Là nước kiểm soát 80% sản lượng đất hiếm trên thế giới, từ 15 năm qua, Trung Quốc thường xuyên sử dụng nguồn nguyên liệu thiết yếu trong công nghệ hiện đại này như một công cụ để gây sức ép với các nước. Tuy nhiên phát động một cuộc chiến đất hiếm sẽ là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc, theo phân tích của Jean-Michel Bezat, phóng viên nhật báo Le Monde.
Anh Vũ - Bắc Kinh có thực sự muốn chiến tranh đất hiếm ? |
Tại California, ở một nơi có tên gọi là Moutain Pass. Đó là mỏ đất hiếm từng hoạt động rất nhộn nhịp cách đây 40 năm, khi Hoa Kỳ thống trị sản xuất nguồn quặng mỏ nay đang là vật liệu sống còn cho các ngành công nghiệp xe hơi, viễn thông, công nghệ số, năng lượng tái tạo và cả vũ khí. Do giá thành sản xuất quá đắt và gây ô nhiễm, Mỹ đã cho đóng mỏ này năm 2002. Như một lẽ tự nhiên, việc khai thác sản xuất và cả ô nhiễm được di dời sang Trung Quốc, khi đó được đánh giá không mấy nguy hiểm như bây giờ. Thế là trung tâm đất hiếm được chuyển về vùng Nội Mông Trung Quốc, nay mệnh danh là « Thung lũng Silicon của đất hiếm ».
Đó cũng là thí dụ về sự bất cẩn của người Mỹ. Cố gắng giảm bớt lệ thuộc vào dầu lửa của Trung Đông để rồi lại phải chịu cấm vận nguồn kim loại hiếm mà 80% do Trung Quốc kiểm soát, như vậy có ích gì ?
Donald Trump đã từng lo lắng và thậm chí đề xuất mua lại cả vùng Groenland nơi có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào. Tỏ ra ngoại giao hơn nhưng vẫn trong mối lo ngại, Joe Biden vừa thông báo « xem xét toàn bộ » nguồn gốc của 4 sản phẩm trọng yếu : linh kiện bán dẫn, bình điện xe hơi, hoạt chất dược và đất hiếm. Riêng lĩnh vực đất hiếm Hoa Kỳ sẽ phải mất ít nhất mười năm mới đạt được tự cung tự cấp.
Các đe dọa về đất hiếm của Trung Quốc từ 15 năm qua vẫn lặp lại nhiều lần. Hồi năm 2019 là để trả đũa cho việc loại nhà sản xuất thiết bị viễn thông Hoa Vi ra khỏi Mỹ. Cách đây không lâu, là để răn đe việc Washington bán cho Đài Loan chiến đấu cơ F-35. Trên một thiết bị chiến tranh hiện đại này của Mỹ có chứa tới 417 kg đất hiếm.
Bắc Kinh cũng sẽ cấm xuất các công nghệ tuyển quặng sang các nước được cho là thù địch với họ. Trớ trêu là cách đây 30 năm, chính người Pháp và người Nhật đã nâng đỡ họ về công nghệ sản xuất đất hiếm, như Guillame Pitron đã viết trong cuốn sách « Chiến tranh kim loại hiếm ( 2018) ».
Cuộc chiến không vũ trang này diễn ra không ồn ào, bằng các đòn thuế, hạn ngạch và dọa dẫm trên truyền thông, nhưng đồng thời vi phạm các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Rủi ro gia tăng cho việc chế tạo các linh kiện cốt lõi trong sản xuất xe hơi điện, động cơ máy bay, tua-bin điện gió và chụp hình y tế.
Cứ 15 năm cần phải nhân gấp đôi sản xuất đất hiếm thì mới có thể thành công trong chuyển đổi năng lượng. Lĩnh vực công nghệ số cũng như công nghiệp quốc phòng cũng ngốn ngày càng nhiều đất hiếm. Nếu như 160 nghìn tấn đất hiếm thành phẩm có trị giá 8 tỷ euros, thì các sản phẩm dùng đất hiếm có thể mang lại cho các công ty 6000 tỷ doanh thu.
Việc khan nguồn kim loại hiếm này xuất phát cả từ đe dọa của Trung Quốc cũng như từ việc tiêu thụ vô độ mà chưa có giải pháp thay thế trên quy mô lớn. Các nước phương Tây đã phác thảo ra 3 hướng giải pháp. Đó là mở các mỏ ở những nước « bạn bè », tiến trình này đang dự trù tại Úc, Achentina hay Canada. Nhưng các hoạt động khai thác sản xuất đất hiếm ngồn nhiều vốn và phải chịu các chuẩn mực ngặt nghèo về mối trường. Phát triển tái sinh, chỉ chiếm 1% đất hiếm, lại cần phải lập thêm dây chuyền công nghiệp. Giữa hai trường hợp trên thì nên chấp nhận rủi ro đầu tư vào thị trường có thể giao động theo thái độ của Trung Quốc. Cuối cùng là hướng tiết kiệm, để dành đất hiếm cho các thiết bị cực kỳ thiết yếu, đây là việc mà ngày càng nhiều hãng công nghiệp làm.
Bắc Kinh có thực sự muốn tuyên chiến đất hiếm ?
Việc sử dụng thứ vũ khí cuối cùng này là có thể xảy ra trong trường hợp có xung đột vũ trang liên quan đến Đài Loan chẳng hạn. Nhưng thứ vũ khí này là con dao hai lưỡi vì Trung Quốc có lợi khi bán các sản phẩm đã gia công và không đẩy các nước phương Tây phải khẩn trương tìm giải pháp thay thế.
Mặc dù chiếm vị thế thống trị thị trường đất hiếm, Trung Quốc lo ngại Mỹ và các nước châu Âu đẩy nhanh tốc độ sản xuất đất hiếm để bảo đảm an toàn nguồn cung ứng cho họ. Trung Quốc biết mọi đe dọa cần được làm một cách thận trọng. Làm người khác hoảng loạn cũng là kích thích họ tăng thêm cố gắng, tạo thêm những đối thủ cạnh tranh và làm giảm quyền lực của Trung Quốc trên thị trường đang nắm giữ.
Trung Quốc nắm trữ lượng đất hiếm lớn nhất, nhưng cũng là nước tiêu thụ nhiều hơn sản xuất trong những năm qua. Điều này khiến Trung Quốc buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ Miến Điện và cả Hoa Kỳ. Vị thế thống trị các thành phần kim loại chiến lược này của Trung Quốc sẽ không thể kéo dài vĩnh viễn. Đất hiếm có rất nhiều ở Brazil, Việt Nam, Nga và Ấn Độ…
Bị đe dọa trong khâu cung ứng, Trung Quốc đã tính chuyện hoạt động rộng ra ngoài biên giới. Tập đoàn khai thác đất hiếm của Trung Quốc Shenghe Resources đã đầu tư vào Úc, Madagascar, Groenland và bất ngờ hơn là cả vào tập đoàn Mỹ đang khai thác Moutain Pass.
Sau một hồi căng thẳng gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã hạ nhiệt. Trước tiên là khẳng định tất cả đều thua nếu chia xé thị trường quặng mỏ giữa hai cường quốc thế giới. Sau đó thông báo tăng 27% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong hai lô hàng dự kiến vào đầu năm 2021 này.
Đất và kim loại hiếm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Cung ứng cho ngành công nghiệp công nghệ cao đồng thời thâu tóm xuất khẩu và dịch vụ chuyển đổi môi sinh (năng lượng tái tạo, xe chạy điện…) là cấp bách nếu Trung Quốc muốn loại trừ ô nhiễm trong các hoạt động sản xuất và đạt mục tiêu « zero carbone » vào năm 2060.
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào