Lợi ích và tác hại của chính sách ‘đu dây’
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), được phổ biến vào ngày 16/2, đề cập đến các lĩnh vực bao gồm thể chế chính trị của Việt Nam và vấn đề nhân sự lãnh đạo vừa được bầu chọn trong Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, Việt Nam đối phó với đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam, mối quan hệ Việt-Trung và vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kinh tế và thương mại và vấn đề nhân quyền.
Theo báo cáo, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Kể từ năm 2010 đến nay, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác về kinh tế và an ninh khu vực, một phần là do ảnh hưởng của Trung Quốc.
Báo cáo dành một phần nói về quan hệ Việt-Trung, nhận định quan hệ về an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam trải qua hai thời kỳ Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã được tăng cường do việc Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông.
Bản báo cáo ghi nhận mối quan hệ Việt-Mỹ đạt được nhiều tiến bố trong những năm vừa qua. Tuy nhiên quan hệ hai nước còn bị hạn chế bởi ba yếu tố: Việt Nam bao giờ cũng tính toán các phản ứng của Trung Quốc trước mỗi động thái ngoại giao mà Việt Nam muốn triển khai với Hoa Kỳ; Công chúng Việt Nam bao giờ cũng đánh giá tích cực về Mỹ, nhưng nhiều quan chức vẫn còn hoài nghi đối với các mục tiêu lâu dài của Mỹ là muốn chấm dứt sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thông qua “diễn biến hoà bình”; Phía Hoa Kỳ quan ngại về “thành tích” nhân quyền của Việt Nam, mà thành tích này đang bị “teo tóp” trong mấy năm vừa qua và điều này luôn là rào cản trong việc cải thiện quan hệ song phương.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già vào tối ngày 19/2 nêu lên nhận xét của ông với RFA về mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng tạm chia thành ba mối quan hệ riêng biệt gồm Việt-Mỹ, Việt Trung và Mỹ-Trung. Trong cả ba mối quan hệ có ba điểm tương quan chính yếu gồm kinh tế, thể chế chính trị, trong đó có vấn đề nhân quyền và tự do hàng hải. Điều đáng chú ý là quan hệ song phương Việt-Trung có hai điểm chung là kinh tế và thể chế chính trị.
“Nói hình tượng một chút, đó chính là ba cái vòng tròn và cái vòng Việt Nam thì đứng chính giữa. Như vậy mối quan hệ khắng khít của Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế hơn nhiều so với mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Chính sách trước nay rất nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết đưa ra, đó là chính sách ‘đu dây’ của nhà cầm quyền CSVN theo đuổi và có thể nói chính sách ‘đu dây’ được Hà Nội thực hiện cũng khá uyển chuyển. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chính sách ‘đu dây’ này có một mặt trái rất bất lợi cho nhà cầm quyền CSVN chính là niềm tin. Niềm tin quan trọng nhất trong tất cả các mối bang giao quốc tế. Nhà cầm quyền CSVN không có niềm tin vào Mỹ và thực tế thì họ cũng không có niềm tin từ nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Đây là một sự bất lợi cho Việt Nam.”
Từ lập luận vừa rồi, ông Nguyễn Ngọc Già đưa ra nhận định rằng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ, Việt-Trung và mối quan hệ đa phương Mỹ-Việt-Trung vẫn trở nên rất là dây dưa, mà có thể nói là không thể sớm giải quyết trong một sớm một chiều.
Đài RFA ghi nhận đánh giá của một số chuyên gia rằng Việt Nam có vị thế địa-chính trị và tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á, để từ đó Mỹ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật lệ. Đồng thời, Việt Nam và Mỹ tuy có hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau, nhưng về ý đồ chiến lược, giữa hai nước có nhiều quyền lợi song trùng, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc.
Bài viết có nhan đề “Lời cảnh báo không dễ bỏ qua!”, của tác giả Lê Thế Hùng, đăng tải trên RFA ngày 5/2, đã đề cập đến thông tin Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” nhằm mục đích khẳng định tinh thần và quyết tâm chung của các quốc gia trong thế giới tự do đối với tiến trình dân chủ hoá trên toàn cầu.
Tác giả Lê Thế Hùng nhận định qua đó cho thấy một thông điệp của Chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ có thể sẽ hợp tác ít hơn với các quốc gia độc tài, toàn trị trong khi tăng cường hợp tác với các đối tác dân chủ.
Nhân quyền: yếu tố rào cản quan hệ Việt-Mỹ
Vấn đề nhân quyền đưa ra trong Báo cáo của CRS trước Quốc hội Mỹ xác nhận Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền trong thời gian vừa qua.
Báo cáo có đoạn viết: “Chính phủ (Việt Nam) ngày càng gia tăng (đàn áp) nhắm vào các blogger và luật sư, những người đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người mà giới chức quy kết là có liên quan đến các mạng lưới dân chủ hoặc phê phán chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc”.
Theo đánh giá trong báo cáo, mặc dù Mỹ và Việt Nam vẫn tổ chức các đối thoại về nhân quyền hàng năm nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh với RFA rằng vấn đề nhân quyền được Chính phủ Hoa Kỳ chú trọng trong chính sách ngoại giao kể từ khi thiết lập mối bang giao với Việt Nam suốt 25 năm qua, và quan điểm về vấn đề nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt, nên cũng không thể cho rằng Chính quyền Trump đã không can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
“Nếu nói một cách khách quan, vấn đề nhân quyền là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền gắn với vấn đề bang giao quốc tế. Và vấn đề này được xác lập từ rất lâu, có nghĩa là quan hệ giữa hai quốc gia luôn luôn phải là bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thứ hai nữa, chính sách của tân Tổng thống Biden, vừa rồi ông cũng nói rằng sẽ thực hiện chính sách ‘kiên nhẫn chiến lược đối với Trung Quốc’, mà thực tế trong hàng chục năm qua đối với các nhà độc đảng, toàn trị như Tập Cận Bình hay rất nhiều lãnh đạo của CSVN thì vấn đề nhân quyền đối với họ không có giá trị gì. Vì vậy, tôi không trông chờ và tôi không nhìn thấy tình hình được sáng sửa hơn trong tương lai cũng như trong bốn năm trước mắt.”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-luật sư Vũ Đức Khanh, trong cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 1, nhận định rằng tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ nói rất mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào tối ngày 19/2 lên tiếng với RFA liên quan vấn đề này:
“Là người tranh đấu cho nhân quyền thì ai cũng mong muốn tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện. Một mặt, ở trong nước vẫn phải lên tiếng. Nhưng điểm chính là những người tranh đấu hy vọng cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong đó có Hoa Kỳ, sẽ có những tác động và sức ép nhất định đối với nhà cầm quyền Việt Nam để họ giảm bớt sự đàn áp. Ai cũng mong như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng khó lòng để hy vọng nhiều. Bởi vì, mục tiêu số một vẫn là tránh để cho Hà Nội không lệ thuộc vào Bắc Kinh. Cho nên, phải tìm cách khéo léo kéo dần dần Hà Nội ra khỏi sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu làm gì căng thẳng quá thì có thể như người Việt Nam thường nói ‘giá néo thì đứt dây”. Nếu như không tế nhị thì Việt Nam quay lại ôm chặt lấy Trung Quốc và mục tiêu của Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và tranh giành ngôi vị số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng.”
Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ thêm bản thân ông cùng một số người khác trong giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam có lòng tin vào Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có các biện pháp mạnh hơn đối với Hà Nội như chế tài về kinh tế, hay áp dụng luật Magnisky đối với quan chức Việt Nam trực tiếp đàn áp nhân quyền khi mà ĐCSVN lãnh đạo tiếp tục mạnh tay đàn áp và bắt bớ giới đấu tranh dân chủ ở trong nước.
Mặc dù vậy, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định bởi vì yếu tố “Trung Quốc”, mà “Tôi không hy vọng vọng nhiều lắm vào tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện trong thời gian ông Biden làm tổng thống.”
Trong khi đó, qua trao đổi điện thư với RFA, TS. Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Giám đốc Truyền thông của Viện Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), lập luận rằng quan hệ Việt-Mỹ có khăng khít hơn hay không, không chỉ tuỳ thuộc vào nỗ lực song phương. Bởi vì việc đó chỉ là một nhánh, một phân hệ trong Hệ Tổng quát, gọi là Trật tự mới ở khu vực cũng như trên toàn cầu. Nếu Trật tự ấy tiếp tục xấu đi, thậm chí tan vỡ thì cũng chẳng có bang giao song phương nào được cải thiện, nói chi là khắng khít.
TS. Đinh Hoàng Thắng chỉ ra rằng các nước EU đang rất quan tâm đến Á Châu. Dẫn đầu là Pháp, Đức, Anh quốc đang có những động thái ngoại giao tích cực, hỗ trợ Mỹ và “Bộ tứ” trong việc định hình và thúc đẩy FOIP-Không gian Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở. Trong khi ấy liên quan đến tình hình ở Myanmar, ASEAN được nhìn nhận vẫn đang chậm lụt trong vai trò được mệnh danh là “trung tâm” trong giải quyết công việc ở trong vùng Đông Nam Á.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, TS. Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn nói đến thái độ ‘án binh bất động’, ‘đèn nhà ai nhà ấy rạng’ của ASEAN, trong đó có Việt Nam như một tập hợp khu vực. Thái độ ấy đang gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-benefit-for-vn-if-continuing-the-current-diplomatic-policy-with-the-us-n-china-02192021174819.html
Không có nhận xét nào