Ba quan niệm lệch lạc về cái gọi là nam tính trong văn hóa Việt Nam.
Ảnh minh họa: Luật Khoa.
Thế nào là một người đàn ông nam tính?
Hãy thử tìm hiểu về nguồn gốc của các từ ngữ.
Chữ “nam” của tiếng Việt có gốc từ chữ Hán 男, được ghép từ chữ “điền” (田) và “lực” (力) – chỉ người có sức khỏe làm đồng. Ngay từ khởi thủy của từ, “nam” đã đại diện cho sức mạnh cơ bắp.
Từ đồng nghĩa với “nam tính” trong tiếng Anh là “masculine”, có gốc từ chữ Latin “masculus”. Không ai biết rõ nguồn gốc của từ này, nhưng nó được gắn cho ý nghĩa mang các “đặc tính phù hợp cho giống đực”. Các đặc tính đó là “manly” (nam tính), “virile” (sung sức), và “powerful” (đầy sức mạnh).
Từ “virile”, sung sức, là một trường hợp thú vị. Nó có gốc từ chữ “vir”. Chữ này bản thân lại có nghĩa là… đàn ông. Nói cách khác, lòng vòng một hồi cũng quay lại kết luận: cứ đàn ông là sung sức.
Từ Đông sang Tây, từ xưa tới nay, mặc định nam tính đều giống nhau: sức mạnh cơ bắp, ăn to nói lớn, mạnh mẽ, tham vọng, lãnh đạo, thống trị, nói chung là có quyền lực.
Đó cũng là cách hiểu về “quyền lực” trong phần lớn lịch sử phát triển của xã hội loài người.
Cho tới vài trăm năm, đặc biệt là vài thập niên gần đây, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Khái niệm “khủng hoảng nam tính”, hay “masculinity crisis”, bỗng dưng được nhiều người bàn thảo.
Các con số thống kê thực tế vẽ nên một bức tranh khác. Ở trường, nam học kém hơn nữ. Lớn lên, tỷ lệ nam giết người, bị giết và tự sát đều cao gấp nhiều lần nữ. Và nam lại còn chết sớm hơn nữ.
Tất nhiên, “khủng hoảng” là một từ gây tranh cãi, khi xét đến thực tế hiện tại, ở khắp nơi, nam giới vẫn đang thống trị quyền lực cả về chính trị lẫn kinh tế. Kết quả Đại hội XIII vừa rồi ở Việt Nam là một minh chứng rõ rệt.
Nhưng có một thực tế khác không thể phủ nhận: “quyền lực” theo cách hiểu xưa cũ – sức mạnh cơ bắp – đã không còn mang bao nhiêu ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
Giờ đây, người ta không còn khen những ai biết vung tay múa cẳng. Họ cần những người biết hóa giải xung đột. Người ta không còn tung hô những ai to mồm bạo miệng. Họ tán thưởng những người biết ôn tồn dùng lý lẽ để thuyết phục. Người ta cũng không còn ngưỡng mộ những ai “mày sai và tao lúc nào cũng đúng”. Họ trân trọng những người dám thừa nhận “tôi đã sai” và biết nhìn vấn đề từ góc độ khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, thập niên thứ ba của thế kỷ thứ 21, nhiều đàn ông Việt Nam vẫn còn thích nghi khá chậm với những thay đổi này.
Ba thói quen tư duy cũ kỹ dưới đây, đặc biệt phổ biến mỗi dịp Tết, là những minh họa cho sự chậm chạp đó.
Nam vô tửu như kỳ vô phong
Đàn ông không biết uống rượu cũng giống như cờ không có gió.
Quan điểm này phổ biến đến mức không chỉ cánh đàn ông thuộc nằm lòng, đến cả phụ nữ lẫn trẻ con cũng bị nhiễm.
Ta không khó bắt gặp cảnh trong một bàn tiệc, khi một người từ chối uống, ngoài cánh đực rựa lèo nhèo khích bác, lắm bà nhiều cô cũng góp vài tiếng mỉa mai khiêu khích.
“Nam vô tửu như kỳ vô phong” là một câu rặt tiếng Hán Việt, lại nghe đậm chất kiếm hiệp, nhưng rất lạ là chỉ phổ biến ở Việt Nam. Người Hoa không ai nói vậy. Câu tương tự trong tiếng Hoa nghe rất tầm thường: “vô tửu bất hoan” (無酒不歡), không có rượu không vui.
Rất có thể câu khích bác đầy “nam tính” này là sáng tạo riêng của người Việt, bắt nguồn từ hình ảnh “tửu kỳ”, lá cờ ghi chữ “tửu” (酒), một hình thức giăng biển hiệu quảng cáo của các quán rượu thời xưa bên Trung Quốc.
Cho dù nguồn gốc thế nào, mức độ phổ biến của “văn hóa nhậu” ở Việt Nam là điều không cần tranh cãi. Rượu bia và nam tính được gộp thành một. Thậm chí các bà các cô nếu “biết” hay “giỏi” nhậu cũng được xem là chỉ dấu của sự “mạnh mẽ”.
Hiếm người đặt câu hỏi vì sao lại uống? Đơn giản vì nếu chịu hỏi và dám lúc lắc cái đầu để suy nghĩ thấu đáo thì các câu trả lời sẽ không có gì “mạnh mẽ”.
Rất nhiều người uống không phải vì khát. Thứ có thể giải quyết cơn khát tốt nhất là nước lọc – và nó gần như miễn phí. Số đông uống cũng không phải để thưởng thức. Không ai thưởng thức một thức uống bằng cách (thách nhau) tống vào mồm càng nhiều càng tốt.
Có hai lý do chính để người Việt nốc rượu bia: xả stress và giao tiếp.
Lý do đầu không phải chuyện lạ. Khắp thế giới hàng triệu người tìm đến các loại thức uống có cồn để quên sầu. Nhưng phải dùng cồn xịt não mới có thể vượt qua áp lực cuộc sống thì có phải là dấu hiệu của “nam tính”, của “mạnh mẽ”, của “quyền lực”? Hay ngược lại, đó là bằng chứng của sự bất lực, là dấu hiệu rằng người này cần được giúp đỡ?
Lý do thứ hai, uống để giao tiếp hay giao tế, lại rất đặc trưng ở những nước có “văn hóa” làm việc trên bàn nhậu như Việt Nam. Tôi đã từng chứng kiến những hợp đồng thỏa thuận được chốt, thậm chí được ký ngay trên bàn nhậu. Tôi cũng từng được nghe các “thông tin mật” trị giá cả gia tài được chia sẻ sau những tiếng cụng ly. Tôi biết giá trị có được từ những mối quan hệ kiểu “chén chú chén anh” như thế.
Và tôi biết tất cả những điều đó đều có thực hiện được mà không cần phải lôi nhau đi nhậu.
Dùng giao tế làm lý do kéo nhau ra quán nhậu thực chất chỉ là cái cớ cho “cơn bất lực tập thể”.
Bao nhiêu “nam tính”, bao nhiêu “sức mạnh”, bao nhiêu “quyền lực” thể hiện trên bàn nhậu đều không che giấu nổi cơn chán chường của những người không biết dành thời gian cho việc gì khác, không đủ làm sạch những bãi nôn mửa, thậm chí là cả cứt đái của các bợm nhậu trong cơn túy lúy, và chắc chắn không biện minh được cho những tai nạn thảm khốc cũng như các tội ác tày trời chỉ vì mấy chữ gọn lỏn “tôi say quá”.
Tóm lại, đàn ông không rượu bia có phải là “cờ có gió” không thì hạ hồi phân giải. Nhưng đàn ông nghiện rượu bia thì chắc chắn chỉ là một loại: cờ trúng gió.
Đàn ông không phải đụng tay làm việc nhà
Quan niệm này có nguồn gốc cũng xa xưa như cái cớ nam tính của rượu bia.
Nó bắt nguồn từ thời con người chỉ có một nghề duy nhất: săn bắn hái lượm. Các hoạt động đi săn và leo trèo này được phân công cho những cá thể cao to và có sức mạnh cơ bắp – thông thường đó là đàn ông. Phụ nữ thì được giao nhiệm vụ hậu phương – lo các việc ở nhà. Đàn ông vì vậy chỉ phải tập trung cho những việc nặng nhọc nguy hiểm bên ngoài, không cần phí năng lượng cho những chuyện “vặt vãnh” ở nhà.
Trong suốt hàng trăm ngàn năm, đó là sự phân công lao động tự nhiên. Cho đến khi xã hội thay đổi, thức ăn được tích trữ, thời gian thì lại có dư, và vô số các loại công việc khác được tạo ra. Những việc mà chỉ có đàn ông mới có thể đảm đương, phụ nữ không thể làm, càng ngày càng ít lại.
Ngày nay, trong nền kinh tế coi trọng tri thức, sức mạnh cơ bắp của đàn ông không còn là lợi thế gì ghê gớm. Ngay cả trong những lĩnh vực đòi hỏi cao về thể chất, phụ nữ cũng càng ngày càng chứng minh được năng lực của mình. Các vận động viên nữ, tuy vẫn còn thua kém các đồng nghiệp nam, nhưng chắc chắn có sức mạnh vượt xa đa số những người thuộc “phái mạnh” khác.
Bức tranh chung của xã hội ngày nay là nam nữ cùng chia sẻ công việc, và cạnh tranh với nhau, ở mọi lĩnh vực.
Quan niệm đàn ông không lăn vào bếp, không đụng tay vào việc nhà vì vậy cũng đã trở nên rất lạc hậu.
Ngoại trừ ở những nơi như Việt Nam.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, rất nhiều đàn ông Việt Nam vẫn còn duy trì suy nghĩ “việc nhà không phải việc của mình”, bất chấp thực tế rằng những việc khác họ làm bên ngoài không phải là chuyện gì đặc biệt tới mức “chỉ đàn ông mới làm được”, và kể cả khi phụ nữ cũng làm những công việc “nặng nhọc” y chang, hoặc trong nhiều trường hợp là vất vả hơn họ.
Điều đáng nói là không ít phụ nữ chấp nhận điều vô lý này, bằng cách khuyến khích chồng con của mình không cần lo việc nhà, hoặc cam chịu tự nhận hết về mình.
Vào những dịp lễ Tết, thứ văn hóa ngược ngạo này càng đậm nét hơn. Hình ảnh phổ biến khắp nơi là cánh đàn ông tập trung bên ngoài ăn uống nhậu nhẹt chém gió đủ thứ từ cung đình tới cung trăng, cánh đàn bà lại phải tập trung trong bếp lọ mọ phục vụ bữa tiệc, và sau đó là hì hục lau dọn các bãi chiến trường.
Quan niệm cổ hủ này trước kia là hình thức phân công lao động hợp lý, nhưng giờ đây bản chất của nó chỉ còn có một: đó là một kiểu nô lệ, bắt người khác phục dịch mình.
Nam tính và sức mạnh kiểu gì khi phải dựa dẫm vào người khác, bắt họ nấu cho mình ăn, giặt đồ cho mình mặc, lau dọn nhà cửa sạch sẽ cho mình lăn ra ngủ?
Đó là câu hỏi mà những bậc đại trượng phu, và cả các bà các cô, phải tự đặt ra cho bản thân.
Đàn ông phải dắt vợ về quê ăn Tết
Nếu hai suy nghĩ trên là một thứ “văn hóa” ăn sâu vào tâm thức của người Việt, chỉ gia tăng tần suất trong những ngày nghỉ lễ, thì quan niệm thứ ba này lại là đặc sản xuất hiện riêng trong dịp Tết.
Năm nào chuyện tranh cãi về ăn Tết ở quê chồng hay quê vợ cũng khiến không ít gia đình lục đục xào xáo.
Những tranh cãi này thực chất là một dấu hiệu tốt. Nó cho thấy phụ nữ Việt Nam đã không còn mặc định chấp nhận “tiên đề đạo đức” tồn tại hàng ngàn năm nay trong cái gọi là “tam tòng tứ đức”. Tam tòng đó là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu và phu tử tòng tử (ở nhà thì phải nghe theo cha, tới khi lấy chồng thì phải nghe lời chồng, chồng chết thì phải thuận theo con trai).
Văn hóa “tòng, tòng nữa, tòng mãi” được khuyến khích trong một thời gian dài nhằm duy trì trật tự xã hội “ổn định”, nơi mà đàn ông thể hiện được uy quyền (và nam tính) của mình.
Nhưng một cách tự nhiên, khi xã hội thay đổi, càng ngày càng nhiều người nhận ra nó là một thứ trật tự vô lý.
Về quê ăn Tết là một truyền thống tốt đẹp, kết nối các thành viên trong gia đình. Nhưng không có lý do gì người ta lại chỉ kết nối các thành viên của một bên mà bỏ qua bên khác, hoặc xem việc kết nối với một bên là quan trọng hơn bên còn lại. Nếu về quê gặp mặt người thân là chuyện có ý nghĩa, thì quê vợ lẫn quê chồng đều quan trọng như nhau.
Câu hỏi đặt ra vì vậy không thể là “ai phải theo ai”, mà sẽ là sắp xếp thế nào để kết nối với những người thân một cách tiện lợi và công bằng nhất.
Về quê ai ăn Tết khi này, từ một chuyện “văn hóa” hay “ý thức hệ”, sẽ thuần túy trở thành vấn đề logistics – lên kế hoạch sao cho hiệu quả nhất.
Trên thực tế, hoàn cảnh nhiều gia đình không cho phép họ có thể sắp xếp về cả hai quê, một việc đòi hỏi cả tiền bạc lẫn nhiều thời gian. Nhiều người chồng cũng không muốn đối mặt với áp lực xã hội từ những người khác nếu không “dắt vợ” về.
Không có giải pháp toàn vẹn nào cho vấn đề nan giải này. Mọi chuyện chỉ tùy thuộc vào mức độ thỏa hiệp và thấu hiểu lẫn nhau giữa hai người.
Hoặc đôi khi nó cũng có thể là cơ hội để đưa ra những quyết định khác, ví dụ như vợ về quê chồng, còn chồng về quê vợ ăn Tết. Cả hai nhà nội ngoại khi đó đều có “con tin” của phía bên kia, và nó còn đúng với ý nghĩa kết nối hơn, thay vì mỗi người ai về nhà nấy.
Hoặc nếu thật sự muốn kết nối với người thân, người ta sẽ nhận ra việc ăn Tết (ở đâu) thực sự không quá quan trọng.
Tết không phải, và không nên, là dịp duy nhất để gặp mặt những người ta muốn gặp. Nó càng không phải là dịp để ép buộc người bạn đời của mình đi theo để được cái tiếng “dắt vợ về quê”.
***
Ba quan niệm lạc hậu này là minh chứng cho “nam tính lệch lạc” của đàn ông Việt Nam. Nhưng đó đồng thời cũng là cơ hội để những người đàn ông thể hiện cái bản lĩnh thực sự.
Chịu nhìn ra vấn đề, chấp nhận cái sai, và dám vượt qua áp lực xã hội để thay đổi – đó mới là thứ sức mạnh đích thực mà cả đàn ông lẫn phụ nữ đều cần.
Chừng nào chưa sở hữu và thể hiện được sức mạnh đó, các bậc đại trượng phu khó có tư cách gì để mà vỗ ngực tự hào.
https://www.luatkhoa.org/2021/02/tet-nam-tinh-va-dan-ong-viet-nam/
Không có nhận xét nào