Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 26 tháng 02 năm 2021 |
Ngày 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập Xayaburi 1260 MW, con đập thủy điện dòng chính đầu tiên trên sông Mekong của Lào, gây lo ngại cho cư dân sống ở lưu vực sông Mekong.
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm 25/2 cho biết chính phủ Lào đã công bố những hướng dẫn mới trong việc quản lý các đập thủy điện nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nước và nguy cơ lũ lụt, giữa lúc đang có tranh luận về sự bùng nổ các nhà máy thủy điện làm thay đổi dòng sông Mekong, con sông thiết yếu cho đời sống người dân ven bờ.
Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 4/3 yêu cầu tất cả các nhà khai thác thủy điện phải thông báo cho chính quyền bất cứ khi nào các hồ chứa đạt dung tích tối đa hoặc khi mực nước sông ở hạ lưu xuống mức nguy hiểm, báo Vientiane Times đưa tin.
“Quản lý hiệu quả các tài nguyên nước và sông, đặc biệt là các nguồn nước được sử dụng bởi các nhà máy thủy điện, được coi là thiết yếu trong bối cảnh Lào đang nỗ lực xây dựng nhiều đập hơn để trở thành nước xuất khẩu điện quan trọng”.
Hôm thứ Năm, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Lào không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về sắc lệnh mới.
Phát triển thủy điện là trọng tâm trong kế hoạch của Lào nhằm xuất khẩu khoảng 20.000 MW điện sang các nước láng giềng vào năm 2030.
Ít nhất 50 đập đã được xây dựng trong 15 năm qua trên hàng trăm con sông và suối của Lào, với ít nhất 14 đập mới trên sông Mekong và các nhánh của nó đã xây dựng kể từ năm 2018, Cơ quan Giám sát Đập Mekong do Mỹ tài trợ cho hay.
Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng các đập thủy điện đã làm hỏng hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong.
Việc xả nước đột ngột gây ra lũ lụt, và giữ nước gây nạn thiếu nước ở vùng hạ lưu đã khiến ngư dân và nông dân ở Lào và các nước láng giềng ở hạ lưu, kể cả Thái Lan và Campuchia, lớn tiếng than phiền. Đây là nơi hàng triệu người lệ thuộc vào sông Mekong làm kế sinh nhai.
Các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường kêu gọi nên “quản lý dòng chảy” tốt hơn đối với các đập ở Lào, cũng như đối với 11 đập trên thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của các con đập này.
Anh trừng phạt Thống tướng Myanma
AFP đưa tin, Vương quốc Anh hôm thứ Năm (25/2) đã áp đặt biện pháp trừng phạt với 6 tướng lĩnh cao cấp của quân đội Myanmar, bao gồm Thống tướng Min Aung Hlaing, vì vai trò trong cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Động thái này gửi thông điệp rõ ràng tới chế độ quân sự ở Myanmar rằng những người chịu trách nhiệm vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm và chính quyền phải trao lại quyền lực cho chính phủ do người dân Myanmar bầu ra”.
Theo lệnh trừng phạt, Thống tướng Min Aung Hlaing, hiện đang lãnh đạo chính quyền quân sự, cùng 5 thành viên quân đội bị cấm đến Anh, trong khi các doanh nghiệp và tổ chức của Anh bị cấm giao dịch với họ.
Năm người khác chịu lệnh trừng phạt của Anh là trung tướng Aung Lin Dwe, trung tướng Ye Win Oo, tướng Tin Aung San, tướng Maung Maung Kyaw và trung tướng Moe Myint Tun.
Thông báo được đưa ra vào thời điểm tròn một tuần sau khi Anh trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing vì cáo buộc vi phạm nhân quyền sau cuộc đảo chính. Những quan chức này bị đóng băng tài sản ngay lập tức và cấm tới Anh.
Kinh tế Ấn Độ hồi phục phần nào từ đại dịch
Năm tháng trước, thời điểm Ấn Độ ghi nhận tới hơn 90.000 ca nhiễm covid-19 mới mỗi ngày, không ai có thể tưởng tượng được giờ đây nước này sẽ tổ chức các trận đấu cricket thế giới trước hàng chục nghìn người hâm mộ. Song nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của Ấn Độ đã được hồi phục khi virus thuyên giảm. Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã góp phần vào phục hồi kinh tế nhanh chóng, được hỗ trợ bởi chi tiêu chính phủ trung ương tăng mạnh.
Số liệu công bố hôm nay dự kiến cho thấy GDP ba tháng cuối năm 2020 cao hơn một năm trước đó. Nhưng vẫn chưa hết mọi lo lắng. Việc làm vẫn còn thấp hơn so với mức tiền đại dịch, và đầu tư tư nhân vẫn chưa hồi sinh đáng kể. Vẫn còn nhiều công suất dự phòng ở một số lĩnh vực. Trong đó có cricket. 55.000 vé bán ra cho trận đấu tuần này giữa Ấn Độ với Anh ở Ahmedabad chỉ chiếm một nửa sức chứa của sân vận động khổng lồ.
Mỹ sắp có vắc-xin covid-19 thứ ba từ Johnson & Johnson
Hôm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sẽ quyết định cấp phép cho một loại vắc-xin do Janssen, một công ty con của Johnson & Johnson, phát triển để dùng cho mục đích khẩn cấp. Mọi người đều hoan nghênh việc phê duyệt loại vắc-xin thứ ba — đúng ngay lúc Mỹ vừa ghi nhận ca tử vong thứ 500.000 do covid-19. Cuộc họp hôm nay không giống những cuộc họp trước đó.
Đây là lần đầu tiên FDA xem xét một loại vắc-xin có hiệu quả được chứng minh trong thử nghiệm lâm sàng trước các biến thể covid-19 dễ lây lan. Ứng viên từ Janssen được thử nghiệm dưới dạng một mũi tiêm duy nhất – chứ không phải hai mũi như các loại vắc-xin khác đang lưu hành – và được cho là giúp giảm tới 66% các ca nhiễm từ trung bình đến nặng. Không như vắc-xin Moderna, nó cũng không yêu cầu bảo quản siêu lạnh, giúp đơn giản hóa việc vận chuyển và phân phối. Janssen tuyên bố họ có thể cung cấp hơn 20 triệu liều cho tới cuối tháng 3, nhưng họ có thể cũng phải đối mặt các vấn đề về sản xuất như các hãng vắc-xin khác.
Công ty hàng không IAG công bố kết quả kinh doanh
Bầu trời thưa vắng là tin chẳng tốt lành gì với International Airlines Group, chủ sở hữu Aer Lingus, British Airways và Iberia. Kết quả kinh doanh năm công bố hôm nay của công ty được dự đoán là sẽ cho thấy tác động lớn của một năm mà du lịch quốc tế gặp nhiều khó khăn và đôi khi là bất khả thi. Ảnh hưởng của các lệnh cấm đi lại và kiểm dịch sẽ tạo ra tổn thất nặng nề.
IAG không được hưởng lợi từ các khoản cứu trợ lớn của chính phủ như Air France-KLM hay Lufthansa, hai hãng hàng không đối thủ của họ ở châu Âu. Mặc dù đã cắt giảm chi phí và tái cơ cấu, triển vọng xa vời về sự phục hồi hoàn toàn của ngành vận tải quốc tế đồng nghĩa IAG sẽ phải tìm ra cách khác để tăng cường nguồn tiền mặt của mình. Họ có thể tiến hành kêu gọi cổ đông, thay vì tìm kiếm một khoản cứu trợ vốn đi kèm các ràng buộc, như trong trường hợp của các hãng đối thủ. Quyền tự do không bị can thiệp bởi chính phủ ít nhất mang lại cho họ một lợi thế khi bầu trời lấp đầy máy bay trở lại.
Quốc hội Mỹ xem xét gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ của Tổng thống Biden
Hôm nay, Hạ viện Hoa Kỳ dự kiến thông qua sáng kiến lớn nhất của Joe Biden trên cương vị tổng thống cho đến nay — một dự luật kích thích kinh tế covid-19 khác. Nó không thay đổi nhiều so với kế hoạch được đặt ra ngay trước khi ông Biden nhậm chức. Đảng Dân chủ bám sát yêu cầu 1,9 nghìn tỷ đô la ban đầu của ông và quyết định không thương lượng với đảng Cộng hòa về quy mô của gói.
Nhưng thách thức thực sự nằm ở Thượng viện. Cần 60 phiếu để tránh filibuster, do đó đảng Dân chủ đang sử dụng một thủ tục ngân sách đặc biệt được gọi là “hòa giải ngân sách” nhằm thông qua luật. Các quy tắc nghiêm ngặt quy định việc hòa giải có thể sẽ buộc điều chỉnh dự luật (và hủy bỏ đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang). Nếu không có phiếu nào từ đảng Cộng hòa, các Thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ phải đoàn kết tối đa để gửi được dự luật lên bàn của ông Biden. Vì ở vị thế mang tính quyết định, những nghị sĩ Dân chủ ôn hòa, như Joe Manchin của Tây Virginia, có thể yêu cầu thu nhỏ kế hoạch của ông Biden.
El Salvador tổ chức bầu cử quốc hội
Nayib Bukele không ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp vào Chủ nhật ở El Salvador, nhưng cuộc bầu cử lại xoay quanh ông. Đảng Nuevas Ideas (Ý tưởng Mới) của tổng thống được dự đoán giành được hầu hết 84 ghế của quốc hội, cộng với một số ghế thống đốc địa phương. Nếu đúng như vậy, nó sẽ củng cố quyền lực của ông Bukele và có thể giúp quá trình hoạch định chính sách được suôn sẻ hơn. Nhiều người kỳ vọng ông sau khi thắng sẽ tăng cường chống tham nhũng.
Nhưng có nhiều rủi ro. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2019, ông Bukele – một người theo chủ nghĩa dân túy nổi lên như vũ bão khiến hai đảng chính trị truyền thống bị gạt ra rìa – đã thể hiện xu hướng độc tài. Ông giảm được tội phạm, nhưng các nhà phân tích tin rằng ông làm được vậy là nhờ thương lượng với các băng đảng. Ông từng gửi binh lính tới chiếm giữ quốc hội vào năm 2020 để buộc các nghị sĩ thông qua một thỏa thuận cho vay. Sau đó, ông lại sử dụng quân đội để thực thi kiểm dịch trong đại dịch. Nhưng ông nhận được sự ủng hộ lớn nhờ cách xử lý covid-19 của ông, mà các cử tri coi là vấn đề số một. Có thể đoán Nuevas Ideas sẽ thắng và ông Bukele ngày càng quyền lực hơn.
Cô gái Mỹ vay tiền cứu trợ Covid-19 để mua sắm xa xỉ
Một phụ nữ 24 tuổi ở North Carolina bị cáo buộc dùng khoản vay cứu trợ trị giá 149.000 USD để mua sắm tại Louis Vuitton, cửa hàng kim cương và các điểm bán lẻ sang trọng khác.
Jasmine Johnnae Clifton, sống ở Charlotte, North Carolina, đã bị buộc tội gian lận liên quan đến trợ cấp thiên tai, thảm họa và các trường hợp khẩn cấp khác, Văn phòng Luật sư Mỹ tại quận phía tây của North Carolina cho biết trong một thông cáo báo chí được Insider trích dẫn.
Các công tố viên cho biết Clifton đã sử dụng một doanh nghiệp bán lẻ quần áo trực tuyến có tên là Jazzy Jas LLC để xin khoản vay Covid-19 từ Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ của Mỹ (SBA) vào năm ngoái.
Tuy nhiên, công ty này đã bị giải thể vài tháng trước đó. Clifton cũng đã ngụy tạo doanh thu và gian lận thuế.
Khoản vay mà cô đăng ký là một phần của Đạo luật CARES được thiết kế để giúp các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Song, các công tố viên nói rằng Clifton đã sử dụng khoản tiền vay để đi mua sắm.
"Clifton bị cáo buộc đã sử dụng tiền chính phủ để mua hàng tại nhiều cửa hàng bán lẻ, bao gồm Nordstrom, Ikea, Neiman Marcus, Rooms To Go, Louis Vuitton, Best Buy và các cửa hàng mua sắm khác. Clifton cũng mua hàng tại nhiều cửa hàng kim cương", Văn phòng Luật sư Mỹ ở quận phía tây của North Carolina cho biết trong thông cáo báo chí.
Một bồi thẩm đoàn liên bang ở Charlotte đã truy tố Clifton vào ngày 17/2 và phiên xét xử đầu tiên diễn ra hôm 22/2. Người phụ nữ này phải đối mặt với án tù 30 năm cho mỗi tội danh và khoản tiền phạt 350.000 USD.
Viện sĩ Nga: Thế giới hiện không nóng lên mà trở nên lạnh hơn
Nhà hải dương học Mattisov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Giám đốc khoa học Trung tâm Khoa học Phương Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tin rằng thế giới không nóng lên mà đang lạnh hơn. Ông cũng tin rằng khí hậu trái đất có tính chu kỳ, chu kỳ ấm lên hiện đã kết thúc và nó đang bước vào chu kỳ lạnh đi, Sound of Hope đưa tin.
Kết luận sau gần 60 năm nghiên cứu
Nhà hải dương học Gennady Mattisov (еннадий Матишов) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Nga (Российская газета) vào thứ Ba (23/2) rằng điều đang chờ đợi nhân loại không phải là sự nóng lên toàn cầu, mà là kỷ băng hà nhỏ.
Ông Mattisov nói rằng ông đã tham gia chuyến thám hiểm Bắc Cực từ năm 1965 và không có chuyện trái đất nóng lên. Nếu lý thuyết nóng lên toàn cầu là đúng, thì băng ở Bắc Cực đã tan chảy.
Ông Mattisov cũng nói rằng nhiệt độ của Bắc Cực thực sự đã tăng nhẹ trong thời gian gần đây, và chính vì điều này mà một số người tin rằng khí hậu toàn cầu đang ấm lên. Ông chỉ ra rằng: “Để hiểu các xu hướng (thay đổi) khí hậu, ít nhất một trăm năm dữ liệu cần được phân tích, thay vì chỉ tập trung vào các sự kiện đã xảy ra trong một hoặc hai năm qua”.
Ông Mattisov tin rằng chu kỳ ấm áp tăng nhiệt độ ở Bắc Cực đã kết thúc và khí hậu đã chuyển sang chu kỳ lạnh.
“Trong 15 năm qua, Vịnh Taganrog (Таганрогский залив) bị bao phủ bởi băng trung bình 54 ngày mỗi năm. Đối với khu vực phía Nam, 54 ngày tuyết phủ là quá dài, càng gần hơn với việc khí hậu trở nên lạnh giá”, ông Mattisov nói.
Biến đổi khí hậu có tính chu kỳ
Ông Mattisov nói rằng khí hậu có tính chu kỳ và con người đang trở thành nhân chứng cho sự khởi đầu của kỷ băng hà mới.
Để chứng minh rằng khí hậu trên trái đất có tính chu kỳ, ông đã trích dẫn hai sự kiện lịch sử.
Năm 1878, thuyền trưởng hải quân Phần Lan Thụy Điển Luis Penrandel dẫn đầu một đoàn thám hiểm quốc tế bao gồm các nhân viên hải quân Nga, Đan Mạch và Ý với tổng số 30 người trên tàu ‘Вега’ và 4 tàu khác trong chuyến thám hiểm đi qua toàn bộ tuyến đường Bắc Cực vào mùa đông. Ông Mattisov nói: “Họ không nói vào thời điểm đó, trái đất đang ấm lên”.
Năm 1933, đoàn thám hiểm của Liên Xô đã đưa con tàu Chelyuskin (Челюскин) không hoàn toàn có khả năng phá băng, đi qua toàn bộ tuyến đường Bắc Cực và đi qua Vịnh Kola, nằm trong vòng Bắc Cực.
Điều đáng nói hơn là Chelyuskin vẫn còn nguyên vẹn sau chuyến thám hiểm.
Các sự kiện trên cho thấy Bắc Cực cũng nằm trong chu kỳ ấm vào năm 1878 và 1933. Viện sĩ Mattisov hỏi một cách mỉa mai: “Trí nhớ của chúng ta thực sự ngắn đến vậy sao?”
Ông Mattisov tin rằng: “Chúng ta đang hướng tới Kỷ băng hà nhỏ, nhưng nó sẽ đến hàng nghìn năm sau. Sự thay đổi này không được nhận thấy trong cuộc sống của con người…”
Ông nói rằng sự xuất hiện của mùa đông lạnh giá, hạn hán, hỏa hoạn và lượng mưa lớn ở khu vực châu Âu của Nga đều chứng minh rằng sự sống trên hành tinh của chúng ta đang mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ nguội lạnh toàn cầu. Ông chỉ ra rằng mùa đông ấm bất thường năm ngoái ở miền trung nước Nga không cho thấy khí hậu ấm hơn, bởi vì vào thời điểm đó, Bắc Mỹ rất lạnh và có tuyết ở Trung Đông.
Viện sĩ Mattisov tin rằng băng ở Nam Cực chứa 92% lượng băng trên đất liền. “Nếu vương quốc lạnh giá này bắt đầu thực sự tan chảy, thì chúng ta có thể nói về sự ấm lên không lường trước được, mực nước của các đại dương trên thế giới sẽ tăng thêm 60 mét, v.v.”. Tuy nhiên, ông ngay lập tức chỉ ra rằng Nam Cực là một hệ thống rất ổn định, những lý do cho điều đó vẫn còn được xem xét, nhưng sự ổn định là một sự thật. Do đó, do khí hậu trái đất nóng lên, nên lũ lụt toàn cầu thực sự không đáng nói.
TNS Ted Cruz: Chính sách của TT Biden cho phép tội phạm, kẻ hiếp dâm vào nước Mỹ
Hôm thứ Năm (25/2) thượng nghị sĩ Ted Cruz chỉ trích gay gắt chính sách về nhập cư của TT Biden và gọi đó là “kế hoạch nhập cư cấp tiến nhất mà một chính quyền từng đề xuất trong lịch sử”, theo Breitbart.
“Họ [chính quyền TT Biden] đã đề xuất cho phép tất cả những ai bị trục xuất khỏi đất nước này trong bốn năm qua được trở lại. Và tội phạm, những kẻ giết người, những kẻ hiếp dâm cũng không phải ngoại lệ. Ý tôi là, điều này hoàn toàn kỳ lạ khi chính quyền liên bang từ chối thực thi luật pháp nhằm chống lại tội phạm bạo lực”.
TNS lưu ý, “Và thành thật mà nói, điều này làm cho đất nước của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn…”
Ông Cruz khen ngợi những người nhập cư vào nước Mỹ một cách hợp pháp. Tuy nhiên, ông nói đảng Dân chủ đã bị cực đoan về vấn đề nhập cư khi họ “thậm chí không sẵn sàng thi hành luật pháp chống lại những tên tội phạm bạo lực đang phạm những tội ác kinh hoàng”.
Bình luận của TNS Cruz được đưa ra trong bối cảnh một thẩm phán liên bang chặn vô thời hạn lệnh cấm trục xuất dân nhập cư trái phép trong ít nhất 100 ngày của ông Biden.
Vài giờ sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, chính quyền ông Biden đã ban hành một bản ghi nhớ, nhằm ngăn chặn hầu hết việc trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp trong ít nhất 100 ngày. Sắc lệnh này sau đó đã bị Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton đã đệ đơn kiện.
Hôm thứ Tư, Thẩm phán quận Hoa Kỳ Drew B. Tipton đã ban hành lệnh sơ bộ, theo đó ngăn cản chính quyền ông Biden thực hiện sắc lệnh tạm dừng trục xuất cho đến khi Tòa án quận phía Nam Hoa Kỳ thuộc Texas, Tòa phúc thẩm Vòng thứ năm của Hoa Kỳ hoặc Tối cáo Pháp viện Hoa Kỳ giải quyết vụ kiện do ông Ken Paxton đệ trình.
Ông Dale Wilcox thuộc Viện Luật Cải cách Di trú (IRLI) gọi động thái chặn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp của ông Biden là một “nỗ lực kỳ lạ và nham hiểm nhằm đóng cửa toàn bộ hệ thống thực thi pháp luật nhập cư của chúng ta”.
Giám mục Texas: Đạo luật Bình đẳng của TT Biden đe doạ tới trái tim nước Mỹ
Thứ Tư (24/2) Giám mục Joseph Strickland của thành phố Tyler Texas, tiểu bang Texas đã cảnh báo rằng Đạo luật Bình đẳng do TT Biden đề xuất sẽ gây thiệt hại không kể xiết cho đất nước nếu được thông qua, theo Breitbart.
“Đạo luật Bình đẳng đang được Quốc hội xem xét là mối đe dọa đối với những người có đức tin ở quốc gia này,” Giám mục Strickland nói trên Twitter. “Tôi kêu gọi tất cả những ai tin vào Chúa và sự thật trong Khải huyền của Ngài hãy lên tiếng và cho các thành viên Quốc hội và Thượng nghị sĩ của mình biết rằng, dự luật này đe dọa trái tim của quốc gia chúng ta.”
Hôm thứ Hai (22/2), chủ tịch Liên đoàn Công giáo Bill Donohue đã cảnh báo trong một bài viết đăng trên website của tổ chức rằng, Đạo luật Bình đẳng này sẽ “thúc đẩy cuộc tấn công toàn diện nhất đối với Cơ đốc giáo từng được đưa vào luật.”
Ông Donohue phân tích rằng Đạo luật Bình Đẳng có 2 mục đích: Thứ nhất, nó sẽ sửa đổi Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 để đưa khuynh hướng tình dục và bản dạng giới vào định nghĩa giới tính. Thứ hai, nó sẽ làm suy yếu Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo bằng cách ưu tiên quyền của người đồng tính hơn quyền tự do tôn giáo và lương tâm.
Nghiêm trọng hơn, Đạo luật Bình đẳng còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó tới các dịch vụ tiêu dùng như chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, nó có thể ép các cơ sở chăm sóc sức khỏe phải cung cấp liệu pháp hormone và thủ tục phẫu thuật nhằm thay đổi giới tính. Ông Donohue lo ngại rằng những người Công giáo, những bác sĩ lương tâm hoặc các bậc cha mẹ sẽ không thể lên tiếng phản đối những cuộc phẫu thuật chuyển giới dưới Đạo luật này.
Tương tự, các nhà lãnh đạo Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) cũng lên tiếng chống lại Đạo luật Bình đẳng. Trong một bức thư gửi đến các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, các giám mục cảnh báo Đạo luật Bình đẳng sẽ “phân biệt đối xử chống lại những người có đức tin” và “gây ra nhiều tổn hại về mặt pháp lý và xã hội cho người Mỹ.”
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào