Trung Quốc có thể leo thang đến đâu trong vấn đề đài Loan?
Sau những căng thẳng liên tục được gia tăng tại eo biển Đài Loan trong thời gian qua, nhiều câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng đến đâu; liệu sẽ có hành động khiêu khích để cưỡng chế Đài Bắc và thách thức chính quyền Tổng thống Joe Biden của chính quyền Bắc Kinh hay không? Liệu rằng Trung Quốc có dứt khoát tiến tới một cuộc xâm lược quy mô toàn diện, đồng thời thực hiện chiến thuật chống tiếp cận khu vực để nâng cao chi phí quân sự của Mỹ đến mức không thể chấp nhận được hay không? Hay là liệu Trung Quốc có thể sử dụng một chiến lược cưỡng chế gia tăng áp lực quân sự với mục đích buộc chính quyền của bà Thái Anh Văn phải tuân thủ yêu cầu thống nhất với đại lục theo các điều kiện của Bắc Kinh hay không?
Để làm được như vậy, theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể sẽ cần phải triển khai các biện pháp như: chiếm giữ các đảo ngoài khơi của Đài Loan như Kim Môn, Mã Tổ, cũng như Ba Bình và Pratas ở Biển Đông; phong tỏa hải quân và không quân xung quanh Đài Loan; đe dọa bằng tên lửa và đường không và tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan.
Tuy nhiên đó không phải là lựa chọn duy nhất. Trung Quốc cũng có thể quyết định leo thang áp lực hơn nữa bằng cách sử dụng các lực lượng quân sự trong vùng xám dưới ngưỡng Mỹ cần phản ứng mạnh, nhưng đủ để kiểm tra quyết tâm của chính quyền Biden đồng thời hạn chế hoặc chống Mỹ can thiệp khu vực. Những hành động hạn chế của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ có thể đảm bảo Mỹ không mạo hiểm tiến hành một hành động quân sự trên quy mô lớn với khả năng leo thang nhanh chóng.
Vào tháng 1/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch xây dựng pháp quyền ở Trung Quốc giai đoạn 2020–2025”, công khai kêu gọi “thúc đẩy quá trình thống nhất” theo phương án “một quốc gia, hai chế độ cho Đài Loan”. Bà Linda Jakobson, đứng đầu Trung Quốc Sự Vụ (China Matters), tổ chức nghiên cứu chính sách và thúc đẩy quan tâm đến quan hệ với Trung Quốc tại Australia, nhận định có thể Trung Quốc sẽ dựa vào chiến thuật vùng xám hoặc các biện pháp mà họ đã sử dụng với Hồng Kông để thống nhất Đài Loan. Điều đó cho thấy, giai đoạn từ nay đến năm 2025 có thể là quãng thời gian có nguy cơ chiến lược cao. Trong đó, các điều kiện ở eo biển Đài Loan thích hợp cho PLA tiến hành các hoạt động đổ bộ là từ tháng 3 đến tháng 5 trong đó tháng 4 sẽ là thời điểm tốt nhất trong năm.
Tuy nhiên có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ trên quy mô toàn diện như vậy trước năm 2025 do những lo ngại về khả năng, kinh nghiệm tác chiến trong các điều kiện phức tạp của hải quân nước này. Các hành động tiếp theo mà Bắc Kinh có thể thực hiện nếu muốn kiểm soát Đài Loan đó là sáp nhập các hòn đảo tiền tiêu như Kim Môn và Mã Tổ, có thể theo các biện pháp giống như đã thực hiện đối với bãi cạn Scarborough. Kiểm soát các đảo này là điều kiện tiên quyết cho một cuộc bổ bộ thành công vào Đài Loan.
Thời gian gần đây, song song với việc sử dụng các máy bay quân sự xâm phạm không phận Đài Loan, Trung Quốc còn đưa các tàu nạo vét tràn vào quần đảo Mã Tổ, quần đảo ngoài khơi của Đài Loan có điểm cách bờ biển của Trung Quốc chỉ 9 km (trong khi đó lại cách đảo Đài Loan gần 200 km). Chiến thuật này buộc lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương phải thực hiện các cuộc tuần tra suốt ngày đêm, và là một phần trong chiến dịch leo thang chiến tranh bất thường “vùng xám” của Bắc Kinh nhắm vào Đài Bắc.
Các quan chức Đài Loan cho biết, mục tiêu của Trung Quốc: gây áp lực với Đài Loan bằng cách thắt chặt hệ thống phòng thủ hải quân của hòn đảo dân chủ và phá hoại sinh kế của cư dân Mã Tổ. Việc nạo vét cát là một vũ khí mà Trung Quốc đang sử dụng để chống lại Đài Loan trong một chiến dịch gọi là chiến tranh vùng xám, bao gồm việc sử dụng các chiến thuật bất thường để làm kiệt quệ đối phương mà không cần chiến đấu. Kể từ tháng 6 năm ngoái, các tàu nạo vét của Trung Quốc đã tràn vào quần đảo Mã Tổ, thả neo và múc một lượng lớn cát từ lòng đại dương cho các dự án xây dựng ở Trung Quốc. Việc nạo vét trên quy mô lớn có thể hủy hoại môi trường biển, gây sạt lở trên các đảo, hỏng cáp thông tin liên lạc dưới biển và đe dọa an toàn của người dân cũng như du khách đến quần đảo.
Bên cạnh Mã Tổ, nơi có 13.300 người sinh sống, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan còn cho biết Trung Quốc cũng đang tiến hành nạo vét ở vùng nước nông gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, từ lâu đã đóng vai trò là vùng đệm không chính thức ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan. Số lượng các tàu hút cát đi vào các vùng biển do Đài Loan kiểm soát đã tăng vọt vào năm ngoái. Cụ thể: năm 2017 có 2 tàu, năm 2018 có 71 tàu, năm 2019 có 600 tàu và năm 2020 đã có 3.987 tàu.
Các quan chức Đài Loan và các nhà phân tích phương Tây cho rằng chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm tiêu hao tài nguyên, làm xói mòn ý chí của các lực lượng vũ trang Đài Loan; có thể coi là “một phần trong chiến tranh tâm lý chống lại Đài Loan” cùng với việc sử dụng số lượng lớn các máy bay quân sự xâm phạm không phận Đài Loan trong thời gian vừa qua.
Tại quần đảo Mã Tổ, Đài Loan hiện có tổng cộng 9 tàu cảnh sát biển trọng tải từ 10 đến 100 tấn trong khi phải đối mặt với hàng trăm tàu Trung Quốc có kích thước từ 1.000 đến 3.000 tấn.
Đài Loan đang trong quá trình tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển một phần để đối phó với mối đe dọa từ các tàu nạo vét Trung Quốc. Năm 2020, một tàu tuần duyên mới dựa trên thiết kế của tàu khu trục tên lửa đã được trang bị cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan và dự kiến sẽ đóng mới thêm hơn 100 tàu tuần duyên trong thập kỷ tới với cam kết thực thi chính sách “không khoan nhượng” đối với hoạt động nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển Đài Loan.
Tháng 12/2020, Cơ quan lập pháp Đài Loan đã thông qua dự luật mới nhằm ngăn chặn tàu hút cát Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này. Các sửa đổi bổ sung cho phép phát tiền đến 100 triệu Đài tệ (tương đương 3,3 triệu USD) và án tù đến bảy năm cho người vi phạm. Đồng thời thêm các hình phạt, cho phép đa dạng hóa các biện pháp xử lý các tàu hút cát bị bắt giữ như cho phép tịch thu, tháo rời các tàu này hoặc thậm chí sử dụng vào các mục tiêu quân sự và xây dựng các rạn san hô nhân tạo.
Xem thêm:
9Dashline ngày 25/1/2021: Edge of democracy: China’s influence on Taiwan’s “frontline” islands
China Matters tháng 2/2021: Why should Australia be concerned about… rising tensions in the Taiwan Straits?
Reuters ngày 5/2/2021: China’s latest weapon against Taiwan: the sand dredger
The Strategist ngày 12/2/2021: China military watch
Chuyển động Ấn Độ Dương-Thái Bình dương
Những dự định đối ngoại của chính quyền Biden
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Politico, Thượng nghị sĩ Chris Coons cho biết đối phó với Trung Quốc sẽ là trọng tâm của Hội nghị các nền dân chủ do Hoa Kỳ chủ trì – được coi là dự án chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Joe Biden. Coons cho biết việc lập kế hoạch cho hội nghị này hiện đang được tiến hành, và có nhiều báo cáo cho thấy hội nghị sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Chris Coons có vai trò dẫn đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Biden và được coi là một trong số ít thành viên Quốc hội hiểu biết rõ về cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với chính sách đối ngoại và sự phát triển chiến lược đối với Trung Quốc.
Tại một cuộc gặp gỡ cử tri ở Milwaukee (bang Wisconsin) hôm thứ Tư ngày 17/2/2021, Biden nói rằng Trung Quốc sẽ phải lãnh “hậu quả” vì cách đối xử áp bức của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Trong cuộc điện đàm hai giờ đồng hồ với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời nêu rõ quan ngại về lập trường ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và Đài Loan. Sự can thiệp của Trung Quốc vào các nền dân chủ của Mỹ và các nền dân chủ khác cũng như các hành vi thương mại không công bằng cũng nằm trong số các chỉ trích của chính quyền.
Thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể sẽ tỏ ra coi thường ý tưởng này và sẽ dẫn chứng cuộc bạo động ở Quốc hội ngày 6/1 vừa rồi cũng như những thiếu sót, rạn nứt khác trong nền dân chủ Mỹ, Coons cho rằng Mỹ cần phải nỗ lực đầu tư vào nền dân chủ của mình.
Ngoài ra, theo Politico, có thông tin cho biết Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang thảo luận về việc thành lập một liên minh “các nền công nghệ dân chủ” để chống lại các kế hoạch thống trị cách mạng số của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hoài nghi rằng chính quyền ông Biden sẽ thành công với những dự định của mình. Có những dấu hiệu cho thấy các nước có thể đóng vai trò chủ chốt trong Liên hiệp châu Âu không mặn mà với ý tưởng tạo một khối thống nhất chống Trung Quốc. Tổng thống Pháp coi đây là kịch bản có khả năng cao nhất gây ra xung đột, và theo ông như vậy chỉ phản tác dụng. Bản thân Liên minh châu Âu gần đây đã ký một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
David Ignatius cho rằng liên minh các nền công nghệ dân chủ là một ý tưởng lớn có thể giải quyết hai vấn đề được cho là lớn nhất đối với Hoa Kỳ và các đồng minh: đó là tăng trưởng kinh tế trong nước bị suy yếu gây ra sự giận dữ trong dân chúng, và thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy những nỗ lực từ chối thị trường và nguyên liệu thô của các nước khác đôi khi có thể dẫn đến xung đột. Bởi vậy kế hoạch này cần phải được quản lý rất thận trọng.
Xem thêm:
Politico ngày 4/2/2021: Macron: EU shouldn’t gang up on China with US
The Washington Post ngày 12/2/2021: Opinion: Biden’s ambitious plan to push back against techno-autocracies. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Wall Street Journal ngày 15/2/2021: Biden’s Rough Start With the World. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Mỹ xem xét thành lập 3 đơn vị chuyên biệt cho chiến đấu trên đảo
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang xem xét thành lập nhiều nhất ba đơn vị chiến đấu viễn chinh ở môi trường hải đảo được gọi là các trung đoàn tác chiến ven biển (littoral combat regiments) với biên chế từ 1.800 đến 2.000 lính thủy đánh bộ gồm các bộ phận tác chiến, hậu cần và phòng không. Một trung đoàn thủy quân lục chiến có trụ sở tại Hawaii sẽ trở thành trung đoàn tác chiến ven biển thử nghiệm đầu tiên để kiểm tra học thuyết, tổ chức và thực tiễn dự kiến kéo dài trong ba năm.
Khái niệm thủy quân lục chiến tác chiến ven biển là chiếm các đảo hoặc lãnh thổ ven biển khác trong khu vực tranh chấp và thiết lập các căn cứ viễn chinh tạm thời để hỗ trợ hậu cần và hỏa lực cho các đơn vị khác.
Với ba trung đoàn tác chiến ven biển, Thủy quân lục chiến Mỹ có thể duy trì sự hiện diện trong khu vực với một đơn vị được triển khai đến Tây Thái Bình Dương và một đơn vị thứ hai có thể được triển khai trong tình huống khủng hoảng.
Xem thêm:
The Diplomat ngày 10/2/2021: U.S. Marines Planning Three Specialized Units for Island Fighting
Trung Quốc – Asean – Mỹ
Tổng thống Philippines đòi Mỹ trả tiền để duy trì hiệp ước quân sự song phương
“À, họ phải trả tiền. Đó là trách nhiệm chung,” ông Duterte nói về Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) với Mỹ. “Vì dù thế nào đi nữa, khi chiến tranh nổ ra, tất cả chúng ta đều sẽ phải chịu chi phí,” ông Duterte nói trong bài phát biểu trước binh lính Philippines về khả năng xảy ra xung đột trên Biển Đông.
Ông Duterte không nói rõ là muốn Mỹ trả chi phí gì.
Bài phát biểu được đưa ra vài ngày sau khi các quan chức Mỹ và Philippines gặp nhau để bàn về hợp tác an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng ông hy vọng hoạt động quân sự chung với Mỹ sẽ được khôi phục trong mùa hè này, theo tờ Inquirer.
Xem thêm:
Reuters này 12/2/2021: Philippines’ Duterte tells U.S. ‘you have to pay’ if it wants to keep troop deal
Tiền Phong ngày 13/2/2021: Tổng thống Philippines đòi Mỹ trả tiền để duy trì hiệp ước quân sự song phương
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba có bài viết trên báo Việt Nam
Trong bài viết trên Báo Thế giới & Việt Nam, cơ quan của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho rằng, Những thành quả hợp tác giữa hai nước trong năm 2020 đã “thể hiện nội hàm sâu sắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt cũng như tinh thần trách nhiệm của hai nước Trung Quốc và Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.” Ông khẳng định, Trung Quốc “sẵn sàng đoàn kết chung tay với Việt Nam, lấy việc thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước làm đường lối chính, củng cố hơn nữa tình hữu nghị Trung-Việt, đi sâu hợp tác cùng có lợi, tạo ra cơ hội mới trong nguy cơ, mở ra cục diện mới trong biến động, cùng đưa quan hệ hữu nghị Trung-Việt lên tầm cao mới trong thời đại mới.”
Xem thêm:
Báo Thế giới & Việt Nam ngày 15/2/2021: Trung Quốc-Việt Nam: Cùng xây dựng tương lai mở ra cục diện mới
Việt Nam tăng cường bố phòng ở Trường Sa
Báo cáo mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á cho thấy Việt Nam tiếp tục có các hoạt động cải tạo và nâng cấp nhằm tăng cường khả năng quân sự tại các điểm đảo ở Trường Sa để đảm bảo các cơ sở này có khả năng răn đe hoặc tấn công các cơ sở của Trung Quốc.
– Nâng cấp bãi Đá Tây và đảo Sinh Tồn:
Trong tất cả các tiền đồn của Việt Nam tại Trường Sa, Đá Tây và đảo Sinh Tồn có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong hai năm qua. Phần lớn trong số gần 30 ha diện tích của Đá Tây là sản phẩm của quá trình cải tạo từ năm 2013 đến 2016. Trong 2 năm qua, Đá Tây đã được xây dựng thêm một số công trình phòng thủ ven biển, các tòa nhà hành chính, các boong-ke bằng bê-tông và một cấu trúc hình tháp lớn có lẽ là hệ thống liên lạc hoặc tình báo tín hiệu. Các mũi phía bắc và phía nam của hòn đảo cũng đã được xây dựng mạng lưới công đường hầm và trồng cây xanh.
Đảo Sinh Tồn cũng được nâng cấp đáng kể trong hai năm qua, đáng chú ý nhất là việc xây dựng các công trình phòng thủ dọc theo bờ biển. Việc xây dựng này bắt đầu vào năm 2019 và tập trung trên khu đất hơn 10 ha mới được cải tạo từ năm 2013 đến năm 2016. Khu đất mới cải tạo ở phía bắc của đảo Sinh Tồn đã được dọn sạch để xây dựng các đường hầm và công sự ven biển; việc xây dựng này có thể đã hoàn thành khi ảnh vệ tinh vào tháng 11/2020 cho thấy cây xanh tại khu vực này đã bắt đầu được trồng lại.
Việc nâng cấp ở Đá Tây và đảo Sinh Tồn khá giống với các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa với các công trình phòng thủ ven biển – các ụ bê tông thường được kết nối với boong-ke.
– Tăng cường khả năng phòng không và phòng thủ bờ biển
Trên các tiền đồn của Việt Nam tại Trường Sa có 3 loại ụ được xây dựng bao gồm: ụ có những miếng đệm thuôn dài có thể được sử dụng cho mục đích phòng không tại đảo Phan Vinh, đảo Sơn Ca, Nam Yết và Song Tử Tây (có thể được thiết kế để sử dụng cho các hệ thống phòng không cũ của Liên Xô như S-125 Pechora-2TM); ụ có bệ bê tông hình bán nguyệt có thể được sử dụng cho mục đích phòng thủ ven biển tại đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông và Trường Sa lớn và loại ụ có các miếng đệm trong nhỏ hơn được thấy ở Sơn Ca, Trường Sa Đông và Song Tử Tây.
Việt Nam cũng được cho là có các hệ thống vũ khí mới hơn, với tầm bắn xa hơn tại các tiền đồn của mình. Năm 2016, hãng tin Reuters đưa tin Hà Nội đã triển khai hệ thống tên lửa pháo EXTRA được mua từ Israel tới 5 tiền đồn tại Trường Sa. Kích thước nhỏ gọn, yêu cầu cơ sở hạ tầng tối thiểu có thể giúp chúng dễ dàng được triển khai và có thể được bắn ra từ bất kỳ tấm đệm nào được xác định ở trên cũng như bất kỳ bề mặt phẳng, cứng nào. Với tầm bắn 150 km, các hệ thống EXTRA có khả năng tấn công tất cả các căn cứ ở Trường Sa của Trung Quốc từ đó gia tăng khả năng răn đe đáng kể của Hà Nội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mở rộng các cơ sở tại Đá Đông và Đá Tốc Tan vốn gần như ngập trong nước. Kể tử năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp 8 trong tổng số 24 cơ sở đặt trên các bãi đá ngầm và 12 trong tổng số 14 nhà giàn DK1.
Xem thêm:
AMTI ngày 19/2/2021: Vietnam shores up its Spratly defenses
Trung Quốc sử dụng công nghệ truyền thông vệ tinh của Hoa Kỳ ở Biển Đông
Trong những năm gần đây, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đã thống trị Biển Đông. Cơ sở hạ tầng liên lạc mới và hệ thống giám sát giúp lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc giám sát và kiểm soát tốt hơn các vùng biển trên khu vực Biển Đông thông qua trí tuệ nhân tạo và radar chống tàng hình.
Những tài liệu công khai gợi ý rằng ít nhất một số lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đang sử dụng công nghệ của Mỹ để để tăng cường khả năng liên lạc của họ ở Biển Đông. Bài viết này xem xét kỹ lịch sử mua sắm của một trong những lực lượng như vậy, Lực lượng Thực thi Pháp luật Toàn diện Tam Sa (SCLE) để tìm ra cách các lực lượng thực thi pháp luật trên biển ở thành phố Tam Sa đang sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thiệt hại cho Việt Nam, Philippines và các nước trong khu vực, đe doạ các lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực này. Bài báo kiến nghị các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý Mỹ cần lưu tâm và không để cho các lực lượng thực thi trên biển của Trung Quốc, thông qua các công ty tư nhân, tiếp cận công nghệ truyền thông vệ tinh cấp quân sự của Hoa Kỳ.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
CNOOC tăng vốn đầu tư năm 2021, tập trung vào các mỏ của Trung Quốc
Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đặt ngân sách chi tiêu vốn của mình ở mức 90–100 tỷ nhân dân tệ (13,9–15,5 tỷ USD) cho năm 2021, tăng 13,2–25,8 % so với ước tính 79,5 tỷ nhân dân tệ năm ngoái. Công ty sẽ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, với khoảng 72% vốn đầu tư nhắm vào thị trường nội địa, tăng so với 62% trong kế hoạch ban đầu của năm ngoái. CNOOC đã đặt mục tiêu sản xuất 1,49–1,52 triệu thùng/ngày cho năm 2021, với sản lượng của Trung Quốc chiếm khoảng 68%. Mục tiêu sản lượng tăng 3,5–5,6% so với sản lượng cao kỷ lục 1,44 triệu thùng / ngày vào năm ngoái. Công ty có kế hoạch thực hiện 19 dự án mới ở nước ngoài vào năm 2021, trong đó có 17 dự án ở Trung Quốc. Các dự án trọng điểm của họ là mỏ khí đốt Lăng Thuỷ (Lingshui) 17-2 và mỏ Lưu Hoa (Liuhua) 21-2 ở Biển Đông.
Xem thêm:
Kinh tế Xây dựng Năng lượng ngày 14/2/2021: CNOOC tăng vốn đầu tư năm 2021, tập trung vào các mỏ của Trung Quốc
https://dskbd.org/2021/02/23/ban-tin-bien-dong-so-52/
Không có nhận xét nào