Header Ads

  • Breaking News

    Cánh Cò - Miến Điện, cuộc cách mạng máu

    Bất cứ cuộc cách mạng chính trị nào cũng đổ máu, nhưng cuộc chiến chống độc tài quân phiệt của Miến Điện có lẽ máu đổ nhiều hơn nơi khác khi cả thế giới gần như bất lực đứng nhìn quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh chìm nổi thẳng tay tàn sát người biểu tình bằng mọi phương tiện chiến tranh. Tính cho tới nay sau hơn một tháng rưỡi đảo chánh, quân đội Miến Điện đã hạ sát 70 người, trong đó nhiều nhất là giới trẻ.

    Nếu cuộc cách mạng dù ở Hongkong làm thế giới ngưỡng mộ thì cuộc cách mạng “ba ngón tay” tại Miến làm cho loài người rúng động vì độ tàn bạo của kẻ nắm trong tay vũ khí. Họ bắn thẳng vào người biểu tình bất kể người đó là ai, nam hay nữ, già hay trẻ cứ biểu tình là bắn. Dĩ nhiên những viên đạn rời khỏi nòng súng ấy được cho phép và người cầm súng không bị bất cứ ràng buộc nào của pháp luật. Tất cả sự tàn bạo hiện nay chỉ là một góc khuất vừa bày ra cho nhân loại thấy tính chất vô luân của tập đoàn quân sự Miến, nơi mà quyền lực đồng nghĩa với quyền lợi của một nhóm người nắm trọn quyền bính của quốc gia đã và đang đẩy người dân Miến vào ngõ cụt của một nền dân chủ èo uột vì sinh non và chết yểu vì họng súng.

    Tập đoàn quân sự Miến đã vì những mỏ ngọc, những quyền lợi từ tài nguyên quốc gia lẫn nguồn lợi kếch sù từ sức tiêu dùng của người dân, đã thẳng tay đạp đổ một chính thể được người dân bầu lên và đang nổ lực xây dựng một đất nước Miến bị tàn phá. Được tập đoàn cộng sản Trung Quốc đứng phía sau tiếp tay, tập đoàn quân phiệt Miến không còn biết sợ hãi bất cứ thế lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở sự manh động của họ.

    Đối với Mỹ, một vài biện pháp chế tài, cấm vận đối với vài cá nhân không nói lên được chính sách mạnh mẽ của nước Mỹ đối với sự tàn khốc mà chính quyền Miến mang tới cho dân tộc của họ. EU cũng không hơn gì khi chống lại hành vi giết người chỉ bằng những tuyên bố suông và những từ ngữ kết án như một khúc quân hành.

    ASEAN như thường lệ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, một slogan luôn được mang treo trong bất cứ cuộc họp nào trong nhóm.

    Nga, Tàu một giuộc đã đành, Việt Nam cũng chai mặt khi thỏa hiệp với họ cùng với Ấn lên tiếng không đồng tình với LHQ trong tuyên bố chung về những gì Miến Điện đang vi phạm có thể dẫn đến một phiên tòa hình sự quốc tế xét xử tội ác chống nhân loại của tập đoàn quân phiệt Miến.

    Phản ứng này của Việt Nam là dể hiểu vì mối tương quan giữa hai chế độ không khó nhận ra.

    Nếu quân phiệt Miến quyết giữ ghế vì quyền lợi và thế lực thì tập đoàn Ba Đình cũng không khác mấy với chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Nếu Miến cướp chính quyền từ lá phiếu của người dân thì Đảng Cộng sản đã làm việc tương tự từ hơn 70 năm trước rồi. Nếu Miến dựa vào Trung Quốc nhằm chống lại cả thế giới cho ý đồ thôn tính đất nước thì Hà Nội không những vỗ tay hoan nghênh mà còn cảm thấy mình không đơn độc.

    Còn một lý do rất lớn khác đó là tập đoàn Viettel đã bỏ hết tương lai của nó vào đất Miến nên không tài nào rút lui được nữa.

    Cũng như hơn 30 công ty Trung Quốc đang bị người dân Miến tấn công vì đã trợ giúp chính quyền quân phiệt, Việt Nam không thể khác nếu cứ mạnh miệng ủng hộ và làm ngơ nỗi đau của người dân Miến. Viettel và những công ty đối tác Việt Nam sẽ phá sản trên đất nước này và có thể đi đến sụp đổ bởi người dân Miến không phải là HongKong hay Việt Nam.

    Họ quen thuộc với hy sinh từ những năm 1988 với hàng ngàn sinh viên bị giết và ngồi tù. Cơn địa chấn ấy sẽ lập lại với lớp người trẻ như Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt' khi cô ngã xuống. Đã có hơn 70 người như Kyal Sin và không ai biết sẽ còn bao nhiêu người nữa. Lớp trẻ của Miến hiểu rõ chỉ có họ là có thể tranh đấu cho đất nước của mình, mọi hy vọng vào nước ngoài đều bị dập tắt, vậy mà họ vẫn tiếp tục con đường đầy máu phía trước.

    Tối hôm nay, 16 tháng 3, thành phố Rangon chứng kiến hàng chục ngàn chiếc điện thoại sáng lên trong đêm tối. Mỗi chiếc điện thoại là một con người, một ý chí. Họ kết hợp với nhau như thách thức mũi súng của bọn ác ôn.  Thách thức ấy không hề mòn mõi và thế giới dù muốn hay không cũng phải tự nhìn lại chính mình.

     

    Không có nhận xét nào