Header Ads

  • Breaking News

    Quan ngại trước việc mượn tên người trong nước mua đất

    Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả vừa được Ủy Ban Nhân Dân (UBND) TP Hồ Chí Minh (TPHCM) ban hành, cho thấy có nhiều vấn đề tồn tại trong Luật Đất Đai 2013 hiện hành. Đáng quan tâm nhất, theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố, là việc kiểm soát quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt những nơi có liên quan tới quốc phòng, an ninh.

    Quan ngại trước việc mượn tên người trong nước mua đất

    Dù như các quy định pháp luật đã hoàn chỉnh, giới hữu trách TPHCM vẫn cho rằng vấn đề không nằm trong các quy định pháp luật mà nằm trong việc thực thi pháp luật không nghiêm minh.

    Nói một cách khác, văn bản của UBND thành phố HCM nhấn mạnh, pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý để ngăn chặn hình thức núp bóng người Việt Nam mua bất động sản của hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước.

    Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh, Luật Đất Đai 2013 vẫn minh định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà Nước quản lý bằng pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và hành chính  đất đai.

    Quyền sử dụng đất được xác định là quyền tài sản về đất đai thuộc người sử dụng, nhưng theo Nhà Nước về mặt pháp lý còn những khoảng trống tạo sai lệch trong xử lý và thực thi pháp luật ở những mức độ khác nhau.

    Theo ông Phan Thành, Việt kiều Canada, về nước từ giữa những năm 1980, quyền sử dụng đất đai trong sinh sống hay kinh doanh được nói tới ở đây không nhắm vào người còn giữ quốc tịch Việt Nam mà chủ yếu nhắm vào giới đầu tư ngoại quốc, được báo chí gọi là đại gia nước ngoài núp bóng người Việt trong nước để mua bất động sản kinh doanh ngay trên lãnh thổ Việt Nam:

    “Tôi về mua đất và để cho em tôi đứng tên. Sau đó Nhà Nước cho kiều bào có quyền mua nhà mua đất để thành lập công ty thì em út tôi sang tên cho tôi. Tôi được sử dụng giống người trong nước luôn, tôi làm khu du lịch văn hóa sinh thái Về Nguồn ở ngay Quận 2 nay thuộc thành phố Thủ Đức”.

    Chuyện người nước ngoài mượn danh nghĩa hay núp bóng người Việt để mua nhà đất ở Việt Nam là có, ông Phan Thành xác nhận, nhiều nhất là trường hợp người Trung Quốc ở Đà Nẵng mà báo chí gọi là những đại gia nước ngoài:

    “Hồi giờ Luật Việt Nam mình không cho người Trung Quốc được quyền đứng tên mua đất. Người Trung Quốc bèn nhờ người Việt làm cho họ. Chỗ đất đó ở Đà Nẵng gần sân bay Đà Nẵng là của Nhà Nước, vì vậy bị người ta dẹp thôi”.

    Nếu là Việt kiều mà còn quốc tịch Việt thì chuyện mua và sử dụng đất ở Việt Nam không trái luật, nhưng nếu là người ngoại quốc thì khác, là lời Việt kiều Pháp Nguyễn Đăng hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh:

    “Chúng tôi là Việt kiều Pháp nhưng có quốc tịch Việt Nam. Không có quốc tịch Việt Nam thì không mua nhà đất được mà chỉ mua được căn hộ thôi”

    “Công ty ngoại quốc về đây làm thì có qui chế riêng, có quyền mua căn hộ chứ không có quyền mua nhà có đất. Chẳng hạn con trai chúng tôi về đây làm trong công ty IECD của Pháp thì có quyền thuê đất, có giao kèo với chủ đất và phải xin phép chính phủ để kinh doanh. Còn muốn sở hữu thì phải có quốc tịch Việt”.

    Về quan ngại là đại gia nước ngoài núp bóng người Việt trong nước để tậu nhà tậu đất, ông Nguyễn Đăng cũng cho rằng mối lo này là có cơ sở:

    “Đại gia ngoại quốc là ám chỉ người Trung Quốc. Trung Quốc mua trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Một khi người Trung Quốc sang đây thì họ mua cơ sở rất lớn, họ xây xưởng rồi mang người Tàu sang làm việc chứ người Việt Nam không được vào. Theo tôi thì Việt Nam muốn có một luật chung để chặn vấn đề người Tàu sang đây mua quá nhiều đất rồi xây xưởng rồi mang nhân công sang, cứ như là xâm nhập một cách từ từ vậy đó”.

    Câu hỏi vì sao có những biện pháp chế tài hành chính khá nghiêm khắc như vậy mà người dân vẫn môi giới và nhận đứng tên chủ sở hữu giúp người Trung Quốc nhận chuyển nhượng nhà đất tại Việt Nam, thậm chí thâu tóm đất tại những vùng trọng yếu thuộc Cam Ranh, Khánh Hòa của Việt Nam chẳng hạn. - LS Minh Thọ

    Đây là vấn đề gây lo ngại cho rất nhiều giới hữu trách, là khẳng định của luật sư, nhà báo Minh Thọ qua điện thư liên quan gởi cho RFA.

    Theo luật sư, nhà báo Minh Thọ, Khoản V, Điều 63 của Nghị định số 139/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng dưới hình thức mua bất động sản kinh doanh mà không có quốc tịch Việt Nam.

    “Thứ nhất là 200 đến 300 triệu Đồng tiền phạt đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đó là bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định. Kế đến là việc bán nhà đất mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu.

    Thứ ba, không gửi thông tin để đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Sở Xây Dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài”.

    Pháp luật về nhà ở và đất đai đã qui định khá rõ khá nghiêm như vậy, luật sư, nhà báo Minh Thọ khẳng định, sao vẫn có trường hợp người nước ngoài mua được đất tại Việt Nam:

    “Không ít người chỉ vì chút lợi ích cá nhân đã "tiếp tay" bằng cách môi giới mà còn đứng tên chủ sở hữu giúp cho người nước ngoài thực hiện việc nhận chuyển nhượng đất đai”

    “Câu hỏi vì sao có những biện pháp chế tài hành chính khá nghiêm khắc như vậy mà người dân vẫn môi giới và nhận đứng tên chủ sở hữu giúp người Trung Quốc nhận chuyển nhượng nhà đất tại Việt Nam, thậm chí thâu tóm đất tại những vùng trọng yếu thuộc Cam Ranh, Khánh Hòa của Việt Nam chẳng hạn. Thật sự rất khó, nếu không muống nói là quá khó cho chính quyền quản lý và giám sát hoạt động "ngầm" này, gây không ít lo ngại cho nhiều người dân Việt Nam”.

    Ủy Ban Nhân Dân TPHCM đã có lý, luật sư kiêm nhà báo Minh Thọ nói tiếp, khi thừa nhận chưa có quy định xử lý nhằm ngăn chặn các đại gia nước ngoài núp bóng người Việt Nam mua các bất động sản của hộ gia đình, cá nhân

    “Bởi lẽ các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính cũng như hình sự trong lĩnh vực đất đai chưa hề điều chỉnh hành vi gọi là Đứng- Tên- Giùm trong giấy chứng nhận ‘Quyền sử dụng đất’ và ‘Quyền sở hữu nhà’”.

    Đây thực sự là kẽ hở không nhỏ của Luật Đất Đai 2015 mà cần phải được bổ sung, luật sư Minh Thọ nói tiếp.

    Chính vì thế, việc nghiên cứu đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố đang thực hiện là một công việc vô cùng cần thiết, luật sư kiêm nhà báo Minh Thọ kết luận.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào