Boats designed to overwhelm civilian foes can be turned into shields in real conflict.
By Andrew S. Erickson
Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục kết thành bè dài neo đậu ở Bãi Ba Đầu ngày 23/3/2021. Ảnh: Maxar Technologies/Facts on the Sea
Những chiếc thuyền được thiết kế để áp đảo đối thủ dân sự có thể được biến thành lá chắn trong cuộc xung đột thực sự.
Bãi Ba Đầu, thực thể chìm có hình giống Boomerang tại cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa có thể là mục tiêu cưỡng đoạt tiếp theo của CHND Trung Hoa. Ít nhất từ ngày 7/3/2021, hàng chục tàu vỏ xanh lớn của Trung Quốc đã đóng bè tại khu vực phía tây nam bãi san hô Ba Đầu. Các tàu này không đánh bắt cá nhưng vẫn sử dụng đèn có công suất lớn vào ban đêm. Ngày 21/3, sau khi đề cập đến sự hiện diện của 220 tàu dân quân biển Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chính quyền Manila bổ sung tuyên bố của mình bằng một phản đối ngoại giao từ Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin.
Ảnh vệ tinh toàn cảnh Bãi Ba Đầu ngày 23/3/2021. Ảnh: Maxar Technologies/Facts on the Sea
Nhưng bất chấp tất cả, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Hoa Xuân Oánh) và Đại Sứ quán nước này tại Manila đã phủ nhận đó là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc và biện hộ rằng các tàu này hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu để tránh thời tiết khắc nghiệt đồng thời tuyên bố đây là hoạt động bình thường của CHND Trung Hoa, các bên không nên thổi phồng sự việc bằng những lời buộc tội vô trách nhiệm. Sáng 22/3, Trung tướng Cirilito Elola Sobejana, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân các lực lượng vũ trang Philippines cho biết không quân nước này phát hiện 183 tàu dân quân biển của Trung Quốc vẫn hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu.
Đá Ba Đầu là rạn san hô không có người ở nằm ở cực đông của cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa hiện là đối tượng tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông. Rạn san hô này ngập nước khi thủy triều lên, khi thủy triều xuống để lộ cồn cát dài khoảng 100 mét và hiện đã tăng cả về diện tích và độ cao. Từ những năm 1990, Việt Nam và Trung Quốc đã có những động thái tại khu vực này để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Trung Quốc đã cố gắng đưa các phao lên đá Ba Đầu để đánh dấu chủ quyền nhưng các lực lượng của Việt Nam tại đảo Sinh Tồn đã tiếp cận và loại bỏ.
Trong những năm gần đây, bất cứ khi nào Bắc Kinh lựa chọn một khu vực, họ đều tăng cường lực lượng với quy mô và cường độ mà các đối thủ không thể theo kịp. Cụ thể, các quốc gia đều cải tạo và bồi đắp các thực thể mà họ chiếm đóng trên Biển Đông ở một mức nào đó nhưng bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô công nghiệp. Vì vậy bất cứ điều gì thực sự đang xảy ra tại đá Ba Đầu vào lúc này, đây là thời điểm thích hợp để xem xét cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc làm xói mòn chủ quyền của các nước khác cũng như các quy tắc và chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông; đồng thời phải nghiên cứu phương án để chống lại điều đó.
Các bức ảnh từ lực lượng quân sự và bảo vệ bờ biển Philippines, cũng như tuyên bố của Lorenzana khớp với thông tin đã được xác minh về Lực lượng Vũ trang Hàng hải Nhân dân (PAFMM) thuộc Lực lượng Vũ trang Trung Quốc. Mặc dù có vẻ hơi khác nhau về hình thức thân tàu, nhưng những con tàu được chụp ảnh có bề ngoài và hoạt động rất giống 84 tàu vỏ thép cỡ lớn được đóng tại nhiều nhà máy đóng tàu vào năm 2016 cho Lực lượng dân quân hàng hải thành phố Tam Sa theo như tài liệu được công bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Văn phòng Tình báo Hải quân. (Bản thân Tam Sa không phải là một thành phố thực, mà là một cơ quan tài phán của CHND Trung Hoa được thành lập để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đối với một diện tích đại dương và hải đảo gấp 1.700 lần diện tích của Thành phố New York.)
Trong vài năm qua, dữ liệu AIS cho thấy các tàu Tam Sa tham gia triển khai luân phiên tới các địa điểm và tiền đồn mà CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền trên khắp Biển Đông. Đây là những con tàu được vận hành bởi các nhân viên toàn thời gian, được trả lương cao và được tuyển dụng một phần từ PLA. Các tàu này dường như không bận tâm đến việc đánh cá mà chỉ tập trung khẳng định chủ quyền trên biển.
Các tàu dân quân biển được cho là có trang bị vũ khí hạng nhẹ. Các bức ảnh chính thức của CHND Trung Hoa công bố về các cuộc tập trận cho thấy các tàu dân quân biển được trang bị “vũ khí hạng nhẹ”. Trung Quốc có thể bố trí lực lượng dân quân biển này trở thành lực lượng tác chiến hàng đầu trong khu vực vùng xám. Các tàu dân quân biển với thiết kế lớn và động cơ mạnh hơn nhiều so với các tàu đánh cá của Philippines và các nước khác tại Biển Đông lại được gia cố bằng thép tại mũi tàu và bố trí vòi rồng sẽ trở thành vũ khí mạnh mẽ trong hầu hết các trường hợp, có khả năng tấn công, va đâm các tàu cá và tàu cảnh sát biển của các nước xung quanh Biển Đông. Ngược lại khi đối mặt với Hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng nước ngoài có sức mạnh lớn hơn, lực lượng này sẽ sắm vai là kẻ yếu – là lực lượng dân sự với lá chắn là con người nhằm giảm nguy cơ gia tăng căng thẳng. Dù bằng cách nào, trong các vấn đề trên biển, lực lượng dân quân biển vẫn được kiểm soát bởi một chuỗi chỉ huy của PLA (có thể là thông qua Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam), dưới quyền tối cao của Tổng Tư lệnh Tập Cận Bình và Quân ủy Trung ương.
Tóm lại, những con tàu này rõ ràng phù hợp với phương thực hoạt động trên Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.
Trung Quốc dường như đang đưa số lượng tàu nhiều hơn tới Ba Đầu, đồng thời sử dụng đèn công suất lớn và hiện diện lâu hơn nhằm khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực và báo hiệu cho các nước trong khu vực phải tuân thủ phương pháp tiếp cận của Trung Quốc.
Cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Đại học Chiến tranh Hải quân, Peter Dutton đưa ra lời giải thích toàn cảnh về hành vi của Bắc Kinh: “Trong các cuộc họp ở Alaska, Trung Quốc tỏ ra quyết tâm sử dụng quyền lực chính trị để củng cố thái độ đối đầu của mình. Đầu tiên, đó là các phiên tòa xét xử Michael Spavor vào ngày 19/3 vừa qua và Michael Kovrig [người Canada bị Bắc Kinh bắt làm con tin trong hơn hai năm] hôm nay. Bây giờ, rõ ràng là họ đang gây sức ép với một đồng minh của Hoa Kỳ ở Biển Đông.”
Dutton chỉ rõ: “Những hành động này thể hiện sức ép trực tiếp đối với Canada và Philippines, hai đồng minh của Mỹ. Các bên tranh chấp Đông Nam Á khác cũng sẽ được cảnh báo sau khi các cuộc đàm phán COC (Bộ quy tắc ứng xử) bị đình trệ, có lẽ đã thất bại”. Thông điệp ngầm của Trung Quốc đối với các nước có tranh chấp tại Biển Đông là “Trung Quốc là kẻ mạnh và sẽ làm những gì họ muốn bất kể luật pháp và các cam kết trước đó. Trung Quốc có thể đưa ra thỏa thuận tốt nhất cho các nước khác ngay bây giờ.” Dutton kết luận: “Thử thách về hai công dân Canada và áp lực vùng xám tại Biển Đông sẽ có tác dụng đối với các nước Đông Nam Á, Australia và các nước khác để cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh nhằm đạt được điều họ muốn. Phản ứng tốt nhất là các nước phải hỗ trợ lẫn nhau và phản kháng tập thể”. Dutton đề xuất “Khi Bộ Quốc phòng và Lực lượng tuần duyên Mỹ phát triển các chiến lược mới đối phó với Trung Quốc, hãy sử dụng những sự kiện rõ ràng này là kim chỉ nam.”
Nếu không đối phó đúng cách, bãi Ba Đầu hoặc các nơi khác có thể bị Trung Quốc chiếm giữ giống như bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Và nếu 200 tàu này thực sự thuộc về các đơn vị của PAFMM thì chứng tỏ Trung Quốc đã tăng số lượng tàu cá dân binh lên rất nhiều so với 84 tàu được Hoa Kỳ ước tính và công bố công khai trước đó; lực lượng chức năng của Hoa Kỳ và các nước đồng minh phải tìm hiểu và đánh giá con số thực tế của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc hiện tại đồng thời giám sát chặt chẽ lực lượng này.
Ảnh vệ tinh cận cảnh hơn các tàu Trung Quốc đang neo đậu ở Bãi Ba Đầu từ những ngày đầu tháng 3 tới nay. Ảnh: Maxar Technologies/Facts on the Sea
Bất kỳ thỏa thuận và trao đổi an ninh hàng hải nào giữa Mỹ và Trung Quốc phải được áp dụng cho cả lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Nếu muốn coi là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc phải trung thực, cởi mở về cả ba lực lượng là hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển.
Andrew S. Erickson là Giáo sư lãnh vực Chiến lược tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Trường Cao đẳng Hải quân Chiến tranh Hoa Kỳ và là học giả thỉnh giảng toàn thời gian tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King của Đại học Harvard. Nguồn bản gốc tiếng Anh: China’s Secretive Maritime Militia May Be Gathering at Whitsun Reef.
Lê Đức Tâm là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phụ trách theo dõi thực địa.
https://dskbd.org/2021/03/25/dang-tap-trung-tai-bai-ba-dau-co-the-la-luc-luong-dan-quan-bi-mat-cua-trung-quoc/
Không có nhận xét nào