Tướng Min Aung Hlaing (P) đi cùng bà Aung San Suu Kyi (T), lãnh đạo trên thực tế của chính phủ dân sự Miến Điện, Naypyidaw. Ảnh chụp ngày 06/02/2016. © AP - Aung Shine Oo
Về mặt chính thức, giới quân sự Miến Điện tuyên bố cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 là nhằm bác bỏ kết quả bầu cử, bị tố cáo là gian lận. Nhiều nhà quan sát nghi ngờ, thông qua đảo chính, giới tướng lĩnh mưu toan trở lại nắm quyền, để tiếp tục kiểm soát nền kinh tế Miến Điện. Tuy nhiên, một trong các lý do trực tiếp khiến tổng tư lệnh quân đội Miến Điện quyết định đảo chính có thể là do sợ bị ra tòa, sau khi về hưu, do cáo buộc tham nhũng.
Tuần báo Pháp Mariane có bài phân tích mang tựa đề : « Miến Điện : Cú đảo chính quân sự và lợi ích cá nhân » (ngày 01/02/2021). Mariane khẳng định trước hết, cú đảo chính gây bất ngờ, bởi quyền lực của quân đội cho đến nay vẫn được bảo đảm trên nguyên tắc, theo Hiến pháp 2008. Quân đội có quyền kiểm soát 25% số ghế trong Quốc Hội (không cần thông qua bầu cử) để ngăn chặn mọi ý định sửa đổi Hiến pháp. Quân đội cũng kiểm soát các bộ quan trọng như Quốc Phòng, Cảnh Sát và Biên Phòng. Quyền lực của quân đội Miến Điện về nguyên tắc là không thể suy suyển, cho dù đảng thân quân đội PUSD có đại bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Vậy tại sao giới tướng lĩnh làm đảo chính ?
« Cơ hội cuối cùng »
Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, trên nguyên tắc, đến tuổi phải về hưu vào tháng Sáu tới. Nếu điều này xảy ra, rất có thể sẽ có nhiều thay đổi. Mariane dẫn lời Sophie Brondel, điều phối viên của trang mạng Info Myanmar, một trung tâm thông tin về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Miến Điện, nhận định đây là « cơ hội cuối cùng của ông Min Aung Hlaing » để bảo vệ các lợi ích kinh tế của cá nhân ông và những người thân cận.
Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện hiện đang bị điều tra về tham nhũng. Theo hiệp hội Justice For Myanmar / Công lý cho Miến Điện, các thông tin về những hoạt động mờ ám của ông Min Aung Hlaing hiện đã được tập hợp khá đầy đủ. Justice For Myanmar là một hiệp hội có mục tiêu « gây áp lực để quân đội chấp nhận đặt mình dưới sự kiểm soát dân chủ ». Trong báo cáo công bố ngày 30/01, hiệp hội này đã dẫn lại phân tích của điều phối viên mạng Info Myanmar, Sophie Brondel, khẳng định cú đảo chính nói trên có « động cơ về tài chính », bên cạnh tham vọng bám giữ quyền lực của tướng Min Aung Hlaing.
Đứng đầu hai tập đoàn lớn
Tướng Min Aung Hliang lãnh đạo hai tập đoàn kinh tế của quân đội, Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL), kinh doanh trong hàng loạt ngành nghề, như viễn thông, ngân hàng, luyện thép. Vị trí này cho phép viên tướng đầy quyền uy này kiểm soát một phần lớn nền kinh tế Miến Điện. Năm 2013, MEHL từng thành công trong việc chiếm đoạt quyền kiểm soát cảng Bo Aung Kyaw, vốn do một cựu quân nhân làm chủ. Sau đó, việc cho thuê cảng này đã mang lại cho lãnh đạo quân đội Miến Điện khoản lợi nhuận 3 triệu đô la một năm. Viên tướng bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Con trai của tướng Min Aung Hliang, ông Aung Pyae Sone, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, cũng phải đối mặt với tư pháp. Một ví dụ là, năm 2019, nhân vật nói trên bị khởi tố, liên quan đến vụ một hợp đồng có trị giá rất thấp, mà chính quyền địa phương thành phố Rangoon ký kết với doanh nghiệp Sky One Construction, của con trai tướng Min Aung Hliang.
Theo hiệp hội Justice For Myanmar, « có rất nhiều khả năng tướng Min Aung Hlaing tìm mọi cách để tiếp tục là tổng tư lệnh quân đội, để có thể lợi dụng vị trí này mà tiếp tục thâu tóm các nguồn lực kinh tế ». Nhật báo Pháp Libération, hôm 07/02, xác nhận : việc tướng Min Aung Hlaing có vị trí lãnh đạo trong chính quyền là điều cho phép các tập đoàn kinh tế có quan hệ thân thiết với ông nhận được các hợp đồng màu mỡ. Đổi lại, các tập đoàn này cấp tiền cho giới quân sự. Miến Điện là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế Transparency International xếp Miến Điện ở vị trí 140/180.
Bên cạnh nguy cơ bị kiện ra tòa trong nước, lãnh đạo Quân Đội Miến Điện cũng đang là đối tượng trừng phạt của Hoa Kỳ, và vai trò của tướng Min Aung Hliang trong « các tội ác » chống lại người Rohingya đang được Tòa án quốc tế La Haye điều tra.
Hoặc thương lượng với Aung San Suu Kyi để được miễn tội, hoặc tham gia chính trường ?
Theo chuyên gia về phong trào dân chủ ở Miến Điện, Nehginpao Kipgen, được Libération trích dẫn, trước khi về hưu, tướng Min Aung Hliang có hai lựa chọn. Hoặc « thương lượng với Aung San Suu Kyi, để ông ta và những người thân cận, có thể không bị tư pháp động đến », hoặc « tham gia chính trường ». Viên tướng từng bày tỏ hy vọng với báo chí Nga, nếu cuộc bầu cử thành công, « chúng tôi có thể ra làm chính trị ». Một số quân nhân cho rằng tướng Min Aung Hliang có thể trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 11/2020 vừa qua là một thảm bại với đảng USDP thân Quân Đội. Như vậy, cuộc đảo chính có thể là một biện pháp câu giờ của giới tướng lĩnh nhằm tìm « một lối thoát », như tập đoàn quân sự Thái Lan đã từng làm trước đây. Một năm tình trạng khẩn cấp, và có thể là 6 tháng gia hạn, sẽ cho phép giới tướng lãnh can thiệp, tạo các điều kiện để kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội tới có lợi hơn cho họ. Theo hiệp hội Burma Campaign UK, có trụ sở tại Anh (hiệp hội cổ vũ cho nhân quyền và nền dân chủ tại Miến Điện), cuộc đảo chính nói trên « trước hết là một vấn đề cá nhân của tướng Min Aung Hliang ».
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào