Tàu khảo sát của Trung Quốc mang tên Thám Tác 2 (Tan Suo 2) vừa hoàn tất chuyến nghiên cứu trong khu vực mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đòi chủ quyền ở Biển Đông, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc và dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển mà RFA thu thập được.
Tàu khảo sát Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để lấy mẫu và thử tàu lặn |
Tàu
khảo sát Thám Tác 2 rời cảng Tam Á (Hải Nam) hôm 2/2 và đi về vùng
nước phía tây quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 140 hải
lý, với mục đích được truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo là thu
thập các mẫu sinh học, thử các tàu lặn và tiến hành các nghiên cứu khác
cho đến ngày 9/2.
Chuyến đi của tàu này vào vùng đặc quyền kinh
tế (EEZ) của Việt Nam là chuyến đi nghiên cứu mới nhất ở Biển Đông của
Trung Quốc, nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bất chấp những
yêu sách về chủ quyền của 5 nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam,
Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan.
Hôm 17/2, Hải quân Mỹ
đã điều tàu chiến đi qua khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa
Trung Quốc và các nước khác ở Biển Đông trong hoạt động tự do hàng hải
(FONOP), theo thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.
Bất chấp những
tranh chấp hiện hữu về chủ quyền trên biển, các tàu khảo sát của Trung
Quốc liên tục thực hiện các chuyến khảo sát ở Biển Đông và hơn thế, còn
nghiên cứu các nguồn tài nguyên, vẽ bản đồ lòng biển, thử nghiệm các
công nghệ mới và tiến hành các loại nghiên cứu khoa học khác. Các hoạt
động nghiên cứu này đã khiến các nước láng giềng tức giận.
Ví dụ,
vào tháng 1 vừa qua, một tàu có tên Jia Geng (Gia Canh) của Đại học Hạ
Môn (Xiamen), Trung Quốc, đã hoạt động trong vùng nước của Philippines
mà không được phép của chính phủ Philippines, theo thông tin từ trang
Inquirer.
Vào tháng 12/2020, Indonesia phát hiện một thiết bị lặn
không người lái nghi ngờ là của Trung Quốc gần đảo Selayar. Thiết bị
này có thể đã thu thập các dữ liệu cho các tàu ngầm của Hải quân Quân
đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Các thông tin về chuyến
khảo sát của tàu Thám Tác 2 được đăng tải trên truyền thông Trung Quốc
cho thấy tàu này thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển Sâu Trung Quốc,
một cơ quan nghiên cứu thuộc nhà nước. Các dữ liệu mà RFA xem xét xác
nhận viện này là chủ sở hữu và quản lý tàu Thám Tác 2.
Tàu
Thám Tác 2 mang theo một đội ngũ gồm 60 người thuộc Học Viện Khoa học
Trung Quốc, tàu lặn có người điều khiển có tên “Chiến binh Biển Sâu”.
Theo
Tân Hoa Xã, trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã hoàn tất 9
lần lặn, thu thập các mẫu nước, trầm tích và sinh học biển sâu được dùng
để xây dựng một “ngân hàng tài nguyên sinh học biển sâu Biển Đông” và
nghiên cứu tìm hiểu bằng cách nào các sinh vật hữu cơ thích ứng với môi
trường biển sâu.
Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành hoạt động
chung đầu tiên với sự tham gia của “Chiến binh Biển Sâu” và tàu lặn di
động Luling, theo Tân Hoa Xã.
Chính phủ Việt Nam hiện vẫn chưa
công khai đưa ra bình luận gì về chuyến đi của tàu Thám Tác 2 ở vùng
nước mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đòi là vùng đặc quyền kinh tế của
mình.
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), các
quốc gia ven biển có quyền quản lý, cho phép, và thực hiện các nghiên
cứu khoa học trong vùng EEZ của mình. Đây là vùng nước nằm trong vòng
200 hải lý tính đến đường cơ sở của quốc gia đó.
Trong 2 năm qua, tàu Thám Tác 2 đã nhiều lần hoạt động ở Biển Đông và đi vào vùng nước thuộc Thái Bình Dương.
Ví
dụ, tàu này đã đi vào vùng nước phía đông nam quần đảo Hoàng Sa vào
tháng 7 năm 2020. Tàu đã hoàn tất ít nhất 4 chuyến vào khu vực Biển Đông
từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái. Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 12/2020,
Thám Tác 2 đã hoàn tất chuyến khảo sát kéo dài 57 ngày tới Rãnh Mariana.
Trong chuyến đi này, tàu đã triển khai “Chiến binh Biển Sâu” cho 32 lần
lặn, thu thập một loạt các mẫu sinh học và trầm tích và thực hiện các
nghiên cứu khác.
https://www.rfa.org/
Không có nhận xét nào