Những ngày gần đây, rất nhiều xe hơi biển số Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai đến huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, vì “sốt đất ảo” ăn theo quy hoạch sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) tại tỉnh này. (Hình: Thiên Lý/VOV)
Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội nổi lên hai hình ảnh, xin nhấn mạnh là hai hình ảnh này diễn ra cùng lúc, giữa mùa dịch Covid-19 của thế giới và giữa đợt bùng phát Covid-19 lần ba của Việt Nam. Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau, hình ảnh người ta chen chúc, không cần đeo khẩu trang và đi đường chật như nêm, kẹt xe để tranh nhau mua đất (vì nghe đồn đoán sắp xây sân bay) ở Bình Phước và hình ảnh những núi su hào, bắp cải, cà chua, rau củ quả nói chung đổ khắp tỉnh Hải Dương. Hai hình ảnh có chung một thuật ngữ, đó là Kinh Tế, nhưng hai hình ảnh lại có riêng những đặc tính của cá mập, tranh mua tranh bán, bất chấp nguy hiểm với lạnh lùng, buồn tẻ, thất thủ… Và cả hai đều cho thấy chung một thứ đang giết chết người Việt, đó là Vô Cảm. Vì sao?
Vì trong lúc này, người nông dân vùng dịch gần như tê liệt, đông cứng và vô vọng bởi nông sản không bán được, các tỉnh khác e dè, lo sợ trong rau củ quả có dịch. Không có bất kì chính sách điều tiết nông sản nào từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn để cứu người nông dân vùng dịch. Chỉ có những nhà hảo tâm đứng ra mua rau của bà con mang về thành phố nơi mình ở bán với giá không đồng. Và chuyện này chỉ dừng ở mức độ cục bộ một địa phương nào đó chứ không thể làm trên diện rộng bởi nhà mạnh thường quân, hảo tâm có giàu cỡ nào cũng không thể ba đầu sáu tay mà kham hết với bà con nông dân. Ngược lại, nếu chính phủ vào cuộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào cuộc, lên chương trình giải cứu nông sản, kêu gọi người mua và điều tiết, phân bổ người mua thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.
Su hào không bán được bị người dân Hưng Đạo, Ngọc Kỳ của tỉnh Hải Dương mang ra vứt cạnh đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Hình: Tiến Mạnh/Hải Dương)
Rất tiếc, cho đến thời điểm này, người nông dân vùng dịch vẫn bế tắc, và mối nguy thiếu đói sau một năm dịch, một mùa đông đầy tai ương và lại đến giãn cách xã hội toàn diện, mùa rau Tết là mùa rau chủ lực, quyết định kinh tế cả nửa năm, thậm chí cả năm bây giờ mang đổ sông đổ bể như vậy thì không có đau khổ nào hơn. Và điều tôi lấy làm lạ là trong lúc Bộ Y tế, Chính phủ rất bận rộn chống dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc Bộ Tài chính lẽ nào cũng bận rộn đến nỗi không nghĩ ra được kế hoạch có tính bao quát và lâu bền để cứu người nông dân các tỉnh. Nếu nói rằng ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì những tỉnh chịu giãn cách sẽ gặp cảnh ứ đọng nông sản nhưng những tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng không kém. Trong khi đó, tại thành phố, giá rau củ quả lại rất đắt, thậm chí có lúc phải dùng đến nguồn nông sản nhập từ Trung Quốc để “giải cứu” khan hiếm hàng hóa!?
Ngược với hình ảnh nông sản chất thành núi, hầu hết người ta giải thích rằng việc khó đưa sang các tỉnh khác là do sức mua xuống, khả năng tài chính kém và do e ngại dịch giã… Nhưng nghe ra lập luận kiểu này không đúng bởi người ta vẫn nhậu nhẹt, chơi bời, hát hò, thậm chí kéo nhau đi mua đất rần rần và chẳng phòng dịch, khẩu rang hay giữ khoảng cách gì ở Bình Phước. Nên nhớ, giá một miếng đất có thể mua được rau củ quả của nửa tỉnh chứ không phải chuyện đùa, giá một chai bia lạnh, loại xoàng nhất hiện nay có thể mua được hai ký đậu tây hoặc một ký mướp đắng, vài ký dưa leo… Nói như vậy để thấy rằng sức mua tại Việt Nam chưa hề giảm sút sau dịch và thay vì mua những thứ nhu yếu phẩm cần thiết, người ta mua những thứ có liên quan đến hưởng thụ hoặc cao hơn chút nữa là đầu cơ.
Và câu hỏi được đặt ra ở đây là ai đã tiết lộ thông tin xây sân bay Bình Phước để biến khu vực này thành cái chợ mua bán đất sôi nổi? Và, liệu con người có quá vô cảm khi mà bản thân họ chẳng mấy ai đeo khẩu trang phòng dịch, vẫn xô bồ, hỗn độn trong chuyện mua đất đầu cơ nhưng lại rất thờ ơ, thậm chí kì thị, hắt hủi những đồng loại cũng như sản phẩm của họ có liên quan đến vùng dịch. Lẽ nào Chính phủ, các bộ, ngành kém năng lực hay bất lực đến độ không có một chính sách vĩ mô để vãn hồi trật tự kinh tế, vãn hồi nhân tâm, cứu lấy bầu khí quyển tình người đang ngày càng trở nên lạnh lùng ở đất nước này?!
Chuyện tưởng chừng rất đơn giản nếu như các bộ ngành ngay từ đầu biết quan tâm đến người dân, tiếc nỗi thời gian bắt đầu giãn cách của đợt 3 dịch Covid tại Việt Nam rơi vào dịp giáp Tết, nghĩa là cái dịp mà cán bộ từ nhỏ đến lớn đều hớn hở và chịu chung cái chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm tặng quà, biếu xén cấp trên ngày Tết. Nhưng trong thời đại mà nhà chùa còn biết sử dụng ví điện tử Momo thì làm sao mà cấm, việc cấm chỉ khiến cho cán bộ thêm bận rộn vì phải lạng lách mà biếu xén. Bận rộn quà cáp biếu xén đến vậy thì nghĩ được gì cho dân đây. Chỉ tội cho những người có trách nhiệm trực tiếp loay hoay đến bạc cả tóc vẫn cứ phải chịu tiếng chì tiếng bấc.
Chỉ tội cho người dân muôn đời vẫn là kẻ thấp cổ bé miệng, kêu không thấu trời xanh và chẳng mấy ai để tâm tới. Tôi thử đặt một phép ví dụ, đất xây dựng sân bay không phải là Bình Phước mà nằm ngay trên cánh đồng rau của người nông dân Hải Dương, thì liệu Hải Dương có hiu quạnh như vậy hay không?!
https://www.rfavietnam.com/node/6696
Không có nhận xét nào