Header Ads

  • Breaking News

    Trần thị LaiHồng - Gương xưa Phụ nữ giữ nước và mở nước

    Trần Thị LaiHồng biên soạn

     

                                                                         Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Cô Giang

    Uống nước nhớ nguồn              
    Thấy non sông rộng nhớ ơn cao dầy              
     

    Giữ Nước :  Giặc đến nhà đàn bà phải đánh

    Ta lên núi
    Ta lên núi
    Đuổi đàn hươu
    Đuổi đàn hươu
    Chị em năm ba mặt cũng rầu rầu
    Ta lên núi
    Ta lên núi
    Đuổi đàn nai
    Đuổi đàn nai
    Nỗi niềm tâm sự than thở cùng ai ?
    Đoái trông phương Đông : nước rộng mênh mông
    Đoái trông phương Tây : đá trắng gồ ghề
    Đoái trông phương Nam : mây che đầu ngàn
    Đoái trông phương Bắc : núi cao cao ngất …

    Đó là bài ca  Xuất Quân  nữ dân binh của Hai Bà Trưng, tương truyền do chính Bà Trưng đặt ra để quân lính vận dụng tinh thần trước khi lâm trận trong sứ mạng giữ nước.  Bài ca này trước đây, trong ngày mở hội tế lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng hàng năm  vào mồng 6 tháng 2 âm lịch, dân xã Hát Môn huyện Phú Lộc -  nay là huyện Phú Thọ – tỉnh Sơn Tây, và dân làng Hạ Lôi tỉnh Phúc Yên, quê hương của Hai Bà,  diễn lại thần tích chiến trận Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tàu Đông Hán, dành lại độc lập. 

    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 – 43 sau Tây lịch)   là cuộc kháng chiến đầu tiên trong lịch sử Việt, sau 151 năm bị đàn áp,  đánh dấu một chiến tích của dân bị trị chống lại ách đô hộ của đế quốc Trung Hoa.  Suốt trên nghìn năm -  kể từ năm 111 trước Tây lịch cho đến năm 939 sau Tây lịch -  đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên và do chính phụ nữ khởi xướng và cầm đầu , đã được mọi người nhất loạt hưởng ứng đứng lên đánh đuổi quân xăm lăng.

    Sử Trung Hoa cũng ghi đậm cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, chứng tỏ là một biến cố trọng đại trong cuộc đô hộ.  Trong số các sách sử, phải kể Hậu Hán Thư  của Phạm Việp, Hậu Hán Kỷ của Viên Hoàng, Tự Trị Thông Giám của Tư Mã Cung, Trung Quốc Thông sử Giản biên do Phạm văn Lang chủ biên, xuất bản ở Bắc Kinh năm 1961, Bắc thuộc Thời đại Đích ViệtNam của La Sĩ Bằng …
     
    Tập sử xưa nhất ghi lại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là Hậu Hán Thư của Phạm Việp viết theo thể truyện ký, ghi lại lịch sử đời Đông Hán bên Tàu (25 – 220), phần Nam Man Tây Man Di liệt Truyện đã ghi :  “ Người con gái Giao chỉ tên là Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị được dân Man Lý, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng khởi nghĩa, chiếm được 65 thành, tự lập làm vua.  Thứ sử và các Thái thú ở Giao chỉ phải tháo chạy về nước.”

    Tài liệu Bắc thuộc Thời đại Đích Việt Nam của La sĩ Bằng ở Đài Loan, xuất bản tại HongKong năm 1964 ca ngợi Hai Bà Trưng : “đã được người Việt Nam coi là những vị anh hùng dân tộc, tượng trưng cho nền độc lập tự do.”

    Các bộ Tống Sử, Nguyên Sử  do Tống Liêm soạn, về đời Minh bên Tàu (1368 – 1644), Minh Sử  của Trương Đình Ngọc người đời Thanh (1644 – 1911) còn nói rõ là trong vòng ba năm, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã xoá đi một phần năm  phạm vi thống trị của đế quốc Trung Hoa, không những vùng Man Lý, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố thuộc Giao Chỉ lãnh thổ Văn Lang, mà còn lan rộng lên phía Nam Hồ Động Đình, bao gồm cả ba tỉnh Hoa Nam là Quảng Đông, Quảng Tây, và Vân Nam.  Ngay tại Phiên Ngung thuộc Quảng Đông bên Tàu, có đền thờ Hai Bà Trưng và dân địa phương tôn thờ Hai Bà như liệt nữ của họ.

    Hán Sử Thuỷ Kinh Chú, sách Giao Châu Ngoại Vực Ký ghi : “ Bà Trưng Trắc là người can cường, anh dũng, đánh phá các châu quận, các Lạc tướng đều theo.”  Sử ghi : "Quân của Hai Bà Trưng đi như gió lướt, đánh nhanh, thắng nhanh, bọn Đô hộ phủ không kịp trở tay, đành dắt díu nhau chạy, không nơi nào cứu được nơi nào.  Các Thái thú và Huyện lệnh nào may mắn còn sống sót chạy về nước.”

    Sách sử Việt, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  của Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Ngoại Kỷ Quyển III, Kỷ Trưng Nữ Vương, sử gia Lê Văn Hưu có nhận định : “ Trưng Trắc  Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như  trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương.  Tiếc rằng sau họ Triệu cho đến trước nhàï Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao ?  Ôi !  Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy !”

    Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Ngoại Kỷ này cũng ghi nhận :  "Họ Trưng giận Thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai hoạ.  Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả Bà Trưng em cũng thế.  Vì đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi.  Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ? ”

    Điều ghi nhận khác trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, là trong số 94 tướng lãnh, có 43 nữ và 51 nam.  Lão tướng như Bà Man Thiện  mẹ của Hai Bà, và trẻ tuổi như Nàng Tía mới tròn mười sáu, và các nữ tướng khác đều chưa tới ba mươi.

    Một trong các nữ tướng kháng cự lão tướng Mã Viện  của quân Tàu là Bà Phùng thị Chính.   Sách Hậu Hán Thư  của Phạm Việp, mục Mã Viện Truyện  ghi : “Bà Phùng thị Chính có thai sắp đến ngày sinh, nhưng vẫn xung phong ra trận.  Phu nhân sinh con ngay tại mặt trận.  Dân gian truyền tụng, trong suốt thời gian chống cự với Mã Viện, bà vẫn đèo bọc con nhỏ bên mình.”  

    Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan Kế Bính xuất bản tại Hà Nội năm 1912 đã liệt kê Trưng Vương vào hàng đầu trong mục Các Bậc Đại Anh Kiệt.

    Lịch sử ghi công ơn Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ Trung Hoa, dành độc lập cho đất nước, Lê Ngô Cát  trong Đại Nam Quốc sử Diễn Ca ghi nhận :

                      Bà Trưng quê ở Châu Phong
              Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
                        Chị em nặng một lời nguyền
              Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
                        Ngàn tây nổi áng phong trần
              Aàm ầm binh mã xuống gần Long Biên
                        Hồng quần nhẹ bước chinh yên
              Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên Biên thành
                        Đô kỳ đóng ở Mê Linh
              Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta …

    Trong khi đó,
                         Tượng đá trời Nam giãi tuyết sương
                         Nghìn năm công đức nhớ Trưng Vương
      …

    Nhân  dân ca ngợi công đức Hai Bà :

                          Một bụng em cùng chị
                          Hai vai nước với nhà
                         Thành Mê khi đế bá
                         Sông Cấm lúc phong ba
                         Ngựa sắt mờ non Vệ
                         Cờ vàng mở rộng hoa
                         Nghìn năm bia đá tạc
                         Công đức nhớ Hai Bà 
       
    Và tôn kính lập đền thờ rải rác khắp nơi quanh vùng sông Đáy là phòng tuyến của Hai Bà.  Ngày 6 tháng hai âm lịch hằng năm là một ngày quốc lễ.  Riêng tại làng Hát Môn là nơi Hai Bà tuẫn tiết, có đền thờ bên bờ sông Hát.  Lễ tế Hai Bà có món bánh trôi, nặn làm 100 viên, lễ xong để 49 chiếc vào lòng một hoa Sen lớn thả xuôi dòng về biển.

    Có hàng trăm đền thờ Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng ở ngoại thành Hà Nội, từ Đồng Nhân,  Mai Động, Hoàn Long, An Biện, Hiền Quan, Đông Triều, Ngõ Nghè ở Hải Phòng, Tiên La ở Thái Bình,Cấm Khê, Mê Linh, Hạ Lôi, Cư An ở Phúc Yên, Hát Môn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai tỉnh Sơn Tây,  Cẩm Thượng, Cổ Loa, Lãng Bạc,  Đống Đa, Tam Hiệp, Hoàng Diệu, La Thượng, Ba Vì, Thần Phù  …  vào tận Nga Sơn ở Thanh Hoá, và không quên các tướng lãnh của Hai Bà.  Công lao các nữ tướng được ghi rõ trong thần phả tại các đền thờ. 

                                                                 *****
    Kiều kiều nữ tướng quân
    Uy danh động phong trần
    Năng hàm Ngô tử đảm
    Phiêu dục động nhân tâm

              Tạm dịch :    
    Nữ tướng quân yêu kiều 
    Danh tiếng vang khắp nơi
    Tài năng Ngô mất vía 
    Nhan sắc động lòng người

    Bài thơ này nói đến vị nữ tướng trẻ tuổi  quật cường trong sứ mạng giữ nước,  quyết phất cờ khởi nghĩa chống quân nhà Ngô đang cai trị nước ta:  Bà Triệu.

    Bà Triệu tức Triệu Trinh Nương hay Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ – 226 năm sau Tây lịch – tại làng Truông quận Cửu Chân.  Năm 248 – tức là 208 năm sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng  - , chỉ mới 22 tuổi, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập binh lính, lập cứ địa tại vùng Ngàn Nưa bao gồm 3 huyện Nông Cống, Triệu Xuân và Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nổi dậy đánh  quân đô hộ.

     Bà Triệu thường mặc áo giáp vàng xông trận, khí thế dũng mãnh, được quân sĩ tôn gọi là Nhuỵ Kiều Tướng quân.  Một câu nói của Nhuỵ Kiều Tướng quân được lưu truyền vàsử gia Trần Trọng Kim ghi lại trong  Việt Nam Sử Lược  : “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta.”

    Tài liệu của Trung Hoa, sách   Giao Chỉ Chí  và Thái Bình  của Nhạc Sử đời nhà Tống ghi :  “Trong núi Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, kết lập bè đảng, cướp phá các quận huyện, thường mặc áo màu vàng, đị giày mũi cong, cưỡi đầu voi mà chiến đấu, sau khi chết thành thần.”
     
    Lực lượng đô hộ của Nhà Ngô khiếp phục uy danh Bà Triệu, tôn kính gọi là Vua Bà hoặc  Lệ Hải Bà Vương, và thú nhận “Hoanh qua dương hổ dị;  đối diện Vương Bà nan.” Có nghĩa là “Múa giáo đánh hổ,  dễ;  đối địch Vua Bà, khó ! ”

    Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ghi rằng theo truyền thuyết, Bà Triệu và nghĩa quân lập được 7 căn cứ đánh quân nhà Ngô do tướng Lục Dận chỉ huy,  Trong 6 tháng, quân ít thế cô, bà lui về xã Bồ Điền nay là xã Phú Điền huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá, thì tự sát.   Ngày nay, trên núi Tùng thuộc xã Phú Điền, cạnh quốc lộ 1 vẫn còn lăng mộ và đền thờ Bà Triệu.  Từ ngàn năm qua, dân Việt vẫn truyền tụng :

                                      Ai về Hậu Lộc, Phú Điền
                              Nhớ đây Bà Triệu trận tiền giao phong

    Bên võng nôi, những bà mẹ Việt đã dẫn dắt con vào bài học lịch sử :

                                      Ru con , con ngủ cho lành
                              Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
                                      Muốn coi lên núi mà coi
                              Soi gương Bà Triệu cỡi voi đánh cồng …

    Mới đây, dịp về thăm quê hương, lần đầu tiên viếng thăm Hà Nội, ngậm ngùi Thăng Long thành hoài cổ, tôi có đến Viện Bảo tàng Phụ nữ, mong tìm được vài hình tượng tôn kính xa xưa.  Một góc nhỏ bên trái cửa vào, có hai ảnh chụp lại tượng Hai Bà Trưng và tranh vẽ Bà Triệu, cỡ nhỏ chỉ gấp đôi tờ báo này.  Nhưng ngay cạnh đó, cả một vì tường lớn là hình ảnh sinh hoat của Nguyễn thị Minh Khai với những tấm ảnh vĩ đại.  Nguyễn thị Minh Khai, bà là ai ?  Bà có là ai, cũng không thể ngang vai với Hai Bà Trưng và Bà Triệu. 
                                                         
                                                              *****
    Trong hơn ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ, phụ nữ không những trực tiếp tham gia việc giữ nước, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, đứng lên cầm quân đánh đuổi quân Tàu,  mà còn gián tiếp giúp các cuộc kháng chiến thành công, bằng nhiều phương cách, từ tiếp vận, tình báo, mỹ nhân kế, với nhan sắc và tài nghệ …  chứ không phải chỉ là những thương nữ bất tri vong quốc hận.

    Thời Minh thuộc (1407 – 1428), quân Minh đóng ở làng Đào Xá và Tiên Lữ ở Hải Dương, thường đêm ngủ trong túi vải để tránh muỗi.  Nàng Đào Thị Huệ vừa đôi tám, có nhan sắc và múa giỏi hát hay, dân làng thương mến gọi là Ả Đào – cô gái họ Đào hay Đào Nương -  và cùng nhau bàn mưu hại giặc. 
     
    Nghe danh Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn, Đào Nương cùng dân làng mở quán rượu để tướng sĩ  quân Minh lui tới ăn uống, thưởng thức ca múa.  Lê Lợi định ngày khởi sự “nội ứng ngoại công” để đánh chiếm Thăng Long.  Nàng Đào ca  múa quyến rũ phục rượu  cho chúng say, dụ chúng chui vào bao ngủ, rồi cùng dân làng xúm nhau thắt chặt túi lăn xuống sông thủ tiêu.  Quân sĩ  Lê Lợi tiến đánh Thăng Long dễ dàng.  Nàng Đào bỏ mình trong trận mạc.

    Sau khi chiếm được Thăng Long, Lê Lợi phong cho nàng làm Phúc Thần Kiến Quốc Trinh Liệt Phu nhân, lập đền thờ ở huyện Thọ Xương (đường Hàng Trống bây giờ), gọi là đền Đông Hương.

    Trong thời gian 10 năm kháng chiến chống quân Minh, ngoài Đào Nương, còn có Lương Phu nhân, cũng đã giúp Lê Lợi  lập kế diệt giặc.  Lương Phu nhân là vợ Đinh Tuấn, quê làng Chuế Cầu tỉnh Nam Định, nhan sắc khuynh thành, được chồng đồng ý mở hàng nước chiêu dụ  quân sĩ nhà Minh ngay cứ điểm chiến lược thành Cổ Lộng trên bờ sông Đáy.  Bà mưu cùng chồng phục rượu quân sĩ nhà Minh say, bỏ vào bao cột chặt để chúng không thoát được, rồi nưả đêm đón quân vua Lê vào chiếm thành Cổ Lộng.  Từ  Cổ Lộng, nghĩa quân Lê Lợi ào ạt vượt sông Đáy, được hai mẹ con người thuyền chài tiếp giúp chở quân suốt đêm êm thắm tiến đánh chiếm Tốt Độ và Chúc Động và thẳng tiến chiếm Thăng Long.  Vua Lê nhớ ơn hai mẹ con bà thuyền chài, lập đền thờ tại làng Nhân Huệ tỉnh Hà Đông.    Về hai vợ chồng Đinh Tuấn, ông được phong Kiến Quốc Công Trung Dũng Đại Tướng Quân, và Lương Phu nhân  là Kiến Quốc Trung Liệt Phu Nhân.  Khi Bà mất, được làm lễ Quốc tế và truy phong tước Vương.   Nay còn đền thờ ở Chuế Cầu.   
    Chính  Vua Lê Thánh Tôn đã có bài thơ ghi ơn Kiến Quốc Phu Nhân,  được dịch từ chữ Hán như sau :
     
                        Giỏi thay nàng liệt phụ
                        Khí hùng hơn muôn binh
                       Giặc Minh sang xâm chiếm
                      Đóng giữ Cổ Lộng thành
                      Hoàng tổ ta khởi nghĩa
                      Quyết chí diệt quân Minh
                     Ngựa sắt hăng hái đánh
                     Thắt túi dốc công thành
                     Sử quan cầm bút chép
                     Cùng Bà Trưng lưu danh
                    Đền thờ hương khói ngát
                    Nghìn thuở nổi phong thanh
     

    Hy sinh để giữ gìn đất nước, không chỉ những liệt nữ dân dã, mà còn cả những cành vàng lá ngọc, điển hình là hai Công chúa Ngọc Nương và Bảo Nương đời nhà Trần.

    Năm Đinh Tỵ 1257, trong dịp du xuân làng Đa Mỗi – nay là Đa Mai thuộc Bắc Giang -  hai Công chúa bất ngờ gặp đúng lúc quân Mông Cổ tràn qua biên giới tiến đánh Thăng Long.  Hai Công chúa phải ở lại làng, bèn cùng dân địa phương bàn kế giết giặc.  Hai nàng cố ý quyến rũ để giặc mê say đòi phải dâng hiến.  Hai nàng vờ thoả thuận với điều kiện tướng giặc phải sang thuyền do dân làng đóng, có đục sẵn lỗ bên dưới.  Mải mê, tướng Mông Cổ không biết thuyền bị tháo nút cho nước vào.  Hai Công chúa chết đuối cùng tướng giặc.  Dân làng nhớ ơn, lập đền thờ bên bờ sông Đa Mai chảy vào sông Thương, và hàng năm vào đầu Xuân, có mở hội tế hai Công chúaBảo Nương và Ngọc Nương.

    Những tấm gương trung dũng tiết liệt yêu nước thương nòi trong giới phụ nữ không kể xiết, chưa nói đến những vị vô danh không được truyền thuyết hoặc sử sách ghi lại, tuy cũng có nhiều trang cân quắc nữ kiệt, ví như Bà Bùi Thị Xuân  trong trang sử Tây Sơn, còn được lưu truyền.

    Trước khi kéo quân ra Bắc năm 1788 đánh quân nhà Thanh bên Tàu qua xâm lăng, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn có nhiều tướng lãnh phụ tá đắc lực, trong số có 3 kiện tướng là Bà Bùi Thị Xuân, phu nhân tướng Trần Quang Diệu, và tướng Vũ văn Dũng.

    Bà Bùi Thị Xuân quê Nghệ An, theo tổ phụ vào Nam lập nghiệp thời Trịnh Nguyễn phân tranh, cư ngụ tại xã Bình Phú tỉnh Bình Định.  Bà có sức mạnh phi thường, xử dụng cả song kiếm và đoản đao, đặc biệt chỉ huy đội tượng quân gồm cả trăm voi chiến, oai phong dũng liệt :

                                         Thét voi xung trận ào ào
                                Suối sâu khá kể, sông rào vượt qua
                                       Giặc trên núi đá tai mèo
                                       Sườn dốc cheo leo
                                      Voi trèo voi trợt
                                   Quân ta khí nộ xung thiên
                               Bủa vây kín khắp bốn bên trùng trùng …

    Sau khi Vua Quang Trung thình lình lâm bệnh và băng hà, nhà Nguyễn Tây Sơn bị Nguyễn Aùnh đánh bại.  Bà Bùi Thị Xuân cùng chồng là tướng Trần Quang Diệu và nhiều tướng lãnh khác bị bắt đem về Phú Xuân ( Huế) làm lễ hiến phù  ở Thái Miếu nhà Nguyễn.  Tất cả đều bị Nguyễn Aùnh cho quân sĩ tra tấn hành hạ dã man với mọi cực hình trước khi giết.  Tướng Trần Quang Diệu bị xử bằng cách lăng trì, lột da đầu, lóc xương lóc thịt cho đến chết.  Các con nhỏ của nữ tướng Bùi Thị Xuân và tướng Trần Quang Diệu bị cho vào bao tải đánh nát thây trước mặt mẹ.  Người con gái lớn bị cho voi chà và xé xác.  Bà Bùi Thị Xuân bị đưa ra hành hình.

     Đặc san Tây Sơn của Hội Aùi Hữu Bình định ghi lại :  Ba hồi trống vừa dứt, con voi to lớn hung tợn được thúc dục chạy lao tới, nhưng bỗng lùi lại.  Quản tượng lại thúc mạnh nhưng voi ngần ngại, nhất định không đi nữa.  Nguyễn Aùnh đổi qua hình phạt khác gọi là điểm thiên đăng, dùng vải nhúng sáp nóng quấn mình Bà rồi châm lửa.  Lửa bùng cháy nổi lên, bỗng có tiếng nổ, sọ Bà Bùi Thị Xuân vỡ, một lằn thanh quang bay vút lên trời.  Bà mất ngày 6 tháng 11 năm Nhâm Tuất, 1802.

    Tài liệu Giáo sử các Giáo sĩ tại Phú Xuân, thư của Giáo sĩ La Bassachère thuật :  Mặt Bà Bùi Thị Xuân không đổi sắc, bà tiến về thớt voi.  Lính quát bảo Bà quỳ xuống nhưng Bà vẫn đi tới.  Con voi lùi lại.  Bọn lính cần giáo thọc đùi voi thúc dục …  Thư của Giáo sĩ Eyot nhận đinh :  Bà Bùi Thị Xuân đã chết với thái độ can đảm quá phi thường.

    Hiện nay tại Bình Định vẫn còn bài thơ ca tụng Bà Bùi Thị Xuân :

                                   Xưa nay khăn yếm vượt mày râu
                                   Bùi Thị phu nhân đứng bậc đầu
                                   Chém tướng, chặt cờ, vung kiếm sắc
                                  Vào thần, ra quỷ, tỏ mưu sâu
                                  Quên nhà, nợ nước, đem toan trước
                                  Vì nước, thù nhà để tính sau
                                  Tài đức nghìn thu còn nức tiếng
                                  Non cần chảy ngọc bởi vì đâu !

                                                           *****
    Theo dòng lịch sử, nước ta hết bị Trung Quốc đô hộ trên nghìn năm, trải qua được ngót nghìn năm độc lập, thì lại rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp vào năm 1885 là năm kinh đô Huế thất thủ.  Cùng với nam giới, các bà các cô chung vai đứng lên chống Pháp.  Nhà Nho Nguyễn Đôn Tiết ở Thanh Hoá, một thủ lãnh của phong trào Cần Vương có bài thơ :

    Giặc mô là giặc, dám đến nhà ta
    Bà thực là bà, còn chờ ai nữa !
    Đừng thấy rậm râu mà sợ
    Kệ những trượng phu
    Rõ ràng cả vú cho coi
    Mới là hiệp nữ
    Chẳng sợ ai đâu
    Có mần răng hử ? 
    Ớ Mẹ Nhiêu !
    Ớ Mẹ Đỏ !
    Cứ việc ra, không lẽ bỏ !
    Này cán vườn, này cán cuốc
    Ai bảo rằng không ?
    Tề dao rựa, tề dao bầu, nhà đã sẵn có
    Tao thời làm tướng
    Thay má quan lang
    Bay thì làm quân
    Khinh chi loài chó !

    Trong số những bậc nữ kiệt kháng chiến chống Pháp, phải kể đến Bà Ba Đề Thám, nhũ danh Đặng Thị Nhu.  Bà Ba Đề Thám là đồng chí thân cận của Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám, người được chí sĩ Phan Bội Châu gọi là bậc Chân Tướng quân. Hoàng Hoa Thám người làng Ngọc Cục phủ Yên Thế tỉnh Bắc Giang.  Nơi đây có câu ca dao :

                                      Ở đây là đất ông Đề
                                      Tây vô thì có, Tây về thì không

     Bà Ba cùng chồng và các chiến sĩ chia sẻ gian lao khổ cực suốt ba mươi năm liền, từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 19 cho đến năm 1910, khi cùng bàn mưu chiến lược, lúc trực tiếp chiến đấu,  như  trong bài vè :

    Bà Ba lúc ấy thị hùng ra tay
    Bắn ra chết bốn thằng Tây
    Mấy thằng đội bốn lính này ngã ra
    Cho nên lính phải kéo ra
    Bà Ba đắc thế đuổi qua chùa Lèo
    Tây thời chẳng biết làm sao
    Vội vàng kinh sợ ào ào chạy ra  …
    …..Bà Ba khi ấy mới hay
    Quần trăn áo chịt mặc ngay vào mình
    Chạy lên đứng trấn mặt thành
     Gọi là khố đỏ khố xanh đâu là
    Các anh thời phải nghe ta
    Đây ta chính thức vợ Ba quan Hoàng
    Cũng mong khôi phục Nam Bang …
     
    Hoàng Hoa Thám bị thực dân Pháp lập mưu bắt và giết ngày 10 tháng 2 năm 1913.

    Lửa thiêng Yên Thế sau cuộc kháng chiến của Hoàng Hoa Thám thất bại, vẫn bừng cháy trong tâm can người Việt, bừng bừng với Phong Trào Đông Du, Việt Nam Duy Tân Hội, Đông Kinh Nghĩa Thục …  Các cụ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền … mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục kêu gọi nhân dân thức tỉnh, có bài học :

                                      Suốt thân sĩ ba kỳ Trung Nam Bắc
                                      Bỗng giật mình sực thức cơn mê …

    Việt Nam Duy Tân Hội do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để thành lập tại Trung Hoa là cơ quan kinh tài, chỉ đạo và định cư cho người Việt xuất dương qua Nhật.  Cầm đầu phong trào Đông Du là cụ Phan Bội Châu với Hải Ngoại Huyết Thư  cùng  Việt Nam Vong Quốc Sử  từ Nhật gửi về đã khích động lòng người và gây cao trào kháng chiến trong nước.

    Giới nữ tham gia kháng chiến nhiều cách, ví như Cô Đồng đền Phù Đổng ở Sóc Sơn, Vĩnh Yên, xử dụng những bài giáng bút để truyền đạt tư tưởng cách mạng chống Pháp, và giữ việc liên lạc giữa các nhà cách mạng.  Bị lộ, Cô bị bắt, bị tra tấn nhưng vẫn giữ kín hoạt động, và xé áo thắt cổ tự vẫn.  Dân gian ca tụng :

    Ba mươi chín tuổi, nước là chồng 
    Mỏng manh thân bồ gánh núi sông
    Dịp trống đồng tâm trên ghế giảng
    Tiếng chuông độc lập chiếc thuyền rồng
    Noi gương Trưng Triệu còn nêu đó
    Gớm mặt Hoàng, Từ, có thẹn không ?
    Một thác đã làm gan giặc vỡ
    Sợi giây oan nghiệt thắt hồn chung

    ( Ghi chú :  Hoàng là Hoàng Cao Khải Phụ chánh Đại thần triều vua Thành Thái, và Từ là Từ Đạm Aùn sát Phúc Yên)

    Những hội kín cách mạng được lập khắp nơi để đẩy mạnh cao trào kháng chiến.  Ngay tại Huế, có Đinh Phu nhân, goá chồng lúc 40 tuổi, đảm nhiệm công tác liên lạc và kết nạp các nữ đồng chí, phân phối tài liệu, đưa đường cho nhiều người Đông Du qua Nhật và Tàu hoạt động, và giúp đỡ những người bị thực dân Pháp và Nam triều truy lùng.  Bà bị bắt, bị chính Hình Bộ Thượng thư Trương Như Cương trực tiếp chỉ huy các cuộc tra khảo.  Cuối cùng, Bà giả chịu khai, xin một phòng riêng để viết bản khai.  Bà đã viết một bản cáo trạng tố cáo thực dân Pháp cùng tay sai đàn áp dân Việt, cắn tay lấy máu viết bài thơ tuyệt mệnh trên tường, rồi tự tử.  Bài thơ chữ Hán được dịch như sau :

    Máu khô lệ cạn giận khôn tiêu
    Đứt ruột sông Hương nước sớm chiều
    Cường lỗ ngày nào đà quét sạch
    Mồ ta mảnh giấy sẽ đem thiêu
    Suối vàng Trưng nữ thấy nhau đây
    Than khó hồn quyên máu chảy đầy
    Nếu Phật thiêng liêng cho sống lại
    Tay thành ngàn cánh súng ngàn cây
    Chết trong ngục thảm buổi sầu bi
    Bể cát bao la có biết gì
    Vì nước bỏ mình đành phận gái
    Đau lòng giầy mũ mấy nam nhi !

    Nhắc đến các cao trào kháng chiến chống thực dân Pháp, có Việt Nam Quang Phục Hội, Nam Đồng Thư Xã do một số trí thức trẻ thành lập, trong số có Hoàng Phạm Trân – tức nhà văn/sử gia Nhượng Tống – và chàng sinh viên Cao đẳng Thương mại Nguyễn Thái Học, sau này là thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Hai liệt nữ Việt Nam Quốc Dân Đảng là hai chị em Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang.
     
    Hai chị em Cô Bắc và Cô Giang người Phủ Lạng Thương tỉnh Bắc Giang, tham gia lập tổ phụ nữ đầu tiên của VNQDĐ, chuyên trách về tuyên truyền, binh vận, địch vận, giao liên, tình báo …  Theo Nhượng Tống và Phan Khoang, cuộc khởi nghĩa tại Yên Báy ngày 15 tháng 2 năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng thành công mỹ mãn chính nhờ công lao các nữ đồng chí.  Liệt nữ Nguyễn Thị Giang kết hôn với anh hùng Nguyễn Thái Học trong lễ thề tại Đền Hùng,  để cùng chung vai hoạt động, nhưng theo Nhượng Tống thì từ khi lo việc Đảng, Cô không còn thì giờ để làm cái gì cho đời sống riêng.   Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí bị bắt giam tại ngục Hoả Lò ở Hà Nội. 

    Chiều ngày 17 tháng 6 năm 1930, anh hùng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị thực dân Pháp bị xử chém đầu tại Yên Báy, trước sự chứng kiến của Cô Giang và nhiều đồng chí khác.  Cô Giang quá đau đớn nhưng bình tĩnh đáp tàu về làng Thổ Tang tỉnh Vĩnh Yên quê của Nguyễn Thái Học, báo tin dữ, lạy tạ thân sinh của Nguyễn Thái Học, để lai mấy vật kỷ niệm, rồi ra đồng, đứng dưới gốc cây đề làng Thổ Tang, rút khẩu súng lục do chính Nguyễn Thái Học trao tặng trong lễ thề ở Đền Hùng, tự kết liễu đời mình.  Đó là ngày 18 tháng 6 năm 1930, Cô mới 22 tuổi.
    Một chiến sĩ vô danh thời ấy có bài thơ :

    Sống nhục sao bằng sự chết vinh
    Nước non cho vẹn kiếp chung tình
    Lưỡi dao xử tử chàng không ngại
    Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng đành
    Một tấm can trường trời đất thảm
    Nghìn thu vẹn tiết quỷ thần kinh
    Cuộc đời sá kể chi thành bại
    Trai đã trung thì gái phải trinh !

    Trong buổi lễ truy điệu do sinh viên học sinh Huế tổ chức, nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu đã đọc Văn tế các Tiên Liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng, có đoạn nhắc đến Nguyễn Thị Giang :   

    …  Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi
    Trường tuyên án, chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu
    Đoạn đầu đài, sau sau trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói
    Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuồn cuộn, bóng rồng thiêng đành Ông Học xa xuôi
    Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy Cô Giang theo đuổi   …

    Người trực tiếp lãnh đạo chi bộ phụ nữ của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ ngày thành lập là Cô Nguyễn Thị Bắc.  Trong số các nữ đảng viên, có Nguyễn Thị Lùn, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Thuyết,  Đỗ Thị Tâm … hầu hết bị bắt và chết trong nhà tù thực dân.  Khi bị bắt, Cô Bắc đã trả lời Chủ tịch Đề hình ở Yên Báy về lý do theo khởi nghĩa : Chúng mày hãy về nước Pháp mà kéo đổ tượng Gian Đặc (Jeanne d’Arc) đi thôi !

    Đoạn trên nhắc đến Chí sĩ Phan Bội Châu, tưởng cũng nên nhắc đến vị nội tướng :  Bà Phan Bội Châu nhũ danh Thái Thị Huyên.  Về làm dâu họ Phan, bà phải nuôi bố chồng luôn bệnh hoạn và ước ao có cháu trước khi nhắm mắt.  Bà đã đứng ra cưới vợ cho chồng và coi con của bà hai như con đẻ của chính mình.  Một tay bà chăm lo công việc nhà để Cụ Phan Bội Châu bôn ba chăm lo việc cách mạng.  Sau này khi gặp con, Cụ Phan nói về phu nhân với bao hãnh diện : “ Mày nên biết, nếu không có mẹ mày, thì chí của cha mày hư hỏng tự bao giờ …”   Phan Phu nhân mất năm 1936 tại quê nhà ở Nghệ An, Cụ Phan đang bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, làm câu đối gửi khóc :

    Ba mươi năm cầm sắt khéo xa nhau, mưa sầu gió thảm, chỉ bóng làm chồng, ngồi ngó trẻ con rơi lệ nóng
    Dưới chín suối thân bằng như hỏi đến, lấp biển dời non, nào ai giúp bác, chỉ còn mình lão múa tay không
    Tình cờ gặp khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, ngậm đắng nuốt cay tròn đạo mẹ


    Khen khéo giữ nền tứ đức, ngoài bảy chục tuổi sống đau hơn chết, thôi về mau cho khoẻ, đền công trả nợ nặng vai con 

    Những trang anh thư liệt nữ cũng như anh hùng hào kiệt kể không xiết, và không thiếu những vị vô danh không được sử sách ghi lại.  Khi đốt lò hương tưởng niệm, chúng tôi thầm cầu nguyện những người khuất mặt từng vì nước quên mình, vẫn luôn linh thiêng phù hộ cho quê cha đất mẹ mọi điều lành.

                                                              *****
     Mở mang đất nước                                                   

    Ngoài công cuộc giữ nước, tham gia các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lăng, nhân dân Việt Nam, nam cũng như nữ, đều góp phần trong việc mở mang bờ cõi.
     
    Nước non nghìn dặm ra đi
    Mối tình chi ?
    Mượn màu son phấn
     Đền nợ Ô Ly             
    Đắng cay vì
    Đương độ xuân thì
    Cái lương duyên hay là cài nợ duyên gì ?
    Má hồng da tuyết
    Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
    Vàng lộn theo chì
    Khúc ly ca
    Sao còn mường tượng nghe gì
    Thấy chim hồng nhạn bay đi
    Tình lai láng, như bông hoa quỳ
    Dặn một lời Mân Quân
    Nay chuyện mà như nguyện
    Đặng vài phân
    Vì lợi cho dân
    Tình đem lại mà cân
    Đắng cay muôn phần …

    Bài ca Huế điệu Nam Bình này là tâm sự của Huyền Trân Công Chúa khi giã từ quê hương vào mùa Thu năm 1306 lên đường sang Chiêm Thành kết duyên với Vua Chiêm, đổi hai châu Ô Lý, trong sứ mạng mở mang đất nước.

    Được biết là cho đến thế kỷ thứ 11, lãnh thổ Việt Nam chỉ mới đến Quảng Bình, và từ đó vào Nam là nước  Lâm Ap –  có nghĩa là Xứ  Rừng, tức là Chiêm Thành,  Chàm, Hời, Champa – và trong Nam là Chân Lạp – Cao Miên, Miên, Cambodge, Kampuchia.  Chiêm Thành xưa là một quốc gia hùng mạnh, lập quốc từ năm 190, trước nước ta cả 700 năm, nhiều phen đem quân và chiến thuyền đánh phá nước ta.  Kể từ khi ta dành được độc lập, thoát ách độ của Trung Quốc từ năm 939, Chiêm Thành càng ngày càng lộng hành, từ đời Nhà Đinh, Lê, Lý, Trần …

    Năm 1301, Chiêm Thành gửi phái bộ sang Việt Nam để giao hảo, và mời Vua Trần Nhân Tông qua thăm.  Được kính nể và hậu đãi, Vua Trần Nhân Tông hứa gả Công chúa Huyền Trân  cho Vua Chàm.  Tháng 6 năm Bính Ngọ – 1306 – Vua Chàm là Chế Mân  -  Jaya Simhavarman III -  dâng hai châu Ô Lý làm sính lễ, xin cưới Huyền Trân.  Bấy giờ Vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng lên tu trên núi Yên Tử, và Vua Trần Anh Tông kế vị.

    Theo Khâm Định Việt sử, hai châu Ô Lý tức là Thuận và Hoá.  Châu Thuận gồm các huyện Đăng Xương, Hải Lăng phủ tỉnh Quảng Trị, và Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên;  Châu Hoá là các huyện Phú Vang, Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên, và các huyện Diên Phước, Hoà Vang tỉnh Quảng Nam.   Vùng giáp giới Quảng Trị và Thừa Thiên có sông Ô Lâu, mang tên của Châu Ô.  Làng Nguyệt Biều bên Sông Hương hiện còn di tích Thành Lồi, dấu vết quốc đô Phật Thệ của Chiêm Thành.  Con đường từ Thừa Thiên vào Quảng Nam đi qua đèo Hải Vân, ghi dấu chân Huyền Trân trên đường nước non nghìn dặm ra đi :

                              Chiều chiều gió thổi Hải Vân
                              Chim kêu gành đá, gẫm thân em buồn

    Từ thế kỷ thứ 14 trở đi, các vị vua chúa Việt Nam trên đường Nam tiến, đã khéo dùng tài sắc  phụ nữ để thắt chặt tình giao hiếu với lân bang, đồng thời mở mang bờ cõi.

    Cũng như vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành,  các Chúa Nguyễn ở trong Nam đã mở mang bờ cõi và giao hiếu với Chiêm Thành và Cao Miên, bằng cách gả các Công chúa, đồng thời xin cho người Việt di dân vào những vùng đất mới, theo sách lược tàm thực – tằm ăn dâu.
     
    Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)  nhân thấy Cao Miên  muốn nhờ cậy thế lực để chế ngự ảnh hưởng của người Xiêm (Thái Lan)  đã gả Công chúa Ngọc Vạn  cho vua Chei Chette II vào năm 1620.  Công chúa rất đẹp, rất đức hạnh,  lại hết lòng giúp vua Cao Miên, nên rất được sủng ái, được phong làm Hoàng hậu, có một con gái với vua Cao Miên.

    Ba năm sau – 1623 – sứ đoàn của Chúa Nguyễn vào Nam trao tặng ngọc ngà châu báu, và xin cho người Việt được vào cư ngụ, khai khẩn đất đai vùng Môi Xui, tức là Mô Xoài -   Bà Rịa, thuộc Biên Hoà ngày nay – trồng trọt, và buôn bán có trả thuế. Về sau, vua Cao Miên kế vị là Nặc Ông Chân đã dâng đất Biên Hoà cho Chúa Nguyễn để tạ ơn giúp dẹp nội loạn. 

    Sau khi gả Công chúa Ngọc Vạn cho vua Cao Miên, Chúa Sãi cũng gả Công chúa Ngọc Khoa – em của Công chúa Ngọc Vạn -  cho vua Chiêm Thành Po Romé để giữ hoà hiếu giữa hai quốc gia.   Vua Po Romé có đến ba vợ và ba bà ghen nhau.  Hoàng hậu Việt Nam có tên là Po Bia Uùt rất được sủng ái, quyết chiếm tình yêu thương của nhà vua, đòi phải chặt bỏ cây kraik là một thần mộc – ta gọi là cây Cam-xe - và chính vua Po Romé cầm rìu chặt cây thần. Hiện nay tại làng Hậu Sanh cách Phan Rang chừng 8 cây số phía Tây Nam, còn di tích Tháp Chàm Po Romé, và tại vùng Hoà Trinh cách Saigon khoảng 300 cây số còn vết tích cung điện Vua Po Romé và cây Cam-xe xưa mọc lại cũng to lớn dị thường.

    Công lao mở mang bờ cõi trong hoà bình của hai Công chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa đã được ca tụng   qua bài thơ của Tân Việt Điểu :

    Ngọc Vạn, Ngọc Khoa vững một niềm
    Vì ai tô điểm nước non tiên ?
    Chị lo giữ vẹn tình Miên Việt
    Em nhớ làm tròn nghĩa Việt Chiêm
    Bà Rịa Biên Hoà thêm vạn dặm
    Phan Rang Phan Rý mở hai miền
    Non sông gấp mấy Châu Ô Lý
    Nam tiến công người chẳng dám quên …

    Á Nam Trần Tuấn Khải cũng có bài thơ cảm vịnh ghi ơn :

    Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
    Nghìn xưa Trưng Triệu đã lừng oai
    Noi gương : Khoa, Vạn hai Công chúa
    Một sớm ra đi mở đất đai
    Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên
    Thần xỉ mong sao được vững bền
    Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế
    Giữ miền Nam Á đặng bình yên
    Đời vốn quen dùng sức lửa binh
    Gây nhiều thảm hoạ khổ sinh linh
    Riêng dây ngọc lụa thay gươm giáo
    Trăm họ âu ca hưởng thái bình
    Cũng vì hạnh phúc của muôn dân
    Vì nước vì nhà sá quản thân
    Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng
    Hiếu trung cho trọn đủ mười phần
    Những tiếc riêng cho phận nữ hài
    Đem thân giúp nước há nhường trai
    Vắng trang lịch sử nào ai biết
    Người đã hy sinh vị giống nòi
    Tới nay đã kể mấy tinh sương
    Mượn bút quan hoài để biểu dương
    Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm
    Công người rạng rỡ chốn quê hương

    Trong chính sách hoà thân với lân bang, tứ thế kỷ 11, Nhà Lý cũng đã nhờ những cành vàng lá ngọc giúp việc giao hảo.  Thời Nhà Lý, nước ta có nhiều châu mục lãnh đạo.  Công chúa Bình Dương năm 1029 được gả cho Đầu mục Châu Lạng tức Lạng Sơn; năm 1036, Công chúa Kim Thành được gả cho Đầu mục Châu Phong; và Công chúa Trường Ninh được gả cho Đầu mục Châu Thượng Oai.  Mùa Xuân năm 1082, Công chúa Khâm Thánh được gả cho Châu Mục Vị Long (Tuyên Hoá/Tuyên Quang); Công chúa Phụng Kiều được gả cho Châu mục Chân Đăng tức Cao Bằng bây giờ; Công chúa Diên Thành được gả cho Thủ lãnh Phú Lương (Bắc Giang/Sông Cầu) năm 1128; Công chúa Thuỵ Thiên được gả cho Đầu mục Châu Lạng năm 1148.  Các Công chúa được cấp 24 lộ, được quân sự hoá các thang mộc để phòng ngự, xây dựng hậu cần, giữ gìn bờ cõi.

                                                 *****

    Đốt lò hương cũ, giở những tấm gương xưa, nhắc lại một số các vị anh thư nữ kiệt trong công cuộc dựng mở đất nước, chúng tôi đã có dịp cùng quý bạn đọc ôn laị nhiều chi tiết liên hệ đến võ mà chưa nói đến văn, văn học, chính trị,  kinh tế, xã hội, giáo dục …  cũng như trong phạm vi gia đình, nhắc nhở về một số những bậc nữ lưu liên hệ. 

    Một vài trang báo không sao bao gồm mọi lãnh vực.  Ước mong có cơ hội tìm hiểu rộng rãi hơn, biên soạn lại để cùng bạn đọc nhìn ngắm những tấm gương phụ nữ trong nhiều sinh hoạt liên hệ đến sinh mệnh dân tộc.   Xin mượn lời ca bản nhạc Việt Nam Minh Châu Trời Đông của nhạc sĩ  Hùng Lân  gửi đến quý bạn đọc , coi như một lời nhắn gửi hẹn hò.

    Việt Nam !  Minh châu trời Đông
    Việt Nam !  Nước thiêng Tiên Rồng
    Non sông như gấm hoa uy linh một phương
    Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương
    Từ ngàn xưa uy danh lừng lẫy khắp nơi
    Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời
    Máu ai còn vương cỏ hoa
    Giục đem tấm thân sẻ với sơn hà
    Chung tâm cương quyết ta ôn lời thệ ước
    Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước
    Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam
    Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam

    Trần thị LaiHồng
    Hoa Bang, cuối năm 2005

    Tài liệu tham khảo :

    - Cao Thế Dung, Chân dung Phụ nữ Việt Nam, Nhà Xuất bản Tiếng Mẹ, 1990
    - Chính Đạo, Việt Nam Niên biểu
    - Diên Hương, Tự điển Thành ngữ Điển tích, Zieleks Publishing Co. 1981
    - Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hoá Sử Cương, NXb Bốn Phương, 1951
    - Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn học Toàn thư, NXb Quốc Hoa, 1959
    - Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Saigon 1970
    - Huỳnh Văn Lang, Công Chúa Sứ Giả, tác giả xuất bản, 2004 
    - Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái,  Đại Nam Quốc sử Diễn ca, 1872,
    - Ngô Sỹ Liên và các Sử thần Triều Lê, Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản dịch của Nhượng Tống, NXb Tân Việt, 1974
    - Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, NXb Tân Việt, 1956
    - Phương Lan, Anh thư Nước Việt, Cơ Sở Xuất bản Đại Nam
    - Thái Văn  Kiểm, Cố đô Huế, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1960
    - Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, NXb Nguồn Sống, 1960
    - Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nhà Xuất bản Khai Trí, 1971
    - Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thuỳ, Nước Tôi Dân Tôi, Cơ Sở Đông Tiến, 1989

     

    Không có nhận xét nào