Header Ads

  • Breaking News

    Phòng chống dịch COVID-19 dịp Tết sẽ khó khăn hơn?

    Đến chiều ngày 8 tháng 2 năm 2021, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chuẩn thuận đề nghị của Bộ Y tế về biện pháp áp dụng giãn cách xã hội tại một số nơi ở TP.HCM. Ông Phúc cũng đồng ý cho các địa phương được áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch COVID-19.

    Phòng chống dịch COVID-19 dịp Tết sẽ khó khăn hơn?

    Tính đến tối ngày 8 tháng 2 năm 2021, Việt Nam ghi nhận có thêm 45 ca mắc mới so với ngày hôm trước. Tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ đầu mùa dịch đến nay tại Việt Nam là 2050 ca; 35 trường hợp tử vong. Riêng TP.HCM đã phong tỏa hơn 10 địa điểm có các ca nhiễm bệnh.

    Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON, TP.HCM nhận định về tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại thành phố này:

    “Ở Sài Gòn sáng giờ phát hiện hai mươi mấy ca nên mọi người đang rất là chộn rộn. Nhưng nguyên nhân thì cho đến giờ này cũng không rõ tại sao vì thông tin không đầy đủ. Tôi thì tôi nghĩ nó cũng có liên quan vấn đề chủ quan của việc số người nhiễm ít, và nó bùng phát lên. Có thể nó bùng phát lâu rồi nó mới ra một lúc mấy chục người như vậy.

    Tôi nghĩ nếu kiểm soát được tốt thì cũng có thể ngăn chặn kịp thời. Vấn đề là ổ dịch ở TP.HCM cho đến giờ vẫn chưa xác định được thời điểm nào là thời điểm bắt đầu.

    Con virus bùng phát lần này lại không phải là con virus biến chủng kiểu Anh. Cho nên người ta nghĩ là nó đã lâu rồi. Bây giờ có cái phức tạp là F1 âm tính mà F2 lại dương tính. Như vậy việc xác định F1, F2 có đúng hay không?

    Tức là cái ở dịch nằm ở đâu đó vẫn chưa tìm ra; thời điểm nào bùng phát cũng chưa tìm ra. Bây giờ còn quá sớm để nói khả năng khống chế sẽ như thế nào nhưng chắc chắn đợt dịch ở TP.HCM sẽ phức tạp hơn ở Chí Linh vừa qua hay Đà Nẵng mấy tháng trước đây.”

    Một số người dân mà RFA trò chuyện cho rằng, lần này chính phủ không làm mạnh tay. Thêm vào đó, bệnh dịch bùng phát vào dịp Tết thì Việt Nam sẽ khó kiểm soát vì người dân sợ bị cách ly nên không khai báo y tế trung thực.

    Tại TP.HCM, Bộ Y Tế Việt Nam vào sáng ngày 8 tháng 2 cảnh báo số trường hợp dương tính ở tổ bốc xếp hàng hóa tại phi trường Tân Sơn Nhất không chỉ dừng ở con số 29 tính đến lúc này mà có thể thêm.

    Cô Trúc Khê, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM e rằng, dịch bệnh bùng phát vào thời điểm Tết sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Cô giải thích:

    “Theo tôi, chính phủ rất chú trọng tới dịch bệnh nhưng họ làm theo kiểu ‘cuốn chiếu’ chứ không làm đồng loạt như đợt đầu. Dịch tới đâu thì họ dập tới đó bằng cách có gắng tìm ra nguồn lây để chặn. Nhưng với dịp Tết này thì khó, nếu nói người dân không có trách nhiệm với cộng đồng thì chỉ đúng một phần. Phần lớn là vào dịp Tết nên họ sợ bị cách ly, không được gặp gia đình nên họ không giấu diếm bệnh. E rằng chính quyền không kiểm soát nổi.”

    Đề đề phòng trường hợp người bệnh không khai báo y tế, ông Vương Đình Huệ, Bí thư thành phố Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp bệnh nhân bị phát hiện cố tình không khai báo y tế để lây nhiễm ra cộng đồng, nếu cần, sẽ xem xét xử lý hình sự.

    Sở Tư Pháp Hà Nội hôm cuối tuần qua đề ra 15 mức xử phạt trong trường hợp cố tình không khai báo y tế. Mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng và phạt tù từ 20 năm hoặc chung thân.
     

    Đợt dịch thứ ba bắt đầu từ ngày 27 tháng 1 năm 2021 chỉ với hai tỉnh có người nhiễm là Hải Dương và Quảng Ninh. Tới nay đã có 12 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Điện Biên, Bình Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Giang.

    Trong đó, Hà Nội bị coi là điểm nóng với 19 ca nhiễm trong 2 ngày 31 tháng 1 và 1 tháng 2.

    Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện khẩn yêu cầu người dân phải thực hiện tốt thông điệp “5K” gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Hạn chế tối đa tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội, chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm quy định phòng, chống dịch.

    Trước đó, vào tối ngày 2 tháng 2 năm 2021, một chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức quy mô hàng ngàn người với mục đích chào mừng thành công của Đại hội Đảng 13, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại, lây lan nhanh trong cộng đồng. Chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có biện pháp cách ly những người tham gia chương trình này, thì nguy cơ lây nhiễm cho người dân là rất cao và khó kiểm soát.

    Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương từ Hà Nội nêu quan điểm của bà:

    “Lần này thì chính quyền cũng có những biện pháp tích cực nhưng người dân người ta e ngại cho nên người ta không khai báo. Mà không khai báo thì rất khó kiểm soát. Theo công bố thì chỉ có khoảng 10% khai báo, còn 90% còn lại thì rất mù mờ. Đó là điều khó khăn hiện nay.

    Ngoài lý do họ e ngại không được về ăn Tết với gia đình thì còn một lý do nữa là họ còn phải kiếm sống. Rất nhiều người họ kiếm sống nhờ vào dịp Tết này. Cả năm chỉ có một dịp thôi.

    Biện pháp đối phó của chính phủ với dịch bệnh lần này cũng khác lần đầu tiên. Lần đầu họ ra lệnh giãn cách xã hội cả nước. Sau đó kinh tế bị ảnh hưởng nhiều quá nên lần này họ thay đổi, chỉ những vùng nào có người nhiễm bệnh thì bị phong tỏa, còn những vùng khác thì vẫn bình thường. Tức là chỉ phòng dịch thôi.”

    Một người dân cho rằng, chính quyền giấu nhẹm các ca dương tính trong cộng đồng, áp lực lắm họ mới công bố nhỏ giọt thôi. Còn biện pháp chống dịch thì lâu nay vẫn thế.

    Cuối tháng 3 năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam lần đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

    Song song đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

    Với đợt bùng phát này, chính phủ không ra những yêu cầu gắt gao, đồng loạt như vậy. Lý do được nói là vì kinh tế.

    Trong đại dịch COVID-19, việc phải làm sao để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh một cách hữu hiệu mà vẫn duy trì, ổn định kinh tế là bài toán khó của tất cả các quốc gia trên thế giới.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào