Nguyễn Văn Bé và gia đình
Họ bắt được anh ta ở gần làng My Quy ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh ta được cho là đang trên đường mang vũ khí đến một trận tuyến của Việt Cộng. Nhưng thiết giáp lội nước của quân đội chính phủ Nam Việt Nam đã chặn đường đi của Nguyễn Văn Bé 20 tuổi. Những gì xảy ra sau đó người ta đọc được trong tờ báo Đảng Cộng sản “Tiền Phong” ở Hà Nội vào ngày 7 tháng 12 năm 1966 như sau:
“Sau khi chống cự dữ dội, Nguyễn Văn Bé bị địch bắt. Trong lúc hỏi cung, dù bị tra tấn tàn nhẫn nhưng anh không nói lời nào. Cuối cùng địch ra lệnh cho anh Nguyễn Văn Bé trẻ tuổi nhặt vũ khí anh mang theo lên để kiểm tra. Dũng cảm và không hề sợ hãi, Nguyễn Văn Bé đã lợi dụng cơ hội này để ôm một quả mìn 10 kg và lao mình đến một chiếc tăng M-118 đỗ ở gần đó. Trong khoảnh khắc ấy, anh hô to: ‘Mặt trận Giải phòng muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ!’ Quả mìn nổ tung điếc tai và xé nát thân thể người anh hùng trẻ tuổi. Tiếp theo sau đó là một loạt vụ nổ long trời lở đất. Chiếc M-118 của Mỹ bị phá hủy, 2 chiếc M-113 bị hư hỏng, 69 lính địch bị giết chết, trong đó có 12 tên Mỹ xâm lược.”
Nguyễn Văn Bé trở thành anh hùng nhân dân số một của Hà Nội như thế. Trường học và trung đoàn mang tên anh ta. Nhiều bài hát, bài thơ và lời kêu gọi đã tôn vinh lòng dũng cảm và can đảm của anh ta. Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt Nam, đã tưởng nhớ anh ta với nhiều nước mắt khi tôn vinh hành động anh hùng của Văn Bé trước Quốc Hội ở Hà Nội. Và người mẹ già nua của anh ta khóc sụt sùi trên Đài Phát Thanh Hà Nội: “Nếu như những tên đế quốc Mỹ và đày tớ đao phủ của chúng không xâm lược miền Nam thì con trai của tôi đã không phải chết. Nhưng hôm nay, tôi hạnh phúc là con tôi đã chết một cái chết anh hùng, vinh quang. Tôi đã quá già để có thể chiến đấu. Nhưng tôi sẽ làm 100 cái bẫy mìn, để trả thù cho cái chết của con tôi. Tôi tự hào rằng Bé là một anh hùng như vậy.”
Cùng thời gian đó, khi điều ấy được nói, viết và tường thuật, người anh hùng Nguyễn Văn Bé đang ngồi ăn cơm ở Sài Gòn…
“Tôi cũng không biết tại sao họ lại làm cho tôi trở thành anh hùng”, người thanh niên trẻ tuổi gầy gò nói, con người được cho là đã xé nát 69 lính địch với một quả mìn. “Đúng là tôi có nhiệm vụ mang vũ khí vào quận My An. Ở làng My Quy chúng tôi gặp phài quân lính của chính phủ. Tôi ném hai quả lựu đạn mang theo người và lặn xuống bùn. Khi tôi trồi lên để thở thì bị quân đội chính phủ bắt. Tôi vào một trại, ở đó nhiều tháng, cho tới khi vài người Mỹ đến gặp và đưa cho tôi xem những tờ báo từ Hà Nội mà trên đó đăng rằng tôi là một người hùng của nhân dân…”
Vâng, tất nhiên là lúc đó thì anh chàng Nguyễn Văn Bé trẻ tuổi rất ngạc nhiên. Trước đó, người Mỹ cũng đã rất ngạc nhiên: Họ tuyệt vọng tìm 69 người chết ấy, những người không thiếu vắng ở đâu cả nhưng đúng ra thì phải thiếu. Cho tới khi họ bắt đầu tìm trong các trại tù binh một cách có hệ thống. Họ tìm được Nguyễn Văn Bé như vậy…
Kể từ lúc đó, hàng triệu truyền đơn đã rơi từ trên cao xuống Bắc và Nam Việt Nam với hình ảnh của Bé còn sống, người đang ở Sài Gòn và ngạc nhiên về cái chết anh hùng của chính mình. Không có câu chuyện nào của cuộc chiến này mà trong đó người cộng sản đã vấp ngã nặng như câu chuyện với người anh hùng Bé.
Và mặc dù vậy: Ở Hà Nội, một tượng đài vừa được khánh thành, và giống như những nhà cách mạng của Mao mang quyển sách của Mao trong túi, Việt Cộng mang hình ảnh và bài ca về Bé trên người, một anh chàng phải chết vì Đảng đã ra lệnh. Một anh chàng trẻ tuổi nói về chính mình: “Tôi có mặt hai lần trên thế giới: như là tượng đài ở Hà Nội và như là người đang sống ở Sài Gòn. Nhưng có ai tin tôi chứ? Lời nói dối đã nhanh hơn sự thật…”
“Tôi đoán rằng sẽ là một đêm khó khăn đấy.” Hạ sĩ Maddox đặt chiếc mũ phi công của anh ấy xuống và nhìn không chớp mắt vào tấm bản đồ. “Ở đây, tại Qu2 và R3 tôi nhìn thấy một hàng Chalies. Chúng cứ bình thản đi trên bờ ruộng lúa. Tôi nghĩ thầm: này, James – không thể như thế được. Từ lúc nào mà VC đi ngay trước mũi mình thế này? Nhưng mà như đã nói – vẫn có những tên đi như thế đấy. Chúng đã bắn trúng chiếc máy bay của tôi. Nhưng rồi tôi đã cho chúng bốc hơi…”
Hạ sĩ Maddox lôi ra vài quả lựu đạn khói màu đỏ. Chúng rơi xuống ngay giữa những người đó. Vài giây sau, “có rất nhiều chuyển động chết tiệt” xuất hiện trên cánh đồng lúa: Nhiều Việt Cộng ẩn nấp vừa ho vừa chạy trốn trên những con đường đi. Và rồi khi chiếc Cessna của Maddox bị bắn bằng súng cá nhân, thì anh ta biết mình đang gặp phải chuyện gì: Anh ấy đã phát hiện một cuộc họp của Việt Cộng ngay giữa ban ngày ban mặt.
“Rồi anh đã làm gì, hạ sĩ?” Thiếu tá Gordon hỏi, người đã khoanh một vòng tròn đỏ quanh ô vuông tọa độ khả nghi trên tấm bản đồ. “Tôi đã gọi mấy chiếc một trăm đến”, Maddox trả lời. “Họ đến sau năm phút. Họ bay trên tôi tròn 5000 mét và rồi…” Rồi mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch. Bốn chiếc máy bay ném bom F-100 bay vòng quanh cánh đồng bé tí hon và những cánh rừng ngập mặn kế cận trong một vòng tròn khổng lồ ở độ cao 5000 mét. “Do you have me in sight?” [“Có nhìn thây tôi không?”] Maddox hỏi qua vô tuyến từ chiếc Cessna nhỏ bé của anh, đang bang vòng vòng ở độ cao 100 mét trên cánh đồng lúa khả nghi. “Yes, we have” [“Có, chúng tôi thấy”], mấy chiếc oanh tạc cơ trả lời. “Allright – rolling in in 30 seconds” [“Được rồi – Bay vào trong 30 giây nữa”] , Maddox nói to và nhắm vào cánh đồng lúa. Nửa phút sau đó, anh bắn chiếc hỏa tiển khói dưới cánh trái chiếc Cessna của mình – một đám mây trắng bốc lên từ cánh rừng ngập mặn. “Okay”, Maddox nói, sau khi xác định lại vị trí của cái nấm bằng khói. “Bay từ Bắc qua Nam. Mục tiêu nằm cách dấu khói 100 mét – ở đúng chín giờ.” “Roger – hiểu rồi”, các chiếc máy bay ném bom trả lời và bay sà xuống thấp.
“Không ai ra khỏi nơi đấy”, Maddodx nói và nhìn viên thiếu tá. “Họ ném bom chùm và bốn can napalm…”
Từ khi người Mỹ phân chia đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của một phần ba dân số toàn Nam Việt Nam và được cho là thành trì của Việt Cộng, ra thành hàng trăm ô tọa độ, những cánh đồng lúa, nhà cửa và khu rừng của khu đầm lầy này được kiểm soát liên tục – ít nhất là từ trên không. Các FAC lo cho điều này…
FAC (Forward Air Controler) trong Chiến tranh Việt Nam là những con chó săn trên không trung – những phi công với tỷ lệ tổn thất cao nhất. Họ bay với chiếc Cessna không vũ trang của họ ở độ cao một trăm mét trên rừng rậm và sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long và tìm kiếm quân địch – ví dụ như hạ sĩ James Maddox. Kết nối với máy vô tuyến của các FAC là trực thăng chiến đấu, máy bay ném bom, pháo binh – và trước hết là viên tỉnh trưởng của người Việt phải phê duyệt lệnh chiến đấu khi một Forward Air Controller phát hiện một tình huống “đáng đánh bom”. Quyền chỉ huy này, chỉ không có hiệu lực trong trường hợp khẩn cấp, thỉnh thoảng lại đẩy người Mỹ vào những tình cảnh hết sức khó xử, vì các viên tỉnh trưởng – toàn bộ đều là sĩ quan cao cấp – không ngần ngại nhiều với lệnh bắn của họ…
“Mới đây, một FAC của chúng tôi nhận nhiệm vụ trinh sát một ngôi làng”, Thiếu tá Gordon kể lại. “Một nông dân đã báo cho quân đội chính phủ hay rằng ông nhìn thấy vài Việt Cộng trong làng. Thế là vài con chó săn của chúng tôi được gửi đi để xem xét sự việc từ trên không và trong trường hợp khẩn cấp thì gọi pháo binh.” Viên Air Controller bay tuần tra nửa tiếng trên ngôi làng và rồi báo về qua vô tuyến: “Không có dấu hiệu của Việt Cộng. Tôi chỉ nhìn thấy nông dân, đàn bà và trẻ em.” Và rồi anh ta hỏi lại: “Viên tỉnh trưởng có còn muốn pháo kích vào làng trong tình huống này hay không?” Câu trả lời vài giây sau đó: “Sẽ pháo vào làng – hãy cho tọa độ đi.”
“Sau đó, quân đội chính phủ đã nã pháo vào làng nửa giờ đồng hồ với pháo binh của họ”, Gordon nhớ lại, người không thích những biện pháp ấy. “Vài ngàn dollar đã nổ tung – nhưng ơn Trời, không có ai chết hay bị thương. Bởi vì viên Air Controller của chúng tôi” – và viên thiếu tá mỉm cười trong lúc đó, “đã đưa tọa độ sai cho quân đội chánh phủ. Vì vậy mà họ đã bắn pháo nửa giờ liền vào một đầm lầy hoang. Ngay tối hôm đó, ông tỉnh trưởng báo cáo trận pháo kích “thành công”. Chúng tôi đã chúc mừng ông ây theo đúng nhiệm vụ – và đã khen ngợi viên Air Controler của chúng tôi. Thế là cuối cùng thì ai cũng hài lòng cả – quân đội chính phủ, dân làng, chúng tôi…”
Đó là sự cộng tác còn nhiều khiếm khuyết, điều mà ở Việt Nam khômg hiếm lần đã thoái hóa thành những cực đoan không còn có thể kiểm soát được nữa…
“Còn napalm thì như thế nào, thưa Thiếu tá?” Câu hỏi này không được ưa thích. Vì những người lính biết rõ hơn tất cả những người khác về tác động kinh hoàng của những cái can bằng nhôm này với hỗn hợp từ xăng đặc và phốt-pho trắng của chúng…
“Tất nhiên là cũng có ném napalm”, Thiếu tá Gordon nói, “nhưng chỉ được sử dụng hết sức hạn chế. Nó chỉ được phép sử dụng chống các căn cứ Việt Cộng đã được xác nhận một trăm phần trăm, và rồi cũng chỉ được sử dụng khi những vũ khí khác không hứa hẹn sẽ thành công.”
Nhưng thỉnh thoảng người ta gặp trong các bệnh viện trẻ em và phụ nữ Việt Nam với những khuôn mặt cháy xem, cứng đơ, đã được cứu chữa – nạn nhân của napalm. Họ – dù người ta có đứng ở bên nào đi chăng nữa – là một lời lên án đáng sợ. “Việc sử dụng napalm là một câu hỏi thuần túy về quân sự”, viên thiếu tá nói. “Và ở Việt Nam có những tình huống mà trong đó ngoài napalm ra thì không có vũ khí nào khác có một cơ hội. Rồi thì lần nào chúng tôi cũng đứng trước cùng một câu hỏi: Không sử dụng napalm và rồi có thể là phải chịu tổn thất cao? Ai có thể yêu cầu điều đó ở chúng tôi? Ngoài ra: những cuộc không kích bằng napalm chủ yếu nhằm vào hạ tầng cơ sở. Chúng tôi sử dụng vũ khí khác cho những mục tiêu khác – và về cơ bản thì chúng cũng không tốt hơn nhiều lắm đâu, chỉ là có ít người biết điều đó thôi.”
Ví dụ như những quả bom CBU tai tiếng – cluster-bomb-units. “Đó cũng là một loại vũ khí bằng can”, viên thiếu tá giải thích. “Trong một cái can như vậy có 800 quả bóng nhỏ bằng sắt. Trong mỗi một viên bi như vậy lại có nhiều viên bi nhỏ hay mảnh nhọn. Áp suất không khí sau khi ném xuống sẽ giật 800 quả bóng nhỏ ấy ra khỏi can, rồi chúng sẽ nổ ngay sau đó là tạo ra một cơn mưa mảnh xuống cả vùng.
Một quả bom bi như vậy – đó là 100.000 mảnh nhọn. Và có những cánh đồng lúa bị ném ba quả bom như thế chỉ vì một tên Việt Cộng duy nhất…
Hết chương XII: Còn napalm thì thế nào, thiếu tá?
Phan Ba dịch
https://phanba.wordpress.com/2021/01/31/dia-nguc-xanh-viet-nam-con-napalm-thi-the-nao-thieu-ta/
Không có nhận xét nào