Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Vũ Quang Việt - Nhận dạng sự đảo lộn xã hội Mỹ do trí tuệ nhân tạo, theo nhận định của báo chí Mỹ

    Thời gian qua, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ngày 6 tháng 1 năm 2021, Trump xách động đám đông hòng đảo ngược kết quả cuộc bầu cử đã tạo nên sự hoảng loạn chưa từng thấy ở Mỹ sau nội chiến, bất chấp 61 vụ thưa kiện trước tòa án đều đã bị bác bỏ, vì tòa án, trong hệ thống tam quyền phân lập ở Mỹ, đã giữ được tính độc lập, quyết định dựa trên chứng cứ và các nguyên tắc của hiến pháp và luật pháp, không bị áp lực bởi nhiệm kỳ và lá phiếu của người dân bị phe nhóm chính trị xách động bất chấp sự thật.

    Khó có thể nội loạn ngày 6/1 không phải là cuộc đảo chính vì Quốc hội bị chiếm đóng, Phó Tổng thống và dân biểu cả hai Viện đều phải chạy trốn, lo sợ cho tính mạng và một số người bị chết, nhưng trong thời gian đó Trump đã không hành động như một tổng tư lệnh, không điều quân vãn hồi trật tự. Trump xách động nhưng đã không lãnh đạo trực tiếp với sự sửa soạn kỹ lưỡng, may là từ Phó Tổng thống đến Nghị viên hai viện không bị sát hại, và nếu xảy ra, điều gì xảy ra sau đó cho một Cộng hòa Củ chuối Mỹ khó mà tiên đoán.

    Để xem xét liệu tình trạng tương tự có thể tiếp tục trong tương lai không, cần tìm nguyên nhân của tình trạng trên thông qua phân tích trên báo chí truyền thống Mỹ. Các tác giả được giới thiệu trong bài cho rằng cách khai thác của các tập đoàn thông tin hiện nay ở Mỹ là nhằm định hướng mở rộng diện người tham gia càng nhiều càng tốt với mục đích làm tiền, mà không cần biết tin là giả hay thật, người đưa tin là giả hay thật, và bằng mọi cách chiếm đoạt độc quyền. Đây là cách nhìn ngược lại với cách nhìn của các tập đoàn truyền thông dựa trên trí tuệ nhân tạo vì họ cho rằng khai thác mạng hiện nay là nhằm truyền bá thông tin, mở rộng dân chủ.

    Đúng là từ khi có mạng và mạng được dùng để đưa thông tin, thì thế giới đã được tiếp nhận thông tin nhanh và rẻ, thậm chí miễn phí, miễn là có phương tiện tiếp nhận và sử dụng, và không chỉ tiếp nhận thông tin về chính trị và xã hội mà còn là thông tin về khoa học kỹ thuật rất cần cho sinh viên, những người bình thường và cả những nhà sản xuất nhỏ cần thông tin  như thời tiết, phương pháp trồng cây, và thị trường sản phẩm. Không những thế, nó còn giúp mở rộng quyền tự do ngôn luận cho nhiều người trên thế giới, ngay cả trong các xã hội độc đoán như trường hợp như Trung Quốc với lệnh cấm dùng Google, gmail, Facebook...Tuy vậy, phải nói việc phát tán thông tin giả cũng là vấn đề mà xã hội phải giải quyết.  

    Bài này không tránh khỏi nói qua về giải pháp, nhưng hoàn toàn bác bỏ việc dùng công cụ chính quyền để kiểm soát nội dung thông tin, chỉ cho phép phát tán những thông tin mà họ cho là đúng như đang xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết chỉ đặt vấn đề trách nhiệm của công ty mạng và người làm tin phát tán rộng trên mạng công cộng trên cơ sở pháp luật, tức là trên bảo vệ nạn nhân, cho phép họ  có quyền kiện kẻ viết tin và kẻ phát tán tin. Như thế, trách nhiệm này cũng giống như trách nhiệm của báo chí, nhà xuất bản truyền thống hiện nay mà thôi. Trách nhiệm này chỉ áp dụng với các phương tiện mở chứ không phải với các nhóm mang tính riêng tư.

    Ngoài vấn đề thông tin đúng sai, còn hai vấn đề khác. Thứ nhất là đâu là giới hạn của việc cấm theo dõi, thu thập và sử dụng thông tin cá nhân nếu không được tòa án cho phép mà Hiến pháp và luật pháp Mỹ hiện nay nhằm bảo vệ quyền riêng tư (privacy right). Thứ hai là việc xử lý khả năng đưa tới độc quyền do trí tuệ nhân tạo đưa đến. Thí dụ năm 2019, công ty Amazon đã chiếm lĩnh 44% thị trường thương mại điện tử, gấp 10 lần Ebay, công ty đứng thứ hai, và hiện nay sẽ lớn hơn nhiều vì đại dịch; hay Google và Facebook đã chiếm hơn 50% thị trường quảng cáo điện tử và hơn 30% thị trường quảng cáo nói chung.

    Tác giả bài viết, để cho toàn diện, cũng điểm qua ảnh hưởng của công nghệ trong kinh tế đã được trình bày trong một bài khác đã xuất bản.

    Hiện trạng xã hội Mỹ vừa qua

    Cuộc đảo chính mà chúng ta đang không nói tới của Giáo sư Shoshana Zuboff, Đại học Harvard trên New York Times (29/1/2021) phân tích nguyên nhân cuộc bạo loạn ở Washington và tương tự ở nơi khác.

    Nguyên nhân sâu xa là tin giả truyền qua mạng truyền thông xã hội phi chính thống, như Twitter, Facebook, Google, v.v... mà tác giả coi là thuộc giới tư bản thám sát nắm. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã cho phép doanh nghiệp sở hữu hạ tầng phục vụ các mạng truyền thông này khả năng theo dõi, thu thập và sử dụng thông tin toàn diện về từng hành động (mua bán, ..), tư tưởng (trao đổi gì, thích gì,...) của từng cá nhân đã sử dụng mạng của tư bản tư nhân. Nói cách khác, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng đã biến mạng xã hội thành mạng tình báo, thu thập thông tin và phát tán chúng thành thông tin đại chúng. Tác giả gọi hệ thống này là chủ nghĩa tư bản thám sát (surveillance capitalism).

    Tư bản thám sát theo dõi và biết ai thích loại thông tin, vấn đề gì, và dùng thuật toán dẫn dắt, nối kết người cùng ý thích, cùng niềm tin, từ đó khuyếch tán niềm tin và nâng cao số lượng người có cùng ý thích và niềm tin trong xã hội. Sự nối kết này nhằm tăng lượng người quan tâm, tạo ra một mạng lưới quảng cáo rộng lớn để thu phí từ người quảng cáo. Mạng càng đông người sử dụng giá quảng cáo càng cao và số lượng người hoặc doanh nghiệp dùng chúng càng nhiều.

    Một giám đốc điều hành của Facebook viết: Sự thật đen tối là bất cứ điều gì cho phép chúng ta tăng số người nối kết thì đó là điều tốt.    Facebook quyết định là quảng cáo chính trị sẽ không bị kiểm tra về thông tin thật/giả.  

    Tư bản thám sát không thấy cần hoặc không thấy có nhiệm vụ kiểm tra thông tin phát tán là thật/giả mà chỉ nhằm tăng số người theo dõi và sử dụng. Tư bản thám sát nhân danh quyền tự do ngôn luận và báo chí để làm chuyện này. Ở Mỹ, tư bản thám sát tự coi là chủ sở hữu toàn bộ thông tin cá nhân về chúng ta và tự giao cho mình thẩm quyền quyết định sử dụng thông tin trên. Facebook nói rằng họ không có trách nhiệm, dù chính Twitter và Facebook đã tạm dừng quyền phát tán của Trump trên mạng của họ vì cho rằng nội dung không đúng sự thật và xách động bạo lực. Nhưng đây chỉ là quyết định nhất thời, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg vẫn cho rằng họ chỉ có trách nhiệm đối với "một số nội dung" trên trang web của mình, nhưng không nên có luật quản lý họ như quản lý báo chí. Tại sao chỉ trách niệm một số nội dung chứ không phải tất cả, và tại sao không có trách nhiệm mà lại cấm Trump? Đó là vì Mỹ vẫn chưa có luật rõ ràng về vấn đề trách nhiệm này trong thời đại internet, và đây là điều Quốc hội còn đang tranh luận nhằm sửa phần 230 của Bộ Luật Communications Decency Act of 1996 (CDA) quá lỗi thời trong thời đại internet vì phần 230 qui định không coi nhà cung cấp và sử dụng thông tin qua máy tính giống như nhà xuất bản hoặc phát thanh thông tin.

    Hiện nay mạng đưa tin giả về Covid chiếm 80 triệu người giao diện so với 6 triệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ (CDC).

    Các hệ thống quan trắc và dẫn dắt như thế, đã vừa được sử dụng để đưa tin giả, kêu gọi đi biểu tình lật đổ chính phủ ở Mỹ, và làm nhiều chuyện khác ở nước khác.  Nhưng xã hội có cần kiểm soát không? kiểm soát thế nào? đâu là đèn đỏ khi đi đường, ai xử lý kẻ vượt đèn đỏ. Có thể chấp nhận việc đưa tin giả về cá nhân và xã hội không?

    Tư bản thám sát làm tiền nhưng cái giá mà xã hội phải trả sẽ không chỉ là cuộc bạo động nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử do Trump lãnh đạo, mà là sự phát tán thông tin giả trong xã hội, tạo nghi ngờ, có thể phá hủy mọi giá trị xã hội đạt được xây dựng trên thông tin thật trong lịch sử.

    Sử dụng một mạng lưới lớn dùng để trả thù là bài điều tra trên New York Times (30/1/2021) về một người đàn bà dùng mạng với tên giả, phát tán tin giả để trả đũa những người mà bà ta coi là kẻ thù của bà ta.

    Bà này phát tán tin giả và bằng tên giả với rất nhiều ký khoản (accounts) khác nhau để trả đũa gia đình ông chủ công ty đã cho bà ta nghỉ việc, cũng như trả đũa những luật sư bảo vệ người thuê nhà bà ta. Bà ta đưa rất nhiều thông tin thất thiệt về rất nhiều người trong gia đình chủ cũ, kết án ông này là ăn cắp, lừa đảo, ấu dâm.... trên những website mở ra để cho bất cứ ai than phiền về các hoạt động của doanh nghiệp, với lý do bảo vệ khách hàng, cho khách hàng được tiếng nói. Người than phiền không cần cho tên thật và địa chỉ thật.

    Chuyện đuổi việc đã xảy ra quá lâu nên phải rất nhiều thời gian, người bị nạn mới tìm ra được tên tuổi người đàn bà làm chuyện này chỉ vì bà ta lỡ để trên mạng tấm hình bà ta lúc đi làm cho người là nạn nhân của bà ta. Tìm trên mạng cũng thấy bà này đã kết án nhiều người khác trong gia đình, chị, em, anh rẻ, cháu, anh họ, dì...Họ cũng khám phá ra việc bà này đưa tin giả kết án nhiều người khác. Người kết án dùng tên giả nhưng những người bị kết án lại là người thật, địa chỉ thật và do đó ảnh hưởng xã hội đối với họ khó lường.

    Mạng xã hội bảo vệ người tiêu dùng nói đến ở trên sau khi đưa tin giả và sau khi nhận được phản đối của nạn nhân với thông tin tin cậy thì mạng đó lại đòi nạn nhân nộp tiền để xóa thông tin trên mạng. Nhiều vụ khoá máy, ký khoản, hồ sơ bệnh nhân ... đòi tiền mãi lộ ngày càng nhiều.

    Vấn đề đặt ra hiện nay

    Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể nói đã và sẽ đảo lộn cơ cấu kinh tế và qua đó trật tự xã hội ở mức độ khó lường, và vì thế cần nghiêm túc phân tích theo dõi để có chính sách phù hợp bảo vệ lợi ích chung.

    Điều này có thể sẽ cần nhiều thời gian, tuy nhiên, hiện nay ta đã có thể rút ra được một số vấn đề liên quan đến: (a) nhu cầu bảo vệ thông tin cá nhân, (b) nhu cầu qui trách nhiệm về “người” và phương tiện đưa thông tin giả nhằm bảo vệ thông tin thật, (c) nhu cầu giảm thiểu sự xáo trộn xã hội do công nghệ trị tuệ nhân tạo đưa đến tình trạng một nền kinh tế không cần nhiều lao động có tay nghề và có lương đủ sống, đồng thời tập trung lợi ích và tài sản chỉ cho một số nhỏ người làm chủ hệ thống trí tuệ nhân tạo.

    Xâm phạm thông tin cá nhân

    Bài trên NYT (5/2/2021) phân tích cho thấy khả năng thám sát của công ty và của nhà nước độc đoán với smartphone, tư bản thám báo có thể biết rõ từng người đi ở chỗ nào đến chỗ nào, thời điểm, và nếu dùng smartphone làm gì đó thì nó cũng biết rõ. NYT dùng thông tin này để phân tích hành động của một số người tham gia biểu tình và tấn công Quốc hội Mỹ. Họ lấy được thông tin trên vì một nhân viên nào đó tức giận đưa cho họ. Các doanh nghiệp thám sát thu thập thông tin của từng cá nhân và bán cho những người cần dùng.

    Giáo sư Luật Tim Wu ở Đại học Columbia nhận định về tính không trung lập của mô hình kinh doanh của tư bản thám sát như sau: Tư bản thám sát không trung lập trong việc đưa thông tin dựa trên sự tôn trọng tự do chọn lựa của người sử dụng, mà chúng phát tán có chọn lọc với mục đích nhất định (được điều hành bằng thuật toán) tùy theo lượng thời gian bạn dành cho các trang web của họ, và trên cơ sở đó cố gắng thu hút bạn, làm tràn ngập thông tin, tạo các phản ứng cảm xúc về một nội dung nào đó, như một hình thức tuyên truyền.

    Trong việc để tự do phát tán thông tin, các doanh nghiệp thám sát Facebook, Google,
    Twitter, v.v. cho phép lập ký khoản (account) mà không cần biết danh tính thật. Trường hợp lập website trên google nhằm quảng cáo hay phát tán thông tin dù phải đăng ký địa chỉ, nhưng địa chỉ này có thể được bảo mật nếu trả phí bảo mật. Nếu bị than phiền, Faceboook, Google xóa ký khoản là cùng. Twitter cũng thế, không đòi hỏi danh tính thật, một người có thể lập nhiều “ký khoản” (account) và đưa thông tin giả về cá nhân có danh tính thật. Ở Mỹ, chẳng có luật lệ gì để thưa kiện, khác hẳn báo chí truyền thống khi đưa tin về ai đó thì nạn nhân của thông tin không đúng sự thật có thể kiện nhà báo và tờ báo. Nhưng với các công ty tư bản thám báo họ có thể tùy tiện thu thập thông tin về một cá nhân và sử dụng chúng với mục đích nào đó mà cá nhân không được biết, nhưng mục tiêu là làm tiền, tiền quảng cáo hay tiền bán thông tin. Và cho đến nay không có luật lệ gì đòi hỏi họ có trách nhiệm về việc phát tán thông tin không đúng sự thật.

     

    Thông tin giả

    Điều đáng nói là với công nghệ mới như hiện nay, hệ thống thông tin qua mạng đã nhanh chóng phát triển và đang đẩy lùi hệ thống thông tin cổ điển. Nó đã đóng góp vào việc truyền bá thông tin nhanh chóng, rộng khắp, giá rẻ gần như miễn phí nhưng đồng thời nó cũng là nơi đẩy mạnh việc phát tán thông tin giả, thông tin cá nhân, và sử dụng chúng tự do để làm tiền hay tuyên truyền mà không chịu trách nhiệm về tai hại tạo ra cho người khác và xã hội.

    Ở Mỹ và các nước có tự do, cho đến nay, hệ thống thông tin cổ điển như sách báo, đài phát thanh, TV chuyên nghiệp, v.v. có trách nhiệm kiểm tra thông tin nhằm bảo đảm việc đưa tin thật và phân tích thật. Họ đã phải thuê chuyên gia rà soát tính chân thật của thông tin dựa vào các tiêu chí đã được đúc kết và được chấp nhận rộng rãi nhằm hướng dẫn báo chí. Nhưng cuối cùng làm sao biết đâu là sự thật và làm sao biết giới truyền thông cổ điển có thực sự thực hiện việc kiểm tra? Chính tòa án, với nền tư pháp độc lập, đã đóng vai trò này. Nếu truyền thông không làm đúng thế, họ có thể bị kiện. Đây có thể là giải pháp duy nhất và tốt nhất có thể nhằm quyết định đúng, sai. Nhưng điều kiện để thưa kiện là phải có luật cho phép thưa kiện, phải có địa chỉ danh xưng thật của mạng truyền tin và người viết tin, không khác gì hệ thống thông tin cổ điển hiện nay. Có thể cũng cần phân biệt phạm vi áp dụng là các nhóm công cộng mở rộng tự do cho nhiều người, không bao gồm các nhóm cá nhân riêng tư, không mở rộng cho mọi người. Luật lệ và qui định về thông tin thật/giả là vấn đề mà xã hội trong tương lai phải giải quyết vì hiện nay chưa nước nào có luật lệ hay qui định về truyền thông thật/giả trong thời đại của tư bản thám sát dựa vao trí tuệ nhân tạo.

    Có thể nói, hệ thông thông tin cổ điển đang từ từ chết và được thay thế bằng một hệ thống thông tin phục vụ làm tiền, và trên cơ sở đó sẵn sàng phục vụ  hệ thống đưa tin không cần biết thật giả, vì không có trách nhiệm với nạn nhân. Thời của tin giả đang lên ngôi, thay thế hệ thống thông tin có kiểm chứng.   

    Theo Niemanlab ở Đại học Harvard, nhiều tờ báo truyền thống có hệ thống kiểm tra tin mang tính quốc gia đang mất độc giả và lỗ như Washington Post phải bán cho Jeff Bezo của Amazon, và Los Angeles Times cũng phải bán, để phát triển thêm phần báo mạng vì báo giấy không còn bán được nhiều. Hiện nay chỉ có tờ New York Times và Washington Post là thành công, các báo địa phương thì gần như chết sạch. Tình trạng đưa đến việc người học báo chí chuyên nghiệp không còn việc làm và không có đất dụng võ.

    Thế giới tương lai nếu không có hành động phù hợp sẽ bị thống trị bởi chế độ toàn trị hoặc chế độ tư bản tham sát với thông tin giả. Làm gì là câu hỏi? Đơn giản có thể là mọi mạng thông tin, tức là mọi ký khoản trên mạng phát tán phải đăng ký cá nhân và có trách nhiệm cá nhân trước mặt luật pháp?

    Sự cần thiết của bảo vệ thông tin cá nhân, sự thật và chống độc quyền

    Không thể chấp nhận lập luận của Facebook hay Zuckerburg rằng facebook  giúp truyền bá thông tin và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hay giúp các nhà dân chủ đấu tranh cho tự do dân chủ. Lập luận này càng khó tin vì Facebook đã loại trừ các thông tin mà chính phủ Việt Nam yêu cầu. Lập luận thông thường cho rằng tự do ngôn luận sẽ đưa đến thông tin và người nhận thông tin sẽ so sánh thông tin từ nhiều nguồn và tự đánh giá nguồn nào đáng tin cậy; nếu nguồn nào không đáng tin cậy, nó sẽ mất uy tín và không thể tồn tại, không được chọn lựa, vì cạnh tranh tự do trên thị trường. Nhưng làm gì có cạnh tranh bình đẳng trong phát tán  thông tin, khi hiện nay một vài công ty tư bản thám sát đã kiểm soát thị trường và quyết định. Google, facebook, Twitter, Amazon đang đóng vai độc quyền trong tư bản tình báo.  

    Bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ sự thật, chống độc quyền là cần thiết; việc này không phải là đi theo con đường bịt miệng xã hội và chỉ cho phép phát tán thông tin giả hay thông tin tuyên truyền một chiều như ở các xã hội độc tài kiểu Trung Quốc.

    Hai vấn đề thông tin giả và xâm phạm thông tin cá nhân có thể giải quyết bằng luật pháp vừa bảo đảm được tự do thông tin và tự do ngôn luận. Người đưa tin giả và người phát tán tin giả trong không gian công cộng phải có trách nhiệm trước luật pháp và vì thế người viết tin và hệ thống truyền tin phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, nếu không có thể bị kiện trước tòa án để phải bồi thường hoặc xin lỗi. Mạng phát tán tin ra công cộng cũng không được quyền đưa thông tin cá nhân nếu những cá nhân này không phải là người của công chúng.

    Mỹ có Hiến pháp và nhiều luật bảo vệ thông tin riêng tư cá nhân, và cấm nhà nước, tất nhiên cả doanh nghiệp, theo dõi và thu thập thông tin về cá nhân nếu không có lý do. Lý do được phép là sự đồng ý của cá nhân, hoặc trong trường hợp chính phủ phải được Tòa án có tính độc lập cho phép vì cần để điều tra tội phạm hoặc bảo vệ an ninh quốc gia. Luật Mỹ còn cho phép cá nhân quyền biết về cụ thể những gì mà FBI thu thập chẳng hạn (dù tên tuổi người theo dõi và những gì liên quan đến an ninh quốc gia bị xóa) và nếu bị từ chối FBI phải đưa lý do. Liên Minh Châu Âu cũng gần như thế. Quyền riêng tư trên mạng của Phan Dương Hiệu trên Tin Sáng (20/2/2012) trình bày về vấn đề này.

    Nhưng cho đến nay thì nhiêu doanh nghiệp tự do thu thập toàn bộ thông tin cá nhân (có thể chỉ loại bỏ địa chỉ cá nhân cụ thể), thu thập qua các hành động qua mạng của người mua, người bán, người hỏi, người tìm thông tin, người mượn tiền, không cần sự đồng ý của nạn nhân và sự kiểm soát của luật pháp.  Wall Street Journal (13/2/2021) thuật lại tranh chấp ngầm giữa Facebook và Apple. Apple muốn bảo vệ thông tin cá nhân còn Facebook tất nhiên chống lại vì sử dụng thông tin cá nhân là cơ sở để Facebook làm tiền, và Facebook lập luận trên cơ sở tự do cạnh tranh, tự do chọn lựa và tự do ngôn luận. Wall Street Journal (16/2/2021) cũng tiết lộ thêm về lý do Tập Cập Bình cấm chứng khoán hóa tập đoàn Ant trên thị trường chứng khoán New York, ngoài lý do công ty được thiết lập hết sức rắc rối nhằm che giấu dấu danh tính của cho một số thái tử đảng và quan chức có quyền lợi. Jack Ma đã thiết lập hệ thống thông tin về tài chính và hành vi tiêu dùng chi trả của cả tỷ người ở Trung Quốc qua Alipay, có thể dẫn dắt hành vi mua bán và cho vay nhằm hưởng phí trung gian trong việc mua bán và cho vay nợ, tài trợ bởi ngân hàng, nhưng lại không phải là ngân hàng thương mại nên tránh được sự kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương. Hoạt động không kiểm soát về tài chính của tập đoàn Ant có thể đưa đến khủng hoảng tài chính không chỉ ở Trung Quốc.

    Luật bảo vệ thông tin cá nhân và thông tin thật có cần không? Trên thực tế, xã hội Mỹ đã ra luật bảo vệ lao động, cấm doanh nghiệp không được sử dụng lao động trẻ em, không được làm việc trên 8 tiếng một ngày, và không thể trả lương thấp hơn lương tối thiểu. Cũng để chống định giá và bảo đảm cạnh tranh, đạo luật Sherman Act 1890 ra đời nhằm chia nhỏ các công ty quá lớn có sức mạnh tài chính cho phép họ kiểm soát và khuynh đảo thị trường. Các công ty đã bị phá nhỏ là Standard Oil của Rockerfeller, là tập đoàn của J.C. Morgan nắm US Steel cùng với hệ thống đường xe lửa, đi kèm với hệ thống ngân hàng tài chính hay gần đây hơn là công ty điện thoại AT&T bị phá vỡ thành 7 công ty nhỏ độc lập. Dù là nơi 9 nhà nghiên cứu của họ đoạt giải thưởng Nobel về các khám phá khoa học quan trọng như chất bán dẫn, laser, vi sóng, ..., chính sự phá vỡ AT&T, đi cùng nghiên cứu đặt nền móng cho internet do Bộ Quốc Phòng tài trợ nối mạng 2 phòng nghiên cứu tại hai đại học Stanford, UCLA, đã mở cánh cửa cho công nghệ thông tin, truyền mạng và trí thuệ nhân tạo.

    Một xã hội không cần nhiều lao động có tay nghề

     

    Một điều không thể không nói tới là khả năng thay đổi xã hội khó lường trong tương lai của trí tuệ nhân tạo nhất là đối với việc sử dụng lao động trong nền kinh tế. Liệu dân chúng Mỹ có thể tiếp tục có việc làm không, dù là chỉ được nhận lương tối thiếu?

    Bài viết của tác giả trên Thời đại mới (2020) đã phân tích về sự chuyển biến của kinh tế Mỹ. Công nghiệp trong nền kinh tế Mỹ đã từng tạo ra việc làm cho 30% lao động trong toàn xã hội những năm 1930, nhưng hiện nay chỉ còn 9%. Tệ hơn thế, tính theo số tuyệt đối, số người có việc làm trong công nghiệp cũng đã giảm từ đỉnh cao gần 19 triệu năm 1980 xuống còn khoảng 12 triệu năm 2020, và sẽ tiếp tục giảm, trong khi tổng lao động ở Mỹ tăng hơn gấp đôi, từ 65 triệu lên 145 triệu.

    Nếu so với năm 1930, hiện nay số lao động nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đã giảm từ 8% xuống 0.8%, và chỉ có việc cho 1.2 triệu người.

    84% lao động hiện nay là làm dịch vụ, mà dịch vụ tăng trưởng lớn nhất là, y tế và coi sóc người già với lương thấp (trừ bác sĩ) và công chức và dịch vụ bán lẻ. Năm 2019, lương cao hơn mức trung bình 100% - gấp 2-5 lần – chỉ còn nằm trong vài ngành dịch vụ như dịch vụ thông tin (196%), đầu tư tài chính (358% ) và dịch vụ chuyên môn (158%), và công chức liên bang (129%), và số này chiếm khoảng 12% tổng số lao động ở Mỹ.


    Không chỉ thế, với trí tuệ nhân tạo, ngay cả nhu cầu lao động lương thấp như trong dịch vụ bán lẻ cũng sẽ không còn tăng và thậm chí có thể giảm vì thương mại điện tử mua bán qua mạng đang thay thế dần các trung tâm thương mại, các siêu thị, và cả cửa hàng tạp hóa. Các đột phá do trí tuệ nhân tạo, từ người máy thông minh với trí nhớ không đáy sẽ làm quyết định thay người thật từ đoán bệnh kê thuốc, đầu tư tài chính, cho đến lái xe và bay không người lái chuyển hàng hóa không cần người, v.v. sẽ đưa đến cho nền kinh tế của chúng ta vào một thế giới rất khác.

    David Brooks một bình luận gia được xếp vào khuynh hướng bảo thủ đã viết trên New York Times (11/2/2021) cho rằng chúng ta sẽ cưỡi con hổ của sự thay đổi nhanh chóng. Nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn nhưng hàng triệu người sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một vị trí trong đó. Vấn đề của tương lai này sẽ phải là bảo đảm quyền sống của con người, những con người không kiếm ra việc làm. Phải chăng thu nhập cơ bản (tối thiểu cho mọi người) sẽ trở thành một chủ đề nóng? Milton Friedman, một nhà kinh tế thuộc phái bảo thủ, đã từng đề nghị hệ thống thuế thu nhập âm (negative income tax), tức là nhằm bảo đảm người có thu nhập cao hơn mức tối thiểu đóng thuế còn người có thu nhập thấp hơn nhận được chuyển nhượng của cơ quan thuế, và họ tự quyết về việc sử dụng mà không cần qua các chương trình xã hội nhiêu khê và tốn kém trong điều hành.

    Kết luận

    Xã hội sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề mà việc kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và mạng thông tin đưa lại, vừa bảo đảm tự do thông tin vừa ngăn cản được tin giả, bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân ở mọi chế độ, nhưng về dài lâu cũng cần đảm bảo quyền con người có phương tiện sống khi  hoạt động sản xuất và thương mại điện tử dựa vào trí tuệ nhân tạo ở mọi lãnh vực sẽ giết chết dần nền kinh tếtruyền thống, tạo ra một số người cực giầu còn đa số không có việc làm. 

    Về mặt bảo vệ quyền riêng tư, ngăn cản tin giả, giải pháp tất phải dựa trên luật pháp, và sẽ tiếp tục gây tranh luận về được mất cho đến khi giải pháp tốt nhất được chọn lựa , nhưng khó lòng né tránh việc đạt được vài quy chuấn thiết yếu sau:  

    Có luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận;

    Có luật bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân, luật này sẽ cho các cá nhân bị vi phạm, bị gây thiệt hại, có thể thể xin tòa án can thiệp bảo vệ nếu  có chứng cứ vi phạm luật.

    Để chống tin giả, sai sự thực, kể cả phỉ báng , nạn nhân hay người bị hại có quyền kiện tác giả làm tin giả và phương tiện phát tin, nhưng chỉ có thể làm thế nếu như có luật đòi hỏi địa chỉ thực.  

    Chung cho hai mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư và phản bác tin giả, sai sự thật nói trên, để chống lại kẻ lạm dụng tự do ngôn luận (điểm 1 ở trên) thì ngoài việc người bị thiệt hại phải tìm kiếm đủ chứng cứ, còn có vấn đề khả năng tài chính để kiện, điều này là nan đề cho cá nhân vì nhà nước và tổ chức có thể đủ tài chính để theo đuổi bất cứ vụ kiện nào còn cá nhân thì không. Chính vì thế ở Mỹ có các tổ chức vô vị lợi như Lawyer Guild đứng ra giúp kiện. Nhưng đâu là giải pháp hay hơn?

    Và cuối cùng, điều cơ bản nhất để thực thi được mấy điều trên là quan tòa phải xử các vấn đề dân quyền trên một cách khách quan, công bằng, theo bằng chứng, theo luật pháp và theo lương tâm mà thôi, tức là có nền tư pháp độc lập với chính trị.

    Những điều kiện như trên cho thấy các qui luật này có thể áp dụng được trong một nước đã có tam quyền phân lập đích thực, bảo đảm sự độc lập của quan tòa, mà kinh nghiệm vừa qua ở Mỹ cho thấy. Tuy nhiên, ta cũng đã thấy có các mô hình khác đang vận hành trên thế giới dù không có tam quyền phân lập, thí dụ lấy cớ là vì cần chế độ mạnh với dân chủ tập trung nền chỉ có tam quyền phân nhiệm.

    Ở Trung Quốc, quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt, với chính sách bức tường lửa vĩ đại (big great wall), Google, Facebook, v.v. và nhiều mạng khác từ nước ngoài đều đã bị chặn. Trung Quốc làm dễ dàng vì ở Trung Quốc có sự kết hợp của chính phủ, an ninh và tư bản tư nhân nhằm theo từng hành vi của từng cá nhân, không chỉ là chữ viết, mà hình ảnh, lời nói, ở bất cứ chỗ nào. Tư bản tư nhân hoặc đội lốt tư nhân làm tiền nhưng phải hành động như cánh tay nối dài của chể độ. Tập Cận Bình mới đây phát biểu trong Hội nghị Thế giới năm 2015 về mạng như sau: “Chúng ta nên tôn trọng quyền của từng quốc gia được độc lập lựa chọn con đường phát triển không gian mạng của riêng mình,...”

    Ở Nga, Putin vẫn chưa áp dụng rộng rãi tường lửa với mạng nước ngoài, nhưng đã dùng nó để theo dõi, tung tin giả, nhằm xách động bất ổn trong xã hội tây phương, có lẽ là với mục đích chứng minh với dân Nga là nhờ Putin, mà chế độ dù nằm dưới đáy của phát triển vấn ổn định.

    Còn ở Việt Nam thì sao? Dường như họ theo con đường của Trung Quốc. Chế độ dự định cho phép tư bản thám báo làm tiền nhưng phải phục vụ sự thám sát của chế độ. Dự thảo Nghị định (17/2/2021) của Bộ Công An có điều khoản 10 cho phép việc chia sẻ dữ liệu cá nhân hoặc cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể với lý do như “an ninh quốc gia”, “trật tự xã hội” và “theo qui định của Pháp luật”. Ở Việt Nam có lẽ đây là điều đáng sợ nếu như cá nhân không có quyền kiện chính phủ và quốc hội trước tòa án độc lập khi thấy có chứng cứ vi phạm Hiến pháp và luật pháp. Ở Việt Nam với qui định trong Hiến Pháp là “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước...”, tức là không dựa trên ý niệm Tòa án độc lập.

    Điều 12 cho phép sử dụng thông tin cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể để giúp: “Việc xử lý dữ liệu cá nhân phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc thống kê ở dạng mã hóa không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu” “nếu như “dữ liệu nhận dạng một người phải được khử nhận dạng và thay thế bằng mã.” Chỉ liên quan đến thống kê thôi, điều 12 đã vi phạm khuyến nghị của Liên Hợp Quốc là “Dữ liệu cá nhân do các cơ quan thống kê thu thập để tổng hợp thống kê, cho dù chúng liên quan đến thể nhân hay pháp nhân, phải được bảo mật nghiêm ngặt và chỉ được sử dụng cho mục đích thống kê.” Ở Mỹ, đây là nguyên tắc Cục Điều tra Thống kê áp dụng cho giới nghiên cứu: “bất kỳ thông tin nào dựa trên một người trả lời riêng lẻ, trên một mẫu điều tra nhỏ, hoặc thông tin tập tập trung cao sẽ KHÔNG được công bố (trang 14).

    Vũ Quang Việt

    1 Tác giả cám ơn GS Tạ Văn Tài đã góp ý để sửa đổi những đoạn viết về luật pháp và GS Phan Dương Hiệu liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Tác giả là người chịu trách nhiệm toàn bộ về những đánh giá và ý kiến trong bài.

    https://www.diendan.org/the-gioi/nhan-dang-su-dao-lon-xa-hoi-my-do-tri-tue-nhan-tao-theo-nhan-dinh-cua-bao-chi-my

    Không có nhận xét nào