Header Ads

  • Breaking News

    TBT Trọng tiếp tục ‘đốt lò’ và trấn áp tiếng nói bất đồng?


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Bình luận gửi cho BBC News Tiếng Việt hôm 31/01/2021, vài giờ trước khi truyền thông Việt Nam chính thức công bố tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Trung Ương Đảng khóa 13, Giáo sư Carl Thayer từ Úc viết:

    "Chúng ta có thể dự đoán là ông Trọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "đốt lò" và xây dựng đảng CSVN trong nhiệm kỳ thứ ba của mình. Ngoài ra, chúng ta có thể mong đợi một chính sách tiếp tục đàn áp các tiếng nói bất đồng trên các phương tiện truyền thông xã hội."

    Sức khỏe từng có vấn đề trong vài năm qua nhưng nay vẫn tiếp tục nắm vị trí quyền lực nhất, ông trở thành tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt đất nước bằng nắm đấm thép sau cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về toàn cảnh của Đại hội 13 và hướng đi tương lai của Việt Nam, nhà báo, nhà nghiên cứu Bill Hayton nói:

    "Việt Nam dường như đang trở thành một quốc gia được thống trị bởi những tập đoàn tài phiệt. Có một số người cực kỳ giàu có, có mối quan hệ thân mật với đảng cầm quyền và có thể tác động đến chính trị và kinh tế có lợi cho họ."

    "Và Đảng có vẻ cũng nhận thấy họ đạt được một số lợi thế khi có thể sử dụng các tập đoàn tư nhân lớn làm công cụ cho chính sách kinh tế của mình."

    "Vì vậy, Vingroup, chẳng hạn, có thể đi tiên phong trong chính sách phát triển ngành sản xuất của nhà nước và đổi lại, họ được hỗ trợ rất nhiều qua những thay đổi về luật pháp, trợ cấp kinh tế - và thậm chí cả gián điệp công nghiệp. Vì vậy, có một mối quan hệ cộng sinh giữa giới tài phiệt và đảng CSVN. Tuy nhiên, quan hệ đó không phải lúc nào cũng là một quan hệ dễ dàng. Đôi khi quyền lực của giới tài phiệt trở nên quá lớn và phải bị lấy bớt đi."

    "Đây có vẻ là một tiến trình mà nhiều nước đang phát triển đã đi qua. 'Chủ nghĩa tư bản thân hữu' là một đặc điểm của nhiều nền kinh tế của các Con hổ Châu Á trong thập niên 1990 chẳng hạn. Mối quan hệ thân mật giữa các doanh nghiệp và chính trị gia là một trong những nguyên nhân của cuộc Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997. Chúng cũng là một đặc điểm của giai đoạn phát triển kinh tế trước đó ở nhiều nước giàu. Cái gọi là 'Thời đại vàng son' ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 có các nhà tư bản độc quyền sử dụng đủ loại chiến thuật - hợp pháp và bất hợp pháp - để tiếp tục kiếm tiền."

    "Tuy nhiên, sự tồn tại của một nền dân chủ, một nền báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập cuối cùng đã dẫn đến sự kiểm soát cái gọi là 'tập đoàn tài phiệt' và sự chia sẻ của cải giữa những bộ phận xã hội rộng lớn hơn. Việt Nam thiếu dân chủ, báo chí tự do và các tổ chức công đoàn độc lập, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu nước này có đủ năng lực để kiểm soát giới tài phiệt và chia sẻ của cải rộng rãi hơn trong xã hội hay không."

    Tập trung quyền để làm gì?

    Trong hệ thống chính trị Việt Nam, các nhà lãnh đạo được trông đợi là sẽ nghỉ hưu khi quá 65 tuổi. Ông Trọng, năm nay 76 tuổi, lần thứ hai được giữ lại như một "trường hợp đặc biệt".

    Ứng cử viên cao niên Nguyễn Phú Trọng và chuyện ông sẽ ở lại quá hạn cũng là đề tài mà một số nhà quan sát cho là phản ánh các vấn đề sâu sắc hơn ở Việt Nam: khác biệt Nam - Bắc, định hướng quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc.

    Nhà phân tích Philip Orchard, trong khi đó, viết trên trang Geopolitical Futures trước khi Đại hội 13 của Đảng CSVN kết thúc, rằng tuy dùng chiến dịch chống tham nhũng giống Tập Cận Bình để "thay thế mô hình lãnh đạo đồng thuận (consensus model) và tạo ra cách điều hành quyết đoán hơn để giải quyết các vấn đề đang nảy sinh ở Việt Nam" nhưng ông Trọng không phải là một Tập Cận Bình của Việt Nam.

    Việc ông Trọng nếu tái đắc cử, theo Philip Orchard, chỉ nhằm để tiếp tục mô thức cầm quyền ông ta tạo ra.

    Khác với Tập Cận Bình, không có nỗ lực nào trong việc tạo dựng tôn sùng cá nhân đối với ông Trọng, không có thông điệp nào từ phương tiện truyền thông nhà nước ám chỉ rằng chỉ một mình ông Trọng là có thể khôi phục lại cho Việt Nam vinh quang đã mất. Ông Trọng được dư luận trông đợi sẽ về nghỉ hưu "khi mà cấp dưới hết tranh cãi với nhau đủ lâu để có thể đồng ý với nhau về cách thay thế ông tốt nhất nhằm gỡ thế bí (gridlock) nhân sự".

    Trước ĐH 13, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trong một bài viết cho BBC nhận xét rằng người mà ông Trọng đang đi tìm "là chính ông", một chỉ dấu cho thấy sự bế tắc trong việc chuyển giao quyền lực ở thời điểm này.

    "Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình," Tiến sĩ Liêm viết.

    https://www.bbc.com

    Không có nhận xét nào