Header Ads

  • Breaking News

    Những động thái mới của Chính quyền TT Joe Biden đối với Việt Nam

    Ảnh minh họa. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (ngoài cùng bìa trái), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ nhì, bìa trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ngoài cùng bìa phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thứ 11. Hình chụp ngày 8/9/16.

    AFP

    Tân Ngoại trưởng Mỹ điện đàm với người tương nhiệm Việt Nam

    Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết cuộc điện đàm lần đầu tiên giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xoay quanh nội dung hoan nghênh mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt-Mỹ tiến triển trong suốt 25 năm qua.

    Ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, tái khẳng định về sức mạnh của Đối tác Toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ.

    Hai vị bộ trưởng cũng thảo luận về cam kết chung đối với hòa bình, thịnh vượng cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; cũng như bảo vệ và duy trì một khu vực Biển Đông dựa trên căn bản pháp luật.

    Thạc sĩ Hòang Việt, vào tối ngày 5/2, cho RFA biết nhận định của ông về cuộc điện đàm vừa nêu:

    “Việc ông Blinken vừa có cuộc điện đàm với ông Phạm Bình Minh ngay sau Đại hội Đảng XIII của Việt Nam thì điều đó cho thấy sự kết nối từ chính sách của ông Trump tới chính sách của ông Biden, một là sẽ tiếp tục cứng rắn hơn ở Biển Đông đối với Trung Quốc và thứ hai là cũng có mối quan hệ chặt chẽ và tiếp tục phát triển với Việt Nam.”

    Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết thêm quan điểm của ông về chính sách của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Việt Nam và vấn đề Biển Đông trong thời gian tới:

    “Nói chung là đã có những dự đoán rằng ông Biden sẽ phải tiếp tục chính sách về Biển Đông như trước đây. Bởi vì là bản thân ông Blinken, khi đảm nhận vai trò ngoại trưởng cũng đã nhận xét rằng ông cũng đồng ý với chính sách cứng rắn của ông Trump trước đó đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách làm thì có thể khác. Và vấn đề Biển Đông cùng với vấn đề quan hệ với Việt Nam thì cả lưỡng đảng đều đồng thuận với nhau trước. Cho nên, có lẽ ông Biden không có những sự thay đổi nhiều.”

    Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia nghiên cứu và phân tích chính trị thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, trong cùng tối ngày 5/2 cho rằng chính sách về Biển Đông của Chính quyền ông Joe Biden sẽ có sự dung hòa trong việc kết hợp chính sách thời hai cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Tuy nhiên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan vấn đề Biển Đông dưới thời tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ bao giờ cũng giảm mức độ cứng rắn so với thời tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa nắm quyền.

    “Sự hợp tác này vẫn tiếp tục theo chính sách trước đây của Tổng thống Barack Obama và thêm vào chính sách thời Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Joe Biden sẽ quay về chính sách trước đây của Chính quyền ông Obama đã định ra, tức là chính sách tái cân bằng. Đồng thời sẽ tiếp tục theo chính sách mà Chính quyền ông Trump nêu ra hồi cuối năm 2017. Do đó, Chính quyền ông Biden sẽ theo đuổi chính sách mạnh hơn so với thời ông Obama, nhưng lại nhẹ hơn chính sách thời ông Trump. Tức là, Chính quyền ông Biden không nói nặng lời như thời ông Trump và cũng không làm những việc chỉ nhắm vào Trung Quốc thôi, mà ông Biden sẽ làm những việc, ví dụ như đối với bốn nước gồm Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Úc thì ông Biden sẽ mở rộng ra thành một khung an ninh mà nó có thể thu hút được những nước khác trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á cũng như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.”

    Chiến hạm Mỹ đi vào vùng quần đảo Hoàng Sa

    Vào ngày 5/2, chiếc khu trục hạm USS John McCain, thuộc Hạm đội 7, Hải Quân Hoa Kỳ đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, tại Biển Đông.

    Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải, gọi tắt theo tiếng Anh là FONOPS, nhằm đề cao quyền tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển theo luật quốc tế. Và đây là chuyến thực hiện quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ đầu tiên ở Biển Đông, dưới thời tân Tổng thống Joe Biden.

    Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng động thái mới nhất của Hoa Kỳ ở Biển Đông qua việc chiến hạm Mỹ tuần tra tự do hàng hải vào ngày 5/2 cho thấy những báo hiệu về biện pháp mạnh mẽ của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

    “Nhiều người cho rằng chính sách của ông Biden không mạnh mẽ bằng chính sách của ông Trump. Tôi thì không cho là như vậy. Bởi vì ngay trong ngày nhậm chức tổng thống của ông Biden vào ngày 20/1, ông đã mời một nhân vật đại diện của Đài Loan (lần đầu tiên từ năm 1979 đến nay). Điều đó cho thấy chính sách của ông Biden đối với vấn đề Trung Quốc, trong đó có Đài Loan không phải là vấn đề mà ông Biden xuống nước. Thứ hai nữa là chúng ta thấy hành động tập trận của chiến hạm Hoa Kỳ Theodore Roosevelt và mới đây nhất vào ngày 5/2 cũng đã có chuyến FONOPS vào khu vực Hoàng Sa để thách thức đường cơ sở trái phép của Trung Quốc vẽ ra trong khu vực Hoàng Sa. Tổng cộng các vấn đề đó cho thấy rằng chính sách của ông Biden về vấn đề Trung Quốc và đặc biệt về vấn đề Biển Đông cũng báo hiệu sẽ có những biện pháp mạnh mẽ.”

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp lại khẳng định việc tuần tra tự do hàng hải cũng không giải quyết được vấn đề gì. Ông trình bày quan điểm này với RFA:

    “Tuần tra tự do hàng hải là một thực hành mà thời ông Obama đã làm. Đến thời ông Trump, tạm thời sáu tháng đầu tiên thì ông Trump không làm gì cả nhưng sau đó ông Trump làm rất mạnh; tức là gần như tháng nào cũng có tuần tra tự do hàng hải. Thế nhưng nếu chỉ nói đến tuần tra tự do hàng hải thì không giải quyết vấn đề gì cả, mà chỉ nhắc nhở Trung Quốc rằng là nước Mỹ cũng như những nước khác ủng hộ tuần tra tự do hàng hải đấy là đang thực thi pháp luật ở trên biển và trực tiếp chống lại tất cả những đòi hỏi không đúng luật pháp của Trung Quốc. Cũng cần phải nhắc lại là dưới thời Chính quyền của ông Trump thì chính sách rõ ràng hơn so với thời Chính quyền ông Obama rất nhiều. Đặc biệt là các tuyên bố của Chính quyền Mỹ năm 2019 và năm 2020. Đấy là điều làm cho Trung Quốc phải suy tính lại một chiến lược khác. Trước hết, Trung Quốc phải chùn lại và thứ hai là phải tính toán, bộc lộ rõ hơn trong việc gây hấn hơn đối với tàu ở Biển Đông và Đài Loan. Việc này cũng làm cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam phải cảnh giác nhiều hơn đối với bắc Kinh.”

    Chính quyền ông Biden sẽ theo đuổi chính sách mạnh hơn so với thời ông Obama, nhưng lại nhẹ hơn chính sách thời ông Trump. Tức là, Chính quyền ông Biden không nói nặng lời như thời ông Trump và cũng không làm những việc chỉ nhắm vào Trung Quốc thôi, mà ông Biden sẽ làm những việc, ví dụ như đối với bốn nước gồm Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Úc thì ông Biden sẽ mở rộng ra thành một khung an ninh mà nó có thể thu hút được những nước khác trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á cũng như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

    Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, trong cuộc trao đổi với RFA vào hôm 26/1 nói rằng theo chính sách ngoại giao của Chính quyền Joe Biden về vấn đề Biển Đông thì ông nhìn thấy một cơ hội cho Việt Nam được đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực, đặc biệt trong khối ASEAN và Việt Nam sẽ có vai trò tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như sự tòan vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

    “Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng vì Chính quyền Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định với thế giới rằng họ sẽ quay trở lại để tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Họ muốn dùng chính sách đa phương và dùng thế chính trị-ngoại giao để làm sao đưa Trung Quốc trở lại chính trường quốc tế. Vì thái độ của Trung Quốc có thể nói là họ hưởng rất nhiều những thành quả của các cơ chế và định chế mà thế giới phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã xây dựng từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trung Quốc thừa hưởng, nhưng họ không xây dựng, không đóng góp mà ngược lại họ còn muốn cố tình phá hoại những cơ chế đó. Tôi nghĩ rằng thông điệp của Chính quyền ông Biden rất rõ ràng trong vấn đề này và có sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ cũng như có sự đồng thuận của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và các đồng minh trong khối NATO. Và đã đến lúc cộng đồng thế giới sẽ hợp tác với nhau và cùng lập ra một liên minh mặt trận chung để làm sao cho Trung Quốc chấp nhận những luật định được đặt ra từ 75 năm qua.”

    Luật sư Vũ Đức Khanh khẳng định thêm về vai trò của Việt Nam ở Biển Đông trong thời gian 4 năm của Tổng thống Mỹ thứ 46:

    “Điều này rất quan trọng và Việt Nam cần phải hiểu rằng đã đến lúc họ phải lên tiếng. Và họ muốn lên tiếng trong vấn đề này thì họ cần phải có sự đoàn kết giữa những người Việt Nam với nhau để đạt được mục tiêu là giữ vững nền độc lập cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, đồng thời giữ vững được an ninh nội bộ và phát triển kinh tế. Và Chính quyền Hà Nội cần có sự lựa chọn. Hôm nay, nếu Chính quyền Hà Nội muốn đứng với Trung Quốc thì Chính quyền Hà Nội đã tự đặt mình ra khỏi dân tộc Việt Nam. Còn nếu Chính quyền Hà Nội nhìn nhận được rằng đây là thời cơ để hội nhập vào cộng đồng thế giới thì việc đầu tiên là cần phải chia sẻ những giá trị chung mà cộng đồng thế giới đang theo đuổi.”

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đăng tải thông tin trên Twitter vào hôm 4/2 về cuộc điện đàm của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tập trung vào cam kết duy trì hòa bình, thịnh vượng và tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

    Ông Antony Blinken còn chia sẻ thêm rằng ông hy vọng cuộc hội đàm lần tới sẽ được kết thúc với một bát phở thơm ngon ở Hà Nội.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tiên liệu nếu như tình hình dịch bệnh COVID-19 không quá nghiêm trọng và Chính phủ Hà Nội khống chế tốt đợt dịch mới thì Việt Nam có thể là một trong những quốc gia mà tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ viếng thăm trong chuyến công du đầu tiên của ông đến Châu Á.

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-joe-biden-administraion-new-acitivities-towards-vn-what-is-the-message-02052021175613.html

    Không có nhận xét nào