nhiều lần nhất. Trong một trận năm 243 TCN quân Tần giết 240,000 quân hai nước Hàn, Ngụy. Trận năm 273 giết 150,000 quân Hàn, Ngụy và Triệu. Năm 260 quân Tần đã giết 400 ngàn tù binh Triệu sau khi họ đầu hàng vì bị bao vây hết lương thực, hết cả nước uống (Các con số này dựa theo Hứa Trác Vân, trong Ancient China in Transition: An Analysis of Social Mobility (722-222 BC) – Tiên Tần Xã hội Sử Luận, Stanford University, 1965). Dân chúng ba nước Tam Tấn kéo nhau di cư; nhiều người đi với gia đình; những thanh thiếu niên sắp đến tuổi bị bắt lính có thể vượt biên một mình, đi từng nhóm với nhau. Các đợt di dân này đã tới sinh sống ở Quảng Đông nhiều nhất, phần lớn họ người gốc nước Triệu. Sau một thế hệ, chắc họ cũng thành hình những “cộng đồng người Quảng gốc Triệu.” Dần dần họ trở thành những trung tâm thu hút các di dân cùng quê hương. Những thế kỷ sau, di dân từ vùng Sơn Tây, Hà Bắc lại kéo xuống “đoàn tụ” với các “đồng hương” đến trước; giống như các đám di dân đời nay trên khắp thế giới vẫn theo gót nhau như vậy. Những di dân gốc nước Triệu đó là tổ tiên người Triều Châu sau này (khi sang Việt Nam, gọi là người Tiều).

    Vào thế kỷ thứ tư dân miền Bắc lại chạy trốn một đợt lớn nữa, vì các cuộc xâm lăng của “Rợ Ngũ Hồ” từ phía Bắc tràn xuống. Họ cũng tụ họp rất nhiều trong vùng Quảng Đông, những người này sau được gọi là người Khách Gia (客家,Hakka), tiếng Việt gọi là người Hẹ. Ngày nay nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy tiếng Hẹ, ngôn ngữ của tổ tiên người “Khách Gia,” từng được phổ biến rất rộng khắp cả miền Hoa Bắc trong thời Xuân Thu; đáng được coi là một ngôn ngữ chính trong thời đó. Có nhiều bài ca dao được Khổng Tử ghi trong Kinh Thi, khi đọc theo cách phát âm tiếng Hẹ thì nghe đúng vần điệu hơn khi đọc theo tiếng Phổ thông. Có thể đoán người Hẹ đã là một sắc dân văn minh rất sớm, sáng tạo các áng văn chương bình dân từ lâu đời, cho nên được Khổng Tử đã sưu tầm gom trong Kinh Thi, vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Năm 2013, người gốc Hẹ khắp thế giới đã tổ chức một Đại hội Toàn cầu lần thứ 26 ở Indonesia; có sáu ngàn người từ 53 quốc gia về tham dự. Không thể nói họ thiếu một ý thức về cộng đồng tưởng tượng của dân Hẹ! Trong lịch sử đã có anh hùng hào kiệt gốc Hẹ nổi lên xưng hùng ở Trung Quốc? Tại sao họ không tụ lại thành một quốc gia một lần nào cả? Đặt câu hỏi như vậy để thấy dân Việt mình đặc biệt.

    Những đợt di dân đưa người Hán xuống vùng từ Hồ Nam cho tới Lưỡng Quảng trong năm thế kỷ trước sau Công Nguyên chắc phải gây ảnh hưởng lớn trên lối sống dân địa phương, vì áp lực của số di dân quá đông và trình độ văn minh của họ đã và khá chặt chẽ. Vào đời Đông Hán phong trào đó vẫn tiếp tục. Keith Taylor  và Lê Mạnh Hùng đều kể lại, trong các cuộc kiểm kê dân đinh trước thế kỷ thứ ba (vào đời Hán) thì số hộ (gia đình) ở Quảng Châu (tên gọi cả tỉnh Quảng Đông, lan sang Quảng Tây bây giờ) thấp hơn ở Giao Châu (Miền Bắc Việt Nam bây giờ). Nhưng sang cuối thế kỷ thứ tư (đời Tấn) thì dân số Quảng Châu đã đông gấp đôi dân ở Giao Chỉ. Chỉ trong hai thế kỷ, bức tranh dân số và chủng tộc ở Quảng Châu thay đổi nhanh chóng, cho thấy áp lực di dân của người Hán ở Lưỡng Quảng mạnh hơn ở nước ta rất nhiều.

    Lê Mạnh Hùng (Nhìn Lại Sử Việt, tập I), cũng như Keith Taylor (The Birth of Vietnam), so sánh số người (nhân khẩu) và số hộ (gia đình) tại quận Nam Hải (Quảng Đông) trong hai lần kiểm kê, năm 2 SCN và năm 140. Số nhân khẩu tăng 2 lần rưỡi (từ 94 ngàn người lên 250 ngàn) trong khi số hộ tăng gấp ba lần rưỡi (19 ngàn hộ lên 71 ngàn). Do đó, số nhân khẩu trung bình trong một hộ giảm từ gần 5 người xuống hơn ba người.

    Hiện tượng trên cho thấy trong hơn một thế kỷ, từ năm 2 đến năm 140, ở Quảng Châu có thêm nhiều “hộ mới” mà trung bình mỗi hộ có ít người hơn. Chắc hẳn đó là do những đợt di dân mới tới, phần lớn độc thân. Quận Thương Ngô (Quế Lâm) cũng tương tự, nhưng tổng số di dân thấp hơn vì đất đai và khí hậu. Trong khi đó, ở quận Cửu Chân (Việt Nam), thì số nhân khẩu tăng với tỷ lệ cao hơn số hộ: Số dân tăng 31% và số gia đình tăng  27%. Trong 140 năm, tỷ lệ gia tăng đó là tình trạng dân số tăng tự nhiên, không có di dân mới đến.

    Các con số trên đây cũng cho thấy dân số ở nước ta lúc đó gia tăng chậm hơn vùng Lưỡng Quảng, chắc chắn vì số người Hán di cư sang nước ta ít hơn. Keith Taylor đã so sánh số hộ (gia đình) ở hai nơi. Theo các cuộc kiểm kê ghi nhận vào đời nhà Hán, trong thế kỷ thứ nhất số hộ gia đình ở Lưỡng Quảng chỉ bằng một nửa số hộ ở Giao Châu. Vào thế kỷ thứ tư, đời Tấn, con số hộ ở hai tỉnh Quảng lớn hơn gấp rưỡi (1.5) số hộ ở nước ta. Tỷ số này ngày càng cao hơn; tới thế kỷ thứ sáu lên tới 4.85, gần gấp năm lần; đến thế kỷ thứ tám thành 5.36. Tất cả đều chứng tỏ dân số ở Lưỡng Quảng tăng nhanh vượt bực so với Giao Châu. Áp lực của di dân trên châu Quảng rõ ràng nặng hơn ở Giao Châu. Tổ tiên chúng ta được dễ thở hơn, so với dân bản địa ở bên kia biên giới.

    Mỗi khi miền Bắc Trung Hoa có loạn, như loạn An Lộc Sơn (thế kỷ thứ 8), loạn Hoàng Sào (cuối thế kỷ thứ 9), lại thêm những đám di dân mới chạy xuống phía Nam là nơi tương đối bình yên. Mỗi lần loạn lạc như vậy, vua nhà Đường thường sử dụng “lính đánh thuê” người Đột Quyết (Trung Á) hay người Hồ (từ phía Bắc Trung Quốc), đưa đám lính đánh thuê này đi dẹp loạn. Những đám quân lính này là người ngoại quốc, họ thường cướp bóc và giết hại dân lành không thương xót; nhất là khi được  lệnh vua trừng phạt dân chúng những nơi xuất phát các vụ khởi loạn. Đó là một lý do khiến hễ bên Trung Quốc có loạn là rất nhiều người Hoa Bắc chạy trốn, bỏ quê hương mà đi. Những di dân từ phương Bắc tới đều nói thứ ngôn ngữ gốc Hán Tạng, khác với ngôn ngữ của dân bản địa thuộc gốc Nam Á và Tầy Thái. Cư ngụ lâu ngày họ gây ảnh hưởng, thay đổi phong tục và cả ngôn ngữ người Hoa Nam.

    Gần đây nhiều người dân ở Quảng Đông vẫn nuôi lòng hoài cổ, muốn nghiên cứu để xác nhận và phục hồi một nền văn hóa “Nam Việt,” đặc biệt là vào thập niên 1980 sau khi đào được mộ của ông vua cháu nội Triệu Đà, chôn từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Vào thế kỷ thứ 10, ở Quảng Đông có người họ Lưu lập ra nước Nam Hán; chứng tỏ vùng đó vẫn có hy vọng tạo nên một quốc gia riêng biệt. Nhưng ngày nay không có một nước Nam Việt hay Nam Hán độc lập trong vùng Lưỡng Quảng.

    Đất Lĩnh Nam lam chướng

    Thiên nhiên cũng giúp giống dân Việt tự vệ. Bắt đầu ngay từ thời Mã Viện. An Nam Chí Lược chép: “Mã Phục Ba … mưu cướp Giao Chỉ … đào đá, đục núi (mở đường) … lao dịch vất vả (quân lính) chết gần vạn người.” Nếu chỉ có lao dịch thì chắc không chết hàng vạn như vậy. Thiếu ăn và bệnh tật là những nguyên nhân khác; đặc biệt là các bệnh do “lam sơn chướng khí.” Hậu Hán Thư chép lời Mã Viện thuật khi sắp đối đầu với quân ta ở vùng Hồ Tây: “… vào lúc giặc chưa bị diệt, dưới thì lụt, trên thì chướng vụ, khí độc lớp lớp nung nấu, ngẩng nhìn thấy chim diều đang bay lộn cổ rơi xuống nước.”  Khi Mã Viện ở Giao Chỉ về, đã dùng nhiều xe chở đầy hạt “Ý Dĩ,” nói rằng đem hạt về làm giống. Sau khi Viện chết trong một chiến dịch ở vùng Ngũ Khê (Năm Suối) đánh một bộ tộc “Man,” có người tố giác với vua Hán là ông ta đã giấu trong các xe này những vật quý báu như ngọc trai, sừng tê giác, vân vân, chứ không phải chỉ chứa hạt Ý Dĩ. Thi hào Tô Đông Pha đời Tống đã viết một bài chế nhạo Mã Viện:

    Phục Ba ẩm ý dĩ
    Ngự chướng truyền thần lương
    Năng trừ Ngũ Khê độc
    Bất cứu sàm ngôn thương

    (Mã Viện, tức Phục Ba tướng quân, uống nước nấu hạt ý dĩ – Nghe nói đó là phương thuốc thần diệu – Uống làm thuốc có thể trừ được nước độc ở Ngũ Khê – Nhưng không cứu được thương tích của những lời phỉ báng). Qua mấy câu thơ này chúng ta biết Mã Viện đã từng dạy quân lính lấy hạt Ý Dĩ uống đề phòng “bệnh thời khí” do “lam chướng” ở nước ta gây ra. Vì thế ông ta mới đem chất thuốc lên nhiều chiếc xe chở về, còn tính dùng hạt làm giống trồng thêm.

    Bệnh tật là một tai họa cho các đạo quân viễn chinh từ phương Bắc. Vào cuối đời Tùy, năm 602 Lưu Phương mang  binh sĩ gồm 27 “doanh” sang nước ta. Dẹp xong cuộc nổi loạn đã kéo dài hơn nửa thế kỷ từ thời Lý Bôn, năm 605 Lưu Phương lại được sai đem quân đánh Lâm Ấp, vì nghe nói xứ này nhiều vàng, ngọc, đá quý. Sau khi thắng trận ông ta kéo quân trở về Tàu mang theo các chiến lợi phẩm. Tùy Thư kể rằng một trận dịch phát ra đã giết gần hết đạo quân, Lưu Phương cũng không thoát chết.

    Trong Tư Trị Thông Giám Tư Mã Quang kể chuyện đời Đường Thái Tông cách chức đô đốc Giao Châu tên Lý Thọ vì tham nhũng (chắc ông ta không đóng góp đủ như triều đình trông đợi  nên bị nghi đã giữ lại quá nhiều làm của riêng). Năm 628 Thái Tông gọi viên thứ sử Doanh Châu vẫn được tiếng giỏi là Lư Tổ Thượng về triều, sai sang nhậm chức ở Giao Châu. Tổ Thượng lúc đầu dạ dạ vâng vâng xin tuân mệnh, nhưng sau lại cáo ốm không chịu đi. Vua Đường sai Đỗ Như Hối đến thúc dục, Thượng vẫn từ chối. Sau vua sai người anh vợ của Thượng đến hỏi: “Khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái lời hứa hay sao?” Thái Tông còn hứa hẹn, “Sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời đâu.”

    Đối với ông anh vợ, Tổ Thượng mới nói thật: “Đất Lĩnh Nam lam chướng dịch lệ, tôi mà đi chắc không trở về được!” Sau Lư Tổ Thượng bị chém đầu ngay giữa triều đình. Sử gia nước ta là Ngô Sĩ Liên phê bình Lư Tổ Thượng phạm ba tội đáng chết: Thất tiết, thất tín và thất lễ!  Chấp nhận phạm ba tội lớn đó, vì Tổ Thượng đã lựa chọn: bị xử tử. Coi như ông đã đánh đổi: Muốn chết ngay tại quê mình, thay vì chết với bệnh sốt rét, ngã nước ở quê người không chắc đã mang được xác về. Sau đó không lâu, năm 635, một vị tôn thất nhà Đường là Lý Đạo Hưng bị trừng phạt đầy xuống làm đô đốc Giao Châu. Trong vòng một năm, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép, Đạo Hưng bị bệnh chết, vì “chướng khí.”

    Cuối đời Đường, Hoàng Sào nổi dậy, được dân miền Sơn Đông theo rất đông; năm 879 kéo xuống chiếm Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông bây giờ), giết viên tiết độ sứ và giết gần hết dân chúng trong thành. Lúc đó Hoàng Sào có ý định chiếm cứ cả miền Nam, trong đó có An Nam, ông ta đã cho người đi điều đình với vua Đường, nhưng không xong. Năm sau, một trận dịch lớn làm quân lính “mười phần chết bốn,” Hoàng Sào phải rút quân lên phía Bắc, kéo nhau đi tấn công các vùng An Huy, Hồ Nam, rồi tiến thẳng đến kinh đô Trường An.

    Chắc vì quân Hán, quân Đường không quen với phong thổ “mạn ngược” của nước ta, cho nên để tránh quân Hán người Việt thường kéo nhau lên núi. Sau đó, họ từ miền núi kéo xuống tấn công quân đô hộ, nếu thế yếu hơn lại chạy lên rừng lánh nạn. Năm 854, quan Đô hộ Lý Khắc biết rằng dân miền núi luôn luôn cần muối, khi trao đổi muối lấy ngựa có lúc tự ý “tăng giá” muối, đòi dân trả số ngựa nhiều hơn. Các thủ lãnh người Việt ở miền thượng du không chấp nhận chính sách “kinh tế chỉ huy” bóc lột đó, Lý Khắc bèn đánh. Chiến dịch này đã hoàn toàn thất bại trong một thời gian ngắn, vì nhiều quân sĩ lên “mạn ngược” bị bệnh chết. Có thể số lính chết không quá nhiều, vì sau đó Lý Khắc vẫn đủ lực lượng đánh dẹp được những cuộc nổi loạn khác từ Ái châu ở phía Nam do cha con Đỗ Tồn Thành khởi xướng. Nhưng chiến dịch đánh lên miền núi rừng chắc phải ngưng vì bọn tướng sĩ thấy một số đồng đội chết bệnh, sợ các “quỷ thần” miền thượng du trừng phạt nên ai cũng khai bệnh đòi nghỉ.

    Trong lịch sử nước ta sau này, địa dư, khí hậu vẫn giúp dân Việt bảo vệ nền tự chủ. Vào đời Lý, một đạo quân nhà Tống 100 ngàn, với 200 ngàn dân phu, sang tấn công nước ta năm 1077; họ đã thất bại, một phần cũng vì không quen thủy thổ. Tống Thần Tông phải rút binh và bỏ luôn giấc mộng xâm lăng, sau khi được các tướng báo cáo: “Vì nóng nực, lam chướng, quân và dân phu đã mất quá nửa rồi, non một nửa còn lại thì đều bị bệnh.” Báo cáo này lờ đi không nói đến những binh sĩ chết trận; nhưng chắc chắn bệnh tật phát ra vì “lam chướng” ở phương Nam cũng giết một số lớn quân và dân phu phục vụ chiến trường. Đám quân nhà Tống để lại chiếm đóng châu Quảng Nguyên, sau hai năm cũng “mười phần chết đến năm sáu phần” vì bệnh tật.

    Chúng ta biết quân nhà Lý phá Tống, tướng sĩ nhà Trần chống cự quân Mông Cổ đều anh dũng, đáng khâm phục. Nhưng tổ tiên chúng ta cũng được lợi thế nhờ thiên nhiên bảo vệ nữa. Nguyễn Duy Chính, nghiên cứu về lịch sử đời Tây Sơn, cho biết: Muốn tiến sang nước ta quân Tàu phải qua một nơi gọi là Quỷ Môn Quan; tương truyền rằng chướng lệ bốc lên chim bay qua cũng rơi xuống đất chết. Khi vua Càn Long muốn sai quân sang nước ta phục thù, Tổng đốc Phúc Khang An trình rằng “Muốn đánh An Nam thì mọi việc phải xong trong ba tháng, nếu không xong sẽ thua vì chướng lệ.”

    Cho nên chúng ta có thể cảm được nỗi lo lắng về bệnh tật của các “quan đô hộ” do nhà Hán, nhà Đường cử xuống Giao Châu. Điều này cũng giúp giải thích tại sao họ thường tham tàn, bóc lột; và cũng hiểu tại sao họ bỏ chạy rất nhanh khi dân Việt nổi dậy. Trước các bệnh dịch đặc biệt của phương Nam gây ra, các ông quan lại Trung Hoa biết việc được bổ sang Giao Châu là bị lưu đầy. Họ phải tính kế càng được quay về Bắc sớm càng tốt. Họ sẽ lo vơ vét thật nhiều, thật nhanh. Mục đích trước hết là kiếm các sản vật quý giá dâng lên vua, và nhất là đem hối lộ các quan lớn trong triều để được thăng chức trở về; sau là lấy đủ vốn và lời, bõ công vất vả đi trị nhậm ở cõi đầy lam chướng. Chính các vị quan đô hộ này, với chính sách bóc lột của họ, đã giúp thúc đẩy ý chí phản kháng của người dân bản xứ cũng như các di dân người Hoa gốc phía Nam đã chọn định cư ở lại nước ta và hội nhập vào xã hội người Việt.

    Nhìn lại quá trình Hán hóa miền Hoa Nam, thấy tổ tiên chúng ta cũng may mắn sống xa những trung tâm thống trị của nước Trung Hoa. Đất Giao Châu không chịu những áp lực về dân số với các đợt di dân lớn như ở châu Quảng. Nhờ thế “ý thức dân tộc” của người Việt có đủ không gian và thời gian để phát khởi, để được nuôi cho ngày càng vững chắc và bền bỉ hơn. Chúng ta hãnh diện về tinh thần độc lập nhưng cũng phải công nhận dân Việt Nam có gặp “may mắn” nữa.

    Dân tộc Việt càng ngày càng thuần nhất hơn trong một ngàn năm Bắc thuộc, nhờ thế ý thức tự chủ lên cao. Tính chất riêng (cá tính) của dân tộc Việt được vun bồi mạnh hơn. Đời sống đã văn minh tốt đẹp để có thể tự hào về nền văn hiến của mình, không đến nỗi phải cắm đầu bắt chước người nước khác. Nhờ thế Việt Nam không biến thành một tỉnh hay một quận của Trung Quốc. Điều quan trọng nhất là tổ tiên của người Việt Nam, không cần ai bảo ai, đã quyết định mình phải là một dân tộc riêng, không chịu hùa theo ngoại tộc. Quyết định tập thể này là một diễn trình kéo dài nhiều thế kỷ, có khi mạnh, khi yếu. Tổ tiên người Việt dần dần đi tới quyết định xác định mình là một tập thể riêng, nhờ các yếu tố về ngôn ngữ, tín ngưỡng; lại nhờ nền kinh tế đủ phong phú làm căn bản để đứng một mình. Trong các đặc tính này, dễ nhận ra nhất là tiếng nói người Việt khác tiếng Hán. Hầu hết các sử gia coi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ dân tộc Việt. Chúng ta sẽ coi tiếng nói của người Việt Nam có những đặc tính nào để có thể đóng vai trò bảo vệ hồn tính dân tộc.

    Nhưng trước khi nói về trường hợp tiếng nước ta, cũng cần nhìn lại trong lịch sử loài người, coi ngôn ngữ có bao giờ là một yếu tố quan trọng giúp thành hình một dân tộc hay không? Có sắc dân nào nhờ bảo vệ được tiếng nói mà giữ được dân tộc tính, rồi tiến tới tự chủ, độc lập hay không? Khi biết hiện tượng đó đã xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, chúng ta sẽ thấy ý kiến tiếng Việt bảo vệ hồn tính dân tộc Việt là đáng tin.

    https://thuvienphatviet.com/chan-van-do-quy-toan-dung-vung-ngan-nam-suc-de-khang-cua-dan-toc-viet/

    Không có nhận xét nào