Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 10 tháng 2 năm 2021 |
Vào ngày 8/2, Mark Cassayre, phụ trách Phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thông báo rằng Hoa Kỳ tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ với tư cách quan sát viên, và tìm cách trở thành thành viên chính thức vào tháng 10 năm nay. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của hơn 40 thành viên Hạ viện Hoa Kỳ, theo Sound of Hope.
Theo báo cáo của Newsweek, vào thứ Sáu (5/2) hơn 40 nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã cùng nhau gửi một bức thư đến TT Biden yêu cầu ông không để Hoa Kỳ trở lại tổ chức này.
Trong bức thư viết, “Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền đã không thực hiện nghiêm túc các mục đích cơ bản của Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền. Thay vào đó, Hội đồng Nhân quyền đã ủng hộ một số chế độ áp bức nhất trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ tham gia vào tổ chức bảo vệ một cách có hệ thống các khu vực tồi tệ nhất trên thế giới khỏi bị quy trách nhiệm, thì điều này sẽ bị lên án về mặt đạo đức”.
Bức thư chỉ ra rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ đã soạn thảo hơn 40 nghị quyết “nhắm mục tiêu không cân xứng” vào Israel, nhưng không thông qua được bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Pakistan và các nước khác bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền trong suốt khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2019.
Năm 2018, cựu Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ với lý do tổ chức này đã không bảo vệ hiêu quả nhân quyền ở các quốc gia là điểm nóng của vi phạm các quyền cơ bản của con người như Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Nga và Venezuela. Ông Trump cũng chỉ trích tổ chức này tập trung quá nhiều vào Israel nhưng không thông qua các nghị quyết về vi phạm nhân quyền của các quốc gia độc tài .
Trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ là một trong những kế hoạch mà ông Biden nói trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống. Chính quyền Biden cho rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ vẫn cần cải cách hơn nữa, nhưng Hoa Kỳ “tham gia một cách có nguyên tắc” sẽ có lợi hơn cho những cải cách này. Ông Biden nói, “Hội đồng Nhân quyền nên trở thành một diễn đàn quan trọng để chống lại chế độ độc tài và bất công toàn cầu, và sự tham gia của Hoa Kỳ có thể đảm bảo rằng Hội đồng Nhân quyền có thể thực hiện vai trò này”.
Byron: 5 lý do vì sao luận tội ông Trump là vi hiến
Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu vào thứ Ba (9/2). Gần như tất cả thượng nghị sĩ Cộng hòa tin rằng luận tội một cựu tổng thống là vi hiến, trong khi tất cả thành viên Dân chủ phản bác quan điểm này. Dưới đây phóng viên trưởng chính trị Byron York của Washington Examiner đã liệt kê 5 lý do chứng minh rằng luận tôi cựu TT Trump là vi hiến.
Tổng thống là tổng thống đương nhiệm
Điều II, Mục 4 của Hiến pháp quy định, “Tổng thống, phó tổng thống và tất cả các sĩ quan dân sự của Hoa Kỳ, sẽ bị cách chức khi bị luận tội và kết tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội danh do lợi dụng chức quyền và tội nhẹ khác”.
Khi nói về Tổng thống, những nhà lập pháp nhắm đến đương kim tổng thống Hoa Kỳ, mà hiện tại không phải là ông Trump. Ngoài ra, Điều II sử dụng từ “tổng thống” hơn 10 lần, và trong mỗi lần sử dụng, điều đề cập đến là người hiện đang giữ chức tổng thống.
Luận tội là để loại bỏ vị tổng thống hiện tại
Có thể thấy rõ ràng trong Hiến pháp rằng, những vị cha lập quốc đã tạo ra luận tội như một cơ chế để trục xuất các quan chức hàng đầu khi họ có hành vi sai trái cụ thể. Khi tham khảo Hồ sơ Liên bang và hồ sơ của Công ước Hiến pháp 1787, có thể thấy các nhà lập pháp đã không thảo luận việc sử dụng luận tội như cách để trừng phạt một cựu quan chức.
Các đảng viên Dân chủ lập luận, trong Hiến pháp nói rằng hình phạt cho luận tội “sẽ không vượt quá việc cách chức, không đủ tư cách để nắm và hưởng bất kỳ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích của chức vụ [công] tại Hoa Kỳ.” Theo họ, điều này nghĩa là Thượng viện có thể thông qua luận tội để cấm ông Trump nắm giữ các chức vụ liên bang trong tương lai. Trên thực tế, không có luận điểm chứng minh “phép suy ra” rằng nhà lập pháp dùng luận tội với cựu tổng thống để ngăn chặn việc ông ra tranh cử trong tương lai.
Không có tiền lệ luận tội cựu tổng thống
Một số đảng viên Dân chủ đã chỉ ra trường hợp một bộ trưởng nội các bị luận tội sau khi từ chức năm 1869 như tiền lệ cho phiên tòa xét xử cựu tổng thống. Ông Byron lập luận rằng, tiền lệ này khá yếu vì sau đó viên chức này được tuyên bố trắng án vì một số thượng nghị sĩ lo ngại về [tính hợp hiến khi] luận tội một cựu quan chức.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ không thể chỉ ra tiền lệ luận tội cựu tổng thống vì điều này chưa từng xảy ra. Trong quá khứ, tổng thống Richard Nixon đã từ chức khi Hạ viện chuẩn bị luận tội ông. Và sau khi tổng thống từ chức; Quốc hội đã từ bỏ nỗ lực luận tội. Thực tế rằng, Hiến pháp cho phép truy tố hình sự một tổng thống sau khi rời nhiệm sở [chứ không phải luận tội]. Tất nhiên, khả năng bị truy tố cũng sẽ áp dụng cho cựu TT Trump.
Luận tội cựu tổng thống không được quy định trong Hiến pháp
Như đã đề cập ở trên, cả nhà lập pháp khi viết Hồ sơ Liên bang và các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến ở Philadelphia đã thảo luận về luận tội như biện pháp trục xuất các quan chức vì hành vi sai trái. Nhưng họ không thảo luận về vấn đề luận tội và xét xử một cựu quan chức. Các học giả về hiến pháp John Yoo và Robert Delahunty viết: “Các cuộc tranh luận về Công ước Philadelphia 1787… cũng như hồ sơ của các công ước phê chuẩn các bang 1787-1788… đều không chứa bất kỳ phần tranh luận trực tiếp nào về việc liệu có thể áp dụng luận tội đối với các cựu quan chức hay không”.
Các tổ phụ lập quốc bác bỏ luận tội cựu quan chức
Các đảng viên Dân chủ chỉ ra, trước khi có Hiến pháp Hoa Kỳ, một số hiến pháp của tiểu bang cho phép luận tội cựu quan chức. Các hiến pháp của tiểu bang Pennsylvania, Virginia, Delaware và Vermont được thông qua vào các năm 1776-1777 đều quy định cho phép luận tội quan chức sau khi mãn nhiệm. Tuy nhiên, khi Hiến pháp Hoa Kỳ được ký năm 1787, các nhà lập pháp đã không đưa những điều khoản này vào Hiến pháp chung đất nước.
Ông Yoo giải thích rằng những bản hiến pháp ban đầu (trước khi có Hiến pháp chung của Hoa Kỳ) được xem là thảm họa. Tại thời điểm ban hành, tiểu bang Pennsylvania thậm chí không có thống đốc mà chỉ có một ủy ban 12 thành viên được bầu với nhiệm kỳ một năm. Virginia cũng rất tồi tệ và không có gì ngạc nhiên khi các bang này đề xuất một loạt biện pháp [bao gồm cả quy định có thể luận tội cựu quan chức] nhằm bẻ cong hành pháp. Và sau đó, khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, các tổ phụ lập quốc đã loại bỏ ý tưởng về luận tội cựu quan chức, cũng như các công cụ khác để bẻ cong hành pháp theo ý chí của nhà lập pháp.
Bây giờ, hãy trở lại lập luận của đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa rằng luận tội là hợp hiến.
Tất cả những lập luận ở trên, như tiền lệ năm 1869, một cựu quan chức nội các bị luận tội; hay các bản hiến pháp tiểu bang ủng hộ luận tội cựu quan chức đều không mạnh mẽ.
Nhưng có một lý lẽ thuyết phục hơn đối với trường hợp luận tội cựu TT Trump được cựu thẩm phán liên bang Michael McConnell ủng hộ. Lập luận này đơn giản nói rằng:
Hiến pháp trao cho Hạ viện “quyền lực duy nhất để luận tội”
Hạ viện luận tội ông Trump là hợp pháp, bởi vì ông đang tại chức khi phiên tòa luận tội tại Hạ viện diễn ra vào ngày 13/1
Hiến pháp trao cho Thượng viện “quyền lực duy nhất để xét xử tất cả các cuộc luận tội”
Và do đó Thượng viện có quyền xét xử trường hợp Hạ viện luận tội ông Trump.
Đây là một lập luận tốt. Nhưng câu hỏi là, lập luận này có áp đảo 5 lý do ở trên không? Từ tất cả các điều trên, ông Byron rút ra rằng, dự định của các tổ phụ lập quốc khi viết ra Hiến pháp là sử dụng “luận tội” như cơ chế để Quốc hội trục xuất đương kim tổng thống. Có những bằng chứng lịch sử chứng minh rằng các nhà lập pháp tin rằng truy tố hình sự là biện pháp sử dụng đối với cựu TT chứ không phải luận tội.
Tuy nhiên cụm từ “quyền lực duy nhất” và cụm từ “tổng thống… sẽ bị loại bỏ” đều có vẻ rõ ràng. Theo ông Byron, có lẽ Hiến pháp đã tự mâu thuẫn về điểm này vì các tổ phụ lập quốc không thể dự đoán được, trong tương lai sẽ xuất hiện tình huống Thượng viện muốn luận tội một cựu TT.
Điểm mấu chốt là: Tại sao có người lại ủng hộ Thượng viện luận tội cựu tổng thống? Một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ trong khi không có luận điểm rõ ràng chứng minh Quốc hội có quyền lực thực hiện điều này?
Phiên tòa luận tội TT Trump: Chỉ có 6 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ
Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba (9/2 theo giờ Mỹ) đã đạt được thỏa thuận về lịch trình cho phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump. Sau nhiều giờ điều trần, các Thượng nghị sĩ (TNS) đã bỏ phiếu về việc phiên tòa có hợp hiến hay không, kết quả cuối cùng là 56 phiếu thuận 44 phiếu chống, trong đó 6 thành viên của Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu tán thành, theo Sound of Hope.
Hôm thứ Ba, 6 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đồng tuyên bố họ tin rằng phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump là hợp hiến. Kết quả này cũng tương tự với kết quả của cuộc bỏ phiếu trước đó vào cuối tháng trước. Trước đó, 5 thành viên Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ phiên tòa luận tội này.
Trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng 1, các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa gồm: Susan Collins (từ tiểu bang Maine), Lisa Merkowski (từ tiểu bang Alaska), Mitt Romney (từ tiểu bang Utah), Ben Sass (từ tiểu bang Nebraska) và Pat Tumei (từ tiểu bang Pennsylvania) trước đó đã bỏ phiếu tán đồng quá trình xét xử này, cho rằng nó là hợp hiến, nhưng không đưa ra dự đoán về kết quả chung cuộc của phiên tòa.
Hôm 9/2, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bill Cassidy (từ tiểu bang Louisiana) đã thay đổi lập trường trong cuộc bỏ phiếu mới nhất này khi gia nhập mặt trận 5 thành viên thiểu số Đảng Cộng hòa ủng hộ việc bỏ phiếu luận tội ông Trump.
Phiên tòa xét xử luận tội dự kiến sẽ kéo dài đến tuần sau. Bắt đầu từ ngày 10/2, nhóm luật sư của Đảng Dân chủ và luật sư bào chữa của cựu Tổng thống Trump có thể tranh luận trong thời gian tối đa 16 giờ đồng hồ, thời gian tranh luận hàng ngày không được vượt quá 8 giờ đồng hồ. Sau đó, sẽ có thời gian cho các Thượng nghị sĩ đưa ra các câu hỏi, và có thể sẽ có trình tự biểu quyết khác.
Cùng ngày, người quản lý luận tội của Hạ viện đã phát hành một video clip tổng hợp những hình ảnh bạo lực và hỗn loạn nhất của người biểu tình trong vụ bạo loạn ngày 6/1 tại Tòa nhà Quốc hội, trong video có đề cập đến ngôn luận của cựu Tổng thống Trump nhằm cố gắng thuyết phục Quốc hội rằng ông Trump có liên quan đến việc kích động vụ bạo loạn.
Các luật sư bào chữa của Trump tuyên bố rằng các bên bào chữa không có quyền xét xử Trump vì ông ấy hiện là thường dân chứ không phải tổng thống, và cũng không nên đổ hết mọi trách nhiệm cho ông Trump về sự cố ở Tòa nhà Quốc hội.
Đảo chính Myanmar: Căng thẳng leo thang, cảnh sát đụng độ người biểu tình
Hôm thứ Ba (ngày 9/2) cảnh sát và người biểu tình tại Myanmar phản đối quân đội nắm quyền đã đụng độ khiến 4 người bị thương, trong đó 1 phụ nữ bị bắn vào đầu và đang trong tình trạng nguy kịch, thông tin từ một bác sĩ giấu tên tại phòng cấp cứu ở thủ đô Napyitaw, Myanmar.
Theo Reuters, tại thủ đô Naypyitaw hôm thứ Ba, cảnh sát đã nổ súng (chủ yếu trên không) và sử dụng vòi rồng để cố gắng giải tán đám đông người biểu tình.
Ngoài một phụ nữ bị bắn trọng thương ra, còn có 3 người khác bị thương khác nghi do đạn cao su và đang được điều trị. Đây là ngày bạo lực nhất trong các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội cho đến nay.
Bất chấp cảnh báo từ quân đội và trấn áp từ cảnh sát, các cuộc biểu tình vẫn không ngừng lan rộng.
Quân đội do Thượng tướng Min Aung Hlaing đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính vào đầu tháng này và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác.
Quân đội cho rằng Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái thông qua gian lận. Quân đội cho biết họ đã phát hiện ra hơn 10 triệu ví dụ về những bất thường trong danh sách cử tri, gồm các việc trùng lặp ghi danh hoặc các cá nhân đăng ký mà không có mã số quốc gia. Nhưng Ủy ban Bầu cử và các chính phủ phương Tây đã bác bỏ cáo buộc này.
Trong động thái mới nhất, tối 9/2, cảnh sát tại Myanmar đã đột kích vào trụ sở đảng NLD tại Yangon, hãng tin Reuters dẫn lời 2 hghị sĩ đảng NLD cho biết. Theo hai nghị sĩ này, cuộc đột kích có sự tham gia của hàng chục cảnh sát.
Cùng ngày, đảng NLD đăng tải trên Facebook cho biết: “Quân đội đột kích và phá hủy trụ sở của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào khoảng 21h30”.
Các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây được xem là lớn nhất trong hơn một thập kỷ ở Myanmar. Nó gợi lại ký ức về sự cai trị trực tiếp của quân đội trong gần nửa thế kỷ. Mãi đến năm 2011, quân đội mới bắt đầu rút khỏi trung tâm cai trị và Myanmar bước vào tiến trình chính trị dân sự.
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về việc cảnh sát sử dụng vũ lực giải tán người biểu tình.
Ông Pompeo không thay đổi quan điểm: virus Vũ Hán là nhân tạo
Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 9/2 nói rằng không có điều gì có thể thay đổi quan điểm của ông rằng, virus viêm phổi Vũ Hán có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm, theo Breitbart.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi tổ chức Y tế thế giới WHO bác bỏ giả thuyết cho rằng virus đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Cựu ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng: “Tôi phải nói lý do chúng tôi rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới là vì chúng tôi tin rằng tổ chức này đã hủ bại. Nó đã bị chính trị hóa. Tổ chức này đang quỳ gối trước Tổng Bí thư Tập Cận Bình ở Trung Quốc”.
Ông tiếp tục: “Tôi hy vọng rằng họ có thể xem tất cả dữ liệu và khoa học, vào phòng thí nghiệm, nói chuyện với các bác sĩ, phỏng vấn những người này… một cách riêng tư ở những nơi mà họ thực sự có thể nói sự thật về những gì đã diễn ra, mà không chịu sự giám sát của thành viên đảng cộng sản TQ đứng đằng sau để bảo đảm rằng họ tuân theo đường lối của đảng cộng sản. Vì vậy, tôi mong muốn được xem kết quả của họ. Tôi tiếp tục biết rằng có bằng chứng quan trọng, rằng điều này có thể đến từ phòng thí nghiệm đó”.
Người dẫn chương trình của Fox News hỏi ông Pompeo: “Vì vậy, không có gì khiến ông thay đổi quan điểm rằng virus đến từ phòng thí nghiệm?”
Vị Cựu ngoại trưởng Mỹ đáp rằng, không có gì có thể thay đổi quan điểm này.
TT Đài Loan chúc Tết người dân Trung Quốc và gửi thông điệp tới Bắc Kinh
Reuters đưa tin, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm 9/2, đã gửi lời chúc Tết tới người dân Trung Quốc đại lục, đồng thời tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh.
Sau cuộc họp với quan chức an ninh cấp cao, bà Thái nói: “Chúng tôi muốn chúc người dân ở bên kia eo biển một năm mới hạnh phúc và hy vọng cùng nhau thúc đẩy hòa bình, ổn định ở hai bờ eo biển”.
Bà Thái cũng cho biết Đài Loan đang liên hệ chặt chẽ với các bên liên quan đến tình hình ở eo biển Đài Loan. Theo nữ tổng thống, việc máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc gia tăng các hoạt động quanh đảo Đài Loan không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Tôi muốn nhắc lại rằng quan điểm nhất quán của Đài Loan về quan hệ hai bờ eo biển là không lùi bước trước áp lực cũng như không tiến lên một cách hấp tấp khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ”, bà Thái nói.
Theo bà Thái, Đài Loan muốn có “các cuộc đàm phán ý nghĩa” với Trung Quốc đại lục trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, miễn là Bắc Kinh thể hiện thái độ muốn giảm bớt căng thẳng trong quan hệ hai bờ eo biển.
Nghị sĩ Canada yêu cầu chuyển Thế vận hội khỏi Trung Quốc vì ĐCSTQ phạm tội ‘diệt chủng’
13 nhà lập pháp liên bang Canada từ tất cả các đảng lớn đã kêu gọi chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 khỏi Trung Quốc, với lý do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện “phong trào diệt chủng hàng loạt” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, Epoch Times đưa tin.
ĐCSTQ đang phạm tội ác chống lại nhân loại
Vào ngày 7/2, một bức thư ngỏ có chữ ký của 13 thành viên quốc hội Canada, 6 chính trị gia Quebec và những người khác đã cảnh báo rằng việc tham gia Thế vận hội Bắc Kinh sẽ “cho phép một chế độ thu lợi nhuận, và chế độ này [lại] đang phạm tội ác nghiêm trọng nhất chống lại loài người đối với chính người dân của mình”.
Bức thư yêu cầu Ủy ban Olympic quốc tế chuyển Thế vận hội 2022 khỏi Trung Quốc để tránh các vận động viên tham gia bị “vết nhơ” vì sự cố này. Trong thư, các nghị sĩ đã so sánh Thế vận hội Olympic sắp tới ở Trung Quốc với Thế vận hội Olympic Berlin được tổ chức dưới chế độ Đức Quốc xã vào năm 1936. Và gọi nó là “một thế vận hội của sự xấu hổ”.
Tuyên bố làm rõ rằng bức thư kêu gọi chuyển Thế vận hội khỏi Trung Quốc, chứ không phải tẩy chay Thế vận hội. “Chúng tôi không yêu cầu các vận động viên của mình từ bỏ giấc mơ Olympic, bởi vì chúng tôi hoàn toàn biết [họ] sẽ phải nỗ lực như thế nào để theo đuổi giấc mơ Olympic”.
Một số nghị sĩ cho rằng không nên nhầm lẫn giữa thể thao và chính trị. Bức thư viết: “Khi sự diệt chủng hàng loạt xảy ra, nó không còn là vấn đề chính trị, mà là vấn đề nhân quyền và tội ác chống lại loài người”.
Bức thư liệt kê cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm các vụ cưỡng hiếp hàng loạt và một số lượng lớn các cuộc tra tấn; phụ nữ bị buộc phải triệt sản, người lớn và trẻ em bị bắt cóc. Sử dụng hệ thống camera giám sát kết hợp với phần mềm trí tuệ nhân tạo để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời xóa bỏ văn hóa của sắc dân này trên quy mô lớn.
Đại sứ Canada tại Liên hợp quốc, Bob Rae đã kêu gọi Liên hợp quốc điều tra việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có cấu thành tội ác diệt chủng hay không.
Cựu vận động viên vô địch thế giới người Canada Jean-Luc Brassard và cựu bộ trưởng nội các Đảng Tự do Irwin Cotler cũng ký vào bức thư. Trước đó, khoảng 180 tổ chức nhân quyền đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, dự kiến khai mạc ngày 4/2/2022.
Phải đối phó với ĐCSTQ một cách đa phương
Liên Hợp Quốc nói Triều Tiên chi 300 triệu USD cho tên lửa đạn đạo
Reuters dẫn báo cáo mật của Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên duy trì chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo nhờ tiền từ các vụ tấn công mạng năm 2020.
Nhóm chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết trong báo cáo mật được tiết lộ hôm 8/2 rằng: “Triều Tiên đã chế tạo vật liệu phân hạch, duy trì cơ sở hạt nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo, đồng thời tiếp tục tìm kiếm vật liệu và công nghệ từ nước ngoài cho những chương trình đó”.
Báo cáo được gửi lên ủy ban giám sát cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Các chuyên gia cho biết Bình Nhưỡng vẫn phát triển kho hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, đầu tư khoảng 300 triệu USD cho những dự án này trong năm 2020 nhờ hoạt động tấn công mạng toàn cầu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Biden đang lên kế hoạch cho cách tiếp cận mới với Bình Nhưỡng, bao gồm phối hợp cùng đồng minh nhằm xem xét toàn diện “các lựa chọn gây áp lực và khả năng ngoại giao trong tương lai”.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào