Xuất hiện nhiều lo ngại về làn sóng tù nhân chính trị mới ở Myanmar
Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 24 tháng 2 năm 2021 |
Người biểu tình chống đảo chính viết khẩu hiệu trên phố ở Yangon, Myanmar, 21/2/2021
Các nhóm và các chuyên gia nhân quyền lo ngại về sự gia tăng đáng kể số lượng tù nhân chính trị ở Myanmar.
Tính đến thứ Ba 23/2, khoảng 696 người - bao gồm các nhà sư, nhà văn, nhà hoạt động, chính trị gia và những người khác - đã bị bắt liên quan đến việc phản ứng lại cuộc đảo chính của quân đội, theo thông tin của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, gọi tắt là AAPP, một tổ chức có trụ sở tại Myanmar.
Nhiều người trong số những người bị bắt bị buộc tội chiếu theo một loạt các luật đã có từ lâu, trong đó, một số luật có từ thời thuộc địa Anh và có những luật được ban hành trong thời các chế độ quân sự trước đây.
Các luật đó được mọi chính phủ ở Myanmar sử dụng để chống lại những người chỉ trích. Kể cả chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng làm như vậy. Chính phủ này đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính hôm 1/2.
Hàng trăm người bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính giờ đây bổ sung vào hàng trăm tù nhân chính trị bị giam cầm ở Myanmar. Họ là những người đã bị bỏ tù cả dưới thời các chính quyền trước đó lẫn trong thời đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Manny Maung, một nhà nghiên cứu về Myanmar thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại New York, nói: “Giờ đây, chúng tôi thấy rằng không chỉ là có một thế hệ tù nhân chính trị mới mà còn có việc nhắm mục tiêu trở lại vào các cựu tù nhân chính trị”.
Trong thời kỳ NLD cầm quyền, các nhà báo, những người chỉ trích giới quân đội và chính phủ, và những người khác đã bị buộc tội theo các luật thời thuộc địa. Theo AAPP, Myanmar có hơn 700 tù nhân chính trị tính đến ngày 31/1, trong đó, hàng trăm người bị buộc tội trong thời gian NLD nắm quyền.
Quốc hội Mỹ tổ chức nhiều phiên điều trần về vụ 6 tháng 1
Quốc hội Mỹ bắt đầu một loạt các phiên điều trần về vụ việc ngày 6 tháng 1, khi một đám đông những người ủng hộ Donald Trump đổ bộ đến Washington, DC. Hôm qua, các nghị sĩ đã nghe lời khai từ hai trong số các cựu quan chức an ninh hàng đầu của Đồi Capitol — Trưởng Cảnh vệ Hạ viện và Thượng viện (sergeants-at-arms) — cả hai đều đã nghỉ việc. Cùng ra điều trần còn có cảnh sát trưởng DC, và cựu chỉ huy Cảnh sát Đồi Capitol.
Các thượng nghị sĩ đặt câu hỏi cho họ về sự chuẩn bị, và được trả lời rằng Lầu Năm Góc miễn cưỡng gửi Vệ binh Quốc gia làm tiếp viện. Ủy ban Chuẩn Chi Hạ viện cũng sẽ tổ chức các phiên điều trần vào cuối tuần này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã kêu gọi thành lập một ủy ban tương tự như ủy ban đã điều tra các cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, làm dấy lên một cuộc tranh cãi dữ dội về cơ cấu thành viên của nó. Bà Pelosi muốn bốn lãnh đạo cao nhất ở quốc hội đề cử hai và tổng thống đề cử ba thành viên, mang lại cho đảng Dân chủ lợi thế 7-4. Nhưng đảng Cộng hòa muốn bình đẳng.
Ireland: vấn đề nan giải hậu Brexit
Michael Gove, chánh văn phòng nội các của Anh, và Maros Sefcovic, một Ủy viên châu Âu, hôm nay sẽ họp trực tuyến để giải quyết các vấn đề đang cản trở thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Vấn đề lớn nhất là Bắc Ireland, bên tiếp tục nằm dưới các quy tắc của EU theo thỏa thuận Brexit. Điều đó đang khiến các nhà nhập khẩu Bắc Ireland thất vọng, vì họ đang phải vật lộn với các thủ tục giấy tờ mới đầy phức tạp về thịt, thực vật và các hàng hóa khác.
Các thủ tục sẽ còn trở nên phức tạp hơn khi các quy định của Anh và châu Âu tách rời nhau. Chính phủ Anh muốn ân hạn được kéo dài đến năm 2023. Chế độ tạm thời hiện tại được đặt ra nhằm ngăn một biên giới thương mại trên chính đảo Ireland, song nó khiến những người thân Anh cảm thấy xa rời Anh Quốc. Đảng Liên minh Dân chủ đã khởi động hành động pháp lý, tìm cách thách thức thỏa thuận này với lý do rằng nó không phù hợp với Đạo luật Liên minh năm 1800, vốn ban đầu kết nối Vương quốc Anh và Ireland “mãi mãi,” theo tuyên bố của luật.
EU tìm cách bảo vệ người lao động tự do
EU dự kiến hôm nay tổ chức một cuộc tham vấn với người lao động và người sử dụng lao động về điều kiện lao động trong “nền kinh tế tự do” (gig economy), nơi công việc được đặt hàng từng việc một trên các nền tảng trực tuyến. Một thập niên sau khi khái niệm này ra đời, khối vẫn đang vật lộn với câu hỏi làm thế nào để đưa các tài xế Uber, người giao hàng, người trông trẻ, và kế toán tự do vào nhà nước phúc lợi. Điều này đặc biệt quan trọng khi đại dịch khiến các công việc tự do trở nên thiếu ổn định và nguy hiểm hơn.
Hầu hết các nhân công nền kinh tế tự do vẫn tiếp tục giao đồ ăn hoặc lái ô tô mà không có các lợi ích xã hội mà những nhân viên khác nhận được. Ngay cả họ cũng bối rối về tình trạng thị trường lao động của mình. Ủy ban EU đã hứa sẽ cải thiện các điều kiện, nhưng cho đến nay chỉ đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh đề mang lại cho người lao động quyền thương lượng. Trong khi đó, Tòa án tối cao của Anh gần đây phán quyết rằng tài xế Uber đủ điều kiện hưởng các quyền của người lao động, chẳng hạn như mức lương tối thiểu toàn quốc — khả năng cao làm đảo lộn mô hình kinh doanh của công ty này và các đối thủ mảng gọi xe.
Thống đốc Cuomo từ anh hùng chống dịch đến tội đồ
Sắc mặt quyết tâm và các cuộc họp giao ban hàng ngày của Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, đã từng làm yên lòng các cư dân của bang trong thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch. Nhưng danh tiếng của ông giờ đã tan thành mây khói. Tháng trước, tổng chưởng lý New York đã công bố một báo cáo dài 76 trang cho thấy chính quyền Cuomo đã nói giảm 50% số ca tử vong liên quan đến covid-19 tại các viện dưỡng lão do nhà nước điều hành. Các nhà lập pháp bang có thể tước bỏ quyền hạn khẩn cấp của ông. Hiện các thành viên đảng Dân chủ tại thượng viện bang đã thông qua các dự luật nhằm tăng cường giám sát và tiêu chuẩn chăm sóc trong các viện dưỡng lão. Ông Cuomo cũng có thể đối mặt với một cuộc điều tra liên bang.
Trong khi đó, New York đang bắt đầu mở cửa. Các sân thể thao và sân vận động hiện có thể mở cửa trở lại với 10% công suất, song khán giả phải âm tính với covid-19. Đội Knicks đã chơi trận đấu bóng rổ đầu tiên trên sân nhà trước những người hâm mộ tại Madison Square Garden vào hôm thứ Ba. Các nhà hàng ở Thành phố New York cũng có thể phục vụ thực khách trong nhà, với công suất 35% từ ngày 26 tháng 2. Tỷ lệ lây nhiễm ở bang đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11. Nhưng phục hồi trên diện rộng vẫn còn chậm. Hàng nghìn doanh nghiệp có thể sẽ không bao giờ mở cửa trở lại.
Bộ trưởng Tài chính Nam Phi công bố dự thảo ngân sách
Khi Tito Mboweni, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, đề ra dự thảo ngân sách của ông hôm nay, người dân Nam Phi sẽ nhìn vào hành động hơn là lời nói. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2018, nhà cải cách lớn tuổi này đã rao giảng rằng đất nước cần phải chi vừa đủ không quá khả năng, và thực hiện các cải cách cơ cấu. Song cho đến nay ông không đạt được gì nhiều.
Trong hai năm Nam Phi trải qua hai cuộc suy thoái. Sau đó đại dịch khiến nền kinh tế thêm suy thoái. Thâm hụt ngân sách của đất nước có thể lên tới 15% GDP trong năm tài chính này. Vấn đề, như mọi khi, là đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền có lợi ích trong mô hình dựa trên nhà nước và ác cảm với tư tưởng thị trường tự do. Tổng thống Cyril Ramaphosa, người không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp mà ông không thích, có thể ủng hộ một số đề xuất của ông Mboweni. Nhưng khi mà phần lớn chương trình cải cách của ông rơi vào bế tắc, ông Mboweni có thể sẽ không tại vị lâu.
CEO Gab: Big Tech muốn kiểm soát cơ thể và linh hồn con người
Mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội ủng hộ tự do ngôn luận Gab, Andrew Torba đã cảnh báo mục tiêu tiếp theo của các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) là kiểm soát cơ thể và linh hồn con người.
Trong đợt bầu cử tổng thống năm ngoái, Facebook và Twitter đã kiểm duyệt gắt gao và áp đặt lệnh cấm đối với TT Trump trên các nên tảng này. Điều này đã khiến Gab cũng như các nền tảng MXH ủng hộ tự do ngôn luận khác giành được sự ủng hộ của những người bảo thủ.
Andrew Torba đã xuất hiện trong chương trình War Room của ông Steve Bannon (cựu chiến lược gia Toà Bạch Ốc) với vai trò khách mời. Là một tín đồ Cơ đốc giáo, ông Torba đã chỉ ra rằng, những gã khổng lồ công nghệ đang tìm cách tạo ra một thế hệ “hậu nhân loại”.
Ông Torba nói: “Họ đang nói về việc sử dụng sinh học để cải thiện loài người. Họ đang nói về việc cấy chip vào não của bạn, hoặc thay đổi DNA của bạn, tất cả những công nghệ này đều được áp dụng cho sinh học của con người và cố gắng nâng cấp lên. Về cơ bản, bằng cách gắn công nghệ vào cơ thể chúng ta, điều này đang hủy diệt nhân loại”.
Ông nói rằng giới Big Tech muốn trường tồn và trở thành thần thánh, nhưng tất nhiên Chúa sẽ phán xét họ. Ông Torba giải thích, “Đây không phải là thuyết âm mưu, cũng không phải là phim khoa học viễn tưởng. Đây là tương lai mà những người này đang tập trung vào. Họ dùng sức mạnh để củng cố quyền lực của mình và củng cố tất cả của cải và dữ liệu để sử dụng cho riêng họ”.
Khi ông Bannon hỏi liệu các thế lực công nghệ lớn có muốn tạo ra một chủng tộc hậu người tinh khôn (post-homo-sapien race) hay không, ông Torba trả lời: “Hậu nhân loại, họ sử dụng công nghệ này để biến họ thành thần, và sử dụng nó để nô dịch những người khác”.
Ông Torba giải thích rằng mọi người thực sự đã bị bắt làm nô lệ ở một mức độ nhất định. Những gã khổng lồ công nghệ sử dụng công nghệ để nô lệ hóa mọi người thông qua các công cụ, dữ liệu và thông tin liên lạc cá nhân trên điện thoại. Những gì họ muốn làm tiếp theo là nô dịch sinh lý của con người và điều khiển những người khác thành nông nô kỹ thuật số.
Chủ đề về “siêu nhân” (transhuman) đã được thảo luận trong nhiều năm, với cái tên mỹ miều là “thay đổi nhân loại để đạt được cấp độ cơ thể cao hơn và siêu phàm”. Ông Torba chỉ ra rằng các ông chủ của các công ty công nghệ lớn luôn tưởng tượng mình như những vị thần.
Facebook ‘làm bạn trở lại’ với Úc sau thương lượng luật truyền thông
Reuters đưa tin, hôm thứ Ba (23/2), Facebook cho biết họ sẽ khôi phục các trang tin tức của Úc sau khi thương lượng với chính phủ Úc về một luật đề xuất mà theo đó buộc các hãng khổng lồ công nghệ (Big Tech) phải trả tiền cho nội dung truyền thông hiển thị trên nền tảng của họ.
Úc và Facebook đã bị bế tắc trong hơn một tuần sau khi chính phủ Úc ban hành một đạo luật thách thức sự thống trị của Facebook và Google trong thị trường nội dung tin tức.
Tuần trước, Facebook đã chặn người dùng Úc chia sẻ và xem nội dung tin tức trên nền tảng truyền thông xã hội của mình, điều này đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà xuất bản và chính phủ Úc.
Nhưng sau một loạt các cuộc đàm phán giữa Tổng trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg và CEO Facebook Mark Zuckerberg, một thỏa thuận nhượng quyền đã được ký kết.
Vấn đề giữa Úc và Facebook đã được cộng đồng quốc tế quan sát một cách chặt chẽ vì các quốc gia khác bao gồm Canada và Anh cũng đang xem xét luật tương tự.
“Facebook đã kết bạn lại với Úc, và tin tức Úc sẽ được khôi phục trở lại trên nền tảng Facebook”, ông Josh Frydenberg cho biết với giới phóng viên xứ Canberra hôm thứ Ba.
Iran: Hoa Kỳ cần phải hành động trước nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Hoa Kỳ cần có bước đi đầu tiên nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran, đại sứ Iran tại Geneva phát biểu trước Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên Hiệp Quốc tài trợ hôm 24/2.
“Bên vi phạm có trách nhiệm quay trở lại, khởi động lại và đền bù cho những thiệt hại, cũng như cam đoan rằng họ sẽ không rút lại cam kết một lần nữa”, Đại sứ Esmaeil Baghaei Hamaneh nói.
“Có một con đường tiến về phía trước với một trình tự hợp lý như Bộ trưởng (Ngoại giao Iran) (Mohammad Javad) Zarif đã vạch ra gần đây”.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 20/2 cho biết Iran đang xem xét đề xuất của Liên hiệp châu Âu (EU) về một cuộc họp không chính thức giữa các thành viên hiện tại của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa đưa ra phản hồi.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề xuất cách thức vượt qua sự bế tắc giữa Mỹ và Iran về việc nước nào sẽ có bước đi trước trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, cho rằng người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell có thể "đạo diễn" các bước đi đó.
“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất của ông Josep Borrell về việc tổ chức một cuộc họp không chính thức 4 + 1 (các thành viên thỏa thuận hạt nhân) với Hoa Kỳ và Iran, và chúng tôi đang tham khảo ý kiến với các đối tác của chúng tôi, gồm cả Nga và Trung Quốc, và chúng tôi sẽ phản hồi đề xuất này trong trong tương lai”, ông Araqchi nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước.
Ông Araqchi nói: “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng không cần phải có một cuộc họp để Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và cách duy nhất là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Trước sức ép từ Iran, Tòa Bạch Ốc hôm 19/2 cho biết Hoa Kỳ dự kiến không có thêm hành động nào trước các cuộc đàm phán tiềm năng với Tehran và các cường quốc khác về việc quay trở lại thỏa thuận.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết EU đã đưa ra ý tưởng về một cuộc thảo luận giữa Iran và sáu cường quốc từng đạt được thỏa thuận hạt nhân. "Phía châu Âu đã mời chúng tôi và... nó chỉ đơn giản là một lời mời trò chuyện, một cuộc trò chuyện ngoại giao”.
AIEA: Chương trình uranium của Iran vi phạm hiệp định năm 2015
Trong bản báo cáo mới nhất về chương trình hạt nhân của Iran gởi đến các nước thành viên hội đồng quản trị của tổ chức vào ngày 23/02/2021, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA cho biết Iran đã sản xuất uranium được làm giàu đến 20%, vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Teheran và các cường quốc thế giới.
Theo bản báo cáo, tính đến ngày 16/02, Iran đã sản xuất 17,6 kg uranium được làm giàu đến 20%, cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% được đặt ra theo thỏa thuận.
Báo cáo của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế phù hợp với tuyên bố của chính phủ Iran vào tháng trước, theo đó nước này đã tiếp tục làm giàu uranium với độ tinh khiết 20%.
Trong một bản báo cáo thứ hai, AIEA cho biết các phân tử uranium đã được tìm thấy tại hai địa điểm được kiểm tra vào năm ngoái và Iran vẫn chưa trả lời các câu hỏi liên quan đến phát hiện này. Cơ quan thanh tra của Liên Hiệp Quốc bày tỏ thái độ quan ngại nghiêm trọng về vấn đề này.
Chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden đang cân nhắc việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015, và ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Iran. Chính quyền tiền nhiệm của Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2018.
ASEAN tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn đóng vai trò trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng tại Miến Điện. Ngoại trưởng Indonesia, nước khởi xướng giải pháp ngoại giao, có mặt tại Bangkok ngày 24/02/2021. Cùng ngày, người đứng đầu ngành ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện cũng đã đến thủ đô của Thái Lan.
Theo AFP, Jakarta ra thông cáo về chuyến đi của ngoại trưởng Retno Marsudi sau khi một tài liệu của chính quyền Miến Điện về cuộc họp do ASEAN tổ chức bị rò rỉ. Ban đầu, ngoại trưởng Indonesia dự định đến Miến Điện vào thứ Năm 25/02 nhưng chuyến đi đã bị hủy vì « thời điểm không thích hợp ».
Một nguồn tin của chính phủ Thái Lan cho Reuters biết là ông Wunna Maung Lwin, đại diện cho phía Miến Điện, đã đến Thái Lan ngày 24/02 để bàn về cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Indonesia. Trang The Irrawaddy ngày 24/02, trích truyền thông Trung Quốc, cho biết ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với ASEAN để tháo gỡ căng thẳng tại Miến Điện, đồng thời kêu gọi giới tướng lãnh và các chính đảng Miến Điện cần có trách nhiệm về sự ổn định và phát triển của đất nước.
Dường như phía ASEAN thiên về hướng tổ chức bầu cử lại, vì theo Reuters, Indonesia đề xuất cử các quan sát viên của ASEAN để bảo đảm rằng tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ tôn trọng lời hứa tổ chức « bầu cử tự do và công bằng ». Thông tin này đã khiến người biểu tình Miến Điện phẫn nộ và lên án Indonesia.
Quốc tế vẫn nhẹ tay với tập đoàn quân sự Miến Điện
Trái với Hoa Kỳ và nhóm G7, Liên Hiệp Châu Âu vẫn bất đồng về các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn quân sự Miến Điện. Trả lời RFI, ông Thet Swe Win, giám đốc tổ chức phi chính phủ Synergy, chuyên đấu tranh chống phân biệt tại Miến Điện, cho rằng các biện pháp trừng phạt vẫn còn yếu ớt :
« Tôi đã gặp trợ lý của người đứng đầu phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu và yêu cầu ông ấy có những biên pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn quân sự. Ông ấy trả lời là các nước Liên Hiệp Châu Âu đã nghe thấy tiếng nói của người dân Miến Điện và sẽ cố gắng hết sức. Nhưng cuối cùng, Bruxelles chẳng đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào. Chúng tôi thực sự tức giận. Họ phải tỏ ra cứng rắn nếu họ thực sự lo cho người dân Miến Điện. Chúng tôi cần những biện pháp trừng phạt nhắm vào giới tướng lĩnh và gia đình họ.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào