Võ Thái Hà tóm lược
Tiêm ngừa Covid-19 : Liên Hiệp Châu Âu bấn loạn, Nga và Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng
Châu Âu bắt đầu chú ý đến vac-xin Sputnik V của Nga. © REUTERS/Agustin Marcarian
Căng thẳng giữa Liên Hiệp
Châu Âu và các hãng dược trong việc cung cấp vac-xin ngừa Covid-19 làm lộ rõ sự
tụt hậu ngành công nghiệp dược phẩm tại châu lục. Cuộc khủng hoảng Covid-19
buộc khu vực này phải chấp nhận đau đớn thay đổi chiến lược về y tế và đây là
một cơ hội vàng để Nga và Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
Những dấu hiệu bấn loạn đầu tiên bắt đầu từ việc Hungary – thành viên của Liên
Hiệp Châu Âu mở cửa cho vac-xin Trung Quốc và Nga. Theo AFP, 40.000 liều thuốc
tiêm Sputnik V đầu tiên đã đến Hungary hôm 02/02. Thủ tướng Viktor Orban còn
khẳng khái tuyên bố rằng khi đến lượt, ông chắc chắn sẽ tiêm bằng vac-xin của
Trung Quốc.
Trước nguy cơ thiếu vac-xin để đạt những mục tiêu đề ra do các hãng dược Anh, Mỹ thông báo sẽ giao hàng trễ, rồi việc tạp chí khoa học The Lancet công nhận vac-xin Nga hiệu quả đến hơn 91%, lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, sau nhiều tháng do dự, hoài nghi, đành để ngỏ khả năng sử dụng đến vac-xin Nga và Trung Quốc nhưng có điều kiện.
Vì đâu nên nỗi ? Châu Âu luôn tự hào có một nền y học tân tiến, một hệ thống y tế hoàn hảo, nhưng lại không đủ vac-xin để phòng bệnh cho dân ? Cây bút xã luận Etienne Lefebvre, trên báo Les Echos nêu ra ba khuyết điểm lớn của khối 27 nước, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng vac-xin sẽ chưa chấm dứt, sự chậm trễ của châu Âu khó thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thứ nhất, đúng là một số hãng dược đã thất hứa trong các cam kết giao hàng, như trường hợp của AstraZeneca. Việc các hãng dược đổ lỗi cho Liên Hiệp Châu Âu chậm trễ đặt hàng là không thuyết phục. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía các cổ đông hãng dược Mỹ, dường như gây khó khăn cho việc cung cấp số hàng đặt từ châu Âu.
Thứ hai, nếu như châu Âu có tham vọng hướng đến dự án Y tế châu Âu, theo mô hình quản lý Barda của Mỹ, để có thể đầu tư ồ ạt và quản lý việc đặt mua vac-xin nhằm tránh cuộc chiến tranh giành vac-xin nổ ra trong lòng khối 27 nước, thì Ủy Ban Châu Âu – cơ quan quản lý lại không xứng tầm với những hứa hẹn của mình.
Châu Âu chỉ lo vấn đề đặt hàng nhưng lại thiếu sự giám sát – khâu quan trọng trong xử lý khủng hoảng. Sự việc cũng cho thấy rõ bộ máy hành chính đã không được trang bị như một chính phủ quốc gia để bảo đảm việc giám sát này. Tự bản thân các nước phải huy động đến nguồn lực riêng của mình – mà Pháp đang đi đầu, vận động sự tham gia của mọi dây chuyền sản xuất để vượt qua trở ngại, tập hợp lực lượng và tăng tốc sản xuất.
Bài học thứ ba, có lẽ là bài học đau đớn nhất. Sự chậm trễ trong sản xuất là do thiếu đầu tư trong các ngành công nghiệp về y tế tại châu Âu trong 20 năm gần đây. Năng suất kém của AstraZeneca tương phản với khả năng của Ấn Độ. Tương tự, Pfizer và Moderna cũng đang đối mặt với khó khăn trong việc sản xuất đại trà loại vac-xin bào chế dựa trên công nghệ ARN thông tin. Một công nghệ mà châu Âu lại khan hiếm các điểm sản xuất.
Quan chức cấp cao Mỹ – Đài họp bàn về ‘chất bán dẫn’
Reuters đưa tin, Bộ trưởng kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa hôm thứ Năm (4/2) cho biết, tình trạng thiếu chip ô tô trên toàn cầu sẽ không phải là chủ đề chính trong cuộc họp với Hoa Kỳ vào thứ Sáu (5/2), trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô đang chật vật với tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Bộ Ngoại giao cho biết, Phó trợ lý Bộ trưởng Chính sách Thương mại và Đàm phán Matt Murray sẽ tham gia cuộc họp kín. Đây sẽ là cuộc gặp giao lưu quan chức cấp cao nhất giữa Đài Loan và chính quyền Biden được công bố từ trước tới nay.
Các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang phải đóng cửa dây chuyền lắp ráp vì tình trạng thiếu chip, một phần do sự ảnh hưởng từ các hành động của chính quyền tiền nhiệm đối với các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc.
Bà Vương cho biết “chất bán dẫn” sẽ là “chủ đề chính” của cuộc họp hiếm hoi giữa các quan chức kinh tế cấp cao của Đài Bắc và Washington, và bà lưu ý rằng “trọng tâm chính” của cuộc họp không phải là chip ô tô.
“Đó thực sự là một chủ đề rộng lớn hơn về hợp tác trong tương lai và các mục tiêu cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn”, bà Vương nói với các phóng viên.
Thêm một công ty công nghệ Trung Quốc IPO khủng
Hôm nay, sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông chào đón đợt IPO công nghệ lớn nhất thế giới kể từ sau Uber ở New York hồi năm 2019. Kuaishou, một ứng dụng video ngắn Trung Quốc tuyên bố có 264 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, có thể được định giá tới khoảng 60 tỷ USD, cao hơn cả những gã khổng lồ mạng xã hội nổi tiếng hơn như Twitter (khoảng 44 tỷ đô la). Cổ phiếu của công ty Trung Quốc này hiện đã được các nhà đầu tư bán lẻ đăng ký vượt tới hơn 1.200 lần – một kỷ lục ở thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Kuaishou kiếm tiền chủ yếu từ cắt phần trăm số tiền mà người xem đóng góp cho các streamer yêu thích của họ, những người hát, nhảy hoặc thậm chí chỉ tắm nắng. Nền tảng này ghi nhận gần 1 tỷ phiên phát trực tiếp trong nửa đầu năm 2020. Và Kuaishou có tham vọng toàn cầu. Phiên bản nước ngoài của họ, Kwai, đang thu hút hàng triệu người dùng từ Brazil đến Việt Nam. Kwai vẫn chưa có được danh tiếng như TikTok, đối thủ chính của họ, cũng đến từ Trung Quốc. Nhưng 5,4 tỷ đô la mà Kuaishou vừa gọi được có thể giúp đưa tên họ lên bản đồ.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi
Có lẽ điều duy nhất tệ hơn cả việc không rút kinh nghiệm từ lịch sử là việc rút ra những bài học sai lầm. Khi các lãnh đạo châu Phi họp online vào cuối tuần này cho hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Liên minh châu Phi (AU), họ dường như quyết tâm đặt ra những mục tiêu thiếu tham vọng. Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái tuyên bố 2020 sẽ là năm “im tiếng súng” nội chiến, để rồi chứng kiến giao tranh nổ ra ngay tại Ethiopia, quốc gia đặt cơ quan điều hành AU.
Mục tiêu năm nay sẽ chỉ là tôn vinh nghệ thuật và văn hóa của châu lục. Tuy nhiên, rất cần có các hành động khẩn cấp từ các lãnh đạo châu Phi về một số vấn đề quan trọng, trước hết là covid-19. Trong khi phần lớn các nước giàu đang dự đoán tiêm chủng cho người dân nước mình trong năm nay, thì châu Phi phải đến đầu năm 2024 mới đảm bảo tiêm đủ số người để đạt miễn dịch cộng đồng. Quản trị và dân chủ cũng thụt lùi trong năm qua, với một số cuộc bầu cử gian lận đáng xấu hổ. AU cần giảm tổ chức các lễ kỷ niệm và thể hiện vai trò lãnh đạo hơn một chút.
Mỹ sắp công bố báo cáo việc làm tháng 1
Hôm nay, các nhà kinh tế học trên toàn thế giới sẽ điên cuồng refresh trình duyệt của họ vào lúc 08:30 Giờ miền Đông Mỹ, thời điểm báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ được công bố. Sau khi đạt đỉnh 15% vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 7%. Hầu hết các nhà kinh tế không dự đoán được một sự giảm mạnh như vậy. Nhưng báo cáo của tháng trước là một cú sốc: sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh, việc làm đã giảm.
Đó là vì một số lý do, bao gồm việc tác động kích thích của các gói kích thích mùa xuân năm ngoái đã hết và quan trọng nhất là gia tăng số ca nhiễm coronavirus. Kể từ đó, nhiều tiền kích thích hơn đã được tung ra, trong khi số ca nhiễm coronavirus mới và số ca nhập viện giảm; do đó, có thể đoán báo cáo của hôm nay sẽ tốt hơn một chút. Các ước tính khảo sát cho thấy lao động hưởng lương ngoài ngành nông nghiệp có khả năng tăng khoảng 50.000. Song nếu với tốc độ tăng việc làm như vậy, Mỹ sẽ không thể hồi phục toàn bộ số việc làm đã mất cho đến tận năm 2037.
Bế tắc chính trị ở Haiti
Haiti rơi vào thế bế tắc khi phe đối lập cố gắng loại bỏ Tổng thống Jovenel Moïse. Mặc dù bầu cử đến tháng 9 mới tổ chức, những người chỉ trích ông lại nói ông nên từ nhiệm vào Chủ nhật này vì đã 5 năm kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống trước đó kết thúc. Họ dự kiến chỉ định một nguyên thủ quốc gia tạm thời và một ủy ban giám sát quá trình chuyển đổi chính trị. Tuy nhiên ông Moïse nói ông sẽ không từ chức cho đến tháng 2 năm 2022, năm năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức.
Chính quyền của ông đang ngày càng trở nên chuyên quyền, tham nhũng và bất tài. Ông Moïse đã lãnh đạo bằng sắc lệnh kể từ khi quốc hội bị treo vào tháng 1 năm ngoái vì bầu cử lập pháp bị hủy bỏ. Và người dân ngày càng bất mãn. Người Haiti đang đối mặt với bạo lực băng đảng cũng như nạn bắt cóc đòi tiền chuộc ngày càng gia tăng. Năm ngoái có gần 200 vụ như vậy, tăng từ 39 của năm 2019. Trong khi đó, đình công và biểu tình, được hậu thuẫn bởi các công đoàn, đã khiến trường học và doanh nghiệp đóng cửa trong tuần qua. Có thể đoán còn nhiều điều tương tự vào cuối tuần này.
Tiêm chủng nhanh chưa thể giúp Israel phục hồi
Cuộc phong tỏa toàn quốc lần thứ ba của Israel đáng lẽ kết thúc hôm nay. Nhưng các hạn chế dự kiến sẽ được gia hạn thêm ba ngày nữa vì số ca nhiễm và nhập viện cao. Nội các Israel có bất đồng xoay quanh việc nới lỏng phong tỏa. Thủ tướng Binyamin Netanyahu và các quan chức y tế nhấn mạnh phong tỏa nên được duy trì. Các bộ trưởng nội các khác thì muốn nới lỏng.
Người ta kỳ vọng Israel có thể sớm mở cửa lại nền kinh tế nhờ vào chiến dịch tiêm chủng đang được thực hiện với tốc độ chóng mặt của chính phủ. Hai phần ba người Israel trên sáu mươi tuổi đã tiêm đủ hai liều vắc-xin Pfizer-BioNTech. Tuy nhiên, mặc dù đã có các dấu hiệu đầu tiên cho thấy giảm ca nhiễm ở các nhóm lớn tuổi, tổng số ca nhiễm và tử vong vì covid-19 vẫn ở mức cao do biến thể mới đến từ Anh lây lan nhanh hơn. Ngay cả Israel cũng chưa vượt hạn thành công.
Pompeo: Biden ‘bỏ quên’ mối đe dọa hạt nhân từ TQ khi gia hạn hiệp ước kiểm soát với Nga
Khi gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Moscow, chính quyền Tổng thống Joe Biden giờ đây đã mất tất cả đòn bẩy để thuyết phục Nga phối hợp trong việc đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào một hiệp ước tương tự, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định trong một cuộc phỏng vấn hôm 4/2, theo The Epoch Times.
Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 3/2 thông báo Hoa Kỳ đã gia hạn New START, hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Nga, trong vòng 5 năm.
“Tôi nghĩ sai lầm ở đây là, trong khi tôi cũng nhìn nhận các hiệp định vũ khí là tốt, các hiệp định vũ khí chiến lược là những thứ tốt nếu chúng có thể được xác thực một cách đầy đủ, nhưng họ lại quên mất sức mạnh hạt nhân mới nổi quan trọng nhất. Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang nắm trong tay các hệ thống vũ khí và đang thử nghiệm tên lửa ở tốc độ đáng báo động”, ông Pompeo nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo của đài Fox News.
“Chính quyền [trước đây] của chúng tôi đã nỗ lực để đưa người Trung Quốc vào bên trong cơ cấu kiểm soát vũ khí này. Chúng tôi đã gần làm được điều đó tại một thời điểm. Giờ đây, đòn bẩy để thuyết phục người Nga rằng họ cũng cần phải góp mặt để đưa người Trung Quốc vào cấu trúc này đã không còn nữa”, ông Pompeo nói.
Khi thông báo về việc gia hạn New START, Ngoại trưởng Blinken nói rằng chính quyền Biden “cũng sẽ theo đuổi việc kiểm soát vũ khí để giảm bớt những nguy hiểm từ kho vũ khí hạt nhân hiện đại và đang phát triển của Trung Quốc”.
Anh rút giấy phép kênh truyền hình Trung Quốc
Cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) hôm thứ Năm (4/2) đã rút giấy phép hoạt động của CGTN, kênh tiếng nước ngoài của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), sau khi kết luận Bắc Kinh chỉ đạo biên tập nội dung của kênh này, theo Ofcom.
Ofcom cho biết lý do rút giấy phép của CGTN: “Cuộc điều tra của chúng tôi kết luận công ty Star China Media Limited [SCML], chủ sở hữu giấy phép hoạt động của CGTN [tại Anh], không chịu trách nhiệm biên tập tin tức của kênh này. Do đó, SCML không đáp ứng yêu cầu pháp lý về việc kiểm soát dịch vụ được cấp phép, nên không phải bên sở hữu giấy phép phát sóng hợp pháp”.
Ofcom cho biết thêm rằng họ không thể cấp phép để SCML chuyển giao giấy phép này cho Tổng công ty CGTN vì kênh này thuộc kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.
Sau quá trình điều tra, Ofcom nhận thấy SCML chỉ là “nhà phân phối dịch vụ”, không có quyền kiểm soát nội dung của CGTN. Ngoài ra, họ cũng phát hiện SCML chỉ đứng tên mang tính danh nghĩa trên giấy phép phát sóng tại Anh vì không nhân viên nào của CGTN chịu trách nhiệm về biên tập tin cho kênh là người của SCML.
Dân biểu thiên tả bị tố ‘dựng chuyện’ trong vụ bạo động Điện Capitol
Dân biểu Đảng Dân chủ cực tả Alexandria Ocasio-Cortez (ảnh: Youtube/Alexandria Ocasio-Cortez).
Gần đây, Dân biểu Đảng Dân chủ cực tả Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) đã Livestream trên Instagram kể về “trải nghiệm cá nhân” của cô trong cuộc bạo loạn tại đồi Capitol ngày 6/1. AOC kể cô suýt chút bị “tấn công tình dục” và “bị sát hại”. Tuy nhiên, nhiều người sau đó chỉ ra rằng văn phòng của AOC không hề bị tấn công và cáo buộc AOC nói dối và dựng chuyện, theo Sound of Hope.
Trong Livestream, AOC đã kể một cách sống động về “trải nghiệm kinh hoàng” của cô tại Tòa nhà Quốc hội ngày hôm đó, đồng thời cũng chỉ trích Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz vì đã khiến cô “suýt bị giết”.
AOC nói rằng cô đang trốn trong văn phòng của Katie Porter, một Nghị sĩ Dân chủ khác, trong lúc hoảng loạn thì nghe thấy những người biểu tình đập cửa rầm rầm bên ngoài, kêu gào phải tìm cho ra cô.
AOC cũng nói rằng bản thân cô khi đó vô cùng hoảng sợ, suýt chút nữa cô đã bị tấn công tình dục bởi một người biểu tình da trắng. Rất may cô đã trốn trong bồn tắm nên mới thoát được.
Sau khi câu chuyện của AOC được lan truyền rộng rãi trên Internet, vào tối ngày 3/2, nhiều người đã đứng lên làm chứng trên Fox News, nói rằng hôm Điện Capitol bị tấn công, AOC vốn không ở đó. Họ cho biết, các tòa nhà chính của Điện Capitol gồm sảnh lớn có mái vòm ở giữa, Cánh Bắc là Thượng viện Liên bang, và Cánh Nam là Hạ viện Liên bang. Văn phòng của AOC và Nghị sĩ Katie Porter được đặt tại Tòa nhà Cannon ở phía đông nam của Điện Capitol. Mặc dù tòa nhà được kết nối với Điện Capitol bằng một đường hầm nhưng không có người biểu tình nào vào đến tòa nhà Cannon thời điểm đó.
Ngoài ra, Dân biểu Đảng Cộng hòa của tiểu bang Carolina Nancy Mace cũng đã tweet cáo buộc AOC nói dối. Bà cũng đề cập rằng không có người biểu tình nào xông vào Tòa nhà Cannon ngày hôm đó. Dân biểu Mace cũng nhắc nhở AOC không nên lặp lại những sai lầm của diễn viên người Mỹ Jussie Smollett trong phim Empire, người bị buộc 16 tội danh vì nói dối và khuấy đảo thù hận.
Không có nhận xét nào