Miến Điện (Myanmar/Burma)
Nếu theo dõi Truyền Thông Dòng Chính (TTDC) từ vài năm qua, người ta có cảm tưởng xứ Miến Điện là xứ kỳ thị Hồi giáo tàn ác nhất nhân loại khi cướp, hãm, tra tấn, giết khối dân Hồi giáo thiểu số hiền lành vô tội của xứ này, khiến cả triệu dân này phải bồng bế nhau tìm đường trốn chạy, qua xứ láng giềng Bangladesh và cả tới những xứ xa hơn như Mã Lai, và Úc luôn.
Tháng vừa rồi, Tòa Hình Sự Quốc Tế -International Criminal Court- mà Mỹ không nhìn nhận (TT Obama cũng chỉ chấp nhận Mỹ tham gia với tư cách quan sát viên) đã họp tại La Haye của Hòa Lan để cứu xét đơn của xứ The Gambia nhân danh Hiệp Hội Hợp Tác Hồi Giáo (57 xứ Hồi giáo) kiện Miến Điện về tội diệt chủng dân Hồi giáo. Đích thân bà Aung San Suu Kyi đã ra trước tòa để bênh vực quan điểm của Miến Điện.
Sự thật khác xa bức họa đen
ngòm mà truyền thông thiên tả Âu Mỹ vẽ ra và truyền thông tỵ nạn lờ mờ dịch
lại.Miến Điện, bây giờ gọi là Myanmar (Miến Điện là phiên dịch từ Burma, chỉ là
tên của một trong nửa tá sắc dân chính của Myanmar, là xứ có hơn 100 sắc dân
nhỏ khác nhau) đã phải đối đầu với vấn nạn Hồi giáo từ cả trăm năm qua rồi.
Trong một tỉnh phiá tây Miến Điện có tên là Rakhine, sát biên giới Bangladesh, có
một sắc dân mà người ta thường gọi là Rohingya, là một sắc dân gốc Ấn nhưng
theo đạo Hồi chứ không theo Ấn Độ giáo, không có liên hệ gì đến dân Miến, từ
chủng tộc, đến văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, và tôn giáo.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi Anh
trao trả độc lập thì vùng Rakhine này thuộc lãnh thổ Miến, khối dân Rohingya
chỉ có một nhúm chừng hơn 100.000 người sống trên đất Miến. Phần lớn còn lại cả
triệu người vẫn sống bên kia biên giới, trên lãnh thổ Bangladesh (khi Anh trả
độc lập cho Ấn, họ chia đất đô hộ này thành Ấn Độ theo Ấn Độ giáo và Pakistan
theo Hồi giáo, gồm có Đông Pakistan và Tây Pakistan. Rồi Đông Pakistan dành độc
lập từ Tây Pakistan, lấy tên Bangladesh).
Khối dân Rohingya sống bên Bangladesh này sanh đẻ quá nhanh, dân số tăng mạnh,
không đủ đất sống tại Bangladesh là xứ đã quá đông dân rồi. Khối dân đó bắt đầu
tràn qua kiếm đất sống bên Miến Điện, dần dà lên đến cả triệu người.
Có hai điểm cần để ý:
- Khối dân Hồi giáo Rohingya rất cuồng tín và quá khích. Họ tràn qua Miến Điện, chiếm làng Miến, đuổi dân Miến đi, đốt chùa, giết hết sư, xây đền Hồi giáo khắp nơi, thậm chí lùng giết luôn cả dân Miến không Hồi giáo mà họ gọi là ‘infidels’, lập các loại làng tự trị với rào kẽm và tre giống y như ấp chiến lược của VN ta năm xưa, thành lập các nhóm ‘dân vệ’ địa phương, có võ trang súng ống để chống lại cảnh sát và quân đội Miến. Tính bạo động của dân Rohingya hoàn toàn được truyền thông cấp tiến Âu Mỹ bao che, không bao giờ nói đến.
– Vì là ‘di dân lậu’ bất hợp
pháp trên đất Miến, nên họ sống rất khốn khổ, trong nghèo đói tận cùng. Không
được sự giúp đỡ nào của chính quyền Miến, cũng chẳng được chính quyền
Bangladesh giúp gì. Y tế và giáo dục hầu như không có gì. Cả hai chính quyền
đều không dám nhìn nhận khối dân này. Vì lý do rất giản dị: kinh tế. Cả hai
nước đều nghèo mạt, không có tiền nuôi cả triệu dân ‘vô gia cư’ hay ‘vô tổ
quốc’ này.
Dĩ nhiên tình trạng này đưa đến đụng độ võ trang với dân Miến và quân đội Miến.
Cả hai bên đều mạnh tay vì quyền lợi sống còn. Không có chuyện tàn ác một chiều
từ phiá dân Miến như truyền thông Âu Mỹ mô tả. Tất cả những ai đã viếng thăm
Miến đều biết dân Miến rất sùng đạo Phật và rất hiền lành.
Người ta có cảm tưởng TTDC Âu Mỹ hình như sợ hay muốn nịnh đám quá khích Hồi giáo nên đi tìm đám dân Phật giáo hiền lành Miến làm con thiêu thân để đổ lên đầu họ những tội tàn bạo nhất.
Vì khối dân Rohingya đó đi đến đâu đốt chùa và giết sư đến đó, nên khối Phật giáo phải tự vệ. Nhiều ông sư đã mạnh miệng kêu gọi Phật tử Miến và cả sư sãi phải tự võ trang bằng gậy gộc, dao búa cá nhân để tự vệ. Truyền thông Âu Mỹ gọi mấy ông sư này là ‘buddhist terrorists’, khủng bố Phật giáo. TTDC Mỹ theo chỉ thị của TT Obama, cho đến nay vẫn không dám gọi khủng bố Hồi giáo quá khích là ‘muslim terrorists’ hay khủng bố Hồi giáo, nhưng lại mau mắn gọi mấy ông sư ngồi giảng kinh và kêu gọi giữ chùa là khủng bố.
Thực tế, đây là một cuộc ‘chiến tự vệ’ của khối Phật tử Miến chống khối Hồi giáo xâm lăng Rohingya từ Bangladesh tràn qua, chứ không phải chuyện Miến kỳ thị, đàn áp một sắc dân thiểu số của họ. Một số không ít dân Miến cũng theo đạo Hồi, và tại những thành phố lớn như Yangon, Mandalay,… đều có nhiều đền thờ Hồi giáo, và dân Miến theo đạo Hồi chẳng gặp chống đối hay kỳ thị gì.
Nhưng đọc báo Âu Mỹ, ta có
cảm tưởng trái ngược hoàn toàn. Đó là cách thông tin méo mó, phe đảng của
truyền thông Âu Mỹ mà dân ta đã nếm mùi trong cuộc chiến tại miền Nam VN năm
xưa.
Thái độ của truyền thông Âu Mỹ đối với bà Aung San Suu Kyi thật tiêu biểu
Bà Aung San Suu Kyi là con của tướng Aung San, người hùng đã tranh đấu cho độc
lập của Miến dưới thời Anh đô hộ. Phải nói thêm, dân Miến không có họ như họ
Nguyễn, Lê, Trần của ta. Mỗi người đều có tên khác nhau.
Aung San Suu Kyi có nghĩa là ‘con gái của ông Aung San’. Ông bị ám sát chết vài ngày trước khi Miến được chính thức độc lập, bởi một nhóm võ trang khác cũng đang tranh đấu cho độc lập. Tướng Aung San là người thành lập ra đảng Cộng Sản Miến sau này bị cấm hoạt động, cũng là người thành lập ra quân đội Miến luôn.
Cho đến nay, tướng Aung San vẫn là người hùng được cả nước tôn sùng, và hấu hết các tướng lãnh thống trị Miến trong nửa thế kỷ qua đều là ‘đàn em’ của ông, rất kính trọng ông.
Sau khi ông bị giết, bà vợ tướng Aung San dắt con gái Suu Kyi chạy qua Anh. Bà Suu Kyi lớn lên tại đây, lấy chồng người Anh, sanh ra hai con trai.
Năm 1988, sau gần 40 năm xa xứ, bà Aung San Suu Kyi về Miến lần đầu tiên để thăm mẹ đã về lại Miến từ lâu và đang hấp hối. Một hôm bà vào nhà thương thăm mẹ, tình cờ thấy cả mấy chục sinh viên máu me đầy người trong nhà thương. Họ đã biểu tình chống chính quyền quân phiệt và bị đàn áp.
Bà bị sốc nặng, tìm hiểu vấn đề, và quyết định ở lại Miến, gia nhập hàng ngũ đảng đối lập, đòi tự do dân chủ, chống quân phiệt. Bà được đôn lên hàng lãnh tụ ngay, phần lớn vì tên tuổi của ông bố.
Năm 1991, các tướng lãnh nhượng bộ, cho bầu cử quốc hội tự do. Trong bất ngờ hoàn toàn, đảng của bà Suu Kyi thu được hơn 80% phiếu, và bà Suu Kyi trên nguyên tắc sẽ được quốc hội bầu làm tổng thống.
Các tướng lãnh hoảng hốt, hủy bỏ kết quả bầu cử, ra luật cấm người có chồng, vợ, con quốc tịch nước ngoài không được làm tổng thống. Các tướng giữ quyền và bắt bà Suu Kyi giam lỏng tại gia. Vì uy tín của ông bố của bà, các tướng ‘đàn em’ không dám đụng, chỉ giam lỏng bà tại gia, trong hơn 15 năm.
Cả thế giới bất bình, tẩy chay và cấm vận Miến Điện, ngoại trừ có đúng một xứ ‘ân nhân’ đứng ra giúp Miến tối đa: ông láng giềng Trung Cộng. Cái làm cho dân Miến tôn sùng bà Aung San Suu Kyi là tính can đảm vô song của bà.
Các tướng lãnh tìm đủ cách, từ áp lực cắt điện nước, không cho tiếp tế đồ ăn, đến dụ dỗ đủ kiểu trong gần 20 năm để đẩy bà về Anh, nhưng bà nhất quyết không đi. Ngay cả khi ông chồng bị ung thư hấp hối bên Anh, bà cũng nhất quyết không về vì bà biết bà mà ra khỏi xứ là sẽ không bao giờ trở về Miến tranh đấu cùng dân Miến được.
Bà Suu Kyi thực sự đã tranh
đấu cho nhân quyền và dân quyền của dân Miến chứ không phải chỉ tranh đấu cho
cá nhân bà, để khi có dịp đi tỵ nạn nước ngoài là chạy cho thật nhanh.
Cả thế giới cảm phục bà. Bà
được đủ loại giải thưởng, kể cả giải Nobel Hòa Bình.
Năm 2010, các tướng lãnh chán Trung Cộng vì thấy TC chẳng giúp gì mà chỉ lợi
dụng đất Miến để tìm đường ra biển Bengal, kiểu như giúp xây xa lộ, đường xe
lửa từ TC xuyên qua cả xứ Miến xuống tới vùng biển Ấn Độ Dương. Các tướng muốn
bỏ TC theo Tây Phương, bắt đầu chính sách cởi mở trong nước, thân thiện với Mỹ
qua cựu thượng nghị sĩ Jim Webb trước tiên.
Các tướng cho tổ chức bầu
quốc hội năm 2015. Cũng như lần trước, đảng của bà Suu Kyi chiếm 80% phiếu,
ngay cả bà Suu Kyi cũng đắc cử dân biểu. Vì các tướng không chấp nhận cho sửa
Hiến Pháp, bà Suu Kyi vẫn không thể làm tổng thống được.
Bà mau mắn chỉ định một ông phụ tá của bà ra tranh cử tổng thống do quốc hội
bầu. Đảng của bà chiếm gần hết quốc hội nên ông này đắc cử tổng thống dễ dàng,
bổ nhiệm bà Suu Kyi làm Cố Vấn Quốc Gia -State Counsellor- kiêm Ngoại Trưởng.
Thực tế bà nắm trọn quyền trong khi tổng thống chỉ là bù nhìn. Chính bà Suu Kyi
cũng khoe tổng thống phải nghe lời của bà.
Tuy nhiên, quyền hạn của bà bị giới hạn theo Hiến Pháp Miến: tổng thống không được đụng đến quân đội, bộ quốc phòng và bộ an ninh lãnh thổ, vẫn hoàn toàn và tuyệt đối nằm trong tay Hội Đồng Quân Lực. Ngay cả trong quốc hội, 25% được dành cho các đại diện của quân đội do Hội Đồng Quân Lực bổ nhiệm. Nghiã là vấn đề Rohingya vẫn nằm trong tay các tướng lãnh mà bà Suu Kyi không xiá vào được.
Truyền thông Âu Mỹ tung hô bà Suu Kyi lên 9 tầng mây. Dù sao thì bà vẫn là con của người sáng lập ra đảng Cộng Sản Miến, có lập trường rất thiên tả, truyền thông Âu Mỹ rất mê. Tuy nhiên, tuần trăng mật Âu Mỹ – Suu Kyi kéo dài không lâu, vì họ khám phá ra cái thiên tả của bà Suu Kyi không giống thiên tả bắc Âu, mà rất gần TC.
Mỹ và Tây Âu thấy ngay không có gì thay đổi lớn lao hết. Bà Suu Kyi có quyền cải cách từng bước nhỏ các vấn đề kinh tế, giáo dục, xã hội, nhưng các tướng vẫn nắm quyền quân sự và an ninh và nhất là khối dân Rohingya vẫn không khá hơn. Họ thất vọng, bắt đầu chỉ trích và áp lực bà Suu Kyi mà bất cần biết vài chuyện:
– Thứ nhất, bà không có quyền hành gì trong các vấn đề an ninh, và Rohingya;
– Thứ nhì, bà Suu Kyi cũng đồng ý với các tướng và tuyệt đại đa số dân Miến là vấn đề không phải là chuyện Miến đàn áp dân Rohingya vì kỳ thị Hồi giáo giản dị như truyền thông Âu Mỹ xuyên tạc.
– Thứ ba, bà Suu Kyi có muốn làm gì cũng khó xoay sở vì chẳng những bà không có quyền mà cũng không có tiền để giúp khối dân này. Thế giới giả dối họp đủ loại hội nghị quốc tế về việc cứu giúp dân Rohingya, nhưng khi Miến và Bangladesh xin tiền để nuôi đám dân này thì không một xứ nào cho một xu, bắt hai anh khố rách áo ôm phải tự lo.
Câu chuyên tương lai của Miến
ra sao, ta phải chờ xem. Vấn đề bàn ở đây chính là thái độ của truyền thông,
bóp méo vấn đề Rohingya một cách thô bạo. Tung hô ‘gà nhà’ Suu Kyi mà không
hiểu rõ vấn đề, đến khi thấy hy vọng của mình không thành thì quay ngược thái
độ, đang đòi lấy lại cái giải Nobel của bà Suu Kyi, và mang bà ra trước tòa.
Từ tung hô đến công kích, cả hai thái độ đều tùy thuộc quan điểm và ý muốn của
truyền thông thiên tả Âu Mỹ mà không cần biết gì về nhu cầu hay quyền lợi thực
tế của dân Miến.
Cái vô lý trong câu chuyện là trong con mắt của khối cấp tiến thế giới, bà Suu Kyi từ một “Phật Bà Quan Âm” trong một chớp mắt đã biến thành ma qủy hắc ám tàn nhẫn nhất thế giới.
Tại sao TTDC bênh phe Hồi giáo? Ảnh hưởng chính trị của Phật giáo trên thế giới không bằng một góc ảnh hưởng chính trị của khối Hồi giáo. Trên thế giới, chẳng có hiệp hội chính trị nào đại diện cho các nước Phật giáo hết. Phật giáo chẳng kiểm soát một nước nào hay một kho dầu hỏa nào, cũng chẳng khủng bố đánh nhau với ai hết.
Nhìn vào phiên toà La Haye thì thấy rõ tính phe phái. Phiên tòa phỏng vấn hơn 200 ‘nạn nhân’ Hồi giáo và đưa ra trước tòa 3 ‘nhân chứng’ Hồi giáo, trong khi phỏng vấn và đưa ra đúng zero nhân chứng Phật giáo Miến Điện, ngoại trừ cho phép một mình bà Aung San Suu Kyi ra trước tòa.
Câu kết ở đây rất giản dị: TTDC có ‘chương trình nghị sự’ phe phái của họ, từ trong nước đến ngoài nước, ta có đọc tin tức thì cần thận trọng, tránh làm con thiêu thân cho họ. Đừng bao giờ nghĩ TTDC Mỹ là Thánh Kinh phải nhắm mắt dịch theo rồi phổ biến tứ tung.
Vũ Linh
(diendantraichieu.blogspot.com)
https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/01/bai-107-lai-noi-ve-truyen-thong-thien-ta.html?fbclid=IwAR3Egxw6moMQtQJZbe2y83HhwLL9-xuFRcgkHJz6gc8TS8jTtiXHYDbzZ00
Không có nhận xét nào