MÀI SỪNG CHO LẮM VẪN LÀ TRÂU VÀ NỀN VĂN HÓA HAMBURGER CỦA DÂN MỸ
Nghĩ cho cùng thì cái anh chuột nhắt quả nhỏ người mà gian ngoan. Trong 12 con giáp thì nó đứng nhất. Nghe đâu chuyện thuật lại rằng: Một hôm Trời cho muôn loài dự cuộc chạy đua để chọn con vật đứng đầu con giápTrâu to khỏe chạy hùng hục dẫn đầu. Ai ngờ anh chuột ranh mãnh, leo lên sừng trâu ngồi chễm chệ. Khi trâu gần mức chuột nhảy xuống , chạy tới trước, trình diện Ngọc Hoàng đoạt giải. Rồi mới đến lượt trâu. Rõ là trâu chậm uống nước đục
Bây giờ thì năm hết, Tết đến, chuột đi, trâu tới. Hết rồi cái anh chuột láu cá, đục khoét, ăn vụng, phá phách mà là anh trâu chậm chạp nhưng đạo đức. Bộ tướng ô dề cục mịch nên thiếu trí khôn, chỉ được cái hiền lành bù lại. Buổi trưa hè nắng gắt, trâu nằm dưới bóng mát của tàng cây, thong thả nhai lại mớ cỏ ăn vội iúc nẫy. Chậm rãi, nhàn nhã như cụ già nhai trầu bỏm bẻm. Con trâu chính là hình ảnh cần cù lam lũ, chịu đựng của dân quê Việt Nam nơi thôn xóm. Trong xã hội nông, tang cổ truyền, nó chiếm địa vị quan trọng thứ ba trong gia đình. “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi cầy” cùng góp công sức trong việc đồng áng, nặng nhọc, tạo nên hột lúa thơm ngon. Nhưng mà làm thật ăn giả, các cụ ạ. Cầy ruộng suốt ngày, đền bù chỉ được nắm cỏ. Khi mùa Đông về, thực vật hiếm hoi thì đành nhai tạm mớ rơm khô cũng xong bữa. Bộ tướng đen đúa lực lưõng với đôi sừng nhọn hoắt, đáng lẽ nó phải là con vật hung dữ lắm mới phải, thế mà nó hiền khô, trẻ mục đồng cũng có thể chăn dắt, lại leo lên lưng ngồi ngất ngưởng, quất roi bảo đứng, bảo đi.
Có người bảo sở dĩ nó chịu khó cực nhọc, chỉ vì kiếp trước nó nợ nần tiền bạc, ơn nghĩa của chủ nhà, nên kiếp này phải “làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” mà
Có thể lắm, vì thật ra trâu không phải là con vật hiền lành đâu.
Phải quan sát đôi trâu chọi mới thấy cái khí thế dũng mãnh. Mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, chân dẫm huỳnh huỵch trên nền đất, và rồi ầm ầm lao vào nhau như hai cỗ xe tăng, với một sức lực hung dữ như long trời lở đất. Kết quả con gẫy sừng, con què cẳng. Đàn trâu rừng khi gặp nguy hiểm cũng biết kết thành thế trận, trâu cái và nghé ở vòng trong, vòng ngoài là những con trâu đực, quay đầu ra , sừng dương tua tủa sẵn sàng nghinh chiến, đến như hổ dữ cũng phải né mặt, không dám chờn vờn rình bắt nghé.
Ấy thế mà khi hiền thì hiền hết sức, chịu cho đứa trẻ ranh, xỏ mũi dắt đi. Chúng còn chế nhạo “mài sừng cho lắm vẫn là trâu” ý ngầm chê là có doạ dẫm, người ta cũng chẳng sợ nào
Theo mấy ông thầy đồ bàn hươu tán vượn, thì trong tiền kiếp có thể trâu cũng tinh thông chữ nghĩa lắm vì “trong bụng lem nhem ba lá sách, ngoài cằm kém đém một chòm râu”. Đúng là hình ảnh một anh đồ gàn chứ còn gì nữa.
Tại miền thượng du, trâu được đeo mõ ở cổ, để trẻ chăn trâu dễ biết trâu ở đâu mà tìm. Khác với miệt trung du bằng phẳng, miền cao nguyên cây cối rậm rạp , nhiều khi trâu gặm cỏ cách một bụi rậm là đã không thấy, thành thử có câu “trâu gõ mõ, chó leo thang” Câu này gói ghém cảnh tượng sinh hoạt miền Thuợng, nơi mà người ở trên nhà sàn cao để tránh thú dữ, chó thoăn thoát leo lên leo xuống chiếc cầu thang gỗ, đẽo ra từ một thân cây, và chiều chiều đàn trâu khua mõ lóc lóc trở về thôn bản.
Lại nói chuyện miền núi, hẳn ai mà không nghe kể chuyện có loài chim kêu ra rả suốt đêm, âm thanh tựa “bắt cô trói cột” hay “năm trâu sáu cột”. Khi quân cán chính miền Nam bị Việt Cộng bắt tù đầy nơi mạn ngược Cao Bằng, Lạng Sơn, thì cũng con chim đó tiếng kêu đó qua tâm tư người tù “cải tạo” uất ức vì lời hứa hão của VC liên lẹo đủ chuyện để nhốt tù họ mút mùa, nên bây giờ tiếng chim trở trành “nói xuôi, nói ngược, nói sao cũng được” Thế mới biết lòng người ảnh hưởng trên cảnh vật.
Tương tự đất nước ta là xứ nông nghiệp chuyên nghề nông tang cầy cấy thành thử tiên cô là con của ông Trời mà cũng phải dệt vải. Đó là Chức Nữ. Nàng mê anh chàng chăn trâu Ngưu Lang nên sao nhãng việc canh cửi. Còn chàng cũng vì mê gái mà lười biếng chẳng lo cho trâu ăn no, đến nỗi Trời giận, vạch một ngón tay thành sông Ngân Hà để đôi trẻ yêu nhau phải xa cách, một năm mới được quạ đội đá bắc cầu cho sang sông gặp nhau một lần, thành ra mỗi khi tháng Bẩy, chàng và nàng khóc sướt mướt mà thành mưa Ngâu sùi sụt khiến cho những kẻ yêu nhau dưới thế gian, vì hoàn cảnh trái ngang chẳng được gần nhau thêm bồi hồi đau xót trong cùng cảnh ngộ với người trời. Những huyền thoai dễ thương như thế đã làm thơ mộng thêm cho cuộc đời. Ngày nay người ta phóng phi thuyền lên mặt trăng giết chết cả Hằng Nga lẫn chú Cuội. Khoa học lại giải thích mưa là do hơi nước đọng lại mà thành, cũng làm mất luôn cái thơ mộng đớn đau của giọt mưa Ngâu. Tuổi trẻ bây giờ thấy mưa lòng trơ trơ. Đèn thành phố che khuất trăng, sao mà có thấy trăng nữa, thì chỉ hình dung ra được cái khô cằn, lồi lõm, sần sùi, còn đâu là Hằng Nga, Hậu Nghệ.
Trở lại về trâu, người ta thường nói “ngu như bò”, chứ không là trâu. Sở dĩ thế vì trâu cũng khôn lắm chứ chẳng chơi.Trâu biết nghe và cũng biết vờ, vịt như ai. Các cụ ta có câu ”sáng tai họ, điếc tai cầy” vì rằng “họ” là nghỉ, trâu hiểu ngay, còn khi chủ bảo đi cầy thì trâu trù trừ, giả bộ không nghe.
Anh bạn HO kể cho tôi chuyện con trâu của đội anh. Sáng nó nghe kẻng báo giờ làm việc, đến chuồng dắt nó ra, nó vùng vằng nhất định không chịu, nhưng ngày nghỉ, không nghe tiếng kẻng, nó biết ngày nghỉ, nó được đi ăn cỏ, nên ra ngay.
Dưới chế độ VC, loài vật còn kinh hoàng , sợ sệt, thế mà giờ đây vẫn còn lắm kẻ tôn thờ VC.
Suốt đời lam lũ, giúp người cầy bừa, nhưng khi về già, bị bệnh, nó bị xả thịt cung cấp món thực phẩm cho loài người, tuy chẳng ngon lành gì lắm vì người ta thường ví : “xám ngoét như thịt trâu toi”. Da được căng làm trống,”trâu chết để da, người ta chết để tiếng”
TẢN MẠN VỀ BÒ
Trong dòng miên viễn của lịch sử nhân loại, nhiều tôn giáo đã thờ bò đực (bull) như biểu tượng của sức mạnh cũng như tính thích chiến tranh và chinh phục của giống đực và thờ bò cái là biểu tượng của sự sinh sản, sự hồi sinh và là nguồn sống của vạn vật. Nhiều ngàn năm trước Tây lịch, một vị hoàng đế cai trị một cường quốc bên bờ sông Nill bao gồm Bắc và Nam Ai Cập. Hoàng đế Namer- Menes tạo dựng tôn giáo thờ bò thần. Theo huyền thoại, thần bò đực Apis được sinh ra do một con bò cái đặc biệt thụ thai nhờ ánh sáng mặt trăng. Thần Apis cai trị Ai Cập và vũ trụ. Hoàng đế Namer-Menes là hình ảnh của thần Apis. Thần có vợ là nữ thần bò cái Hather, tượng trưng cho sự sinh sản. Apis tượng trưng cho sức mạnh và trường sinh.
Cuối mỗi năm, con bò đực tương trưng thần Apis được xả thịt tế thần, trong lễ nghi trang nghiêm và vị hoàng đế ăn thịt nó để được sức mạnh, quyền lực và bất tử.
Bò thần Ấn Độ
Trongg xã hội ngày nay, tại phần lớn các quốc gia trên thế giới bò không được coi là con vật linh thiêng nữa mà là nguồn thực phẩm, nhất là tại các quốc gia Âu, Mỹ. Nhưng hiện tại Ấn Độ có 200 triệu bò “thần”, đi lại thong thả nơi thành thị cũng như thôn quê.
Người theo Ấn Giáo tin rằng mọi thứ liên quan tới bò đều linh thiêng vì họ coi bò là sự sống. Ngay cả thánh Gandhi cũng đã tuyên bố “Bò là mẹ của triệu, triệu dân Ấn.”
Tác giả Harris tường thuật một vài nghi lễ như sau: Các “tu sĩ” chế tạo nước “cam lồ” (holly nectar) gồm sữa tươi, sữa đặc, bơ, nước tiểu, phân bò trộn lại, rồi rảy nước thánh đó trên tượng thần và trên người các tín đồ. Trong đền thờ, đèn thắp sáng bằng bơ, tượng thần được tắm hàng ngày bằng sữa bò tươi. Ngày đại lễ, tu sĩ dùng phân bò đắp thành tượng thần, tưới sữa lên rồi tín đồ bò quanh tượng để cầu nguyện. Trong các cuộc lễ khác, tín đồ thành kính quỳ trong làn bụi do đaàn bò đi qua tạo nên, rồi gục trán trên phân bò tươi mà con vật vừa thải ra.
Ngay trong đời sống hàng ngày hiện nay, các thầy lang nơi làng quê vẫn còn cào bụi đất trên móng bò để làm thuốc chữa bệnh. Tín đồ Ấn giáo để dành từng vò nước tiểu bò, gọi là “gomutra”tin tưởng đó là nước linh và dùng tắm cho trẻ em đau ốm.
Chính phủ thành lập các nhà “dưỡng lão” để săn sóc bò già yếu, không đủ sức đi lại trên đường phố kiếm ăn. Tổn phí điều hành và nuôi ăn hoàn toàn do chính phủ đài thọ. Khi nguời ngoại quốc thắc mắc, tín đồ hỏi ngược lại “Khi mẹ anh già yếu, anh có gửi bà vào lò sát sinh hay không?” Khách lắc đầu” Nhưng bò không phải là mẹ tôi” Tín đồ thờ bò không chịu thua “Thế từ nhỏ đến lớn anh uống sữa của ai?
Cố sát bò là một trọng tội mang án tử hình tại vùng Kashmir. Gần đây được giảm thành chung thân. Nếu vô tình làm bò chết, người phạm tội phải cạo trọc đầu và bị nhốt một tháng trong đồng cỏ nơi bò sinh sống. Hàng ngày anh ta đội lớp da của con vật bị anh giết, rồi lầm lũi theo đàn bò và hít thở đám mây bụi đất do vó bò cầy lên. Ấn giáo tin tưởng có 360 triệu thần linh trong thân thể bò, ai giết bò phải chịu đầu thai lùi lại 86 kiếp và bắt đầu ở kiếp thấp nhất là kiếp ngạ quỉ.
Cũng vì tín ngưỡng này, khi người Ấn giáo sống chung với tín đồ các tôn giáo khác, đạo Hồi chẳng hạn, xung đột thường xuyên xẩy ra vì người Ấn giáo cho là người khác đạo khinh rẻ bò thần của họ. Năm 1966 vụ đánh nhau lớn nhất xẩy ra trước quốc hội Ấn làm 8 người chết, 48 bị thương.
Bò thần nhưng cũng làm việc giúp dân. Bò cái cho sữa. Bò đực kéo cầy giúp trồng tỉa lúa gạo nuôi 80% dân số Ấn. Hàng năm, bò thải ra 700 triệu tấn phân, một nửa làm phân bón. Nửa còn lại dùng làm củi đốt.
Phân pha với nước làm nền nhà. Hàng ngày trẻ em đi theo bò lượm phân về để dùng trong nhà. Da bò được xử dụng trong kỹ nghệ đồ da. Khi bò chết, xác được bán cho sắc dân khác làm thức ăn,
Văn minh Hamburger
Xã hội Âu, Mỹ không thờ bò, nhưng họ vẫn bi ảnh hưởng bởi tín ngưỡng của tổ tiên rất xa xưa (1) khi nhân loại còn thờ bò, Thịt bò được xếp hạng nhất trong các loại thực phẩm. Tại các nước Âu, Mỹ và gần đây, Nhật Bản, mức tiêu thụ thịt bò càng ngày càng tang. Mới đây liên lạc giữa người và bò đem lại những tai hại to lớn cho môi sinh và tương lai nhân loại.
Mỗi giây người Mỹ tiêu thụ hơn 200 cái hamburger, tính đổ đồng người Mỹ tiêu thụ từ 26 đến 30 pounds thịt bò xay hàng năm. Trẻ dưới 7 tuổi ăn 1,7 hamburger mỗi tuần. 7 đến 13, con nít sơi 6.2 cái. 13 đến 30 ăn 5.2 cái, phụ thêm là bít tết và thịt bò nướng. Đổ đồng hàng năm, tiệm Mac Donald bán ra 6.7 tỷ hamburger.
Trước đây chỉ hàng quí tộc thượng lưu tại Âu châu và các quốc gia khác mới có thịt bò mà ăn. Dần dà kỹ nghệ chăn nuôi gia súc phát triển và từ từ lơi tức của đại chúng cao dần nên có thể ăn thịt bò thường xuyên. Mức tiêu thụ càng ngày càng tăng. Điển hình là Nhật Bản trên đường kỹ nghệ hóa và hùng cường phồn thịnh, dân chúng ăn thịt bò nhiều hơn.
Hiện tại thế giới có 1.28 tỷ gia súc (dê, cừu, lợn và phần lớn là bò) Chúng chiếm 24% đất đai và tiệu thụ số ngũ cốc vĩ đại có thể nuôi sống hàng trăm triệu người. Số gia súc càng ngày càng tăng, tác hại trầm trọng lên hệ thống quân bình môi sinh của trái đất, hủy họai môi trường sinh sống của muôn loài trên 6 lục địa. Hàng triệu mẫu rừng ở Mỹ, ở Trung và Nam Mỹ châu, Phi châu và Úc châu bị khai quang làm đồng cỏ nuôi gia súc. Phân và nước tiểu của chúng làm ô nhiễm nguồn nước uống, phát tiết ra khí methane. Hơi này cản nhiệt lượng không cho thoát ra khỏi bầu khí quyển khiến khí hậu quả đất một ngày một ấm hơn
Tại Hoa Kỳ, 70% ngũ cốc sản xuất được dùng nuôi gia súc và số gia súc này cung cấp thịt, sữa, trứng cho người tiêu thụ. Trên bình diện thế giới, 1/3 số ngũ cốc dùng nuôi gia súc trong khi hàng tỷ người, nhất là tại các quốc gia chậm tiến lâm cảnh thiếu dinh dưỡng. Sở dĩ vậy vì phải tốn 9 pounds ngũ cốc mới tạo đưiợc 1 pound thịt. Miếng bít tết trên bàn trong buổi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng tương đương 9 pounds ngũ cốc đủ nuôi 1 gia đình 4 người cả tuần lễ,
Những chi tiết này, chẳng báo chí nào nhắc tới (giới tư bản ngăn chận) không được bao người lưu tâm.
Cả thế giới ngưỡng mộ đời sống Mỹ qua nền văn hóa hamburger. Trong tháng 2 1996 báo chí loan tin Mac Donald khai trương tiệm tại quốc gia thứ 100 là một tiểu quốc bé nhỏ, Belarus, nằm giữa Nga và Phần Lan, dân số 10 triệu người. Ngày mở cửa gần 4 ngàn người xếp hàng chờ mua chiếc hamburger đầu tiên trong đời, gây hỗn loạn, đến nỗi thành phố phải huy động một lượng cảnh sát hùng hậu giữ trật tự. Rõ là cũ người mới ta.
Hiện nay, Mỹ không đủ thịt bò cho dân tiêu thụ, phải nhập cảng từ các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico , Brazil v.v. đã gây tai hại về môi sinh tại các nước này. Bây giờ Mỹ xuất cảng hamburger đến các nước nhược tiểu khác. Nông dân ham mối lợi lớn dồn ngũ cốc để nuôi bò thịt, khiến ngũ cốc khan hiếm, gây nạn đói kém, trong khi giới nhà giầu dư thịt bò ăn. Tại Belarus, lợi tức trung bình hàng tháng của dân chúng là 50 đô la, trong khí hamburgerer giá 1 đô la. Các nước chưa phát triển (trong đó có VN) ham tư bản bỏ vốn đầu tư. Nhưng nếu lãnh dạo không sáng suốt, vồ lấy các loại đầu tư có tính cách ăn xổi ở thì (khách sạn, bia, rượu, thuốc lá, sản phẩm tiêu thụ v,v ) thì chỉ làm lợi cho tư bản và gây tai hại cho đất nuớc, môi truờng trong tương lai dài.
Nguồn gốc hamburger và “thánh đường thờ bò” tại Mỹ
Hamburger khởi từ đâu? Thịt bò bầm đã được dân Tarta thời Trung Cổ ăn sống sau khi trộn thêm nuối, tiêu, hành sống. Ngày nay người ta vẫn còn gọi bí tết Tarta. Những thương buôn người Đức du nhâp về nước, tại tỉnh Hamburg, biến chế chút đỉnh là nắn thịt bò xay thành bánh rồi luôc trước khi ăn.
Di dân gốc Đức mang qua Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX. Theo người ta được biết thì tại hội chợ địa phương tại Ohio, lần đầu tiên hamburger được kẹp giũa hai mẩu bánh mì bán cho khách, năm 1892. Ttừ đó nó trở nên thông dụng và thành chiếc hamburger ngày nay. Nhưng một yếu tố quan trọng khiến hamburger thịnh hành, là sự phát triển của kỹ nghệ xe hơi và sự thành hình của hệ thống xa lộ. Trong khi di chuyển bằng xe, dân Mỹ muốn có một món ăn giản dị, sửa soạn nhanh, vừa túi tiền, và có thể vừa lái xe vừa ăn.
Theo tác giả Jeremy Rifkin trong cuốn Beyond Beef, người Mỹ ghé lại “thánh đường thịt bò xay” Mac Donald thường xuyên hơn đến nhà thờ.
Oái oăm thay trong khi dân chúng tại các nứớc chậm tiến lâm bênh tật vì thiếu dinh dưỡng, thì tại các xứ giầu có, ăn thịt thả cửa cũng gây nên những căn bệnh ngặt nghèo không kém. Đó là “bệnh của nhà giầu” như mập phì, đau tim, đứt mạch máu não, ung thư v.v.
Năm Tân Sửu, tản mạn đôi giòng như vậy cũng tạm đủ, kính chúc độc giả thân mến một năm dồi dào sức khoẻ (bớt ăn thịt) thịnh vượng an lành.
27 tháng 1 năm 2021 Hoa Kỳ, tiết trọng Đông
Trần Quán Niệm
(1) Dân Do Thái trước kia cũng thờ thần Bò Vàng. Sau khi thánh Moise lên núi thỉnh về tấm bia đá, khắc “Mười Điều Răn của Chúa”, tục lệ đó mới hết)
https://vietluan.com.au/43641/tan-man-ve-trau
Không có nhận xét nào